Lời tựa sách Tịnh Độ Thiên

(năm Dân Quốc 20 – 1931)

Pháp môn Tịnh Độ thích hợp khắp ba căn, đối với người tại gia lại càng khẩn yếu; vì người tại gia ai nấy đều có công việc, chẳng dễ gì tham cứu những pháp như Thiền, Giáo v.v… được! Chỉ có pháp Niệm Phật này là khế lý, khế cơ nhất. Thật thà cắm cúi niệm Phật, niệm đến lúc nghiệp tận tình không thì “bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh thảy đều tỏ lộ trọn vẹn sát sao. Đến khi lâm chung, chắc chắn lên Thượng Phẩm. Nếu như căn cơ kém hèn chưa thể nghiệp tận tình không, nhưng do lòng thành tin tưởng chân thật, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, ắt sẽ có thể cảm ứng đạo giao với Phật, đích thân được Phật tiếp dẫn, liền được đới nghiệp vãng sanh. Tịnh Độ mầu nhiệm chính là ở chỗ này đây!

Nếu chẳng biết nghĩa này, dẫu tham thiền đạt được cốt tủy, khán Giáo minh tâm, hễ còn mảy may Hoặc nghiệp chưa hết sạch thì vẫn luân hồi sanh tử y như cũ, chẳng thể thoát lìa được! Hãy chớ nên tự ỷ lại, để đến nỗi bị hàng ngu phu ngu phụ do niệm Phật cầu sanh Tây Phương được đới nghiệp vãng sanh phải thương xót! Than ôi! Kẻ ngu dại tầm thường tột bậc phần nhiều đạt được lợi ích thật sự, còn người đại thông minh chẳng mong chi sát cánh kề vai! Phần đông là vì ỷ mình thông minh, tuy có Phật lực vẫn chẳng chịu nương cậy, rốt cuộc phải luân chuyển số kiếp dài lâu, trọn chẳng có thuở thoát ra, chẳng đáng buồn ư? Từ xưa, bậc cổ đức vốn sẵn mang lòng Bi của Phật đề xướng Tịnh Độ, bao nhiêu trước thuật nhiều khôn kể xiết, nhưng phần lớn viết bằng thể loại Văn Ngôn, chẳng thuận tiện cho hạng bình dân.

Cư sĩ Lý Viên Tịnh vốn dựa theo bốn kinh Tịnh Độ và ý tứ từ những trước thuật của cổ đức, dùng lối văn nói (Bạch Thoại) để xiển dương Tịnh tông. Tuy [nội dung sách] được chia thành mười môn, lời văn gần đến một vạn chữ, nhưng mỗi chữ mỗi nghĩa đều xuất phát từ kinh Phật hay lời Tổ, trọn chẳng tự lập ý kiến để tự khoe khoang đến nỗi mắc lỗi “lầm người, hoại pháp”! Do thấy [sách này] có ích cho kẻ sơ cơ, Phật Học Thư Cục đặc biệt xếp nó vào loại tiểu tùng thư để sách được lưu truyền rộng rãi. Nay lại in riêng theo lối chữ Tam Hiệu Đại Tự để những người lớn tuổi mục lực suy yếu chẳng bị khó đọc. Lại cậy Quang viết lời tựa dẫn giải hòng khơi gợi chánh tín. Những nghĩa trọng yếu khác trong sách đã tự có đủ, không cần phải rườm lời! Phải biết pháp môn Tịnh Độ là biển pháp để hết thảy các pháp đổ về. Nếu ai tin được như thế, người ấy liền có thể cao đăng chín phẩm ngay trong đời này, tương lai chắc chắn viên mãn Tam Giác[1]. Có kẻ cho lời ấy nói quá lố, tôi thưa: “Tội lỗi này tôi đâu dám gánh vác, đã có Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật và A Di Đà Phật gánh chịu rồi!”

***

[1] Tam Giác có thể hiểu theo hai cách:

1) Tự Giác, Giác Tha, và Giác Hạnh Viên Mãn.

2) Bổn Giác (tâm thanh tịnh sẵn có trong tự tánh), Thỉ Giác (sự giác ngộ có được do Bổn Giác huân tập và do tu tập) và Cứu Cánh Giác (Bổn Giác lẫn Thỉ Giác đạt đến cùng cực, hợp nhất).