Lời tựa cho sách Phổ Môn Phẩm Giảng Nghĩa

(năm Dân Quốc 18 – 1929)

Quán Thế Âm Bồ Tát trong vô lượng kiếp trước đã sớm thành Chánh Giác, hiệu là Chánh Pháp Minh[1], nhưng do thệ nguyện rộng sâu, từ bi rộng lớn, chẳng lìa cõi Tịch Quang, hiện hình trong chín giới, tùy loại hiện thân, tầm thanh cứu khổ. Nên dùng thân nào để độ được liền hiện thân ấy để thuyết pháp, nguyện cho hết thảy chúng sanh trong hết thảy thế giới đều được lìa khỏi nỗi khổ huyễn vọng trong hiện tại, hưởng pháp lạc chân thường, nhưng Ngài lại thương xót thế giới Sa Bà nhất. Do vậy, trong hội Pháp Hoa, Thích Ca Thế Tôn muốn cho chúng sanh cõi Sa Bà luôn được che chở, bèn đặc biệt nhân lời hỏi của Vô Tận Ý Bồ Tát[2] mà trình bày rõ ràng thệ nguyện từ bi, công đức, oai thần của đức Quán Âm để hết thảy chúng sanh trong chín giới đều được nương tựa.

Cho đến khi [Phật] pháp được truyền sang xứ này, đến đời Tấn, pháp sư La Thập riêng dịch kinh Pháp Hoa, [mọi người] mới biết đức Quán Âm dù Bổn địa hay Tích môn đều khó nghĩ lường! Trong hội Lăng Nghiêm, đức Quán Âm tự thuật pháp Viên Thông; trong hội Hoa Nghiêm, đức Quán Âm chỉ dạy Thiện Tài, đều phù hợp khít khao với ý chỉ Pháp Hoa. Do vậy, biết: Đại Sĩ vô tâm, lấy tâm chúng sanh làm tâm [của chính mình], cho nên hễ cảm liền ứng, trọn chẳng sai chạy! Vào cuối đời Tấn, Thư Cừ Mông Tốn[3] nhà Bắc Lương bị bệnh, ngài Đàm Vô Sấm[4] dạy tụng phẩm Phổ Môn, [Mông Tốn] liền được lành bệnh. Do vậy, phẩm này được lưu truyền riêng. Đời Tùy – Trần, đại sư Trí Giả chú giải kinh Pháp Hoa, đặc biệt giải thích cặn kẽ phẩm này. Đủ thấy tâm của Phật, Bồ Tát, tổ sư chỉ mong cho hết thảy chúng sanh lìa hết thảy khổ, được hưởng hết thảy vui.

Pháp sư Đế Nhàn tận lực hoằng dương tông Thiên Thai, kiêm tu Tịnh Độ. Mùa Hạ này, Sư hoằng giới (diễn giảng về giới luật) tại Cáp Nhĩ Tân (Harbin), trở về đi ngang qua Đại Liên, các cư sĩ Phan Đối Phù, Thi Tỉnh Chi v.v… thỉnh Sư giảng diễn kinh này. Lại sợ tiếng địa phương Nam – Bắc không thông, nhân đấy bèn đem những nghĩa đã giảng trước đó, in ra năm trăm bản, tặng cho mọi thính giả để họ đều được tận mắt thấy lời dạy; nhưng do thời gian vội vã, chẳng tránh khỏi sai sót. Cư sĩ Phan Đối Phù muốn [bài giảng ấy] được lưu truyền rộng rãi trong cõi đời; do vậy, bèn gởi cho tôi một bản và cậy viết lời tựa.

Trộm nghĩ kinh tạng Pháp Hoa sâu thẳm u viễn, không ai có thể thấu đạt được, chỉ có Phật với Phật mới có thể thấu triệt rốt ráo, Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, làm sao có thể nêu tỏ đến mức tột bậc cho được? Đành lược thuật Bổn – Tích[5] của đức Quán Âm và lai lịch lưu thông, chú thích kinh này cho xong trách nhiệm. Nguyện khắp các đồng nhân thường niệm thánh hiệu Quán Âm. Nếu đạt đến mức “niệm cực tình vong”, tâm lẫn cảnh cùng vắng lặng thì hằng sa công đức, vô lượng diệu nghĩa sẽ tự hiển hiện trọn vẹn trong một niệm. Do vậy, chẳng cần phải trình bày rườm rà chi nữa!

***

[1] Theo kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni, trong quá khứ vô lượng kiếp, đức Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng do nguyện lực độ sanh nên luôn thị hiện thân phận Bồ Tát hòng phù tá hết thảy Như Lai độ sanh.

[2] Vô Tận Ý Bồ Tát (Aksayamatir Bodhisattvah), còn được phiên âm là A Sai Mạt Bồ Tát, hoặc dịch nghĩa là Vô Tận Huệ, Vô Lượng Ý, còn có tên là Vô Tận Kim Cang, hay Định Huệ Kim Cang, là một trong mười sáu vị đại Bồ Tát của Hiền Kiếp. Do Bồ Tát quán hết thảy nhân duyên quả báo đều vô tận bèn phát tâm cầu chứng công đức vô tận của chư Phật nên được danh xưng này. Theo hội A Sai Mạt trong kinh Đại Tập, Bồ Tát hiện đang trụ trong cõi nước Bất Thuấn của đức Phổ Hiền Như Lai ở phương Đông.

[3] Thư Cừ Mông Tốn (368-433) là người sáng lập triều đại Bắc Lương vào thời Nam Bắc Triều cuối đời Tấn, thuộc sắc dân Hung Nô. Thoạt đầu Mông Tốn ủng hộ Lữ Quang ly khai nhà Diêu Tần, lập ra nhà Hậu Lương; sau đó, lại chống Lữ Quang, chiếm lãnh miền Cô Tạng, tự xưng là Tây Vương. Về sau, Mông Tốn diệt nhà Hậu Lương, khống chế đường giao thông Tây Vực, trở thành vua một nước hùng mạnh. Thư Cừ Mông Tốn rất tôn sùng Phật giáo, từng thỉnh ngài Đàm Vô Sấm dịch kinh Phương Đẳng, Niết Bàn v.v… Em họ Mông Tốn là Thư Cừ Kinh Thanh (?-464) là một cư sĩ học rộng, từng sang Vu Điền học tiếng Phạn, thông thạo Phạn Văn. Chính Kinh Thanh đã đích thân thỉnh ngài Đàm Vô Sấm đến đất Lương và chính ông ta đã dịch các bộ Thiền Yếu Bí Mật Trị Bệnh Kinh, Bát Quan Trai Giới Kinh, Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Kinh v.v…

[4] Đàm Vô Sấm (385-433), tên Phạn ngữ là Dharma-raksa, đôi khi còn phiên là Đàm Ma La Thức, Đàm Ma Sám, Đàm Mô Sấm, Đàm La Vô Sấm, dịch nghĩa là Pháp Phong. Ngài xuất thân từ dòng Bà La Môn tại Trung Ấn Độ, thoạt đầu tu học Tiểu Thừa. Sau gặp được Bạch Đầu thiền sư truyền thụ kinh Đại Niết Bàn bèn phát tâm học Đại Thừa. Năm hai mươi tuổi Sư đã thông thạo các kinh Đại Thừa, kiêm hiểu Mật chú nên được gọi là Đại Chú Sư. Sau Sư mang kinh Đại Bát Niết Bàn, Bồ Tát Giới Kinh, Bồ Tát Giới Bổn v.v… sang Kế Tân, đến nước Quy Tư. Do thấy hai xứ này sùng trọng Tiểu Thừa, bèn sang Đôn Hoàng. Năm Huyền Thỉ nguyên niên (412) nhà Bắc Lương, Hà Tây Vương Thư Cừ Mông Tốn sai Thư Cừ Kinh Thanh cung thỉnh Sư đến Cô Tạng để Sư học tiếng Hán trong vòng ba năm, rồi bắt đầu phiên dịch kinh Đại Bát Niết Bàn, hai vị Huệ Tung và Đạo Lãng giữ nhiệm vụ Bút Thọ. Do kinh Niết Bàn Sư mang theo chưa trọn vẹn, Sư bèn trở về Vu Điền, tìm được một phần cuối kinh ấy, mang về Cô Tạng tiếp tục dịch. Nhận lời thỉnh của Huệ Tung và Đạo Lãng, Sư chủ trì công việc phiên dịch các kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, Kim Quang Minh Kinh, Bi Hoa Kinh, Bồ Tát Địa Trì Kinh, Bồ Tát Giới Bổn… Do Thái Võ Đế nhà Bắc Ngụy nghe tin Sư thông thạo phương thuật, bèn sai sứ sang thỉnh, Thư Cừ Mông Tốn sợ Sư sẽ sang đất Ngụy, liền giả vờ sai Sư sang Tây Vực tìm kiếm phần sau kinh Niết Bàn (phần này về sau được ngài Nhã Na Bạt Đà La dịch tiếp vào đời Đường), rồi ngầm sai thích khách giết chết Sư giữa đường. Bản kinh Đại Bát Niết Bàn của Sư được gọi là Bắc Bản Niết Bàn để phân biệt với bản dịch Nê Hoàn Kinh của ngài Pháp Hiển dịch (thường gọi là Nam Bản Niết Bàn Kinh).

[5] Bổn Tích: Bổn thường được hiểu là chánh nhân, chánh vị của chư Phật, Bồ Tát. Tích là phương tiện quyền biến thị hiện. Chẳng hạn, đức Quán Thế Âm Bồ Tát là Phật (như vậy về mặt Bổn ngài là một vị Phật, đã thành Phật từ vô lượng kiếp), nhưng vì lòng từ bi thị hiện thân Bồ Tát (đấy là Tích). Hoặc có thể hiểu ngài là một vị Bồ Tát (Bổn), nhưng lại hiện vô số ứng thân nhằm hóa độ mọi loài chúng sanh (đấy là Tích).