Lời tựa cho bản tu chỉnh Thanh Lương Sơn Chí

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

Văn Thù Bồ Tát đạo chứng Nhất Chân, đức vượt trỗi Thập Địa, nhập bí tạng Tam Đức, thường trụ trong Tịch Quang, nhưng do lòng cứu khổ ân cần, niệm độ sanh thiết tha, nên chẳng lìa cõi Tịch Quang, hiện thân trong các cõi nhiều như số vi trần, đủ mọi phương tiện độ thoát chúng sanh. Ngài là thầy của bảy đức Phật, là mẹ của các Bồ Tát, đấy vẫn là những sự thuộc về Tích Môn. Luận về Bổn Địa, nếu chẳng phải là đức Phật sẽ không thể biết được. Dù trọn hết các cõi nhiều như số vi trần trong một cõi nước, không cõi nào Ngài chẳng trụ, nhưng phàm phu chướng nặng không cách nào biết được diệu dụng, chiêm ngưỡng pháp phạm (khuôn mẫu về đạo pháp)! Vì thế, chẳng thể không vì kẻ sơ cơ bày ra một cuộc đất ứng hóa để họ có chỗ hướng về hòng gieo thiện căn xuất thế. Do vậy, từ xưa đến nay, Ngài cùng với một vạn Bồ Tát thường trụ tại núi báu Thanh Lương, diễn thuyết đạo Nhất Thật, đồng thời thị hiện đủ mọi thứ biến hóa thần dị chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho kẻ thiện căn chín muồi liền chứng chân thường, kẻ chưa chín muồi do đó sẽ được tăng trưởng.

Phải biết: Bồ Tát chẳng dấy niệm mà tùy cơ thị hiện thuyết pháp, trọn chẳng khác biệt gì! Như vầng trăng giữa trời, in bóng trong các chỗ có nước. Chẳng những sông to rạch lớn mỗi nơi đều hiện một vầng trăng, ngay cả một chước[1], một giọt cũng đều hiện một vầng trăng. Vầng trăng trong sông rạch, một người nhìn vào chỉ thấy một vầng trăng; trăm ngàn vạn người ở trăm ngàn vạn nơi nhìn vào, ai nấy cũng đều thấy một vầng trăng. Nếu con người đi qua phía Đông, trăng cũng theo sang Đông. Nếu ai đi sang Tây, trăng cũng theo sang Tây. Nếu con người đứng yên, trăng cũng bất động. Sắc pháp trong thế gian còn hay khéo như thế, huống là bậc Bồ Tát triệt ngộ duy tâm, viên chứng tự tánh, vận lòng Bi đồng thể, khởi lòng Từ vô duyên ư? Sợ những kẻ câu nệ hẹp hòi thấy tất cả những chuyện thần diệu trong Sơn Chí sẽ ôm lòng ngờ vực, cho nên mới bày tỏ căn cội. Hiểu được điều này thì đọc khắp kinh điển Đại Thừa sẽ chẳng đến nỗi kinh nghi, sợ hãi, chẳng uổng công đọc bộ Sơn Chí này để làm phương tiện dẫn đường! Bộ Sơn Chí cũ được pháp sư Trấn Trừng[2] tu chỉnh vào thời Vạn Lịch nhà Minh nói chung rất hay, nhưng trong ấy có những lỗi chưa khảo cứu tường tận. Lúc ấy, [các vị] Hám Sơn, Tử Bách, Diệu Phong đều là bạn thiết, chẳng những có quan hệ lớn lao với núi này, mà thật ra còn có quan hệ lớn lao với Phật pháp, thế đạo, [nhưng trong Sơn Chí] đều chẳng thuật truyện các Ngài! Dưới thời Khang Hy đời Thanh, lại có người tu chỉnh, trọn chẳng tham khảo rộng khắp, đối với những phần văn tự quan hệ lớn lao lại mặc tình cắt xén; do vậy, chẳng được lưu truyền. Nay y theo bộ Sơn Chí đời Minh, khảo cứu, hiệu đính, bổ túc, tu chỉnh đại lược mà thôi! Mùa Xuân năm ngoái, một đệ tử là Lý Viên Tịnh nói:

– Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Địa Tạng, bốn đại Bồ Tát quả thật là chỗ nương cậy cho hết thảy chúng sanh. Thầy ở tại Phổ Đà từng thỉnh cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh soạn Quán Âm Bổn Tích Tụng, nêu rõ ân sâu đức nặng của ngài Quán Âm thật là chu đáo! Thầy lại còn sửa chữa bản Phổ Đà Chí do ông Vương Nhã Tam đã tu chỉnh, sao chẳng đem Sơn Chí của Thanh Lương, Nga Mi, Cửu Hoa tu chỉnh đúng theo lệ ấy? Huống chi Thanh Lương Chí không thỉnh ở đâu được, nhưng thể tài còn khá, chứ Nga Mi Chí thì chỉ chú trọng đến thế núi, vẫn chẳng chú trọng nêu tỏ đạo của ngài Phổ Hiền. Cửu Hoa Chí càng đau lòng đáng than hơn nữa! Đang trong lúc thế đạo, lòng người suy yếu đến cùng cực này, cố nhiên càng phải khăng khắng sửa chữa cho lưu thông hòng làm căn cứ vãn hồi vậy!

Do vậy, bèn quên mình hèn tệ, gắng sức theo đuổi, bèn thỉnh ông Hứa Chỉ Tịnh trình bày những nét chánh, còn việc tu chỉnh, sửa chữa do Quang đảm nhiệm. Việc giảo chánh, đối chiếu do thầy Đức Sâm lo. Nay đã hoàn thành bản thảo, dẫu chưa thể nêu tỏ lớn lao, nhưng cũng bổ túc không ít. Đối với những chuyện gần đây, do thân chẳng ở nơi ấy, lại tuổi đã “sáng không bảo đảm được chiều”, cũng chẳng dám cậy người hỏi dò. Sợ chưa tập hợp được [đầy đủ tài liệu] mà người đã mất, đến nỗi trở thành chuyện nói xuông. Vì thế để lại những chuyện gần đây cho bậc thông suốt đời sau [tu chỉnh]!

Nhớ năm Quang Tự 13 (1887) khi trước, tại núi Hồng Loa, xin nghỉ phép đi triều bái Ngũ Đài (tức tên khác của Thanh Lương), muốn thỉnh Thanh Lương Sơn Chí, tới xưởng lưu ly ở kinh đô, hỏi khắp các tiệm bán sách cũ, chỉ tìm được một bộ, do vậy bèn mua về. Nay cho ấn hành lưu thông để người đời sau dễ tìm được hầu cởi gỡ mối tiếc nuối của chính mình thì may mắn nào hơn! Ngũ Đài tuy là đạo tràng của Văn Thù Bồ Tát, nhưng chưa hề thấy khi niệm [danh hiệu] Bồ Tát bèn cất lên lời tán tụng. Mùa Hạ năm nay, một vị sư ở Hoa Nghiêm Lãnh là Tĩnh Thê xin tôi viết một bài tán để nghi thức niệm tụng được đầy đủ, bèn ghép thành tám câu gởi cho thầy ấy. Tán rằng:

Văn Thù Bồ Tát đức nan lượng,
Cửu thành Long Chủng Thượng pháp vương
(Long Chủng Thượng Phật chính là danh hiệu khi ngài Văn Thù thành Phật trong một đời thuộc quá khứ. Long Chủng Thượng Tôn Vương trong Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh lại là một đức Phật khác, chẳng thể lầm lẫn dùng làm dẫn chứng được!)
Nhân mẫn chúng sanh mê tự tánh,
Đặc phụ Thích Ca chấn huyền cương,
Vi thất Phật sư thể mạc trắc,
Tác Bồ Tát mẫu dụng vô phương,
Thường trụ Tịch Quang ứng chúng cảm,
Vạn xuyên nhất nguyệt ảnh hàm chương
(Văn Thù Bồ Tát đức khôn lường,
Quá khứ thành Phật Long Chủng Thượng,
Do thương chúng sanh mê tự tánh,
Riêng giúp Thích Ca mở đạo huyền,
Thầy bảy vị Phật thể khôn thấu,
Mẹ chư Bồ Tát dụng khôn ngằn,
Thường trụ Tịch Quang ứng mọi cảm,
Muôn sông trăng hiện bóng muôn gương)

***

[1] Chước: Là một đơn vị đo lường thời cổ rất bé, bằng một phần trăm của một Thăng. Do Thăng thay đổi tùy theo thời đại nên ta có thể tạm hiểu Chước chừng bằng 10ml.

[2] Trấn Trừng (1547-1617) là một vị danh tăng thuộc tông Hoa Nghiêm, pháp tự Không Ấn, thông minh từ nhỏ. Năm mười lăm tuổi xin xuất gia với Dẫn Công chùa Quảng Ứng ở Tây Sơn, chỉ ba năm sau được Bổn Sư hứa khả cho thọ Cụ Túc, chuyên học Tánh Tướng Tông và kinh Hoa Nghiêm hơn mười năm. Sau Sư tham yết ngài Tiếu Nham được ấn khả Thiền chỉ. Năm Vạn Lịch thứ 10 (1582), Sư cùng ngài Hám Sơn Đức Thanh lập hội Vô Già tại Ngũ Đài, rồi ngồi nhìn vách suốt ba năm tại Tử Hà Lan Nhã mà đại ngộ. Năm Vạn Lịch 24 (1596), Sư tu chỉnh Thanh Lương Chí, rồi cùng bạn là Tuyết Phong sáng lập Sư Tử Quật tại Ngũ Đài, dựng Vạn Phật Lưu Ly Tháp, giảng kinh Hoa Nghiêm, thính chúng rất đông, được Từ Thánh Thái Hậu ban tặng Đại Tạng Kinh. Tuân sắc chỉ của Thái Hậu, Sư giảng bộ Lăng Nghiêm Chánh Quán do chính mình soạn tại chùa Thiên Phật ở Bắc Kinh, rồi giảng các kinh khác ở chùa Từ Ân. Ngoài các bộ sách kể trên, Sư còn để lại Kim Cang Kinh Chánh Nhãn, Bát Nhã Chiếu Chân Luận, cũng như những bài giảng về Nhân Minh, Khởi Tín Luận, Nhiếp Luận, Vĩnh Gia Tập Chư Giải v.v…Khi Sư mất, chính ngài Hám Sơn viết lời minh đề trên tháp và còn chép bài minh ấy vào bộ Mộng Du Tập.