Lời tựa cho sách Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Tập Chứng
(năm Dân Quốc 17 – 1928)
Kinh Phạm Võng là đại pháp để đức Như Lai nung luyện hết thảy dù thánh hay phàm, ngõ hầu họ sẽ rốt ráo đoạn trừ ba Hoặc, đích thân chứng được ba đức, khôi phục Phật Tánh sẵn có, thành Phật Quả vô thượng. Ấy là vì đối với Chân Như diệu tánh thì chúng sanh và Phật cùng một thể, nơi phàm chẳng giảm, tại thánh chẳng tăng, nhưng từ vô thủy đến nay cứ mê chẳng ngộ, như vàng còn trong quặng chẳng thụ dụng được! Đức Như Lai thương xót hết thảy chúng sanh mê mất minh châu trong chéo áo, uổng công rong ruổi hướng ra ngoài tìm tòi. Do vậy, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm đến nỗi luân hồi lục đạo trọn chẳng có thuở ra! Dù có người đoạn được những Hoặc trong tam giới, thoát lìa sanh tử, nhưng vẫn còn cách địa vị Phật quá xa! Bởi thế, khi mới thành Chánh Giác, Phật liền lập tức vì hết thảy thánh – phàm giảng đại pháp này, trước hết làm cho họ liễu ngộ tự tâm vốn là Phật tâm, nên mới nói: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, các ông là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành”.
Tin được như thế, chắc chắn sẽ chẳng đến nỗi đề cao thánh cảnh nhưng tự cam phận phàm ngu, trên là cô phụ sự giáo hóa của Phật, dưới là phụ bạc tánh linh của chính mình! Cho nên mới nói: “Thường tin tưởng như thế thì giới phẩm đã đầy đủ!” Rồi đối với những lời ăn tiếng nói, hành vi thường ngày, khởi tâm từ bi, tâm hiếu thuận, dẹp lòng tà, giữ lòng thành, đánh đổ cái ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa, đừng làm các điều ác, vâng làm những điều thiện, sao cho luôn đúng chừng mực, không phải hổ thẹn chút nào, nơi ba nghiệp vĩnh viễn trọn chẳng có tỳ vết thì hai thứ đại thể đại dụng “tự lập, lập người, tự lợi, lợi tha” đều đầy đủ. Giữ tấm lòng thanh khiết xông tận trời thẳm, khác nào hư không mênh mông chứa khắp muôn hình tượng trọn chẳng chướng ngại gì! Xử sự chánh đại quang minh như mặt trời chói lọi chiếu khắp muôn phương, nhưng trọn chẳng hề chọn lựa. Do vậy, Tứ Nhiếp cùng được thực hiện, Tứ Hoằng[1] phổ độ, đáng gọi là “tiên dĩ dục câu khiên, hậu linh nhập Phật trí” (trước hết dùng dục[2] để lôi kéo, sau làm cho nhập Phật trí), hư không dẫu có tận, nguyện tôi vẫn vô cùng.
Làm được như thế, nào còn có cái tâm ta – người, đúng – sai, tự tư tự lợi chi nữa, huống là có chuyện phá trai, phạm giới và tổn người, lợi mình, lật đổ, tàn hại lẫn nhau nữa ư? Do vậy biết: Kinh này dẫu thuộc về đại pháp xuất thế, nhưng quả thật là mưu lược tốt lành để giữ yên cõi đời. Vì thế, hết thảy quốc vương, đại thần và tứ chúng xuất gia, bốn chúng tại gia cùng các quỷ thần đều nên thọ trì! Nếu có thể thọ trì sẽ như nước rửa sạch đồ đựng, liền khôi phục sự sạch sẽ sẵn có; như hương xông áo, sẽ mau chóng thêm thơm ngát hơn. Trong lúc Kiếp Trược này, muốn vãn hồi mà bỏ pháp này, làm sao yên được?
Hành giả Diệu Lãng xưa đã có linh căn, dốc lòng tu Tịnh nghiệp, thường đọc kinh này, ngưỡng mộ khôn xiết, phát nguyện lưu thông để lợi khắp hết thảy. Lại thường đối với những ý nghĩa trì giới trọng yếu đã được khai thị trong các kinh Tiểu Thừa, Đại Thừa và các truyện ký mà chính mình đã đọc đều trích lục, ghi vào đằng sau [chánh kinh] để làm pháp răn dạy cho mình lẫn người cùng tu trì, ngõ hầu người đọc biết được lợi ích do trì giới: Gần là ba nghiệp thanh tịnh, Tam Học (Giới – Định – Huệ) viên minh, xa là sạch hết ba Hoặc, ba đức trọn bày. Họa hoạn do phạm giới thì gần là ba nghiệp ô trược, vĩnh viễn đọa trong tam đồ; xa là ba chướng[3] thường hiện diện, chẳng thoát được tam giới! Phật do chính ta làm, địa ngục do chính ta tạo, như đến trước gương báu, tốt – xấu hiện rành rành, ai lại chịu tự chuốc lấy mối lo, bỏ lợi ích để nhận lấy họa hoạn cơ chứ?
Người chị dâu [của Diệu Lãng] là Phương Tỉnh, vâng theo di mạng của bà mẹ chồng đã quá cố, nguyện bỏ ra tịnh tài để giúp in một vạn cuốn hòng thành tựu chí nguyện này, ngõ hầu kính tặng các Phật tử tại gia và xuất gia. Do công đức này, mong cửa nhà bình yên, may mắn, quyến thuộc yên ổn, mạnh khỏe, đời này được hưởng Ngũ Phước như Cơ Tử đã luận, con cháu được hưởng trăm điều tốt lành như trong bài huấn dụ của Y Doãn[4]. Lại cầu thời thế hòa bình, mùa màng sung túc, dân giàu, vật mạnh, lễ nghĩa, nhân nhượng hưng khởi, can qua vĩnh viễn chấm dứt, pháp vận thông suốt, thiên hạ thái bình. Do vậy, bèn tụng rằng:
Đức Thế Tôn ta,
Là vua các pháp,
Khiến khắp chín giới,
Cùng chứng chân thường,
Các pháp nói ra,
Đều tùy cơ nghi,
Chỉ giới pháp này,
Phàm – thánh cùng nương,
Đẳng Giác Bồ Tát,
Quần manh sáu đường,
Không có một ai,
Chẳng nên hành trì!
Do tâm chúng sanh,
Chẳng khác tâm Phật,
Do bởi Hoặc nghiệp,
Trở thành khác xa,
Về tướng tuy khác,
Nhưng tánh vốn đồng,
Nên nói kinh này,
Hòng chứng Đại Hùng ,
Đã biết chúng sanh,
Đều có Phật Tánh,
Phật là đã thành,
Ta thật sẽ chứng,
Ví như cùng tử ,
Được kho báu xưa,
Được, vốn chẳng được,
Hoan hỷ vô lượng,
Đã ngộ Phật Tánh,
Phải hành Phật Hạnh,
Nghiêm tịnh Tỳ Ni ,
Cẩn thận bóng áo ,
Phát tâm từ bi,
Và tâm hiếu thuận,
Tự lợi, lợi tha,
Cùng thoát vòng khổ,
Người được như thế,
Là chân Phật tử,
Những gì Phật đắc,
Ta sẽ giống thế,
Phải biết kinh này:
Khuôn lành đúc Phật,
Tận lực tu theo,
Liền chứng Vô Dư ,
Nguyện người thấy nghe,
Cùng chăm thọ trì,
Tiêu trừ Hoặc nghiệp,
Viên mãn Bồ Đề.
***
[1] Tứ Hoằng chính là Tứ Hoằng Thệ Nguyện: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
[2] Dục ở đây là lòng ham muốn, ý nói chư Phật, Bồ Tát dùng lợi để dẫn dụ con người do lòng ham lợi sẽ thực hành Phật pháp, rồi dần dần dẫn họ nhập đạo, thể ngộ Phật trí. Chẳng hạn, các kinh Đại Thừa thường nói rất nhiều đến những phước báo hiện tiền do trì tụng, thọ trì kinh, chú, lễ bái, cúng dường, tùy hỷ v.v…
[3] Ba chướng: Tam Chướng (Trīnyāvaranāni) có nhiều cách giải thích. Phổ biến nhất là cách giảng dựa theo kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật Danh Kinh (quyển 1), Phát Trí Luận, Thành Thật Luận, Đại Trí Độ Luận, Tỳ Bà Sa Luận và Câu Xá Luận. Theo những kinh luận ấy, Tam Chướng là Phiền Não Chướng (Kleśāvarana), Nghiệp Chướng (Karmāvarana) và Dị Thục Chướng (Vipākāvarana). Phiền Não Chướng là ba thứ phiền não tham – sân – si sẵn có trong tánh thức. Nghiệp Chướng chính là nghiệp Ngũ Vô Gián hoặc những nghiệp bất thiện do thân – khẩu – ý gây nên. Dị Thục Chướng còn gọi Báo Chướng hoặc Quả Báo Chướng, tức là quả báo của Nghiệp Chướng và Phiền Não Chướng. Theo Du Già Đại Thừa Đại Giáo Vương Kinh, quyển 5, thì Tam Chướng lại là Ngã Mạn Trọng Chướng, Tật Đố Trọng Chướng (ganh ghét) và Tham Dục Trọng Chướng (theo cách giải thích này thì ba chướng ấy chỉ tương ứng với Phiền Não Chướng mà thôi). Còn rất nhiều cách giải thích khác, nhưng sợ quá rườm rà nên không dẫn vào đây.
[4] Nguyên văn “Y Huấn”, đây chính là tên của một thiên sách trong sách Thượng Thư, ghi lại nội dung bài giáo huấn của Y Doãn. Trong năm Thái Giáp nguyên niên, trong lễ tế tiên vương vào tháng Chạp, Y Doãn đã ban lời giáo huấn này cho vua cùng bá quan. Trong bài giáo huấn ấy có nhắc đến trăm điều tốt lành do thuận theo đạo trời nên thường được văn học nhắc đến với từ ngữ “Y Huấn chi bách tường”. Y Doãn (1648-1549 trước Công Nguyên) tên thật là Chí, Doãn có nghĩa là Hữu Tể Tướng; do kính trọng nên không gọi tên mà gọi bằng chức vụ. Y Doãn vốn là nô lệ bồi giá của Sân thị (khi xưa, cô dâu về nhà chồng thường mang theo nô lệ, những nô lệ ấy được gọi là “nô lệ bồi giá”), giữ nhiệm vụ nấu ăn. Khi Sân thị được gả cho vua Thành Thang (Thương Thang), Y Doãn nhân cơ hội dâng cơm cho Thương Thang liền phân tích tình thế thiên hạ, rất được Thương Thang tán thưởng, bèn xóa bỏ thân phận nô lệ cho Y Doãn, phong cho ông ta làm Tể Tướng. Năm 1600 trước Công Nguyên, với sự phù tá của Y Doãn, Thương Thang diệt nhà Hạ, thành lập nhà Thương. Y Doãn tận lực chỉnh đốn chính thể, hiểu cặn kẽ dân tình nên nhà Thương lúc ấy rất cường thịnh. Khi Thành Thang mất, con là Thái Giáp kế vị, vốn là kẻ bất tài, hôn ám, nên trong giỗ đầu của tiên vương, Y Doãn đã nêu lên bài huấn dụ này để răn nhắc đương kim hoàng thượng. Do Y Doãn dùng đủ mọi biện pháp cứng rắn lẫn mềm dẻo uốn nắn nhà vua, Thái Giáp nổi giận, đày Y Doãn sang đất Đồng ba năm (có sách chép là bảy năm). Về sau, Thái Giáp hối hận, rước về, và tuân theo lời chỉ dạy của Y Doãn, bèn trở thành một bậc minh quân.