LUẬN A TỲ ĐẠT MA CÂU XÁ THẬT NGHĨA SỚ
Tác giả: Tôn giả Tất-địa-la-mạt-để (An Huệ)
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 1
Kính lạy Thế Tôn – núi đức cao
Kính lạy Chánh pháp bể trí sâu
Kính lạy Tăng già – chúng hòa hợp
Kính lạy Luận chủ cùng Thầy con
Con đem đom đóm giúp ánh dương
Tùy sức rộng bày tạng Đối pháp
Để pháp trụ lâu lợi quần sinh
Nguyện đem uy thần, hiện hộ trì.
Phẩm 1: PHÂN BIỆT GIỚI
Phần thứ nhất Phân biệt giới có bảy nghĩa:
- Trí viên mãn.
- Đoạn viên mãn.
- Lợi tha viên mãn.
- Phương tiện viên mãn.
- Ứng cúng viên mãn.
- Tâm kỳ vọng viên mãn.
- Phương tiện viên mãn.
Vì tôn kính pháp nên thường ưa thích nghe, do đó phát sinh văn tuệ, từ đấy sinh tư tuệ, phát khởi tu tuệ sinh tuệ vô lậu. Do tuệ vô lậu có thể đoạn các hoặc, vì đoạn các hoặc nên liền chứng đắc. Vì thế gọi là lợi ích của hành vi.
Bảy nghĩa căn cứ trong bài tụng. Tụng nói: “Tất cả các thứ tối tăm diệt” là nghĩa Trí viên mãn. “Các diệt” là nghĩa Đoạn viên mãn. “Cứu chúng sinh ra vũng bùn sinh tử” là nghĩa Lợi tha viên mãn. “Kính lễ Như thị” là nghĩa Ứng cúng viên mãn. “Như lý sư” là nghĩa Phương tiện viên mãn. Vì Đức Thế Tôn có phương tiện thù thắng thuyết giáo như lý lợi lạc hữu tình. “Luận như thế tôi sẽ nói” là nghĩa Tâm kỳ vọng viên mãn, muốn tạo luận. “Đối pháp tạng” là nghĩa Lập danh viên mãn. Để thâu tóm bảy nghĩa này tụng nói:
Trí đoạn và lợi tha
Phương tiện, mong tạo luận
Lập danh tạng Đối pháp
Thâu bảy nghĩa nên biết.
Sắc pháp, tâm pháp, tâm sở hữu pháp, bất tương ưng pháp và vô vi pháp, trong cảnh nơi đối tượng nhận biết của năm pháp này, thế gian không thể hiểu rõ, chỉ riêng Phật tỏ ngộ vì vĩnh viễn đoạn các hoặc, nên đối với thời gian rất xa như ngoài ba a-tăng-kỳ kiếp quá khứ, vị lai, thì các Thanh văn, Độc giác không thể biết. Làm sao biết được? Như xưa có một người đến chỗ Tôn giả Xá lợi tử cầu xin xuất gia. Tôn giả quán thấy người này trong hai a-tăng-kỳ kiếp không có thiện căn xuất gia bèn không chấp nhận. Người này bèn đến Phật cầu xuất gia, Phật quán thấy ngoài hai a-tăng-kỳ kiếp ra, người này còn chút thiện căn, nên chấp thuận cho và nói kệ:
Hạt giống giải thoát kia
Ta xem thấy rất nhỏ
Như vàng thật trong quặng
Ẩn giấu nơi đất này.
Đức Mục-liên quán sát mẹ mình ở đâu, sinh loài nào? Không biết, đến hỏi Phật, Phật bảo: “Mẹ ông ở thế giới Ma-lợi-chi, cách đây ba ngàn thế giới”.
Như thế, rất nhiều loại để phân biệt mà với trí của hàng Thanh văn đều không thể thấu đạt.
Tất cả quả đạt được do tu phước và trí đều vì lợi tha không phải tự lợi, như ánh trăng trong sáng soi tỏ mười phương, bi nguyện của Thế Tôn cũng như thế. Lại có tụng nói:
Phước hồi hướng thí và lợi mình
Hai phước đức tự tu, hồi thí
Lại nhận lợi lạc các hữu tình
Các loại phước trí như ở trên
Quả mình chứng đắc chẳng phải ai
Phước hạnh nguyện và hồi hướng thí
Mình, người đều lợi chẳng uổng công.
Như thế dù nói tự lợi theo nhân và quả, cũng có thể tạo lợi ích cho người khác. Có tụng nói:
Sữa mẹ ngọt ngon dùng nuôi thân
Vì con được yên chẳng vì mình
Phật tu phước, trí hướng Bồ-đề
Chính vì lợi sinh chẳng vì mình.
Tụng nói:
Lúc mưa dẫu đều khắp
Không giống, mầm chẳng sinh
Phật dù hóa thế gian
Mà thiếu duyên, không quả.
Tụng nói:
Thiện tri thức là ai?
Là Phật khiến trí sinh
Lìa buông lung, hạnh ác
Trái đây tức bỏ lìa.
Đối pháp đúng như sự hiện hữu của nó thì đạt được tuệ, làm nhân cho văn tuệ, văn tuệ làm nhân cho tư tuệ, tư tuệ làm nhân cho tu tuệ, tu tuệ làm nhân cho tuệ vô lậu, tuệ vô lậu làm nhân cho Niết-bàn. Vì nghĩa này nên được gọi Đối pháp. Vì có công năng làm tăng trưởng các tuệ như văn tuệ v.v… hoặc xả bỏ các thứ hữu vi, chỉ vui Niết-bàn nên gọi là thù thắng. Khổ, Tập, Đạo đế làm tuệ của Niết-bàn. Phật dạy: “Dựa vào pháp, không dựa vào người”. Tụng nói:
Nếu lìa trạch pháp, không gì khác
Phương tiện thù thắng diệt các
Hoặc Do Hoặc, thế gian trôi biển Hữu
Nhân đức này, Phật nói Đối pháp.
Luận nói: “Nếu lìa trạch pháp, không có phương tiện nào thù thắng hơn có thể diệt các Hoặc”. Phật bảo A-nan: “Ta còn tại thế, nương tựa theo ta, ta diệt độ không còn chỗ nào nương tựa, nên nương theo kinh chớ để quên mất”.
Phật nói: “Già nua xuất gia, trì tam tạng của ta thật khó được”.
Tam tạng là Kinh, Luật và Tạng pháp (Luận).
Xưa, vào thời Đức Phật Ca-diếp có một vị Tỳ-kheo thông minh, học rộng, tinh thông đủ Tam tạng, thường dùng ngữ nghiệp chê bai mắng nhiếc người xuất gia, tại gia, như nói là các loài cầm thú, chó, cá, chim cú v.v… Sau khi mạng chung, nhân theo nghiệp trước, Tỳ-kheo này đọa làm thân một con cá lớn ở biển, hình thù cực lớn có mười tám đầu, chịu đủ mọi khổ, đến khi Đức Thế Tôn xuất thế cũng chưa hết khổ.
Sau, có những người đánh cá, số đến một ngàn, vây bủa lưới bắt cá này. Cá mắc lưới kéo mãi không lên, rồi đến cả ngàn người cùng kéo mới lên bờ, và nhìn thấy hình dạng nhiều đầu quái lạ đáng sợ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn quán thấy biết quả báo cuối cùng của cá kia, bèn dẫn đại chúng đến bờ biển, trải tòa ngồi, rồi bảo con cá: “Này Tam tạng! Ông lẽ nào chẳng phải là Tỳ-kheo Tam Tạng ở thời Phật quá khứ chăng?”. Cá nghe rồi lệ rơi đầy mắt. Lúc ấy, Phật vì cá giảng nói nhân duyên đời trước. Cá nghe xong ăn năn sám hối, nguyện không ăn uống mà chết, nhân đấy sinh lên cõi trời. Bấy giờ, trong chúng hội nghe Phật giảng nói, đều tự chính mình thu hoạch lợi ích lớn.
Năm uẩn không thể thâu tóm tất cả pháp, thế nên không nương tựa năm uẩn mà nói trước có nhiễm, sau phải có tịnh, vì làm thanh tịnh nhiễm kia nên trước nói pháp hữu lậu, sau nói pháp vô lậu, vô vi.
Tụng nói:
Tỳ-kheo ý tịch tĩnh
Đoạn vĩnh viễn các sự
Tận trừ hết sinh tử
Nên không thọ hữu sau.