Lời tựa tu chỉnh Cửu Hoa Sơn Chí
(năm Dân Quốc 26 – 1937)
Chân Như Phật Tánh, chúng sanh và Phật đồng thể, tại phàm chẳng giảm, nơi thánh không tăng. Dẫu Tánh Đức tuy đồng, Tu Đức khác biệt, nên đến nỗi chúng sanh và Phật khác xa, khổ – vui khác biệt vời vợi! Chư Phật vì thuận tánh tu hành, do đấy bỏ vọng về chân, trái trần hợp giác, đoạn sạch Phiền Hoặc, triệt chứng Chân Như Phật Tánh sẵn có trong chính cái tâm này. Vì thế, được yên trụ trong Tịch Quang, vĩnh viễn hưởng pháp lạc Niết Bàn thường trụ. Chúng sanh vì nghịch tánh mà tu, do vậy mê chân đuổi theo vọng, trái giác hiệp trần, khởi Hoặc tạo nghiệp, hoàn toàn bị mê nơi Chân Như Phật Tánh sẵn có trong chính cái tâm này. Do vậy, thường trụ trong Sa Bà, luôn chịu nỗi khổ huyễn vọng luân hồi trong sáu nẻo. Do chư Phật thấy chúng sanh về tâm thể thì đồng nhưng tâm tướng lại khác, nên thương xót khôn ngằn, chẳng nài khổ nhọc, phát hoằng thệ nguyện độ thoát chúng sanh, bởi coi hết thảy chúng sanh đều là Phật vậy! Vì thế, kinh Phạm Võng nói: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh”. Lại nói: “Ông là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành. Thường tin được như vậy thì giới phẩm đã trọn đủ”. Bởi lẽ, nếu đã tin chính mình là Phật trong tương lai, chắc chắn sẽ chẳng chịu tùy thuận phàm tình tạo nghiệp sanh tử, chắc chắn lập tức tin nhận lời Phật dạy, tu đạo Bồ Đề.
Có kẻ mê muội cạn, túc căn sâu xa, vừa nghe lời Phật dạy, liền được liễu ngộ, tin nhận phụng hành. Có những kẻ mê muội sâu xa, túc căn nông cạn, vừa nghe lời Phật dạy, liền ngược ngạo sanh lòng phỉ báng, hoặc còn hủy diệt cho hết sạch chẳng còn sót gì, bởi họ coi Phật là chúng sanh vậy! Dùng cái tâm chúng sanh tham – sân – si của chính mình để suy lường tâm Phật, cho những gì Ngài đã nói đều là những lời dối trá nhằm lừa bịp ngu phu ngu phụ tuân phụng giáo pháp của Phật, hoàn toàn chẳng chân thật, chẳng thể tin cậy được! Nếu tin theo sẽ vĩnh viễn đi vào nẻo mê, không cách gì thoát ra được. Đối với loại chúng sanh ấy, tâm chư Phật trọn chẳng có một niệm vứt bỏ, càng sanh lòng xót thương yêu tiếc gấp bội. Như kẻ mắc bệnh cuồng, đánh chửi cha mẹ, cha mẹ chẳng trị tội mà lòng càng thêm thương xót, biết hắn đã mất bản tâm rồi! Nếu lành bệnh cuồng sẽ tự chẳng mắc lỗi ấy.
Nếu là kẻ mê cực sâu, từ kiếp này sang kiếp khác cũng khó tỉnh ngộ, cho nên chư Phật thệ nguyện “độ thoát chúng sanh đến hết đời vị lai”, những vị Bồ Tát đã chứng Pháp Thân không vị nào chẳng đều như vậy. Những kẻ do tự tư tự lợi bèn báng Phật nếu biết được nghĩa này há chẳng thẹn đến chết ư? Kẻ mê cạn, túc căn sâu xưa nay chẳng thiếu người. Nay nêu lên những trường hợp đặc sắc nhất, như Thừa Tướng Trương Thương Anh đời Tống, cư sĩ Chung Đại Lãng thời Minh.
Thương Anh thoạt đầu chẳng biết đến Phật pháp, do đến chơi một ngôi chùa, thấy kinh Phật trang nghiêm thù thắng, giận dữ nói: “Sách của người Hồ lại được trang nghiêm như vậy, sách của bậc thánh nước ta vẫn chưa thể sánh bằng”. Tối đến, cầm bút, rên rỉ, không viết được một bài nào. Phu nhân là Hướng Thị khá tin Phật, thấy vậy bèn hỏi chồng rên rỉ về chuyện gì. Ông đáp: “Ta định viết bài luận [chứng minh] không có Phật”. Phu nhân nói: “Đã là không có Phật, cần gì phải luận nữa! Mà ông đã từng đọc kinh Phật chưa vậy?” Đáp: “Ta đời nào chịu đọc loại kinh ấy!” Phu nhân nói: “Đã chưa đọc kinh của người ta thì dựa vào ý nghĩa nào để luận định đây!” Ông bèn thôi.
Sau đấy, ở chỗ bạn đồng liêu, thấy trên bàn có cuốn kinh Duy Ma Cật bèn ngẫu nhiên mở ra xem, cảm thấy từ lý cao siêu, tuyệt diệu, nhân đấy bèn thỉnh về đọc cho hết. Chưa được quá nửa, bèn sanh lòng hối hận, ngộ đạo lớn lao, phát nguyện hết báo thân này hoằng dương pháp hóa. Đối với Giáo lẫn Tông thảy đều tâm đắc, soạn cuốn Hộ Pháp Luận cực lực tán dương, [luận ấy] được đưa vào Đại Tạng. Ông ta vào triều làm Thừa Tướng đời Tống Huy Tông, lúc ấy hạn hán đã lâu, ngay đêm đó trời liền đổ mưa ngọt lai láng, Huy Tông viết hai chữ to “Thương Lâm” thưởng cho ông. Ấy là lấy ý nghĩa trong thiên Thuyết Mạng của sách Thương Thư: “Nhược tuế đại hạn, dụng nhữ tác lâm vũ” (Như gặp năm bị hạn hán to, dùng ngươi như được trận mưa dầm) để khen ngợi vậy.
Chung Đại Lãng[1] người trấn Mộc Độc, Tô Châu, cha mẹ cầu đảo Quán Âm sanh được ông. Thuở nhỏ theo cha mẹ lễ tụng, nhưng đến khi đi học, nghe được cái học của đạo Nho bèn lấy việc hoằng dương đạo Nho làm trách nhiệm của chính mình. Do vậy, chẳng những không lễ tụng mà còn tự tiện viết văn báng Phật. Về sau, đọc bài tựa cuốn Tự Tri Lục của Liên Trì đại sư mới biết hổ thẹn, chẳng còn báng Phật nữa. Đọc Địa Tạng Bồ Tát Bản Nguyện Kinh, ông liền phát tâm học Phật làm cư sĩ, rồi nghiên cứu các sách của Thiên Thai và Thiền Tông, mỗi mỗi đều có sở đắc, bèn lễ môn nhân[2] của Hám Sơn đại sư xin xuất gia, pháp danh là Trí Húc, tự là Ngẫu Ích. Giới hạnh trong sạch như băng tuyết, kiến địa sáng tỏ như nhật nguyệt, nhưng Ngài chú trọng một pháp Tịnh Độ. Do chúng sanh đời Mạt chẳng nương theo Phật lực, quyết khó thể liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Cả đời hoằng pháp, chẳng làm Trụ Trì, [do] thường ngụ tại chùa Linh Phong ở núi Bắc Thiên Mục nên người đời sau thường gọi ngài là Linh Phong, chứ thật ra Ngài chẳng phải là chủ nhân của Linh Phong!
Như bọn Hàn, Âu báng Phật, chỉ căn cứ theo những hành vi luân thường gần gũi của đạo Nho và lấy lễ nhạc, hình phạt, sự cai trị để luận, trọn chẳng dẫn kinh văn nhà Phật để luận. Do vậy, biết những lời chê bai của bọn họ đều là chưa thấy màu sắc đã bàn luận mù quáng. Họ Hàn (Hàn Dũ) do gặp được thiền sư Đại Điên[3], họ Âu (Âu Dương Tu) do gặp được đại sư Minh Giáo[4] mới hơi biết về Phật, nên chẳng thể hoằng dương như họ Trương, họ Chung được! Nhưng những ông Châu, Trình, Trương, Châu đời Tống là người tiếp nhận được đạo tâm truyền của Khổng Mạnh xét về nguồn gốc đều do học Phật mà được. Ông Châu Mậu Thúc người cực thuần hậu, trọn chẳng báng Phật một chữ. Hai ông Trình, họ Trương và họ Châu[5] thì ngấm ngầm khâm phục, ngoài mặt chống đối, họ lấy những ý nghĩa sâu thẳm trong kinh Phật để giải thích kinh điển đạo Nho, sợ người đời sau bảo những gì họ nói đều phát xuất từ kinh Phật bèn cực lực báng bổ thật sự, thật lý “nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo” do đức Phật đã nói, cho là Phật bịa chuyện để làm căn cứ gạt gẫm ngu phu, ngu phụ tin thờ giáo pháp của Phật, chứ thật sự không hề có chuyện ấy!
Từ đấy trở đi, phàm là nhà Nho đều chẳng dám nói đến nhân quả, sợ bị người khác công kích là dị đoan. Phàm bọn Lý Học đều lén lút xem kinh Phật để tự hùng, nhưng đều cực lực báng Phật để tự củng cố [địa vị, danh tiếng], đến nỗi càng lúc càng đi xuống, cho nên mới diễn ra thảm kịch tai họa liên miên, dân không lẽ sống! Nếu như mọi người đều đề xướng nhân quả sẽ hoàn toàn chẳng đến nỗi cùng cực như thế này. Nhân quả là phương tiện lớn lao để thánh nhân trị thiên hạ, để chư Phật độ chúng sanh. Bỏ nhân quả đi sẽ không thể lập ra cách nào khác được! Nay đời loạn đến cùng cực, mong cõi đời yên ổn, mà nếu vẫn chẳng lấy nhân quả làm gốc thì cái họa mai sau sẽ còn thê thảm kịch liệt hơn nữa!
Cửu Hoa Sơn là đạo tràng ứng hóa của Địa Tạng Bồ Tát. Địa Tạng Bồ Tát trong vô lượng kiếp trước đã chứng Pháp Thân từ lâu, đã thành Phật đạo, nhưng chẳng ở địa vị Phật. Do phát nguyện “độ hết chúng sanh mới chứng Bồ Đề, địa ngục chưa trống thề chẳng thành Phật”, tâm xót thương chúng sanh chịu nỗi khổ sanh tử sâu đậm, thiết tha không cách nào diễn tả được! Vì thế, khi đức Phật vì mẹ thuyết pháp trên cung trời Đao Lợi, mười phương thế giới chư Phật, Bồ Tát, thiên long bát bộ đều đến dự hội, dẫu dùng Phật nhãn vẫn chẳng thể tính biết được! Những vị Phật, Bồ Tát ấy đều do ngài Địa Tạng giáo hóa nên mới đắc đạo quả, nhưng ngài Địa Tạng vẫn hiện thân dưới hình thức Thanh Văn. Ngoài việc hiện đủ mọi loại thân để thuyết pháp trong mười phương thế giới ra, Ngài lại thường trụ trong chốn u minh khổ sở tột bậc để cứu độ. Mười phương chư Phật, Bồ Tát không vị nào chẳng tán thán tấm lòng sâu thẳm “hưng lòng Từ, vận lòng Bi” của Ngài. Đại sư Ngẫu Ích vừa đọc kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện liền phát đại Bồ Đề tâm, do đức Địa Tạng là thầy của chư Phật, là mẹ của các Bồ Tát vẫn còn miệt mài chuyên chú độ bọn ta, nếu [bọn ta] chẳng coi “ta và người cùng thoát sanh tử” là chí hướng, sự nghiệp thì cô phụ từ ân cũng lớn lắm thay!
Bồ Tát thị hiện giáng sanh tại nước Tân La vào đời Đường (Trước thời Đường Cao Tông, vốn có ba nước Cao Câu Ly, Tân La, Bách Tế riêng biệt. Đường Cao Tông diệt Cao Câu Ly, đất đai của Bách Tế đều gộp vào nước Tân La, hợp thành một nước. Thời Ngũ Đại, Vương Kiến kế thừa [nước Tân La], đặt quốc hiệu là Cao Ly. Từ đầu đời Minh đến nay, đặt tên nước là Triều Tiên. Người ta thường cho Tân La chính là Tiêm La[6], thật lầm vậy), dòng dõi nhà vua, họ Kim, tên Kiều Giác, đến năm Vĩnh Huy thứ tư (653) đời Đường Cao Tông, Sư đến núi Cửu Hoa, sự khổ hạnh tu tập của Ngài trong cõi đời không ai hơn được. Thức giả coi Ngài là Địa Tạng thị hiện, xin coi chi tiết trong Sơn Chí, ở đây không cần phải viết nhiều. Nhưng những kẻ câu nệ, hẹp hòi, chẳng biết hành trạng phân thân ứng hóa trong cõi nước nhiều như số vi trần của Bồ Tát, thường nói vị Địa Tạng này chẳng phải là Địa Tạng trong kinh [Địa Tạng Bồ Tát] Bổn Nguyện. Nếu vậy thì cũng có thể nói Bố Đại Hòa Thượng chẳng phải là Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Bồ Tát hay sao? Núi này kể từ khi được Bồ Tát kiến lập đạo tràng trở đi, sau nhiều năm tháng sâu xa, bao lượt đổi thay, đến nỗi sách vở thất truyền. Đến thời Gia Tĩnh nhà Minh, mới biên tập Sơn Chí. Từ thời Vạn Lịch, Sùng Trinh [nhà Minh] cho đến Khang Hy, Càn Long, Quang Tự nhà Thanh, trải qua sáu lần [biên soạn Sơn Chí] đều do triều đình chủ trì, do Nho sĩ biên tập. Đối với lòng hoằng từ đại bi của Bồ Tát, ý nghĩa tinh diệu của pháp môn đều chưa nêu tỏ được, nên chẳng khác gì những sơn kinh thủy chí tầm thường, thật đã mất đi ý nghĩa của một đạo tràng vì nước cầu an, vì dân chúc phước nơi danh sơn, nhưng cũng không có câu chữ nào hủy báng Phật pháp. Bộ Sơn Chí thời Quang Tự, khi Châu Sơn Môn tu chỉnh đã đưa thêm vào rất nhiều lời văn hủy báng hòng phô phang tri kiến cao minh của chính mình, buộc Tăng chúng bỏ tiền, nhưng bản thảo vẫn giữ tại công đường nơi huyện lỵ, không cho phép khắc in, tôi chẳng biết ý ông ta như thế nào!
Do ông Lý Viên Tịnh xin tu chỉnh, tôi bèn cậy cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh xem xét, hiệu đính, nhờ thầy Đức Sâm biên tập. Sách đã hoàn thành (hết thảy nhân duyên thành tựu, trong lời bạt của thầy Đức Sâm nơi quyển cuối đã nêu cặn kẽ, ở đây không nhắc lại nữa). Do vậy, trình bày đại lược lòng đại từ bi sâu xa của Bồ Tát hòng người thấy kẻ nghe ai nấy đều sanh chánh tín, ngõ hầu cậy vào từ lực của Bồ Tát thoát khỏi nỗi khổ huyễn vọng, được sự vui rốt ráo. Nhân đó, bèn tán rằng:
Đại Sĩ thệ nguyện bất khả trắc,
Vận bi châu biến trần sát quốc,
Chúng sanh tận hậu thệ phương hưu,
Địa ngục không thời nguyện thỉ tức,
Thọ hóa đa thành vô thượng đạo,
Tự thân do thị Thanh Văn tích,
Chỉ duyên sanh Phật tánh duy nhất,
Dục linh đồng hoạch Cứu Cánh Tức.
(Đại Sĩ thệ nguyện há thể lường,
Lòng bi trọn khắp cõi vô ương,
Chúng sanh độ hết mới xong thệ,
Địa ngục trống rồi nguyện mới thôi.
Giáo hóa nhiều người thành Phật đạo,
Tự thân vẫn hiện tướng Thanh Văn,
Chúng sanh và Phật tánh vốn một,
Cùng muốn ta người chứng Pháp Vương)
***
[1] Tổ Ngẫu Ích tên thật là Chung Tế Minh, sau khi đọc cuốn Tự Tri Lục và Trúc Song Tùy Bút của tổ Liên Trì, Ngài tự biết trước kia mình đã sai trái, bèn đốt hết những bài văn báng Phật. Năm 20 tuổi, do đọc kinh Địa Tạng Bản Nguyện bèn phát chí xuất gia, đến năm 23 tuổi, tự phát ra 48 nguyện, tự xưng là Đại Lãng Ưu Bà Tắc. Do vậy, đa số sách vở khi viết về giai đoạn trước khi Ngài xuất gia đều gọi là ngài là cư sĩ Chung Đại Lãng.
[2] Tổ Trí Húc xin xuất gia với ngài Tuyết Lãnh, đệ tử của đại sư Hám Sơn.
[3] Đại Điên Bảo Thông (732-824), người xứ Dĩnh Châu, họ Trần, pháp hiệu Bảo Thông, tự đặt hiệu là Đại Điên Hòa Thượng. Trong niên hiệu Đại Lịch, Sư theo học với ngài Dược Sơn Duy Nghiễm, rồi qua Nam Nhạc tham yết ngài Thạch Đầu Hy Thiên, đại ngộ tông chỉ, được nối pháp Tào Khê. Sư dựng Linh Sơn thiền viện tại dưới rặng Tây U ở Triều Châu, ra vào thường có cọp đi theo, môn nhân hơn ngàn người. Lúc ấy, Đường Hiến Tông thờ phụng xá-lợi trong cung, cảm được xá-lợi phóng quang, quần thần dâng biểu chúc mừng, riêng Hàn Dũ lại dâng sớ can vua đừng mê tín đạo Phật, đòi đốt kinh Phật, dẹp chùa, đuổi Tăng về làm dân. Vua tức giận, đày Hàn Dũ đi Triều Châu. Tới Triều Châu, nghe danh Đại Điên, Hàn Dũ bèn mời tới, giữ lại hơn mười ngày, định dùng lời lẽ đánh bại Sư. Rốt cuộc, Hàn Dũ hết sức khâm phục Sư, thường lui tới hỏi đạo, tà kiến báng Phật cũng giảm dần. Sư từng tự chép kinh Kim Cang một ngàn năm trăm biến, chép Pháp Hoa, Duy Ma mỗi kinh ba mươi bộ. Trước thuật gồm hai bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Thích Nghĩa và Kim Cang Kinh Thích Nghĩa. Tháp Sư được dựng bên chùa. Cuối đời Đường, giặc giã phá tháp, thấy xương sọ đã tiêu hết, chỉ còn lưỡi vẫn tươi nhuận như khi còn sống, bèn chôn đàng hoàng, gọi là Ế Thiệt Trủng (mồ chôn lưỡi). Đến niên hiệu Chí Đạo đời Tống, người trong vùng lại đào lên, chỉ thấy lưỡi vẫn còn, bèn chồng đá dựng tháp, đặt tên là Thiệt Kính Tháp (Tháp gương lưỡi).
[4] Minh Giáo Đại Sư chính là ngài Khế Tung (1007-1072), một vị cao tăng thuộc tông Vân Môn sống vào đời Tống, quê ở Đàm Tân, Đằng Châu (nay là huyện Đằng tỉnh Quảng Tây), tự Trọng Linh, hiệu Tiềm Tử. Sư xuất gia năm bảy tuổi, mười ba tuổi được thế phát, thọ giới, mười chín tuổi đi tham học khắp nơi, đầu thường đội tượng Quán Âm, mỗi ngày trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát mười vạn câu. Về sau, Sư đắc pháp nơi thiền sư Hiểu Tông thuộc tông Tào Động. Sư đọc trọn khắp các kinh điển, sách vở, rất giỏi văn chương, thường nhấn mạnh thuyết “Nho – Phật nhất trí”. Khi Âu Dương Tu cực lực bài xích đạo Phật, dùng những lời lẽ báng Phật để mê hoặc Tống Nhân Tông, Sư soạn Phụ Giáo Biên dâng lên vua, vua đọc xong hết sức khâm phục, sai Hàn Kỳ đưa cho Âu Dương Tu coi, họ Âu kinh ngạc, nói: “Không ngờ trong Tăng chúng có được người như thế?” bèn xin Hàn Kỳ cho gặp mặt. Khi gặp Sư, Âu Dương Tu cật vấn suốt cả ngày, bị Sư hoàn toàn khuất phục, từ đó không báng Phật nữa. Ngoài bộ luận Phụ Giáo Biên nổi tiếng ra, Sư còn trước tác những cuốn Truyền Pháp Chánh Tông Định Tổ Đồ, Truyền Pháp Chánh Tông Ký v.v… Những trước tác của Sư được Tống Nhân Tông hết sức ngưỡng mộ, hạ lệnh đưa vào Đại Tạng, ban tặng cho Sư ca-sa tía và ban hiệu là Minh Giáo đại sư. Sau khi Sư thị tịch tại chùa Linh Ẩn vào năm Hy Ninh thứ năm (1072), môn nhân thâu thập những ngữ lục của Sư soạn thành bộ Đàm Tân Văn Tập, 20 quyển
[5] Hai ông Trình là anh em Trình Di, Trình Hạo, Trương là Trương Tải, Châu là Châu Hy, đều là những nhà sáng lập ra Lý Học. Mậu Thúc là tên tự của Châu Đôn Di, cũng là một nhà Lý Học.
[6] Tân La (Silla) là một trong ba vương quốc cổ thuộc lãnh thổ Đại Hàn hiện thời, còn Tiêm La là gọi tắt từ chữ Tiêm La Hộc (tức tên gọi gộp chung của hai vương quốc Siam và Lwo), một vương quốc cổ tại Thái Lan. Trong ba nước cổ của Đại Hàn, Cao Câu Ly (Koguryo) lớn nhất, tồn tại từ năm 37 trước Công Nguyên cho đến năm 668. Địa phận nước này bao gồm vùng Đông Bắc Trung Hoa (gần trọn vùng Mãn Châu hiện thời) và ¾ bán đảo Triều Tiên (Joseon). Quốc gia này do Đông Minh Thánh Thái Vương Cao Châu Mông (Jumong) sáng lập. Bách Tế (Baekje) khá nhỏ, nằm ở vùng Tây Nam của bán đảo Triều Tiên, tồn tại từ năm 18 trước Công Nguyên đến năm 660 thì bị Tân La liên minh với nhà Đường thôn tính tiêu diệt. Theo truyền thuyết, Bách Tế được sáng lập bởi Ôn Tộ (Onjo), con thứ của Châu Mông, sau khi bị anh dòng đích là Lưu Ly Vương (Yuri) đàn áp phải trốn khỏi Cao Câu Ly. Ôn Tộ đặt quốc đô tại Úy Lễ Thành (Wiryeseong, nay thuộc phụ cận Seoul). Tân La (57 trước Công Nguyên đến 935) nhỏ nhất, nằm ở Đông Nam Hàn quốc hiện thời. Theo truyền thuyết, vua sáng lập Tân La là Hách Cư Thế (Hyeokgeose) vốn là thần nhân từ trên trời cưỡi bạch mã xuống nhân gian, đóng đô tại Kim Thành (Geumseong, nay là Khánh Sơn – Gyongsan), xưng quốc hiệu là Từ La Phạt (Seora-beol). Vào thời kỳ đầu, ba bộ tộc lớn là họ Phác (Pak), họ Tích (Seok) và họ Kim tranh giành quyền cai trị Từ La Phạt. Đến năm 356, Nại Hốt Vương (Naemul) họ Kim giành được uy quyền tuyệt đối, trở thành hoàng gia vĩnh viễn của Từ La Phạt. Như vậy, ngài Kim Kiều Giác là hậu duệ của Nại Hốt Vương. Đến năm 503, mới chánh thức đổi tên vương quốc Từ La Phạt thành Tân La. Khi nhà Đường diệt Bách Tế và Cao Câu Ly, Tân La thừa cơ chiếm trọn bán đảo Triều Tiên, trở thành một vương quốc hùng mạnh. Đến năm 780, khi Huệ Cung Vương (Hyegong) chết, trong triều đình xảy ra chuyện tranh giành ngôi vua, vương quốc Tân La lâm vào cảnh quân phiệt cát cứ. Cho đến năm 901, Tân La bị chia thành ba mảnh nhỏ: Tân La, Hậu Bách Tế và Hậu Cao Câu Ly. Sử gọi là Hậu Tam Quốc thời đại. Về sau, Vương Kiến (Wang Geon) xứ Hậu Cao Câu Ly đánh bại hoàng tộc ba nước, thống nhất sơn hà, đổi tên nước thành Cao Ly (Goryeo).