Lời tựa cho cuốn Nhật Tụng Kinh Chú Tuyển Lục

(năm Dân Quốc 18 – 1929)

\Phật pháp không gì lớn lao chẳng bao trùm, không điều nhỏ nhặt nào chẳng được nêu lên, chỉ có Phật và Phật mới có thể thấu hiểu rốt ráo. Bậc Đăng Địa Bồ Tát[1] vẫn chưa thể thấu hiểu triệt để đến tột nguồn tận đáy được, huống là phàm phu sát đất đầy dẫy Hoặc nghiệp ư? Nhưng rút lấy những ý nghĩa trọng yếu [trong giáo pháp nhà Phật] thì chỉ là mong sao [chúng sanh] hiểu rõ tự tâm, chứng Phật tánh triệt để. Muốn hiểu rõ tự tâm để chứng Phật tánh, ắt phải dùng Giới để trói buộc cái thân, dùng Định để dứt vọng, dùng Huệ để đoạn Hoặc ngõ hầu có thể tự thoát khỏi sanh tử huyễn vọng, chứng Niết Bàn chân thường. Về thứ tự tu trì thì nên lấy việc mở mang tri kiến của chính mình để dẫn đường, dùng Tín – Nguyện – niệm Phật làm Chánh Hạnh, lấy vạn thiện trang nghiêm làm Trợ Tu. Vì thế, [sách này] xếp Kim Cang Kinh lên đầu, [rồi đến] Tâm Kinh, Quán Thế Âm Phổ Môn Phẩm, Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương, A Di Đà Kinh, Vãng Sanh Chú, Niệm Phật Khởi Chỉ Nghi (nghi thức niệm Phật), Phát Nguyện Văn, và các chú Đại Bi, Chuẩn Đề, hoặc kiêm trì các thứ, hoặc chuyên trì một thứ đều nhằm để giúp cho sự tu trì Tịnh nghiệp ngõ hầu triệt ngộ “Ngũ Uẩn vốn là không, các pháp chẳng có tướng”, hành khắp muôn hạnh nhưng chẳng thấy tướng năng hành, chuyên chí niệm Phật mà hiểu rõ “tâm làm, tâm là”.

Tu được như thế sẽ nhanh chóng ra khỏi đường mê, lên thẳng bờ giác! Ấy là vì chúng sanh đời Mạt chướng sâu, huệ cạn, nếu chẳng cậy vào Phật lực, thật khó thể giải thoát, bởi một pháp Niệm Phật chính là pháp môn vô thượng thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh; so với hết thảy những pháp cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì khác biệt một trời, một vực! Lại muốn cho sơ cơ hành nhân biết sâu xa nguyên do của các pháp môn, hai chúng tại gia trong cuộc sống hằng ngày và trong luân thường có thể dung thông cả Chân lẫn Tục, trọn hết cả Phật lẫn Nho, nên bèn in kèm theo Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn, Giác Thế Kinh và những khai thị về tu trì Tịnh Độ để làm quy củ, chuẩn mực hòng cải ác hướng thiện, hướng lành tránh dữ, siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, ngõ hầu ngay trong đời này liền vượt ra ngoài tam giới lục đạo, vào thẳng chín phẩm sen bảy báu. Nguyện những người tu đều cùng ra sức chú ý.

***

[1] Đăng Địa Bồ Tát: Hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên.