Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Vô Cấu Xưng

KINH PHẬT THUYẾT VÔ CẤU XƯNG

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 13: CÚNG DƯỜNG PHÁP

Bấy giờ, Thiên đế Thích bạch Phật:

–Mặc dù con được nghe Đức Phật và Bồ-tát Diệu Cát Tường giảng nói hơn trăm ngàn pháp môn sai biệt, nhưng con chưa từng nghe nói về môn giải thoát thần thông tự tại bất khả tư nghì này. Theo sự hiểu biết của con về nghĩa lý như Phật đã giảng nói, nếu các hữu tình được nghe pháp môn này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, thuộc lòng, nêu giảng cho người thì người đó chắc chắn là pháp khí, không hề nghi ngờ gì cả, huống chi lại tinh tấn tu tập đúng như lý. Hữu tình ấy đã bít lấp tất cả con đường nguy hiểm dẫn đến cõi ác, khai mở tất cả con đường đến cõi thiện, luôn được gặp tất ca chư Phật, Bồ-tát, chiến thắng tất cả tà luận của ngoại đạo, diệt hết thảy quân ma bạo ác, làm thanh tịnh đạo Bồ-đề, an trụ trong pháp diệu, bước theo con đường Như Lai đã đi.

Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình được nghe phap môn này mà tin hiểu, thọ trì, cho đến tinh tấn tu tập đúng như lý thì con sẽ cùng quyến thuộc cung kính cúng dường thiện nam hay thiện nữ ấy.

Bạch Thế Tôn! Nếu có thành ấp, xóm làng, đô thị nào thọ trì, đọc tụng, giảng nói pháp môn này, thì con cùng tất cả quyến thuộc đều đến đó để nghe pháp. Ai chưa tin con khiến cho họ tin. Ai tin rồi, con sẽ đúng như pháp hộ trì để họ không gặp chướng ngại.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Thiên đế Thích:

–Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông đã nói. Ông đã tùy hỷ với pháp môn vi diệu mà Như Lai đã nói ra. Thiên đế Thích nên biết! Chư Phật trong quá khứ, vị lai và hiện tại chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng, đều giảng nói chỉ bày pháp môn này. Cho nên nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe pháp môn này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, thuộc lòng, giảng cho mọi người, ghi chép cúng dường tức là cúng dường chư Phật trong quá khứ, vị lai và hiện tại.

Này Thiên đế Thích! Giả sử Như Lai hiện diện đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới nhiều như mía, lau, tre, mè, lúa. Nếu thiện nam hay thiện nữ nào qua một kiếp, hay hơn một kiếp, cung kính, tôn trọng, ca ngợi, phụng thờ và đem những thứ cúng dường thượng hạng của người cùng những vật an ổn thượng diệu để sống mà dâng cúng chư Như Lai ấy, sau khi các vị Bát-niết-bàn, lại xây tháp bảy báu cúng dường toàn thân xá-lơi của mỗi vị. Tháp ấy rộng lớn khoảng bằng bốn châu thế giới, cao vút lên đến cõi Phạm thiên, có hiển tướng pháp luân, dùng hương hoa, cờ lọng, châu báu, âm nhạc, trang hoàng rất đẹp đẽ, sau khi xây tháp bảy báu cho mỗi Như Lai rồi, qua một kiếp hay hơn một kiếp nữa, đem tất cả các thứ cúng dường thượng hạng như vòng hoa, hương đốt, hương xoa, hương bột, y phục, cờ lọng, đèn, châu báu, âm nhạc, cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi. Ý ông thế nào? Nhờ việc làm này, thiện nam hay thiện nữ ấy được phước có nhiều không?

Thiên đế Thích thưa:

–Bạch Thế Tôn, rất nhiều! Bạch Thiện Thế! Phước ấy khó lường, dù trải qua trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp cũng không nói hết lượng phước của người ấy đạt được.

Phật bảo:

–Này Thiên đế Thích! Đúng vậy, đúng vậy! Ta thật sự nói với ông. Nếu thiện nam, thiện nữ nghe pháp môn giải thoát thần thông tự tại bất tư nghì này mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, thuộc lòng, giảng nói cho mọi người thì phước đức hơn người kia rất nhiều. Vì sao? Vì ngôi vị Chánh đẳng Bồ-đề vô thượng của chư Phật đều từ đây mà sinh. Chỉ có cúng dường pháp thì mới có thể thực hiện được sự cúng dường pháp môn ấy, chẳng phải là dùng tài vật.

Thiên đế Thích nên biết! Công đức của Bồ-đề vô thượng thì nhiều, nhưng phước của người cúng dường pháp này thì càng nhiều hơn.

Đức Thế Tôn dạy Đế Thích:

–Về thời quá khứ, trải qua vô số đại kiếp không thể tính kể, lường xét, bàn luận, có Phật ra đời, tên là Dược Vương, gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Thế giới tên Đại nghiêm, kiếp tên Nghiêm Tịnh. Như Lai Dược Vương sống hai mươi trung kiếp, có ba mươi sáu chi na-do-tha Thanh văn, mười hai câu-chi na-do-tha Bồ-tát. Bấy giờ, có Luân vương tên Bảo Cái, gồm đủ bảy báu, cai trị bốn đại châu, có cả thảy một ngàn người con đẹp đẽ, dũng mãnh, có thể đánh bại mọi quân địch.

Lúc đó, vua Bảo Cái cùng quyến thuộc cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, phụng thờ Như Lai Dược Vương suốt năm trung kiếp, đem những thứ cúng dường thượng diệu ở cõi trời, người, cùng những vật phẩm an ổn tuyệt diệu để sống mà dâng cúng. Qua năm trung kiếp, vua Bảo Cái nói với một ngàn người con: “Các con nên biết! Phụ vương đã cúng dường Đức Như Lai Dược Vương. Các con cũng nên cung kính cúng dường như phụ vương vậy.”

Nghe phụ vương nói, một ngàn người con đều vui mừng vâng lệnh và cùng thưa: “Lành thay! Chúng con đồng tâm cùng quyến thuộc cung kính, tôn trọng, ca ngợi, phụng thờ Như Lai Dược Vương suốt năm trung kiếp. Chúng con đem tất cả các thứ cúng dường an ổn thượng hạng và những vật an ổn tuyệt diệu để sinh sống mà cúng dường.”

Lúc ấy, có một vương tử tên Nguyệt Cái, một mình ở chỗ vắng suy nghĩ: “Ta nên cung kính, cúng dường Đức Như Lai Dược Vương, nhưng còn có cách cung kính, cúng dường nào thù thắng, tối thượng hơn đây không?” Nhờ thần lực của Phật, giữa hư không có vị trời nói với vương tử: “Nguyệt Cái nên biết! Trong các sự cúng dường, thì cúng dường pháp rất là thù thắng.”

Vương tử liền hỏi: “Sao gọi là cúng dường pháp?”

Vị trời nói với Nguyệt Cái: “Ông hãy đến hỏi Đức Như Lai Dược Vương: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là cúng dường pháp? Đức Phật ấy sẽ giảng giải, khai thị cho ông.”

Sau khi nghe vị trời nói, Vương tử Nguyệt Cái liền đến hỏi Đức Như Lai Dược Vương, cung kính, ân cần lạy sát chân Ngài, đi nhiễu ba vòng rồi lui qua một bên thưa: “Bạch Thế Tôn! Con nghe nói trong tất cả sự cúng dường thì cúng dường pháp rất là tối thượng. Vậy tướng của sự cúng dường pháp ấy như thế nào?”

Đức Như Lai Dược Vương nói với Vương tử: “Nguyệt Cái nên biết! Cúng dường pháp nghĩa là đối với kinh điển do Phật nói ra thì tướng nó rất vi diệu sâu xa, thế gian rất khó tin, khó được độ, khó thấy, sâu kín, tinh túy, không nhiễm, liễu nghĩa, chẳng phải dùng phân biệt để biết, vì đó là kho tàng của Bồ-tát. Kinh Tổng trì ấy mang rõ dấu ấn của Phật, phân biệt, khai thị pháp luân bất thoái; sáu Độ từ đây mà có; giữ gìn hoàn hảo những gì đáng giữ gìn, thực hành theo pháp Bồ-đề phần; bảy Giác chi đích thân dẫn đầu; giảng nói, khai thị đại Từ, đại Bi, cứu giúp, đem sự an lạc đến các hữu tình; xa lìa tất cả kiến chấp nơi ma oán; phân biệt, xiển dương lý duyên khởi sâu xa; biết rõ trong không có ngã, ngoài không có hữu tình; đối với hai bên và chặng giữa không có thọ mạng, không có người nuôi dưỡng; hoàn toàn không có chút tánh Bổ-đặc-già-la; tương ưng với Không, Vô tướng, Vô nguyện, vô tác, vô khởi. Kinh pháp ấy đưa người đến diệu giác, chuyển bánh xe pháp; Trời, Rồng, Dạ-xoa, Kiền-đạt-phược đều cung kính, tôn trọng, ca ngợi, cúng dường, hướng dẫn chúng sinh cúng dường đại pháp; làm viên mãn pháp thí lớn lao cho chúng sinh, tất cả Hiền thánh đều thọ trì; khai mở tất cả diệu hạnh của Bồ-tát. Kinh pháp ấy làm chỗ quy về pháp nghĩa chân thật. Sự tối thắng vô ngại từ kinh pháp này mà phát sinh, nói rõ các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, tịch tĩnh; phát sinh bốn pháp Ôn-đà-nam (bốn pháp ấn), diệt trừ tất cả tham lam keo kiệt, phá giới, sân hận, biếng nhác, vọng niệm, tuệ ác, sợ hãi, tất cả tà luận của ngoại đạo, kiến ác, chấp trước. Kinh pháp ấy phát sinh uy lực làm tăng thượng pháp thiện cho hữu tình, chiến thắng tất cả quân ma ác, được chư Phật Hiền thánh khen ngợi. Kinh pháp ấy có thể trừ khổ lớn trong sinh tử, thị hiện niềm vui lớn Niết-bàn, chư Phật mười phương ba đời đều nói. Với kinh ấy, ai thích nghe, tin hiểu, thọ trì, đọc tụng, thuộc lòng, tư duy quán sát nghĩa lý sâu xa, làm cho kinh ấy sáng rõ, an lập, phân biệt, khai thị nẻo sáng, lại giảng giải cho mọi người, dùng phương tiện thiện xảo mà giữ gìn chánh pháp, thì người đó gọi là cúng dường pháp.

Lại nữa, này Nguyệt Cái! Người cúng dường pháp nghĩa là với các pháp phải điều phục như pháp, với các pháp phải tu hành như pháp, tùy thuận theo duyên khởi, xa lìa các tà kiến, tu tập pháp Nhẫn vô sinh, ngộ nhập không có ngã và không có hữu tình, không chống đối với lý nhân duyên, không tranh cãi, không sinh dị luận, tách rời ngã và ngã sở, không bị lệ thuộc, căn cứ theo nghĩa không căn cứ nơi văn từ, y theo trí không y theo thức, y theo liễu nghĩa đã được nói trong Khế kinh, tuyệt đối không y theo lời nói bất liễu nghĩa thuộc kinh điển thế tục rồi sinh chấp trước, y theo tánh không y theo sự thấy có sở đắc của Bổ-đặc-già-la. Theo tánh tướng đó mà giác ngộ các pháp, nhập thâu vào vô tạng, diệt A-lại-da, trừ khử vô minh cho đến lão tử; dứt sầu bi khổ não; quán sát mười hai nhân duyên ấy không chỗ cùng tận hay chỗ phát sinh; nguyện các hữu tình lìa bỏ các kiến chấp. Đó là cúng dường pháp tối thượng.”

Bấy giờ, Đức Phật bảo Thiên đế Thích:

–Được nghe Phật Dược Vương giảng nói về sự cúng dường pháp rất là tối thượng ấy, Vương tử Nguyệt Cái đắc được pháp nhẫn thuận, liền cởi áo báu với những đồ trang sức dâng lên cúng dường Như Lai Dược Vương và thưa: “Bạch Thế Tôn! Sau khi Phật Bátniết-bàn, con nguyện hộ trì chánh pháp, thực hành cúng dường pháp để giữ gìn chánh pháp. Cúi xin Như Lai dùng sức thần lực thương xót gia hộ con luôn chiến thắng đám ma khó chiến thắng mà giữ gìn chánh pháp, tu hạnh Bồ-tát.”

Biết tâm ý tăng thượng của Vương tử Nguyệt Cái, Như Lai Dược Vương liền thọ ký: “Sau khi Như Lai Niết-bàn, ông sẽ giừ gìn thành lũy chánh pháp.”

Nghe được Phật thọ ký, Vương tử Nguyệt Cái vui mừng khôn xiết. Trong Thánh pháp đời của Như Lai Dược Vương, ông ta đem tâm tin thanh tịnh, xả bỏ pháp tại gia đi đến nơi không nhà. Sau khi xuất gia, vương tử luôn tinh tấn, dũng mãnh tu tập các pháp thiện, siêng năng tạo điều thiện. Xuất gia chưa bao lâu, ông ta chứng được năm Thần thông, đạt đến cứu cánh nơi pháp Đà-la-ni, Biện tài vô ngại. Sau khi Đức Như Lai Dược Vương Bát-niết-bàn, ông ta đem trí lực thần thông đã chứng đắc được, suốt mười trung kiep chuyển bánh xe chánh pháp mà Đức Như Lai đã chuyển. Nơi mười trung kiếp, Bí-sô Nguyệt Cái chuyển bánh xe chánh pháp, hộ trì chánh pháp, dũng mãnh tinh tấn, an lập cả trăm ngàn câu-chi hữu tình để họ đối với đạo quả Chanh đẳng Bồ-đề vô thượng đạt được Bất thoái chuyển, giáo hóa mười bốn na-do-tha chúng sinh, giáo hóa hàng thừa Thanh văn, Độc giác để tâm họ được điều thuận hoàn toàn, dùng phương tiện chỉ dạy cho vô lượng hữu tình để họ sinh lên cõi trời.

Phật bảo Thiên đế Thích:

–Chuyển luân vương Bảo Cái thuở đó đâu phải người nào xa lạ. Đừng sinh nghi ngờ, đừng quán gì khác. Vì sao? Nên biết rằng vị ấy chính là Như Lai Bảo Diệm, một ngàn người con ay tức là một ngàn vị Bồ-tát trong Hiền Kiếp sẽ lần lượt thành Phật, vị Phật đầu tiên hiệu là Như Lai Ca-lạc Ca-tôn-đà, vị Phật sau cùng hiệu là Lôchí, xuất hiện ở đời đã bốn vị rồi, các vị còn lại sẽ ra đời vào kiếp vị lai. Nguyệt Cái hộ pháp thuở ấy đâu phải người nào khác mà chính là thân ta.

Thiên đế Thích nên biết! Ta nói tất cả sự thiết bày cúng dường chư Phật, thì cúng dường pháp là tối tôn, tối thắng, tối thượng, tối diệu, là vô thượng. Cho nên Thiên đế Thích muốn được cúng dường Phật thì hãy cúng dường pháp, không phải cúng bằng tài vật.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận