Lời tựa bản tu chỉnh Nga Mi Sơn Chí

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Phổ Hiền Bồ Tát đạo chứng Nhất Chân, đức viên mãn Lưỡng Túc[1], trụ cõi Tịch Quang, nhưng hưng khởi lòng Từ, vận dụng lòng Bi, phù tá đấng Thiện Thệ dùng quả để tu nhân. Trọn đủ toàn thể của đức Giá Na[2], thị hiện thuộc địa vị Bổ Xứ, kết quy đại nghĩa Hoa Nghiêm chỉ về Tây Phương. Tuy trọn hết mười phương pháp giới, nhưng không nơi nào chẳng trụ trong chân cảnh. Hòn núi Đại Quang Minh này thật ra là đạo tràng ứng hóa vậy. Xét đến ý nghĩa đặt tên thì chính là vì Phật quang hiện trong ban ngày, thánh đăng xuất hiện trong đêm, xưa nay vẫn thường chẳng hề ẩn diệt cho đến tận đời vị lai hòng khơi gợi quần sanh. Do vậy, núi báu Nga Mi[3] này còn gọi là Đại Quang Minh. Một tên đặt theo hình thế [của núi], tên kia đặt theo thánh tích, cố nhiên chẳng có nhân duyên gì khác, nhưng những kẻ không biết đến đức tướng của Bồ Tát, cứ muốn dựa vào lời kinh để làm bằng chứng rất thuyết phục, bèn lầm lạc dẫn [câu kinh trong] phẩm Bồ Tát Trụ Xứ của kinh Hoa Nghiêm: “Phương Tây Nam có chỗ tên là Quang Minh Sơn, từ xưa đến nay các vị Bồ Tát trụ ở trong đó, hiện đang có vị Bồ Tát tên là Hiền Thắng và các vị Bồ Tát quyến thuộc ba ngàn người cùng thường trụ trong ấy để diễn thuyết pháp”.

Đức Như Lai ở bên Thiên Trúc, thành Đẳng Chánh Giác tại nước Ma Kiệt Đề, giảng kinh Hoa Nghiêm lần lượt tại bảy chỗ, [tổng cộng] chín hội. Hội đầu tiên được nói tại Bồ Đề Tràng. Hội thứ hai, hội thứ bảy, hội thứ tám đều giảng trong điện Phổ Quang Minh. Điện này cũng nằm trong Bồ Đề Tràng. Phẩm Bồ Tát Trụ Xứ là một phẩm được giảng trong hội thứ bảy. Trước hết, nói đến bốn phương Đông, Nam, Tây, Bắc, rồi đến bốn phương bàng Đông Bắc, Đông Nam, Tây Nam, Tây Bắc. Thứ tự của các phương vị rạch ròi chẳng loạn. Những kẻ ấy thấy có ba chữ “Quang Minh Sơn” liền tưởng [ngọn núi ở] phía Tây Nam [được nói trong kinh Hoa Nghiêm] ấy chính là Nga Mi của nước Chấn Đán (Trung Hoa), [vì Nga Mi] nằm ở phía Tây Nam Trung Quốc. [Đối với câu kinh] “nay có Bồ Tát tên là Hiền Thắng”, bèn lầm lạc chú thích rằng: “Tức là Phổ Hiền”. Đức Phổ Hiền còn có tên là Biến Cát, chưa hề thấy Ngài còn có tên là Hiền Thắng! Viện dẫn kinh nhưng trái nghịch kinh sâu xa, ấy là muốn làm cho người khác sanh lòng tin lại ngược ngạo khiến cho người ta dấy lòng nghi!

Chẳng biết: Dẫu [vận dụng] trí huệ của Như Lai hết cả kiếp cũng chẳng thể nói hết đức tướng của ngài Phổ Hiền! Trong tám mươi mốt quyển của bộ kinh Hoa Nghiêm, thần thông, trí huệ, đức tướng, đạo đức, công nghiệp của Phổ Hiền Bồ Tát được phô diễn rõ ràng đến hơn mười quyển! Nếu bỏ công nghiên cứu một chút, há chịu dẫn giải sai lầm! Giống như chỗ Luân Vương ngụ chính là vương đô (kinh thành), chỗ được quang minh chiếu đến sẽ trọn chẳng tối tăm. Do vậy, trong bộ Sơn Chí hiện tại, đặc biệt lập ra một môn gọi là Bồ Tát Thánh Tích. Trong môn ấy, chia thành sáu chương:

1) Một là Thích Danh, [tức phần] giải thích đại lược ý nghĩa danh hiệu Phổ Hiền.

2) Hai là Tu Chứng: Trích lục hai kinh Bi Hoa và Lăng Nghiêm để chỉ rõ nhân địa và công phu tu chứng của Bồ Tát. Theo kinh Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới[4] thì Bồ Tát thành Phật đã lâu, bổn địa của Ngài nếu chẳng phải là Phật sẽ không thể biết được.

3) Ba là Đức Tướng: Trích dẫn đại lược [những đoạn] kinh Hoa Nghiêm xưng tán Bồ Tát thần thông đạo lực chẳng thể nghĩ bàn.

4) Bốn là Pháp Yếu: Nêu đại lược những pháp trọng yếu do Bồ Tát đã nói, nhưng phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện dùng mười đại nguyện vương hướng dẫn về Cực Lạc, khuyên Thiện Tài và khắp Hoa Tạng hải chúng nhất trí tiến hành hồi hướng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới ngõ hầu viên mãn Phật Quả, đấy chính là chỗ quy túc của kinh Hoa Nghiêm. Do vậy, biết một quyển kinh này rộng mở pháp môn Tịnh Độ, quả thật là pháp môn Tổng Trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, thích hợp khắp ba căn, phàm lẫn thánh đều cùng nhiếp thọ, hành nhân đời Mạt đều nên y chỉ. Vì thế, sao lục toàn văn để mong [mọi người] cùng chứng Liên Bang.

5) Năm là Lợi Hành: Trích lục kinh Pháp Hoa, kinh Quán Phổ Hiền Hành Pháp[5] để nêu đại lược những chuyện Bồ Tát bảo vệ, che chở hành nhân.

6) Sáu là Ứng Hóa: Chỉ rõ Bồ Tát chứng trọn cùng pháp giới, tùy loại hiện thân trong mười phương pháp giới, nên dùng thân nào để độ được bèn hiện thân ấy để thuyết pháp. Vì vậy, mười phương pháp giới [chỗ nào] cũng đều có thể là đạo tràng của Bồ Tát; nhưng Ngài muốn cho chúng sanh có chỗ để gieo lòng thành nên mới đặc biệt thị hiện ứng hóa ở núi Nga Mi. Phải biết: Bồ Tát ứng hóa gồm có Phổ và Chuyên. Phổ là đại chúng đều được đích thân trông thấy, Chuyên là chỉ có chính mình tự hiểu rõ trong tâm. Ví như hiện tướng trên chót mây, mọi người đều cùng thấy; [Bồ Tát hiện] tướng đứng với viên quang trùm thân, dẫu có rất nhiều người cùng đứng sát bên nhau nhưng mỗi người mỗi thấy thân [Bồ Tát hiện cho] chính mình, chẳng thấy thân [hiện cho] người khác. Đối với hai điều này, đủ biết Bồ Tát thần thông ứng hiện không ngằn mé; phàm phu, Nhị Thừa chẳng thể suy lường được! Đã có những nghĩa chẳng thể nghĩ bàn như thế, cần gì cứ phải lầm lạc dẫn kinh văn để tự vu báng, trở thành trò cười cho người khác ư?

Những điều được chép trong bộ Sơn Chí cũ sai lạc rất nhiều. Như với truyện Thiên Tuế Bảo Chưởng[6] trong quyển hai, nơi phần Nêu Tỏ Ý Nghĩa Các Kinh đã nói: Trước năm Quý Hợi (63) thuộc niên hiệu Vĩnh Bình đời Hán, [Thiên Tuế Bảo Chưởng] đã trụ tại núi này, Bồ Công thấy dấu chân nai giống như hoa sen, liền theo đường tắt đến hỏi chuyện ngài Bảo Chưởng. Ngài Bảo Chưởng dạy [Bồ công] qua Lạc Dương hỏi đạo với hai vị sư Ma Đằng và Pháp Lan. Năm Giáp Tý, Bồ Công qua Lạc Dương, yết kiến hai vị Sư. [Người biên soạn Sơn Chí] chẳng biết Giáp Tý (64) chính là năm thứ bảy đời Hán Minh Đế (58-75), [năm ấy, vua] mới sai Thái Âm, Tần Cảnh, Vương Tuân v.v… sang Tây Vực tìm kiếm Phật pháp. Đến năm Đinh Mão (67), tức năm thứ mười [đời Hán Minh Đế], hai vị Sư mới theo những người ấy đến Lạc Dương. Theo truyện Bảo Chưởng trong Truyền Đăng Lục, ngài Bảo Chưởng đến Trung Quốc vào năm Kiến An hai mươi bốn (219) đời Hiến Đế (196-220) nhà Đông Hán. Vào thời Ngụy – Tấn, Sư vào đất Thục lễ đức Phổ Hiền, ở lại chùa Đại Từ. Trong bản Sơn Chí cũ, truyện này chỉ bỏ đi một câu “Đông Hán, Hiến Đế…”, sao chẳng lấy điều này để chứng tỏ sự sai ngoa trong phần trên? Cả hai cảnh ấy đều còn mà vẫn chẳng thể nói ai đúng, ai sai được ư?

Trí Giả đại sư cả đời chẳng đến Tây Thục, mà [bản Sơn Chí cũ] cũng lập truyện. Lại còn nói đại sư với tôn giả Mậu Chân, Tôn Chân Nhân, đấu cờ vây trên bàn cờ khắc trên tảng đá dưới chân ngọn Hô Ứng. Lại còn dựng Hô Ứng Am để ở, đều dùng tiếng hô, tiếng đáp trong khi đấu cờ vây để đặt tên cho ngọn núi và am! Kẻ đặt ra thuyết này chẳng những không biết gì về ngài Trí Giả, mà còn hoàn toàn chẳng thông Phật pháp. Ngài Trí Giả cả đời đem thân phụng sự pháp, làm gương mẫu cho hàng hậu học, làm sao có thể hằng ngày cùng với ông tăng, đạo sĩ nhàn tản thường làm chuyện phạm giới cấm nhà Phật, vui chơi, đánh mất chí hướng cho được?

Ngài Huyền Trang sanh vào năm Giáp Tý, tức năm Nhân Thọ thứ tư (604) đời Tùy Văn Đế. Anh Ngài là Tiệp pháp sư cho Ngài đi xuất gia, sống tại chùa Tịnh Độ ở Lạc Dương. Năm 15 tuổi, do nhà Tùy sụp đổ, bèn đến Trường An, khi ấy nhà Đường mới thành lập, vẫn còn nhiều chuyện chưa thể giải quyết xong, chưa rảnh rỗi để hoằng pháp được. Ngài cùng với anh qua Thành Đô cầu học, chẳng bao lâu, tiếng tăm lan xa. Năm Vũ Đức thứ năm (622), thọ giới Cụ Túc ở Thành Đô. Sư tính lên kinh đô để mong nghe được những điều chưa từng nghe. Bị anh giữ lại, Sư bèn lén ra đi, theo đường Tam Hiệp đến Hán Dương, tới Tương Châu, theo đuổi chuyện cầu học, hoằng pháp. Sau đó đến Trường An, muốn theo gót các vị Pháp Hiển, Trí Nghiêm, bèn kết bạn, dâng sớ xin qua Tây Vực để cầu những kinh chưa có [tại Trung Hoa]. Thuở ấy, cõi đời mới thái bình, Trung Hoa và ngoại quốc còn chưa qua lại, nên vua xuống chiếu không chuẩn tấu. Mọi người đều ngã lòng, riêng Sư chẳng khuất phục, vào tháng Tám năm Trinh Quán thứ ba (629) bèn lén ra đi, suốt cả mười bảy năm mới trở về Trung Quốc. Đến Vu Điền[7], Sư liền sai người dâng biểu lên Đường Thái Tông. Thái Tông ưu ái xuống chiếu đáp lời, lại còn hạ lệnh cho các quan chức có trách nhiệm dọc theo đường đi đều phải hộ vệ, đưa đón. Sư nghe vua muốn hỏi tội xứ Liêu Tân, sợ trùng trình sẽ chẳng gặp được [nhà vua] bèn lên đường đi suốt ngày đêm. Từ Lưu Sa đến Sa Châu, đều do đường Cam Túc mà đến, vua sắc các quan chức có trách nhiệm phải chuẩn bị nghi trượng nghênh tiếp. Đột nhiên Sư đã đến Tây Tào của kinh thành, vị quan chịu trách nhiệm nơi đó không biết xoay trở ra sao! (Do căn cứ theo hành trình mà chuẩn bị nghi trượng, nhưng vì Sư đi suốt ngày đêm nên mới đón hụt). Từ đấy, hằng ngày Sư lo phiên dịch. Sự nghiệp chưa hoàn tất đã tịch, lẽ nào có chuyện Ngài còn trở sang Tây Vực, đến động Cửu Lão núi Nga Mi, gặp đức Thánh nói kệ, truyền dạy kinh ư? Chỉ vì đời đã xa, người đã khuất, qua bao lượt biển dâu, sách vở thất lạc, thiếu chứng cứ đến nỗi đem chuyện sai lầm truyền tụng sai lầm, không cách nào khảo cứu để sửa cho đúng được, nên mới thành ra như thế!

Vào cuối đời Minh, ông Hồ Thế An[8] thích đi chơi núi, tuy tin Phật, nhưng chẳng lắng lòng nghiên cứu. Vì vậy, thâu thập rộng rãi những sáng tác nghệ thuật, biên tập thành bộ sách Dịch Nga Lại, thật ra [Dịch Nga Lại] chính là công trình sưu tập văn học[9] cho bộ Sơn Chí của Tưởng Hổ Thần đời Thanh. Hổ Thần tự cho là bộ Dịch Nga Lại [đã thâu thập hết những trước tác] chẳng sót một chữ nào, nhưng những gì ông ta sao lục chẳng ngoài mô tả những ngọn núi chót vót, vách núi đẹp tót vời, tình huống gió mây biến chuyển, chùa chiền hưng thịnh hay suy sụp mà thôi! Còn đối với nguyên do đức Phổ Hiền khởi lòng Từ, vận lòng Bi và tại sao tứ chúng cạn lòng thành tận lòng kính thì vẫn chưa thể hình dung được chút nào; huống hồ là quang cảnh rạng ngời nơi bổn địa của Bồ Tát, tâm tứ chúng khế hợp biển giác thì làm sao có thể hình dung cho được?

Thêm nữa, núi này xưa kia có [quán, miếu của] Đạo Giáo. Từ khi đại pháp hưng thịnh, họ lần lượt trở về với lẽ chân. Quả sáng diệt yêu quái, chói ngời dựng chùa nơi ngọn núi Trung Ương. Bọn khoác áo lông (đạo sĩ) cảm đức, lũ đội mão vàng trở thành Tăng sĩ mặc áo thâm. Từ đấy, nhất trí tiến hành, quy y Tam Bảo, Đạo giáo mất tăm mất tích đã hơn một ngàn năm. Đối với những chuyện về đức Phổ Hiền và bậc cao tăng thuở trước đã có kinh truyện để khảo chứng mà bộ Sơn Chí cũ vẫn còn [ghi chép] lắm [điều] sai ngoa, huống hồ là những sự thực về Đạo Giáo vốn bị tuyệt tích đã lâu, há lại chẳng thể sai ngoa được ư? Hoàng Đế[10] đến núi Không Động, hỏi đạo với Quảng Thành Tử[11], [như đã] chép trong thiên Tại Hựu sách Trang Tử thì làm sao lại có thể đến núi Nga Mi hỏi đạo nơi Thiên Hoàng chân nhân cho được?

Thiên Hoàng chân nhân chính là Quảng Thành Tử! Hoàng Đế là người có trách nhiệm với thiên hạ, đâu thể nào sánh với tăng sĩ hay đạo sĩ nhàn tản, tùy ý vân du! Đã đến Không Động hai lần, ắt có sở ngộ. Dẫu cho Quảng Thành Tử dời sang sống tại Nga Mi, lẽ nào Hoàng Đế lại tới Nga Mi? Huống chi đường sang đất Thục gian nan, đến nay vẫn còn nghe tiếng than vang dậy. Trong thời Hoàng Đế, chẳng lẽ không khó khăn hơn hiện thời trăm ngàn lần ư? Vì thế, biết những điều ghi chép ấy đều là bịa đặt. Dẫu cho cực đích xác đi nữa, cũng chẳng liên quan khẩn yếu, bởi những pháp được nói ấy đều là pháp thuộc về Nhân thừa và Thiên thừa trong Phật pháp. Đạo giáo ở Nga Mi đã tuyệt tích từ lâu, sao lại còn lập riêng pháp ấy để đến nỗi đời sau bị phân vân đôi đường, chẳng biết theo ngả nào? Bởi thế, đem những chuyện ghi chép ấy bỏ đi gần hết, hòng giương cao Phật nhật thích hợp khắp ba căn, chắc cũng được Thiên Hoàng chân nhân tán thành, chấp thuận!

Quang là một ông Tăng tầm thường, sao dám dối xưng là bậc thông gia hòng tu chỉnh [bốn bộ] Sơn Chí của Tứ Đại Danh Sơn! Nhưng do ở đậu núi Phổ Đà hơn ba mươi năm; năm Dân Quốc 11 (1922), Tri Sự huyện Định Hải là ông Đào Tại Đông đề xướng tu chỉnh bộ Phổ Đà Sơn Chí, thỉnh bậc túc nho trong vùng là tiên sinh Vương Nhã Tam chủ trì việc ấy. Đối với đạo Nho, có thể xưng tụng ông Vương là bậc bác lãm, nhưng đối với đạo Phật ông ta chưa hề nắm được đường lối. [Ông ta] tu chỉnh Sơn Chí xong, bậc kỳ túc trong núi sai Quang sửa chữa lại. Gần đây, Quang do khắc in các sách trọn chẳng được rảnh rỗi. Đến năm Dân Quốc 19 (1930), yểm quan tại thành Tô Châu, mới in ra sách, thì một đệ tử là Lý Viên Tịnh, nhiệt tâm làm chuyện công ích, nói: “Phổ Đà, Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa là Tứ Đại Danh Sơn của Trung Quốc, thầy đã sửa đổi bộ Phổ Đà Sơn chí thỏa đáng rồi đem ấn hành, nhưng ba bộ Sơn Chí của Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa cũng chớ nên mặc kệ không quan tâm đến!”

Do vậy, đặc biệt cầu thỉnh người trước kia đã soạn Quán Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ, và Phật Học Cứu Kiếp Biên là một đệ tử quy y ở Bành Trạch tỉnh Giang Tây tức cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh soạn cương yếu. Quang chỉ đảm nhiệm việc cắt xén cho thỏa đáng và ấn hành, còn việc giảo chánh đưa về cho vị hiện đang ở nơi xa lãnh nhiệm vụ Trụ Trì chùa Thọ Lượng ở Cám Châu là pháp sư Đức Sâm và cư sĩ Trần Vô Ngã. Thanh Lương Chí đã in thành sách vào năm ngoái. Nga Mi Chí chẳng bao lâu nữa cũng sẽ cho ấn hành. Cửu Hoa Chí chắc là trong khoảng từ Xuân sang Hạ năm sau sẽ in ra được. Bốn bộ Sơn Chí cũ chỉ có Thanh Lương Chí là hay nhất, kế đến là Phổ Đà Chí, Nga Mi Chí lại kém hơn nữa, Cửu Hoa Chí đứng hạng bét. Ấy là vì ba bộ Sơn Chí đều do hạng Nho sĩ chẳng thông hiểu Phật học sửa chữa, mới đến nỗi mua rương trả lại ngọc[12], kính trọng lính hầu, khinh mạn chủ nhân, chỉ dốc sức [miêu tả] hình thế núi non huyễn vọng, chẳng hình dung được chỗ Bồ Tát khởi lòng Từ, vận lòng Bi cứu khổ, ban vui. Chú trọng đến núi, chẳng chú trọng vào Phật, làm việc điên đảo. Tuy có Sơn Chí nhưng chẳng thể làm cho người thấy, kẻ nghe tăng trưởng thiện căn, gieo nhân Bồ Đề. Đấy là chỗ ngụ ý sâu xa của bộ Sơn Chí hiện thời, nên tôi trình bày đại lược ý ấy. Nhưng vì chẳng phải là người đích thân trải qua cảnh sắc nơi ấy, nên chẳng thể hỏi han tường tận được, chỉ dựa theo bộ Sơn Chí cũ và các kinh truyện để tra cứu, điều chỉnh. Đối với những bậc danh đức gần đây và những kiến trúc mới đều nhất loạt chẳng ghi thêm vào, để khỏi vướng lỗi sót tên bậc danh đức, bị chê bai “ghi tên một vị để sót cả vạn”. Người sáng mắt hiểu biết ắt sẽ lượng thứ cho!

***

[1] Trí huệ lẫn phước đức đều trọn vẹn.

[2] Xá Na, tức Tỳ Lô Giá Na (Vairocana), Pháp Thân Phật.

[3] Núi Nga Mi thuộc huyện Nga Mi tỉnh Tứ Xuyên, còn có những tên gọi khác là Quang Minh Sơn, hay Hư Linh Đỗng Thiên. Đây là một nhánh của rặng Dân Sơn. Thế núi chập chùng, trông xa như một cái cầu vồng, quanh co đến hơn tám trăm cây số. Cao nhất là ba ngọn chính: Đại Nga, Trung Nga và Tiểu Nga. Từ chân núi lên đến đỉnh có hơn 70 ngôi chùa, đạo tràng Thánh Thọ Vạn Niên Tự được coi là đạo tràng trung tâm. Chùa này được khởi công xây từ đời Tấn do Bồ Ông thấy Phổ Hiền Bồ Tát hiển hiện, bèn dựng Bạch Thủy Phổ Hiền Tự. Chùa này được đổi tên thành Vạn Niên Tự vào đời Vạn Lịch nhà Minh, trong chùa có đúc tượng Phật bằng đồng, được coi là văn vật trân quý của Phật giáo Trung Hoa. Những chùa rất nổi tiếng khác tại đây là Phục Hổ Tự, Báo Quốc Tự, Thanh Âm Các, Tiên Phong Tự, Kim Đảnh Tự, Quang Tướng Tự v.v…

[4] Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh do ngài Thật Xoa Nan Đà (652-710) dịch vào đời Đường, còn có tên là Đại Phương Quảng Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh, hoặc gọi tắt là Bất Tư Nghị Cảnh Giới Kinh. Theo kinh chép, khi đức Phật vừa thành Chánh Giác dưới gốc Bồ Đề tại nước Ma Kiệt Đề thì Phổ Hiền Bồ Tát, Quán Tự Tại Bồ Tát, Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Thích Phạm Hộ Thế, thiên long bát bộ v.v… các vị thánh giả cùng nhóm đến, đức Phật muốn cho đại chúng hiểu rõ sức oai thần Thiền Định bí mật cực sâu của chư Phật liền nhập Như Lai Bất Tư Nghị Cảnh Giới Tam Muội. Khi ấy, trong mỗi tướng của ba mươi hai tướng đều hiện ra vô lượng cõi Phật trong mười phương, trong mỗi tướng hảo của tám mươi tướng hảo lại hiện ra đủ mọi phương tiện tu hành của đức Như Lai khi còn tu hạnh Bồ Tát. Vì thế, Đức Tạng Bồ Tát bèn hỏi Phổ Hiền Bồ Tát về danh nghĩa, cách chứng nhập cũng như phước đức, nhân duyên của tam-muội này. Phổ Hiền Bồ Tát bèn giảng cặn kẽ từng điều một. Kinh này chính là bản dịch khác của pháp hội Hoa Nghiêm được giảng tại Phổ Quang Minh giảng đường.

[5] Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh do ngài Đàm Ma Mật Đa (Dharmamitra) dịch vào đời Lưu Tống, còn có tên là Xuất Thâm Công Đức Kinh, thường được gọi tắt là Phổ Hiền Quán Kinh. Theo kinh chép, sau khi đức Phật nói kinh Pháp Hoa, đã giảng kinh này tại Đại Lâm Tinh Xá trong nước Tỳ Xá Ly, rồi tuyên cáo ba tháng nữa Phật sẽ nhập Niết Bàn. Các vị đệ tử như A Nan liền thưa hỏi Phật nhập diệt rồi thì nên tu hành như thế nào cũng như các pháp nghĩa Đại Thừa quan trọng, đức Phật bèn dạy phương pháp quán tưởng đức tướng của ngài Phổ Hiền, cách sám hối để diệt tội nơi lục căn và công đức do sám hối. Kinh này được tông Thiên Thai coi là phần kết thúc của kinh Pháp Hoa, do vậy cùng với Vô Lượng Nghĩa và kinh Pháp Hoa hợp thành Pháp Hoa Tam Bộ.

[6] Ngài Bảo Chưởng (?-657) là người Trung Ấn Độ, được cõi đời xưng tụng là Bảo Chưởng Thiên Tuế Hòa Thượng (vị Hòa Thượng tay báu ngàn tuổi). Theo truyền thuyết, lúc ngài sanh ra tay trái nắm chặt mãi đến bảy tuổi mới mở ra, nên có tên là Bảo Chưởng. Ngài đến Trung Hoa vào thời Ngụy – Tấn, vào đất Thục (Tứ Xuyên) tham lễ Phổ Hiền. Sư thường nhịn ăn, hằng ngày tụng kinh Bát Nhã đến hơn một ngàn quyển. Một bữa, đột nhiên bảo đại chúng: “Ta nguyện trụ thế một ngàn năm, nay đã sáu trăm hai mươi sáu năm rồi!” Vì thế, có danh xưng là Thiên Tuế. Sư từng tham phỏng Ngũ Đài, Lô Sơn v.v… Không lâu sau gặp Đạt Ma sang Trung Hoa bèn đến hỏi đạo, được khai ngộ. Từ năm Trinh Quán 15 (641), Sư ở lại chùa Bảo Nghiêm tại Bồ Giang, chơi thân với Lãng Thiền Sư, thường sai một con chó trắng đưa thư, Lãng sư sai con vượn xanh đưa thư đáp lời. Sư thị tịch năm Hiển Khánh thứ hai.

[7] Vu Điền (Kustana, Khotan), còn có tên là Hòa Điền, là một vương quốc cổ thuộc Tây Vực, thuộc vùng trũng Tarim, nằm trong miền Tây xứ Tân Cương ngày nay, có quan hệ rất lớn đối với Phật giáo Đại Thừa. Kustana có nghĩa là Địa Nhũ (sữa đất). Trung Hoa đã biết đến xứ này từ thời Tây Hán. Đời Hán Minh Đế, năm Vĩnh Bình 16 (73), Ban Siêu từng đem quân tấn công Vu Điền, vua Vu Điền chấp nhận trở thành chư hầu nhà Hán. Theo Đại Đường Tây Vực Ký quyển 20, xứ này quá nửa là lũng cát, nhưng khí hậu ôn hòa, có nhiều bảo ngọc, sản vật phong phú, dân chúng hòa hoãn, sùng mộ Phật pháp. Từ Ấn Độ vào Trung Hoa, phần lớn phải đi qua xứ này nên tại đây giữ được rất nhiều kinh Phật. Vào năm Thái Khang thứ bảy (286) đời Tây Tấn, ngài Kỳ Đa Mật Tề là người Vu Điền đã dịch Quang Tán Bát Nhã tại đây. Ngài Chi Pháp Lãnh cũng tìm được bộ Lục Thập Hoa Nghiêm tại xứ này. Cũng tại Vu Điền, vào thời Bắc Lương, ngài Đàm Vô Sấm cầu được kinh Đại Bát Niết Bàn, Thư Cừ Kinh Thanh tìm được Thiền Pháp Yếu Giải, Thiền Tông Bí Yếu Trị Bệnh Kinh; vào thời Tiêu Tề, ngài Pháp Hiến tìm đưọc Quán Thế Âm Sám Hối Trừ Tội Chú Kinh. Vào thời Lương (548), ngài Cầu Na Bạt Đà người xứ Vu Điền mang kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã từ Vu Điền đến Trung Hoa. Đến đời Đường, ngài Thật Xoa Nan Đà là người xứ Vu Điền đã mang Bát Thập Hoa Nghiêm sang Đông Thổ. Đến thế kỷ thứ 9, vương triều Karakhanids (sử Tàu gọi là Mặc Hãn vương triều) tấn công, chiếm đóng Vu Điền, buộc dân chúng cải theo đạo Hồi, đạo Phật dần dần suy vong, ngôn ngữ bị cải biến theo giọng của các sắc dân Đột Quyết (Turkic). Sau khi vương triều Mặc Hãn bị diệt vong, Vu Điền lần lượt rơi vào ách thống trị của Tây Liêu, Mông Cổ, rồi bị Càn Long nhà Thanh diệt quốc, biến Vu Điền thành một châu huyện của Trung Hoa (năm 1759). Đến đời Quang Tự, Vu Điền bị đổi tên thành huyện Hòa Điền, trực thuộc Khang Châu.

[8] Hồ Thế An (không rõ năm sinh-1663), tự là Xử Tĩnh, biệt hiệu Cúc Đàm, người huyện Khai Tỉnh, Tứ Xuyên, đỗ Tiến Sĩ năm đầu Sùng Trinh (1628) đời Minh, đến thời Thuận Trị làm quan đến chức Vũ Anh Điện Đại Học Sĩ, kiêm Binh Bộ Thượng Thư, tước Thái Tử Thái Bảo và Thái Tử Thái Phó. Ông thích du sơn ngoạn thủy, trước tác rất nhiều tác phẩm ca ngợi cản núi sông xinh đẹp, nổi tiếng nhất là bộ Tú Nham Tập (11 quyển). Những tác phẩm nổi tiếng khác là Đại Dịch Tắc Thông, Hễ Thiếp Tổng Văn, Dị Ngư Đồ Tán Tiên, Dị Ngư Đồ Tán Bổ v.v… Những tác phẩm này đều được đưa vào bộ Tứ Khố Toàn Thư.

[9] Nguyên văn là “quyền dư”: Quyền Dư là tên một bài thơ trong phần Tần Phong (dân ca đất Tần) thuộc thiên Quốc Phong trong kinh Thi. Về sau, Quyền Dư được dùng như một từ ngữ chỉ công việc thu thập những sáng tác dân gian. Hiện thời, đa phần tăng nhân ở Nga Mi vẫn tin bộ Nga Mi Sơn Chí được biên soạn dựa trên bộ Dịch Nga Lại do Hồ Thế An (tuy tác giả thật sự của bộ Dịch Nga Lại là Tưởng Hổ Thần) biên tập vào thời Vạn Lịch nhà Minh.

[10] Hoàng Đế là một vị thánh quân thời cổ theo huyền sử Trung Hoa. Vua họ Công Tôn (có thuyết nói là họ Cơ), tên là Hiên Viên, hiệu là Hiên Viên Thị, hoặc Hữu Hùng Thị, là con của Thiếu Điển, họ Công Tôn, đóng đô tại gò Hiên Viên thuộc Trịnh Châu (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Mẹ Hoàng Đế thấy tia sáng Bắc Cực bèn có thai, rồi sanh ra ông. Hoàng Đế dẹp yên các bộ tộc đối kháng, được tôn làm Cộng Chủ, tức vua Trung Nguyên. Kẻ thù đáng gờm nhất của ông ta là Si Vưu, vua của bộ tộc Cửu Lê ở phía Đông. Sau ba năm giao tranh dai dẳng, cuối cùng Hoàng Đế đánh bại được Si Vưu tại cánh đồng Trác Lộc (thuộc địa phận Hà Nam), thống nhất Trung Nguyên. Tuy thế, theo các sử gia, thời ấy vẫn chưa thể nào có một chế độ quân chủ trung ương tập quyền như thời Hán sau này, Cộng Chủ chỉ là thủ lãnh tối cao của tù trưởng các bộ tộc. Do đất của bộ tộc Cửu Lê nằm trong lưu vực sông Dương Tử và phía Nam Hoàng Hà, không thuộc địa bàn cai trị của Hoàng Đế, sau khi đánh bại tộc Cửu Lê, vua phải lo tổ chức guồng máy cai trị cũng như khai khẩn tại phía vùng đất mới, phải tốn rất nhiều thời gian và sức lực để giữ yên dân tình, hầu như không thể nào có thời gian rảnh rỗi để trèo đèo lặn suối sang tận núi Nga Mi ở phía Tây để gặp Quảng Thành Tử hỏi đạo! Đường vào đất Thục (Tứ Xuyên) còn hiểm trở hơn nữa. Ngay đến thời Hán Cao Tổ, khi bị Sở Bá Vương Hạng Vũ phong cho đất Ba Thục (Tứ Xuyên), đường vào Tứ Xuyên vẫn còn rất hiểm trở đến nỗi khi Trương Lương lập kế nghi binh, cho đốt sạn đạo, Hạng Vũ bèn an tâm ngủ say trên chiến thắng, cho rằng Lưu Bang không còn đường nào khác để thoát ra khỏi Ba Thục được. Tới thời An Lộc Sơn làm phản, vua tôi nhà Đường phải chạy vào Tứ Xuyên, đường vào đất Thục vẫn còn rất hiểm trở đến nỗi thi nhân thời ấy than thở “đường vào đất Thục cheo leo tận trời thẳm”.

[11] Quảng Thành Tử được nhắc đến đầu tiên trong thiên Tại Hựu của Trang Tử. Theo đó, Quảng Thành Tử đang tu tại núi Không Động, Hoàng Đế đến hỏi đạo hai lần. Quảng Thành Tử dạy về thuyết Tinh – Khí – Thần, chú trọng tu dưỡng nội tâm. Có thể đây là một câu chuyện ngụ ngôn do Trang Tử đặt ra nhằm trình bày quan điểm triết học của chính ông vì Trang Tử rất nổi tiếng về những câu chuyện ngụ ngôn, đến nỗi người Hán thường gọi những chuyện bịa đặt nhằm gởi gắm ý riêng là “Trang Tử ngụ ngôn”; nhưng Đạo Giáo bèn vịn vào đó, đặt ra rất nhiều thuyết để khẳng định Quảng Thành Tử chính là do Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử) hóa thân. Họ còn soạn ra Thái Thượng Lão Quân Khai Thiên Kinh để làm căn cứ chứng minh cho câu chuyện này và tôn xưng Không Động Sơn là Đạo Giáo Đệ Nhất Sơn. Điều đáng nói là thuyết Tinh – Khí – Thần là một thuyết được lập ra rất trễ sau khi Đạo Giáo đã phát triển; ngay cả thời Trương Lăng sáng lập Ngũ Đấu Mễ đạo (tiền thân của Đạo Giáo), cũng chưa thấy nói đến khái niệm Tinh – Khí – Thần! Nếu Quảng Thành Tử thật sự là Thái Thượng Lão Quân, sao Đạo Đức Kinh không hề nhắc đến Tinh – Khí – Thần? Đến thời Minh, qua sự miêu tả của Hứa Trọng Lâm trong Phong Thần Diễn Nghĩa, Quảng Thành Tử là thủ lãnh của mười hai vị Kim Tiên thuộc phe Xiển Giáo, sống tại Đào Nguyên thuộc Cửu Tiên Sơn, khiến cho bọn đạo sĩ càng thêm sùng bái vị tiên này.

[12] Nguyên văn “mãi độc hoàn châu” là một thành ngữ ngụ ý chỉ chú trọng bề ngoài không trọng thực chất.