KINH PHẬT THUYẾT VÔ CẤU XƯNG
Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Phẩm 2: HIỂN BÀY PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO BẤT KHẢ TƯ NGHÌ
Bấy giờ, trong thành Quảng nghiêm có Đại Bồ-tát thuộc dòng
Ly Chiêm Tỳ tên Vô Cấu Xứng, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật, đã trồng sâu căn lành với chư Phật; đắc đại biện tài vi diệu, đầy đủ Nhẫn vô sinh, đạt các Tổng trì, có thần thông tự tại, đạt vô sở úy, đánh bại sức ma oán, thể nhập sâu vào cửa pháp, Trí độ đã hoàn mãn, thông đạt các phương tiện, đại nguyện đã tròn đủ, biết rõ những ý thích và các hành của chúng sinh, biết rõ các căn hơn kém của muôn loài, Trí độ đã thành tựu, thuyết pháp thông suốt, chín chắn tu tập Đại thừa, làm việc gì cũng suy nghĩ kỹ càng, luôn sống trong oai nghi của Phật, tâm nhập vào biển tuệ, được chư Phật tin tưởng, khen ngơi, diễn nói, được Phạm vương Hộ Thế kính lạy. Vì muốn làm thành thục cho các hữu tình nên Bồ-tát Vô Cấu Xứng dùng phương tiện khéo léo ở thành Quảng nghiêm, giàu có vô tận, giúp đỡ làm lợi ích cho kẻ nghèo khổ không nơi nương tựa cậy nhờ, đầy đủ giới thanh tịnh, bảo hộ giúp đỡ những ai phạm giới vượt giới, đem tâm nhẫn nhục điều phục làm lợi ích cho những ai sân giận, ganh ghét, bị đánh đập khổ sở, dùng đại tinh tấn giúp đỡ những ai biếng nhác buông lung, an trụ vào chánh niệm tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí để giúp đỡ những kẻ tâm tán loạn, dùng sự lựa chọn chính xác nhất định để giúp đỡ những kẻ vọng kiến tuệ ác. Mặc dù là cư sĩ nhưng vị ấy có đầy đủ công đức oai nghi của một Sa-môn, mặc dù ở tại nhà nhưng không bị vướng vào ba cõi, mặc dù thị hiện có vợ con nhưng luôn tu hành phạm hạnh, mặc dù thị hiện có quyến thuộc nhưng thích xa lìa, mặc dù mặc y phục trang sức quý báu nhưng trang nghiêm thân bằng các tướng tốt đẹp, mặc dù thị hiện nhận thức ăn nhưng lấy mùi vị bằng tĩnh lự đẳng chí, mặc dù thích vui chơi đánh cờ nhưng thật sự luôn vì làm thành tựu đầy đủ cho các hữu tình, mặc dù tuân theo những quy luật lễ nghi của ngoại đạo nhưng với pháp Phật thì ưa thích không hoại, mặc dù biết rõ về thư luận thế gian nhưng ở trong phòng luôn thuởng thức, nghiền ngẫm pháp lạc, mặc dù thị hiện trong tất cả chúng hội, thành ấp nhưng luôn là người thượng thủ về nêu giảng pháp, vì tuân theo giáo lý thế gian nhưng đối với những người tôn quý, ti tiện làm việc gì cũng đều thị hiện không trái ngược họ, mặc dù không mong cầu của cải quý báu nơi thế gian nhưng đối với điều lợi ở thế tục thì thị hiện những thói quen thế tục, vì làm lợi ích cho muôn loài mà đi vào chợ búa, vì bảo vệ quần sinh mà làm công việc của vua, vào chỗ giảng noi luận bàn thì dùng pháp Đại thừa để hướng dẫn, vào các học đường để dạy dỗ kẻ mới học, vào nhà mại dâm để chỉ bày tội lỗi của dâm dục, vì kiến lập chánh niệm, chánh tri mà dạo chơi nơi kỹ nhạc. Nếu ở chỗ trưởng giả là người tôn kính trong hàng trưởng giả thì giảng nói thắng pháp cho họ. Nếu ở chỗ cư sĩ, là người tôn kính trong hàng cư sĩ, thì đoạn trừ tham chấp cho họ. Nếu ở chỗ Sát-đế-lợi, thì là người tôn kính trong hàng Sát-đế-lợi, lấy nhẫn nhục giáo hóa. Nếu ở chỗ Bà-la-môn, là người tôn kính trong hàng Bà-la-môn, thì trừ ngã mạn cho họ. Nếu ở chỗ đại thần, là người tôn kính trong hàng đại thần, thì lấy chánh pháp giáo hóa. Nếu ở chỗ vương tử là người tôn kính trong hàng vương tử, thì lấy trung hiếu để chỉ dạy. Nếu ở chỗ nội quan, là người tôn kính trong hàng nội quan, thì giáo hóa các cung nữ. Nếu ở chỗ thứ dân, là người tôn quý trong hàng thứ dân, thì tu tập phước nghiệp tương tự với ý thích thù thắng. Nếu ở chỗ Phạm thiên, là người tôn kính trong hàng Phạm thiên, thì chỉ dạy chúng Phạm thiên về các tĩnh lự sai khác. Nếu ở chỗ Đế Thích, là người tôn kính trong hàng Đế Thích, thì thị hiện tự tại, tất cả đều vô thường. Nếu ở chỗ Hộ thế, là người tôn kính trong hàng Hộ thế, thì giữ gìn tất cả chúng sinh được lợi ích an lạc.
Bồ-tát Vô Cấu Xứng dùng vô lượng phương tiện nơi nẻo tuệ thien xảo bất khả tư nghì như vậy để làm lợi ích cho các hữu tình. Ông ta dùng phương tiện thị hiện bị bệnh. Do ông ta bệnh, nên các hàng quốc vương, đại thần, trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn,… các vương tử đều đến thăm bệnh.
Khi ấy, nhân vì thân bệnh, Vô Cấu Xứng giảng pháp cho họ:
–Thưa các vị, thân do bốn đại chủng hợp thành. Nó vô thường, không chắc thật, không lâu bền, không có sức mạnh, khô héo mau chóng, không thể nào giữ gìn mãi được, là đồ chứa các bệnh khổ não, nhiều tội lỗi, là pháp biến đổi hư hoại.
Thưa các vị, thân là như vậy, người thông minh có trí tuệ không nương vào. Thân như đống bọt nước không thể nắm lấy, thân như bong bóng nước không đứng lâu, thân như sóng nắng do khát ái phiền não sinh ra, thân như cây chuối hoàn toàn không có lõi cứng, thân như huyễn do điên đảo sinh khởi, thân như mộng vì thấy hư vọng, thân như ảnh do nghiệp duyên mà hiện ra, thân như tiếng vang lệ thuộc vào các nhân duyên, thân như mây biến đổi trong chốc lát, thân như ánh chớp thay đổi trong mỗi niệm, thân không có chủ vì như đất, thân là vô ngã vì như nước, thân không phải hữu tình vì như lửa, thân không phải thọ mạng vì như gió, thân không phải Bổ-đặc-già-la vì như hư không, thân không thật vì lấy bốn đại làm nhà, thân là không vì xa lìa ngã và ngã sở, thân là vô tri như cây cối… Thân không tạo tác vì do sức gió làm lay động, thân là bất tịnh đầy dẫy ô uế, thân hư dối tuy mượn những thức ăn uống để che đậy nhưng tất cả đều hủy diệt, thân nhiều hoạn nạn do bốn trăm lẻ bốn bệnh hợp thành, thân dễ tan hoại như giếng go, thường bị già khô hành hạ, thân không nhất định vì tất nhiên phải chết, thân như oán thù bao vây, đầy dẫy rắn độc, thân như làng xóm trống vắng do các uẩn xứ giới hợp thành.
Thân như vậy đó, các vị nên nhàm chán xa lìa mà nên sinh tâm vui thích thân Như Lai. Vì sao? Vì thân Như Lai do vô lượng pháp thiện hợp thành; do tu vô lượng phước đức trí tuệ thù thắng mà sinh ra; do tu vô lượng giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến thù thắng mà sinh ra; do tu Từ, Bi, Hỷ, Xả mà sinh ra; do tu bố thí, điều phục, tịch tĩnh, nhẫn nhục, tinh tấn, tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí, Bát-nhã, phương tiện, nguyện lực trí mà sinh ra; do tu tất cả đến bờ bên kia mà sinh ra; do tu sáu Thần thông mà sinh ra; do tu ba Minh mà sinh ra; do tu ba mươi bảy phần Bồ-đề mà sinh ra; do tu Chỉ Quán mà sinh ra; do tu mười Lực, bốn Vô sở úy mà sinh ra; do tu mười tám pháp Bất cộng mà sinh ra; do đoạn trư tất cả pháp bất thiện, tụ tập tất cả pháp thiện mà sinh ra; do tu chín chắn chân thật không buông lung mà sinh ra; do tu vô lượng nghiệp thanh tịnh mà sinh ra.
Thưa các vị, thân công đức của Như Lai như vậy, các vị nên phát tâm mong cầu chứng đắc. Muốn được thân như thế, các vị phải đoạn trừ tất cả bệnh của hữu tình để phát tâm Bồ-đề vô thượng.
Vì các chúng hội đến thăm bệnh, Vô Cấu Xứng giảng pháp khiến cho vô số ngàn người đều phát tâm cầu đạt đạo quả Bồ-đề vô thượng.