Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Vô Cấu Xưng

KINH PHẬT THUYẾT VÔ CẤU XƯNG

Hán dịch: Đời Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 5

Phẩm 10: PHẬT HƯƠNG ĐÀI

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi Tử suy nghĩ: “Sắp đến giờ ăn, các Đại Bồ-tát này nói pháp chưa xong. Thanh văn chúng ta và các Bồ-tát sẽ thọ thực ở đâu?” Biết ý nghĩ của Tôn giả Xá-lợi Tử, Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói:

–Thưa Đại đức! Đức Như Lai dạy tám pháp giải thoát cho các vị Thanh văn, Tôn giả đã hieu rồi nên đừng vì tài thực mà làm nhiễm ô tâm mình, hãy lắng nghe chánh pháp. Nếu Tôn giả muốn ăn thì hãy đợi một chút sẽ có món ăn chưa từng có.

Nói xong, Bồ-tát Vô Cấu Xứng liền nhập vào định Vi diệu tịch, dùng thần thông thù thắng thị hiện làm cho các Bồ-tát, đại Thanh văn thấy cách cõi Phật này về phương trên, qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có thế giới tên Nhất thiết diệu hương, Phật ở cõi ấy hiệu Tối Thượng Hương Đài, hiện đang trụ trì an ổn. Trong cõi ấy có mùi thơm vi diệu bậc nhất, các mùi thơm nơi cõi trời, người, cõi Phật khác nơi khắp mười phương cũng không sánh bằng. Cây cối trong cõi ấy đều tỏa ra mùi thơm ngọt ngào xông ướp tất cả mọi chốn. Cõi ấy không có tên của hàng Nhị thừa, chỉ có mỗi chúng Đại Bồ-tát thanh tịnh và được nghe Đức Như Lai Tối thượng Hương Đài thuyết pháp. Nơi thế giới này, tất cả lầu đài, cung điện, nơi kinh hành, vườn cây, y phục đều do vô số những hương thơm vi diệu tạo thành. Mùi thơm mà Đức Thế Tôn và chúng Bồ-tát nơi cõi ấy ăn là vi diệu hơn hết, xông ướp khắp vô lượng cõi Phật trong mười phương.

Khi Đức Như Lai và các Bồ-tát ấy cùng ngồi thọ thực, có vị trời tên là Hương Nghiêm, đã phát tâm sâu rộng đối với pháp Đại thừa dâng cúng Đức Như Lai và các vị Bồ-tát nơi cõi ấy.

Bấy giờ, tất cả đại chúng ở đây đều thấy Đức Như Lai cùng các Bồ-tát ngồi thọ thực với những sự việc như vậy.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng hỏi tất cả các vị Bồ-tát:

–Thưa các vị, ai có thể đến đó xin lấy cơm thơm vi diệu?

Do diệu lực từ oai thần của Bồ-tát Diệu Cát Tường, các Bồ-tát đều im lặng.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng hỏi Đại sĩ Diệu Cát Tường:

–Vì sao Bồ-tát không gia hộ cho đại chúng này, để đến nỗi như vậy?

Bồ-tát Diệu Cát Tường nói:

–Này cư sĩ! Ông không nên khinh chê các vị Bồ-tát ở đây. Như Phật đã dạy: “Chớ khinh chê người chưa học.”

Khi ấy, ngay trên giường, Bồ-tát Vô Cấu Xứng bèn hóa hiện một vị Bồ-tát ở trước mặt đại chúng với thân vàng rực, tướng tốt trang nghiêm, ánh sáng oai đức che lấp cả đại chúng và nói với vị hóa Bồtát:

–Thiện nam! Ông nên đến phương trên cách cõi Phật này qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có cõi Phật tên Nhất thiết diệu hương, Phật ở cõi ấy hiệu Tối Thượng Hương Đài, đang cùng thọ thực với các Bồ-tát. Ông hãy đến đó, đảnh lễ nơi chân Phật và nói như vầy: “Phương dưới có Bồ-tát Vô Cấu Xứng, cúi đầu lạy nơi chân Ngài, gởi lời kính thăm Đức Thế Tôn có ít bệnh, ít phiền, đi đứng nhẹ nhàng, sức khỏe điều hòa và an lạc không? Nơi xa, tâm luôn hướng đến, đi nhiễu theo phía bên phải hơn trăm ngàn vòng, đảnh lễ nơi chân Thế Tôn và thưa xin được phần cơm thừa của Ngài để về cõi Kham nhẫn nơi phương dưới làm Phật sự, khiến cho các hữu tình ham dục lạc, tâm ý thấp kém sẽ ưa thích đại tuệ và cũng làm cho tiếng lành cùng vô lượng công đức của Như Lai bay tỏa khắp nơi.”

Tức thì, trước đại chúng, hóa Bồ-tát liền bay lên hư không, toàn thể đại chúng đều thấy. Với thần thông nhanh chóng chỉ trong chốc lát đã đến cõi Nhất thiết diệu hương, đảnh lễ nơi chân Phật Tối Thượng

Hương Đài và nói lại: “Phương dưới có Bồ-tát tên Vô Cấu Xứng, cúi đầu đảnh lễ nơi chân và kính thăm hỏi Thế Tôn có ít bệnh, ít phiền não, đi đứng nhẹ nhàng, khí lực điều hòa và an lạc không, nơi xa, tâm luôn hướng đến, đi nhiễu hơn trăm ngàn vòng, đảnh lễ nơi chân Ngài, thưa xin được phần cơm thừa của Thế Tôn để về cõi Kham nhẫn nơi phương dưới làm Phật sự, khiến cho các hữu tình ham dục lạc, tâm ý thấp kém sẽ ưa thích đại tuệ và cũng làm cho tiếng lành cùng vô lượng công đức của Như Lai được lan tỏa khắp nơi.”

Thấy hóa Bồ-tát này với tướng tốt trang nghiêm, ánh sáng oai đức vi diệu thù thắng, các Bồ-tát phương trên khen ngợi là chưa từng có: “Đại sĩ này từ đâu đến, coi Kham nhẫn ở đâu. Vì sao gọi là ham dục lạc, tâm ý thấp kém.” Họ liền hỏi Như Lai Tối Thượng Hương Đài: “Cúi xin Đức Thế Tôn hãy nói cho chúng con biết về sự việc này.”

Đức Phật nói: “Này các thiện nam! Cách cõi Phật này, về phương dưới, qua bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật, có cõi Phật tên Kham nhẫn, Phật nơi cõi ấy hiệu Thích-ca Mâu-ni Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, hiện đang trụ trì an ổn trong đời năm trược, giảng dạy chánh pháp cho các hữu tình ưa thích pháp thấp kém. Cõi ấy có Bồ-tát tên Vô Cấu Xứng đã an trụ vào pháp môn giải thoát bất khả tư nghì. Vì muốn khai thị pháp diệu cho các Bồ-tát, nên sai hóa Bồ-tát đến đây, xưng dương công đức danh hiệu của ta, khen ngợi các đức trang nghiêm ở cõi này để các Bồ-tát nơi đây tăng trưởng căn lành.”

Các Bồ-tát nơi cõi này đều nói: “Đức của vị ấy như thế nào mà hóa hiện đại thần thông, sức vô úy như vậy?”

Đức Phật Tối Thượng Hương Đài nói: “Này các thiện nam! Đại Bồ-tát ấy đã thành tựu pháp công đức lớn lao, thù thắng, trong một sát-na hóa hiện vô lượng, vô biên Bồ-tát. Ông ta sai các Bồ-tát này đi khắp tất cả cõi nước trong mười phương, thi hành Phật sự, để tạo lợi ích, an lạc cho vô lượng hữu tình.”

Thế rồi, Đức Như Lai Tối Thượng Hương Đài liền lấy bát tỏa mùi hương thơm đựng đầy cơm được ướp những mùi thơm, trao cho vị hóa Bồ-tát, lúc này có chín trăm vạn Đại Bồ-tát đồng lên tiếng xin Đức Phật Tối Thượng Hương Đài: “Chúng con muốn cùng với hóa Bồtát này đến cõi Kham nhẫn nơi phương dưới, chiêm ngưỡng Đức Như Lai Thích-ca Mâu-ni, đảnh lễ, cung kính, nghe chánh pháp, cũng để chiêm ngưỡng, kính lễ Bồ-tát Vô Cấu Xứng cùng các vị Bồ-tát ở đó. Cúi xin Thế Tôn gia hộ cho phép.”

Đức Phật Tối Thượng Hương Đài dạy: “Này các thiện nam! Nay

đã đúng lúc, các ông hãy đi đi. Các ông phải tự thâu giữ mùi thơm trên nơi thể mình, rồi vào cõi Kham nhẫn, đừng để các hữu tình của cõi ấy say đắm, buông lung. Các ông phải giấu sắc tướng của mình rồi vào cõi Kham nhẫn, đừng để các Bồ-tát nơi cõi ấy sinh xấu hổ. Đối với cõi Kham nhẫn, các ông đừng có dấy tưởng cho là thấp kém mà tạo chướng ngại cho mình. Vì sao? Này các thiện nam! Vì tất cả các quốc độ đều như hư không. Chư Phật, Thế Tôn vì muốn tạo mọi thành tựu đầy đủ cho các hữu tình, theo sở thích của chúng mà thị hiện các cõi Phật, hoặc nhiễm, hoặc tịnh, tướng không nhất định, nhưng sự thật thì các cõi Phật đều thanh tịnh, không khác nhau.”

Bấy giờ, hóa Bồ-tát nhận bát cơm đầy cùng với chín trăm vạn Bồ-tát Tăng, nương oai thần của Đức Phật ở đây và diệu lực của Bồtát Vô Cấu Xứng, bỗng nhiên biến mất, trong chốc lát lặng lẽ hiện nơi nhà của Bồ-tát Vô Cấu Xứng ở cõi Kham nhẫn. Lúc này, Bồ-tát Vô Cấu Xứng bèn hóa hiện ra chín trăm vạn tòa Sư tử, trang nghiêm đẹp đẽ giống hệt như các tòa Sư tử ở trước. Các Bồ-tát đều đến ngồi. hóa Bồ-tát đem bát cơm đầy đưa cho Bồ-tát Vô Cấu Xứng. Bát cơm được ướp mùi thơm vi diệu, mùi thơm này bay tỏa khắp đại thành Quảng nghiêm và cả tam thiên đại thiên thế giới. Hết thảy các cõi đều tỏa ngát mùi thơm. Các Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, Nhân phi nhân… trong đại thành Quảng nghiêm, ngửi mùi thơm này, khen ngợi là chưa từng có, ngạc nhiên vô cùng, thân tâm phấn chấn. Vua dòng Lychiêm-tỳ trong đại thành này tên Nguyệt Cái cùng tám vạn bốn ngàn họ Ly-chiêm-tỳ trang sức đẹp đẽ rồi đến nhà Bồ-tát Vô Cấu Xứng. Thấy trong nhà ấy số Bồ-tát rất đông, có các tòa Sư tử cao rộng đẹp đẽ, ai nấy đều rất vui mừng cho là chưa từng có, cùng lễ lạy các Bồtát và đại Thanh văn, rồi đứng lùi qua một bên.

Khi ấy, địa thần và hư không thần, chư Thiên cõi Dục và cõi Sắc ngửi hương thơm ấy rồi bèn cùng với quyến thuộc cả vô số trăm ngàn vạn người đều đi tới nhà Bồ-tát Vô Cấu Xứng.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói với Tôn giả Xá-lợi Tử cùng hàng đại Thanh văn:

–Tôn giải hãy ăn thức ăn cam lộ của Đức Như Lai đã cho, nó được xông ướp bằng tâm đại Bi. Vậy đừng đem tâm hành hạn hẹp, phần nhỏ mà ăn thứ cơm này. Nếu ăn như vậy thì nhất định không thể tiêu hóa.

Trong chúng có vị Thanh văn thấp kém nghĩ: “Cơm này rất ít, làm sao đủ cho cả đại chúng đông đảo như thế này.” Hóa Bồ-tát nói:

–Các vị đừng đem phước tuệ ít ỏi của mình mà so lường với vô lượng phước tuệ của Như Lai. Vì sao? Vì nước nơi bốn biển cả có thể bị cạn nhưng thức ăn thơm ngon ấy không bao giờ hết. Giả sử tất cả hữu tình trong vô lượng đại thiên thế giới cứ mỗi người mỗi vắt cơm, vắt cơm ấy sánh bằng núi Tu-di, vắt cơm lớn như vậy thì ăn trải qua một kiếp hoặc hơn trăm kiếp vẫn không hết. Vì sao? Vì thức ăn ấy do giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến vô tận sinh ra. Thức ăn hương thơm dư thừa này của Như Lai, dù vô lượng hữu tình trong tam thiên đại thiên thế giới ăn qua trăm ngàn kiếp cũng không bao giờ hết.

Thế rồi, cả đại chúng đều ăn thức ăn này và tất cả đều no đủ, nhưng thức ăn vẫn còn dư. Sau khi ăn cơm này xong, các Thanh văn, Bồ-tát, trời, người… tất cả chúng hội đều cảm thấy thân an lạc, ví như Bồ-tát ở thế giới Nhất thiết an trụ trang nghiêm. Sau khi được hưởng tất cả an lạc, những lỗ chân lông trên thân của các vị ấy đều tỏa ra mùi thơm giống như cây thơm ở thế giới Nhất thiết diệu hương luôn tỏa ra vô lượng mùi thơm vi diệu.

Lúc ấy, Bồ-tát Vô Cấu Xứng hỏi các Bồ-tát cõi Nhất thiết diệu hương:

–Các vị biết không? Đức Như Lai của các vị giảng nói pháp cho các Bồ-tát như thế nào?

Các Bồ-tát đều trả lời:

–Đức Như Lai nơi cõi chúng tôi không dùng lời chữ để giảng nói pháp mà chỉ dùng hương thơm làm cho các Bồ-tát đều được điều phục cả. Các Bồ-tát ở cõi chúng tôi đều ngồi bên cây hương thơm. Những cây hương thơm ấy đều tỏa ra những mùi thơm ngào ngạt. Nghe mùi thơm này, các Bồ-tát ấy đạt được định Nhất thiết đức trang nghiêm. Sau khi đạt được định này thì có đầy đủ tất cả công đức của Bồ-tát.

Các Bồ-tát đến từ phương trên hỏi Bồ-tát Vô Cấu Xứng:

–Như Lai Thích-ca Mâu-ni ở cõi này giảng pháp cho các hữu tình như thế nào?

Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói:

–Hữu tình nơi cõi này rất cứng cỏi, khó giáo hóa, nên Đức Như Lai ở đây phải dùng những lời giảng nói cứng rắn để điều phục, giáo hóa họ. Dùng những lời nói cứng rắn để điều phục, giáo hóa như thế nào? Nghĩa là giảng nói đây là cõi địa ngục, đây là cõi bàng sinh, đây là cõi ngạ quỷ, đây là chỗ tai nạn, đây là chỗ người căn bị thiếu, đây là hạnh ác của thân, là quả báo theo hạnh ác của thân; đây là hạnh ác của lời nói, là quả báo thuộc hạnh ác của lời nói; đây là hạnh ác thuộc về ý, là quả báo thuộc hạnh ác của ý; đây là sát sinh, là quả báo sát sinh; đây là trộm cắp, là quả báo của trộm cắp; đây là tà dâm, là quả báo của tà dâm; đây là lời nói hư dối, là quả báo của lời nói hư dối; đây là lời nói ly gián, là quả báo của lời nói ly gián; đây là lời nói thô ác, là quả báo của lời nói thô ác; đây là lời nói thêu dệt, là quả báo của lời nói thêu dệt; đây là tham dục, là quả báo của tham dục; đây là sân giận, là quả báo của sân giận; đây là tà kiến, là quả báo của tà kiến; đây là keo kiệt, là quả báo của keo kiệt; đây là phá giới, là quả báo của phá giới; đây là sân hận, là quả báo của sân han; đây là biếng nhác, là quả báo của biếng nhác; đây là loạn tâm, là quả báo của loạn tâm; đây là ngu si, là quả báo của ngu si; đây là chỗ thọ học, đây là chỗ vượt qua của sự học; đây là giữ giới, đây là phạm giớilà Du-già, đây là đoạn hẳn, là chẳng đoạn hẳn; đây là chướng ngại, đây chẳng phải là chướng ngại, đây là phạm tội, đây là xuất tội; đây là tạp nhiễm, đây là thanh tịnh; đây là chánh đạo, đây là tà đạo; đây la thiện, đây là ác; đây là thế gian, đây là xuất thế gian; đây là có tội, đây là không có tội; đây là hữu lậu, đây là vô lậu; đây là hữu vi, đây là vô vi; đây là công đức, đây là lỗi lầm; đây là có khổ, đây la không khổ; đây là có vui, đây là không vui; đây có thể nhàm chán, đây có thể ham thích; đây có thể vứt bỏ, đây có thể tu tập; đây là sinh tử, đây là Niết-bàn. Pháp có vô lượng môn như vậy, hữu tình nơi cõi này tâm cứng cỏi nên Như Lai ở đây nói những pháp môn như vậy khiến tâm họ an trụ để điều phục. Ví như voi ngựa hung hăng không thể điều phục được thì phải dùng biện pháp đánh đập đau đớn thấu xương tủy, sau chúng mới điều phuc. Cũng vậy, hữu tình ở đây cứng cỏi khó giáo hóa, Đức Như Lai dùng phương tiện bằng những lời nói cay đắng đau đớn như vậy để ân cần dẫn dắt rồi sau điều phục họ nhập vào chánh pháp.

Sau khi nghe nói vậy, các Bồ-tát đến từ phương trên đều vui mừng cho là chưa từng có và cùng nói:

–Thật kỳ diệu thay! Đức Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni luôn làm việc khó làm, ẩn giấu vô lượng công đức tôn quý nên thị hiện những phương tiện điều phục như vậy. Vì tạo mọi thành thục cho những hữu tình bần cùng, thấp kém nên dùng những phương pháp điều phục để làm lợi ích. Các Bồ-tát ở cõi này cũng chịu khổ, đủ những lao nhọc, thành tựu tâm đại Bi tinh tấn thù thắng, hy hữu, kiên cố không thể nghĩ bàn, trợ giúp để xiển dương chánh pháp vô thượng của Như Lai, đem lại lợi lạc cho hữu tình khó giáo hóa.

Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói:

–Đúng vậy! Đúng như lời Đại sĩ đã nói! Như Lai Thích-ca hay làm những việc khó làm, ẩn giấu vô lượng công đức tôn quý, không sợ lao nhọc, dùng phương tiện để điều phục những hữu tình cứng cỏi khó hóa độ như vậy. Các Bồ-tát sinh nơi cõi Phật này cũng kham chịu những lao nhọc, thành tựu tâm đại Bi tinh tấn tối thắng, kiên cố không thể nghĩ bàn, trợ giúp xiển dương chánh pháp vô thượng của Như Lai, tạo lợi lạc cho vô lượng hữu tình.

Đại sĩ nên biết! Bồ-tát nơi cõi Kham nhẫn này hành hạnh Bồ-tát, tạo lợi ích cho hữu tình được công đức trong một đời nhiều hơn công đức của Bồ-tát ở thế giới Nhất thiết diệu hương hành hạnh Bồ-tát, tạo lợi ích cho các hữu tình trong trăm ngàn đại kiếp. Vì sao? Vì cõi Kham nhẫn có mười điều tu tập pháp thiện mà các thế giới Phật thanh tịnh khác trong mười phương không có. Những gì là mười?

  1. Lấy Bố thí để hộ trì người nghèo khổ.
  2. Đem Tịnh giới để hộ trì người phá giới cấm.
  3. Lấy Nhẫn nhục để hộ trì các san giận.
  4. Lấy Tinh tấn để hộ trì người biếng nhác.
  5. Lấy Tĩnh lự để hộ trì người loạn tâm.
  6. Lấy Thắng tuệ để hộ trì người ngu si.
  7. Nói pháp trừ tám nạn để hộ trì tất cả hữu tình bị tám nạn.
  8. Giảng nói chánh pháp Đại thừa, hộ trì tất cả những ai thích pháp nhỏ.
  9. Đem những căn lành thù thắng hộ trì những người chưa có những căn lành.
  10. Lấy bốn Nhiếp pháp vô thượng luôn tạo mọi thành thục cho tất cả hữu tình.

Đó là mười điều để tu tap pháp thiện, chỉ cõi Kham nhẫn này mới có đầy đủ, còn những cõi Phật thanh tịnh khác trong mười phương thì không có.

Khi ấy, các Bồ-tát ở cõi Nhất thiết diệu hương nói:

–Các Bồ-tát ở cõi Kham nhẫn này thành tựu bao nhiêu pháp để không bị thương tổn, sau khi ở cõi này qua đời lại sinh vào cõi thanh tịnh khác?

Bồ-tát Vô Cấu Xứng nói:

–Các Bồ-tát ở cõi Kham nhẫn này thành tựu tám pháp nên không bị thương tổn, sau khi ở đây qua đời được sinh vào cõi thanh tịnh khác. Những gì là tám?

  1. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Đối với hữu tình, ta nên làm những việc thiện mà không nên trông mong quả báo thiện.
  2. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Ta nên thay thế chịu những khổ não cho tất cả hữu tình. Ta được những căn lành nào đều đem cho họ.
  3. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Với tất cả hữu tình, ta nên có tâm bình đẳng, tâm không sợ sệt.
  4. Bồ-tát suy nghĩ như vầy: Ta nên bẻ gãy tâm kiêu mạn của các hữu tình để có sự kính ái như Phật.
  5. Bồ-tát có tâm tin hiểu tăng thượng với những kinh điển sâu xa chưa từng nghe, vừa được nghe thì không nghi ngờ, không hủy báng.
  6. Bồ-tát không ganh tỵ khi thấy người khác có lợi dưỡng. Còn mình có lợi dưỡng thì không kiêu mạn.
  7. Bồ-tát điều phục tâm mình, luôn xét lỗi của mình, không gièm chê lỗi người.
  8. Bồ-tát không hề phóng dật, thích tìm cầu các pháp thiện, tinh tấn tu hành pháp phần Bồ-đề.

Các Bồ-tát ở cõi Kham nhẫn này nếu thành tựu đầy đủ tám pháp trên thì không bị tổn thương, sau khi ở đây qua đời sinh vào cõi thanh tịnh khác.

Khi Bồ-tát Vô Cấu Xứng cùng với Bồ-tát Diệu Cát Tường, các vị Bồ-tát khác ở trong đại chúng giảng nói vô số pháp vi diệu, có trăm ngàn chúng sinh cùng phát tâm cầu đạo quả Chánh đẳng giác Vô thượng, mười ngàn Bồ-tát chứng đắc pháp Nhẫn vô sinh.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận