Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Vô Cấu Xưng

KINH PHẬT THUYẾT VÔ CẤU XƯNG

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

Phẩm 5: THĂM BỆNH

Khi ấy, Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Cát Tường:

–Ông hãy đến thăm bệnh Bồ-tát Vô Cấu Xứng.

Bồ-tát Diệu Cát Tường thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại cư sĩ ấy khó bề đối đáp lại được, vì ông ấy đã thể nhập sâu vào pháp môn, có khả năng hiện thuyết khéo léo, trụ vào biện tài vi diệu, trí tuệ vô ngại, đã hoàn thành những sự nghiệp của tất cả Bồ-tát, tùy ý nhập vào chỗ bí mật của chư Như Lai và các Đại Bồ-tát, thâu phục chúng ma, đã sử dụng phương tiện thiện xảo thuận hợp, đã đạt đến chỗ tối thắng không hai, không xen tạp, nẻo hành về pháp giới đã rốt ráo đến bờ bên kia, với một tướng, ông ta có thể trang nghiêm cả pháp giới, giảng pháp môn vô biên tướng trang nghiêm, thấu rõ căn hành của tất cả hữu tình, có thể hiện bày các thần thông với diệu dụng tối thắng, đạt đến chỗ đại trí tuệ phương tiện thiện xảo, đã giải quyết được tất cả những vấn đáp một cách tự tại, không sợ, không phải là những lý lẽ thấp kém, dù sắc bén, có thể tranh biện nổi. Tuy vậy, con sẽ nương nơi oai thần của Phật đến thăm bệnh ông ta. Đến đó, con sẽ tùy theo năng lực của mình để đàm luận.

Thế rồi, trong chúng có các Bồ-tát và đại đệ tử Thanh văn, Thích, Phạm, Hộ thế, chư Thiên… đều nghĩ: “Hai vị Bồ-tát này đều là người có thắng giải quảng đại sâu xa. Nếu cùng nhau bàn luận quyết định là nói giáo pháp vi diệu. Vì nghe pháp, chúng ta cũng sẽ đốc suất nhau đi theo đến đó.”

Bấy giờ, trong chúng có tám ngàn vị Bồ-tát, năm trăm vị Thanh văn, vô lượng trăm ngàn Thích, Phạm, chư Thiên, Hộ thế… vì nghe pháp nên xin đi theo. Lúc này, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng các Bồtát, đại đệ tử Thanh văn, Thích, Phạm, chư Thiên, Hộ thế cung kính đảnh lễ Thế Tôn rồi cùng nhau ra khỏi rừng Yêm-la đến thành Quảng nghiêm để thăm bệnh Bồ-tát Vô Cấu Xứng. Khi ấy, Vô Cau Xứng suy nghĩ: “Ta nên dùng thần lực biến thành nhà trống, không còn những giường chiếu, ghế ngồi, của cải, vật dụng và những người hầu… Chỉ để lại một chiếc giường hiện đang nằm bệnh.” Sau khi nghĩ như vậy, Vô Cấu Xứng liền dùng sức đại thần thông làm cho nhà mình trống không, không còn vật gì cả, chỉ để lại một chiếc giường hiện đang nằm bệnh mà thôi.

Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Cát Tường cùng đại chúng vào nhà ông ta, nhưng thấy nhà trống không, không có những vật dụng cả người thị giả nữa, chỉ có một chiếc giường Vô Cấu Xứng đang nằm. Thấy Bồtát Diệu Cát Tường, Bồ-tát Vô Cấu Xứng vui mừng chào:

–Lại đây, không đến mà đến, không thấy mà thấy, không nghe mà nghe.

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Đúng rồi, cư sĩ! Nếu đã đến tức là không còn đến, đã đi tức là không còn đi. Vì sao? Đã đến chẳng phải từ đâu đến, đã đi chẳng phải từ chỗ nào đi. Đã thấy tức là không còn thấy, đã nghe tức là không còn nghe. Thôi hãy gác việc đó qua một bên. Này cư sĩ! Bệnh ấy có chịu nổi không? Mạng sống có thể cứu được không? Giới có điều hòa không? Bệnh có thể trị liệu được chăng? Có thể làm cho bệnh ấy đừng tăng nữa được chăng? Thế Tôn ân cần gởi lời thăm ông. Này cư sĩ! Bệnh có thuyên giảm chút nào chăng? Đi đứng khí lực có được khỏe không? Nguồn gốc của bệnh do đâu mà có? Bệnh đã bao lâu rồi? Phải làm sao cho hết bệnh?

Vô Cấu Xứng nói:

–Vô minh nên có ái của các hữu tình sinh ra đã lâu rồi, bệnh này của tôi sinh ra cũng như vậy. Lâu xa trước cả sinh tử đến nay. Vì hữu tình bệnh nên tôi cũng bệnh. Nếu hữu tình hết bệnh thì tôi cũng hết bệnh. Vì sao? Vì tất cả Bồ-tát theo các hữu tình trôi mãi dòng sinh tử, do theo vào sinh tử thì có bệnh. Nếu các hữu tình lìa được bệnh khổ thì các Bồ-tát không còn bệnh. Ví như cư sĩ, trưởng giả ở thế gian chỉ có một người con duy nhất nên rất yêu thương, cưng chìu không muốn xa nó. Nếu đứa con bệnh thì cha mẹ cũng benh, còn như con lành bệnh thì cha mẹ cũng hết bệnh. Cũng vậy, Bồ-tát thương các hữu tình giống như con một. Nếu hữu tình bệnh thì Bồ-tát cũng bệnh, hữu tình hết bệnh thì Bồ-tát hết bệnh. Đại sĩ lại hỏi bệnh ấy từ đâu ma có? Bồ-tát có bệnh là do tâm đại Bi sinh ra.

Bồ-tát Diệu Cát Tường hỏi:

–Này cư sĩ! Vì sao nhà này hoàn toàn trống không, lại không có cả người hầu?

Vô Cấu Xứng nói:

–Tất cả cõi Phật đều không.

Bồ-tát Diệu Cát Tường hỏi:

–Lấy gì làm không?

Vô Cấu Xứng trả lời:

–Lấy không làm không.

Hỏi:

–Không này vì sao lại không?

Đáp:

–Vì không này không phân biệt nên không.

Hỏi:

–Tánh không có thể phân biệt được sao?

Đáp:

–Nó có thể phân biệt nhưng cũng đều không. Vì sao? Vì tánh không không thể phân biệt nên là không.

Hỏi:

–Không này phải tìm ở đâu?

Đáp:

–Tìm trong sáu mươi hai kiến chấp.

Hỏi:

–Sáu mươi hai kiến chấp này nên tìm ở đâu? Đáp:

–Tìm trong các pháp giải thoát của chư Phật.

Hỏi:

–Pháp giải thoát của chư Phật phải tìm ở đâu?

Đáp:

–Tìm trong tâm hành của tất cả hữu tình. Đại sĩ lại hỏi vì sao không có thị giả? Tất cả ma oán và các ngoại đạo đều là thị giả của tôi cả. Vì sao? Vì tất cả ma oán vui thích sinh tử, tất cả ngoại đạo thì ham thích các kiến chấp. Với những thứ ấy, Bồ-tát đều nhàm chán, xa lìa. Cho nên oán ma và ngoại đạo là thị giả của tôi.

Bồ-tat Diệu Cát Tường hỏi:

–Này cư sĩ! Bệnh này tướng như thế nào?

Đáp:

–Bệnh của tôi hoàn toàn không có sắc tướng, cũng không thể thấy.

Hỏi:

–Bệnh này tương ưng với thân hay tương ưng với tâm?

Đáp:

–Bệnh của tôi chẳng tương ưng với thân vì lìa tướng thân, cũng tương ưng với thân vì như ảnh tượng. Chẳng tương ưng với tâm vì lìa tướng tâm, cũng tương ưng với tâm vì như huyễn hóa.

Hỏi:

–Địa, thủy, hỏa, phong giới, trong bốn giới này bệnh thuộc vào giới nào?

Đáp:

–Thân của các hữu tình đều do bốn đại mà có. Vì chúng có bệnh nên tôi bệnh. Nhưng bệnh này chẳng phải do bốn đại ấy sinh vì lìa tánh của giới.

Bồ-tát Diệu Cát Tường hỏi:

–Bồ-tát an ủi Bồ-tát bị bệnh như thế nào để họ được vui vẻ?

Vô Cấu Xứng trả lời:

–Chỉ bảo thân vô thường nhưng khuyên không nhàm chán thân. Chỉ bảo thân có khổ mà không khuyên thích nhập Niết-bàn. Chỉ bảo thân là vô ngã nhưng khuyên làm thành thục cho các hữu tình. Chỉ bảo thân là không tịch nhưng không khuyên tu tịch diệt rốt ráo. Chỉ bảo sám hối tội trước nhưng không nói tội có thay đổi. Khuyên lấy bệnh của mình mà thương các hữu tình để trừ bệnh cho họ. Khuyên phải nhớ đến tội khổ lúc trước đã chịu mà làm lợi ích cho hữu tình. Khuyên phải nhớ vô lượng gốc lành đã tu để tu mạng thanh tịnh. Khuyên đừng sợ hãi mà phải tinh tấn dũng mãnh. Khuyên phát nguyện rộng lớn mà làm đại y vương trị liệu các bệnh thân tâm của các chúng sinh để vĩnh viễn được tịch diệt. Bồ-tát nên an ủi Bồ-tát bị bệnh như vậy để họ được vui vẻ.

Bồ-tát Diệu Cát Tường hỏi:

–Bồ-tát trị bệnh phải điều phục tâm như thế nào?

Vô Cấu Xứng nói:

–Bồ-tát bị bệnh nên nghĩ như vầy: Bệnh này của ta đều do phiền não, vọng tưởng điên đảo hư dối từ đời trước sinh ra. Trong thân hoàn toàn không có một pháp nào chân thật cả, vậy ai có thể chịu bệnh đó. Vì sao? Vì do bốn đại hòa hợp lại giả gọi là thân, trong các đại không có chủ, thân cũng không có ngã. Nếu bệnh này do chấp ngã sinh ra thì không nên vọng sinh chấp ngã. Nên hiểu rõ chấp ngã này là nguồn gốc đưa đến bệnh. Vì vậy nên trừ diệt tất cả ý tưởng về ngã, an trụ vào ý tưởng pháp. Nên nghĩ: Do các pháp hòa hợp lại mà thành ra thân này, sinh diệt xoay vần, vậy sinh chỉ do pháp sinh, diệt chỉ do pháp diệt. Như thế, các pháp xoay vần liên tục nhưng chúng không biết lẫn nhau lại không nhớ nghĩ đến. Khi sinh không nói là ta sinh, đến khi diệt không nói là ta diệt. Bồ-tát có bệnh nên biết đúng đắn về pháp tưởng như vậy. Pháp tưởng này của ta là điên đảo. Hễ có pháp tưởng là có đại hoạn, ta nên trừ bỏ chúng, cũng cần phải diệt trừ tất cả đại hoạn của hữu tình. Làm thế nào để trừ đại hoạn ấy? Nghĩa là phải trừ bỏ chấp nga và ngã sở. Làm thế nào để trừ bỏ chấp ngã và ngã sở? Là lìa bỏ hai pháp. Làm sao lìa hai pháp? Là với pháp trong và pháp ngoài hoàn toàn không hành. Làm thế nào để không hành hai pháp? Là quán bình đẳng, không động, không chuyển, không có đối tượng để quan sát. Bình đẳng thế nào? Nghĩa là ngã và Niết-bàn cả hai đều bình đẳng. Vì sao? Vì tánh của hai pháp là không. Hai pháp ấy đã không có vậy lấy cái gì làm không? Chỉ dùng danh tự giả gọi là không. Hai pháp ấy không thật, đã thấy bình đẳng thì không còn bệnh gì nữa cả, chỉ có cái bệnh không, nên quán bệnh không ấy cũng là không. Vì sao? Vì bệnh không ấy hoàn toàn là không. Bồ-tát có bệnh, đem cái không có sự thọ mà thọ nhận các thọ. Nếu đối với pháp Phật mà chưa được viên mãn thì không nên diệt thọ để có chỗ chứng đạt, phải lìa hai pháp chủ thể thọ và đối tượng được thọ. Nếu khổ chạm vào thân thì nên thương tất cả hữu tình trong đường nguy hiểm mà phát tâm đại Bi diệt trừ các khổ cho họ. Bồ-tát có bệnh nên nghĩ như vầy: Đã diệt trừ bệnh của mình thì cũng nên trừ bỏ các bệnh của hữu tình. Khi diệt trừ bệnh của mình và người như vậy, thì không có một pháp nhỏ nào để có thể trừ diệt. Nên quán sát đúng đắn bệnh do nhân duyên sinh, hãy mau diệt trừ, vì họ mà giảng nói chánh pháp. Sao gọi là bệnh do nhân duyên sinh? Nghĩa là có duyên suy nghĩ, các thứ duyên suy nghĩ này đều là nhân của bệnh. Hễ ai có duyên suy nghĩ thì đều có bệnh. Duyên suy nghĩ vào đâu? Duyên vào ba cõi. Làm sao biết duyên suy nghĩ như vậy? Nghĩa là thông đạt rõ ràng, đúng đắn chỗ có duyên suy nghĩ này hoàn toàn là không thủ đắc. Nếu không thủ đắc thì không duyên suy nghĩ. Làm thế nào để chấm dứt duyên suy nghĩ, nghĩa là không duyên vào nhị kiến. Thế nào là nhị kiến? Là nội kiến và ngoại kiến. Nếu không có hai kiến này thì vô sở đắc. Đã vô sở đắc thì duyên suy nghĩ hoàn toàn chấm dứt. Vì duyên suy nghĩ hoàn toàn chấm dứt nên không có bệnh. Nếu mình không có bệnh thì đoạn diệt bệnh của hữu tình.

Thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường! Bồ-tát có bệnh nên điều phục tâm như vầy: Chỉ có Bồ-đề của Bồ-tát mới có thể đoạn trừ tất cả khổ già, bệnh, chết. Nếu tự mình không siêng năng tu hành như vậy tức là bị vứt bỏ uổng phí. Vì sao? Vì như người chiến thắng quân địch thì mới gọi là người dũng tướng. Cũng vậy, nếu đoạn dứt hẳn khổ già, bệnh, chết thì mới gọi là Bồ-tát.

Thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường! Bồ-tát bệnh nên tự mình quán sát, nếu bệnh này của ta chẳng phải thật, chẳng phải có, thì tất cả bệnh của các hữu tình cũng chẳng phải thật, chẳng phải có. Khi quán như vậy không nên lấy ái kiến buộc tâm mình vào các hữu tình để phát sinh tâm đại Bi, mà cần phải đoạn trừ phiền não của khách trần để phát sinh tâm đại Bi với các hữu tình. Vì sao? Vì nếu Bồ-tát đem ái kiến buộc tâm mình, phát sinh tâm đại Bi với các hữu tình thì tức là nhàm chán sinh tử. Nếu đoạn trừ phiền não của khách trần, phát sinh tâm đại Bi với các hữu tình tức là không nhàm chán sinh tử. Vì các hữu tình mà Bồ-tát ở trong sinh tử không nhàm chán, không bị ái kiến trói buộc tâm mình. Vì không bị ái kiến trói buộc tâm nên ở trong sinh tử đều không bị trói buộc. Vì không bị trói buộc trong sinh tử nên được giải thoát. Vì ở trong sinh tử được giải thoát nên có năng lực giảng nói pháp vi diệu khiến cho các hữu tình xa lìa sự trói buộc, chứng đắc giải thoát. Đức Thế Tôn căn cứ vào mật ý này mà nói. Nếu bản thân mình bị trói buộc mà cởi tháo trói buộc cho người thì không có vấn đề ấy. Còn như bản thân mình đã tháo gỡ sự trói buộc thì có thể tháo gỡ trói buộc cho người, việc này là có thực. Cho nên Bồ-tát dốc cầu giải thoát, xa lìa các sự trói buộc.

Thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường! Sao gọi là Bồ-tát bị trói buộc? Sao gọi là Bồ-tát được giải thoát? Nếu các Bồ-tát tham đắm, chấp vào những sự tu về tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí thì gọi là Bồ-tát bị trói buộc. Nếu các Bồ-tát dùng phương tiện thiện xảo giúp đỡ các hữu tình nhưng không chấp trước đó là Bồ-tát được giải thoát. Nếu không có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu thì gọi là trói buộc. Nếu có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu thì gọi là giải thoát. Vì sao Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là trói buộc? Nghĩa là Bồ-tát lấy pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện để tự điều phục mình, không dùng tướng tốt trang nghiệm nơi thân mình, trang nghiêm cõi Phật làm thành thục cho các chúng sinh. Bồ-tát này không có phương tiện thiện xảo thau giữ tuệ diệu nên gọi là trói buộc. Vì sao Bồ-tát có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là giải thoát? Nghĩa là Bồ-tát lấy pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện để điều phục tâm mình, quán sát các pháp hữu tướng, vô tướng tu tập để chứng đắc, lại dùng tướng tốt trang sức thân mình, trang nghiêm cõi Phật, làm thành thục chúng sinh. Các Bồ-tát này có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là giải thoát. Vì sao Bồ-tát không có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là trói buộc? Nghĩa là Bồ-tát an trụ vào các kiến, tất cả phiền não trói buộc tùy miên, tuy tu các gốc lành nhưng không hồi hướng lên Chánh đẳng Bồ-đề, lại chấp trước sâu chặt vào đó. Bồ-tát này không có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là trói buộc. Vì sao Bồ-tát có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là giải thoát? Nghĩa là các Bồ-tát xa lìa các kiến, nghĩa là tất cả phiền não trói buộc, tùy miên, tu các gốc lành hồi hướng lên Chánh đẳng Bồ-đề mà không chấp trước. Bồ-tát này có phương tiện thiện xảo thâu giữ tuệ diệu gọi là giải thoát.

Thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường! Bồ-tát có bệnh nên quán các pháp, thân và bệnh đều là vô thường, khổ, không, vô ngã đó gọi là tuệ. Mặc dù thân có bệnh nhưng thường ở trong sinh tử làm lợi ích cho hữu tình mà không hề mệt mỏi, đó gọi là phương tiện. Lại quán thân tâm và các bệnh xoay vần nương vào nhau lưu chuyển mãi không có đầu mối, sinh diệt không gián đoạn, chẳng phải mới, chẳng phải cũ, đó gọi là tuệ. Không mong cầu thân, tâm và các bệnh hoàn toàn tịch diệt, đó gọi là phương tiện.

Thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường! Bồ-tát có bệnh nên điều phục tâm mình như vầy: Không nên an trụ vào tâm điều phục hay không điều phục. Vì sao? Vì nếu trụ vào tâm không điều phục thì đó là pháp của phàm phu. Nếu trụ vào tâm điều phục thì đó là pháp của Thanh văn. Cho nên Bồ-tát không an trụ vào hai biên này, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu ở chỗ ấy, chẳng phải nẻo hành của phàm phu, chẳng phải nẻo hành hóa của bậc Thánh thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu ở chỗ quán sát chốn hành của sinh tử mà không có chốn hành của tất cả phiền não, thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu ở chỗ quán sát chốn hành của Niết-bàn mà không có chốn hành tịch diệt rốt ráo thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu ở chỗ thị hiện chốn hành của bốn ma nhưng vượt qua chốn hành của tất cả ma sự, thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu cầu nẻo hành của trí Nhất thiết trí mà không có nẻo hành của phi thời chứng trí, thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu cầu nẻo hành của trí bốn Đế diệu mà không có chốn hành phi thời chứng đế thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu quán sát đúng đắn về chốn hành của nội chứng nên bao gồm chốn hành của sinh tử, thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu hành theo chốn hành của tất cả duyên khởi là có thể xa lìa chốn hành của kiến chấp thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu hành theo nẻo hành hóa tất cả hữu tình và các pháp lìa nhau mà không có nẻo hành phiền não tùy miên thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu quán sát đúng đắn chon hành vô sinh mà không rơi vào chốn hành của chánh tánh nơi Thanh văn thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu bao gồm tất cả chốn hành hóa của hữu tình mà không có chốn hành của phiền não, tùy miên thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu thật sự ưa thích chốn hành xa lìa mà không cầu chốn hành của thân tâm tận diệt thì đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu thích quán sát chốn hành của ba cõi mà không hoại chốn hành của pháp giới, thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát tánh Không mà có chốn hành cầu tất cả công đức thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát Vô tướng mà chốn hành cầu độ thoát hữu tình thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát Vô nguyện mà có chốn hành thị hiện có cõi thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại vô tác mà có chốn hành thường tạo tất cả căn lành không thay đổi đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại nơi sáu Độ nhưng chốn hành không hướng đến diệu trí nơi bờ bên kia của tâm hành hữu tình, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát bốn Tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả mà có chốn hành không cầu sinh vào cõi Phạm thiên, đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại nơi sáu Thần thông mà có chốn hành không hướng đến chứng đắc lậu tận thì gọi là nẻo hành hóa của Bồtát. Nếu chốn hành thích kiến lập các pháp mà có chốn hành không duyên dựa theo tà đạo, thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sat sáu niệm mà có chốn hành không theo đó sinh ra các lậu thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát phi chướng mà có chốn hành không mong cầu tạp nhiễm, đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát các định tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí mà có chốn hành không theo thế lực của các định để đến thọ sinh, đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại niệm trụ mà có chốn hành không mong cầu xa lìa thân thọ tâm pháp, đó là chốn hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại nơi chánh đoạn mà không thấy hai pháp thiện và bất thiện, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại nơi thần túc mà có chốn hành của thần túc biến hóa tự tại không dụng công, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích qua lại nơi năm Căn mà có chốn hành với diệu trí không phân biệt các căn thắng liệt của tất cả hữu tình, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích an trụ vào năm Lực mà có chốn hành cầu mười Lực của Như Lai thì gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích an trụ vào sự viên mãn của bảy Đẳng giác chi mà có chốn hành không cầu sự sai biệt nơi diệu trí thiện xảo của pháp Phật, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích an trụ vào sự viên mãn của tám Chánh đạo mà có chốn hành không nhàm chán đám tà đạo, đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành cầu tư lương Chỉ, Quán mà chốn hành không rơi vào tịch diệt rốt ráo, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồtát. Nếu chốn hành thích quán sát các pháp không có tướng sinh diệt mà chốn hành dùng tướng tốt trang nghiêm thân mình, thành tựu tất cả Phật sự đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích thị hiện oai nghi của Thanh văn, Độc giác mà chốn hành không lìa bỏ duyên suy nghĩ về tất cả pháp Phật đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành tùy theo với bản tánh hoàn toàn thanh tịnh, thường tịch nơi định diệu của các pháp mà có chốn hành chẳng phải là chẳng tùy theo sự ưa thích oai nghi nơi tất cả hữu tình, đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích quán sát tất cả cõi Phật là tánh không tịch, không thành, không hoại, như hư không mà có chốn hành chẳng phải là chang thị hiện tất cả công đức trang nghiêm nơi cõi Phật, làm lợi ích cho các hữu tình, đó là nẻo hành hóa của Bồ-tát. Nếu chốn hành thích thị hiện tất cả pháp Phật, chuyển pháp luân, vào đại Niếtbàn, làm Phật sự, mà co chốn hành chẳng phải là chẳng tu hành những sự sai biệt của hạnh Bồ-tát, đó gọi là nẻo hành hóa của Bồ-tát.

Khi Bồ-tát Vô Cấu Xứng giảng nói tất cả nẻo hành hóa là việc hiếm có của Bồ-tát, thì tám ức đồng tử mà Bồ-tát Diệu Cát Tường dẫn theo, được nghe pháp, đều phát tâm cầu quả đạo Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận