Lời tựa tái bản Tịnh Độ Ngũ Kinh
(năm Dân Quốc 22 – 1933)
Pháp môn Tịnh Độ lớn lao không gì ra ngoài được, thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn. Chúng sanh trong chín giới bỏ pháp này thì trên chẳng thể viên thành Phật đạo, mười phương chư Phật rời khỏi pháp này thì dưới chẳng thể độ khắp quần manh. Hết thảy pháp môn, không một pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này. Hết thảy hạnh môn, không môn nào chẳng trở về pháp giới này. Nếu luận theo chỗ thấy của bậc căn cơ Đại Thừa thì [pháp môn này] quả thật bắt nguồn từ kinh Hoa Nghiêm, vì Thiện Tài tham học với khắp các tri thức, cuối cùng ở dưới tòa của đức Phổ Hiền nhờ oai thần của Ngài gia bị, sở chứng bằng với đức Phổ Hiền và bằng với chư Phật, trở thành bậc Đẳng Giác Bồ Tát. Ngài Phổ Hiền bèn đem mười đại nguyện vương khuyến tấn Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng [tức là] hàng Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị đều hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới để mong viên mãn Phật Quả, đấy chính là pháp quy tông kết đảnh của kinh Hoa Nghiêm vậy! Kinh Hoa Nghiêm dạy rõ pháp thành Phật trong một đời, nhưng quy tông[1] nơi cầu sanh Tịnh Độ. Do đó, biết rằng: Một pháp Tịnh Độ chính là vô thượng đại pháp thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh vậy. Đấy chính là chỗ thấy của bậc căn cơ Đại Thừa, hàng Nhị Thừa còn chưa được thấy nghe, huống là phàm phu đầy dẫy triền phược ư?
Cho đến hội Phương Đẳng[2], đức Phật đặc biệt chuyên nói ba kinh Tịnh Độ để hết thảy dù phàm hay thánh đều cùng chăm chú tu trì ngõ hầu được thoát khỏi cõi Ngũ Trược đây, vượt lên cõi sen chín phẩm kia ngay trong đời này. Tại núi Linh Thứu[3] thuộc nước Ma Kiệt Đề, đức Phật nói ra nhân địa lúc ban đầu của A Di Đà Phật: Bỏ nước xuất gia, phát ra bốn mươi tám nguyện. Lại trải kiếp dài lâu, tu hành theo đúng lời nguyện, cho đến khi phước huệ viên mãn, được thành Phật đạo, cảm được thế giới trang nghiêm mầu nhiệm chẳng thể diễn tả được, mười phương chư Phật đều cùng tán thán. Mười phương Bồ Tát và hàng Nhị Thừa hồi Tiểu hướng Đại lẫn phàm phu trọn đủ Hoặc nghiệp đều được vãng sanh, đều được bình đẳng nhiếp thọ. Đấy là kinh Vô Lượng Thọ.
Trong vương cung nước Ma Kiệt Đề, nói ra ba phước Tịnh nghiệp, mười sáu phép quán mầu nhiệm để hết thảy chúng sanh đều biết nghĩa lý “tâm này làm Phật, tâm này là Phật, biển Chánh Biến Tri[4] của chư Phật đều từ tâm tưởng sanh; tâm này là chúng sanh, tâm này làm chúng sanh, biển nghiệp phiền não của chúng sanh từ tâm tưởng sanh” đã được nêu rõ ràng. Nếu có thể hiểu sâu xa nghĩa này, ai chịu bị luân hồi oan uổng? Cuối kinh nói rõ cái nhân của chín phẩm vãng sanh ngõ hầu ai nấy đều tu Thượng Phẩm. Đấy là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh.
Tại nước Xá Vệ, trong vườn Cấp Cô [Độc], nói diệu quả của y báo và chánh báo cõi Tịnh Độ để [thính chúng] sanh lòng tin, khuyên những người nghe hãy nên phát nguyện cầu được vãng sanh. Lại dạy các hành giả lập hạnh chấp trì danh hiệu. Ba điều Tín – Nguyện – Hạnh là cương tông của pháp môn Tịnh Độ. Đầy đủ ba pháp này thì hoặc là suốt đời chấp trì đã đắc nhất tâm, hoặc khi lâm chung mới được nghe, chỉ xưng danh mười niệm, đều được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Đấy là A Di Đà Kinh.
Ba kinh này là những kinh chuyên giảng về Tịnh Độ, nhưng A Di Đà Kinh thâu nhiếp căn cơ phổ biến nhất. Vì thế, các tông Thiền, Giáo, Luật đều cùng vâng dùng làm kinh nhật tụng. Các kinh Đại Thừa nói kèm về Tịnh Độ nhiều không đếm xuể, nhưng chương Đại Thế Chí Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng Nghiêm quả thật là khai thị mầu nhiệm nhất về pháp Niệm Phật. Nếu chúng sanh có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mà niệm, há có ai chẳng thể trong hiện tại hay tương lai nhất định thấy Phật, gần là chứng Viên Thông, xa là thành Phật đạo ư? Vì thế đem chương này xếp vào sau ba kinh; nối theo sau Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm để thành một đại duyên khởi cho pháp môn Tịnh Độ khiến cho những người đọc sẽ biết pháp này tỏ bày thông suốt rộng lớn bản hoài của đức Phật, so với các pháp cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân hòng liễu sanh tử thì sự khó – dễ khác xa một trời, một vực! Do vậy, chín giới cùng hướng về, mười phương chung khen ngợi, ngàn kinh đều xiển dương, vạn luận đều tuyên thuyết. Bản khắc Tịnh Độ Tứ Kinh ở Kim Lăng đã bị mờ nét, người tu Tịnh nghiệp khổ vì không có bản rõ ràng nhất để đọc. Vì thế, cho đúc bản kẽm, ghép Thế Chí Niệm Phật Viên Thông Chương vào sau ba kinh Tịnh Độ [và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện], gọi là Tịnh Độ Ngũ Kinh. Nếu luận trên duyên khởi của pháp môn nên để kinh Vô Lượng Thọ đứng đầu, [nhưng] nay để thuận tiện cho việc đọc tụng nên đặt kinh A Di Đà lên đầu, [mong] người đọc lượng thứ.
***
[1] Tông là điều được đề cao bởi một bộ kinh, “quy tông” là giáo pháp tối hậu của một bộ kinh. Nói cách khác, “quy tông” là pháp chánh yếu của một bộ kinh, những điều khác được nói trong bộ kinh ấy chỉ nhằm dẫn dắt về pháp chánh yếu ấy.
[2] Phương Đẳng (Vaipulya), đôi khi còn dịch âm là Tỳ Phật Lược, Tỳ Phú La, Bạt Phật Lục, Bùi Phì La, Vi Đầu Ly, hoặc dịch nghĩa là Phương Quảng, Quảng Đại, Quảng Giải, Vô Tỷ… là một trong mười hai thể loại trong cách phân chia hệ thống kinh Phật. Những danh từ này đều nhằm diễn tả ý nghĩa “những kinh này nội dung sâu rộng thăm thẳm”. Theo cách phán giáo của tông Thiên Thai, thời Phương Đẳng bao gồm những kinh được nói sau thời Bát Nhã và A Hàm, không những văn từ rộng sâu, giáo nghĩa rộng lớn, mà huyền nghĩa còn trùng trùng, nhằm dẫn dắt thính chúng từ Chân Không đi vào Diệu Hữu, thấy được cảnh giới vô thượng bất khả tư nghì của chư Pháp Thân Bồ Tát và chư Phật.
[3] Linh Thứu (Grdhrakūta) dịch âm là Kỳ Xà Quật, thường gọi tắt là Linh Sơn, Thứu Nhạc, hoặc Thứu Phong, nằm về phía Đông Bắc kinh đô Vương Xá của nước Magadha. Do núi có hình giống đầu chim Thứu (kên kên), trong núi lại có nhiều giống chim ấy nên thành tên. Tại tinh xá nơi núi này, Phật đã giảng rất nhiều bộ kinh Đại Thừa.
[4] Có hai cách hiểu chữ Chánh Biến Tri:
1) Chánh Biến Tri (Samyak-sambuddha), còn được dịch âm là Tam Miệu Tam Phật Đà, hoặc dịch nghĩa là Chánh Biến Giác, Chánh Chân Đạo, Chánh Đẳng Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác, hoặc Chánh Đẳng Giác Giả, là một trong mười hiệu của đức Phật. Danh hiệu này hàm nghĩa vị giác ngộ hiểu biết chân chánh trọn khắp hết thảy các pháp.
2) Danh từ Tam Miệu Tam Bồ Đề (Samyaksambodhi) cũng được phiên dịch là Chánh Biến Tri hay Chánh Biến Tri Đạo, chỉ cho sự chứng ngộ do hiểu biết chân chánh trọn khắp bản thể của hết thảy các pháp.
Dựa theo mạch văn ở đây, chữ Chánh Biến Tri phải hiểu theo nghĩa thứ hai.