Lời tựa cho bộ Di Đà Thánh Điển
(năm Dân Quốc 20 – 1931)
Một pháp Niệm Phật chính là tổng trì lời Phật dạy, nhưng có người chuyên niệm Tự Phật, có người chuyên niệm Tha Phật, hoặc niệm Tự Phật lẫn Tha Phật bất đồng! Kẻ chuyên niệm Tự Phật là như tham cứu sâu xa đến cùng tận Thật Tướng trong các kinh để mong ngộ chứng, dùng trí chiếu Bát Nhã để thấu hiểu trọn vẹn đương thể của hết thảy các pháp Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại v.v… toàn là không, đích thân thấy được tánh Chân Như mầu nhiệm vốn sẵn có, hoặc như Thiền Tông khán những câu thoại đầu như “người niệm Phật là ai?” v.v… để mong đích thân thấy được “bản lai diện mục trước khi được cha mẹ sanh ra”. Trong bốn loại Niệm Phật, [cách này] được gọi là Thật Tướng Niệm Phật.
Chuyên niệm Tha Phật thì có ba cách niệm:
1) Một là quán tưởng, nghĩa là dựa theo Thập Lục Quán Kinh để quán, hoặc chuyên quán tướng bạch hào[1], hoặc chỉ quán thân Phật một trượng sáu, hay thân tám thước, hoặc quán Pháp Thân rộng lớn và quán trọn vẹn mười sáu phép Quán.
2) Hai là quán tượng, tức là đối trước hình tượng Phật, tưởng tướng hảo, quang minh của Phật v.v…
3) Ba là trì danh, tức là nhất tâm xưng niệm thánh hiệu A Di Đà Phật.
Ba cách niệm Phật này tuy cách thức khác nhau, nhưng đều cần phải có lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì mới cảm ứng đạo giao cùng đức Phật được, mới có thể chắc chắn trong đời này lìa khỏi cõi Sa Bà này, sanh sang cõi Cực Lạc kia.
Trong bốn thứ niệm Phật này, chỉ có Thật Tướng Niệm Phật là đế lý sâu xa nhất, nhưng chẳng dễ gì tu được! Do cậy vào Giới – Định – Huệ và sức tham cứu, quán chiếu, soi xét của chính mình, chứ không có Tha Lực nào khác phụ trợ, nếu chẳng phải là hạng túc căn chín muồi thì ngộ còn chưa dễ gì đạt được, huống là thật chứng! Chỉ có Trì Danh Niệm Phật, thực hiện dễ dàng nhất, thành công nhanh nhất! Nếu có thể nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm liên tục ắt sẽ đích thân chứng được Niệm Phật tam-muội ngay trong đời này, lâm chung chắc chắn vãng sanh Thượng Phẩm. Dẫu căn cơ hèn kém, chưa chứng được tam-muội, chỉ dùng lòng tin chân thành trì danh hiệu Phật như con nhớ mẹ, luôn luôn chẳng gián đoạn, đến khi lâm chung cảm ứng đạo giao, nương theo Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Chúng sanh đời Mạt chỉ có pháp này để nhờ cậy. Nếu không, chỉ gieo được cái nhân cho đời sau, khó được lợi ích thật sự!
Nếu có thể chí tâm trì niệm, niệm đến khi “toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm, ngoài tâm không Phật, ngoài Phật không tâm, không niệm mà niệm, niệm mà không niệm, tâm lẫn Phật cùng tỏ rạng, lại cùng mất hẳn” thì diệu lý Thật Tướng sẽ hiện rõ rành rành, y báo, chánh báo cõi Tây Phương triệt để hiện trọn vẹn. Tuy trì danh nhưng đạt Thật Tướng sâu xa, chẳng quán tưởng mà đích thân thấy được Tây Phương! [Pháp trì danh] nhiếp thọ căn cơ phổ biến nhất, được lợi ích sâu xa nhất, lợi lạc nhất cho kẻ độn căn trong đời Mạt Pháp, thỏa thích lớn lao bản hoài xuất thế của Như Lai. Vì thế, từ xưa hàng tri thức phần nhiều đều chuyên chú nơi một môn Trì Danh. Đây là nói đại lược về cách niệm Tha Phật vậy.
Còn như niệm Tự Phật lẫn Tha Phật thường được gọi là Thiền Tịnh Song Tu, có người chuyên khán câu “người niệm Phật là ai?” để mong minh tâm kiến tánh, chẳng chú trọng tín nguyện cầu sanh. Tuy tợ hồ Thiền Tịnh Song Tu, nhưng thật ra là “có Thiền, chẳng có Tịnh”. Đã không có tín nguyện, sẽ không có cách nào cậy vào Phật lực để đới nghiệp vãng sanh được! Nếu chưa đạt đến địa vị nghiệp tận tình không, vẫn chẳng thể cậy vào tự lực để liễu sanh thoát tử! Do vậy biết: Thiền Tịnh Song Tu chỉ hạng người có đầy đủ tín nguyện sâu xa mới có thể được lợi ích. Nếu không, đương nhiên chẳng bằng chuyên dốc sức nơi một môn trì danh hiệu Phật! Pháp môn Tịnh Độ thật là pháp môn đặc biệt khế lý khế cơ trong cả một đời giáo hóa của đức Như Lai. Vì thế, vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về, ngàn kinh muôn luận đâu đâu cũng chỉ bảo hướng về.
Ông X… ở Đông Doanh (Nhật Bản), trích lục những nghĩa lý xiển dương pháp Niệm Phật từ các kinh luận, soạn thành bộ Di Đà Thuyết Lâm, nội dung phân thành mười môn, diễn giảng thông suốt Nhất Hạnh[2], đáng là một bộ sách trợ giúp cho việc tu Tịnh nghiệp. Cư sĩ Phạm Cổ Nông đích thân giảo chánh, tra cứu, đổi tên thành A Di Đà Phật Thánh Điển nhằm tỏ rõ ý nghĩa tôn sùng; nhưng những phần trích lục hoàn toàn chẳng nêu rõ nguồn gốc, đợi khi nào có thời gian rảnh rỗi, cư sĩ sẽ dựa theo kinh mà phân định tường tận để hết thảy mọi người biết một pháp Niệm Phật cầu sanh Tây Phương chính là đạo để hết thảy thượng thánh hạ phàm cùng tu, ngõ hầu chẳng đến nỗi phạm những lỗi như sanh lòng tự phụ “ta là bậc thượng căn”, chẳng chịu tu trì, hoặc tự hạ thấp “ta là hạ căn chẳng thể tu trì được”! Thợ sắp chữ gần xong, cậy Quang viết lời tựa, bèn ước theo những điều mình biết để giãi bày. Nên biết rằng: Một pháp Niệm Phật chính là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nếu chẳng tin tưởng được, xin hãy chất vấn Phổ Hiền Bồ Tát!
***
[1] Bạch Hào Tướng (Ūrna-laksana): Đôi khi còn dịch là hào tướng, hào mi, bạch mao tướng, mi gian bạch hào tướng, bạch hào trang nghiêm tướng, mi gian bạch hào nhuyễn bạch đâu-la-miên tướng v.v…là một trong ba mươi hai tướng của đức Như Lai. Đấy chính là một sợi lông trắng trong ngần, sáng ngời như ngọc lưu ly, thường tỏa quang minh, nằm giữa hai chân mày, cuộn tròn lại, quấn quanh theo chiều bên phải, nếu kéo dài ra sẽ dài đến một tầm (Tầm là đơn vị đo lường thời cổ, có chiều dài bằng khoảng cách giữa hai cánh tay giang thẳng ra hai bên). Theo kinh Vô Thượng Y, quyển Hạ, tướng này do lúc tu nhân Phật thường tán thán mỗi khi thấy có chúng sanh nào tu tập Giới – Định – Huệ. Theo kinh Quán Phật Tam Muội Hải thì quang minh tỏa ra từ tướng bạch hào có công năng trừ được tội lỗi trong trăm ức na-do-tha hằng sa kiếp sanh tử, nên là tướng thù thắng nhất trong vô lượng tướng của đức Phật.
[2] Nhất Hạnh: Có nghĩa là chuyên chú nơi một sự, là một từ ngữ đặc biệt chỉ hạnh Niệm Phật. Do vậy, Niệm Phật tam-muội còn gọi là Nhất Hạnh tam-muội.