Lời tựa cho bản in gộp chung hai sách Tịnh Độ Vấn Biện và Công Quá Cách

(năm Dân Quốc 18 – 1929)

Cổ nhân nói: “Tử sanh diệc đại hỹ, khả bất bi tai!” (Chết – sống cũng lớn thay, chẳng đáng buồn ư?) Biết chết – sống đáng buồn, hãy nên cầu lấy pháp có thể liễu được sanh tử thì chuyện đáng buồn sẽ biến thành đáng vui. Nếu chẳng cầu pháp liễu sanh tử, sanh lòng bi cảm xuông, có ích chi đâu? Đại trượng phu sống trong thế gian, không chuyện nào chẳng tính toán sẵn, nhưng chỉ có mỗi một chuyện sanh tử đa số đều ngược ngạo bỏ mặc không hỏi tới, mãi cho đến khi báo hết mạng tận phải theo nghiệp chịu báo, chẳng biết một niệm tâm thức này sẽ lại đi thọ sanh trong đường nào! Cõi trời người là quán trọ, tam đồ là quê nhà! Mỗi lần thọ báo trong tam đồ là trăm ngàn kiếp, trọn chẳng có dịp nào lại được sanh trong cõi trời người! Do vậy nói rằng: “Đương nhiên không thể nào không miệt mài cầu tìm pháp liễu sanh tử!” Phải biết: Pháp môn vô lượng, nhưng đều phải dùng tự lực để đoạn Hoặc chứng Chân thì mới có phần liễu sanh tử, nên chúng sanh đời Mạt hơi khó thể được lợi ích thật sự ngay trong đời này. Chỉ có tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương thật là bậc nhất, do cậy vào Phật từ lực nên dẫu là kẻ chưa đoạn được Hoặc nghiệp vẫn có thể thoát khỏi cõi Sa Bà này, lên cõi Cực Lạc kia. [Pháp môn Tịnh Độ] quả thật là một sự nương tựa lớn lao cho hạng không có sức đoạn Hoặc như lũ chúng ta.

Vì thế, cư sĩ Châu Tiếp Thần chỉ sợ người đời quen thói chấp thường, chẳng chịu tu tập đến nỗi tự lầm. Do vậy, đem những thứ nghi tình chính mình từng ôm ấp trước kia, mỗi mỗi đều mổ xẻ rạch ròi để hướng dẫn hết thảy mọi người cùng hàng. Lại còn đính kèm những thiên sách khuyên hiếu răn dâm để làm [những hướng dẫn] hòng nghiêm ngặt vâng giữ điều thiện tột bậc, răn dè điều ác tột bậc, ngõ hầu nền tảng vững vàng, tiến tu không bị vướng mắc. Lại sợ bị sai sót trong luân thường và xử sự hằng ngày nên đem Công Quá Cách in kèm vào phần sau. Trộm nghĩ: Công Quá Cách này chính là nhiệm vụ trọng yếu để cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, hễ tận hết tâm lực thực hiện thì lo chi chẳng đạt đến địa vị thánh hiền. Phàm những ai có chí mong thành thánh thành hiền, xin chớ vì pháp này vụn vặt rồi xem thường thì tốt đẹp lắm thay!

Thêm nữa, Công Quá Cách viết theo thể văn xuôi, chẳng thuận tiện tụng thuộc. Cảm Ứng Thiên, Âm Chất Văn thật sự là cội nguồn của Công Quá Cách; vì thế, cung kính chép vào đầu sách để mong sao sáng chiều tụng đọc, chiếu rọi lẫn nhau, ngõ hầu ba nghiệp thanh tịnh, một dạ thuần thành, chuyên dốc, hòng đấng sanh ra ta khỏi thẹn, hành vi trở thành mẫu mực cho cõi đời. Do vậy, thế pháp lẫn Phật pháp một bề cùng tu, thành tựu chính mình, thành tựu người khác, trọn chẳng sai biệt. Trước là kế thừa bậc thánh đời trước, sau là mở mang nếp học cho người sau, tán trợ quyền sanh trưởng, giáo hóa của [trời đất], giúp cho đất nước yên lành, đều do những lời lẽ tầm thường, hành vi tầm thường ấy mà đạt được! Nếu bỏ đi những điều này chẳng thực hành, cầu lấy pháp huyền diệu nào khác, dẫu cho sở đắc lớn lao vẫn chỉ có thể lợi lạc cho hạng căn tánh nào đó mà thôi, huống chi là kẻ chuyên chuộng bàn xuông [mà hòng được lợi ích] ư?