Lời tựa tái bản lưu thông sách Tâm Kinh Thiêm Túc
(năm Dân Quốc 19 – 1930)
Tâm Kinh dạy rõ về Bồ Đề, Niết Bàn được chứng bởi tam thế chư Phật và hết thảy chúng sanh sẵn có Chân Như Phật Tánh. [Kinh này] là đạo trọng yếu để độ sanh của mười phương Như Lai, là khuôn mẫu tốt lành cho cả hằng trăm hành nhân thành Phật. Văn giản dị, nghĩa phong phú, từ ngữ ngắn gọn nhưng lý uyên thâm, khiến cho khắp mọi thượng trung hạ căn hễ khởi công [tu tập] đều cùng được vào thẳng địa vị của Như Lai, trong các kinh thật là bậc nhất! Tuy chỉ gồm hai trăm sáu mươi chữ, nhưng nghĩa lý sâu thẳm của sáu trăm quyển kinh Đại Bát Nhã đều được bao trùm sạch sành sanh.
Ấy là vì đức Như Lai trí huệ tự tại vô ngại, tùy theo đương cơ [nghe pháp] mà nói rộng hay nói đại lược cho phù hợp. Nói rộng thì tuy trọn hết biển mực cũng chẳng thể [viết trọn] hết được, nói đại lược thì kiếm một chữ cũng không ra, khiến cho người nghe ai nấy đều được lợi ích thật sự. Chúng sanh đời Mạt căn cơ kém hèn thường trì kinh này, y theo đó tu tập, sẽ tự được Ngũ Uẩn rỗng không, chứng Thật Tướng của các pháp, lìa điên đảo, đạt được Niết Bàn rốt ráo. Vì thế, [trong số] các danh nhân thời cổ thường có những vị tụng đến mấy trăm vạn biến, bởi kinh này là pháp môn Tổng Trì của các pháp.
Con trai thứ của cư sĩ Hạ Huệ Hoa là Thúc Quỳ bẩm tánh thông minh, mẫn tiệp, nhiệt tâm làm chuyện công ích, luôn ôm ấp chí hướng “chẳng làm lương tướng ắt làm lương y”, làm Hội Trưởng Hội Sinh Viên trường thuốc Hiệp Hòa tại Bắc Bình (Bắc Kinh). Năm Dân Quốc 15 (1926), tuổi tròn hai mươi bảy, bị bệnh rất nặng, khi sắp chết, hỏi cha rằng: “Nên giải nói [ý nghĩa] bất sanh bất diệt của Tâm Kinh như thế nào?” Cư sĩ dạy: “Đấy chính là nói về bản thể của cái tâm bọn ta, giống như thái hư không, không tướng, không hình, chẳng phải không, chẳng phải có, tại phàm chẳng giảm, nơi thánh chẳng tăng, ở trong sanh tử chẳng nhơ, chứng Niết Bàn chẳng sạch, tướng sanh còn chẳng có, làm sao có tướng diệt cho được? Ngộ được lý ấy, mới xứng danh là Phật Tử. Tuy nhiên, nói thì dễ dàng làm sao! Con hãy nên nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương đợi đến khi hoa nở thấy Phật chứng Vô Sanh Nhẫn thì mới phần chứng được tâm thể bất sanh bất diệt này! Từ đấy tấn tu mãi cho đến khi ba Hoặc đều hết sạch, hai thứ tử (biến dịch và phần đoạn) đều vĩnh viễn mất, viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không có gì để đạt được nữa thì mới là rốt ráo chứng được tâm thể bất sanh bất diệt ấy! Chớ nên nghĩ ‘nghe tên là đích thân chứng’, chẳng cầu vãng sanh, để đến nỗi trầm luân cả kiếp dài lâu, không cách nào thoát khỏi được!”
Không lâu sau, người con liền mất, lúc sống đối với Phật pháp anh ta hoàn toàn chưa từng bận tâm, lâm chung lại hỏi đến chuyện này, chẳng phải là có túc căn hay sao? Được cư sĩ khai thị, nếu không vãng sanh cũng có thể trở thành duyên nhập đạo cho đời sau, so với những kẻ cho đến hết đời chẳng được nghe đến, khác biệt hệt như một trời một vực!
Nhân đó, cư sĩ muốn lưu thông bản chú giải Tâm Kinh rõ ràng, rộng rãi, cặn kẽ nhất ngõ hầu hàng sơ cơ đều có thể lãnh hội được; cư sĩ Phạm Cổ Nông khuyên nên in cuốn Tâm Kinh Thiêm Túc của pháp sư Hoằng Tán đời Minh, lại còn [đích thân] giảo chánh câu chữ. Do vậy, bèn cho in ra chừng đó quyển để tặng các tịnh lữ hòng kết pháp duyên để siêu tiến, giữ lại hai bản in để tái bản mãi mãi. Mong những ai thấy nghe, thọ trì, đều dùng Quán Trí rất sâu soi thấy Ngũ Uẩn đều không, đích thân chứng được tâm thể bất sanh bất diệt này để vượt qua hết thảy khổ ách!