Lời tựa sách Nhân Quả Lục

Nhân quả báo ứng chính là ảnh hưởng thuận hay nghịch giữa nhân sự và thiên lý. Vì thế, kinh Thư chép: “Thuận theo lý dẫn đến điều lành, trái nghịch lại thì xấu, đều chỉ vì ảnh hưởng”. Người dẫu chí ngu chắc chắn cũng không vui mừng vì bị tai họa, tránh điều lành, ham điều xui, mong hết thảy những người chung quanh réo tên thóa mạ, bị thiên địa quỷ thần đoạt hồn giết hại, cũng như sau khi chết đi linh hồn bị đọa vĩnh viễn trong ba đường ác, chịu đựng khổ sở cùng cực trải trăm ngàn kiếp không thể thoát ra! Nhưng những gì người ta làm đa phần đều trái nghịch với những gì họ mong mỏi, là vì lẽ nào vậy? Là do cõi đời thiếu người thông hiểu, chẳng đề xướng đạo nhân quả báo ứng, sẵn quen thói tệ hại, chỉ biết truyền cho nhau thói tự tư tự lợi mà nên nỗi! Nếu như có ai hành động thuận theo thiên lý, trong gia đình thì trọn hết bổn phận, giao tế bên ngoài thì chú trọng làm lợi cho người, cũng như những cử chỉ tốt lành đều phụng hành, như giúp người bị tai họa, cứu đói, giúp người hoạn nạn, cứu người đang gặp nguy, kiêng giết, phóng sanh, che chở, thương tiếc sanh mạng loài vật, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật ngõ hầu mình lẫn người đều được lợi, u lẫn hiển cùng được ích thì không một ai chẳng được gia đình yên tịnh, tốt lành, con cháu thạnh vượng, phú quý sang cả, khiến cho người khác kính ngưỡng. Xem khắp các truyện ký, phàm những bậc hiền triết xuất hiện, công nghiệp kiệt xuất, hoặc là tâm lãnh hội đạo được truyền bởi chư thánh, hoặc là đức khiến cho vạn dân trọng vọng thì đều là do đời trước có âm đức, hạnh đẹp “lợi người, lợi vật, giúp cho cả người âm lẫn kẻ dương” vậy. Nhưng đấy chỉ là những gì mắt phàm thấy được mà thôi, chứ còn thần thức người ấy hoặc sanh lên cung trời hoặc cao siêu Phật quốc, phàm phu thế gian làm sao thấy hết, biết hết cho được?

Nêu thật rõ lý nhân quả thật ra chỉ có mỗi mình kinh Phật, nhưng kinh sách Nho giáo cũng nhiều lần nói đến. Như kinh Thư ghi “làm thiện trăm điều lành giáng xuống, làm điều bất thiện, trăm tai ương giáng xuống” cũng như thuyết “ngũ phước lục cực” được nói đến trong sách Hồng Phạm, và câu kinh Dịch “nhà tích thiện ắt điều vui có thừa, nhà tích điều bất thiện ắt tai ương có thừa”, không gì chẳng phải đều là dùng lý nhân quả báo ứng để dạy người đó sao! Nhưng vì nói giản lược, chỉ nói đến đời này và con cháu, chưa nói tường tận chuyện luân hồi lục đạo tam đồ trong quá khứ, hiện tại, vị lai; nếu chẳng nghiên cứu sâu xa, suy nghĩ tinh tường, ắt sẽ ngay trước mặt lại bỏ lỡ! Hơn nữa, kẻ tục Nho thường muốn đề cao môn đình bèn tranh đua cho khác với nhà Phật, dù có biết đi nữa cũng chẳng chịu đề xướng, khiến cho người hiền không có cách tận lực làm cho đời yên dân lành, mà kẻ ngu cũng luôn ôm ấp ý niệm “mạnh ăn thịt yếu”. Do vậy, tấn công lẫn nhau trở thành cuộc sát kiếp xưa nay chưa hề nghe nói đến.

Người bị giết cố nhiên ai nấy biết là đáng thảm, nhưng nỗi thảm của kẻ giết hại còn khốc liệt gấp vạn lần. Tiếc rằng người đời chẳng biết tỏ, thấy suốt! Cái họ thấy được như “bị người khác giết, hoặc diệt môn tuyệt tộc” chỉ là một hai phần trong ngàn vạn phần, còn sự khổ phải hứng chịu trong tam đồ dù có hết sạch trúc cũng khó ghi được, chẳng đáng buồn ư? Tôi thường nói: “Nhân quả chính là phương tiện lớn lao thánh nhân thế gian lẫn xuất thế gian dùng để bình trị thiên hạ, độ thoát chúng sanh”. Dù nhằm thuở thánh giáo xương minh, nếu không đề xướng nhân quả thì còn chẳng thể làm cho mọi kẻ ngu dân ngấm ngầm đoạn dứt hay giấu ác, người trí đều tích chứa âm công lớn lao; huống chi nay đang lúc thế đạo nhân tâm suy hoại đến cùng cực, vứt bỏ kinh sách của thánh hiền, luân lý đổ nhào, tà thuyết hoành hành đều đến mức cùng cực ư? Những người có tâm lo cho thế đạo nghĩ muốn kéo lui con sóng cuồng loạn nếu chẳng dùng nhân quả báo ứng làm phương tiện chấn động kẻ điếc, soi sáng kẻ đui thì dẫu cho Phật, Bồ Tát, thánh hiền đều cùng xuất thế cũng không làm gì được, huống gì những kẻ thấp kém hơn các Ngài!

Cư sĩ Kim Xương ở Vô Tích[1] thấy được điều này bèn chép lại những chuyện nhân quả trong những đời gần đây và trong đời này, ấn loát lưu truyền, mong cho ai nấy đều ôm lòng tự lợi lợi tha, mang hạnh tự lập, lập người thì thói quen càng chánh trực, phong tục tốt đẹp, dứt bặt nhân họa mà quyến thuộc trời cũng thường ngự xuống. Những loài cạnh tranh với nhau đều cùng trở thành người trong thời Hy – Hoàng. Do vậy bèn lược thuật đại ý để cống hiến cùng người đọc.

***

[1] Vô Tích là một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, thuộc lưu vực sông Trường Giang, ở gần Thái Hồ và Tích Sơn. Theo truyền thuyết, do mỏ thiếc ở Tích Sơn bị cạn nên mới có tên này.