Đ a n g t i d l i u . . .

Lời tựa sách Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận Sớ

Lời tựa sách Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận Sớ

Lời tựa sách Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận Sớ

(năm Dân Quốc 19 – 1930)

Triệu pháp sư[1] nói: “Trong trời đất, giữa vũ trụ, có một vật báu giấu kín trong núi hình”. Lời này nói về kẻ chưa ngộ chưa chứng, chứ thật ra vật báu ấy bao quát thái hư, cùng tột theo chiều dọc, trọn khắp theo chiều ngang, hằng cổ, hằng kim, luôn luôn hiển lộ! Đấy chính là như câu nói: “Thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức” (Luôn luôn chỉ dạy cho người, mà người vẫn cứ chẳng hề biết cho), chẳng đáng buồn sao? Chỉ có mình đức Thích Ca Thế Tôn ta đích thân thụ dụng được, những chúng sanh khác trải kiếp này sang kiếp khác dựa vào sức oai thần của vật báu ấy để khởi Hoặc tạo nghiệp, luân hồi sáu nẻo, trọn chẳng có thuở ra! Ví như kẻ mù đích thân lên núi báu chẳng những không thụ dụng được, trái lại còn bị thương!

Do vậy, đức Thế Tôn tùy thuận cơ nghi mà khai thị, khiến cho bọn họ ai nấy đều theo đường trở về nhà, nơi sáu căn, sáu trần, sáu thức, bảy đại, tùy theo từng hoàn cảnh mà quán sát kỹ càng mong họ đích thân thấy được vật báu ấy. Nhưng bậc có đủ trí chiếu Bát Nhã liền lập tức rỗng không các uẩn, hết sạch mọi khổ ách, tuy có nhiều vị [làm được] như vậy, nhưng đấy chẳng phải là điều bọn chúng sanh độn căn đời Mạt mà hòng mong mỏi được! Bởi vậy, [đức Phật] mở ra một pháp môn đặc biệt ngõ hầu thượng – trung – hạ căn đều đạt được lợi ích thật sự ngay trong đời này, dạy họ dùng lòng tin sâu đậm, nguyện thiết tha chuyên niệm thánh hiệu A Di Đà Phật, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, lâu ngày chầy tháng, chính cái tâm nghiệp thức chúng sanh này sẽ trở thành Như Lai Bí Mật Tạng, tức là do báu Tam Muội chứng được báu Thật Tướng, mới biết vật báu này trọn khắp pháp giới, lại đem vật báu này thí khắp hết thảy.

Do vậy, từ khi đức Phật mở ra pháp môn này, hết thảy Bồ Tát, tổ sư, thiện tri thức thảy đều tuân hành pháp này do pháp này trọn đủ tự lực và tha lực, so với những pháp chuyên cậy vào tự lực thì khó – dễ khác nào một trời, một vực! Pháp sư Phi Tích đời Đường trụ tích[2] tại chùa Thảo Đường núi Tử Các trong rặng Chung Nam, hoằng dương giáo hóa rộng lớn pháp môn Tịnh Độ, đặc biệt soạn ra bộ Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận để hết thảy tứ chúng niệm trọn vẹn tam thế Phật, nhưng chuyên chú nơi Tây Phương A Di Đà Phật. Do nếu chẳng niệm chư Phật vị lai sẽ chẳng thể phát đại Bồ Đề tâm, chiết phục tràng ngạo mạn, trong hết thảy cảnh vẫn còn có tình kiến phàm – thánh, làm sao lìa trọn vẹn bốn tướng, triệt chứng Nhất Chân cho được? Nếu thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật thì tâm sẽ tự chẳng còn có tình kiến phàm – thánh để được nữa, nên mới rốt ráo đoạn trừ phiền não, rốt ráo viên chứng tự tâm. Nếu chẳng niệm trọn vẹn chư Phật trong quá khứ và hiện tại thì có lẽ cái tâm niệm A Di Đà Phật sẽ bị câu nệ, hạn cuộc, chẳng thể viên mãn, trọn khắp. Vì thế, dạy người niệm Phật “dẫu niệm một đức Phật nhưng niệm trọn tam thế chư Phật; tuy niệm trọn hết tam thế chư Phật nhưng ắt phải chuyên dốc sức nơi A Di Đà Phật, ngõ hầu cái tâm niệm Phật theo chiều ngang trọn khắp mười phương, theo chiều dọc tột cùng ba đời!” Đây chính là cái tâm niệm Phật này và tâm của mười phương ba đời chư Phật không lúc nào chẳng khế hợp nhau!

Bộ luận này ý nghĩa sâu rộng, nếu chẳng chú thích chắc có lẽ [người đọc] sẽ gặp tận mặt mà bỏ lỡ, cũng như chưa chắc đã khỏi hiểu lầm lý sự. May mà lão pháp sư Đế Nhàn thuộc tông Thiên Thai chẳng tiếc tinh lực, riêng soạn sớ giải để dù văn hay nghĩa đều được sáng tỏ. Lợi ích ấy há diễn tả được ư? Cư sĩ Chí Tịnh tu Tịnh nghiệp đã lâu, tâm lợi người tha thiết, phát tâm in năm ngàn bộ để tặng cho các vị Tăng – tục tu Tịnh Độ, xin tôi trình bày đại ý của bộ luận, ngõ hầu người đọc ngay từ đầu đã thấy được chỗ chỉ quy [của bộ luận]. Do vậy, chẳng nài thô lậu, trình bày đại lược những điều ẩn chứa, để [người đọc] biết pháp môn Tịnh Độ là pháp môn vừa cạn vừa sâu, vừa là Quyền vừa là Thật. Hết thảy pháp môn, hà sa diệu nghĩa, không pháp nào chẳng từ pháp giới này lưu lộ, không pháp nào chẳng trở về pháp giới này, do pháp này chính là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nếu thấy lời này chẳng thích đáng, xin hãy chất vấn Phổ Hiền Bồ Tát là vị đã khuyên phát mười đại nguyện vương, hướng dẫn về Cực Lạc!

***

[1] Triệu Pháp Sư chính là ngài Tăng Triệu (384-414), môn nhân nổi tiếng nhất của đại sư Cưu Ma La Thập. Sư là con nhà nghèo, phải chép sách thuê để kiếm sống. Do vậy, thông hiểu kinh sử rất sâu. Thoạt đầu, Sư hâm mộ thuyết Lão Trang, sau do đọc kinh Duy Ma Cật bèn cảm ngộ, đi xuất gia. Ngài thông hiểu kinh Phương Đẳng, thanh danh lẫy lừng miền Bắc Trung Hoa. Nghe pháp sư Cưu Ma La Thập đến đất Lương, bèn xin theo học, được ngài Cưu Ma La Thập khen là bậc kỳ tài. Đến khi Diêu Tần diệt nhà Lương, Sư bèn theo ngài La Thập sang Trường An. Tuân sắc lệnh của Diêu Hưng, Tăng Triệu cùng với Tăng Duệ lo phù tá ngài La Thập phiên dịch kinh điển. Do vậy, giải ngộ càng sâu, được tôn xưng là bậc Giải Không Đệ Nhất. Năm Hoằng Thỉ thứ sáu (404), khi ngài La Thập dịch xong bộ Đại Phẩm Bát Nhã, Sư soạn cuốn Bát Nhã Vô Tri Luận trình lên, được hai vị La Thập và Huệ Viễn nồng nhiệt tán thán. Sau đó, Sư còn soạn Phá Không Luận, Vật Bất Thiên Luận, Niết Bàn Vô Danh Luận, Chú Duy Ma Cật Kinh v.v… Tiếc là Sư mất rất sớm, chỉ thọ được 31 tuổi. Những bài luận của Sư được thâu thập thành cuốn Triệu Luận.

[2] Trụ tích: Còn gọi là “quải tích”. Khi một vị pháp sư trụ ở tại nơi đâu thì gọi là trụ tích tại nơi đó. Tích ở đây là tích trượng.