Đ a n g t i d l i u . . .

Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư

Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư

Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư (lời tựa thứ nhất)

Cái đạo sẵn có trong tâm chúng ta lớn lao thay! Pháp sẵn có trong tâm chúng ta nhiệm mầu thay! Tịch – Chiếu bất nhị, Chân – Tục viên dung. Ly niệm, ly tình, bất sanh bất diệt. Đó gọi là “có mà chẳng có, không có mà có”, hoặc: “Không mà chẳng không, chẳng không lại không”. Chúng sanh và Phật đều do đây mà ra, thánh hay phàm đều chẳng thể diễn tả được. Giống như gương sáng trọn chẳng có một vật nào, nhưng hễ Hồ đến, Hán hiện[1]. Như các tướng xa xôi trong thái hư chẳng trở ngại mặt trời chiếu qua mây đùn. Đấy chính là “nơi Thật Tế lý địa chẳng nhiễm mảy trần, trong tâm Bổn Giác có đủ trọn vẹn các pháp”. Đấy chính là vô thượng giác đạo do đức Như Lai đã chứng, đó cũng là chân tâm thường trụ của chúng sanh đang mê.

Tam giáo thánh nhân nương theo tâm tánh này, đều lưu lại ngôn giáo, rộng hướng dẫn quần manh. Do vậy, Ni Sơn[2] nêu ý chỉ “thành minh” sâu xa để làm đường lối tu – tề – trị – bình; Trụ Sử[3] nói Đạo Đức Kinh, chỉ bày thuật trường sanh. Đại Giác Thế Tôn xứng pháp giới tánh, chỉ bày tâm Chân Như, diễn giảng đạo “nghịch trần hiệp giác”, lập tông “bất sanh bất diệt”. Tuy cạn – sâu, lớn – nhỏ bất đồng, thế gian, xuất thế gian khác biệt, nhưng chủ yếu đều chẳng ngoài việc phát huy, diễn bày thông suốt cái lý sẵn có trong tâm chúng ta khiến cho khắp các hàm thức đều xứng tánh khởi tu, do tu hiển tánh, tiêu tan huyễn vọng vốn dĩ không có, khôi phục thiên chân sẵn có, vĩnh viễn thoát đường mê, chứng ngay lên bờ giác mới thôi.

Văn Xương Đế Quân trong đời xa xưa, tâm giữ vẹn Ngũ Thường, tận lực phụng trì Tam Giáo, tự hành, dạy người, chỉ muốn đạt đến chí thiện, công cao đức cả, nên bèn được cai quản văn học. Chỉ sợ hàng mạt học vô tri, mê muội tánh thường trụ bao kiếp, bèn soạn văn dạy dỗ rộng rãi, thuật chuyện một trăm mười bảy đời về trước. Diệu nghĩa vô tận, ai lường được uyên nguyên. Chú giải dẫu nhiều, chẳng thể phô bày hết lẽ uyên áo mênh mông. Cho nên ngàn đời trước, ngàn đời sau, người dạy dỗ, kẻ được dạy dỗ thảy đều nuối tiếc chưa thỏa ý.

An Sĩ tiên sinh xưa đã trồng cội đức, thừa nguyện tái lai, xem rộng rãi cùng tột các sách, thâm nhập kinh tạng, tự đặt trách nhiệm tỉnh giác cõi đời, khai hóa dân trí, giữ thân tốt đẹp, thay đổi phong tục để nêu khuôn mẫu tốt đẹp. Dùng học thức kỳ tài diệu ngộ, dùng tâm pháp Linh Sơn – Tứ Thủy[4] để soạn bản chú giải cho bài văn tùy cơ thuyết pháp của Đế Quân khiến cho kẻ nhã, người tục cùng được xem. Lý vốn nơi tâm, từ ngữ nêu được chỗ trọng yếu, dẫn chứng sự thật, xé toạc mây mê nơi cõi ý, xiển dương nghĩa lý, ý chỉ, giương cao vầng mặt trời trí huệ trên bầu trời tâm tánh khiến cho người đọc đối với pháp gì, chuyện gì cũng đều có chỗ để phỏng theo, tâm tâm, niệm niệm thường biết kinh sợ, dè dặt. Thật là đã vạch toang tấm lòng đau đáu của Đế Quân, giãi bày hết cả ra, ngõ hầu ngàn đời trước, ngàn đời sau, người dạy dỗ, kẻ được dạy dỗ đều thỏa thích, không còn nuối tiếc mảy may gì nữa!

Nhưng bi tâm chưa hết, từ nguyện chẳng cùng, muốn khiến cho nhân dân đề cao lòng trung hậu, khoan thứ như đối với người ruột thịt, dứt đao binh, hưởng tuổi trời, giữ lễ nghĩa để vẹn luân thường, chuộng đức, xa lìa sắc đẹp. Do vậy, ông bèn soạn bộ sách răn kiêng giết tên là Vạn Thiện Tiên Tư, bộ sách răn kiêng dâm tên là Dục Hải Hồi Cuồng. Ấy là vì người đời sát nghiệp nhiều nhất, dâm nghiệp dễ phạm. Do vậy, chẳng ngại phiền nhọc, ra rả khuyên răn. Lại vì tu tràn lan những chuyện lành thế gian chỉ được phước trời – người, khi hết phước sẽ đọa lạc, khổ độc làm sao dứt cạn cho được? Do vậy, từ những kinh luận Tịnh tông, ông chọn lấy những lời lẽ phù hợp căn cơ, gộp thành một bộ sách, đặt tên là Tây Quy Trực Chỉ, khiến cho khắp những ai giàu sang, nghèo hèn, già, trẻ, trai, gái, dù trí hay ngu, dù Tăng hay tục, đều cùng niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, thoát khỏi luân hồi, lên thẳng Bất Thoái, từ tạ những nỗi khổ do vọng nghiệp cảm thành, hưởng sự vui tâm ta sẵn có.

Ba bộ sách trước tuy giảng về việc tu hành điều thiện thế gian, nhưng cũng có pháp liễu sanh thoát tử. Bộ sách cuối cùng này tuy nói về pháp liễu sanh tử, nhưng cũng phải tu hành các thiện pháp thế gian. Còn như những chuyện thuận lý dẫn đến điều lành, trái nghịch dẫn đến điều xấu đều phân tích rạch ròi, dứt nghi, giải đáp những vấn nạn, lý trọn, văn khéo. Nỗi niềm lay động kẻ điếc, làm sáng mắt người mù càng thống thiết hơn cứu người bị chết đuối hay đang bị lửa thiêu. Thật có thể nói là dựng thiên địa, lập quỷ thần, bổ trợ sáu kinh, nâng đỡ danh giáo, đáng là bộ kỳ thư tốt lành nhất trong đời, chẳng thể xem giống như những bộ thiện thư tầm thường khác. Nếu bảo tiên sinh chẳng phải là Bồ Tát thừa bổn nguyện luân, hiện thân cư sĩ, thuyết pháp độ sanh thì tôi chẳng tin.

Bất Huệ lúc bé đọc sách Nho, chẳng biết tâm truyền của Khổng Mạnh, lớn lên học Phật thừa, chưa ngộ được tánh thể của Như Lai. Đến nay tuổi sắp tri mạng (năm mươi), kiến giải như nhìn vào vách, chỉ có cái tâm ham thiện, chẳng có mảy may sức lợi người gì, muốn đem sách này in khắc lưu truyền, hiềm rằng nghèo không chỗ cắm dùi, lại lười mộ duyên. Do vậy, nhiều năm chưa thỏa được nguyện. Cư sĩ Lý Thiên Quế ở Tây Thục có linh căn từ xưa, dốc lòng hành thiện mong chứng đắc vô thượng Phật pháp, đến triều bái danh sơn Phổ Đà. Ở Pháp Vũ Thiền Tự, ngẫu nhiên gặp gỡ, nếu không có sẵn túc duyên, sao lại giải cấu[5] như thế? Ông bèn khuất mình hỏi pháp, cầu xin lẽ xuất yếu (đạo lý trọng yếu để giải thoát). Nhân đó, tôi bèn dạy “tận lực giữ luân thường, tinh tu Tịnh nghiệp, tự lợi, lợi tha, chỉ lấy đó làm trọng”. Nếu có thể tận lực thực hành không tỳ vết thì mới cảm hóa được đồng nhân. Nếu hành vi chẳng phù hợp lời nói thì phụng pháp lại trở thành hoại pháp. Những kẻ chẳng tu đức thế gian, chẳng tận lực làm lành, không phải là vì không có tư chất để tu đức, làm lành, mà là vì không có thầy tốt bạn lành để hướng dẫn. Nên bèn tặng cho ông ta cuốn sách này, bảo hãy đọc kỹ, chăm chú sao cho hành vi cử chỉ của mình đều phù hợp với những gì được chỉ bày, dạy dỗ trong sách này, không sai khác chút xíu nào thì mới nên. Ông ta khác nào được vật quý báu nhất, mừng rỡ khôn cùng, phát nguyện khắc in để rộng lưu truyền. Lại xin tôi viết tựa để bảo khắp đồng nhân. Do vậy chẳng nề hà kém cỏi, lược thuật đầu đuôi. Những ai có chí thờ vua giúp dân, tu thân, tề gia, dạy con cháu mong thành thánh thành hiền, ngộ tâm tánh liễu sanh tử thì xin hãy đọc kỹ rồi tận lực thực hành, đừng cho lời tôi là hư vọng, sai quấy vậy!

 

Lời tựa tái bản bộ An Sĩ Toàn Thư (lời tựa thứ hai)

Hai nghiệp dâm – sát chính là căn bản sanh tử của hết thảy chúng sanh. Khó đoạn nhất chỉ có dâm, dễ phạm nhất chỉ có sát. Trong hai thứ này, đối với dâm thì những ai biết tự ái đôi chút còn có thể tự chế chẳng phạm. Nhưng muốn cho ý địa thanh tịnh, trọn chẳng có mảy may gì thì chỉ bậc A La Hán đoạn Hoặc chứng Chân mới có thể làm được. Còn ngoài ra, tuy tập khí ái nhiễm dày – mỏng khác nhau, nhưng đều đã cố kết triền miên trong tâm thức, từ kiếp này sang kiếp khác, chưa thể giải thoát. Sát thì thế gian đều coi là chuyện đương nhiên, cậy mình mạnh, lấn áp kẻ yếu, dùng thịt chúng nó để no bụng mình. Chỉ cốt sướng miệng một lúc, ai tin phải bao kiếp đền bồi? Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Do người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê. Như vậy cho đến mười đời, chết chết, sống sống, ăn nuốt lẫn nhau, do ác nghiệp cùng nhau sanh cho đến cùng tột đời vị lai”. Cổ đức nói: “Muốn cho thiên hạ không binh kiếp, trừ phi chúng sanh không ăn thịt”. Lại nói: “Muốn biết kiếp đao binh trong thế gian, hãy nghe tiếng lò mổ thịt nửa đêm”.

Đã có nhân ấy ắt phải chuốc lấy quả ấy. Chẳng nghĩ đến thì thôi, hễ nghĩ tới bèn rất sợ hãi. An Sĩ tiên sinh kính vâng lời Phật sắc truyền, riêng rủ lòng từ mẫn, do vậy soạn bộ Dục Hải Hồi Cuồng để răn kiêng dâm, soạn bộ Vạn Thiện Tiên Tư để răn kiêng giết. Dẫn chứng sự thật, nêu rõ nhân quả. Thiết tha mong người khắp cõi đời cùng giữ tấm lòng chân thật “cha trời mẹ đất, coi dân như ruột thịt, nghĩ loài vật cũng như mình”, vĩnh viễn dứt bỏ chuyện thương tổn thuần phong, loạn hoại luân lý, dứt ác niệm cậy mạnh hiếp yếu. Lại muốn cho đồng nhân đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện; do vậy, bèn chú thích tường tận bản Âm Chất Văn của Văn Xương Đế Quân, để những hành vi thường ngày, khởi tâm xử sự, chuyện lớn như trị quốc an dân, chuyện nhỏ như một lời, một niệm, đều tuân thủ theo lời dạy răn, đều giữ khuôn phép. Do vậy, thuyết “giữ lòng kính, dè dặt, cẩn thận, chánh tâm thành ý” của cổ thánh tiên hiền chẳng đến nỗi thành chuyện bàn xuông mà thôi! Ba bộ sách trên đây văn từ, lý lẽ, không gì chẳng trội tuyệt xưa nay, bổ trợ kinh điển, giúp cho bình trị.

Bởi tiên sinh do kỳ tài diệu ngộ, dùng bút mực phát huy tâm pháp của Phật, Tổ, thánh hiền, cho kẻ nhã lẫn người tục cùng xem vậy. Tuy nhiên, người đã có thể kiêng dâm, kiêng sát, không làm các điều ác, vâng làm các điều lành, nhưng nếu chẳng liễu sanh thoát tử, làm sao đảm bảo đời đời kiếp kiếp chẳng quên mất tu trì? Người luôn sanh trong thiện đạo, rộng tu phước huệ, chẳng đọa đường ác để đền trả lẫn nhau, há được mấy ai? Liễu sanh thoát tử, nào có dễ đâu? Chỉ người tận lực tu Định Huệ, đoạn Hoặc chứng Chân thì mới có thể rốt ráo tự do. Ngoài ra, dù có tôn quý như Thiên Đế, tột bậc là Phi Phi Tưởng Thiên, phước thọ tám vạn đại kiếp, vẫn thuộc trong vòng trói buộc của nghiệp lực thiện ác, bị nghiệp lực thiện ác xoay chuyển!

Do vậy, riêng nương theo một pháp “cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh” của đức Như Lai, thâu thập rộng rãi những nghĩa trọng yếu trong kinh luận Tịnh Độ, soạn thành một bộ sách, đặt tên là Tây Quy Trực Chỉ. Nếu đọc đến sách này, tin tưởng chắc chắn không nghi, sanh tín, phát nguyện, cầu sanh Tây Phương, bất luận căn cơ lợi hay độn, tội nghiệp nặng hay nhẹ, cũng như công phu cạn hay sâu, cốt sao tín nguyện chân thành, thiết tha, trì danh hiệu Phật, đến lúc lâm chung không ai chẳng được Phật từ lực tiếp dẫn vãng sanh. Đã vãng sanh bèn siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, ngộ tự tâm ngay trong đương niệm, chứng giác đạo trong tương lai.

Nghĩa lý, lợi ích ấy chỉ có chứng mới biết được, cố nhiên ngòi bút chẳng thể diễn tả được nổi. Điều này thuộc về chuyện dùng tín nguyện của chính mình để cảm Phật từ bi, cảm ứng đạo giao, đạt được lợi ích lớn lao như thế. So với chuyện cậy vào tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử thì khó – dễ khác biệt vời vợi như trời với đất.

Hiện nay, các nước bên Tây Phương đại chiến đã mấy năm, nước ta thoạt đầu do ý kiến bất đồng, rốt cuộc thành Nam – Bắc đánh lẫn nhau. Lại thêm mấy năm qua, những tai nạn như nước dâng, gió bão, hạn hán, lụt lội, động đất, thổ phỉ, ôn dịch… liên tiếp xảy ra. Tính ra số người thương vong trong nước, ngoài nước không dưới vạn vạn người, đau lòng buốt óc, thảm chẳng nỡ nghe! Bất Huệ lạm dự vào Tăng chúng, chưa chứng đạo quả, chỉ giữ tấm lòng thương đời, chẳng có sức cứu người mảy may. Có vị đồng hương là tiên sinh Cần Phố Lưu Tại Tiêu, là người thanh cao, đời đời đạo đức, dốc lòng tin tưởng Phật pháp. Mùa Hạ năm nay lên núi gặp gỡ, bàn đến những sự tình trong nước ngoài nước gần đây, buồn bã hỏi: “Có diệu pháp gì để cứu giúp hay chăng?” Tôi nói: “Đây là khổ quả, quả ắt phải có nhân. Nếu muốn cứu khổ thì phải đoạn trừ nhân. Hễ đoạn được nhân thì quả không do đâu sanh được! Vì thế kinh dạy: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả’”. Bèn đưa bộ An Sĩ Toàn Thư cho ông xem, mong hãy khắc in lưu truyền rộng rãi, khiến ai nấy đều được thấy nghe, cùng lên bờ Giác. Tiên sinh mừng rỡ khôn cùng, liền sai người cháu là Triệu Bộ Vân bỏ ra bảy trăm đồng, xin tôi thay ông ta đảm nhiệm chuyện ấn tống.

Nhớ năm Mậu Thân xưa kia, từng khuyên ông Lý Thiên Quế khắc bản tại đất Thục (Tứ Xuyên), ông ta liền xin tôi viết tựa. Về sau, nhân duyên không đủ, rốt cục việc chẳng thành. Nay được ông Lưu kiên quyết tán thành, quả chẳng phải là duyên nhỏ. Trộm thấy những lời hay cải ác hướng lành trong Liễu Phàm Tứ Huấn, bài ký Du Tịnh Ý[6] là hạnh tốt đẹp chí thành thấu trời, phát huy sự lý công phu tu dưỡng, thật là đẹp đẽ, thuần thành, tinh tường, trọn vẹn. Nhân đó, đem ghép vào sau bộ Âm Chất Văn Quảng Nghĩa gồm ba cuốn. Bài Giới Sát Phóng Sanh Văn của đại sư Liên Trì là bậc chúa soái từ bi diệt sạch ma quân tàn nhẫn, bài tụng Bất Tịnh Quán của ngài Tỉnh Am v.v… là mãnh tướng tịnh hạnh diệt trừ ma quân tham dục, bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của ngài Tỉnh Am là thuyền từ phổ độ chúng sanh trầm luân trong biển khổ. Do vậy, xếp những bài này vào sau ba thứ pháp môn[7]. Ví như gấm dệt thêm hoa, đặt đèn cạnh gương, rực rỡ chói ngời, vui mắt đẹp dạ người ta. Nếu như đọc đến, ắt những ý niệm chẳng trung hậu, chẳng khoan thứ sẽ đột nhiên băng tiêu, tâm tự lợi – lợi tha đột nhiên như mây nhóm. Từ đó, từng bước càng thù thắng hơn, càng vào càng sâu hơn, phàm tình trở thành thánh trí mà chẳng biết, chẳng hay, ngõ hầu liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn thoát luân hồi. Tận mặt lễ Phật Di Đà, đích thân được thọ ký. Kính vì những người đọc sách này mà chúc mừng rằng:

 “Chìm trong biển khổ đã lâu, chợt gặp được thuyền từ, tuân hành trung thứ, quy mạng Giác Hoàng[8], tín chân, nguyện thiết, hết chấp quên tình, cảm ứng đạo giao, hầu Vô Lượng Quang”. Những điều khác đã nói tường tận trong lời tựa viết năm Mậu Thân, ở đây không nhắc lại.

***

[1] Nói gọn của câu “Hồ đến Hồ hiện, Hán đến Hán hiện”

[2] Ni Sơn là tên một ngọn núi ở quê Khổng Tử. Cha mẹ Ngài cầu tự được Ngài từ núi này nên Khổng Tử có tên tự là Trọng Ni.

[3] Trụ Sử là gọi tắt của Trụ Hạ Sử, là một chức quan thời nhà Châu, nhà Tần, tương đương với chức quan Ngự Sử thời Hán. Lão Tử Lý Đam từng làm chức quan này thời Châu. Như vậy, Trụ Sử ở đây chính là Lão Tử.

[4] Tứ Thủy là tên một con sông ở tỉnh Sơn Đông, chảy qua huyện Khúc Phụ, quê hương Khổng Tử. Khổng Tử là người nước Lỗ (nay thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông). Sau khi tạ thế, Ngài được chôn cạnh sông Tứ Thủy. Ở Sơn Đông, nay cũng có huyện Tứ Thủy. Như vậy, “dùng tâm pháp Linh Sơn Tứ Thủy” chính là dùng tâm pháp của Phật và Nho.

[5] Giải cấu: Vô tình gặp gỡ nhau. Truyện Kiều có câu: “May thay giải cấu tương phùng. Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa”.

[6] Tức bài ký Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân, là một tác phẩm khuyên đời, không rõ ai là tác giả, có nội dung khuyên con người tin sâu nhân quả, vui theo mạng trời, cải ác hướng thiện.

[7] Ba thứ pháp môn ở đây chỉ Âm Chất Văn Quảng Nghĩa, phần trích lục từ Liễu Phàm Tứ Huấn và bài ký Du Tịnh Ý.

[8] Giác Hoàng là một danh hiệu tôn xưng đức Phật, có nghĩa là vị giác ngộ tối thắng nhất.