Lời tựa cho bộ Tịnh Độ Thập Yếu

(năm Dân Quốc 19 – 1930)

Hết thảy các pháp môn do đức Như Lai đã nói trong suốt cả một đời tuy là Đại, Tiểu, Đốn, Tạm bất đồng, Quyền, Thật, Thiên, Viên sai khác, nhưng không pháp nào chẳng nhằm khiến cho hết thảy chúng sanh đều theo đường về nhà, khôi phục tâm tánh mà thôi! Nhưng những pháp ấy đều cần tự lực tu trì để đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, hoàn toàn không được một sức nào khác nhiếp trì hòng chắc chắn được siêu phàm nhập thánh, thành tựu sở nguyện ngay trong đời này! Chỉ có pháp môn Tịnh Độ cậy vào sức thệ nguyện, nhiếp thọ của Phật và lòng thành tín nguyện niệm Phật của chính mình, bất luận đã chứng ngộ hay không; thậm chí kẻ chưa đoạn mảy may Phiền Hoặc nào vẫn đều có thể cậy vào Phật từ lực liền được vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này. Đã được vãng sanh, nếu là người đã chứng ngộ liền lên thẳng Thượng Phẩm, kẻ chưa đoạn Hoặc vẫn dự vào dòng thánh.

Do vậy biết pháp môn Tịnh Độ rộng lớn không có gì ra ngoài được, như trời che khắp, dường đất chở đều, thống nhiếp các căn cơ trọn chẳng sót vật nào! Thật có thể nói là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, thích hợp khắp ba căn, thâu trọn lợi căn và độn căn. Trên là bậc Đẳng Giác Bồ Tát chẳng thể vượt ra ngoài được; dưới là phàm phu nghịch ác vẫn có thể dự vào trong đó. Thỏa thích bản hoài xuất thế của đức Như Lai, mở ra con đường chánh để chúng sanh trở về nguồn. Vì thế, [pháp này] được chín giới cùng quay về, mười phương cùng khen ngợi, ngàn kinh cùng xiển dương, muôn luận đều tuyên nói.

Huống chi đang nhằm thời Mạt Pháp, căn cơ con người kém hèn, bỏ pháp này tu pháp khác thì chẳng những hàng phàm phu bộn bề phiền não chẳng có cách nào thoát ly sanh tử, mà ngay cả bậc thánh nhân Thập Địa cũng khó viên mãn Bồ Đề! Vì vậy, Văn Thù, Phổ Hiền, Mã Minh, Long Thọ, Viễn Công, Trí Giả, Thanh Lương, Vĩnh Minh đều phát tâm Kim Cang hoằng truyền, tán dương, ngõ hầu lục đạo, tam thừa đều được vượt ngang ra khỏi tam giới, khôi phục lại tâm tánh vốn có. Trước thuật tại Thiên Trúc và Chấn Đán (Trung Hoa) [để tuyên giảng pháp môn này] nhiều khó thể kể xiết! Đại sư Ngẫu Ích chọn lấy chín tác phẩm khế hợp thời cơ nhất và bộ Di Đà Yếu Giải do chính mình trước tác, [gộp thành một bộ sách] đặt tên là Tịnh Độ Thập Yếu, muốn cho người học nhờ [xem] những tác phẩm này sẽ hiểu trọn vẹn chỗ trọng yếu trong sự độ sanh của đức Như Lai và nguyên do pháp này thống nhiếp khắp hết thảy các pháp.

Đại Sư mất rồi, môn nhân là Thành Thời muốn [tác phẩm này] được lưu truyền trọn khắp pháp giới, nhưng sợ văn từ dài dòng, số lượng quyển quá lớn, chi phí lớn lao, khó thể [lưu truyền] rộng khắp được, bèn tóm lược câu chữ, đối với mỗi tác phẩm chỉ trình bày đại lược những ý chánh quan trọng, thêm vào những điều bình luận, quả thật hết sức lao tâm khổ tứ! Tiếc rằng Sư ỷ mình trí có thể chiếu soi trọn vẹn, đọc đến đâu, trích lược đến đấy, chẳng bỏ công tra duyệt lại, cứ cho khắc in ngay, đến nỗi lời văn nhiều chỗ mù mờ, lại thêm giọng điệu sai lầm, lời lẽ chẳng đạt ý vậy!

Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), cư sĩ Từ Úy Như đến thăm Quang; do ông ta lo liệu việc khắc in Tạng kinh, tôi bèn cậy ông ta sưu tập, khắc in bản gốc [của bộ Tịnh Độ Thập Yếu]. Sau đấy, ông ta bèn khắc in hai tác phẩm là Di Đà Yếu Giải và Tây Phương Hiệp Luận. Nay đã có được nguyên bản đầy đủ, cư sĩ Lý Viên Tịnh tính tái bản theo đúng như hình thức sách Tịnh Độ Thập Yếu [đã được in] trước kia: Phàm mỗi một lời bình luận do sư Thành Thời đã viết đều chiếu theo đó sao lục, chỉ bổ sung những chỗ sư Thành Thời khiếm khuyết, hòng chẳng diệt mất sự cực trí của sư Thành Thời, soạn thành bốn quyển. Do những chỗ trích lược khác nhau bao nhiêu đó chỗ, cho nên phải sắp xếp lại thứ tự từng quyển. Trước kia, Tây Trai Thi, Niệm Phật Trực Chỉ thứ tự trước – sau bị đảo lộn, nay sắp xếp lại cho thích đáng; cuối mỗi quyển đều kèm theo những bài văn quan trọng và [những đoạn trích từ] Triệt Ngộ Ngữ Lục. Lại còn đem Vãng Sanh Luận Chú và Liên Hoa Thế Giới Thi gộp thành một quyển để làm phụ bản, tổng cộng là năm quyển, thảy đều phù hợp với lời văn, ý nghĩa và tông chỉ của sách Thập Yếu, hoàn toàn chẳng khác biệt. Giống như những hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế soi bóng lẫn nhau, khiến cho những người đọc biết sâu xa pháp môn Tịnh Độ chính là chỗ quy túc của hết thảy các pháp. Hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng lưu lộ từ pháp giới này, chẳng trở về pháp giới này!