Lời tựa cho bộ Tấn Liên Tông Sơ Tổ Lô Sơn Huệ Viễn Pháp Sư Văn Sao
(năm Dân Quốc 24 – 1935)
Đại pháp của Như Lai bao trùm pháp giới, bao quát có – không, chỉ dạy chân tâm sẵn có, tỏ rõ diệu dụng tùy duyên. Tâm thể ấy chúng sanh và Phật giống hệt như nhau, phàm – thánh chẳng hai, chân thường bất biến, tịch chiếu viên dung. Do Phật chứng rốt ráo nên được Ngũ Uẩn đều là không, vượt khỏi các khổ, chẳng lập mảy trần, phô bày trọn vẹn vạn đức. Do chúng sanh triệt để mê nên đến nỗi mê chân đuổi theo vọng, trái giác, hiệp trần, luân hồi sanh tử, trọn không có lúc thoát ra. Do vậy, đức Như Lai tùy theo căn cơ của chúng sanh nói đủ mọi pháp khiến cho ai nấy đều theo đường về nhà, đích thân thấy được cha mẹ vốn có. Lần chéo áo tìm được hạt châu, liền được của báu vô tận nhà mình sẵn có. Bậc thượng căn cố nhiên được giải thoát, nhưng hàng trung – hạ vẫn trong luân hồi, nên đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ “vượt ngang ra khỏi tam giới”, khiến cho khắp các hạng trung – hạ nối gót bậc thượng căn. Lợi ích ấy không thể nào diễn tả được! Nghĩa này tuy phát xuất từ hội Phương Đẳng, nhưng thật ra đạo ấy bắt nguồn từ hội Hoa Nghiêm, chỉ vì phàm phu, tiểu thánh chẳng thể dự hội [Hoa Nghiêm] nên không có cách chi vâng nhận được. Trước khi kinh Hoa Nghiêm được truyền đến [Trung Quốc, pháp môn Tịnh Độ] thường bị coi là đạo phương tiện hay Tiểu Thừa. Sau khi phẩm [Phổ Hiền] Hạnh Nguyện đã được dịch ra rồi, mới biết đây là lời giảng chân thật về pháp thành Phật.
Viễn Công ở Lô Sơn xưa đã vâng lời Phật phó chúc, thừa nguyện tái lai. Chưa được thấy kinh Niết Bàn đã soạn luận Pháp Tánh Thường Trụ; chưa xem kinh Hoa Nghiêm đã xiển dương tông chỉ hướng dẫn về Cực Lạc, lập pháp ngầm hợp với các kinh, đạo thích hợp khắp ba căn, thông trên, thấu dưới, thỏa thích bổn hoài xuất thế của đức Như Lai, giải quyết trọn vẹn đại sự sanh tử của hàm thức. Nếu chẳng phải là bậc Đại Quyền thị hiện[1], làm sao có thể dự đoán như vậy được? Vì thế, pháp sư La Thập nói: “Kinh dạy: Trong đời Mạt sau này, phương Đông sẽ có vị Bồ Tát hộ pháp. Gắng lên nhân giả! Hãy khéo hoằng dương chuyện này”. Tăng chúng Tây Vực đều nói đất Hán có bậc Khai Sĩ[2] Đại Thừa, liền hướng về phương Đông cúi lạy, dâng lòng lên rặng Lô Sơn. Tung tích thần lý chẳng thể lường được!
Xét ra Viễn Công, vào năm Giáp Thân tức năm Thái Nguyên thứ chín (384) đời Hiếu Vũ Đế nhà Đông Tấn mới đến Lô Sơn, trụ tại chùa Tây Lâm của đồng môn là pháp sư Huệ Vĩnh. Sau này, do người đến học đông đảo, Tây Lâm chật hẹp không chứa hết nổi, nên lại dựng chùa Đông Lâm. Lúc mới lo liệu, sơn thần hiển linh, gỗ rường tự đưa đến, Thứ Sử[3] Hoàn Y bèn đứng ra xây cất, đặt tên cho điện ấy là Thần Vận để biểu thị sự linh dị. Do vậy, bậc cao hiền Tăng – tục lũ lượt tìm đến. Đến ngày Hai Mươi Tám tháng Bảy năm Canh Dần (390), tức năm Thái Nguyên mười lăm, Sư cùng Tăng – tục một trăm hai mươi ba người kết xã niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Những người ấy lúc lâm chung đều ứng hiện tướng lành, đều được vãng sanh. Ấy là vì mọi người đều có trí huệ siêu quần bạt tụy, lại được Viễn Công chỉ dạy và được sức giùi mài, gọt giũa của các bạn nên đạt được lợi ích ấy. Đấy chính là những người kết xã đầu tiên.
Nếu xét theo cả một đời Viễn Công, trong hơn ba mươi năm, những người được hưởng sự pháp hóa tu trì Tịnh nghiệp, đắc tam-muội lên liên bang kể sao cho xiết! Xét từ năm Giáp Thân tức năm Thái Nguyên thứ chín (384), Viễn Công đến Lô Sơn, về Tây vào ngày mồng Sáu tháng Tám năm Bính Thìn tức năm Nghĩa Hy 12 (416), suốt ba mươi hai năm không ra khỏi núi, chẳng dấn mình vào cõi tục. Những trước thuật hoằng dương pháp hóa, hộ trì Phật giáo của Ngài được chép đầy đủ trong Lô Sơn Tập. Trải bao cuộc biển dâu, thất lạc gần hết. May là trong những bộ Hoằng Minh Tập, Quảng Hoằng Minh Tập đều có sao lục khiến cho dấu thơm của cổ đức được truyền mãi mãi trong cõi đời.
Thái Sử[4] Sa Kiện Am ở Như Cao đến tuổi già dốc lòng tin tưởng Phật pháp, chuyên tu Tịnh nghiệp, xem rộng khắp các sách, phàm những trước thuật Viễn Công và những bài truyện, tán, ký, tụng v.v… do người đời sau soạn ra đều sao lục đầy đủ, [tập hợp thành sách] đặt tựa đề là Huệ Viễn Pháp Sư Văn Sao, phân thành hai bộ Chánh Biên và Phụ Biên. Môn nhân là Hạng Trí Nguyên lại còn sao lục bổ sung, ủy thác Quang giảo chánh và ấn hành. Trộm nghĩ: Viễn Công là Liên Tông Sơ Tổ, sách ấy được lưu truyền rộng rãi người đọc sẽ có dấy lòng tu trì, nhưng do tài lực không đủ, trước hết bèn in một vạn bản để xướng suất, sau này sẽ có người kế tiếp liên tục in thì làm sao biết được con số. Người học đời sau do cuốn sách này đều biết cội nguồn của pháp môn Tịnh Độ, ắt đều gặp việc nhân chẳng chịu nhường, nối gót bậc tiên giác, cùng thoát khỏi Ngũ Trược, cùng lên chín phẩm sen. Vì thế, trước lúc sắp chữ, bèn lược thuật lai lịch. Còn như đạo đức, công nghiệp, văn chương, sự cảm thông của Viễn Công đã được chép đủ trong Chánh Biên và Phụ Biên của [Huệ Viễn Pháp Sư] Văn Sao, ở đây không cần rườm lời tường thuật nữa!
Cõi đời truyền tụng Viễn Công và mười tám vị cao hiền, một trăm hai mươi ba người kết xã. Trong số mười tám vị ấy, Viễn Công đứng đầu. Mười lăm người kia đa số là những vị kết xã đầu tiên. Nếu ngài Phật Đà Bạt Đà La vào năm Nghĩa Hy thứ hai (406) đời Tấn An Đế mới dự vào liên xã, tức là năm thứ mười bảy sau khi [Lô Sơn] kết xã. Ngài Phật Đà Da Xá dự vào liên xã trong năm Nghĩa Hy thứ mười (414) thì đấy là năm thứ hai mươi lăm sau khi [Lô Sơn] kết xã. Trong Bảo Vương Luận, pháp sư Phi Tích có nói Viễn Công nhận lãnh phép Niệm Phật tam-muội từ ngài Phật Đà Bạt Đà La xong bèn cùng những vị cao hiền Tăng – tục kết xã niệm Phật. Đấy chính là đề cao những vị Tăng Tây Trúc, nhưng chưa khảo cứu tường tận thời gian [ngài Phật Đà Bạt Đà La] dự vào Liên Xã vậy.
***
[1] Đại Quyền: Có thể hiểu theo hai cách:
1. Phật, Bồ Tát vì cứu vớt chúng sanh nên hiện ra đủ mọi thân hình sai khác, thậm chí thị hiện những hạnh Ngũ Nghịch, Thập Ác để hóa độ chúng sanh. Như Vy Đề Hy phu nhân và vua A Xà Thế đều là những bậc đại quyền thị hiện.
2. Riêng chỉ Đại Quyền Tu Lý Bồ Tát, còn gọi tắt là Đại Quyền Bồ Tát, là thần hộ pháp cho Thiền Tông Trung Hoa tại các vùng duyên hải thuộc tỉnh Chiết Giang, thường được coi là vị Bồ Tát bảo hộ cho những người đi biển.
Ở đây, chữ Đại Quyền được dùng theo nghĩa thứ nhất.
[2] Khai Sĩ là một cách dịch khác của chữ Bồ Tát. Khai có nghĩa là mở thấu hiểu thông đạt, chỉ dạy chánh đạo, dẫn dắt chúng sanh. Sách Thích Thị Yếu Lãm, quyển Thượng, viết: “Trong kinh thường gọi Bồ Tát là Khai Sĩ, thời Phù Kiên nhà Tiền Tần thường phong tặng danh hiệu Khai Sĩ cho những vị Tăng có đức hạnh, thông suốt giáo lý”.
[3] Thứ Sử là một chức quan được đặt ra từ đời Hán, tùy theo mỗi thời đại có nhiệm vụ quyền hạn khác nhau. Thời Hán chia toàn quốc thành mười ba châu, mỗi châu có một quan Thứ Sử. Chức vụ Thứ Sử khi ấy tương đương với chức Ngự Sử Trung Thừa đời Tần, đóng vai trò giám sát quan lại tại mỗi châu. Đến thời Ngụy – Tấn, chức Thứ Sử là quan cai trị đứng đầu một châu. Đến đời Tống, Thứ Sử quyền lực rất nhỏ, chỉ còn chuyên đảm nhiệm việc thuyên chuyển các quan võ trong một châu.
[4] Thái Sử là một chức quan đã có từ thời nhà Thương, đứng đầu cơ quan Thái Sử Liêu, tức cơ quan chuyên trách khởi thảo văn thư, chiếu chỉ, sách vở, thiên văn, lịch pháp, nghi thức tế lễ cho triều đình. Tư Mã Thiên từng đảm nhiệm chức vụ này nên những lời bàn của ông được ghi trong bộ Sử Ký đều mở đầu bằng từ ngữ “Thái Sử Công viết” (ông Thái Sử nói). Nhưng chức quan này ngày càng bị giảm vai trò quan trọng, đến đời Tấn trở đi chỉ đảm nhiệm việc tính toán lịch pháp. Đời Minh – Thanh, Thái Sử là một tên gọi khác của chức quan Hàn Lâm Biên Tu vì Hàn Lâm Viện đảm nhiệm việc biên soạn sử sách.