“TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM”
Nguyên tác “TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH”
Hạnh Đoan lược dịch
Chương 3
LANG SƠN
Mẫu thân cũng hướng dẫn tôi tiếp xúc với các sinh hoạt tôn giáo. Lúc đó bà là thành viên của Hội Quan Âm. Mỗi năm, các bà nhóm họp ba lần, hẹn với hai-ba mươi phụ nữ cùng nhau trì tụng danh hiệu Quan Âm.
“Bồ Tát Đại Bi Quán Thế Âm – lắng nghe, giải cứu khổ nạn cho chúng sinh”… (Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát thính văn, giải cứu chúng sinh đích khổ nạn)… Mẹ tôi cũng như phần đông phụ nữ khác, không biết chữ, cho nên bà chỉ tụng những câu, từ đơn giản về Quan Âm. Các phụ nữ này muốn tôi tham gia hàng ngũ của họ. Bởi vì những người dân phổ thông Trung Quốc đều cho rằng trẻ con tâm linh thuần tịnh, (chưa bị nhiễm những vọng niệm tham lam không lành như người lớn).
Càng tiến vào sinh hoạt tu hành, tôi nhận ra rằng mẹ tôi có ngụ ý thâm trầm vi diệu. Bà hi vọng nhờ những buổi tụng niệm thánh hiệu Quan Âm này, sẽ dìu dắt tôi tiến vào đền đài tôn giáo.
Tôi, đứa bé nhỏ thó, ốm như cây tre; một bộ xương gầy như que củi; đi theo các bà tụng niệm, chìm lỉm trong mớ y phục sa bố loạt soạt khoác trên nhân dáng mập, khỏe, to lớn của các bà. Tôi cố gắng đọc lời kinh một cách lúng búng vụng về, khiến ai nấy đều phải bật cười.
Buổi tối chúng tôi tụ họp ở nơi một ngôi nhà khác, ngồi quanh cái bàn tròn có đặt tượng Bồ-tát Quan Âm, được thiết lễ trang trọng với đầy đủ cúng phẩm hương, hoa, đèn nến, mâm quả…
Các bà trì tụng và mỉm cười khích lệ tôi. Tôi bắt chước tụng theo, dần dà cảm thấy ưa thích. Tôi thường tụng niệm trong chùa hay những khi làm công tác, hoặc xướng niệm lúc đi trên đường… tôi không ngờ được rằng, sau này sẽ có lúc mình thành tu sĩ và – lễ bái Bồ-tát Quan Âm – lại trở thành pháp môn tu quan trọng của tôi. Tôi nghĩ rằng chính nhờ thiện căn, do những hạt giống lành tích lũy từ kiếp trước; nên đời này, ngay từ thơ bé tôi đã có được phúc duyên trì tụng thánh hiệu Quan Âm, gieo duyên lành với Ngài, kéo dài mãi đến bây giờ.
Trừ niệm thánh hiệu Quan Âm ra, tôi còn theo hai anh và các chị tham gia Hội Lý Giáo. Hội này thuộc chi nhánh phái “Lý Giáo Giáo Nghĩa”. thường gọi là “Như lý chi giáo”, phái này kết hợp Nho, Phật, Lão… và thờ Đức Quan Âm.
Thủy tổ của Lý Giáo là Dương Lai Như, ông hợp cùng đám di dân triều Minh mưu tính lật đổ Mãn Thanh. Do các cao quan đại thần triều Minh đa số được nhà Thanh mời ra làm quan, nhưng họ cự tuyệt, và những người trong số đó đã xuất gia làm hòa thượng hay ẩn sĩ, vì vậy mới sản sinh ra giáo phái và tổ chức này. Bọn họ nuôi hi vọng có thể bí mật tiến hành việc lật đổ nhà Thanh, tình hình này kéo dài suốt mấy trăm năm. Cho đến năm 1911, khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Lý Giáo mới thành là một tổ chức công khai.
Tại đại sảnh diễn giảng, có thể dung chứa khoảng mấy trăm người. Đây cũng là Trung Tâm Hành Chánh của thị trấn. Một tượng Quan Âm ngự trong đại sảnh chăm chú nhìn. Quan Âm là biểu trưng của Lý Giáo, nên tôi không hề biết Lý Giáo cùng Hội Quan Âm của mẫu thân khác nhau, bởi vì hai bên đều thờ Bồ-tát Quan Âm.
Các tín đồ nghe khai thị, cùng trì tụng thánh hiệu Quan Âm, không khí trong đại sảnh trở nên hiền hòa. Mọi người giao tiếp với nhau thân mật hơn. Tượng Quan Âm ngự trong đại sảnh khiến người ta có cảm giác mình đang ở chốn tự viện. Các cúng phẩm ở đây có trà, hương và thức ăn chay. Cấm không cho cúng rượu, thịt, thuốc hút…
Ai nấy đều mặc y phục tốt, nghi dung chỉnh tề, hành động cử chỉ đẹp. Lúc đó không còn giai cấp, chẳng phân biệt ta, người – Kia đây bình đẳng –
Nhưng khi về với sinh hoạt ngày thường, người giàu tiếp tục khinh rẻ người nghèo, những biểu hiện tốt đẹp, như cư xử ưu việt kia thảy đều biến mất.
Tôi còn nhỏ, có đến nghe giảng cũng chẳng hiểu gì, nhưng nói tới đồ ăn, tôi hiểu hết. Tôi thích đồ cúng ở đó. Những buổi tụ hội này khiến tôi cảm thấy an ổn và trầm tĩnh. Nhưng tôi không nghĩ là mình có thể thành hội viên của họ.
Một kinh nghiệm khác của tôi về tôn giáo nữa là, các đạo sĩ của Lão giáo tới trong thôn đuổi ma. Tôi tò mò quan sát những sự kiện kỳ dị này.
Một tu sĩ có thể trợ giúp cho người chết, từ thế giới này thông qua thế giới kia ư, thật là kỳ diệu quá!?
Trong quá trình đuổi ma, các đạo sĩ cầm kiếm múa may, uốn mình lắc eo, chuyển tay phất áo, huơ huơ trong không trung, họa phù đủ kiểu. Sáo trúc đồng tấu, hòa với trống chiêng, hình thành một cảnh tượng lượn lờ, ầm ĩ đủ kiểu đủ cách. Những điều này đối với người dân thôn quê chúng tôi mà nói, đúng là cuộc hòa tấu thanh sắc tuyệt hay, ngộ nghĩnh và vui vẻ.
Các đạo sĩ bấm huyệt trên thân người bịnh khiến họ co rúm lại, bật ra tiếng kêu the thé, ý là ác quỷ đã thoát khỏi thân họ. Đạo sĩ đuổi tà, có thể dùng chu sa họa vẽ bùa trên đất, diễn màn nhảy tới lui, múa kiếm chém ma, hoặc múa võ, làm phép trục ác ma ra, bỏ vào bình, nhốt giam ngàn năm… Chỉ khi bình bị phá vỡ, ác ma mới thoát…
Tôi bị các nghi thức này thu hút, hi vọng có thể ngay đây nhìn thấy con ma bị trục ra, thần linh tiến vào thế giới khác, khiêu vũ, vui hát và Thánh tán…
Mùa hạ năm 1943, Đái Hán Thanh, người láng giềng đến thăm gia đình chúng tôi nhằm lúc trời mưa, ông quên mang dù, toàn thân uớt đẫm. Chúng tôi cho ông mượn dù. Tôi rót một chung trà mời, ông ngồi xuống vui vẻ uống; hỏi thăm cả gia đình, rồi quay sang bảo tôi:
– Sau này lớn lên, con làm gì?
Lúc đó tôi 13 tuổi, biết rõ là những ngày được đi học của mình đã chấm dứt rồi. Song thân chẳng cách chi lo liệu nổi học phí, nói gì đến mua sách vở? Tôi không biết trả lời như thế nào, mẹ tôi cũng đang bối rối, chẳng biết nói sao. Cuối cùng bà lên tiếng:
– Ở Vô Dương gần đây có một nhà, muốn bắt nó về làm rễ, gia đình họ có ruộng vườn, tài sản, nhưng con gái họ không nói được. Bảo Khang là con trai chúng tôi, chúng tôi không thể bỏ thí nó; nó là đứa con trai tốt tính, ngoan ngoãn… Nhưng sau này khi nó trưởng thành rồi, chúng tôi cũng chẳng có đủ tiền để mà rước dâu, gầy dựng gia thất cho nó. Nó đúng là đầu thai lộn chỗ, sinh lầm nhà!
– Không thể để… như thế! Còn con thế nào? Bảo Khang?
Đái tiên sinh kinh ngạc nhìn tôi. Tôi chơi thân với con ông, nên tôi hiểu rõ ông, ông cũng hiểu tôi. Mọi người kính trọng ông, ông thường đi đến tận phía Bắc con sông. Chúng tôi cho rằng ông là bậc nhân sĩ thông minh; biết nhiều, nghe rộng. Ông cắt tóc ngắn, không để đuôi sam, trông rất thoáng, sáng.
– Dạ! Không sao đâu ạ!
Tôi lễ phép trả lời theo phong cách của người Trung Quốc, ra cái điều xem nhẹ mọi chuyện; rằng chẳng có vấn đề gì phải bận tâm. Nhưng thật sự, lòng tôi đang chìm trong nỗi buồn thê thiết, khi nghĩ đến tương lai mình phải cưới một cô vợ vừa câm, vừa điếc; lại không biết chữ.
Mẫu thân đã bình về hôn sự này, bà nói:
– Chúng nó làm sao mà hiểu, mà cảm thông nhau? Rồi sau này sinh con, lại phải lo rất nhiều…
Tôi thật cảm kích mẹ đã không ép buộc tôi kết hôn.
Hồi đó tại Trung Quốc, phụ mẫu an bày hôn nhân thế nào cũng được hết. Muốn rước được dâu, thì cha mẹ bên chồng phải tặng cho nhà gái sính lễ bạc, vàng; phải bỏ tiền ra chi cho lễ cưới, mua sắm đồ dùng cho đôi trẻ. Mà theo tình cảnh nhà tôi, thì tất nhiên tôi phải phải đi ở rễ, lâm vào cái cảnh… bị nhà gái rước về, bởi nhà tôi nghèo quá!
Mẹ tôi mỉm cười nói:
– Chỉ có cách cho nó đi làm… hòa thượng là tốt nhất!
Đái tiên sinh có vẻ hơi giật mình:
– Bà… thật lòng muốn cho nó đi tu ư?
– Sao lại không? Chỉ cần nó đồng ý là được!
Rồi bà quay sang nhìn tôi, mỉm cười nói:
– Bảo Khang này, con có muốn làm thầy tu không?
– Đương nhiên là muốn rồi!
Mẹ tôi há hốc mồm, không nói được gì, một lúc sau bà lên tiếng:
– Con thật là đùa quá mức rồi, chùa nào lại cần đến con?
Đái tiên sinh bảo:
– Có ngôi chùa ở Lang Sơn đang tuyển tân đồ, vậy con muốn tới đó không?
– Muốn ạ!
Tôi đáp không do dự.
Mặc dù đối với chuyện xuất gia làm tu sĩ, tôi chẳng hề biết gì. Nhưng tôi từng nghe qua trong chuyện cổ, nên ấn tượng Lang Sơn trong tôi là nơi thần tiên tụ hội.
Sự thật là Đái tiên sinh và các hòa thượng chùa Quảng Giáo ở Lang Sơn có mối giao hảo, ông biết bọn họ hiện đang tìm người tiếp nối mạng mạch tông môn. Tuy mộ đạo, nhưng ông không thể đưa con trai mình tới đó, bởi ông chỉ có một đứa độc nhất, phải để nó ở nhà lo hương hỏa. Còn ba mẹ tôi có tới bốn trai, nên ông nghĩ ngay đến tôi; thật ra ông đã có sẵn mục đích này, nên mới đến thăm trong cơn mưa gió.
Đái tiên sinh hỏi mẹ tôi ngày sinh của tôi để mang đến trình cho các hòa thượng ở Lang sơn xem, giúp họ thực hành thủ tục tuyển tân đồ. Nếu thỉnh ý Phật và được cho phép; họ sẽ thâu nhận, cho tôi xuất gia.
Sau này tôi mới biết, nghi thức thỉnh cầu này tiến hành như sau: Ngày sinh của tân đồ sẽ được đặt trước tượng Thủy Tổ khai sơn ở Lang Sơn, cạnh ống đáp án. Đệ trình qua sáu tháng, sau đó các hòa thượng sẽ đến trước tượng Tổ khai sơn thỉnh ý, xem đứa bé này có thể trở thành tu sĩ tốt hay không? Tiếp đến họ bắt đầu xủ quẻ. Phương trượng chùa sẽ lắc, xốc xốc ống đáp án.
Trong ống có nhiều thẻ bài đã ghi sẵn các lời dự đoán, nếu như liên tục ba lần, thẻ rơi ra đều giống nhau, thì đứa trẻ sẽ được thâu nhận.
Những chữ trên thẻ tất phải có bài kệ dự báo tốt lành tương ưng cùng kinh Phật, phải phù hợp, trùng khớp với bao nhiêu biến số, thật là một việc kỳ lạ.
(Bây giờ tại chùa tôi, chúng tôi không áp dụng cách thức này. Người muốn thành tỳ kheo, tỳ kheo ni, cần trải qua một năm quán sát. Nếu thích ứng, chùa mới cho họ cạo tóc xuất gia. Chúng tôi phải tìm hiểu động cơ gia nhập tăng đoàn và biết rõ hoàn cảnh họ. Chẳng hạn như nếu phát hiện người phát tâm xuất gia (là phạm nhân), thì chúng tôi không tiếp nhận. Bởi vì dù họ có chuẩn bị tốt và thích nghi với đời sống xuất gia, nhưng cảnh sát sớm muộn gì cũng sẽ tìm bắt họ, như vậy sẽ làm tổn hại thanh danh tự viện. Những người tinh thần bất bình thường cũng không cho phép xuất gia. Nhưng nếu họ xuất gia rồi mà sau mới bất bình thường, thì chúng tôi sẽ chăm sóc họ. ở Đài Loan từng có một vị như thế, nhiều người cho rằng sự tu hành của y vẫn tốt).
Lúc đó, cha mẹ tôi cho rằng Đái tiên sinh chỉ vui miệng nói đùa, nên chẳng ai nhắc tới nữa. Chỉ có tôi là không ngừng ôm hi vọng và ngong ngóng đợi hồi âm. Thường thường, mỗi chiều đi hốt phân; tôi luôn vọng hướng, dõi mắt nhìn về áng mây trời tận phương bắc xa xăm; cho rằng Lang Sơn đang ở sau những cụm mây đó, niềm khát khao được sống tự do quảng đại khiến tôi càng ước ao làm tu sĩ.
Mùa hạ trôi qua, mùa thu đến, ngay lúc tôi thất vọng sắp buông bỏ hết thì Đái tiên sinh xuất hiện. Ông mới từ Lang Sơn về, vừa bước chân vào nhà ông đã bảo tôi:
– Nào! Mặc đồ tốt vào, đi làm hòa thượng…
Tôi sung sướng nhảy cởn lên, chuẩn bị rời khỏi nhà mình (giã từ những ngày sống trong thế tục tràn đầy thống khổ), nhưng mẫu thân xúc động kéo tôi lại, muốn trì hoãn giây phút chia xa… bà bảo Đái tiên sinh:
– Nó… cần có áo mới!
Đái tiên sinh trả lời:
– Bây giờ trước tiên hãy để nó đi, xem nó có thích chỗ đó hay không đã? (Cũng không dễ dàng thỏa hiệp)… Rồi sau đó hãy để nó quyết định lần nữa, rằng có thật sự muốn làm hòa thượng hay không? Điều quan trọng nhất là – nó có quen với nếp sinh hoạt ở đó chăng? – Và lão hòa thượng ở đó có ưa nó không? Tới chừng ấy bà hãy bàn đến chuyện may áo mới! Các hòa thượng ở Lang Sơn là thần tài (giàu có), lúc họ từ trên cao giáng hạ, thì giống như là kim ngân châu bảo trên núi hạ phàm vậy. Vì vậy bà không cần phải chuẩn bị y phục hay vật dụng gì cho nó!…
Thế là mẹ tôi không còn lời gì để nói.
Lang Sơn vang danh, tại đó hương đốt chưa từng đứt đoạn, tiền tài cũng chưa từng giảm sút.
Làm hòa thượng chẳng phải việc hãnh diện. Chẳng qua, Lang Sơn nổi danh, tu ở đó được giáo dục tốt, mà xã hội Trung Quốc rất coi trọng giáo dục. Cha mẹ tôi bị viễn cảnh trước mắt thuyết phục, hi vọng con họ đến Lang Sơn, sẽ hưởng được nền giáo dục mà họ vô phương đem lại; cho nên họ đồng ý.
Sáng hôm sau, cả nhà chờ đợi Đái tiên sinh tới, một anh và một chị của tôi đã kết hôn, hiện ở nơi khác, cũng đến tiễn tôi. Trong nhà tràn ngập bầu không khí đặc biệt, tôi hết sức hưng phấn, dệt đầy mơ mộng về những ngày ở Lang Sơn sau này. Mẹ nhìn tôi đăm đăm, thật lâu… bà có vẻ ưu tư trước sự vui mừng của tôi:
– Con muốn đi làm hòa thượng ư? Con không buồn chút nào chứ? Mẹ nuôi con suốt 14 năm, con không nhớ tới mẹ sao? Con không có ý bỏ mẹ chứ? Mẹ sẽ rất nhớ con!
Bà lau nước mắt: – Giá như cha mẹ không bần cùng thế này… nhưng bây giờ, còn gì để mà nói nữa?!…
Mẹ tôi không phải là người hay khóc, tôi cũng vậy. Nhưng tôi không có buồn dữ như bà. Bà đang rất bi thương, cho nên bà khóc, cơ hồ là buồn tột cùng và rất không muốn tôi đi. Tôi hiểu và đọc được hết nỗi sầu đau hiện trên gương mặt ủ rũ, ướt lệ đầm đìa của bà. Mẹ tôi mới năm mươi, khang kiện và tràn đầy sức sống. Tóc bà hãy còn đen nhánh, nhưng hai bên má và trán đã có những nếp nhăn, vết tích của cuộc sống gian khổ, thanh bần.
Lúc tôi gặp bà lần nữa, chẳng biết bà sẽ già và biến đổi như thế nào đây? Bà đã cho tôi rất nhiều. Tôi biết mình chẳng cách chi báo đáp trọn vẹn tấm lòng yêu thương của bà… Tôi cũng rơi lệ sụt sùi.
Đi Lang Sơn
Hôm ấy là một sáng mùa thu mát mẻ, 8g chúng tôi ra khỏi nhà, từng cụm mây trắng nhẹ nhàng trôi lơ lững giữa không trung, khi chúng tôi đến gần Trường Giang thì đã nghe âm thanh thuyền chạy. Đây là lần đầu tôi đi thuyền, hằng năm người nhà tôi đều ngồi thuyền đi thăm người thân ở phương Bắc. Đái tiên sinh lấy tiền ra trả người thu phí. Một mặt ông giúp gia đình chúng tôi; mặt khác vì ông là tín đồ thuần thành của Lang Sơn, làm như thế này ông hi vọng có thể giúp được chùa tìm được người xuất gia có tư chất.
Sông Trường Giang rộng mười dặm, trải dài mênh mông, lăn tăn sóng. Vùng sông nước gió thổi cực mạnh, một đợt sóng lớn chồm lên. Con thuyền có thể chứa 50 khách, nhưng hôm đó chỉ có 30 người. Khách đi trên tấm ván bắc qua thuyền lắc lư như muốn té, họ vụng về bò qua thuyền, mang theo tay nải và giỏ thức ăn. Một bé gái xách cái lồng gà, một ông già dắt con dê trắng đang cố dụi tắt ông điếu, con mắt màu tro phủ một lớp mây mỏng. Các phu thuyền chân trần đang lăng xăng tháo dây cáp, chạy tới chạy lui. Cái quần thắt dây lưng buộc chặt cái eo hóp gầy. Tiếng còi khởi hành vang lên.
Một người phu đứng trên thuyền cầm cái sào dài chống, đẩy thuyền đi. Trên bờ bắt đầu huyên náo. Những người tiễn biệt vẫy vẫy tay chào; cánh buồm cũ kỹ đã được căng lên, lay động trong làn gió nhẹ. Buồm no gió giống như mặt trống kéo căng, con thuyền nhẹ nhàng lướt sóng. Dòng nước thăm thẳm mênh mông, đàn chim biển xếp thành hàng, bay qua đầu, ra sức vỗ cánh giữa cuồng phong. Tôi ngữa mặt hít mùi gió biển thoảng qua, đặt mẫu thân và gia đình vào ký ức. Thuyền theo gió lướt tới, cùng mây trời nhẹ bay. Đối diện với cuộc sống mới tự do, tôi cảm thấy khoan khoái vô hạn.
Chưa đầy một giờ, chúng tôi đã qua sông, thuyền áp sát vào Cảng Nhân Gia, Toàn bộ thị trấn tại hải cảng đang ở thời kỳ hậu tiến. nhà cửa thấp lè tè, cất san sát nhau, nằm chen chúc trên đường phố chật hẹp. Có tuyến xe chạy bằng than lưu hành từ Nam Thông đến bến Cảng. Chúng tôi không có nhiều hành lý, nên quyết định đi bộ; bước theo đám phu khuân vác, đi dọc theo bờ sông tiến về Nam.
Một chiếc xe ca cũ kỹ chở đầy khách, lắc la lắc lư chạy tới; trên mình xe còn vết than bám dính, thật ra ít ai mong được chiếc xe công cộng có cỗ máy cũ kỹ như thế này chở đi. Một chú bé tay cầm roi, khóc thút thít đuổi theo bầy dê. Các phụ nữ dùng dây cỏ bó củi lại, vác trên lưng. Giống như bao người Trung Quốc bần cùng, chúng tôi đi chân trần trên đường, ôm theo hành lí ít ỏi.
Vầng thái dương đã lên cao, khí trời chuyển sang ấm áp. Đái tiên sinh và tôi lặng lẽ đi xuống dốc, vòng qua khu công nghiệp hóa Nam Thông hưng thịnh, tiếp tục đi về hướng Bắc. Lang Sơn dần dần hiện ra: sừng sửng, cao chót vót và hoành tráng… trước mắt chúng tôi.
Đường lên núi uốn lượn, ngoằn ngoèo, vòng lên cao, tiếp giáp với mây trời. Vách núi dựng đứng, cây cối um tùm, các ngôi bảo tháp trang nghiêm điểm xuyết trên núi, nhìn giống như thần thoại.
Chúng tôi đi qua cổng tam môn, tiến đến tượng Phật Di Lặc vừa to vừa mập đang mỉm cười,
– Chà! Tượng Phật vĩ đại này thật vui tính quá!
Nhưng sau khi tôi đi qua,ngoái lại nhìn, thấy đối diện phía sau là tượng Bồ Tát Vi Đà, thân mặc giáp tướng quân, tay cầm chùy; tôi liền khởi niệm:
– Thật có bồ-tát tướng mạo hung ác như thế này sao?
Khi chúng tôi bước vào hai cửa sau của Chánh điện, tôi không dám tin vào những gì mình đang thấy: một tượng phật cực lớn, cơ hồ to gấp trăm lần nhà tôi. Tôi ngước đầu lên chiêm ngưỡng mặt Ngài. Đái tiên sinh bảo tôi:
– Bụi bám chồng chất trên tượng Phật, một năm chứa có hơn 12 thùng đấy!
(Nhiều năm sau, lúc tôi quay trở lại Lang Sơn thì tôn tượng này đã bị phá hủy, dẹp đi trong phong trào cách mạng văn hóa, giờ thay vào đó là tôn tượng bé nhỏ được mô phỏng theo tượng này).
Một Sa-di trạc tuổi tôi đang đánh chuông, chú vừa lễ Phật, vừa xướng: – “Nam mô Cửu Hoa Sơn Địa Tạng Vương Bồ Tát, điạ ngục chi Sư”…
Âm thanh của chú thiệt hay và thanh thoát, khiến tôi thấy lòng mình lâng lâng thoát tục. Tôi nghĩ thầm: “Đây đúng là nơi mình hằng mong ước, chờ đợi. Rồi sau này tôi cũng sẽ giống như chú ấy!”…
Vị sa di nhỏ cầm cây dùi bằng đồng gõ vào một cái khánh lớn, một vị Sa-di khác liền buớc ra lễ Phật.
Đái tiên sinh bảo tôi: – Hãy nhìn thật kỹ cách các chú ấy lễ đi, rồi học theo…
Sau đó ông dạy tôi lễ, nhưng tôi không chú ý vì quá thắc mắc… Chẳng biết làm thế nào mà vị tiểu hòa thượng đang lễ bái kia, trên đầu có một chỏm tóc nhỏ, khiến tôi cứ phải dán mắt vào và không thể nào di chuyển tầm nhìn sang hướng khác được. Tiểu hòa thượng này nhìn giống như là một diễn viên, tôi hi vọng mình cũng sẽ được như vậy.
Tôi ngỡ là mình đã tới chỗ rồi, nhưng Đái tiên sinh nói chỗ của tôi ở tuốt trên đỉnh Lang Sơn, nên chúng tôi lại phải đi tiếp.
Dọc theo lối đi, trên vách đá, có khắc những dòng chữ thư pháp,(trích danh ngôn của các văn nhân và kinh Phật). Các bảng ghi những văn tự kỷ niệm, nằm rải rác trên vách đá giống như những hình rùa lớn, nhỏ, xếp bày trên bàn ăn. Các ngôi miếu vũ xây đủ cách đủ kiểu, nằm la liệt. Có miếu thờ đạo Lão, miếu Quan Công, Thần Tài, Thần Hộ Nhãn, Thần Bắc Đẩu Tinh (coi về trường thọ) còn có miếu thờ Thần Sông Trường Giang…
Trên cây phong, lá hồng thu xào xạc, nhiều người quỳ dài trong các ngôi miếu, hướng Thần Thủ Hộ Lang Sơn lễ bái; họ tin tưởng khi cầu Bồ Tát, đức Đại Thánh từ bi sẽ lịnh cho các thần minh đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của họ. Khi nguyện cầu hiển linh, họ sẽ lên Lang Sơn hoàn nguyện, xây tháp lập tượng…
Trừ những bia, tháp trên đường ra, thức ăn cũng được bày bán đầy, gồm: bánh nhưn thịt, bánh nhưn đậu, bánh hạnh nhân, bánh in, kẹo gừng… và các nước giải khát…
Đái tiên sinh mua bánh in cho tôi, ăn rất ngon. Chúng tôi còn uống trà. Trên đường, có rất nhiều hành khất; đa số đều mù, họ run rẩy chìa tay xin; miệng niệm danh hiệu Phật chúc phúc chúng tôi. Tròng mắt họ trắng dã, thất thần; hướng về tôi cúi đầu, van cầu rất tội. Đội ngũ triều Thánh cũng đang trên đường đi lên, bọn họ mỗi người cầm hương nghi ngút khói, đầu cổ mồ hôi nhễ nhại, y phục lam lũ…
Cuối cùng, chúng tôi cũng lên tới đỉnh núi; mặt trời tỏa những tia sáng lấp lánh xuyên qua những phiến mây như cùng điểm tô cho phong cảnh núi đồi, nơi đây thiệt là sảng khoái!
Chúng tôi tiến vào điện Phật (trong hang động), khắp nơi rực ánh đèn hoa, nghi ngút khói hương, bầu không khí phù trầm của ngàn năm tín ngưỡng vọng cầu.
Một tượng Phật cực lớn chiếm gần hết gian điện đường, trang nghiêm và đang tỏa chiếu những tia hào quang rực rỡ. Cúng phẩm hương hoa, trái quả và đồng tiền… được đặt dưới chân Ngài. Những người triều thánh cung kính lễ bái, dập đầu trên nền đá mát lạnh.
Các hòa thượng đi lại trong đại điện, tay áo rộng phất phới va chạm nhau phát ra âm thanh, họ đang bận rộn với công việc, tôn tượng từ ái đang nhìn mọi người, bầu không khí siêu nhiên phủ khắp…
Đái tiên sinh thưa với một vị hòa thượng mặc áo tràng lam rộng tay: – Chúng tôi muốn gặp Phương trượng.
Hoà thượng biến mất sau làn khói hương mịt mù, Đái tiên sinh bước tới lễ Phật. Mấy phút sau, hoà thượng kia trở ra bảo chúng tôi:
– Phương trượng chờ các vị bên trong…
– Chúng tôi theo ông ta, bước qua các bậc đá, rẽ vào những con đường nhỏ lên, xuống ngoằn ngoèo; qua một lớp cửa, rồi một lớp cửa…
Trên núi mọc đầy các loại cây to, lũ chim đang nhảy nhót trên cành. Vào mùa thu nên lá rụng đầy, một tòa lầu các tường lam, ngói đỏ; bốn góc mái uốn cong, bỗng hiện ra trên đường…
Tôi chưa từng thấy qua những ngôi tự viện có nhiều phòng ốc như thế. Ngôi chùa này kiến trúc hoa lệ và ưu nhã. Cảnh tượng trước mắt cuốn hút đến tôi phải nhìn ngắm mê mẩn và đắm chìm trong đó. Cuối cùng, chúng tôi đi đến một gian phòng huyên náo; tăng chúng trong đó vừa nhìn thấy tôi thì im bặt, họ ngưng trò chuyện và tất cả đều quay đầu nhìn, chăm chú quan sát tôi.
Một vị trong đấy lên tiếng hỏi Đái tiên sinh:
– Là hắn đấy ư?
– Vâng ạ!
Hòa thượng bảo:
– Nào! Để ta giới thiệu cho chú nhỏ biết nhé, đây là Tổ sư khai sơn, đây là Tằng sư tổ, đây là Sư tổ, ta là Sư ông của chú, còn Sư phụ chú hôm nay đi vắng.
Hằng ngày, 4 giờ sáng tôi thức dậy, 10 giờ tối đi ngủ. Mấy tháng đầu, sinh hoạt tự viện chập chờn trôi qua. Do trí nhớ tôi quá kém cỏi, nên tôi giữ việc chăm sóc rau trái trong vườn, lo tiếp đãi khách cho ân cần và trông chừng những người ăn mày, không để họ thò tay lấy tiền trong thùng công đức.
Chúng tôi tụng kinh, hành trì thời khóa sớm tối, chỉ có các vị tăng lớn ngồi thiền. Quý sư bảo tôi có nhiều nghiệp chướng, nên cần phải lễ bái sám hối. Bởi nghiệp chướng nặng nên tôi mới không nhớ nổi lời kinh trong khóa tụng… Các tu sĩ nói quả rất đúng. Tôi biết là trí nhớ mình cực kỳ tệ… Nhưng ba tháng rưỡi sau, một kinh nghiệm xảy đến đủ để tôi đem hết thân tâm hòa nhập vào sinh hoạt ở Lang Sơn!
Kinh nghiệm đầu tiên
Hằng ngày, sớm tối tôi đều lễ trước tượng Quan Âm năm trăm lạy, vị bồ tát này chính là Đức Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát mà tôi và mẫu thân từng cùng nhau trì niệm. Thông thường tôi lễ bái rất gian khổ, mồ hôi tuôn ướt áo.
Một sáng nọ, trong lúc tôi đang lễ bái như thường lệ, thì tôi cảm nhận có một luồng khí vào từ đỉnh đầu tuôn xuống, phủ khắp toàn thân, sau đó tôi bái phật chẳng thấy mệt mỏi, cảm giác này kéo dài suốt khóa lễ… khiến toàn thân tôi thanh lương, mới mẻ, tâm tư sáng suốt, thấu triệt. Tựa như bồ tát giáng lâm, ban cho tôi cái gì vậy. Cảm giác này tôi chưa bao giờ biết đến, nó giống như một rừng cỏ mịt mù bỗng được khai hoang, dọn sạch; trí não tôi bỗng khai thông, bừng sáng!
Sau đó, trong lòng tôi cảm thấy trong trẻo, đầu óc minh mẫn; trí nhớ tăng cường, tôi học tập mau biết lạ thường. Có được kinh nghiệm này, tôi phát khởi niềm tin sâu, tôi hiểu rằng lễ Phật có thể giúp mình tiêu nghiệp chướng và tu hành rất cần có nghị lực và tinh tấn!
Đây là lần thể nghiệm tôn giáo đầu tiên. Theo quan điểm Phật giáo, một cá nhân nếu như trong quá khứ có cuộc sống tu hành, nghĩa là đã gieo một hạt giống. Đời nay nếu nhân duyên thuần thục, hạt giống ấy sẽ nẩy mầm sinh sôi. Kinh nghiệm vừa rồi không phải là khai ngộ, mà chỉ để tôi phát khởi đại tín tâm.
Hòa thượng niên trưởng có chú ý đến tôi, song ông không nói gì. Nhưng tôi bắt đầu hiểu rõ ánh nhìn thâm trầm trong đôi mắt quý sư.
Khi các tu sĩ bận rộn, đi qua lại trong chánh điện, tà áo rộng nhẹ nhàng lay động dưới chân cũng hiển hiện ý nghĩa thường tân. Trong khoảnh khắc ấy tôi đột nhiên sáng tỏ và hạ quyết tâm, sẽ học tập, tu hành chân chánh.
Sư ông Lãng Huệ mời hai giáo sư giúp tôi học tập, một vị dạy Nho, một vị dạy Phật, hai giáo sư này đều trên sáu mươi tuổi, từng đã xuất gia một lần, sau đó họ hoàn tục. Tôi theo vị dạy Phật pháp, học nghi thức khóa tụng sớm tối, lần này tôi đối với Phật pháp có nhận thức chính xác. Khóa công phu sớm tối bao quát tinh nghĩa quan trọng của Phật pháp. Trọn quyển Kinh Nhật Tụng dày 2,5 cm, mỗi thời tụng cần thời gian một tiếng.
Then chốt nội dung khóa tụng bao gồm Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng, cũng giải thích tam học trong Phật pháp là Giới, Định, Huệ.
Giới căn bản đầu tiên Phật giáo cấm là không Sát sinh, không trộm cắp không tà dâm, không nói đối, không uống rượu, (bao gồm không hút những chất say có hại).
Định là tu tập, hành thiền để minh tâm.
Huệ là hiểu rõ nhân quả, duyên khởi các pháp Vô thường: nghĩa là tất cả sự vật tồn tại, là do nhân duyên hòa hợp; mọi sự vật không ngừng thay đổi, không trường cửu) và khổ là sự thật phổ biến. Khi hiểu rõ bản chất, thực tướng huyễn, thì có trí tuệ. Những quan niệm này khiến Phật giáo khác hẳn các tôn giáo thần luận khác. Phật giáo tìm hiểu nguyên nhân khổ và dạy cách tu để lìa khổ – không phải tìm cầu bên ngoài, mà chính ở trong tâm của mỗi người –
Môt phần trọng yếu khác nữa là Tứ hoằng thệ nguyện, trong khóa tụng có câu rất hay: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”. Còn các Kinh A Di Đà, Sám Hối, Hoa Nghiêm,thì giảng giải (Ba đời chư Phật, duy tâm sở hiện).
Những giáo lý Phật pháp này khiến tôi hiểu rõ những gì đối lập với thế gian. Tôi hiểu rằng, tâm ta cùng thế gian không tách rời; nhưng khi khởi vọng niệm đối lập phân biệt ta, người, là nguyên nhân gây thống khổ và xung đột.
Nếu như hiểu nội dung khóa tụng, thì sẽ hiểu rõ lý đạo cơ bản. Nhưng phần đông người ta không hiểu rõ ý nghĩa trong các khóa tụng. Tôi rất may mắn khi được sư phụ Lang Sơn thỉnh thầy đến dạy tỉ mỉ cho tôi.
Suốt quá trình được dạy dỗ đến trưởng thành, tôi giống như đa số người Trung Quốc, trong lòng có sẵn quan niệm Nho gia thâm căn cố đế: Trung thành với trách nhiệm.
Ngày trước tôi từng học qua, bây giờ ở Lang Sơn lại học thêm với thầy giáo Nho. Một người có phẩm cách, tất nhiên tư tưởng và cử chỉ cần phải mẫu mực, trong ngoài hợp nhất; phải biết xây dựng quan hệ tốt đẹp, sống hỗ tương hài hòa với người. Khổng Tử cũng dạy: Không nên chỉ sống vì mình.
Nếu như bạn là người thế tục, đối với gia đình bạn phải có trách nhiệm, điều này quan trọng hàng đầu. Song, nếu bạn là người xuất gia, thì bạn cũng phải có trách nhiệm tương tự như thế đối với tự viện. Đạo pháp khuyến khích chúng ta trở thành người hữu dụng, dạy chúng ta chung sống ôn hòa mỹ mãn cùng thế giới này. Nếu biết tu thân dưỡng tính, ta có thể cùng người bên cạnh xây dựng mối quan hệ hài hòa, từ ái; sống trách nhiệm và chân thành. Hiểu Phật giáo, là sống tương dung, tương hợp!
Cuộc sống yên bình thường nhật của tự viện kéo dài đến năm 1945.
Khi người Nhật đầu hàng, thì giữa Đảng Quốc Dân và đảng đối nghịch bộc phát chiến tranh. Vị tướng thứ tư của đảng X chạy đến Lang Sơn. Chúng tôi và cư dân vùng này hoàn toàn không biết ông ta thuộc đảng đối nghịch. Khi nhóm người của ông xuất hiện, chúng tôi rất mừng, cho rằng những ngày dài tang thương bị Nhật xâm chiếm, bức hại, đã chấm dứt… và vận may đang mỉm cười với chúng tôi.
Vị tướng đảng X giải thích là ông theo lý tưởng vì dân, thuộc Đảng Nhân Dân, nhóm của ông xem bộ hiền hòa, chu đáo; có kỷ luật. Họ không hề đòi hỏi thức ăn hay yêu sách gì, cũng không uy hiếp nhân dân, nhưng lại âm thầm lên kế hoạch ám sát.
Tiếng súng đạn nổ vang trong đêm, quan viên chính phủ trong vùng lần lượt mất tích. Mỗi sáng sớm, người ta phát hiện ra có các thây người bị vứt xuống ao, hay trôi nổi trên sông.
Bầu không khí sợ hãi bao trùm khắp; mọi người trốn trong nhà, không dám ra đường đi đâu. Chẳng ai lên núi lễ Phật, thùng công đức trống rỗng. Chúng tôi vẫn tụng niệm công phu như cũ, trồng rau ăn, chăm sóc sư ông Chiếu nguyện và Sư tổ Quán Thông.
Sau đó lại phát hiện ra tôi bị bịnh lao phổi, (chị và anh rễ tôi sau cũng chết vì bịnh này). Tôi rất may mắn, mặc dù lá phổi tôi bị tổn hại, không trải qua điều trị, nhưng cuối cùng bịnh chuyển biến tốt và tự lành. Đây đúng là kỳ tích! Bởi vì thể chất tôi xưa nay gầy yếu lại lắm bịnh. Tôi cũng từng bị sốt rét nặng hai lần, còn có một lần suýt chết khi cùng chúng bạn leo lên cây, tôi bị té từ trên xuống! (Nhưng điều này gia đình tôi hoàn toàn không hay biết, vì tôi không hề kể cho họ nghe).Thời ấu niên của tôi hầu như luôn bất an, thường trải qua biến loạn.
Sau đó, tới phiên Đảng Quốc Dân lên núi chiếm đóng và khống chế trong vùng, Đảng X rút xuống núi; phản công bằng chiến thuật du kích.
Quân đội Đảng Quốc Dân ở trong chùa chúng tôi; mỗi lần có đoàn binh mới đến, là sư phụ chúng tôi đều chuẩn bị cơm tối đặc biệt cho họ, nhưng họ cho đây là lẽ đương nhiên. Họ hợp nhau xuống núi tìm đánh đảng X, nhưng đảng X sau khi rút xuống rồi thì khó tìm như sương khói; chẳng thấy tăm hơi tung tích đâu. Nhưng hễ Đảng Quốc Dân không để ý là đảng X bất thần tập kích, bao vây; họ đánh mạnh, rút nhanh; nên đội Quốc Dân rất sợ. Bởi vậy, đội Quốc Dân thường ngụy trang y phục thường dân (còn bắt tôi giúp). Họ ăn mặc lam lũ đi vào thành, trong mình lận vũ khí và không mang theo gì khác.
Quân đội Quốc Dân ít được tiệc tùng, nên thường đói, sĩ khí lâu dần cũng bị mê muội. Họ bắt đầu đem cổng tự viện ra làm sàng, quơ hết những bàn ghế cổ vô giá, biến làm củi chụm, thiêu rụi hết. Họ còn đánh đập tăng chúng, ngay cả tôi cũng bị lôi ra đánh. Nhưng nhờ tôi còn nhỏ, nên không nhục hình trừng phạt nhiều.
Bọn họ phá hủy tự viện, khiến cả vùng Lang Sơn chìm trong tối tăm sợ hãi. Tự viện chẳng cách chi duy trì được nữa, thế là từng người, từng người lần lượt rời núi. Cuối cùng, đến phiên tôi ra đi. Tôi đi Thượng Hải, tới Đại Thánh Tự (hạ viện Lang Sơn).
Tôi ngậm ngùi rời xa ngôi chùa cổ ngàn năm, nơi đã giúp tôi hiểu ý nghĩa và mục đích sống của kiếp người.
*
Lời người dịch:
Chuyện xưa kể rằng có hai huynh đệ tu chứng rất cao. Trước khi nhập diệt họ quyết định sẽ trở lại nhân gian cứu đời. Vị tăng lớn lý luận: – Phật thường bảo bồ tát, thanh văn nhập thai còn bị cách ấm mê mờ. Tôi sẽ tái sinh trong hoàn cảnh thật nghèo thiếu cho dễ tỉnh giác, dễ bề độ sinh hơn.
Vị tăng nhỏ phát biểu: – Em nghĩ sinh trong nhà phú quý cũng không sao, vẫn có thể tu, tỉnh giác và độ sinh.
Sau đó hai vị tái sinh vào nhân gian theo hướng chọn của mình. Người anh sinh ra là đứa trẻ bỏ rơi, được chùa nhặt nuôi từ bé, ông tu, ngộ đạo và độ sinh suông sẻ.
Còn người em sinh vào nhà phú quý, sống đời nhung lụa, Ông thi đậu làm quan nổi danh hưởng ngũ dục đầy đủ và quên béng chí nguyện xuống nhân gian cứu đời của mình. Tuy lòng ông vẫn hướng về đạo, thích nghiên cứu kinh điển nhưng không hề có ý muốn xuất gia. Phải đến năm tám mươi mới ông gặp người anh, được nhắc nhở và thức tỉnh….
Thật ra thì sinh trong hòan cảnh phú quý, dù nhập thai, cách ấm mê mờ có thể làm chậm bước độ sinh chứ tâm đạo và cốt lỏi thánh thiện hoàn toàn không mất trong các bậc tu chứng. Các bậc thánh nhân khi xuống trần thường chọn sinh vào hòan cảnh túng cùng ngặt nghèo, cho đây cũng là trợ duyên tốt. Như Hàn sơn, thập đắc… (hóa thân của bồ tát Văn Thù Phổ Hiền), các ngài đã đã thị hiện vào nhân gian dưới thân phận hai trẻ bị bỏ rơi được chùa nhặt về nuôi….
Lý do đến với đạo có trăm ngàn nguyên nhân: – Có người từ bỏ phú quý mà đến, có người vì nghèo khổ mà đến – Song ta đừng vội khinh thường, đừng quan trọng quá về xuất thân và lý lịch bần hàn của các tu sĩ. Người đến với đạo thế nào không quan trọng, quan trọng là hạt mầm phật pháp đã đâm chồi nẩy lộc trong tâm họ và họ hành pháp ra sao.
Khi dịch những chi tiết kể cảnh nghèo khổ tôi vẫn thấy bình thường, nhưng đến chỗ ngài Thánh Nghiêm sắp sửa rời nhà đi tu; người mẹ đã xúc động, kéo con lại bảo …chờ may áo mới, (chiếc áo mới ngài hằng mơ nhưng chưa từng có) bà mẹ thương con, cố kéo dài giây phút chia xa… tôi bỗng trào nước mắt. Tôi khóc vì biết rằng từ giây phút ngài buớc ra khỏi nhà là vĩnh viễn không còn gặp lại mẫu thân được nữa. (Dường như số phận các bậc thánh luôn thế, ngài Hư Vân xuất gia xong cũng hết gặp lại cha. Không có nghĩa là tình thương dành cho song thân của các ngài ít mà do vì hoàn cảnh bắt buộc phải thế). Có câu an ủi là: “Một người con tu hành chân chính, cha mẹ được sinh thiên”… Công hạnh các ngài luôn vẹn toàn và độ sinh rộng khắp, nên chắc chắn cha mẹ được hưởng phúc vì có con chân tu…
Ngài thánh Nghiêm đã giúp chúng ta hiểu rằng: Xuất thân của một tu sĩ không quan trọng, quan trọng là cách sống, cách hành pháp, hoằng đạo…. Bằng chứng là công cuộc hoằng pháp độ sinh của ngài đã khiến chúng ta phải cúi đầu, ngưỡng mộ…