Lời tựa khắc lại bộ Thủy Lục Nghi Quỹ
Ơn Phật rộng lớn, trọn khắp, chẳng còn sót tí gì. Thoạt mới thành Chánh Giác, bèn nói ra pháp Ngài đã chứng, chỉ riêng hàng Pháp Thân đại sĩ mới có thể lãnh hội được; nhân, thiên, phàm phu, Tiểu Thừa chẳng thấy, chẳng nghe. Do vậy, bèn từ Thật bày ra Quyền, ẩn Đại dùng Tiểu, tùy thuận cơ nghi, khéo léo khuyến dụ dần dần, đợi đến khi đã đoạn Phiền Hoặc, đã chứng Chân Đế, rồi mới quở trách mọi lẽ, nhiều cách đào thải, khiến cho phát đại tâm cầu Phật quả, chẳng trụ vào pháp mà tu vạn hạnh. Đến khi căn cơ đã chín muồi bèn hội tam quy nhất, khai Quyền hiển Thật, thọ ký thành Phật cho khắp tất cả, diễn bày thông suốt lớn lao bổn hoài xuất thế. Từ đấy, hiểu rõ hết thảy các pháp đều là Phật pháp, hết thảy mọi người đều là Phật tử, không còn ai cam lòng thoái khuất.
Lại còn thương xót những kẻ tự lực kém hèn, hiện tại quyết khó thể liễu thoát, liền đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ khiến cho họ cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Có những kẻ tội chướng sâu nặng, định nghiệp chẳng dễ chuyển dời, bèn mở rộng bí mật quán đạo khiến cho họ nương vào sức Tam Mật[1] diệt cho hết sạch không còn sót. Nhưng hai pháp này là đạo để phàm lẫn thánh cùng tu, là pháp thành thủy thành chung; do chúng rõ ràng thiên về hàng phàm phu bị nghiệp buộc ràng khiến cho họ mau được lợi ích thù thắng mà nói như vậy; chứ thật ra mười phương tam thế chư Phật không vị nào chẳng do pháp này mà viên thành Phật đạo, không vị nào chẳng dùng pháp này để phổ độ quần manh.
Đến khi pháp truyền sang Chấn Đán, Lương Võ Đế lên ngôi, thuật giấc mộng cùng cao tăng để phổ độ các hàm linh; nhân đó, [chư Tăng] đọc trọn Đại Tạng, soạn thành nghi quỹ này. Từ đấy lưu thông cho đến ngày nay. Xét về nguồn cội thì dùng vô lượng oai đức đà-la-ni để phát khởi. Xét trên mặt trước thuật và cách xếp đặt thì hết thảy các pháp trong cả một đời giáo hóa không gì chẳng nêu trọn để đọc tụng, tu trì. Do đó, pháp môn ấy rộng lớn, lợi ích sâu rộng, không những làm cho lục đạo phàm phu mau thoát khỏi nghiệp trói buộc mà còn làm cho tam thừa thánh nhân mau chứng Bồ Đề.
Người có thể hoằng đạo, lòng thành kham phù hợp lẽ chân! Nếu vị trai chủ thỉnh pháp và các sư tác pháp ai nấy đều dốc kiệt lòng thành, tận lòng kính thì lợi ích không thể nào diễn tả được. Ví như mùa Xuân về trên cõi đất, thảo mộc đều được sanh thành; vầng trăng sáng vằng vặc giữa trời, sông ngòi mỗi mỗi đều hiện bóng. Vì thế, đương nhân được nghiệp tiêu trí rạng, chướng hết, phước cao, tiên vong đều được sanh về Tịnh Độ, sở cầu không gì chẳng toại ý, lại khiến cho oán thân bao kiếp, hàm linh trong pháp giới đều được tắm gội ân quang Tam Bảo, cùng kết duyên chủng Bồ Đề. Nếu trai chủ chẳng thành tâm thì công đức bỏ tiền [làm pháp hội] hữu hạn, tội lỗi khinh mạn pháp vô cùng. Tăng chúng chẳng chí thành thì thổi ống bễ, thổi sáo thành kinh, nhịp chày giã gạo thành lễ[2]. Lúc Tam Bảo long thiên giáng lâm, làm chuyện lỗ mãng, quấy quá, tắc trách, làm sao núi tội không cao chót vót, biển phước cạn khô, sống thì mắc họa tai, chết bị khổ sở[3] cho được? Sách này là bản của Hàng Thản[4], mờ mịt quá sức, chùa Thiên Đồng dù khắc cũng khó được phổ cập. Do vậy, Tịch Công chùa Vạn Thọ ở Duy Dương, Dũ Công chùa Bảo Luân v.v… quyên tiền để khắc lại hầu được lưu truyền rộng rãi, sai Quang ghi lại năm tháng. Do vậy, lược thuật nguyên ủy cũng như điều lợi, mối tệ, để người theo đuổi pháp này chỉ được lợi ích, chẳng bị tổn hại, thì Phật thánh hoan hỷ, phước lẫn huệ cả hai cùng tăng trưởng. Nguyện những người tu pháp này ai nấy đều gắng lên.
***
[1] Tam Mật: Thân mật, ngữ mật, ý mật.
[2] Ý nói chỉ có nhịp điệu tiết tấu tụng niệm nhịp nhàng như thổi ống bễ đều đặn, lễ cúi lên rạp xuống nhịp nhàng như chày giã gạo, chứ không mang ý nghĩa gì hết.
[3] Nguyên văn “khiển trích”: Quở phạt, đày đi xa.
[4] Hàng Thản là một danh xưng khác của thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang.