Lời tựa cho tác phẩm Hám Sơn Đại Sư Niên Phổ Sớ

Mạnh Tử nói: “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ” (Hễ còn nghèo cùng thì giữ cho riêng mình thiện, hễ hiển đạt thì sẽ làm cho thiên hạ cùng thiện). Đây là lời luận định dựa theo pháp thế gian. Nếu luận theo Phật pháp, khi hiển đạt, cố nhiên nên làm cho người khác cùng được thiện, nhưng trong khi nghèo cùng vẫn có thể làm cho người khác được thiện. Nghiêm trì giới luật, đôn đốc luân thường, lấy thân làm gương để đốc thúc người khác, khiến cho hết thảy mọi loài đều nhìn theo bắt chước làm lành. Đợi khi cái tâm vui sướng hướng theo đã dấy lên rồi, bèn dạy cho họ biết sự lý “nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo, tâm vốn là Phật nhưng phải do nhân duyên niệm Phật vãng sanh thì mới đích thân chứng được”. Phàm những kẻ hữu tâm, không ai chẳng vui vẻ thuận theo. Vì thế các bậc cao tăng đời trước đi đến đâu cũng thường có nhiều người quy y, so với sự giáo hóa cai trị của nhà vua còn tạo lợi ích sâu đậm hơn.

Vào cuối đời Minh, kỷ cương của vương triều suy đồi, đại thần không có quyền hành, những kẻ nắm quyền đều là bọn thái giám vô tri vô thức. Kẻ gian ác ỷ quyền làm chuyện tệ hại, kẻ mang ý nguyện chân thật thì thiếu tài trí để lập phương cách [cứu vãn] đến nỗi dân khốn đốn, nước nguy ngập, hết cả thuốc chữa! Hám Sơn, Tử Bách, Liên Trì, Diệu Phong cùng xuất hiện trong thời ấy, ngầm giúp cho đạo bình trị, thầm cải thiện cuộc sống nhân dân rất lớn. Vì hoằng pháp, ngài Hám Sơn bị vu cáo, bị đày đi làm lính thú[1] ở Quảng Châu. Ngài đã cứu nhân dân đất Việt (Quảng Đông), giữ cho xã tắc tồn tại lâu dài vừa sâu vừa xa. Nếu ngài Hám Sơn chẳng bị đày đi làm lính thú ở Quảng Châu, dân Quảng châu đã sớm lâm vào cảnh hiểm, tạo thành mối lo cho nước nhà. Những chuyện như dẹp bỏ thuyền chặn xét thâu thuế, dẹp yên sự nổi loạn của dân chúng, đem lại hòa bình cho Khâm Châu v.v… đều do Sư khuyên nhủ một buổi mà giải quyết xong. Nếu chẳng phải là bậc thừa nguyện thị hiện giáng sanh cứu dân trong cơn nước lửa thì làm sao đạt được như thế? Các vị cư sĩ như Diệp Ngọc Phủ v.v… lập chùa Trạm Sơn ở Thanh Đảo, đấy chính là chỗ ngài Hám Sơn do hoằng pháp mà bị vu báng. Nghĩ đến đức sâu của ngài Hám Sơn, bèn đặc biệt in bộ Niên Phổ Sớ, ngõ hầu sau này ai đọc đến sẽ đều nức lòng vậy!

***

[1] Lính canh giữ biên phòng gọi là Thú. Phạm tội bị đày ra biên cương làm lính canh thì gọi là “trích thú”. Do ngài Hám Sơn được Thái Hậu nhà Minh đặc biệt tôn sùng, kính ngưỡng, cúng dường Sư rất trọng hậu, Minh Thần Tông vốn hâm mộ Đạo giáo, lại bực bội vì Thái Hậu đã dùng khá nhiều tiền để cúng dường Phật giáo cũng như hỗ trợ Sư trong công cuộc hoằng pháp nên khi bọn đạo sĩ ở Lao Sơn vu cáo Sư tu bổ chùa Hải Ấn đã chiếm đoạt đạo quán, vua liền thừa cơ khép tội Sư lén lút tu bổ chùa, tự tiện xây dựng chùa Trạm Sơn, chiếm đoạt điền sản của đạo sĩ, đầy Sư đi làm lính thú ở Lôi Châu (Quảng Châu) vào năm Vạn Lịch 23 (1595). Trong suốt thời gian bị đi đày ở Quảng Đông, Sư dùng thân phận tù nhân hoằng dương giáo pháp, đạo phong ảnh hưởng rất lớn. Mãi tới năm Vạn Lịch 42 (1614), Thái Hậu mất, vua mới xuống chiếu cho Sư được mặc lại Tăng phục.