LỊCH ĐẠI PHÁP BẢO KÝ
Thích Thiện Phước dịch
Gs. Lý Việt Dũng hiệu đính

 

QUYỂN TRUNG

(Kê Lâm Kim Cửu kinh, Minh Thường hiệu đính)

Ba trăm năm từ khi Phật giáo lưu truyền sang Đông Độ, trước đó đều không có sự tướng phép tắc. Sau, nhân thời Thạch Lặc đời Tấn, có pháp sư Đạo An vốn là đệ tử của ngài Phật Đồ Trừng, ở đất Tương Dương. Chúa Tần Phù Kiên xa nghe đồn tiếng tăm của pháp sư Đạo An, bèn sai sứ đến vùng Tương Dương để chiếm lấy pháp sư. Chúa Tần đãi ngộ kính trọng pháp sư. Các con em nhà giàu sang quyền quý ở Trường An muốn làm thi phú ngâm vịnh đều nương theo học hỏi. Kẻ không theo pháp sư Đạo An nêu nghĩa lý không đúng, gặp khó khăn vậy! Đó đúng là bậc trí biện thông tuấn.

Sau, Ngài lại giảng nói ra chương môn để làm khuôn phép cho tăng ni. Đó là hiến chương Phật pháp, là phép tắc thọ giới, được chia làm ba điều lệ:

1. Hành hương định tọa hằng ngày.
2. Sáu thời lễ sám hằng ngày.
3. Mỗi tháng sám hối Bố tát.

Các điều sự tướng, oai nghi, pháp sư, chú nguyện và tán thán đều từ pháp sư Đạo An mà ra. Thời cận đại, có Thục tăng, nối dòng pháp của An pháp sư, làm ra bộ “Trai văn” bốn quyển, hiện nay vẫn còn lưu hành.

Kinh Lăng Già chép:

Cho đến có chỗ lập
Tất cả đều lầm loạn
Nếu thấy ở tự tâm
Ấy là không trái nghịch.

Lại chép:

Nếu y chỉ thiểu pháp
Thì có thiểu pháp khởi
Nếu y chỉ nơi sự
Pháp này liền hoại diệt.

Lại chép:

Theo lời mà chọn nghĩa
Kiến lập ở các pháp
Do cớ kiến lập ấy
Chết đọa trong địa ngục.

Lại chép:

Tìm ta trong giáo lý
Là dối lìa nhơ ác
Lìa thánh giáo chánh lý
Dục diệt lại tăng thêm
Là lời cuồng ngoại đạo
Người trí không nên nói.

Kinh Kim Cang chép:

Lìa tất cả mọi tướng
Liền gọi là Phật pháp.

Lại chép:

Kẻ dùng sắc để thấy ta
Dùng âm thanh tìm ta
Là người đi lệch đường
Không thể gặp Như Lai.

Kinh Tư Ích chép: “Này tỳ kheo, thế nào là theo giáo pháp Phật và thế nào là theo lời Phật?”. Đáp“Nếu gặp lời khen ngợi hay chửi bới làm nhục mà tâm ấy không động là vâng theo giáo pháp Phật, còn không nương theo văn tự lời lẽ là vâng theo lời Phật dạy”. “Tỳ kheo, thế nào là đáng nhận sự cúng dường?”. Đáp: “Người không chấp thủ bất cứ thứ gì nơi pháp”. “Thế nào là tiêu trừ được vật cúng dường?”. Đáp: “Không bị thế pháp lôi dắt”. “Ai là người báo ân Phật ?”. Đáp: “Người nương theo pháp tu hành”. Thiền Tiểu Thừa và các pháp môn tam muội chẳng phải là tông chỉ của tổ sư Đạt Ma liệt kê như quán xương trắng, quán hơi thở, quán chín tướng trạng của thi thể, quán ngũ đình tâm, quán mặt trời, quán mặt trăng, quán lâu đài, quán ao và quán Phật.

Bộ kinh Thiền Bí Yếu chép: “Người bị bệnh nóng thì quán tưởng lạnh, bị bệnh lạnh thì quán tưởng nóng. Người ham thích sắc tướng thì quán tưởng rắn độc. Người ham thích ăn uống ngon thì quán tưởng giòi rắn. Người ham y phục thì quán sắt nóng quấn thân. Ngoài ra, còn các thứ quán tam muội khác”.

Kinh Thiên Môn chép: “Trong lúc tọa thiền, quán tưởng hoặc thấy được hình tượng Phật có 32 tướng tốt, các thứ ánh sáng chói rạng bay lượn trên không, biến tướng tự tại là chân thật ư? Là hư dối ư?”. Phật dạy: “Tọa thiền là thấy hư không chẳng có vật. Nếu thấy 32 tướng tốt của Phật, các thứ ánh sáng rạng rỡ bay hiện trên không, biến hóa tự tại đều là điên đảo ở tự tâm, bị lưới ma trói buộc, ở trong cảnh rỗng không vắng lặng mà lại thấy những việc như thế thì tức là hư dối”.

Kinh Lăng Già chép: “Thấy các thứ tướng như thế là bị rơi vào kiến chấp của ngoại đạo”.

Kinh Pháp Cú chép:

Nếu học các tam muội
Là động, chẳng phải thiền
Tâm trôi dạt theo cảnh
Sao được gọi là định?

Kinh Kim Cang Tam Muội chép: “Ta không vào trong tam muội, không trụ trong tọa thiền, vô sanh vô hành, chẳng động chẳng thiền. Đó mới gọi là thiền vô sanh”.

Kinh Tư Ích chép:

Không nương tựa cõi dục
Không tựa cõi sắc, vô sắc
Hành thiền định như thế
Là khắp hạnh Bồ tát.

Kinh Duy Ma chép: “Cư sĩ Duy Ma Cật trách Xá Lợi Phất ở giữa rừng rảnh rang (yến tọa), trách Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp không bình đẳng”.

Kinh Chuyển Nữ Thân chép: “Nữ Vô Cấu Quang trách trời Đế Thích là hàng Thanh văn thừa các ông sợ sanh tử và vui ưa Niết Bàn”.

Kinh Quyết Định Tỳ Ni chép: “Hàng Bồ tát thừa sợ sanh trì “khai thông giới”, còn hàng Thanh văn thừa trì “tận giá giới” và “tận hộ giới”.

Kinh Dược Sư chép: “Phật quở A Nan: Hàng Thanh văn các ngươi như đui như điếc, không biết rõ nghĩa không vô thượng”.

Kinh Phật Đảnh chép: “Trách hàng Thanh văn được ít mà đã cho là đủ!”.

Kinh Phật Tạng chép: “Này Xá Lợi Phất, khi Như Lai còn ở đời thì Tam Bảo chỉ có một vị, nhưng sau khi ta diệt độ thì sẽ chia ra làm 5 bộ. Lại nữa, Xá Lợi Phất, ác ma giờ đây vẫn đang còn ẩn thân và giúp cho Điều Đạt phá chánh pháp và tăng đoàn của ta. Do Như Lai là bậc đại trí tuệ còn ở đờ, nên ngăn che các ác ma biến thân giả dạng làm sa môn hàng hàng lớp lớp trà trộn vào tăng đoàn, bày ra các thứ tà thuyết khiến cho nhiều chúng sanh rơi vào tà kiến và nói tà pháp. Lúc bấy giờ, kẻ ác bị ma làm mê mờ, đều chấp vào sở kiến của mình, rồi cho ta phải người quấy. Này Xá Lợi Phất, Như Lai dự kiến trong đời sau có việc phá pháp như thế, cho nên nói ra kinh thâm sâu này để dứt tuyệt mọi chấp trược của ác ma. Này A Nan, ví như kẻ giặc ác ở nơi vua hoặc đại thần, tự mình không dám lộ hình; kẻ trộm vật của kẻ khác cũng không dám tự nhận mình là trộm. Như thế đó, A Nan, hạng tỳ kheo phá giới thì chỉ thành tựu được pháp của kẻ phi sa môn, tự mình còn không dám nói mình chính là kẻ ác thì huống chi là có thể hướng đến người khác để tự nhận tội của mình! A Nan, với kinh này, hạng tỳ kheo phá giới khi tuân nghe được thì có thể tự hàng phục và sanh ra hổ thẹn; còn hạng tỳ kheo giữ giới thì tự mình được tăng trưởng”.

Kinh Đại Phật Đảnh chép: “Ngay trong lúc ấy, Đức Như Lai bảo khắp đại chúng và A Nan rằng : Hàng Thanh văn, duyên giác hữu học, hôm nay phải hồi tâm để rảo về quả Diệu giác Vô thượng Đại Bồ Đề. Ta nay đã nói pháp môn tu hành chân chính. Do các ngươi chưa biết Tu Xà Na Tha và Tỳ Bà Xá Na hiện ra cảnh giới nhỏ nhiệm ở trước, do các ngươi chẳng biết được pháp rửa sạch tâm không chân chính nên bị rơi vào tà kiến, hoặc bọn ma năm uẩn, hoặc phú thiên ma, hoặc quỷ thần, hoặc gặp ly mị, trong tâm không tỏ ngộ rồi nhận giặc làm con. Lại trong đó, được ít mà cho là đủ, như tỳ kheo không nghe thiền thứ tư dối nói chứng xong thánh thiền báo tướng suy hiện ra, phỉ báng A La Hán. Thân sau khi gặp nạn, lại bị đọa vào địa ngục A Tỳ. Cho nên, Đức Thích Ca Như Lai truyền cà sa Kim Lan, sai Ma Ha Ca Diếp vào núi Kê Túc, đợi khi Thế Tôn Di Lặc hạ sanh mà giao phó. Nay đời ác trược, người học thiền rất đông, nên tổ sư Đạt Ma của chúng ta bèn truyền cà sa để nêu bày giáo pháp chân chính của Phật – Tổ khiến cho đàn hậu học có chỗ để bẫm thừa vậy!

Đại sư Hoằng Nhẫn khi còn ở núi Phùng Mậu, huyện Hoàng Mai, rộng mở pháp môn để tiếp dẫn quần phẩm. Ngay khi ấy, người học đạo có đến hơn muôn ngàn, đều là bậc thăng đường nhập thất. Trong đó, gần gũi sát cánh tả hữu vâng thờ không lìa Hoằng Nhẫn đại sư thì chỉ có mười người: Trí Sân, Thần Tú, Huyền Trách, Nghĩa Phương, Trí Đức, Huệ Tạng, Pháp Như, Lão An, Huyền Ước và Lưu Chủ Bạc. Tất cả đều là bậc lãnh tụ chốn quan trường và danh tăng trong cả nước, thảy đều tự cho mình là bậc Long tượng. Nhân vì cho mình là thế, mới biết họ không phải thế!

Chợt có người xứ Tân Châu, họ Lư, tên Huệ Năng, năm 22 tuổi đến bái yết đại sư Hoằng Nhẫn. Đại sư hỏi: “Ngươi từ đâu đến và ý muốn việc gì?”. Huệ Năng thưa rằng: “Con từ Lĩnh Nam đến. Ý cũng không muốn việc gì khác, chỉ mong làm Phật!”.

Đại sư biết đây là bậc khác thường, nhưng vì thấy xung quanh đông người nên hỏi trớ: “Ngươi có thể theo chúng làm việc được chăng?”. Huệ Năng thưa: “Thân mạng đây còn không tiếc, sá gì chuyện làm việc!”. Nói xong, Huệ Năng theo chúng đạp cối đá giã gạo trong tám tháng. Đại sư biết căn cơ của Huệ Năng đã chín muồi, mới âm thầm gọi Huệ Năng đến phó pháp và trao lại cà sa làm tin mà mình được truyền trước đây, rồi bảo Huệ Năng phải đi khỏi xứ này ngay!. Sau, Huệ Năng sợ mọi người biết được nên thường ẩn ở núi rừng, có lúc tại Tân Châu, khi thì tại Thiều Châu, 17 năm sống trong thế tục, lại cũng chẳng thuyết pháp. Sau, Huệ Năng lại đến chùa Chế Tâm ở Hải Nam, gặp lúc pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn, Huệ Năng cũng nghe dưới tòa. Lúc đó, Ấn Tông hỏi đại chúng: “Các ngươi có thấy gió thổi lá phướn lay động ở trên đầu cột không?”. Đại chúng đáp: “Thấy động!”. Rồi có người nói thấy gió động, hoặc có người nói thấy phướn động, lại có kẻ nói chẳng phải động mà là thấy động. Họ cứ vặn vẹo nhau mãi như thế mà không phân định được!

Huệ Năng đang ở dưới tòa, liền thưa với pháp sư: “Chính cái tâm vọng tưởng của đại chúng dấy động, vì động với chẳng động không phải do ở chỗ thấy lay động. Pháp vốn không có động cùng bất động”.

Pháp sư nghe nói thế, liền kinh ngạc sững sờ, không biết lời ấy là thế nào, liền hỏi: “Cư sĩ từ đâu đến?”.

Huệ Năng thưa: “Xưa giờ không đến, nay cũng không đi !”.

Pháp sư bước xuống tòa, thỉnh Huệ Năng vào phòng hỏi han kỹ lưỡng. Huệ Năng nói rõ Phật pháp Đông Sơn, cả việc có phó chúc cà sa bên mình.

Ấn Tông pháp sư thấy cà sa, bèn đầu mặt đảnh lễ và tán thán rằng: “Ngờ đâu dưới tòa lại có Đại Bồ tát hồi nào không hay!”. Nói xong, pháp sư lại đảnh lễ, rồi thỉnh Huệ Năng làm hòa thượng. Còn mình tự xưng là đệ tử, đoạn cạo tóc đắp y cho Huệ Năng, rồi bảo từ hàng đệ tử ruột cho đến môn đồ ở dưới hội với lời tán thán rằng :“Lành thay! Pháp của đại sư Hoằng Nhẫn ở Hoàng Mai gần đây nghe nói đã truyền  về Lĩnh Nam, nào ngờ nay lại ở chốn này, các ngươi có biết không?”. Mọi người đều thưa là không biết.

Pháp sư Ấn Tông nói: “Pháp mà ta thuyết giảng giống như ngói sạn. Nay có thiền sư Huệ Năng truyền bá pháp môn của đại sư Hoằng Nhẫn giống như vàng ròng, sâu xa không thể nghĩ bàn!”.

Ấn Tông pháp sư hướng dẫn đồ chúng đảnh lễ dưới chân thiền sư Huệ Năng, rồi sợ mọi người nghi ngờ, bèn xin Huệ Năng đem y cà sa được truyền làm tin ra cho mọi người xem và tự thân thọ giới Bồ tát.  Pháp sư Ấn Tông cùng đại chúng đưa thiền sư Huệ Năng về Tào Khê để tiếp dẫn chúng sanh và mở rộng thiền pháp. Thiên hạ đều nghe biết pháp ở Tào Khê thật không thể nghĩ bàn!

Sau đó, khi nhà Đại Châu thành lập, Võ Tắc Thiên lên ngôi, kính trọng Phật pháp. Đến năm đầu niên hiệu Trường Thọ, Võ Tắc Thiên mới ra lệnh cho các châu trong thiên hạ xây dựng chùa Đại Vân. Ngày 20 tháng 2, Võ Tắc Thiên sai sứ Thiên quan Lang trung Trương Xương Kỳ đến Tào Khê, xứ Thiều Châu, thỉnh thiền sư Huệ Năng. Huệ Năng lấy cớ bệnh không đi. Sau, đến năm đầu niên hiệu Vạn Tuế Thông Thiên, Võ Tắc Thiên lại sai sứ giả đến thỉnh Huệ Năng lần nữa và phán rằng, nếu Huệ Năng không đến thì xin hòa thượng trao truyền tín cà sa của tổ sư Đạt Ma đời trước để Võ Tắc Thiên lưu giữ ở đạo tràng trong cung cúng dường. Thiền sư Huệ Năng y theo lời thỉnh cầu, trao truyền tín cà sa của Đạt Ma tổ sư. Sứ giả ra về, mang theo tín cà sa. Hoàng đế Tắc Thiên thấy “truyền tín y cà sa” đến, lòng rất vui mừng, ở đạo tràng trong cung cúng dường. Đến tháng 7 năm thứ 2 niên hiệu Vạn Tuế Thông Thiên, Hoàng đế Tắc Thiên sai Thiên quan Lang trung Trương Xương Kỳ đến chùa Đức Thuần ở Tư Châu thỉnh thiền sư Trí Sân. Thiền sư Trí Sân tuân thụ lời thỉnh, đến kinh đô, vào trong nội đạo tràng để nạp thọ sự cúng dường. Đến năm Cửu Thị, Hoàng đế Tắc Thiên sai sứ đến chùa Ngọc Tuyền ở Kinh Châu để thỉnh thiền sư Thần Tú, đến chùa Thọ Sơn – An Châu để thỉnh thiền sư Huyền Di, đến chùa Đại Vân – Tùy Châu để thỉnh thiền sư Huyền Ước, đến chùa Hội Thiện – Tung Sơn – Lạc Châu để thỉnh thiền sư Lão An vào đạo tràng của Võ Tắc Thiên để nhận sự cúng dường.

Trong những vị đại đức được Võ Tắc Thiên thỉnh mời, có Bà La Môn Tam Tạng, người nước Tây Trúc, là người được Tắc Thiên đặc biệt  kính trọng. Thiền sư Trí Sân của Kiếm Nam thường bệnh nên nghĩ đến việc trở về cố hương, ngặt nỗi quan sơn cách ngăn xa xôi, cho nên lòng có chút ưu tư. Kẻ tà thông Bà La Môn nói: “Đó với đây có gì khác nhau đâu mà thiền sư phải nhớ quê hương?”. Trí Sân đáp: “Tam Tạng làm sao mà biết được?”. Đáp: “Thiền sư cứ thử gợi ý xem, không có điều gì mà tôi không biết!”. Trí Sân lại nói: “Hãy xem coi!”. Lúc đó, sư nghĩ lại hồi mình còn mặc y phục tục nhân, đứng ở Tào Môn chợ Tây nhìn ngó, vị Tam Tạng nói: “Đại đức là tăng nhân, cớ sao lại mặc quần áo tục lữ, nhìn ngắm trong chợ?”. Trí Sân khen: “Hay lắm!”, rồi bảo: “Hãy xem nữa đi!”. Lúc này, sư tưởng nghĩ đích thân đến chùa Thiền Định, đứng trên bánh xe vẽ tượng Phật. Vị Tam Tạng lại nói: “Tăng nhân sao lại được trèo lên cao mà đứng?”. Trí Sân khen: “Người Hồi râu đỏ hay lắm! Giờ đây hãy xem lần cuối nhé!”. Đoạn ngay đương xứ nương theo pháp, tướng niệm đều không sanh. Vị Tam Tạng tìm kiếm trong tam giới, rốt cuộc lại không thấy được!

Do vậy, Bà La Môn Tam Tạng đem lòng kính ngưỡng, cúi lạy dưới chân Trí Sân và bạch  hòa thượng rằng: “Không biết nước Đường có Phật pháp Đại Thừa. Nay tôi xin tự trách và sám hối thân tâm”.

Tắc Thiên thấy Tam Tạng quy y thiền sư Trí Sân, bèn hỏi các đại đức: “Các ngài hòa thượng có lòng dục không?”. Các ngài Thần Tú, Huyền Ước, Lão An và Huyền Di đều nói không có dục. Tắc Thiên hỏi Trí Sân: “Hòa thượng có lòng dục không?”. Thiền sư Trí Sân sợ Tắc Thiên không buông cho về quê, nên chìu theo ý nữ hoàng và đáp là có dục. Tắc Thiên lại hỏi: “Sao mà có dục được?”. Trí Sân đáp: “Sanh tức có dục, không sanh tức không có dục”. Tắc Thiên ngay lời ấy lãnh hội. Lại nhân thấy Tam Tạng quy y Trí Sân, Hoàng đế càng thêm kính phục Ngài. Trí Sân nhân tiện tâu xin về quê, được Hoàng đế ban cho một bộ kinh Hoa Nghiêm mới dịch, một bức hình thêu Di Lặc và phướn hoa cùng tín cà sa của tổ sư Bồ Đề Đạt Ma. Tắc Thiên nói: “Thiền sư Huệ Năng không đến. Chiếc cà sa đời trước xin hiến cho hòa thượng mang về cố hương, coi như cúng dường vĩnh viễn”.

Đến tháng 11 năm đầu niên hiệu Cảnh Long, Tắc Thiên lại sai sứ là Nội Thị tướng quân Tiết Giang đến trụ xứ của thiền sư Huệ Năng và tuyên khẩu dụ rằng: “Đem tín cà sa đời xưa trước kính phụng thiền sư Trí Sân thọ trì cúng dường, nay đặc biệt đem một chiếc cà sa Ma Nạp, 500 khúc lụa, sữa và thuốc men để cúng dường”.

Thiền sư Trí Sân, chùa Đức Thuần ở Tứ Châu, tục tánh Chu, người Nhữ Nam. Ông nội của Ngài làm quan đất Thục, Ngài đi theo. Tuổi vừa lên 10, Ngài đã ham thích đạo Phật, không ăn thức mặn tanh tưởi và cay nồng, ý chí cao xa, không cùng trẻ đồng lứa đùa bỡn. Năm 13 tuổi, sư từ giã cha mẹ vào đạo tràng. Ban sơ, sư thờ pháp sư Huyền Trang và học kinh luận. Sau, nghe đại sư Hoằng Nhẫn ở núi Song Phong, sư liền từ giã pháp sư Huyền Trang, bỏ kinh luận và theo đại sư Hoằng Nhẫn. Đại sư nói : “Ngươi có đầy đủ cả tính văn tự”. Sau, sư đến chùa Đức Thuần ở Tư Châu để hóa đạo chúng sanh, soạn bộ Hư Dung Quán 3 quyển, Duyên Khởi 1 quyển và Bát Nhã Tâm Sớ 1 quyển.

Sau, đến tháng 7 năm thứ 2 niên hiệu Vạn Tuế Thông Thiên, Hoàng đế Tắc Thiên sai Thiên quan Lang trung Trương Xương Kỳ đến chùa Đức Thuần để thỉnh sư về triều, nên sư liền tới Tây Kinh. Sau, nhân có bệnh, sư dâng biểu tâu lên Hoàng đế Tắc Thiên, được trở về chùa Đức Thuần, trước sau 30 năm hóa đạo chúng sanh. Tháng 6 năm thứ 2 niên hiệu Trường An, sư sai Xử Tịch phù trì chùa, rồi trao tín cà sa và nói rằng: Y này là cà sa do tổ sư Đạt Ma truyền lại, Hoàng đế Tắc Thiên ban cho ta. Nay ta trao lại cho ngươi, nên khéo bảo trì!”. Đến ngày 6 tháng 7 năm ấy , sư im lặng ra đi, thọ 94 tuổi.

Thiền sư Xử Tịch, người huyện Phù Thành, vùng Miên Châu, họ đời là Đường. Gia đình nhiều đời theo Nho học, thường tập thi lễ và chuộng hiếu hạnh. Năm lên 10 tuổi, cha qua đời, sư than thờ: “Trời đất vốn không, ta nghe pháp Phật khó thể nghĩ bàn, cứu khỏi khổ sanh tử”. Thế rồi sư theo hòa thượng Trí Sân. Hòa thượng hỏi: “Ngươi đến để làm gì?”. Đáp: “Quyết nương theo hòa thượng nên đến”. Hòa thượng biết đây là người phi thường. Ngày lên kinh đô, sư gánh đại sư đến kinh thành, một bên vai không đổi. Thân sư cao tám thước (Tàu), thần tình lẫm liệt. Khi sư đứng trong đám đông, người ta chỉ thấy đầu sư. Người xem đều khâm quý. Sau, sư trở về cư ngụ tại chùa Đức Thuần ở Tư Châu. Ngài hóa đạo chúng sanh hơn 20 năm.

Về sau, vào tháng 4 năm thứ 24 niên hiệu Khai Nguyên, Ngài ngầm sai gia nhân Vương Hoàng gọi thiền sư Vô Tướng ở Hải Đông (Triều Tiên), trao lại thiền pháp và tín cà sa, nói rằng: “Y này là y của tổ sư Đạt Ma, được Hoàng đế Tắc Thiên ban cho hòa thượng Trí Sân. Hòa thượng trao lại cho ta, nay ta trao lại cho ngươi. Ngươi phải khéo bảo trì và tìm núi tốt mà trụ đi!”.

Sau đó, đến ngày 27 tháng 5 năm ấy, Ngài nói với môn đồ: “Ta không trụ thế lâu nữa!”. Đến giờ Tý nửa đêm, Ngài im lặng ra đi ở tuổi 68.

Thiền sư Vô Tướng ở chùa Tịnh Tuyền, vùng Thành Đô, đạo Kiếm Nam, họ đời là Kim, vốn là hoàng thân của vua nước Triều Tiên. Gia tộc nhiều đời cư ngụ tại Hải Đông (bán đảo Triều Tiên). Khi xưa, tại nước mình (Triều Tiên), sư có cô em út. Vừa nghe có người đến dạm hỏi cưới, cô đã lấy dao tự rạch mặt và thề quyết theo chánh pháp. Hòa thượng thấy vậy, than rằng: “Con gái yếu đuối mà còn phong nhã và tiết tháo như thế ! Là đàn ông mạnh mẽ, ta há vô tâm sao?”. Sư bèn cắt tóc từ giã song thân, vượt biển qua hướng Tây rồi đến nước Đường, tầm sư hỏi đạo, dạo gót khắp nơi, rồi mới đến chùa Thuần Đức ở Tư Châu và tham bái Đường hòa thượng. Đường hòa thượng đang bệnh nên không ra gặp mặt. Sư liền đốt một ngón tay làm đèn và cúng dường Đường hòa thượng. Hòa thượng biết đây là người phi thường, bèn giữ lại bên mình trong hai năm. Sau, sư đến ở tại núi Thiên Cốc và không trở lại chùa Đức Thuần nữa. Đường hòa thượng sai gia nhân Vương Hoàng ngầm mang tín y cà sa trao cho sư và bảo rằng: “Cà sa là tín y của tổ sư Đạt Ma truyền lại. Hoàng đế Tắc Thiên ban cho hòa thượng Trí Sân. Ngài trao lại cho ta. Nay ta trao lại cho ngươi”. Sau khi được truyền pháp và tín cà sa, Kim hòa thượng bèn trụ ở dưới hang núi Thiên Cốc, ăn rau mặc lá, hết rau cỏ lại ăn cả đất, cảm hóa được thú dữ và khiến chúng bảo vệ mình.

Sau, đại phu Chương Cửu thỉnh cầu khai giảng thiền pháp, hòa thượng mới trụ ở chùa Tịnh Tuyền mà hóa đạo chúng sanh, trải hơn 20 năm. Sau đó, đến ngày 15 tháng 5 năm đầu niên hiệu Bảo Ứng, Kim hòa thượng bỗng nhớ đến thiền sư Vô Trụ ở núi Bạch Nhai. Hòa thượng nghĩ rằng: “Ta bệnh, đáng lý Vô Trụ phải đến thăm ta”. Sau đó, mấy lần Ngài hỏi kẻ tả hữu sao thiền sư Vô Trụ không đến trong khi tuổi tác Ngài đã cao, rồi ngầm sai gia nhân Đỗng Hác: “Ngươi hãy đem tín y và 17 món khác trao cho thiền sư Vô Trụ, bảo ông ta phải cố bảo trì. Nay chưa phải lúc xuống núi, hãy đợi năm ba năm nữa, khi nào nghe thiên hạ thái bình rồi hãy xuống”. Sau khi trao lại tín y, đến ngày 19 tháng 5, Ngài sai đệ tử đem y mới giặt sạch đến và bảo rằng Ngài muốn tắm gội. Đến giờ Tý nửa đêm, Ngài im lặng ra đi. Lúc đó, mặt trời và mặt trăng không có ánh sáng. Trời đất biến thành một màu tang. Cột cờ phan pháp gãy đổ, sông Thiền khô cạn, chúng sanh thất vọng, kẻ học đạo không nơi nương tựa.

Lúc ấy, đại sư đang ở tuổi 79. Mỗi năm, vào tháng Chạp và tháng Giêng, Kim hòa thượng cùng tứ chúng có hơn trăm ngàn vạn người thọ duyên, sắp xếp nghiêm trang chốn đạo tràng, ngồi trên tòa cao thuyết pháp, trước hết dạy cất tiếng niệm Phật, hết một hơi niệm, ngưng tiếng dừng niệm.

Ngài nói: “Mạc vọng, vô ức, vô niệm. Vô ức là giới, vô niệm là định, mạc vọng là huệ. Cả ba câu nói đó là cửa tổng trì”.

Ngài lại nói: “Niệm không dấy, giống như biết mặt kiếng có thể soi chiếu vạn tượng. Niệm dấy, như lưng kiếng, không thể soi thấy”.

Lại nói: “Phải biết cho rõ ràng. Khởi phải biết khởi, dứt phải biết dứt. Cái biết đó phải không gián đoạn thì đó là thấy Phật, giống như hai người cùng đi đến ở nước khác. Cha họ gởi thư dặn dò dạy dỗ. Một người được thư, sau khi đọc xong thì nghe theo lời dạy của cha mình, không dám làm việc sằng bậy phạm pháp. Một người cũng được thư, sau khi đọc xong thì không nghe theo lời cha dạy dỗ, làm nhiều điều ác. Tất cả chúng sanh nếu kẻ nào y theo vô niệm thì là con hiếu thuận”.

Lại nói: “Cũng như có người uống rượu say nằm vật ra đất. Mẹ hắn đến lay gọi với ý muốn kêu về nhà. Đứa con vì cơn say mê loạn trí, nên chửi rủa mẹ thậm tệ. Tất cả chúng sanh bị rượu vô minh làm say như không tin tự thân mình hể kiến tánh là thành Phật”.

Ngài lại dẫn kinh Khởi Tín Luận: “Có hai thứ tâm là Chân Như Môn và Sanh Diệt Môn. Vô niệm chính là Chân Như Môn, hữu niệm chính là Sanh Diệt Môn”.

Lại nói: “Vô minh trồi lên thì Bát nhã lặn mất. Vô minh lặn mất thì Bát nhã trồi lên”.

Lại dẫn kinh Niết Bàn: “Chó nhà và nai rừng: Chó nhà dụ cho vọng niệm, nai rừng dụ cho Phật tính”.

Lại nói: “Lụa vốn là tơ sợi không có văn tự gì cả! Kẻ khéo tay dệt thành mới có văn tự, nay gỡ kéo ra hết thì hoàn lại là tơ sợi. Tơ sợi dụ cho Phật tính, văn tự dụ cho vọng niệm”.

Lại nói: “Nước không rời sóng, sóng không rời nước. Sóng dụ cho vọng niệm, nước dụ cho Phật tính”.

Lại nói: “Có bọn người vác bao gai, chợt gặp chỗ chứa bạc. Một người bỏ bao gai lấy bạc. Những người kia nói: Chúng tôi vác gai đã quen, chúng tôi không bỏ gai mà lấy bạc. Lại đến chỗ chứa vàng, người đó bỏ bạc lấy vàng. Những người kia nói: Chúng tôi mang bao gai đã quen, chúng tôi không thể bỏ gai mà lấy vàng. Vàng dụ cho Niết Bàn, gai dụ cho sanh tử”.

Lại nói: “Ba câu ta nói vốn là giáo pháp do tổ sư Đạt Ma truyền lại. Không nên bảo là do hòa thượng Trí Sân và Đường hòa thượng đã nói”.

Lại nói: “Hứa đệ tử có nghĩa là đệ tử sau hơn thầy. Do hai hòa thượng Trí Sân và Đường không nói trọn giáo pháp mà chỉ truyền thừa tín y, nên hòa thượng Kim sở dĩ không dẫn điều mà hai hòa thượng Trí Sân và Đường đã nói: Thường mỗi lần giáo giới, kẻ dưới tòa liền nói thẳng: Ba câu mà tổ sư Đạt Ma truyền lại là pháp môn tổng trì. Niệm không khởi là giới môn, niệm không khởi là định môn và niệm không khởi là huệ môn. Không niệm tức là đầy đủ cả giới – định – huệ. Quá khứ, vị lai và hiện tại, hằng sa chư Phật đều theo cửa này mà vào; nếu lại có pháp môn khác thì không có chỗ đó đâu!”.

Hòa thượng Thần Hội ở chùa Hà Trạch – Đông Kinh, mỗi tháng lập đàn tràng vì người thuyết pháp phá thiền thanh tịnh, lập thiền Như Lai, lập tri kiến và lập ngôn thuyết. Vì giới định huệ không phá ngôn thuyết, Ngài nói: “Ngay lúc nói chính là giới, ngay lúc nói chính là định và ngay lúc nói chính là huệ. Nói pháp vô niệm để lập nên kiến tánh”. Năm Khai Nguyên, ở chùa Hoạt Đài, vì thiên hạ học đạo mà định tông chỉ, hòa thượng Thần Hội bảo rằng: “Nếu có một người nói, Hội này thật không dám nói!”.

Vì hòa thượng Thần Hội không được tín cà sa, nên năm Thiên Bảo thứ 8, chùa Hà Trạch ở Lạc Châu định tông chỉ, nên pháp sư Sùng Viễn hỏi: “Thiền sư tu hành trong ba hiền mười thánh, đã chứng được địa vị gì?”. Thần Hội đáp: “Kinh Niết Bàn chép: Nam mô Thuần Đà, nam mô Thuần Đà, thân giống phàm phu, tâm đồng tâm Phật”. Hòa thượng Thần Hội hỏi rằng pháp sư Sùng Viễn giảng kinh Niết Bàn từ trước đến giờ được mấy biến ?”. Sùng Viễn đáp: “Hơn 40 biến”. Lại hỏi: “Vậy pháp sư có thấy Phật tánh không?”. Pháp sư đáp: “Không thấy!”. Thần Hội nói: “Phẩm Sư Tử Hống chép: Nếu ngươi không thấy Phật tánh thì không nên giảng kinh Niết Bàn. Nếu ngươi thấy được Phật tánh thì nên giảng kinh Niết Bàn”. Sùng Viễn liền hỏi lại : “Vậy hòa thượng có thấy Phật tánh không?”. Thần Hội đáp: “Thấy chứ !”. Sùng Viễn lại hỏi: “Làm sao mà thấy? Che mắt thấy chăng? Tai, mũi… thấy chăng ?”. Thần Hội đáp: “Thấy không cần quá nhiều như thế! Thấy chỉ là không thấy!”. Lại hỏi: “Thấy bằng như Thuần Đà không?”. Thần Hội đáp: “Thấy tỉ lượng! Tỉ thì tỉ được với Thuần Đà, còn lượng bằng Thuần Đà là chuyện không dám đoán định”.

Pháp sư Sùng Viễn hỏi: “Thiền sư có được truyền cà sa đời trước không?”. Thần Hội đáp: “Có! Nếu không được truyền thì pháp đã dứt bặt”. Lại hỏi: “Vậy thiền sư có đó không?”. Đáp: “Không có tại chỗ của Hội này”. Pháp sư Sùng Viễn lại hỏi: “Vậy ai đang được cà sa?”. Thần Hội đáp: “Có một người được cà sa, đã được thì tự biết! Nếu người này khi nói pháp thì chánh pháp lưu hành là pháp tự diệt, làm được việc lớn cho Phật pháp cho nên còn ẩn chưa xuất hiện!”.

Khi hòa thượng Thần Hội còn ở Kinh Phủ, có nhóm người ở Tây Quốc là hiền giả Ca Diếp và An Thọ Đế, hơn 20 người thưa với hòa thượng Thần Hội: “Pháp Xứ hỏi : Hòa thượng có được tín cà sa đời trước không?”. Đáp: “Không ở chỗ Hội ta!”. Hòa thượng hỏi lại: “Các hiền giả từ nơi nào đến ?”. Ca Diếp đáp: “ Từ Kiếm Nam đến”. Lại hỏi: “Có biết thiền sư Kim không?”. Ca Diếp đáp: “Bọn tôi đều là đệ tử của Kim hòa thượng”. Hòa thượng Thần Hội hỏi: “Kim thiền sư của các ngươi dạy người và dạy đạo như thế nào?”. Ca Diếp đáp: “Vô minh trồi lên thì Niết Bàn lặn xuống. Bát Nhã trồi lên thì vô minh lặn xuống. Có niệm giống như sau lưng gương”. Hòa thượng Thần Hội nạt rằng: “Đừng nói lời rỗng tuếch. Người họ Ca Diếp là giòng dõi Bà La Môn, đáng ra hợp với lợi căn, nhưng trái lại là Bà La Môn hạng bét!”. Hòa thượng Thần Hội nói: “Thiền sư Trí Sân ở Kiếm Nam của ngươi là pháp sư không nói rõ giáo. Thiền sư Đường là đệ tử của thiền sư Trí Sân cũng không nói rõ giáo. Đệ tử Tiêu của thiền sư Đường ở Tư Châu là pháp sư. Đệ tử Vương ở Lăng Châu là luật sư. Đệ tử Biểu ở Vĩ Tây là pháp sư. Đệ tử Kim ở Ích Châu là thiền sư mà cũng không nói rõ giáo. Không nói rõ giáo thì Phật pháp chỉ ở bên kia !”.

Lang trung Mã Hùng sứ giả đến Tào Khê lễ bái tháp Lục tổ Huệ Năng, hỏi vị lão tăng giữ tháp rằng: “Tín cà sa truyền từ đời trước, nay ở chỗ nào?”. Lão sư đáp: “Lúc hòa thượng Huệ Năng còn ở đời. Sư Lập Giai và sư Trí Hải có hỏi hòa thượng Huệ Năng rằng cà sa đời trước nay có truyền thừa nữa không và Phật pháp phó chúc cho ai, hòa thượng Huệ Năng đáp : Y của ta thì người nữ (chỉ Võ Tắc Thiên) đã đem đi rồi! Còn pháp của ta thì sau khi ta chết đi 20 năm, người nào lập tông chỉ vững chắc là người được pháp của ta vậy!”.

Hiệu san “Lịch đại pháp bảo ký” quyển trung.