Lời tựa in lại Phật Thuyết A Di Đà Kinh (viết thay)

Trộm nghĩ giáo pháp Tịnh Độ được khởi đầu bởi Di Đà đạo sư, được diễn bày bởi Thích Ca Thế Tôn, mười phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài tán dương, thánh hiền hai cõi phát tâm Kim Cang lưu truyền. Nói tóm lại, giáo pháp suốt cả một đời đức Phật, trăm ngàn pháp môn, không pháp nào chẳng khiến cho con người dùng Văn Tự Bát Nhã để khởi Quán Chiếu Bát Nhã. Do Quán Chiếu Bát Nhã bèn chứng Thật Tướng Bát Nhã. Đã chứng Thật Tướng Bát Nhã thì “tâm tịnh, cõi tịnh, tình không, cảnh không”, như một vầng trăng in bóng khắp ngàn con sông, như vạn ống tiêu cùng kêu bởi một trận gió. Quang minh, thọ mạng tột cùng chiều ngang, thông thấu chiều dọc, cùng tồn tại lâu dài giống như đức Di Đà Thế Tôn. Như vậy thì kinh nào chẳng phải là kinh Tịnh Độ, hạnh nào chẳng phải là hạnh Tịnh Độ?

Ước trên bề mặt, chỉ có ba kinh Tịnh Độ là chuyên giảng về Tịnh Độ đến tột cùng. Nhưng mở bày rộng lớn nguyện luân, minh thị sâu xa duyên khởi thì chỉ có kinh Vô Lượng Thọ. Chuyên xiển dương pháp quán, dạy thêm về nhân vãng sanh thì chỉ có Thập Lục Quán Kinh. Hai kinh nói trên pháp môn rộng lớn, đế lý tinh vi, kẻ độn căn đời Mạt thật khó được lợi ích. Tìm một bản kinh văn tự đơn giản, nghĩa lý phong phú, chữ nghĩa gọn ghẽ, lý dồi dào, thích hợp khắp ba căn, chín pháp giới cùng tuân phụng, hạ thủ dễ, thành công cao, dùng sức ít mà được hiệu quả nhanh chóng, dốc sức tu một hạnh mà viên thành vạn đức, khiến cho cái tâm tu nhân nhanh chóng khế hợp quả giác thì chỉ có Phật Thuyết A Di Đà Kinh mà thôi! Ấy là vì vừa nghe “y báo, chánh báo trang nghiêm, thượng thiện nhân cùng nhóm hội” thì lòng tin thật sự sẽ nẩy sanh, nguyện thiết tha sẽ phát, ắt sẽ có cái thế cuồn cuộn như sông ngòi không sao ngăn được. Từ đấy, khăng khắng gìn giữ, chấp trì vạn đức hồng danh, niệm đâu chú tâm vào đó cho đến khi nhất tâm bất loạn. Làm được như vậy thì trong đời này đã dự vào dòng thánh, lâm chung theo Phật vãng sanh, khai tri kiến Phật, cùng được thụ dụng như Phật. Do vậy, biết rằng: Một pháp Trì Danh chứa đựng trọn vạn hạnh, toàn sự chính là lý, toàn vọng chính là chân, nhân tột biển quả, quả thấu nguồn nhân, thật có thể gọi là “đường tắt để trở về nguồn, là môn trọng yếu để nhập đạo” vậy! Cổ đức nói: “Học đạo nơi những môn khác như con kiến trèo lên núi cao. Niệm Phật vãng sanh như buồm căng gió thuận nước”, thật có lý!

Tôi túc nghiệp sâu nặng, rất hâm mộ Tịnh tông, tuy  không có sức tự lợi lợi tha, nhưng khá có tâm tự lập, lập người, nên in lại kinh này để rộng lưu truyền khiến cho người đọc đến ai nấy đều chấp trì danh hiệu, đều cùng nhất tâm. Vượt khỏi trần thế, tu lên Cực Lạc, dùng nguyện luân “nhiếp thủ chúng sanh” của ngài Pháp Tạng, nương theo cảnh duyên Tịnh Độ tiến thẳng về Phật Quả, ngõ hầu kinh “không ai hỏi, Phật tự nói này” chẳng trở thành giảng xuông, có ai nghe được hạnh này đều thật sự hành, bèn dập đầu nói kệ tụng để kính cẩn khuyên lơn như sau:

Người thấy nghe, tùy hỷ,

Đều phát tâm Bồ Đề,

Hết một báo thân này,

Cùng sanh cõi Cực Lạc.