Lời tựa khắc lại cuốn Di Đà Lược Giải Viên Trung Sao, khuyên nên thọ trì
Một pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ chính là đạo trọng yếu để phổ độ chúng sanh của mười phương chư Phật, là diệu môn để mau chứng Phật quả của chúng sanh trong chín giới. Các kinh Đại Thừa đều dạy về pháp trọng yếu này; nhưng ba kinh Tịnh Độ chuyên giảng pháp này đến cùng tột. Thế gian thường quen thói chẳng suy xét, coi là pháp thiển cận, cho rằng chẳng rộng sâu như biển Giáo, chẳng thẳng chóng như Thiền Tông, thường xiển dương Tông, Giáo, đè nén Tịnh Độ, chuộng tự lực, ghét Phật lực. Thấy việc nhân mà nhường, thấy chuyện nghĩa chẳng làm, đến nỗi bi tâm triệt để của Như Lai bị khuất lấp chẳng thông suốt được, đường tắt thoát khổ của chúng sanh bị bế tắc chẳng thông. Nay chẳng nề hà bị chê trách, nêu chứng cứ đại lược mong sao người thấy nghe tùy hỷ cùng sanh về liên bang. Lúc Như Lai mới thành Chánh Giác, vì bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ diễn giảng kinh Đại Hoa Nghiêm. Đến phẩm Nhập Pháp Giới, Thiện Tài do tâm Thập Tín đã mãn, vâng lời ngài Văn Thù dạy, tham học với khắp các tri thức. Thoạt đầu gặp ngài Đức Vân, vừa được nghe pháp môn Niệm Phật liền chứng Sơ Trụ. Từ đó hễ tham học liền chứng, cho đến chỗ của vị tri thức thứ năm mươi ba là ngài Phổ Hiền. Phổ Hiền dùng oai thần gia bị, ngay lập tức, sở chứng của Thiện Tài bằng với Phổ Hiền, bằng với chư Phật, ngài Phổ Hiền bèn giảng mười đại nguyện vương khuyến khích Thiện Tài và Hoa Tạng hải chúng hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Trong Quán kinh, hàng Ngũ Nghịch Thập Ác khi tướng địa ngục hiện, niệm Phật mười tiếng liền được vãng sanh. Pháp Thân đại sĩ đều nguyện vãng sanh, A Tỳ tội nhân còn dự vào phẩm chót. Pháp môn rộng sâu, thẳng chóng, có pháp gì hơn được nữa!
Thật có thể gọi là kim chỉ nam trong biển Giáo, là Bắc Cực của Thiền Tông. Hết thảy các pháp, không pháp nào chẳng lưu xuất từ pháp giới này; hằng sa diệu nghĩa, không nghĩa nào chẳng quy hoàn pháp giới này.
Vì thế, bên Tây Thiên: Văn Thù, Phổ Hiền, Long Thọ, Mã Minh, bên Đông Độ: Viễn Công (tổ Huệ Viễn), Trí Giả, Thiện Đạo, Vĩnh Minh hoặc phát nguyện nói kinh (ngài Văn Thù có kinh phát nguyện, ngài Phổ Hiền nói phẩm Hạnh Nguyện), hoặc chú giải kinh, tạo luận, không vị nào chẳng dùng pháp môn này để tự hành, dạy người, lợi khắp hàm thức. Cổ nhân muốn cho cả cõi đời cùng tu nên đem kinh A Di Đà xếp vào khóa tụng hằng ngày. Do kinh này lời lẽ ngắn gọn, nghĩa lý phong phú, hành giản dị mà hiệu quả nhanh chóng, nên bậc hoằng pháp đại sĩ chú sớ, tán dương, từ xưa đến nay không biết bao nhiêu mà kể! Trong số ấy, tìm lấy bản thật rộng lớn, thật tinh vi thì không gì bằng bộ Sớ Sao của ngài Liên Trì. Còn bản thẳng chóng, quan trọng, hay khéo thì không gì bằng bộ Yếu Giải của ngài Ngẫu Ích. U Khê pháp sư[1] nắm giữ pháp ấn Đế Quán Bất Nhị của Thiên Thai Giáo Quán, soạn bộ Lược Giải Viên Dung Trung Đạo Sao, lý cao sâu nhưng hàng sơ cơ vẫn hiểu được, văn lưu loát, thông đạt, khiến người tu lâu đều khâm phục. Hiềm vì lưu thông đã lâu, bị sai ngoa quá nhiều. Do vậy, tôi giảo chánh, cho khắc ván lại, ngõ hầu khôi phục diện mạo cũ. Kinh Di Đà có được ba bộ sớ giải này thì không pháp gì chẳng hoàn bị, không căn cơ nào chẳng thâu tóm. Tùy ý nghiên cứu một bản nào cũng đều có thể biết chỗ chỉ quy. Đọc trọn cả ba bộ sách ấy mới kham thấu hiểu triệt để điều sâu xa yếu diệu. Từ đấy, phát trọn vẹn ba tâm, chấp trì thánh hiệu, mong thoát khỏi đời ác ngũ trược, mong chứng được Tứ Đức[2] sâu thẳm. Như vậy, đến lúc lâm chung, chắc chắn được Phật Di Đà tiếp dẫn, thánh chúng đều tiếp nghênh, gởi chất nơi thai sen, lìa đường hiểm, ở yên nơi bảo sở[3]. Nghe pháp thọ ký, từ Đồng Cư bèn nhanh chóng chứng Tịch Quang, xắn tay hành ngay, nào ai chẳng có phần. Giãi bày tấm lòng ngu muội dám thưa cùng đồng nhân.
***
[1] Ngài U Khê là một vị cao tăng thuộc tông Thiên Thai. Sanh vào năm 1554 nhằm đời Gia Tĩnh nhà Minh, là người huyện Tây An, phủ Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, pháp tự Vô Tận, pháp hiệu Hữu Môn. Lúc nhỏ lễ ngài Hiền Ánh Am thiền sư xin thế độ, sau theo ngài Bách Tùng Chân Giác nghe giảng kinh Pháp Hoa, học Thiên Thai Giáo Quán Tông. Năm 1582, nhân hỏi ngài Bách Tùng về yếu chỉ đại định, bị Sư trừng mắt nhìn, đột nhiên khế ngộ. Ngài Bách Tùng bèn truyền cho kim vân tử ca-sa. Năm Vạn Lịch 15 (1587), về trụ tích tại chùa U Khê Cao Minh trong núi Thiên Thai, giảng dạy học trò, nghiên cứu, tu tập Thiền và Tịnh Độ. Thế gian gọi Ngài là U Khê Đại Sư từ đó. Sư thường tu các pháp sám Pháp Hoa, Đại Từ, Kim Quang Minh, Di Đà, Lăng Nghiêm v.v… Mỗi năm cử hành tu bốn thứ tam-muội, luôn đem thân làm gương đốc suất đại chúng. Khi Ngài đang giảng pháp, đại chúng chợt nghe có tiếng nhạc trời réo rắt, Sư biết đã đến lúc, giảng xong, bèn viết năm chữ “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, lớn tiếng xướng tựa đề kinh hai lượt, rồi nghiễm nhiên thị tịch, hưởng 75 tuổi. Ngài còn để lại các tác phẩm Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, Tánh Thiện Ác Luận, A Di Đà Kinh Lược Giải Viên Trung Sao, Duy Ma Kinh Vô Ngã Sớ, Thiên Thai Truyền Phật Tâm Ấn Ký Chú, Tịnh Độ Pháp Ngữ, Thiên Thai Sơn Phương Ngoại Chí, Quán Kinh Đồ Tụng.
[2] Tứ Đức là thường – lạc – ngã – tịnh.
[3] Bảo sở: Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành có nêu thí dụ một người dẫn đường, khéo thông hiểu phương tiện, dẫn đại chúng đến chỗ có kho báu (bảo sở). Đại chúng đi đường xa, chán mệt, muốn bỏ về, vị hướng đạo bèn hóa ra cái thành cho đại chúng nghỉ ngơi. Khi mọi người đã nghỉ khỏe, liền nói: “Đây chỉ là hóa thành, chưa phải bảo sở chân thật”. Bảo sở ví như Phật quả, hóa thành ví như những địa vị trong tam thừa.