Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Vô Cấu Xưng

KINH PHẬT THUYẾT VÔ CẤU XƯNG

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 6: BẤT TƯ NGHÌ

Thấy trong nhà này không có giường ngồi, Tôn giả Xá-lợi Tử thầm nghĩ: “Các Đại Bồ-tát và đại Thanh văn này phải ngồi ở đâu?”, biết rõ tâm niệm của Tôn giả Xá-lợi Tử, Bồ-tát Vô Cấu Xứng liền nói:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Tôn giả vì pháp mà đến hay vì cầu chỗ ngồi mà đến?

Tôn giả Xá-lợi Tử nói:

–Tôi vì pháp mà đến chứ chẳng phải vì cầu chỗ ngồi.

Vô Cấu Xứng hỏi:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Những người cầu pháp không đoái hoài đến thân mạng mình huống chi là chỗ ngồi. Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu sắc uẩn cho đến thức uẩn. Người cầu pháp không cầu nhãn giới cho đến ý thức giới. Người cầu pháp không cầu nhãn xứ cho đến pháp xứ. Người cầu pháp không cầu Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.

Thưa Tôn gia Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu sự chấp trước nơi Phật, Pháp và Tăng. Người cầu pháp không cầu theo sự biết khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo. Vì sao? Vì pháp không có hý luận. Nếu nói ta biết khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo tức là hý luận, chẳng phải gọi là cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu sinh, không cầu diệt. Vì sao? Vì pháp là tịch tĩnh và gần gũi với tịch tĩnh. Nếu hành sinh diệt thì đó là cầu sinh diệt, chẳng phải gọi là cầu pháp, chẳng phải cầu xa lìa. Người cầu pháp không cầu tham nhiễm. Vì sao? Vì pháp không có tham nhiễm lìa các tham nhiễm. Nếu đối với các pháp cho đến Niết-bàn mà có chút tham nhiễm thì đó là cầu tham nhiễm, chẳng phải gọi là cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu cảnh giới. Vì sao? Vì pháp chẳng phải là cảnh giới. Nếu hành tất cả cảnh giới thì đó là cầu cảnh giới, chẳng phải gọi là cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu thủ và xả. Vì sao? Vì pháp không thủ và xả. Nếu pháp thủ, xả thì là cầu thủ, xả, chẳng phải là cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu sự cất chứa. Vì sao? Vì pháp không cất chứa. Nếu thích cất chứa đó là cầu sự cất chứa, chẳng phải là cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu tướng của pháp. Vì sao? Vì pháp là vô tướng. Nếu theo tướng mà biết tức là cầu tướng chứ chẳng phải cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không trụ với pháp. Vì sao? Vì pháp không có chỗ trụ. Nếu trụ với pháp tức là cầu trụ, chứ chẳng phải cầu phap.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu thấy nghe và hay biết. Vì sao? Vì pháp không thể thấy nghe hay biết. Nếu hành thấy nghe hay biết tức là cầu sự thấy nghe hay biết, chứ chẳng phải là cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Người cầu pháp không cầu hữu vi. Vì sao? Vì pháp là vô vi, lìa tánh hữu vi. Nếu hành hữu vi, tức là cầu hữu vi chứ chẳng phải cầu pháp.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Cho nên, nếu muốn cầu pháp thì đối với tất cả pháp phải nên không có sự cầu.

Khi Vô Cấu Xứng giảng nói pháp ấy, có năm trăm Thiên tử xa lìa mọi cấu nhiễm của phiền não, ở trong các pháp được chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng hỏi Đại sĩ Diệu Cát Tường:

–Đại sĩ đã từng đi qua vô lượng, vô số trăm ngàn câu-chi cõi chư Phật trong mười phương thế giới, vậy Đại sĩ thấy những cõi Phật nào có tòa Sư tử đầy đủ công đức tốt đẹp thượng diệu?

Bồ-tát Diệu Cát Tường trả lời:

–Về phương Đông, cách đây ba mươi sáu hằng hà sa các cõi Phật có cõi Phật tên Sơn tràng. Như Lai nơi cõi ấy hiệu là Sơn Đăng Vương hiện đang trụ trì an ổn. Thân Đức Phật ấy cao tám mươi bốn ức du-thiện-na. Tòa Sư tử của Đức Phật ấy cao sáu mươi tám ức du-thiệnna. Thân của Bồ-tát nơi cõi ấy cao bốn mươi hai ức du-thiện-na, tòa Sư tử của Bồ-tát cao ba mươi bốn ức du-thiện-na.

Cư sĩ nên biết, tòa Sư tử của Như Lai nơi cõi ấy rất là thù diệu có đầy đủ công đức.

Khi đó, Bồ-tát Vô Cấu Xứng thu tâm nhập định phát sinh thần thông tự tại. Lập tức Đức Phật Sơn Đăng Vương ở thế giới Sơn tràng về phía Đông dời ba mươi hai ức tòa Đại sư tử cao rộng trang nghiêm sạch sẽ, nương hư không mà vào nhà Bồ-tát Vô Cấu Xứng. Điều này làm cho các Bồ-tát, đại Thanh văn, Thích, Phạm, chư Thiên, Hộ thế… xưa chưa từng thấy, chưa từng nghe. Nhà của ông ta sáng sủa rộng lớn nghiêm tịnh có thể dung chứa ba mươi hai ức tòa Sư tử mà không chướng ngại nhau, đại thành Quảng nghiêm, bốn đại châu như châu Thiệm-bộ… thành ấp, xóm làng, đô thị, đất nước trong các thế giới, cung điện của Trời, Rồng, Dạ-xoa, A-tố-lạc… cũng không bị chật hẹp. Tất cả đều thấy xưa sao bấy giờ vậy, không khác.

Lúc này, Bồ-tát Vô Cấu Xứng mời Bồ-tát Diệu Cát Tường lên ngồi tòa Sư tử cùng các Đại Bồ-tat và đại Thanh văn theo chỗ sắp đặt cùng đến an tọa, nhưng phải tự mình biến thân xứng với tòa Sư tử ấy. Các Đại Bồ-tát có thần thông đều biến thân cao bốn mươi hai ức duthiện-na lên ngồi tòa Sư tử một cách đoan nghiêm. Các vị Bồ-tát mới tu học thì không thể lên ngồi tòa sử tử được. Khi ấy, Bồ-tát Vô Cấu Xứng liền giảng nói chánh pháp để tất cả vị đó đạt được năm Thần thông, các vị liền dùng thần lực tự mình biến hóa thân cao bốn mươi hai ức du-thiện-na rồi lên tòa Sư tử ngồi rất nghiêm chỉnh. Còn các đại Thanh văn không thể nào lên tòa Sư tử để ngồi được.

Bấy giờ, Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói với Tôn giả Xá-lợi Tử:

–Vì sao Tôn giả không lên tòa ngồi.

Tôn giả Xá-lợi Tử nói:

–Tòa ấy cao lớn quá, tôi không thể nào lên được.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Tôn giả nên lễ kính Đức Phật Sơn Đăng Vương để xin ban cho thần lực thì mới có thể lên ngồi được.

Lúc ấy, các đại Thanh văn đều lễ kính Đức Phật Sơn Đăng Vương để xin ban cho thần lực và tất cả đều lên tòa Sư tử ngồi rất chỉnh tề.

Tôn giả Xá-lợi Tử nói:

–Thật kỳ diệu thay này cư sĩ! Ngôi nhà nhỏ như thế này lại có thể chứa trăm ngàn tòa Sư tử cao lớn nghiêm tịnh như vậy mà không bị chướng ngại, đến đại thành Quảng nghiêm, bốn đại châu như châu Thiệm-bộ…, thành ấp, xóm làng, đô thị, đất nước trong các thế giới, tất cả cung điện của Trời, Rồng, Dạ-xoa, A-tố-lạc… cũng không bị chật hẹp. Tất cả đều thấy trước sao nay vậy, không khác.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói:

–Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Chư Phật Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và Bồ-tát Không thoái chuyển có pháp giải thoát tên là Bất khả tư nghì. Nếu Bồ-tát trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì ấy thì có thể dùng thần lực đem núi chúa Diệu cao to lớn kia bỏ vào trong hạt cải mà hình thái và trọng lượng của hạt cải không tăng còn hình thái và trọng lượng của núi chúa Diệu cao thì không giảm. Mặc dù hiện tác dụng thần thông như vậy nhưng không làm cho bốn đại Thiên vương, trời Tam thập tam hay biết chúng ta đi đâu và vào đâu. Chỉ trừ những người nhờ sức thần thông để điều phục mới hay biết núi Diệu cao vào trong hạt cải. Cũng vậy, Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo và trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát Bất khả tư nghì. Cảnh giới ấy chẳng phải hàng Thanh văn, Độc giác có thể lường tính được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì này thì có thể dung thần lực đem nước nơi bốn biển sâu rộng bỏ vào lỗ chân lông mà hình thái và trọng lượng của lỗ chân lông không tăng, còn hình thể và trọng lượng của nước nơi bốn biển lớn không giảm. Mặc dù hiện tác dụng thần thông như vậy nhưng không làm cho các Rồng, Dạ-xoa, A-tố-lạc… biết chúng ta đến đâu và vào đâu. Cũng không làm cho các loài thủy tộc khác: cá, rùa, ba ba…, các rồng, thần… tất cả hữu tình lo sợ não hại, chỉ trừ những người nhờ sức thần thông để điều phục mới thấy nước của bốn biển lớn vào trong lỗ chân lông. Cũng vậy, Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo nơi trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì, cảnh giới mà hàng Thanh văn, Độc giác không thể lường tính được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì với tam thiên đại thiên thế giới có hình tướng, trọng lượng rộng lớn như vậy mà có thể dùng thần lực, phương tiện đem lấy đặt trong lòng bàn tay, giống như bánh xe của thợ gốm quay tròn rất mau lẹ, quăng ra ngoài hằng hà sa cõi khác, rồi đem trở về chỗ cũ mà không khiến cho thế giới tăng hay giảm. Mặc dù hiện tác dụng thần thông như vậy nhưng làm cho hữu tình đang sống nơi ấy không biết rằng chúng ta đi đâu và về đâu, hoàn toàn không làm cho họ có ý tưởng qua lại, cũng không bị não hại. Chỉ trừ những người nhờ thần thông để điều phục mới biết thế giới có đến có đi. Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì dùng phương tiện thiện xảo nơi trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì. Cảnh giới mà hàng Thanh văn, Độc giác không thể lường tính được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì như vậy, có các hữu tình cần có thời gian lâu dài để điều phục, có cac hữu tình cần thời gian ít để điều phục thì có thể dùng thần lực theo sự thích nghi của họ mà kéo dài bảy ngày làm một kiếp, khiến hữu tình ấy cho rằng đã qua một kiếp. Hoặc rút ngắn một kiếp thành bảy ngày khiến hưu tình kia cho rằng qua bảy ngày theo sự hiểu biết của họ để điều phục. Mặc dù hiện tác dụng thần thông như vậy, nhưng không làm cho hữu tình đã giáo hóa ấy biết có thời gian kéo dài hay rút ngắn. Chỉ trừ những người nhờ sức thần thông để điều phục biết thời gian đã kéo dài, rút ngắn. Cũng vậy, Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất bất tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo, nơi trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì. Cảnh giới mà hàng Thanh văn, Độc giác không thể lường tính được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì như vậy có thể dùng thần lực tập họp tất cả thế giới với các công đức trang nghiêm thanh tịnh của chư Phật đặt vào một cõi Phật để chỉ dạy cho các hữu tình. Lại dùng thần lực đem tất cả hữu tình trong một cõi Phật bỏ vào lòng bàn tay phải, rồi theo ý dùng uy lực nơi thần thông đi đến khắp mười phương, chỉ bày khắp tất cả cõi của chư Phật. Mặc dù đến tất cả cõi Phật nơi mười phương trụ vào một cõi Phật nhưng vẫn không bị lay động. Lại dùng thần lực từ một lỗ chân lông hiện ra tất cả vật cúng dường thượng diệu, đi qua khắp tất cả thế giới mười phương để cúng dường chư Phật, Bồ-tát và Thanh văn. Lại dùng thần lực từ một lỗ chân lông hiện lên tất cả mặt trời, mặt trăng, sao trong các thế giới nơi mười phương, lại dùng thần thong hút đại phong luân… của tất cả thế giới khắp mười phương bỏ vào trong miệng mà thân không bị tổn hại. Tất cả cỏ cây, rừng rậm, mặc dù gặp gió này nhưng hoàn toàn không bị lay động. Khi tất cả cõi Phật trong mười phương thế giới gặp kiếp thiêu lại dùng thần lực nuốt tất cả lửa vào trong bụng. Sức của lửa này cháy rực không dứt nhưng thân ấy hoàn toàn không bị tổn hại.

Lại dùng thần lực bưng một cõi Phật qua vô lượng câu-chi hằng hà sa cõi Phật ở phương dưới quăng trong một cõi Phật qua câu-chi hằng hà sa cõi Phật ở phương trên, chỉ giống như mũi kim nhọn đâm lá táo nhỏ quăng sang nơi khác mà hoàn toàn không bị tổn hại. Mặc dù hiện tác dụng thần thông như vậy nhưng người không có duyên thì không thấy, không biết, các hữu tình cũng không bị tổn hại. Chỉ trừ những người nhờ sức thần thông để điều phục thì mới thấy việc ấy. Cũng vậy, Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì dùng phương tiện thiện xảo và trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì, cảnh giới mà Thanh văn, Độc giác không thể nào lường tính được.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Nếu Bồ-tát an trụ nơi pháp giải thoát bất khả tư nghì như vậy thì có thể dùng thần lực hiện đủ sắc tướng của thân Phật, hoặc hiện các sắc tướng Thanh văn, Độc giác, hoặc hiện các sắc tướng của Bồ-tát có đầy đủ các tướng trang nghiêm. Hoặc hiện làm Phạm vương, Đế Thích, bốn đại Thiên vương, Chuyển luân vương… Hoặc dùng thần lực biến các hữu tình thành thân Phật và các Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác, Thích, Phạm, Hộ thế, Chuyển luân vương… Hoặc dùng thần lực biến tất cả âm thanh sai khác bậc thượng, bậc trung, bậc hạ của các hữu tình trong mười phương thành một âm thanh vi diệu đệ nhất của Đức Phật. Từ âm thanh của Đức Phật này diễn nói những ngôn ngữ sai khác về nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã, cứu cánh Niết-bàn, tịch tĩnh, cho đến tất cả âm thanh thuyết pháp của chư Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Độc giác đều từ trong đó phát ra. Cho đến tất cả âm thanh sai biệt về chữ, từ, câu của thân chư Phật mười phương giảng nói cũng đều phát ra từ âm thanh của Đức Phật ấy, khiến cho tất cả hữu tình được nghe và tùy theo sự sai biệt ấy mà đều được điều phục.

Hoặc dùng thần thông theo các âm thanh sai biệt cua các hữu tình nơi mười phương, rồi ứng theo từng hạng mà phát ra những âm thanh giảng nói diệu pháp, khiến cho các hữu tình được lợi ích.

Thưa Tôn giả Xá-lợi Tử! Nay tôi nói sơ lược về sự việc Bồ-tát

an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo và trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì. Nếu tôi có giảng nói, trải qua một kiếp hay hơn một kiếp hoặc quá hơn đó nữa thì với trí tuệ biện tài cũng không thể cùng tận. Trí tuệ biện tài của tôi cũng không cùng tận. Bồ-tát an trụ vào cảnh giới bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo và trí lực nhập vào cảnh giới giải thoát bất khả tư nghì cũng không cùng tận, vì nó là vô lượng.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp-ba nghe nói thần lực giải thoát bất khả tư nghì của Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát bất khả tư nghì liền khen ngợi là chưa từng có và nói với Tôn gia Xá-lợi Tử:

–Ví như có người đứng đối diện với người mù, mặc dù người ấy có thể biểu hiện những hình tượng sai khác nhưng người mù kia hoàn toàn không thể thấy. Cũng vậy, tất cả Thanh văn, Độc giác đều giống như người mù kia, không có con mắt thù thắng, nghe nói thần lực giải thoát bất khả tư nghì của Bồ-tát an trụ nơi giải thoát bất khả tư nghì hiện ra, cho đến một việc cũng không thể hiểu nổi. Người nam, người nữ nào có trí, nghe nói về thần lực giải thoát bất khả tư nghì ấy mà lại không phát tâm Chánh đẳng giác Vô thượng. Đối với pháp Đại thừa này, chúng ta hiện cũng như hạt giống hư hoại, mất hẳn các căn, không làm gì được nữa. Nghe nói ve thần lực giải thoát bất khả tư nghì, hàng Thanh văn, Độc giác chúng ta đều nên kêu khóc chấn động cả tam thiên đại thiên thế giới. Còn tất cả các Bồ-tát nghe nói về thần lực giải thoát bất khả tư nghì thì đều hân hoan, vui mừng, cung kính thọ trì, giống như thái tử con vua nhận ngôi Quán đảnh, càng thêm có uy lực, có lòng tin hiểu kiên cố. Nếu các Bồ-tát nghe nói về thần lực giải thoát bất khả tư nghì này tất có tâm tin hiểu kiên cố, còn tất cả ma vương, các chúng ma không thể nào làm gì được với các Bồ-tát ấy.

Tôn giả Đại Ca-diếp-ba giảng nói như vậy thì trong chúng có ba vạn hai ngàn Thiên tử đều phát tâm Chánh đẳng giác Vô thượng.

Bấy giờ, Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói với Tôn giả Đại Ca-diếp-ba:

–Những kẻ làm ma vương trong vô lượng, vô số thế giới khắp mười phương, phần đông đều là Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo để làm ma vương, vì muốn tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các hữu tình.

Thưa Tôn giả Đại Ca-diếp-ba! Tất cả các Bồ-tát trong vô lượng, vô số thế giới khắp mười phương, nếu có người đến xin vị ấy tay, chân, mũi, tai, đầu, mắt, tủy, não, máu, thịt, gân cốt, tất cả những bộ phận trên thân thể cho đến vợ con trai gái, nô tỳ thân thuộc, xóm làng, thành ấp, đô thị, bốn bộ châu…, những của cải nơi ngôi vị vua, các vật trang sức như châu báu, vàng bạc, trân châu, san hô, loa bối, lưu ly…, nhà cửa, giường chiếu, y phục, thức ăn uống, thuốc thang, voi ngựa, xe cộ, các thuyền lớn nhỏ, binh khí, quân chúng, tất cả đến hối thúc để xin thì phần đông những người đó là Bồ-tát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo, hiện làm những việc như vậy để thử Bồ-tát, mục đích là để biết ý lạc kiên cố chăng. Vì sao? Vì các Bồ-tát dũng mãnh tăng thượng vì muốn đem lại lợi ích cho các hữu tình mà thị hiện những đại sự khó khăn như vậy. Kẻ phàm phu thấp kém, lại không có uy lực thì không thể nào hối thúc Bồ-tát để cầu xin được.

Thưa Tôn giả Đại Ca-diếp-ba! Ví như lửa đom đóm hẳn không có oai lực để che ánh sáng mặt trời. Cũng vậy, kẻ phàm phu thấp kém, không có oai lực để đến hối thúc Bồ-tát nhằm cầu xin như vậy.

Thưa Tôn giả Đại Ca-diếp-ba! Ví như voi quý hiện rõ oai lực chiến đấu, loài lừa không thể chống cự được, chỉ có voi quý chiến đấu với voi quý. Cũng vậy, kẻ phàm phu thấp kém không có uy lực để bức bách Bồ-tát. Chỉ có Bồ-tát hối thúc với Bồ-tát mà thôi. Đó gọi là Bồtát an trụ vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì, dùng phương tiện thiện xảo nơi trí tuệ nhập vào cảnh giới giải thoát bất tư nghì.

Khi giảng nói pháp này, có tám ngàn Bồ-tát được hội nhập nơi cảnh giới của Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo trí lực nhập vào pháp giải thoát Bất khả tư nghì.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận