Lời tựa cho Đồng Giới Lục của chùa Phổ Chiếu ở Dương Châu

Như Lai đại pháp ứng khắp chín giới, thượng thánh hạ phàm đều được un đúc. Tuy pháp môn vô lượng chẳng dễ nói trọn, nhưng nêu đại cương chung thì chỉ có Giới – Định – Huệ. Ấy chính là chỗ trọng yếu để nhập đạo. Thoạt đầu thì dùng Giới để giữ thân, kế đến dùng Định để lắng tịnh ý niệm, rồi dùng Huệ để phá Hoặc. Do vậy, đoạn được Ngũ Trụ Phiền Hoặc, chứng được bí tạng tam đức. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ”. Đây gọi là Tam Vô Lậu Học. Ba pháp này như ba chân của cái đỉnh, nếu khuyết một thì khó thể đứng vững. Tuy nói có ba nhưng tu thì chỉ một tâm. Bởi lẽ Giới không có Định – Huệ thì chẳng phải là Giới xuất thế; Định không có Giới – Huệ thì chẳng phải là Định xuất thế. Huệ không có Giới – Định chẳng phải là Huệ xuất thế. Do vậy biết ba pháp ấy vốn là một pháp. Nói có ba là do chú trọng hoằng dương nơi mặt nào mà đặt tên, cũng như do nơi tu chứng đạt được ích lợi mà phán định ý nghĩa. Kinh Phạm Võng dạy: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật chưa thành. Thường nên tin như thế thì Giới Phẩm đã trọn đủ”. Lại dạy: “Chúng sanh nhận lãnh giới của Phật liền nhập vào địa vị chư Phật, địa vị bằng với Đại Giác, thật sự là con chư Phật vậy”. Đủ thấy Giới thống nhiếp các pháp. Do đó, tri thức hoằng dương, người học tu trì, không ai chẳng lấy Giới làm nhiệm vụ trước tiên.

Phổ Chiếu Tự do Đạo Thanh lão nhân sáng lập. Lão nhân thị hiện sanh tại Tứ Xuyên, tuổi mới nhược quan (20 tuổi) liền chán trần lao, bèn đến xuất gia tại Hoa Nghiêm Đảnh ở Nga Mi Sơn, được thọ giới rồi tận lực tham cứu đến cùng để thấu tỏ tâm yếu, muốn tham học các nơi để mở rộng tâm địa, khi đi qua Dương Châu được thân sĩ làng Vĩnh Trấn ngoài cửa Từ Ngưng biết đến, thỉnh Sư trụ trì tại tiểu miếu Thái Dương Cung nơi ấy. Lão nhân xét thấy chỗ ấy có thể lập đạo tràng, do vốn có túc duyên, nên bèn chấp nhận. Vào năm đầu đời Quang Tự (1875) nhà Thanh trước kia bèn quyên mộ khắp mười phương mở mang nền móng, điện Phật, lầu kinh chót vót tận mây. Phàm những gì tùng lâm nên có, việc tu hành cần phải có thì không gì chẳng đầy đủ. Từ đấy mùa Đông tọa Thiền, mùa Hạ giảng pháp, rộng mở cửa cứu độ. Thiện sĩ, đạt nhân thảy đều y chỉ. Đến năm Quang Tự 22 (1896), lên kinh đô thỉnh kinh, được vua chấp thuận sắc tứ biển ngạch “Phổ Chiếu Thiền Tự”. Quả thật không còn gì may mắn hơn. Liền vào mùa Đông năm ấy, khai đàn truyền giới để báo ân nước, cầu phước cho dân. Cho đến năm Dân Quốc thứ năm (1916), đã mở giới đàn năm lần, ba lần mở trường giảng, luôn luôn tu trì. Tuy Thiền – Tịnh cùng hành, nhưng chú trọng nơi Tịnh Độ. Đến năm Dân Quốc thứ 8 (1919), Sư tuổi đã tám mươi tư, bèn thị hiện viên tịch trở về Cực Lạc, cùng với hải hội thánh chúng thân cận Di Đà để chứng vô lượng quang thọ; đệ tử thế độ đắc pháp rất nhiều.

Vì Sư có vị cao túc[1] tên là Đạo Hương, thân thiết và thuận thảo với Quang, muốn vào mùa Đông này đưa Ngài ra khỏi khám[2] dựng tháp thờ, vào ngày Rằm tháng Chín bèn mở đàn truyền giới đến ngày mồng Tám Đông nguyệt (tháng Chạp) là viên mãn để báo ân Phật, tạo phước ngầm cho thầy, sai Quang viết lời tựa. Quang nghĩ Phật giáo lấy Hiếu làm gốc; cho nên, kinh Phạm Võng dạy: “Hiếu gọi là Giới, cũng gọi là chế chỉ (ngăn dứt), hiếu thuận là pháp đạo tột cùng. Y giáo phụng hành mới gọi là Hiếu”. Y giáo phụng hành thì những gì Phật đạt được chính ta sẽ đạt được, từ phiền não sẽ thành Bồ Đề, ngay trong sanh tử chứng Niết Bàn, mới khỏi cô phụ ân Phật giáo hóa, chẳng phụ bạc tánh linh của chính mình, là bậc trượng phu lỗi lạc, là con chân thật của đức Như Lai. Nếu chẳng y giáo phụng hành thì dưới lớp ca-sa, đánh mất thân người, nỗi khổ tam đồ ác đạo dẫu hết cả kiếp vẫn chưa thể nói hết được. Nguyện các Phật tử thọ giới ai nấy đều gắng lên.

***

[1] Cao túc: Học trò giỏi giang của một vị thầy, thường gọi là “cao đồ”.

[2] Khám là một chỗ khoét vào lòng tháp hoặc núi để an trí tượng Phật hoặc để quan tài của các vị sư viên tịch.