Lời tựa sách Tịnh Độ Tập Yếu

(năm Dân Quốc 17 – 1928)

Thuốc không quý – hèn, thuốc nào trị được bệnh [thì thuốc ấy] là thuốc hay. Pháp chẳng cạn – sâu, [pháp nào] hợp căn cơ sẽ là pháp mầu nhiệm. Đang thời Mạt Pháp, căn cơ con người kém hèn, nếu chẳng nương vào hoằng thệ nguyện lực của đức Như Lai, ai có thể đoạn Phiền Hoặc để thoát sanh tử, thấy được bản tánh, chứng vô sanh? Ví như bệnh đã lậm vào tạng phủ, tuy [bệnh tình] hòa hoãn vẫn không thể làm gì được, nhưng nếu chịu uống thuốc A Già Đà trị chung vạn bệnh này, thì chuyện “đoạn Phiền Hoặc để thoát sanh tử, thấy được bản tánh, chứng Vô Sanh” vừa nói trên đây ai nấy đều đích thân chứng được, hoàn toàn chẳng khó khăn gì! Vì sao vậy? Do người ấy dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, trì danh hiệu Phật cầu sanh Tây Phương, lâm chung chắc chắn sẽ được Phật tiếp dẫn, liền được vãng sanh. Đã được vãng sanh, thân cận Phật Di Đà dài lâu, theo gót hải chúng, còn có thể viên mãn Bồ Đề, triệt chứng Niết Bàn rốt ráo, huống là những chuyện “đoạn Phiền Hoặc để thoát sanh tử, thấy được bản tánh, chứng Vô Sanh” vừa mới nói đó ư? Do vậy, biết rằng: Trong thời tiết[1] này, chỉ có một pháp này thích hợp căn cơ nhất. Nếu bỏ pháp môn cậy vào Phật lực này để tu những pháp môn tự lực khác, đừng nói hạng trung – hạ căn không cách chi mong mỏi, dẫu là thượng căn chắc chắn cũng khó lòng thành tựu ngay trong một đời được; phần nhiều chỉ gieo nhân cho đời sau, khó được lợi ích thật sự! Vì thế, hàng tri thức xưa nay cực lực hoằng dương pháp này để mong trên báo ơn Phật, dưới độ những người cùng hàng.

Các ông Phan Huệ Thuần và Thiệu Huệ Viên ở Lưu Dương (thuộc tỉnh Hồ Nam) dốc lòng tin tưởng Phật pháp, xem xét thời tiết, căn cơ; do vậy, bèn tập hợp những ý nghĩa trọng yếu đề xướng Tịnh Độ xưa nay, tạo thành một cuốn sách, chia làm ba thiên. Thiên đầu là tập hợp sao lục, biên tập những lời dạy từ tướng lưỡi rộng dài [của đức Phật], hơi tóm gọn một chút, để làm bậc thang nhập môn đầu tiên cho hàng sơ cơ. Thiên giữa gồm những phần trích lục những lời khai thị thiết yếu nhất, viên đốn nhất [trích] từ sách Long Thư Tịnh Độ Văn, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, và [ngữ lục của] các đại sư Thiện Đạo, Vĩnh Minh, Ưu Đàm, Thiên Như[2], Liên Trì, Hám Sơn, Ngẫu Ích, Triệt Lưu, Tỉnh Am, Triệt Ngộ, và gần đây nhất là cư sĩ Bành Nhị Lâm, ngõ hầu [người đọc] từ cạn tiến đến sâu, lãnh ngộ đại lược chỉ thú của pháp môn Tịnh Độ. Thiên cuối cùng tập hợp những ghi chép về nghi thức Niệm Phật, những kinh chú Tịnh Độ trong khóa tụng hằng ngày và các bài văn hồi hướng để dùng làm nghi thức cho khóa tụng sáng tối. Cuối cùng là phần Phụ Lục về nhân duyên ứng hóa của Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát và Đa Đa Ha Bồ Tát để nêu bật pháp môn Tịnh Độ khế hợp thời cơ sâu xa. Họ tính ấn hành lưu thông để biếu những ai có cùng chí hướng trong khắp cõi xem đọc; do vậy, bèn đặt tựa đề là Tịnh Độ Tập Yếu, và lược thuật nguyên do của pháp môn Tịnh Độ ngõ hầu người đọc lẫn người nghe đều cùng sanh chánh tín, cùng tu Tịnh nghiệp, để có thể cùng sanh về Tịnh Độ, cùng chứng Vô Sanh, để rồi cùng thành Chánh Giác!

***

[1] Xin đừng hiểu lầm chữ “thời tiết” ở đây là weather, mà có nghĩa là thời thế, đúng dịp, đúng lúc nhân duyên chín muồi, các duyên hội đủ, như trong thành ngữ “nhân duyên thời tiết” thường được dùng trong kinh sách.

[2] Thiên Như Duy Tắc (không rõ năm sanh -1354), là một vị cao tăng thuộc tông Lâm Tế sống vào thời Nguyên, xuống tóc từ nhỏ tại Hòa Sơn, về sau qua Thiên Mục, đắc pháp với ngài Trung Phong Minh Bản, được nối pháp của ngài Trung Phong. Sư cực lực hoằng dương Thiền Tông nhưng chuyên tu Tịnh nghiệp, được vua ban danh hiệu Phật Tâm Phổ Tế Văn Huệ Đại Biện Thiền Sư. Sư chú thích kinh Lăng Nghiêm đồng thời tổng hợp, chín tác phẩm chú giải đã có từ thời Đường và Tống, tạo thành bộ Lăng Nghiêm Kinh Hội Giải 20 quyển, lại soạn bộ Lăng Nghiêm Kinh Viên Thông Sớ 10 quyển. Để xiển minh giáo nghĩa Tịnh Độ, Sư soạn bộ Tịnh Độ Hoặc Vấn nhằm phá trừ những nghi vấn về Tịnh Độ, sách tấn người học tu tập Tịnh nghiệp. Ngoài ra, Sư còn để lại những tác phẩm như Ngữ Lục, Thập Phương Giới Đồ Thuyết v.v…