Lời tựa trình bày duyên khởi của việc in kèm phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm vào sau Tịnh Độ Ngũ Kinh

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Bộ kinh Hoa Nghiêm mầu nhiệm sự lý viên dung, Lý là do Sự mà hiển, Sự là do Lý mà thành, Lý lẫn Sự đều đạt đến tột cùng, viên chứng Tỳ Lô Pháp Thân. Vì thế, đức Như Lai khi mới thành Chánh Giác bèn cùng các Pháp Thân đại sĩ thuộc bốn mươi mốt địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác nói ra các pháp nhân quả của những pháp môn do đức Như Lai tự chứng. Nhân quả chính là Sự, pháp do đức Như Lai tự chứng chính là Nhất Chân Pháp Giới, là Chân Như Phật Tánh tịch chiếu viên dung, bất sanh, bất diệt, chẳng phải có, chẳng phải không. Phật Tánh ấy nơi phàm chẳng giảm, tại thánh chẳng tăng. Đức Phật do đã chứng rốt ráo nên thường hưởng pháp lạc Thường – Lạc – Ngã – Tịnh; chúng sanh do triệt để mê nên luôn chịu nỗi khổ sanh tử luân hồi hư vọng. Ví như tấm gương báu tròn lớn bị bụi đóng cả kiếp, dẫu có ánh sáng chiếu trời soi đất vẫn chẳng có cách nào tỏ lộ để thụ dụng được! Vì thế, phải nhờ đến các vị Bồ Tát hỏi đáp với nhau để nói ra những pháp môn Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác. Lại dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc hòng viên mãn Phật Quả. Đấy là Như Lai đem nhân quả do Ngài tự chứng dạy cho khắp hết thảy chúng sanh, khiến cho ai nấy đều đích thân chứng được khuôn phép lớn lao. Những người thuộc Tín vị (tức những người thuộc địa vị Thập Tín) thì dùng phẩm Tịnh Hạnh làm Nhân Địa Tâm (cái tâm trong lúc tu nhân) để trên là hợp với hoằng thệ đại nguyện về Quả Giác. Dù có vượt lên những bậc cao sâu hơn như Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, nhưng trong mỗi địa vị vẫn phải dùng một trăm bốn mươi mốt nguyện này[1] để làm căn cứ tấn tu.

Do vậy, biết rằng phẩm kinh này giữ một vai trò quan trọng rất lớn, nó chẳng những là cơ sở đầu tiên để nhập [cảnh giới] Phật, mà thật sự còn đáng gọi là cội gốc lớn lao để thành Phật! Chúng sanh đời Mạt căn cơ kém mỏng, nếu có thể tâm tâm niệm niệm thường tụng kinh văn này, thường phát những nguyện này thì tam nghiệp sẽ mau được thanh tịnh, niệm niệm trên khế hợp tâm Phật, lâm chung lên thẳng Thượng Phẩm, công đức [của phẩm này] cùng [công đức thọ trì] phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện soi rọi lẫn nhau, chẳng hề kém sút. Vì thế, pháp sư Tỉnh Thường đầu đời Tống hâm mộ phong thái của Lô Sơn Viễn Công (tổ Huệ Viễn), đề xướng pháp môn Tịnh Độ, trích máu chép phẩm này. Lại dùng chữ Tịnh Hạnh để đặt tên cho liên xã. Liên tông được chấn hưng, nguyên do là vì dốc sức sâu xa nơi lời lẽ, hành vi thường ngày đều hợp với giác đạo vô thượng của Như Lai vậy!

Một đệ tử là Dương Huệ Đạo tính muốn in gộp chung phẩm Tịnh Hạnh và phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện để lưu thông, Quang nói: “Muốn cho kẻ sơ cơ lắng lòng niệm Phật, hãy nên dùng Tịnh Độ Ngũ Kinh để dẫn đường, chẳng nên chỉ chọn một mình phẩm Hạnh Nguyện trong Ngũ Kinh, hãy nên làm sao cho họ được đọc trọn khắp năm kinh, lại còn dùng phẩm Tịnh Hạnh để răn nhắc trong hết thảy thời, hết thảy chỗ thì họ sẽ tự hớn hở nơi đạo vậy!” Than ôi! Đời bây giờ là đời gì vậy? [Chính là] lúc vứt bỏ cương thường luân lý, chuyên đề cao mưu mẹo dối trá, tàn sát lẫn nhau. Nếu chẳng lấy tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương để hướng dẫn thì sợ rằng đời sau làm người đối với những tên gọi “cương thường, luân lý” do thánh nhân đời trước đã lập còn chẳng thể được nghe! Vì thế, phàm là người có đủ chánh tri kiến, chánh tín tâm đều lấy sự tu trì tịnh nghiệp làm chí hướng, sự nghiệp. Do vậy, ở đây tôi riêng thuật duyên khởi ghép [phẩm này] vào sau kinh văn để người đọc sau này không nghi ngờ vậy!

***

[1] Tức một trăm bốn mươi mốt điều nguyện trong phẩm Tịnh Hạnh.