Lời tựa cho tờ niên san số thứ hai của Phật Giáo Tịnh Nghiệp Xã ở Vô Tích

Hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng ra ngoài nhân quả. Có kẻ chẳng tin chê là mờ mịt, chẳng thể truy cứu, nên thành ra bỏ thiện nhân, thiện quả, để chọn lấy ác nhân, ác quả. Bởi lẽ, tin nhân quả thì sẽ dè dặt, kinh sợ, răn dè, cẩn thận ngay trong những nơi không ai thấy được, kiêng nể ngay trong chỗ không ai nghe được, tu sửa đức mình. Không tin nhân quả thì sẽ phóng túng, tà vạy, xa xỉ, trọn chẳng kính sợ mạng trời, khinh miệt ngôn giáo của thánh hiền, buông tuồng không nể nang. Vì thế, kinh Thư nói: “Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương” (Làm lành thì trăm điều lành giáng xuống, làm điều chẳng lành thì trăm nỗi tai ương giáng xuống). Kinh Dịch chép: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương” (Nhà chất chứa điều lành ắt sự vui có thừa, nhà chất chứa chuyện chẳng lành ắt tai ương có thừa). Gia đình hưng thịnh hay suy sụp, đất nước bình yên hay loạn lạc không gì chẳng do vì lẽ này gây nên.

Vì thế Khổng Tử muốn làm sáng tỏ Minh Đức phải lấy “cách vật” (trừ khử vật dục) làm gốc. “Vật” (物) là gì? Chính là những thứ tư dục chẳng hợp lẽ trong tự tâm. “Cách” (格) là gì? Như người mạnh mẽ chiến đấu với giặc, ắt mong sao tư dục phải tháo chạy ra xa. Tư dục trong tự tâm đã bị trừ khử rồi thì chánh tri sẵn có sẽ tự hiển lộ; đúng đúng, sai sai đều rõ ràng, ý thành, tâm chánh, thân tu. Như vậy thì “cách vật” chính là căn bản để “làm sáng tỏ Minh Đức”. Đã có thể trừ khử món vật tư dục thì trọn chẳng đến nỗi có những tri kiến tà vạy, sai bậy không hợp lý. Do vậy sẽ tấn tu không ngừng, muốn chẳng đạt đến địa vị thánh hiền cũng không thể được! Tiếc cho cõi đời phần nhiều chẳng suy xét lẽ này, đều coi việc thúc đẩy tri thức của chính mình đến mức cùng cực nhằm thấu hiểu cùng tận nguyên lý của mọi sự vật trong thiên hạ là “trí tri cách vật”. Đấy là coi cành nhánh như cội gốc, coi cội gốc là cành nhánh! Mất mát lớn lắm!

Chỉ vì thánh mất niệm mà thành cuồng, do cuồng khắc chế được ý niệm mà thành thánh. Bước đầu tiên chỉ là có “cách vật” được hay không mà thôi! Hễ “cách vật” được thì sẽ cao đăng địa vị thánh hiền; chẳng “cách vật” được thì sẽ rớt vào loài cầm thú. Người học Phật tu Giới – Định – Huệ, đoạn tham – sân – si, cũng chính là thể hiện ý “cách vật trí tri” vậy! Ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành để dốc sức tu thiện pháp thế gian; lại hằng ngày còn thường xưng niệm vạn đức hồng danh của A Di Đà Phật thì lâu ngày chầy tháng sẽ hợp với khí phận của Phật, khi còn sống sẽ tự giống như bậc hiền thánh, lúc mất liền sanh về cõi nước Như Lai.

Ông Viên Lệ Đình ở Vô Tích xưa kia là một gã ngông cuồng, do nghe Phật pháp, biết nhân quả báo ứng đều do tự tâm cảm vời, muốn bỏ ác quả để tận lực tu thiện nhân. Do thấy chính mình may mắn đã được biết tới [những điều trên đây], bèn thương xót những kẻ khác chưa ngộ, liền tập hợp những người cùng chí hướng, lập ra Tịnh Nghiệp Xã. Phàm những ai gia nhập đều tùy theo khả năng của chính mình mà sốt sắng hành điều lành thế gian để mong chẳng phụ bạc cái đạo làm người, kiêng giết, bảo vệ sanh vật, ăn chay, niệm Phật, ngõ hầu cùng sanh về cõi Cực Lạc. Nay đã hơn ba năm rồi, đem những ý nghĩa trọng yếu đã được đề xướng trong Liên Xã, những hành trạng tu trì của đại chúng trong Liên Xã và những lợi ích đạt được, cũng như những sự nghiệp đã thực hiện, những kinh phí đã dùng trong hai năm gần đây nhất, mỗi mỗi đều ghi chép đầy đủ kể từ ngày thành lập đến nay để tạo thành tờ niên san kỳ thứ hai. [Ông Viên] muốn đem in ra, yêu cầu tôi viết lời tựa. Do vậy bèn lược thuật đại ý của nhân quả, cách vật trí tri để trình bày. Đối với nguyên do của sự tu trì Tịnh nghiệp thì đã có những kinh luận và trước thuật Tịnh Độ nên không cần phải nhắc đến ở đây!