LONG THƯ TĂNG QUÃNG TỊNH ĐỘ VĂN
SỐ 1970
QUYỂN 01
Quốc học tiến sĩ Vương Nhật Hưu soạn
LỜI TỰA
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín tâm là đầu mối của đạo, là mẹ của công đức, có thể nuôi lớn các thiện căn.” Vì vậy người ta nói: “Kẻ tu Tịnh độ cần phải có tín tâm.”
Tịnh độ là thế giới Cực lạc ở phương Tây. Những sự trang nghiêm siêu việt ở thế giới ấy được mô tả tường tận trong kinh A-di-đà. Như Lai A-di-đà là Đức Phật ở thế giới ấy. Lúc chưa thành Phật, Ngài có phát bốn mươi tám nguyện, lời nguyện nào cũng để cứu độ chúng sinh, nên chúng sinh nào muốn sinh về cõi ấy thì chỉ cần xưng danh hiệu Phật A-di-đà một lần là được toại nguyện. Người đời sau dạy kẻ sắp qua đời xưng niệm mười tiếng, gọi là thập niệm. Làm như thế có lợi ích gì không? Dĩ nhiên là có! Bởi lẽ, những người ngày thường không làm những điều ác, tu tập những điều lành; niệm niệm đều nghĩ nhớ đến Tây phương, đều mong thấy Phật A-di-đà, đến lúc lâm chung vẫn không quên thì sẽ được vãng sinh về Thượng phẩm và không đọa lại nơi cõi đời ác uế trược nữa. Chỉ vì bọn Xiển-đề đã không tin Tịnh độ, lại bị ác nghiệp làm đui mù; chúng đã không tu tập lại còn ngăn cản kẻ khác. Những bọn ấy sẽ bị sa vào địa ngục nhanh như tên bắn. Thật đáng xót xa thay! Như những người ở vùng biên viễn, cách cư xử và ăn mặc của
họ như loài cầm thú, thì không thể biết được sự phú quý xa hoa ở kinh thành. Một sớm, nếu có người nói với họ về tình hình ấy thì họ đều cho là bịa đặt. Nếu trong số họ dù chỉ có một người nghe và tin, đồng thời luôn nghĩ nhớ, ưa thích chốn đô thành và vô cùng chán ghét nơi mình đang ở, những mong được chết đi để sinh vào chốn phồn hoa đô hội ấy. Lẽ nào những kẻ sinh vào kinh thành ngày hôm nay lại không có những người trong số họ? Và lẽ nào lại không có những vùng biên viễn trên trái đất này? Đã có châu Nam Thiệm-bộ này tất nhiên phải có Tịnh độ. Vậy, bỏ đây để sinh nơi khác là lẽ thường, tại sao lại không tin?
Chư Phật không bao giờ nói lời giả dối và phỉnh gạt chúng sinh. Những bậc Tiên hiền, Đạt sĩ cho đến chư vị Tông sư ở cửa Thiền phần nhiều đều tu Tịnh độ. Song, chỉ có Vương cư sĩ là tin sâu và chuyên tâm tu tập mà thôi. Vả lại, do chánh niệm hiện tiền, phúc lâm chung được minh bạch, nên việc sinh về Tịnh độ của cư sĩ thật đáng tin. Ông thực hành việc tự lợi lợi tha và trước tác Tịnh độ Văn gồm mười ba quyển. Trong tác phẩm ấy, ông trích dẫn kinh sách của ba giáo thuyết là Phật, Nho và Lão làm bằng chứng. Sự hoằng hóa và khai đạo cho người sau của ông có thể nói là “Một niệm mà gồm cả ngàn năm”. Trải bao năm tháng, tác phẩm ấy bị lu mờ nên không thể đọc được.
Cháu tôi là Tốn Trai Lữ Nguyên Ích, hiệu là Khang Lư ẩn khách, là con trai tiên huynh tôi. Do đã từng gieo trồng thiện căn nên nay cháu sinh vào gia đình tôi. Sự sửa mình lập thân của cháu đều do Đạo, luôn có lòng yêu kẻ cơ hàn, bệnh tật. Những kinh sách của Lão và Phật đều in ấn để cúng dường và làm công ích. Việc tu tập Tịnh độ thì tự cháu biết lấy. Quả thật tôi vô cùng sung sướng khi thấy có người như cháu mình đang chùi rửa cái chén rượu xưa trong thau chén, bát, đĩa… Vì vậy, tôi gọi cháu là thiện nhân, quân tử.
Tôi phát tâm khắc lại bản gỗ vì muốn tác phẩm của Vương cư sĩ được phổ biến lâu dài, và mong tất cả mọi người đều quy hướng cõi Cực lạc. Lúc khắc đến bản thứ chín, thứ mười của quyển thứ tư, thì bút sắc bỗng dừng và có ba viên xá-lợi hiện ra trong lằn gỗ. Màu sắc của xá-lợi rực rỡ khiến ai cũng kinh ngạc! Sở dĩ có hiện tượng ấy là do sự hiện Bi Trí của Phật A-di-đà, nguyện lực của cư sĩ Long Thư và tín tâm kiên cố của cháu tôi. Chúng ta có thể nói Phật pháp không linh nghiệm và Tây phương không có chăng? Bản cũ đã khắc lại, duyên lành đã đủ, nên ngưỡng nguyện chư nhân giả không nên nhầm lẫn hai mặt Bối và Hướng của bản giấy. Tuy là bản tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ, nhưng đã là người thì phải có lòng tự trọng!
Ôi! Dẫu kiến thức của bậc trí khác với người nhân, nhưng hạng người trung bình trở lên là đã nói được.
Viết vào năm thứ ba niên hiệu Diên Hựu. Ngày trung thu năm Bính Thìn, Tín sĩ đồng tu Tịnh độ ở các nơi luôn làm như Đại phu, Tài phú đô, Tổng phủ, phó tổng quản, Cổ Thọ, Lữ sư v.v…, cùng làm sách tại Tín đường Ngụ xá ở Tầm dương.
LỜI TỰA VỀ TỊNH ĐỘ VĂN
Phật A-di-đà thường đem nguyện lực lớn để nhiếp thọ quần sinh, nên hành giả tu tập thì dễ mà chứng quả lại rất nhanh. Có người nghi ngờ hai vấn đề đó, nên tôi thường nói với họ rằng: “Phật A-di-đà là tánh của ông. Cõi Cực lạc là tâm của ông. Vì chúng sinh bỏ tánh giác hợp với trần lao, bị trôi chìm trong bảy nẻo, nên mới cách xa ngút ngàn với Phật. Vì lý do đó mà Đức Phật mới dùng lòng từ bi hiện ra vô số Tam-muội như huyễn để khai thị và làm cho chúng sinh được ngộ nhập, tạo đủ loại hoa quý để trang nghiêm cõi nước của mình, rồi lại dùng trí biện tài thuyết pháp khiến chúng sinh hoan hỷ, yêu thích. Nếu trong mỗi ngày chúng ta phát khởi được một niệm, nghĩ nhớ đến Phật A-di- đà, muốn sinh về Cực lạc thì tâm niệm ấy là tâm niệm thanh tịnh kiên cố, quay lại với bản tánh vốn có, không khác với Phật. Vì vậy, ngay lúc đang niệm, dẫu hành giả không rời chỗ ngồi mà Phật A-di-đà và cõi Cực lạc vẫn hiển hiện. Tu tập như thế đến lúc thuần thục thì dẫu thân này tan rã nhưng bản tánh ấy vẫn không hư hoại. Sen vàng, đài hoa… đều sinh ra từ chủng tánh. Chúng sinh vãng sinh trong bản tánh ấy, như trở về túp lều của mình; chư Phật và Bồ-tát là quyến thuộc của ta, bởi cùng Thể tánh nên đều là thân hữu”.
Bạn tôi là Long Thư Vương Hư Trung. Bản tánh ông thanh cao điềm đạm, bác thông kinh sử, lại có viết để dạy và truyền về Lục Kinh. Một hôm, Vương bỏ hết và nói rằng: “Chúng đều là thế pháp chứ không phải là chân lý. Tôi nay chỉ lấy cõi Cực lạc Tây phương làm nơi nương tựa cuối cùng”. Từ đó, ông chuyên cần niệm Phật. Năm sáu mươi tuổi, ông mặc áo vải, ăn chay và đem Tịnh độ đi khắp mọi nơi để giáo hóa mọi người; dẫu gió mưa nóng lạnh gì vẫn không sờn lòng nhụt chí.
Ngày thường, ông lễ Phật một ngàn lạy, đến khuya mới ngủ, Thần thái rất rạng rỡ ai nhìn cũng tin là người có tu hành. Niên hiệu Thiệu
Hưng, vào mùa thu năm Tân Tỵ khi tôi đến nhà ông ở Tuyên thành và lưu lại đó hai tháng mới đọc được bản Tịnh độ Văn này. Trong tác phẩm ấy có đủ những chương pháp môn tu tập, cảm nghiệm v.v… Vì ông sắp nhờ tín hữu khắc bản để truyền bá, nên nhờ tôi viết lời tựa. Tôi viết đầu tác phẩm ấy rằng Hư Trung tên Nhật Hưu.
Sáng tháng mười Trạng nguyên Lịch dương – Trương Hiếu Tường viết lời tựa.
LỜI TỰA VỀ TỊNH ĐỘ VĂN CỦA LONG THƠ
Tịnh độ là con đường nhanh tắt vượt thoát luân hồi. Cư sĩ Long Thơ đã viết thành sách và lưu hành rộng rãi để khuyến khích mọi người thực hành thì ắt sẽ được vãng sinh. Duy tâm của ông thât chân thành và sâu xa. Muốn xem đọc thì cần phải hiểu rõ ý vị lời lẽ và suy nghĩ kỹ về nghĩa của sách. Nếu chỉ xem qua loa thì chỉ uổng công, đắm đuối theo việc khác. Hoặc hơi cảm thấy lười nhác, chỉ xem chốc lát rồi sau xem tiếp thì chẳng còn chút ý niệm gì trong long, ý nghĩa sách không còn liền lạc, không phát khởi được niềm tin, thì lời văn trở thành vô dụng. Mong mọi người chớ bỏ xó bản này ở nơi lầu cao, mật thất v.v… mà cô phụ tấm lòng Cư sĩ Long Thơ, mà kẻ hèn này siêng năng khắc bản cũng không uổng công. (Lữ Nguyên Ích ghi).
LỜI TỰA TỊNH ĐỘ VĂN ĐƯỢC TÁI BẢN
Giáo pháp do Đức Phật nói ra vốn không giống nhau: một điều đối xứng, hiển mật, thiên, viên, ba thừa năm hành, tùy mình tùy người, đủ thứ sai biệt; trong những công phu để tu tiến thì niệm Phật đứng đầu. Kẻ phàm phu còn đầy lậu hoặc tu tam quan thì trí hiển bày bản tánh là Phật. Tổ Pháp Trí nói: Tâm cảnh đều không thì nhiễm ô đều trở thành thanh tịnh. Không bị duyên sinh ngăn ngại thì tưởng thành tướng khởi. Vì duy sắc duy tâm nên ngay đây thấy rõ chánh quyết của Tam-muội quán Phật, kẻ có mắt đều có thể thấy. Tất cả những việc tán tụng, lễ bái, trì giới đều là chánh nhân của Tịnh nghiệp, hạnh trợ phụ của chánh quán. Tuy đài sen có vàng, có bạc, phẩm có cao thấp, nhưng địa vị Vô
sinh pháp nhẫn và Bất thoái chuyển thì chỉ có một. Bản Tịnh độ văn và phần phụ lục của Long Thơ, Vương Hưng Trung đời Tống tổng cộng có mười ba quyển, năm Gia Hòa, tăng Cẩn Điểm (?) hiệu đính lại thành mười hai quyển. Lậu Trạch tăng tụng niệm và in ấn, lưu hành. Suốt ngày niệm tâm, suốt ngày niệm Phật, bên trong có tâm thì đầy đủ cả tam thiên. Tâm tưởng cảnh ấy, lại hiểu rõ tâm này, niệm tâm là Phật, toàn Phật là tâm. Về sau đức Bát-nhã hiển bày, đức giải thoát sáng rỡ, đức pháp thân trọn vẹn, pháp giới viên dung, thể bất tư nghì tức là luận này chứ không phải công của vua Vũ (?)
Năm Tân Sửu niên hiệu Thành Hóa thứ mười bảy, ngày Phật thành đạo. Ngân huyện, Giang nam, Khê Thu Nguyệt viết tựa.
Thừa tướng Chu Ích Công có bài tán rằng:
“Rạng rỡ mà không cầu,
Kính cẩn mà không lo âu,
Thương đời sắp đọa,
Quy tụ nhiều người để cùng tu.
Dẫn dắt người thì lấy nhân nghĩa làm đầu,
Giáo hóa người thì lấy tịch diệt làm vui, M
ọi người chỉ thấy ông tạo tác,
Mà nào hay:
Ông vẫn vô vi.
Bởi vậy,
Trung đạo vốn bao la bát ngát,
Khai thị cho người thì đem
Chân giác mà bày.”
Bài tán của Tấn Hiên Lý cư sĩ:
“Tâm thì không thiếu mảy trần,
Ứng tích lại xen cùng tục,
Bàng cư sĩ tu hành không nhà cao cửa lớn,
Hà Tử Quý tinh tấn bỏ luôn mùi cá thịt.
Thiền tông lập ngôn thấu suốt những nghi ngờ,
Sùng phạm hạnh của Liên Trì,
Cùng Thần cơ của Phật, Tổ.
Gương mặt rắn rỏi,
Áo quần đơn sơ,
Trạm nhiên nhất tánh chừ,
Tây phương là nơi chốn quay về”.
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 1
(PHÁT KHỞI TÍN TÂM VỚI TỊNH ĐỘ)
Giáo thuyết Tịnh độ đa phần được thấy ở sự dụng công trong ngày thường, công còn lại của nó được thấy ở thân sau. Song, những người không biết lại cho nó chỉ thuần là việc của thân sau. Họ hoàn toàn không biết sự lợi ích của Tịnh độ đối với lúc còn sống. Vì sao? Vì những điều Phật dạy con người không ngoài việc thiện, và nó cùng với những điều dạy người của Nho giáo không khác nhau, khác chăng là ở danh từ. Bởi thế, những người lấy Tịnh độ làm tâm thì chắc chắn được thấy ở sự dụng công hàng ngày. Nghĩa là, tất cả sự nghĩ nhớ của ý, lời nói của miệng, và hành động của thân đều thiện. Thiện là quân tử, là đại hiền. Hiện tại họ được mọi người kính trọng, Thần linh phù hộ, phước lộc dồi dào, mạng sống lâu dài. Do vậy, tôi nói rằng những ai tin lời Phật, lấy Tịnh độ làm tâm, thì kẻ nào có thể cho rằng không lợi ích khi còn sống? Kế đến, có kẻ bị nghiệp duyên chi phối nên không thể chuyên tâm với Tịnh độ, nhưng chỉ có chí hướng thôi thì ác duyên có thể bớt dần; thiện duyên cũng từ đó mà nhân lên. Do ác duyên giảm mãi, nên cuối cùng điều ác dứt sạch; do thiện duyên tăng mãi nên cuối cùng điều thiện được tinh thuần. Một khi điều ác đã hết, điều thiện đã thuần, thì nếu không gọi họ là quân tử, là đại hiền thì phải gọi họ là gì? Vì thế, tôi nói rằng kẻ nào theo lời Phật lấy Tịnh độ làm tâm thì không ai có thể nói là không ích lợi lúc sinh tiền. Lại nữa, ngay đến kẻ không biết lễ nghĩa, không sợ hình phạt, chỉ chuộng sức mạnh của khí lực và thân thế nhưng nếu biết lấy Tịnh độ làm tâm thì cũng biết xét mình và tự thẹn. Đó gọi là, tuy họ không có thể phù hợp với lễ nghĩa, nhưng cuối cùng cũng gần với lễ nghĩa; tuy không thể thoát khỏi mọi hình phạt, nhưng cũng xa dần được chúng. Dần dần họ sẽ thoát được thân phận tiểu nhân để cuối cùng có được tác phong quân tử. Ngay những người tầm thường dầu chỉ biết sơ sài về Phật lý, thì người đời cũng đã gọi họ là thiện nhân. Đó không phải là hiệu quả hiện thời ư? Bởi vậy, tôi nói rằng những kẻ vâng lời Phật, lấy Tịnh độ làm tâm, thì ai có thể bảo là vô ích lúc còn sống?
Có người hỏi: Cứ theo lời Khổng Tử lấy Nho giáo làm tâm thì cũng có lợi ích lúc còn sống, cần gì phải tu tập Tịnh độ? Đáp: Nho giáo là pháp thế gian chứ không phải là chân lý. Đã là thế gian thì không thể ra khỏi luân hồi. Pháp xuất thế gian thì vượt khỏi luân hồi. Tịnh độ là pháp lúc sinh tiền, lại có lợi ích đối với thân sau. Bởi vì, nó là pháp có lợi ích ở thế gian và cả xuất thế gian.
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 2
Giáo Lý Tịnh độ có Lý và tích. Luận về lý thì thấy ở công dụng hằng ngày và không khi nào hành giả rời khỏi nó. Đó là những gì tôi đã nói ở thiên trước. Bàn về Tích thì nó được thấy trong khoảng thời gian của buổi trà sớm mà chẳng câu nệ vào cả ngày, đó là pháp Mười niệm. Bởi rằng, pháp môn tu trì gồm có chín phẩm, nên ai cũng có thể thực hành. Tuy kẻ ác nhưng Phật vẫn không từ bỏ, chỉ cần hồi tâm hướng thiện là thành người thiện rồi. Bởi thế, pháp môn mười niệm này mọi người đều có thể tu trì. Như căn phòng tối tăm từ lâu, nhưng lúc có ngọn đèn thì nó được sáng lên. Cho nên, dẫu là kẻ giết bò mổ trâu nếu buông dao thì có thể tu tập. Bởi việc tu tập ấy không khó và cũng không trở ngại những việc đời, nên kẻ làm quan không bê trễ đối với chức nghiệp, kẻ sĩ không bê trễ đối với việc cày cấy, người ở công đường không sơ sót đối với việc thờ bề trên, nó cũng không ngăn vướng đối với việc tham thiền của Tăng sĩ. Nói chung, pháp môn này không ngăn vướng đối với mọi công việc. Vì vậy, tôi nói rằng pháp Mười niệm có thể làm tư lương trải qua trăm ngàn kiếp mà vẫn không hư hoại.
Nay có người đổi một tiền vàng được lời hai tiền, liền vui mừng cho là lãi nhiều; kẻ trong một ngày đi được một quãng đường của hai ngày thì cũng hớn hở vì cho rằng mình đi được nhiều. Vậy là, đối với vật ngoài thân, dầu chỉ được chút ít nhưng lại biết vui mừng. Giả sử họ đổi hai tiền mà chỉ thu được một, đi hai ngày mà chỉ bằng lộ trình của một ngày, thì lập tức họ sẽ buồn khổ vì cho rằng mình bị lỗ và phí. Vậy là, đối với vật ngoài thân dầu chỉ mất chút ít mà lại biết buồn bực. Thế tại sao đời ta cứ trôi nổi một cách vô bổ trong lúc thời gian có hạn, sự tổn thất lớn lao ấy ta lại không biết buồn đau? Đối với nhân duyên của Tịnh độ, may mắn lắm ta mới được biết, cái được ấy rất to tát, tại sao ta không sung sướng?
Than ôi! Những kẻ thấy được chút ít, mất chút ít mà biết buồn khổ; đến như được nhiều, mất nhiều thì lại hoàn toàn vô cảm! Huống gì thời gian dụng sức của pháp này tuy ít nhưng kết quả lại vô cùng nhiều, tại sao mọi người không chịu tu tập? Quả thật, nếu đời này mà không tu hành thì that đáng xót xa!
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 3
Kẻ vừa nghe nói về cảnh Tịnh độ đa phần không tin, điều ấy chẳng có gì lạ! Bởi vì ngay cả những sự vật trước mắt mà họ còn bảo là không thấy thay, huống gì cảnh giới Cực lạc? Như có kẻ ở nơi chật chội, dơ bẩn thì làm sao biết được chỗ sạch sẽ, thoáng đãng? Kẻ ăn rau cỏ trong chén bát nhỏ làm sao biết có phòng ăn rộng lớn? Kẻ nuôi một vài con vật trong cái chuồng xấu nhỏ thì làm sao biết có chỗ khoảng khoát của thiên phủ? Vì vậy, chúng sinh ở cõi Ta-bà đầy dẫy ác trược, tất nhiên không thể tin có cõi Phật thanh tịnh; người sinh ra từ bào thai tất không biết ở Cực lạc có sự hóa sinh nơi hoa sen; kẻ sống không đến trăm tuổi nào hay có thọ mạng vô hạn; kẻ phải làm nhà, may áo tất không biết có áo mặc, thức ăn tự nhiên; kẻ có niềm vui trộn với nỗi buồn tất không biết được trạng thái an lạc thuần túy. Bởi thế, chúng ta không nên lấy sự không thấy trước mắt để không tin những lời của Phật. Đức Phật đã đem giới vọng ngữ để răn dạy thì tất nhiên Ngài không nói lời giả dối để phỉnh gạt mọi người. Người đời dùng vọng ngữ nếu không vì điều lợi thì cũng là để tránh điều hại. Đức Phật không mong cầu chuyện thế gian, thì làm gì có việc vì điều lợi? Ngài xem sự sống chết như dao chém hư không, thì làm gì có chuyện tránh điều hại? Vì thế nên Đức Phật không bao giờ dùng đến vọng ngữ. Bậc trung nhân trở lên còn không nói dối để làm tổn thất đạo hạnh của mình huống gì Đức Phật. Vì vậy lời nói của Phật là đáng tin vô cùng. Tiên hiền nói: “Lời Phật mà không tin thì còn lời nào đáng để tin?” Thuở xưa, có kẻ vu khống một vị trung Thần là gian đảng rồi khắc tên ông vào bia đá, nhưng bia ấy bị thiên lôi đánh vỡ. Nay chư vị vua, quan, Cổ đức dùng lụa vàng quý chạm trổ, vẽ họa luân tàng để cất giữ lời của Phật, dùng hương hoa để cúng dường, nghiêm sức có Long Thần. Nếu những lời ấy là hư vọng dữ hơn tấm bia gian đảng kia, tại sao trải hơn một ngàn năm mà thiên lôi không đánh? Bởi vì lời của Phật là chân thật. Lời thành thật mà không tin thì còn trông đợi lời nào? Vì vậy không thể hoài nghi giáo thuyết Tịnh độ được! Huống gì sự cảm ứng của những người tu pháp môn này lại rất nhiều nên chúng ta không thể nghi ngờ.
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 4
Các Nho sĩ thường vì những môn đồ không giới hạnh của Phật mà khinh rẻ giáo lý rồi không tin luôn Tịnh độ. Thái độ ấy quả thật rất sai lầm! Lẽ nào vì sự chểnh mảng của Đạo sĩ mà khinh thị Lão Tử? Lẽ nào vì sự buông tuồng của Nho sĩ mà xem nhẹ Khổng Tử? Bậc trí còn không vì người mà bỏ lời, huống gì có thể vì môn đồ mà bài báng giáo lý của họ. Giáo lý của Phật có pháp Thế gian và xuất thế gian. Điểm tương đồng giữa pháp thế gian của Phật và Nho thì không thể nêu hết được. Ở đây, tôi chỉ trích dẫn những điểm chính mà thôi. Sở dĩ Đức Phật dạy người cũng không ngoài việc ngăn ngừa điều ác và khuyên làm điều thiện, lẽ nào Nho giáo lại không khuyên thiện răn ác ư? Tôi xin đem chuyện trước mắt mà nói: Đức Phật lấy sát sinh, trộm cắp, tà dâm làm ba nghiệp của thân. Khổng Tử nói: “Thắng tàn khử sát”. Kinh thi nói: “Đức của Văn Vương lan tỏa đến tậm chim, thú và côn trùng”. Đó là giới sát. Khổng Tử nói: “Ta chưa từng thấy người nào quý đức như mê sắc”. Kinh Thi nói: Ghét kẻ mê dâm sắc đẹp mà không quý chuộng đức hạnh. Đó là giới dâm. Đức Phật lấy vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu làm bốn nghiệp của miệng. Khổng Tử nói: “Làm người mà không có chữ tín thì ta không biết họ sẽ làm được gì.” Đó là vọng ngữ. Khổng Tử nói: “Những kẻ nói lời văn hoa tỉa tót, mặt mày hồ hởi thì lòng nhân rất kém.” Đó là giới ỷ ngữ. Lại nói: Người không tỏ ra mặt nhưng sau lại nói là giới lưỡng thiệt. Ác ngữ là âm thanh của lời nói dữ dằn, phẫn nộ, nhưng ác ngữ chưa phải là uế ngữ. Tuân Tử nói: “Lời nói làm tổn thương lòng người hơn cả gươm giáo”. Đó là lời răn đe kẻ có cái miệng độc ác và hung hãn. Đức Phật lại lấy tham, sân, si làm ba nghiệp của ý. Khổng Tử nói: “Lúc thấy của tiền thì phải suy nghĩ đến điều nghĩa.” Đó là giới tham. Khổng Tử nói: “Bá Di, Thúc Tề không nhớ những việc ác ngày trước.” Đó là giới sân. Khổng Tử nói: “Khốn khổ mà không học tập thì đó là hạng thấp hèn.” Đó là giới si. Căn cứ vào những lời trích dẫn đó, tôi nói rằng giáo lý của Phật và Nho chưa từng có sự sai khác. Điểm khác nhau là Nho giáo dừng ở thế gian trong lúc Phật giáo lại có pháp xuất thế gian. Vì Nho giáo dừng ở pháp thế gian nên chỉ luận bàn trong phạm vi một đời rồi quy nạp về Trời. Phật có pháp xuất thế gian nên biết đời đời nối nhau và thấy được gốc ngọn nghiệp duyên của chúng sinh.
Muốn biết sở trường của nhà Phật thì cần phải đọc kinh Lăng Nghiêm, Lăng Già, Viên Giác, kinh Vô Cái Chướng Bồ-tát Sở Vấn và hiểu được nội dung của kinh Kim Cương. Nếu ai chưa đọc mà vội bài bác thì đó là người mà Khổng Tử gọi là “Không biết nhưng vẫn làm càn.” Lẽ nào quý vị không cẩn thận tự răn đe mình? Nếu đúng như vậy thì Phật giáo là rất đáng tin cậy, vậy tại sao các vị không tin giáo lý Tịnh độ? Vì thế mà có người nói: “Tịnh độ là con đường quan yếu trong pháp xuất thế gian.” Chúng ta nên nỗ lực tu trì.
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 5
Có những vị tham thiền nói: “Đã duy tâm Tịnh độ sao lại có thêm Tịnh độ? Đã tự tánh Di-đà thì cần gì phải thấy Phật Di-đà?” Lời nói ấy như rất hợp lý nhưng hoàn toàn sai trái! Vì sao? Vì Tịnh độ Tây phương có đủ Lý và tích. Luận về Lý thì có khả năng làm cho tâm thanh tịnh nên tất cả đều thanh tịnh. Đó mới thật sự là duy tâm Tịnh độ. Luận về tích thì quả that có thế giới Cực lạc Đức Phật đã căn dặn cũng như đã thuyết minh tường tận về vấn đề ấy. Nói rằng, ai cũng thành Phật nghĩa là nói tuy tự tánh Di-đà là chân thật nhưng chúng ta chưa đạt đến mức độ ấy. Như khúc gỗ tốt có thể khắc chạm thành pho tượng Phật; muốn pho tượng đó đạt đến vẻ tinh vi thì phải thêm công đẽo gọt chứ không thể nói khúc gỗ tốt là tượng Phật đẹp được. Cho nên những kẻ nói “Duy tâm Tịnh độ thì không cần có cõi Tịnh độ; đã có tự tánh Di-đà thì không cần thấy Phật Di-đà, là hoàn toàn lầm lạc!”.
Lại có người tuy tin Tịnh độ, nhưng lại bị vướng vào giáo lý Duy tâm hời hợt cho nên nói rằng không cần sinh Tây phương! Lại nói rằng tham thiền để ngộ bản tánh, để vượt cả Phật và Tổ, cần gì phải thấy Phật! Cả hai loại nhận thức trên đều điên đảo cả! Vì sao? Vì những lời ấy quá cao siêu nhưng không dễ gì đạt được! Cõi Tịnh độ Tây phương không có tham, sân và si, nhưng thử hỏi lòng ta không có tham, sân và si chăng? Chúng sinh ở Cực lạc nghĩ đến áo là có áo, nghĩ đến ăn là có thức ăn, nghĩ đến sự an tĩnh liền được an tĩnh, muốn đi là đi được ngay. Trái lại, chúng ta nghĩ đến áo nhưng không có áo nên cái lạnh làm tâm tư rét buốt; nghĩ đến ăn nhưng thức ăn không có nên cái đói dày vò bụng dạ; muốn an tĩnh nhưng không được an tĩnh được nên bị sự loạn náo rỉa rói Thần kinh; muốn đi nhưng không đi được nên bị dây hệ lụy dằn xé tâm tưởng. Như thế, nói Duy tâm Tịnh độ thì quả là những lời sáo rỗng! Lại nữa, phước đức của Phật A-di-đà nặng như non biển; sức
mạnh của Ngài nâng được cả Trời đất và biến địa ngục thành hoa sen như trở bàn tay. Ngài nhìn thấy thế giới nhiều vô số như nhìn vật trước mắt. Còn chúng ta? Phước lực không đủ để tự cứu mình, luôn sợ túc nghiệp sâu dày kéo đầu xuống địa ngục thì nói gì đến chuyện biến địa ngục thành hoa sen! Sự việc chỉ cách bức tường ta còn mù mịt thì nói gì đến chuyện nhìn thấy vô số thế giới! Như vậy, nói rằng “Tự tánh Di- đà” chỉ là những lời mộng mị! Thật ra tuy tâm của ta có thể tạo ra cảnh Tịnh độ nhưng vẫn chưa tạo ra được; tuy tánh của ta là Di-đà song vẫn chưa làm được Phật Di-đà. Vậy tại sao chúng ta lại không muốn sinh về Tịnh độ, không muốn thấy Phật Di-đà? Nếu chúng ta khao khát về Tây phương, ao ước thấy Phật thì rất dễ chứng đạo. Còn nếu chúng ta cứ ở cõi Ta-bà này để tham thiền, để ngộ tánh, để vượt cả Phật và Tổ thì khó khăn vô hạn! Huống gì việc tu Tịnh độ vốn không làm cản trở chuyện tu thiền, sao thiền giả lại xem thường và không tu Tịnh độ? Kinh Di-đà Đại Bản nói: “Có vô lượng Bồ-tát ở khắp mười phương vãng sinh quốc độ của Đức Phật A-di-đà.” Than ôi! Những vị Bồ-tát còn muốn sinh Cực lạc, vậy chúng ta là hạng loại nào mà lại chối từ? Tất nhiên, quả vị của chúng ta còn cách xa với chư vị Bồ-tát vô cùng. Vì vậy, những kẻ nói “Duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di-đà” nghe thì rất hay, rất êm tai, nhưng không có nền móng; rất ư là cao siêu nhưng quá đỗi mộng du! Chính những kẻ tu tập chưa đến nơi đến chốn đó làm cho không biết bao nhiêu người lạc lối, chùn chân! Nói đúng ra, họ không bằng người chuyên tâm trì tụng Phật hiệu, được sinh về Tịnh độ và nhanh chóng ra khỏi luân hồi! Nếu đem những vị thiền khách ấy mà so với những người này thì sự cách nhau quả là một Trời một vực!
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 6
Phật nhãn nhìn thấy được những sự việc trong vô lượng kiếp, nên từ xưa đến nay không có điều gì mà Đức Phật không biết. Lại nữa, Đức Phật đã đem giới vọng ngữ để răn dạy người thì tất nhiên Ngài không thể nói dối để phỉnh gạt người. Lại nữa, Đức Phật đã nghiêm cấm con người về bản ngã, lẽ đương nhiên Ngài không thể đem bản ngã mà khoe khoang với mọi người! Vì vậy, lời của Phật là vô cùng đáng tin và là mô phạm cho tất cả chúng sinh. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Có mười loại Tiên, sống ngàn vạn tuổi. Số hết thì lại vào nẻo luân hồi. Bởi họ chưa từng chứng đắc chân tánh, cùng với chúng sinh trong sáu nẻo đường gọi chung là thất thú (bảy chỗ hướng đến)”. Đều là những kẻ trong vòng luân hồi có đến ngàn vạn người tu tiên nhưng không một ai đắc đạo. Nhưng, nếu có đắc đạo chăng nữa thì vẫn không thoát khỏi luân hồi, và bị mắc kẹt nơi hình Thần nên không thể nào rứt ra được! Vả lại, hình Thần là vọng tưởng hiện ra từ chân tánh nên không chân thật. Nên thơ của Hàn Sơn Thiền sư nói:
“Dẫu ông tu được thành Tiên,
Cầm bằng ôm phải thân tàn quỷ thôi.
Không như nhà Phật thỏng tay
Tựa như sinh tử chẳng lay động lòng.”
Khoảng một trăm năm trở lại đây, kẻ đắc tiên thuật chỉ có Chung Ly và Lữ Động Tân, nhưng số người theo học với hai vị ấy thì nhiều vô số. Những người mà tôi biết không phải là ít, rốt cuộc họ đều chết và đều vùi thân dưới ba thước đất! Thật là uổng phí biết bao nhiêu công sức lúc còn sống. Muốn được sống lâu thì không có con đường nào hơn Tịnh độ; bởi lẽ mạng sống của người sinh về đó là vô cùng, nên Tịnh độ là nơi có cuộc sống vĩnh hằng nhất. Người không tu Tịnh độ mà học Tiên thuật tức là bỏ ngọc quý mà đi tìm loại chưa chắc đã có là vũ phu. Nếu không gán cho họ hai chữ u mê thì phải phong bằng từ gì nữa? Có kẻ nói: “Tịnh độ là việc sau khi đã nhắm mắt xuôi tay, nào có gì làm bằng chứng?” Đáp: Trong truyện về Tịnh độ có chép rất nhiều và đầy đủ về sự cảm ứng. Đó là những bằng chứng xác thực. Huống gì kẻ tu tiên nếu có sở đắc đi nữa thì lại rất bí mật và không công truyền, vì họ cho rằng tiết lộ thiên cơ là có tội! Trái lại, đối với pháp của Phật, chỉ sợ không truyền bá được rộng khắp để cứu độ tất cả chúng sinh mà thôi. Vì vậy, chúng ta không thể so sánh tấm lòng từ bi vô thượng với tâm địa hẹp hòi của Thần tiên được!
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 7
Có người vì không tin nhân quả nên không tin luôn Tịnh độ. Tại sao họ lại không tin nhân quả? Kinh nói: “Muốn biết nhân đời trước, xem thọ nhận đời này. Muốn biết quả đời sau, xem hành vi hiện tại.” Những người không tin lời giáo huấn trên, sao không đem chuyện trước mắt mà chiêm nghiệm? Ở đời, có kẻ giàu người nghèo, có kẻ sang người hèn, có kẻ khổ người vui, có kẻ lam lũ người nhàn nhã, có kẻ sống lâu người chết yểu, có kẻ vinh người nhục, và vô số phước họa khác nhau. Nếu ta cho đó là mệnh Trời, thì lẽ nào Trời lại bất công với con người đến thế? Thật ra, tất cả đều do hành vi đời trước khác nhau nên đời này con người mới thọ quả báo khác nhau, mà Trời chỉ là đấng cai quản mà thôi. Do đó, thân này gọi là Báo thân. Báo thân là kết quả của những việc đời trước của ta chứ không phải là sự đặt để của Trời. Như người có công hay tội thì sẽ nhận chịu sự thưởng phạt của quan phủ chứ không bao giờ có tư ý. Quan phủ chủ yếu xem việc thưởng phạt cho người có công hoặc tội, không thưởng hoặc phạt một cách vô cớ. Quan phủ còn không thưởng phạt vô cớ huống gì tạo hóa lại đem phước họa gán vào người mà không một lý do nào cả ư? Vậy mới biết, do việc làm thiện hay ác ở đời trước mà hôm nay có sự báo ứng. Vì việc làm của ta không thuần thiên, tất không thể thọ nhận thuần phước; cho nên có kẻ tuy giàu sang nhưng lại khổ đau và chết yểu, có kẻ được vinh hoa sủng ái nhưng lại phiền não và nhục nhã. Nói tóm lại, mỗi quả báo đều tùy thuộc vào việc đã làm; nó như ảnh tùy ở hình, tiếng dội đáp lại âm thanh mà hoàn toàn không có sự sai lệch. Nói rằng: “Gieo hạt đào thì lên cây đào, gieo hạt lý thì mọc cây lý, chứ chưa bao giờ có việc gieo hạt mè mà lên cây đậu, gieo hạt lê mà mọc ra cây lúa nếp”. Duy có điều, lúc gieo thì ít nhưng khi gặt hái lại nhiều, lúc làm thiện và ác thì ít nhưng khi thọ phước họa lại nhiều. Người đời nói: “Mùa Xuân gieo một hạt thóc, đến mùa thu gặt được ngàn vạn hạt”. Lúc sinh tiền ta tạo nghiệp thiện hay ác thì quả báo hoàn lại cũng như trên; vì đó là lý tự nhiên của tạo hóa. Nếu người đã tin lý ấy thì cũng tin giáo lý Tịnh độ. Vì sao? Vì cả hai lý ấy đều là lời của Thế Tôn. Đức Phật đã nói lời chân thật về nhân quả thì tất nhiên Ngài không thể nói lời hư dối về Tịnh độ. Ngưỡng mong những ai vì không tin nhân quả rồi không tin luôn Tịnh độ nên đem những lời trên để phá trừ sự mê tối của mình!
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 8
Có người vì thấy thiện ác trước mắt chưa trổ quả nên không tin nhân quả, và từ đó không tin luôn Tịnh độ. Họ không hay rằng, thiện ác chưa có quả chứ không phải không có quả. Vấn đề là quả báo đến chậm hoặc nhanh mà thôi. Đức Phật nói với Ngài A-nan rằng: “Này A- nan! Có người hiện đời làm việc thiện nhưng nhưng lúc chết lại sa vào địa ngục; có kẻ hiện đời làm điều ác nhưng khi mất lại sinh lên Trời”. A-nan bạch hỏi lý do. Đức Phật nói: “Này A-nan! Người làm việc thiện nhưng lúc chết sa vào địa ngục là vì việc thiện họ làm ở đời này chưa chín, trong khi ấy việc ác ở kiếp trước thì đã kết trái; người làm ác nhưng khi mất lại sinh lên Trời, là bởi việc ác họ làm ở đời này chưa chín mà điều thiện ở kiếp trước thì đã trổ quả”. Tả Thị nói: “Loan Vũ Tử có đức nên có thể phù hộ cho con; tuy Yểm làm ác mà vẫn thoát được họa. Con của Yểm là Doanh tuy làm điều thiện nhưng do việc ác của Yểm liên lụy nên dẫu Doanh làm điều thiện nhưng vẫn bị mắc nạn”. Chỉ nêu những chuyện thế gian thôi mà quả báo thiện ác đã như vậy huống gì quả báo thuộc phạm vi đời khác? Kinh Thư nói: “Đạo Trời ban phước cho người thiện, trút họa xuống kẻ ác.” Lão Tử nói: “Tuy lưới Trời lồng lộng nhưng không gì lọt qua được.” Như vậy, cả ba giáo lý đều nói về luật nhân quả. Vấn đề là nhanh hoặc chậm. Lẽ nào vì chưa thấy quả báo mà ta không tin nhân quả, để rồi không tin luôn cả Tịnh độ?
TỊNH ĐỘ KHỞI TÍN 9
Hoặc có kẻ nghĩ rằng: “Làm sao người ở đây niệm Phật mà trong hồ thất bảo sinh được một đóa sen?” Tôi đáp: Điều này rất dễ hiểu. Như tấm kính lớn và sáng, lúc vật gì đến thì hiện hình ngay, tấm kính ấy không cố ý nhưng chỉ do ánh sáng tự nhiên của nó. Vì trong cõi nước của Đức Phật A-di-đà vốn thanh tịnh nên nó soi thấy thế giới khắp mười phương như tấm kính sáng hiện hình của vật. Do vậy, sự kiện người ở đây niệm Phật trong hồ thất bảo sinh một đóa sen thì không có gì đáng để nghi ngờ cả. Hoặc có người nghi rằng: “Người tụng niệm chân ngôn vãng sinh thì luôn có Đức Phật A-di-đà đứng trên đỉnh đầu để hộ vệ. Nếu có vô lượng chúng sinh trong vô lượng thế giới tụng niệm chân ngôn thì làm sao Ngài có thể đứng khắp trên đỉnh đầu của họ được?” Đáp: “Điều này cũng rất tự nhiên. Như chỉ có một vầng trăng nhưng nó lại hiện bóng khắp sông nước, ta có thể nói hiện tượng ấy là không tự nhiên ư? Hoặc có kẻ nghi rằng: “Lúc hành giả lâm chung sẽ có Đức Phật A-di-đà và chư Bồ-tát đến đón. Nếu có vô lượng chúng sinh trong các thế giới khắp mười phương tinh tiến tu hành thì làm sao Đức Phật A-di-đà có thể biết khắp thời hạn của họ để đến đón?” Điều này cũng rất dễ hiểu. Như chỉ có một mặt Trời nhưng nó lại chiếu sáng vô số cảnh giới. Huống gì uy Thần của Phật đâu chỉ như mặt trăng mặt Trời? Vậy, sự việc Ngài đứng khắp đỉnh đầu, và biết tất cả thời hạn của chúng sinh là lẽ tất nhiên.
Thoát văn của kinh A-di-đà.
Bản kinh A-di-đà khắc bằng đá ở thành Tương dương chính là của Trần Nhân Lăng đời Tùy đã viết ra. Nét chữ rõ ràng mềm mại, được nhiều người ưa thích từ “Nhất tâm bất loạn” trở đi, dùng pháp môn xưng danh để chuyên trì danh hiệu, nhờ đó các tội được tiêu trừ, đó chính là “nhiều thiện căn, phước đức nhân duyên”. Bản truyền lại đời nay đã mất hai mươi mốt chữ này. Hơn nữa, bản kinh này trong tạng kinh còn gọi là kinh Chư Phật Nhiếp Thọ. Mười phương chư Phật nằm trong chữ “Dưỡng” mà gọi. Bản ngày nay mất bốn phương chư Phật.
“Ngày tất có đêm, mới đủ là đêm. Nóng tất có lạnh, mới tròn nghĩa lạnh. Ở tất có đi, mới vẹn nghĩa đi. Sao là đêm đủ, đèn đuốc đệm chăn. Sao là lạnh tròn, chăn mền than củi. Sao là đi vẹn, Tịnh độ tuệ phuớc?” Tiếng Phạm “A”, Hán dịch là Vô, tiếng Phạm “Di-đà”, Hán dịch là Lượng, nếu gọi tắt nên gọi là “A-di”, không được gọi là “Di- đà”. Nếu gọi là “Di-đà” có nghĩa là lượng sẽ phản nghĩa với ý “Vô lượng”. Nếu gọi là “A-di” thì đủ ý “Vô lượng” này.