Lời tựa tái bản sách Tứ Thư Chú Giải của ngài Ngẫu Ích
Đạo nơi tâm người như nước trên mặt đất, tuy nơi cao nguyên hay đất bằng hoàn toàn chẳng trông thấy nước, nhưng nếu đào đất để tìm thì không nơi đâu chẳng được. Nước ví như Minh Đức sẵn có trong tâm chúng ta, đất ví như vật dục huyễn hiện trong tâm ta. Nếu có thể cách vật trí tri thì không một ai chẳng thể làm sáng tỏ Minh Đức. Nhưng đào đất lấy nước, không một ai chẳng đổ công tìm, bởi không có nước sẽ không thể sống còn. Đối với cái đạo sẵn có nơi tâm, con người đa số chẳng chịu ra sức, đến nỗi vật dục che lấp Chân Tri, chẳng biết mong thành thánh thành hiền, cam tâm tự ruồng rẫy mình, tự vứt bỏ. Do vậy, chôn Pháp Thân, mất huệ mạng, sống làm thây đi thịt chạy, chết mục nát cùng cỏ cây, chẳng đáng buồn ư?
Tứ Thư là đại kinh đại pháp của Khổng giáo để trên kế tục cổ thánh, dưới mở mang cho hàng hậu học để họ dùng cách vật trí tri tự làm sáng tỏ Minh Đức (cái đức sáng); sau đó, áp dụng cho gia đình, đất nước, thiên hạ, sao cho người trong gia đình, đất nước, thiên hạ, ai nấy đều làm sáng tỏ Minh Đức. Trước khi có bộ sách này thì tuy có những lời bàn luận tỉ mỉ hay đại lược khác nhau, nhưng ý chỉ đều tương đồng. Sau bộ sách này thì tuy căn cơ lợi – độn khác biệt, nhưng hiệu quả không khác. Thật có thể nói là tiên thiên chẳng trái nghịch trời, hậu thiên[1] lại hợp thiên thời, [Khổng Tử quả là] bậc thầy gương mẫu của muôn đời, trăm đời Nho Gia tôn sùng vậy.
Đại cương của sách nằm ở chỗ tu đạo “làm sáng tỏ Minh Đức”, mà chuyện hạ thủ tối thân thiết là riêng ở chỗ “cách vật trí tri, khắc kỷ, giữ lễ, dứt lòng tà, giữ lòng thành”. Nếu với mỗi chữ, mỗi câu, người học đều đem thân tâm lãnh hội thì dù chỉ là một gã thất phu cũng sẽ góp phần tán trợ đạo sanh thành dưỡng dục trùm trời tột đất, nào khó đạt được bản tâm, khiến cho thánh hiền một phen khổ tâm lưu lại giáo huấn chẳng trở thành uổng công đặt để! Càn khôn đại phụ đại mẫu càng sáng hơn, chẳng thẹn cùng trời đất xưng là Tam Tài! Há chẳng tự gắng công ư? Đại pháp của đức Như Lai được truyền qua phương Đông từ đời Hán, đến đời Đường các tông đều có đủ, Thiền đạo đại hưng, cao nhân xuất hiện như rừng, tùy cơ tiếp độ người. Do vậy, cho đến đời Nguyên – Minh những nhà Nho vùng Liêm, Lạc, Quan, Mân[2] , ai nấy đều dùng yếu nghĩa của Phật pháp để phát huy Nho tông, khiến cho tâm pháp của Khổng Tử, Nhan Hồi đã dứt tuyệt lại được tiếp nối. Họ dùng tịnh tọa tham cứu để mong khai ngộ, không ai chẳng coi Phật pháp là pháp tắc để phỏng theo. Do vậy, có những vị công sâu lực trọn, lâm chung biết trước lúc mất, ngồi cười nói qua đời rất nhiều. Họ thành ý chánh tâm, đáng làm bậc thầy gương mẫu trong Nho môn, nhưng vì muốn giữ lấy môn đình nên đối với những gì họ đã phỏng theo, chẳng những không tỏ bày ra, trái lại còn chê trách, để những kẻ đời sau học theo sẽ tôn trọng đạo của chính họ, chẳng đi theo Phật pháp. Nhưng làm vậy cũng uổng công, họ chẳng nghĩ mình bên trong ngầm tu, ngoài mặt bài xích, hậu học há chẳng thấy được lỗi thầy ư? Cho thấy tâm lượng họ nhỏ nhen, thành ý chánh tâm không gì chẳng bị tỳ vết, rò rỉ, thật đáng đau tiếc lắm!
Cuối đời Minh, Ngẫu Ích đại sư vốn là Pháp Thân đại sĩ, thừa nguyện thị hiện trong đời, thoạt đầu đọc sách Nho, liền bắt chước tiên Nho bài Phật, chứ thật ra chưa biết vì sao Phật thành Phật! Về sau đọc kinh Phật, mới hối tội trước, liền chuyên tinh nghiên cứu, mới biết Phật pháp là gốc của hết thảy các pháp. Những kẻ bài xích nếu không là phường bịt tai trộm linh thì cũng là những kẻ chưa thấy màu sắc đã biện luận mù quáng. Ngài bèn phát tâm xuất gia, hoằng dương pháp hóa. Một đời chú giải, trước thuật kinh luận hơn bốn mươi loại, số quyển đến cả mấy trăm, không gì chẳng phải là “chữ nào chữ nấy thấy được sự thật, lời nào lời nấy siêu việt”, như gảy bàn tính lợi ích vô tận.
Lại nghĩ trong Nho Tông người bậc thượng dùng Phật pháp để tự lợi ích, rốt cuộc khó thể quán thông rốt ráo; kẻ kém hơn chỉ nghĩ tập tành từ chương là đủ, phần nhiều tạo ác nghiệp báng pháp. Trong tâm đau thương, muốn cứu giúp họ; do vậy, dùng Phật pháp giải thích Tứ Thư, Châu Dịch. Chú giải sách Luận Ngữ, Mạnh Tử thì nêu đại lược đại nghĩa. Chú giải sách Trung Dung và Đại Học thì chỉ thẳng nguồn tâm. Ấy là vận dụng nghĩa Khai Quyền Hiển Thật trong kinh Pháp Hoa, dùng lý viên đốn để chú thích những lý lẽ yên trị cõi đời, ngõ hầu tâm pháp Linh Sơn, Tứ Thủy được hiển lộ triệt để, không còn che giấu chút nào. Những kẻ lấy Phật pháp để tự lợi mình sẽ được lợi ích rốt ráo thật sự, những phường chuyên tập tành từ chương sẽ do đây biết được Phật pháp rộng lớn, chẳng dễ suy lường, cũng mau chóng dứt tà kiến, dần dần sanh chánh tín, biết khử trừ vật dục để tự sáng tỏ được Minh Đức. Do vậy, bèn tận lực tìm cầu, sẽ trực tiếp lãnh hội được tâm truyền của Khổng Tử, Nhan Hồi, lợi ích ấy há nhường cho các nhà Nho đời Tống, Nguyên, Minh riêng hưởng ư?
Gần đây, các giới mở rộng tầm mắt, những người thiên tư cao không ai chẳng nghiên cứu Phật pháp. Một người xướng trăm người hòa, không ai chẳng ngả theo. Đã biết tâm sẵn có Phật tánh, vô thỉ vô chung, đầy đủ công đức chân thật thường – lạc – ngã – tịnh, há thấy việc nhân chịu nhượng, thấy điều nghĩa không làm, đề cao thánh cảnh, tự làm phàm ngu ư? Do vậy, vĩ nhân danh sĩ đa phần đua nhau ăn chay niệm Phật, dốc sức tu tịnh nghiệp, mong cho sống thì thấy được Phật tánh, chết đi sanh về Phật quốc mới thôi.
Hai vị cư sĩ Úc Cửu Linh và Thi Điệu Mai xưa có linh căn, dốc lòng tin tưởng Phật pháp, vừa thấy bộ chú giải Tứ Thư của ngài Ngẫu Ích liền khôn ngăn hoan hỷ, bảo sách này chỉ thẳng vào nhất niệm của đương nhân, minh thị rõ ràng tâm pháp của đạo Nho, đạo Thích, quán triệt dung thông pháp thế gian lẫn xuất thế gian, khiến cho thượng, trung, hạ căn tùy theo căn cơ đều được lợi ích. Người sâu xa sẽ thấy sâu xa, chẳng ngại khế hợp thẳng vào Bồ Đề, kẻ nông cạn cũng sẽ dần dần gieo thiện căn. Cho nên họ muốn khắc in để lưu thông rộng rãi. Đem công đức này kính chúc xuân huyên[3] được thêm tuổi thọ, đến khi trăm tuổi thần thức về An Dưỡng, quá khứ phụ mẫu tiêu trừ túc nghiệp, được Phật tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Độ. Xin Quang viết lời tựa để bảo cùng những người sáng suốt trong tương lai. Quang tự thẹn xưa kia làm gã Xiển Đề hủy báng Phật pháp đến nỗi nghiệp chướng lấp tâm, không cách gì ngộ chứng. Vui mừng được họ thỉnh, mong cho hết thảy mọi người đối với Phật pháp đều sanh chánh tín, ngõ hầu nghiệp chướng cùng tiêu, tâm quang đều cùng phát hiện. Sách Châu Dịch Thiền Giải, Kim Lăng [Ấn Kinh Xứ] đã khắc xong. Sách Mạnh Tử Trạch Nhũ do chiến tranh nên đã thất truyền, cư sĩ Dương Nhân Sơn tìm bên Nhật vẫn chẳng thấy, cũng chẳng đáng tiếc lắm ư!
***
[1] Theo Dịch Học, tiên thiên là những gì bẩm sinh, hậu thiên là những gì do nuôi dưỡng, đào tạo mà có. Như vậy, câu này có thể hiểu là đạo của Khổng Tử chẳng trái với bẩm tánh của con người, dùng để giáo dục con người thì lại hợp thời.
[2] Liêm chính là Liêm Giang, còn có tên là An Viễn Giang, thuộc vùng Tây Nam tỉnh Giang Tây. Lạc là Lạc Thủy, một con sông ở vùng Thiểm Tây. Chữ Quan có thể hiểu nhiều nghĩa, nếu hiểu là Quan Đông thì là vùng Đông Bắc Trung Quốc, còn Quan Trung lại là vùng đất Tứ Xuyên. Mân là tỉnh Phước Kiến. Theo ngu ý, bốn chữ này dùng để chỉ những nơi trọng yếu của Trung Quốc.
[3] Xuân huyên (cha mẹ): Theo từ điển Từ Hải, Xuân là một loại cây thân mộc, rụng lá vào mùa Đông, lá non có mùi thơm có thể ăn được, chất gỗ cứng chắc, có thể chế thành đồ dùng. Theo truyền thuyết, cây Xuân sống lâu hơn tám ngàn năm nên thường được ví cho cha với ý nghĩa chúc thọ. Do vậy, cha còn được gọi là Xuân Đình. Vì chữ Xuân 椿tự dạng khá giống với chữ Thung 樁nên thường bị dùng lẫn với chữ Thung. Huyên萱 (Huyên Thảo, tên khoa học là Hemerocallis fulva), còn gọi là Vong Ưu Thảo, Nghi Nam Thảo, hoặc Kim Châm Thảo. Chỗ mẹ ở thường trồng loại cỏ này nên mẹ còn được gọi là “huyên đường”. Người Trung Hoa thường dùng câu “xuân huyên tịnh mậu” (cây xuân lẫn cỏ huyên cùng tươi tốt) để chúc tụng cha mẹ luôn khỏe mạnh.