Lời tựa cho sách Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp Tùy Văn Lục (tục gọi là Lương Hoàng Sám)
Tâm của chúng ta thể vốn sáng sạch. Do vô minh nên phiền hoặc bèn sanh. Phiền hoặc đã sanh bèn thành tối tăm, dơ bẩn, khiến cho bản thể sáng sạch bị ngăn lấp, chứ thật ra nó chưa hề bị tổn giảm một mảy may nào. Muốn trở về cội, quay về nguồn mà không cạn hết lòng thành, dốc hết lòng kính, cung kính đối trước Tam Bảo sám hối nghiệp chướng thì sẽ không thể nào đạt được! Các kinh Đại Thừa đều có những đoạn văn dạy sám hối, tùy theo con người tôn trọng pháp nào sẽ soạn sám pháp [cho kinh ấy], như Pháp Hoa, Kim Quang Minh, Tịnh Độ, Đại Bi v.v…
Bộ sám pháp này phô bày tường tận tội tướng (những hình tướng của tội lỗi) là vì Lương Vũ Đế muốn cứu độ người nguyên phối là phu nhân Hy Thị đã mắc nỗi khổ đọa làm thân mãng xà, cũng như muốn khiến cho hết thảy nhân dân cùng được pháp lợi thấm nhuần, bèn đặc biệt thỉnh ngài Chí Công và các cao tăng, tra đọc các kinh văn, soạn thành sám pháp. Nhà vua lúc ấy cũng nâng ngọn bút sắc sảo phát huy ý chỉ đến tột bậc. Tiếc là nhà vua chưa thông hiểu pháp môn Tịnh Độ, nên khi sám văn soạn xong, bà Hy Thị mang thân một vị trời trang nghiêm đẹp đẽ đến cảm tạ. Nếu như nhà vua hiểu rõ Tịnh tông, ắt phu nhân cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, cao dự hải hội, lên địa vị Bất Thoái, há lẽ nào nhờ vào đại pháp đại tâm này, rốt cuộc chỉ được sanh lên trời mà thôi! Những người lễ sám đời sau đều phải nên chú ý hồi hướng vãng sanh thì mới đạt được lợi ích rốt ráo thật sự.
Sám pháp này lấy đại Bồ Đề tâm làm gốc, từ đấy cạn lòng thành, tận lòng kính, ngoài thì kính mộ chư thánh, phơi bày tội lỗi, trong thì trọng tánh linh của chính mình, cho nên được tâm chúng sanh và tâm Phật dung thông, cảm ứng đạo giao, tiêu trừ tội cấu bao kiếp, khai phát tâm quang sẵn có. Lợi ích ấy chẳng thể nào nói trọn! Lời văn tuy rõ ràng, giản dị, so với những sám pháp của tông Thiên Thai chỉ chú trọng đến Lý Quán, chẳng nêu rõ các tội tướng, thì sám pháp này thích hợp khắp cả ba căn. Từ xưa đến nay, sám pháp này chưa từng được giảng giải hay chú giải là vì văn lẫn nghĩa đều rõ ràng, rộng mở, không cần phải giảng nói hay chú giải.
Phải biết pháp không có cạn hay sâu, chỉ cốt sao lợi người; luật không có nghĩa lý u huyền, thế mà Đạo Tuyên luật sư là bậc thượng căn lợi trí còn phải nghe giảng mười lần cũng như đã soạn chú sớ vẫn chưa cảm thấy hoàn toàn tường tận, há có nên đối với riêng một pháp này lại coi thường ư? Ngài Đế Công (pháp sư Đế Nhàn) chùa Quán Tông, do thấy thời này đang nhằm thời Mạt Pháp, con người đa số chẳng tự biết tỉnh ngộ khiến cho hành vi lẫn sở học trái nghịch nhau, nên Ngài bèn phát tâm diễn giảng, hy vọng con người ai nấy trọng lòng kính, giữ lòng thành, rửa tâm gột ý, cẩn thận dè chừng nơi những gì mình chưa thấy, kiêng sợ đối với những gì mình chưa nghe, học đi đôi với hành, ngõ hầu đứng vững nơi không lầm lỗi mới thôi!
Ông Phương Viễn Phàm xưa có linh căn, tuy xuất thân từ nhà giàu có, lại khá thích thanh tu, mỗi phen được nghe diệu nghĩa đều bèn lãnh hội được. Lần này nghe giảng bèn ghi chép lại, lại được ba vị sư là Bảo Tịnh, Thành Nhất, Thường Tịnh giúp đỡ biên tập thành sách. Cha mẹ ông cùng nghe giảng, đều tận lực ghi chép cẩn thận. Có thể nói là “thấy con liền biết được cha mẹ”, chẳng phải là hạng cha mẹ như thế sẽ không sanh được người con như thế! Ông Phương muốn đem in, xin tôi viết lời tựa. Tôi nghĩ trong những điều quan trọng của việc tu hành thì Kính là bậc nhất. Ai trọng lòng kính, giữ lòng thành thì hết thảy phàm tình không cách nào khởi lên được, thánh trí sẵn có tự nhiên phát hiện. Phàm hết thảy nhân – ngã, thị – phi, vô minh, kiêu căng, phách lối cũng như những tập khí lười nhác, biếng trễ, chần chừ, uể oải đều bị tiêu diệt. Huống chi cung kính đối trước Tam Bảo phơi bày tội lỗi ắt cái tâm hổ thẹn, kinh sợ, ý niệm mong thành thánh thành hiền như đang đói, đang khát [mong được ăn, được uống] sẽ tràn trề nẩy sanh. Trên ngưỡng mộ chư thánh, dưới trọng tánh linh của chính mình, đau đáu nghĩ mình và chư Phật có cùng một tâm tánh, cớ sao các Ngài đã viên chứng tam giác[1], ta vẫn cứ luân hồi mãi trong lục đạo? Từ đấy, sửa đổi lỗi cũ, tu tập, bỏ mê quy ngộ. Ví như Ma Ni bảo châu rớt trong nhà xí, liền nhặt đem ra, gột rửa nhiều phen mong sao khôi phục sự thanh tịnh vốn có. Đến khi đã trong sạch đến cùng cực thì treo trên tràng cao, ắt sẽ tùy ý tuôn ra các báu. Đại sự nhân duyên ấy nếu chẳng phát huy ý chỉ của văn hay nghĩa đến cùng cực thì rất có thể sẽ có người chẳng được lợi ích thật sự. Cuốn Tùy Văn Lục (sách ghi chép những lời được nghe giảng) này đáng được lưu truyền rộng khắp.
***
[1] Có hai cách hiểu chữ Tam Giác:
- Tam Giác là ba đức tánh của quả vị Phật: Tự Giác, Giác Tha, Giác Hạnh Viên Mãn.
- Tam Giác như trong Đại Thừa Khởi Tín Luận đề xướng: Bổn Giác, Thỉ Giác và Cứu Cánh Giác.