KINH TỲ NI MẪU
 Hán dịch: Mất tên người dịch, nay xếp vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 8

Pháp tương ưng với mười đêm là:

– Tỳ-kheo chứa y dư không tịnh thí thì không được chứa quá mười ngày.

– Chứa bát dư không tịnh thí cũng không được chứa quá mười ngày.

Đó là pháp tương ưng với mười ngày đêm.

Pháp tương ưng với nửa tháng là:

– Một tháng trước khi an cư mùa hạ phải tìm xin y tắm. Khi đã được y được cất chứa nửa tháng

– Trong khi an cư mùa hạ, nửa tháng mặc tắm một lần.

– Tỳ-kheo ni nào phạm Tăng-tàn thì hai bộ Tăng tập hợp lại cho cô ấy thực hành Ma-na-đỏa nửa tháng.

– Tỳ-kheo ni mỗi nửa tháng phải qua bên Tăng xin pháp giáo giới.

– Hai bộ chúng mỗi nửa tháng phải tắm sạch sẽ, mỗi nửa tháng phải bố-tát.

– Trong khi an cư mùa hạ, Tỳ-kheo nào có việc đi ra ngoài cương giới, nếu đi xa thì phải thọ pháp mười lăm ngày để trì giới cho thanh tịnh.

Đó là pháp tương ưng với nửa tháng.

Pháp tương ưng với một tháng là:

– Tỳ-kheo nào thiếu một trong ba y, sau khi đã tìm xin được vải may y thì trong một tháng phải cắt, may, nhuộm, sửa cho xong để thọ trì. Nếu để quá một tháng thì phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề.

– Sau khi Tự tứ được phép ngủ lìa y một tháng, còn một tháng là hết mùa Xuân, cần phải tìn xin y tắm. Y tắm phải dài sáu khuỷu tay, rộng hai khuỷu rưởi.

– Việc cần làm sau khi an cư mùa hạ là sau ngày mười lăm tháng bảy, hãy tìm xin y trong một tháng.

– Pháp thọ y công đức là ngày mười sáu tháng bảy nên thọ. Nếu có duyên sự, thọ không kịp thì được thọ cho đến ngày mười lăm tháng tám. Nếu quá thì không được thọ.

Đó là pháp tương ưng với một tháng.

Pháp tương ưng với hai tháng là: Không được để tóc quá dài, chỉ được để tóc hai tháng, không được để quá. Đó là pháp tương ưng với hai tháng.

Pháp tương ưng với ba tháng là: Sau khi an cư ba tháng hạ xong phải ra bên ngoài một đêm. Đó là pháp tương ưng với ba tháng.

Pháp tương ưng với bốn tháng là: Trong bốn tháng hạ được dùng y tắm mưa. Nếu đàn-việt cúng cho Tăng thuốc uống trong bốn tháng thì Tăng nên thọ dụng trong bốn tháng, không được nhận dùng quá bốn tháng. Nếu ngoại đạo đến gặp chư Tăng xin xuất gia thì hãy cho ở riêng trong bốn tháng để theo dõi hành vi của họ xem có phải họ đến để tìm kiếm lỗi của Tăng chúng không? Có phải là xin xuất gia với tâm giả dối không? Tâm ý họ có thuận theo Phật pháp không?… Sau khi đã biết rõ hành vi của họ mới cạo tóc cho họ xuất gia.

Lại có pháp tương ưng với bốn tháng là: bốn tháng mùa đông, bốn tháng mùa xuân, bốn tháng mùa hạ. Đó là pháp tương ưng với bốn tháng.

Pháp tương ưng với năm tháng là: Sau khi tự tứ được năm tháng phải xả y công đức. Đó là pháp tương ưng với năm tháng.

Pháp tương ưng với mười hai tháng là: Sau khi đã thọ Đại giới làm Tỳ-kheo, trong mười hai tháng phải dạy dỗ cho họ tất cả các pháp mà một Tỳ-kheo phải làm, sau đó mới được truyền giới cho người khác, nếu chưa đủ mười hai tháng thì không được truyền giới.

Sau khi đã truyền giới cho Tỳ-kheo, lại được nhận một Sa-di.

Sau khi truyền giới Thức-xoa-ma-ni cho Sa-di ni thì trong hai năm không được độ Sa-di ni.

Khi Thức-xoa-ma-ni đã thọ giới Cụ túc mới được độ Sa-di ni.

Tỳ-kheo ni cũng như đại Tăng, trong mười hai tháng phải dạy họ những pháp cần làm, sau đó mới được truyền giới Cụ túc cho Thứcxoa-ma-ni nào muốn thọ Cụ túc. Đó gọi là pháp tương ưng với mười hai tháng.

Pháp y-chỉ là trong mười hai tháng được nhận sự y-chỉ của một người, không được nhận hai người y-chỉ trong cùng một lúc.

Pháp tương ưng với một năm tức là pháp tương ưng với mười hai tháng.

Pháp tương ưng với hai năm là: Nếu độ cho thiếu nữ mười tám tuổi thọ giới Sa-di ni thì cô ấy được phép thọ học giới Thức-xoa-ma-ni trong hai năm. Nếu độ cho người nữ mười tuổi – đã có chồng – xuất gia thọ giới Sa-di thì sau hai năm mới được truyền cho cô ấy giới Thức-xoama-ni, và sau đó hai năm nữa mới được cho thọ giới Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với hai năm.

Pháp tương ưng với ba năm là: Tỳ-kheo một hạ và Tỳ-kheo năm hạ được dùng chung giường ghế trong ba năm. Đó là pháp tương ưng với ba năm.

Pháp tương ưng với năm năm là:

– Tỳ-kheo đủ năm hạ phải tụng giới cho thông thạo, tụng bạch nhất, bạch nhị và bạch tứ yết-ma cho thông thạo.

– Tỳ-kheo chưa đủ năm tuổi hạ không được lìa y-chỉ. Năm trường hợp mất y-chỉ đã nói ở phần trên.

Đó là pháp tương ưng với năm năm.

Pháp tương ưng với sáu năm là:

– Phải sử dụng ngọa cụ đủ sáu năm. Nếu chưa đủ sáu năm mà bị rách thì phải đem cho người khác (rồi mới làm cái mới). Nếu vá lại thì được phép sử dụng. Nếu không bị rách thì cũng được sử dụng.

– Nếu phòng ở đã có bốn bức tường nhưng chưa được lợp bên trên và Tăng yết-ma sai người lợp lại thì sau khi lợp xong người ấy được ở tại phòng ấy sáu năm rồi trả lại cho Tăng, không được ở quá hạn.

Đó là pháp tương ưng với sáu năm.

Pháp tương ưng với mười năm là:

– Tỳ-kheo đủ mười tuổi hạ thì được phép làm Hòa thượng truyền giới Cụ túc cho người, được nhận làm y-chỉ cho người, được nhận Sadi.

– Thiếu nữ mười tuổi – Đã có chồng – Sau khi thọ mười giới Sa-di, trong hai năm mới được thọ giới Thức-xoa-ma-ni.

Đó là pháp tương ưng với mười năm.

Pháp tương ưng với mười hai năm là: Tỳ-kheo nào có đàn việt muốn làm phòng ở cho Tăng và Tăng sai Tỳ-kheo ấy quản lý việc xây cất thì sau khi cất xong, Tỳ-kheo ấy được ở tại phòng ấy trong mười hai năm rồi trả lại cho Tăng, không được quá hạn. Đó là pháp tương ưng với mười hai năm.

Pháp tương ưng với mười tám tuổi là: Độ Sa-di ni đủ mười tám tuổi thì được truyền cho cô ấy giới Thức-xoa-ma-ni. Đó là pháp tương ưng với mười tám tuổi.

Pháp tương ưng với hai mươi tuổi là: Thiếu nữ thọ giới Sa-di, sau khi thọ học giới đủ hai năm và tròn hai mươi tuổi thì được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với hai mươi tuổi.

Pháp tương ưng với một người là: Giường đơn chỉ có một người ngồi nên gọi là pháp tương ưng với một người.

Pháp tương ưng với hai người là: Giường dây chỉ chịu được hai người. Đó là pháp tương ưng với hai người.

Pháp tương ưng với ba người là: Giường lớn chỉ chứa được ba người. Đó là pháp tương ưng với ba người.

Pháp tương ưng với bốn người là: Giường thật lớn có thể chứa được bốn người. Đó là pháp tương ưng với bốn người.

Pháp tương ưng với số năm là năm loại thức ăn chính.

Pháp tương ưng với số bảy là: Ban đêm Tỳ-kheo được ngủ cách y một khoảng bảy lần bảy là bốn mươi chín cung (mỗi cung bằng bốn khuỷu tay). Đó là pháp tương ưng với số bảy.

Pháp tương ưng với số tám là pháp làm giường: Tất cả các chân giường trừ phần từ lỗ mộng – để ráp thành giường – trở lên phải cao dưới tám ngón tay. Đó là pháp tương ưng với số tám.

Pháp tương ưng với số mười là được phép dùng mười loại vải để may y. Đó là pháp tương ưng với số mười.

Pháp tương ưng với số hai mươi là: Chúng Tăng hai mươi người có thể làm yết-ma xả tội. Đó là pháp tương ưng với số hai mươi.

Pháp tương ưng với một là: Lúc thọ Cụ túc chỉ có một Hòa thượng. Đó là pháp tương ưng với một.

Pháp tương ưng với hai là: Khi thọ Cụ túc chỉ có hai A-xà-lê. Đó là pháp tương ưng với hai.

Pháp tương ưng với ba là: Khi thọ Cụ túc phải chuẩn bị sẵn ba y, nếu thiếu thì không được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với ba.

Pháp tương ưng với bốn là: Bạch tứ yết-ma mới được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với bốn.

Pháp tương ưng với năm là: Người không bị năm pháp ngăn che thì được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với năm.

Pháp tương ưng với bảy là: Người nhận dục phải nói với một người, lần lượt như vậy cho đến nói với người thứ bảy đều được nhận dục thanh tịnh. Đó là pháp tương ưng với bảy.

Pháp tương ưng với tám là: Nếu có tấm vải dư rộng bốn ngón tay Phật, dài tám ngón tay Phật thì hãy tịnh thí. Đó là pháp tương ưng với tám.

Pháp tương ưng với mười là: Khi thọ Cụ túc phải đủ mười người mới được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với mười.

Pháp tương ưng với hai mươi là: Đủ hai mươi tuổi mới được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với hai mươi.

Pháp tương ưng với một là: Tỳ-kheo ni đan dây một vòng. Đó là pháp tương ưng với một.

Pháp tương ưng với hai là: Một vòng không đan dây và một vòng có đan dây. Đó là pháp tương ưng với hai.

Pháp tương ưng với ba là: Một vòng có đan dây và hai vòng không đan dây. Đó là pháp tương ưng với ba.

Pháp tương ưng với bốn là: Bốn Ca-la-sa-bạn (một Ca-la-sa-bạn là mười sáu đồng tiền ở nước Thiên Trúc): Mùa đông trời lạnh, chỉ may y với giá cao nhất là bốn Ca-la-sa-bạn, không được quá. Đó là pháp tương ưng với bốn.

Pháp tương ưng với năm là: Tỳ-kheo ni có đủ năm y thì được thọ Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với năm.

Pháp tương ưng với bảy là bảy loại cơm, đó là pháp tương ưng với bảy.

Pháp tương ưng với tám là: Có đàn-việt thỉnh Tỳ-kheo ni thọ thực, Tỳ-kheo ni đến muộn. Các Tỳ-kheo ni ấy lại hỏi tuổi hạ của nhau để ngồi cho đúng thứ lớp. Khi đó, đã sắp qua giờ ngọ nên họ ăn không được no. Nghe nói việc ấy, Thế Tôn liền chế giới:

– Từ nay trở đi, khi đại chúng Tỳ-kheo ni tập hợp, cho phép tám người Thượng tọa hỏi tuổi hạ để ngồi theo thứ lớp, còn những người khác thì ngồi tùy ý.

Pháp tương ưng với mười là: Tỳ-kheo nào thành tựu mười pháp mới được Tăng yết-ma sai làm thầy dạy cho Tỳ-kheo ni. Mười pháp ấy là:

  1. Thành tựu giới Ba-la-đề-mộc-xoa.
  2. Nghe nhiều, nghĩa là thông hiểu về văn nghĩa Tam tạng.
  3. Tụng rành rọt Giới kinh Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni.
  4. Miệng thường nói lời tốt đẹp, thường khởi tâm từ bi, lời nói rõ ràng dễ hiểu.
  5. Đầy đủ các căn, tướng mạo đoan nghiêm, ai cũng kính yêu.
  6. Thuộc dòng họ Sát-lợi, Cư sĩ, Bà-la-môn.
  7. Giỏi biện luận, có thể giảng dạy, thuyết pháp, làm cho Ni chúng được lợi ích an vui.
  8. Được Tỳ-kheo ni quý trọng.
  9. Ba nghiệp không có lỗi đối với Tỳ-kheo ni.
  10. Hoặc hai mươi tuổi hạ, hoặc hơn hai mươi tuổi hạ.

Đó là pháp tương ưng với mười.

Pháp tương ưng với hai mươi là: hai mươi tuổi hạ.

Pháp tương ưng với một là: Tỳ-kheo ở một mình nơi vắng vẻ, vào ngày Tăng Bố-tát phải nghĩ và nói: “Hôm nay chúng Tăng Bố-tát, tôi cũng Bố-tát”.

Pháp tương ưng với hai là: Hai Tỳ-kheo lần lượt nói với nhau: “Trưởng lão, hôm nay chúng Tăng thanh tịnh Bố-tát, tôi cũng thanh tịnh Bố-tát”. Đó là pháp tương ưng với hai.

Pháp tương ưng với ba là: Ba người lần lượt nói với nhau, đó là pháp tương ưng với ba.

Pháp tương ưng với bốn là: Một người bạch, sau đó mới Bố-tát. Đó là pháp tương ưng với bốn.

Pháp tương ưng với năm là: Ở nơi biên địa không có Tăng, năm Tỳ-kheo – trong đó có một Luật sư thông hiều về Luật – thì được truyền giới Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với năm.

Pháp tương ưng với bảy là: bảy pháp diệt tránh.

Pháp tương ưng với tám là: tám kỉnh pháp của Tỳ-kheo ni.

Pháp tương ưng với mười là: Tỳ-kheo thành tựu mười pháp sẽ được chính thức nói giới. Đó là pháp tương ưng với mười.

Pháp tương ưng với hai mươi là: Như việc truyền giới cho thiếu nữ đã nói ở phần trên.

Pháp tương ưng với một là: Một Tỳ-kheo Tự tứ.

Pháp tương ưng với hai là: Hai Tỳ-kheo lần lượt Tự tứ.

Pháp tương ưng với ba, pháp tương ưng với bốn đều là lần lượt tự tứ.

Pháp tương ưng với năm là: Năm người yết-ma sai một người làm người tự tứ.

Pháp tương ưng với bảy là: thành tựu bảy pháp.

Pháp tương ưng với tám là: Bạch y, tại gia, người có lòng tin Tam bảo làm tám việc phi pháp, Tăng làm yết-ma phú bát để họ xả bỏ tám việc phi pháp ấy. Khi họ đã xả bỏ, Tăng xả yết-ma phú bát cho họ. Đó là pháp tương ưng với tám.

Pháp tương ưng với mười là: Không thành tựu mười pháp thì không được truyền giới Cụ túc cho người. Đó là pháp tương ưng với mười.

Pháp tương ưng với hai mươi là: Tỳ-kheo nào không đủ ba y thì phải ra sức tìm xin cho đủ và nội trong hai mươi ngày phải cắt may cho xong để thọ trì. Nếu không xong thì được cắt may cho đến ba mươi ngày để thọ trì. Nếu ba mươi ngày không xong thì phải tịnh thí. Nếu không tịnh thí, phạm Xả đọa.

Pháp tương ưng với một là: Hai Tỳ-kheo ở chung, một người qua đời, người còn sống suy nghĩ: “Đồ vật của Tỳ-kheo qua đời thuộc về ta”, người đó liền được, người đến sau không được. Đó là pháp tương ưng với một.

Pháp tương ưng với hai là: Ba người ở chung, một người qua đời, hai người còn lại lần lượt nói với nhau: “Đại đức nên nhớ, những vật này thuộc về chúng ta”. Đó gọi là pháp tương ưng với hai.

Pháp tương ưng với ba là: Bốn người ở chung, một người qua đời. Ba người lần lượt nói như ở trên. Đó là pháp tương ưng với ba.

Pháp tương ưng với bốn là: Năm người ở chung, một người qua đời, bốn người làm yết-ma phân chia của cải. Đó là pháp tương ưng với bốn.

Pháp tương ưng với năm là: Năm người làm yết-ma phân chia vật của Tỳ-kheo mất. Bốn người làm yết-ma bố thí cho một người, một người cúng dường lại cho chúng, sau đó được cùng nhau phân chia. Đó là pháp tương ưng với năm.

Pháp tương ưng với bảy là: Bảy pháp cung kính.

Pháp tương ưng với tám là: Tỳ-kheo nào thành tựu tám pháp, Tăng nên sai vị ấy làm cho đàn việt được phát khởi lòng tin và tâm sám hối. Đó là pháp tương ưng với tám.

Pháp tương ưng với mười là: Có pháp sự cần mười người làm mới được như pháp. Nếu có chín người hoặc mười một người thì không như pháp. Đó là pháp tương ưng với mười.

Pháp tương ưng với hai mươi là hai mươi người rút thẻ, đó là pháp tương ưng với hai mươi.

Pháp tương ưng với một là: Tỳ-kheo nào sống một mình, tự biết mình có phạm tội, không có nơi sám hối thì hãy ghi nhớ trong tâm, sau đó gặp Tỳ-kheo liền sám hối. Đó gọi là pháp tương ưng với một.

Pháp tương ưng với hai là: Tỳ-kheo phạm tội phải phát-lồ với một người, nếu không hết thì sau đó phải đến giữa chúng để sám hối. Đó là pháp tương ưng với hai.

Pháp tương ưng với ba là: Tỳ-kheo phạm tội xong, phát lồ với hai Tỳ-kheo, nếu không hết tội thì phải đến giữa Tăng sám hối lại. Đó là pháp tương ưng với ba.

Pháp tương ưng với bốn là: Tỳ-kheo nào phạm tội, sám hối với bốn Tỳ-kheo và được họ làm yết-ma trừ tội. Đó là pháp tương ưng với bốn.

Pháp tương ưng với năm là năm pháp sám hối.

Pháp tương ưng với bảy là: Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp thì được ngăn thuyết Giới.

Pháp tương ưng với tám là: Như Lai thấy tám loại lỗi lầm. Đó là pháp tương ưng với tám.

Pháp tương ưng với mười là được phép chứa mười loại y phấn tảo.

Pháp tương ưng với hai mươi là: Tỳ-kheo nào muốn làm phu cụ mới nên dùng hai mươi lạng lông dê mà làm. Đó là pháp tương ưng với hai mươi.

Pháp tương ưng với trước ngọ là: Năm loại thức ăn chánh, chín loại thức ăn tương tợ và các việc khác tương ưng với trước giờ ngọ. Đó là pháp tương ưng với trước ngọ.

Pháp tương ưng với đầu đêm là nước nho, cho đến nước thủy giải.

Pháp tương ưng với bảy ngày là năm loại thuốc và các thứ thuốc khác.

Pháp tương ưng với suốt đời là:

  1. Sơn thiệp tử.
  2. Thức lưu.
  3. Lưu thảo.
  4. Thiện thiện.
  5. Lô-phá-la.
  6. Hạt tiêu.
  7. Gừng.
  8. Tỳ-bát.
  9. Thi-la-chiết-lặc.
  10. Chơn-phù-lưu.
  11. Điền lực.
  12. Già-luân-câu-lô-hỷ.

Rất nhiều các thứ như vậy, là pháp tương ưng với suốt đời.

Pháp tương ưng với các vật dụng sinh hoạt là: ba y, bình bát, đồ nằm, ống và túi đựng kim, chậu, bình, rương,… Các vật mà Tỳ-kheo cần dùng như vậy gọi là pháp tương ưng với dụng cụ sinh hoạt.

Pháp tương ưng với bát và người là bát sắt, bát tô-ma (gốm), nhiều thứ như vậy gọi là pháp tương ưng với bát và người.

Pháp tương ưng với y và người là mười loại vải may y được nhuộm, giặt, cắt, may và thọ trì như pháp. Đó gọi là pháp tương ưng với y và người.

Pháp tương ưng với đồ nằm là đồ nằm phải được làm đúng kích cỡ cho phép.

Pháp tương ưng với ống và túi đựng kim là như đã nói ở phần trên.

Pháp tương ưng với việc khất thực là: Lúc khất thực được nhận thức ăn vừa đầy bát, không được nhận quá nhiều. Đó là pháp tương ưng với việc khất thực.

Pháp tương ưng với việc xin y là: Khi xin y, tuy đàn-việt cúng rất nhiều nhưng người nào không đủ ba y thì chỉ nhận cho đủ ba y, không được nhận quá. Đó gọi là pháp tương ưng với việc xin y.

Lúc ấy, sau khi khất thực xong, Thế Tôn trở về trụ xứ, xếp y lại để một chỗ. Đó là pháp tương ưng với y áo.

Pháp tương ưng với đồ nằm là như trong kiền-độ Phu cụ đã nói rõ.

Đúng lượng là y nội dài bốn khuỷu tay, rộng một khuỷu tay rưỡi. Đó là đúng kích cỡ.

Bát, y, phu cụ, ống và túi đựng kim, phòng ở của người hành đạo, tất cả các vật như vậy mà được làm như lời Phật dạy thì gọi là đúng kích cỡ, nếu không như lời Phật dạy thì gọi là không đúng kích cỡ.

Pháp tương ưng với nhuộm màu là: Khi y của các Tỳ-kheo đã bạc màu, Phật cho phép dùng mười loại màu để nhuộm lại. Mười loại màu đó là:

  1. Bùn.
  2. Vỏ cây Đà-bà.
  3. Vỏ cây Bà-đà.
  4. Phi thảo.
  5. Càn-đà.
  6. Rễ Hồ-đào.
  7. Quả A-ma-lặc.
  8. Vỏ cây Khư-đà.
  9. Vỏ cây Thi-thiết-bà.
  10. Hòa đủ màu lại để nhuộm.

Đó là mười loại màu được dùng để nhuộm.

Pháp tác tịnh bằng cách chấm ba chấm trên y là:

  1. Dùng bùn.
  2. Dùng màu xanh.
  3. Dùng màu đỏ lợt (màu không đều).

Dùng ba loại này chấm ba chấm trên y để tác tịnh.

Pháp tương ưng với oai nghi là: Y áo phải mặc cho ngay ngắn, cho đến không được đứng mà đại tiểu tiện. Đó là pháp tương ưng với oai nghi.

Pháp tương ưng với yết-ma sai người là: Bạch nhị, bạch tứ và yếtma sai người. Trước hết kết giới bất tịnh địa, kế đó kết giới phòng ốc của chúng Tăng, sau đó kết Đại giới. Sau khi kết đại giới phải hỏi chúng Tăng làm tịnh trù ở đâu, rồi kết giới làm tịnh trù ở nơi Tăng chỉ định, sau đó kết giới nơi Bố-tát, cuối cùng là kết giới không mất y.

Khi giải giới, trước tiên giải giới không mất y, sau đó giải giới Bố-tát, kế đó giải giới tịnh trù của chúng Tăng, kế đó giải Đại giới, kế đó giải giới phòng xá của Tăng, kế đó giải giới bất tịnh địa và nơi để các loại tạp vật.

Các việc như: Giáo thọ Tỳ-kheo ni, Tự tứ, phát thẻ, làm sứ giả cho Tăng, làm việc cho Tăng bốn phương, giúp đàn-việt có lòng tin chia cháo, chia thức ăn trước giờ ngọ, cho đến quản lý tịnh nhân ở trong chùa, không cho đến nhà đàn-việt có lòng tin để khất thực, trông coi người cuồng loạn mất trí, truyền Đại giới cho ni… Những yết-ma như vậy và những yết-ma sai người chưa được nêu ra ở đây đều gọi là pháp tương ưng với yết-ma sai người.

Pháp tương ưng với nơi chốn là: hoặc tháp, hoặc y bị rách, hư, lủng đều phải tu bổ, sửa sang. Đó là pháp tương ưng với nơi chốn.

Nơi ở của Hòa thượng, nơi ở của A-xà-lê, nơi ở của chúng Tăng, nơi Tăng Bố-tát cũng là pháp tương ưng với nơi chốn.

Lúc ấy, vì Tỳ-kheo bệnh, Đức Thế Tôn yết-ma chọn tịnh địa để làm nơi nấu ăn. Nếu có khách Tỳ-kheo đến, người chủ chùa phải nói cho họ biết nơi bất tịnh, nơi phòng Tăng, nơi kiết Đại giới, nơi tịnh trù, nơi Bố-tát, nơi kiết giới không mất y, nơi uống nước… Đó là pháp tương ưng với nơi chốn.

Pháp tương ưng với phương hướng là: Tùy theo Hòa thượng, chúng Tăng và thầy tổ hướng về phương nào thì hướng về phương đó.

Lại nữa, phương hướng là: Khi Phật ở thành Vương Xá, vào ngày thứ mười lăm cuối tháng, lúc nói giới, chúng Tăng đều tập họp đến. Phật hỏi: “Các ông từ đâu đến?” Các Tỳ-kheo nói phương hướng nơi họ đang ở. Đó gọi là phương hướng.

Phương Đông có tháp La-hầu-bạt-đà.

Phương Nam có xứ tên Đa-nô.

Phương Tây có xứ tên Thư-tỳ-đà-lâu-đà.

Phương Bắc có xứ tên Vô-chí-la-tì-xà.

Đó là bốn nơi ở biên giới xa nhất. Ở nơi ấy, năm Tỳ-kheo -trong đó có một vị thông hiểu về Luật – thì được truyền giới Cụ túc. Đó là pháp tương ưng với phương hướng.

Pháp tương ưng với cõi nước là: Ở nước A-bàn-đề, trong năm vị có một vị sư thông hiểu về Luật được phép truyền giới Cụ túc. Ở nước A-phạm-kiền-đề, trời nóng được phép tắm rửa thường xuyên, cũng cho phép mang giày da làm bằng hai ba lớp da.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo an cư mùa hạ trên núi Tuyết, thân thể bị nứt nẻ, liền đến thưa với Phật. Nghe xong, Phật cho phép ở nước như vậy Tỳ-kheo được mặc áo lót cho kín hai vai.

Có hai Tỳ-kheo: Một người tên Ô-ta-la, người thứ hai tên Tamma-đà, đến chỗ đức Phật bạch:

– Các Tỳ-kheo gồm những người thuộc nhiều dòng họ, từ nhiều nước đi xuất gia nên sợ rằng họ dùng ngữ âm không chuẩn, làm mất ý nghĩa của kinh Phật. Xin Thế Tôn cho phép con dùng luận Xiển-đề để làm chính xác ý nghĩa của kinh Phật.

Đức Phật nói:

– Pháp của Ta không quý những lời lẽ trau chuốt. Lời lẽ tuy chất phác mà không mất ý nghĩa, giúp cho người hiểu được là điều chính yếu.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly, gặp lúc mất mùa, đói kém, khất thực khó được, các Tỳ-kheo nương sức thần thông đến nước KhởiGià để khất thực. Người nước ấy khinh ghét tu sĩ nên đem thức ăn để xuống đất chứ không trao tận tay. Có các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn việc ấy, Phật nói:

– Tuy không trao tận tay nhưng tâm bố thí đã trọn vẹn nên có thể lấy mà ăn.

Đó là pháp tương ưng với cõi nước.

Pháp tương ưng với Tự tứ là: Một người tâm nghĩ miệng nói; hai người, ba người, bốn người đều lần lượt nói với nhau. Năm người thì yết-ma tự tứ. Đó là pháp tương ưng với tự tứ.

Pháp tương ưng với gởi dục Tự tứ là có năm cách gởi dục:

– Một là tôi cùng Tự tứ.

– Hai là tôi Tự tứ.

– Ba là vì tôi nên làm Tự tứ.

– Bốn là tay làm tướng mạo Tự tứ.

– Năm là miệng làm tướng mạo Tự tứ.

Nếu năm cách đó không thành thì không gọi là gởi dục Tự tứ. Đó là pháp tương ưng với gởi dục Tự tứ.

Pháp tương ưng với nhận dục Tự tứ là Tăng sai người nhận dục. Nếu người nhận dục gặp nạn cha mẹ bệnh, nạn phi Phạm hạnh, hoặc nhiều nạn khác như vậy thì phải nhờ người khác mang lời gởi dục đi.

Pháp gởi dục là nói với người nhận dục: “Xin đại đức ghi nhớ, tôi là Tỳ-kheo… (tên đó), hôm nay chúng Tăng Tự tứ, tôi cũng Tự tứ. Tôi xin gởi dục cho chúng Tăng thanh tịnh. Đó là pháp tương ưng với việc gởi dục.

Nếu người nhận dục chưa trở về, bỗng bị nạn nước lũ, nạn sư tử, hổ, sói,… không thể đến Tự tứ thì người Tự tứ ở bên ngoài cương giới cũng được thanh tịnh và người đi cũng được thanh tịnh. Đó là pháp tương ưng với người nhận dục Tự tứ.

Pháp tương ưng với Ba-la-đề-mộc-xoa là: Lúc ấy, đức Thế Tôn ở trong căn phòng yên tĩnh, Ngài nghĩ: “Hôm nay Ta phải dạy các Tỳkheo tập hợp lại một chỗ để nói Giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu Ta không chế giới này, các Tỳ-kheo mới muốn học Ba-la-đề-mộc-xoa thì làm sao được nghe và tu tập thế nào?”

Khi ấy, đức Thế Tôn rời khỏi phòng yên tĩnh và bảo các Tỳkheo:

– Từ nay trở đi, các ông hãy tập hợp lại một chỗ để nói giới Bala-đề-mộc-xoa. Khi muốn nói giới, trước tiên phải bạch: “Đại đức Tăng xin lắng nghe. Nếu thời giờ thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp nhận, nay Tăng tập hợp lại một chỗ để nói giới Ba-la-đề-mộc-xoa. Đây là lời tác bạch”.

Đó là pháp tương ưng với Giới Ba-la-đề-mộc-xoa.

Pháp tương ưng với việc nói Ba-la-đề-mộc-xoa là: Có năm cách nói tóm lược Ba-la-dề-mộc-xoa đã được nói ở phần trên.

Lại có pháp tương ưng với việc nói Ba-la-đề-mộc-xoa đã được nói ở phần trên trong kinh Mẫu. Đó là pháp tương ưng với việc nói giới.

Pháp tương ưng với việc Bố-tát là: Cho đến ba người thì lần lượt nói Bố-tát. Bố-tát như pháp là bốn người trở lên thì bạch một lần, sau đó Bố-tát. Tỳ-kheo Hạ tọa phải quét dọn, tưới nước nơi Bố-tát. Đó là pháp tương ưng với việc Bố-tát.

Pháp tương ưng với việc gởi và nhận dục là:

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo cần phải thuyết tịnh. Thuyết

tịnh xong phải nói: “Hôm nay chúng Tăng Bố-tát, có Tỳ-kheo bệnh không đến, được phép gởi dục”. Tăng sai người đến nhận dục. Đó là pháp tương ưng với dục.

Nếu có nhân duyên thì gởi dục, không có nhân duyên thì nên ra đi. Gởi dục có năm cách như đã nói ở trên.

Pháp tương ưng với người nhận dục là: Nếu có các nạn, người nhận dục không đến được thì người nhận dục thanh tịnh, chúng Tăng thanh tịnh. Đó là pháp tương ưng với người nhận dục.

Pháp tương ưng với thanh tịnh là: Nếu bệnh, không đến được thì tự nói thanh tịnh. Đó gọi là thanh tịnh.

Trong khi Tự tứ thì chỉ được nói gởi dục, không được nói gởi dục thanh tịnh. Các pháp sự khác thì nói thẳng là gởi dục thanh tịnh, không nói thanh tịnh. Đó là gởi dục thanh tịnh. Người nhận dục có nạn, không đi được, gọi là nhận dục thanh tịnh.

Đó là pháp tương ưng với người nhận dục thanh tịnh.

Các quy định đã được nói ở trên cần được suy xét lại theo năm kinh sau:

– Kinh Tỳ-kheo.

– Kinh Tỳ-kheo ni.

– Kinh Ma-đắc-lặc-già (luận).

– Kinh Tăng nhất.

– Kinh các Kiền độ.

Dựa vào các Kinh ấy để suy xét các điều trên, điều nào hợp với nghĩa của năm Kinh thì hãy thọ trì, đừng nên xả bỏ. Nếu điều nào không hợp thì để đó, không nên thực hành.

Lại nữa, pháp cần suy xét là: Một là duyên, hai là chế, ba là chế thêm, tóm lược, phạm, không phạm phải tương ưng với năm loại Kinh. Dùng duyên, chế và chế thêm trong năm loại Kinh này để đối chiếu.

Thế nào là nói tổng quát: Tỳ-kheo tức là tất cả Tỳ-kheo, đó là nói tổng quát.

Thế nào là nói lược? – Đó là nói phần đầu, giữa và cuối nhưng chỉ nêu lên nghĩa. Đó là nói lược.

Nói đầy đủ là: Có Tỳ-kheo nói với Tỳ-kheo chỗ hiểu biết của mình và bảo: “Tôi đã đích thân nghe Phật nói như vậy”. Nghe xong, không được hủy báng lời ấy, cũng không được thọ trì ngay. Phải đem sự hiểu biết đó so sánh với năm bộ Kinh, nếu thích hợp với Kinh thì nên nói: “Lời trưởng lão nói rất tốt, hãy tự thọ trì, đừng xả bỏ. Lại thường giảng nói đầy đủ cho người khác nghe”. Nếu không tương ưng với năm bộ Kinh thì nên ngăn: “Lời trưởng lão nói không nên thọ trì, cũng đừng nên giảng nói cho người khác, hãy tìm sự hiểu biết tốt đẹp”. Đó gọi là việc giảng nói đầy đủ thứ nhất.

Sự giảng nói đầy đủ thứ hai là: Có người nói: “Tôi đã đích thân nghe chúng Tăng nói”, và người đó cũng nói với người khác về sự hiểu biết của mình. Người nghe cũng phải làm như ở trên, không chê bai, không thọ trì mà dùng năm Kinh để kiểm nghiệm. Đó là sự giảng nói đầy đủ thứ hai.

Sự giảng nói đầy đủ thứ ba là: Có Tỳ-kheo tự nói: “Đã đích thân nghe ba người nói” và cũng nói với Tỳ-kheo khác về hiểu biết của mình. Muốn thọ trì hay không thọ trì lời nói này thì phải đem so sánh với năm bộ Kinh. Đó là sự giảng nói đầy đủ thứ ba.

Sự giảng nói đầy đủ thứ tư là: Lại có Tỳ-kheo tự xưng: “Tôi đã đích thân nghe hai Tỳ-kheo đại đức nói như vậy” và Tỳ-kheo ấy cũng nói với người khác theo hiểu biết của mình. Khi nghe lời ấy, muốn biết có nên thọ nhận hay không thì Tỳ-kheo phải kiểm nghiệm như trên. Đó là sự giảng nói đầy đủ thứ tư.

Đầy đủ có hai loại: một là văn đầy đủ, hai là nghĩa rộng. Đó là bốn sự giảng nói đầy đủ.

Lại nói tóm lược về nghĩa thích hợp và không thích hợp.

Loại bát thích hợp là bát sắt, bát gốm, bát của nước Ưu-già, bát của nước Ưu-già-xa, bát đen của nước Tỳ-xá-ly, bát đỏ của nước XáVệ. Bát tuy có sáu loại nhưng thật ra chỉ có bát sắt và gốm. Đó là loại bát thích hợp.

Loại bát không thích hợp là bát chiên-đàn, bát gỗ Thi-xá-bà, bát đá, bát vàng, bát bạc, bát lưu ly, bát ngọc, bát bảy báu. Đó là loại bát không thích hợp.

Đó là thích hợp và không thích hợp.

Người kia thích hợp, người này không thích hợp:

– Thích hợp là: Tỳ-kheo có bát dư được phép chứa mười ngày.

– Không thích hợp là: Tỳ-kheo ni có bát dư không được chứa quá một ngày. Đó là không thích hợp.

Đó là người này thích hợp, người kia không thích hợp.

Chừng ấy người thì thích hợp, Bấy nhiêu người thì không thích hợp là: Bát lủng đã được vá hơn năm chỗ, lại xin bát mới để thọ trì, cần phải ở giữa bốn Tỳ-kheo, bạch nhị yết-ma để thọ trì. Ba Tỳ-kheo trở xuống thì không được. Đó gọi là chừng đó người thì thích hợp, chừng đó người không thích hợp.

Đúng kích cỡ thì thích hợp, không đúng kích cỡ thì không thích hợp là:

– Thích hợp là: Một thăng rưỡi đến hai thăng rưỡi là thích hợp.

– Không thích hợp là: Không đủ một thăng rưỡi, hoặc hơn hai thăng rưỡi là không thích hợp.

Đó gọi là đúng kích cỡ thích hợp, không đúng kích cỡ thì không thích hợp.

Màu này thích hợp, màu kia không thích hợp là:

– Do xông đốt mà được thì thích hợp.

– Màu không do xông đốt mà được thì không thích hợp.

Đó là màu thích hợp và không thích hợp.

Hoặc có lúc thích hợp, có lúc không thích hợp:

– Thích hợp là: Tỳ-kheo nào có y bát bị giặc cướp, nước cuốn trôi, rơi xuống đất bị vỡ, hoặc mất thì có thể nói với cha mẹ, bà con, quyến thuộc để xin. Đó là thích hợp.

– Nếu không bị nước cuốn trôi, giặc cướp, rơi xuống đất bị vỡ, bị mất mà nói với cha mẹ, bà con, quyến thuộc để xin thì không thích hợp.

Đó là lúc thích hợp hay không thích hợp.

Sự thích hợp hay không thích hợp của y áo:

– Loại y thích hợp là: Mười loại vải may y.

– Loại không thích hợp là: Y có màu sắc đẹp, y gấm, y màu trắng, y có tua. Nhiều loại y như vậy đều không thích hợp. Đó là các loại y không thích hợp.

Chỉ thọ trì một y trong số ba y cũng không thích hợp.

Cho đến trên đầu trùm y làm bằng lông thú có tua cũng không thích hợp.

Có lúc thích hợp, có lúc không thích hợp là: Nếu bị cướp, bị nước lũ cuốn trôi, bị cháy, hoặc bị mất thì nên nói với cha mẹ, anh em, bà con để xin. Nếu không như vậy thì không nên nói để xin. Đó gọi là có lúc thích hợp, có lúc không thích hợp.

Y mặc lót thích hợp là: Ngắn nhất cũng phải dài quá eo một gang tay. Phải may y sao cho che được hai vú và ôm kín nách. Đó là thích hợp.

Không thích hợp là: may y quá ngắn. Y lót bên trong được mặc khi nằm ngủ buổi chiều tối. Y này phải có độ dài đủ để che kín từ cổ đến chân để khỏi làm dơ y sạch bên ngoài. Đó là đúng kích cỡ.

Y che ghẻ phải dài bốn khuỷu tay, rộng hai khuỷu tay.

Y tắm mưa phải dài hai gang tay rưỡi.

Khăn lau mình phải dài một gang, rộng một gang tay.

Khăn lau mặt dài một khuỷu tay, rộng một khuỷu tay.

Khăn lau mắt dài rộng đều đúng một gang tay mình.

Ngần ấy người thì thích hợp, ngần ấy người thì không thích hợp là: Bốn người thì thích hợp. Ba người, hai người thì không thích hợp. Đó là ngần ấy người thì thích hợp, ngần ấy người thì không thích hợp.

Hoặc có khi thích hợp, hoặc có khi không thích hợp: Thích hợp là trong một tháng sau khi Tự tứ được thọ y Ca-thi-na, quá hạn thì không được thọ. Đó là có khi thích hợp, có khi không thích hợp.

Có màu thích hợp, có màu không thích hợp: màu được Phật cho phép thì thích hợp, màu không được Phật cho phép thì không thích hợp. Đó gọi là có màu thích hợp, có màu không thích hợp.

Có giới hạn thích hợp, có giới hạn không thích hợp: Thích hợp là: mặc y nội ngắn trên mắt cá ba ngón tay là thích hợp. Nếu dài hơn thế thì không thích hợp. Đó gọi là giới hạn thích hợp hay không thích hợp.

Pháp đi đường là: Tiền an cư và hậu an cư dù đi đến đâu xong việc rồi cũng phải đi về nơi an cư. Hậu an cư nếu có duyên sự cũng phải xin phép bảy ngày để đi. Một tháng sau của tiền an cư cũng nên đi.

Không nên đi là: Trong mùa hạ, không có duyên sự thì không được xin phép bảy ngày. Trong mùa đông, không có duyên sự thì không nên đi. Đó là nên và không nên đi.

Người thích hợp và không thích hợp là:

– Quá cao, quá lùn, có các nạn, không đủ số chúng Tăng. Đó là không thích hợp.

– Thích hợp là: không cao, không thấp, tuổi đủ hai mươi, không có các nạn, đầy đủ số chúng Tăng thanh tịnh. Đó là thích hợp.

Đó gọi là người thích hợp và không thích hợp.

Phòng thích hợp và không thích hợp:

– Thích hợp là: Đất được chúng Tăng cho phép như pháp. Nơi đó không có các nạn. Phải xây cất đúng kích cỡ cho phép. Đó là thích hợp.

– Không thích hợp là: Tăng không cho như pháp, nơi đó có các nạn. Làm quá kích cỡ cho phép nên phải xin tiền của rất nhiều, làm đàn-việt chán ghét. Đó là không thích hợp.

Đó là phòng thích hợp hay không thích hợp.

Phạm Tỳ-ni là phạm một trong bảy tụ. Phải xét xem phạm vào tụ nào trong bảy tụ này. Lại phải xét xem nên sám hối làm sao tội này mới trừ được. Lại phải biết thời điểm phạm tội này là đầu đêm hay cuối đêm, hay là hai đêm mới phát sanh. Lại phải xét xem tội này phạm trước bữa ăn, sau bữa ăn hay ban ngày. Nguyên nhân gây ra vi phạm là người hay pháp.

Việc phạm vào đầu đêm là nhận và dùng những vật không nên nhận dùng.

Phạm ban đêm là: Tỳ-kheo thuyết pháp cho Tỳ-kheo ni vào ban đêm thì phạm.

Phạm sau hai đêm là: Ngủ chung với người chưa thọ giới Cụ túc quá hai đêm, khi mặt trời chưa mọc mà không ngồi dậy, không ra ngoài thì phạm.

Phạm trước giờ ngọ là: Rửa chân trước giờ ngọ, lấy dầu thoa chân đi vào làng thì phạm, trừ khi bệnh.

Phạm sau khi ăn là: Trước đã nhận lời thỉnh thọ thực của người vào giờ ngọ, sau đó lại nhận lời thỉnh ở nơi khác nhưng không nói với người ở bên cạnh mà đi thì gọi là phạm.

Phạm ban ngày là: Vào ban ngày, Tỳ-kheo nào nằm ngủ ở nơi đất trống thì gọi là phạm.

Lại có việc phạm ban ngày là: Không mặc y hạ và áo lót mà chỉ đắp cà-sa đi kinh hành, đệ tử đi kinh hành cùng Hòa thượng, A-xà-lê, nhận thức ăn quá nhiều, mang giày da không trúng. Đó gọi là phạm ban ngày.

Những vi phạm phát sanh theo pháp là: Khi chứng đắc pháp thượng nhơn không được nói với bạch y, nếu là người xuất gia quen biết, hợp ý nhau thì có thể nói cho nghe, không nên nói với người khác.

Lại có việc vi phạm do pháp: Hoặc dạy Kinh cho người đối diện, hoặc cùng tụng; người dạy Kinh dạy câu trước, người học Kinh tụng tiếp câu sau. Người như vậy không nên truyền dạy Kinh. Không cùng tụng là: Thượng tọa tụng câu trước xong, Hạ tọa tụng lại câu Thượng tọa vừa tụng, không được tụng cùng một lúc, không được nói pháp cho người nữ quá năm sáu lời. Không được nói pháp cho người che vai, che đầu và nhiều người như vậy. Đó gọi là vi phạm do pháp.

Vi phạm do người là: Cao, thấp quá độ, không đủ hai mươi tuổi, có các nạn, chúng Tăng không đủ số và không thanh tịnh, nhóm họp thọ giới một cách phi pháp, thọ giới giữa hư không, thọ giới ở ngoài giới, truyền Giới cho mười ba hạng người phi pháp và người thọ giới không đắc giới. Tất cả đều gọi là vi phạm do người.

Vi phạm do sáu chỗ phát sanh nên suy xét sáu chỗ để sám hối.

Có vi phạm phát sanh do thân, chẳng phải do tâm, miệng.

Có vi phạm do miệng, chẳng phải do thân, tâm.

Có vi phạm do tâm, chẳng phải do thân, miệng.

Có vi phạm phát sanh do thân, tâm.

Có vi phạm phát sanh tâm miệng.

Có vi phạm phát sanh do thân miệng.

Có vi phạm phát sanh do tham dục.

Có vi phạm phát sanh do sân hận.

Có vi phạm phát sanh do ngu si.

Có vi phạm do bị thân, miệng ngu si làm hại.

Có vi phạm do thân, miệng sân hận làm hại.

Có vi phạm do thân, miệng tham dục làm hại.

– Vi phạm do thân chẳng phải do tâm, miệng làm hại là ba-la-di đầu tiên và cố ý làm xuất tinh. Trong vi phạm này, có vi phạm là bất thiện, có vi phạm là vô ký, ngủ lìa ba y, hoặc dùng tay, dùng gậy đánh người đều gọi là vi phạm do thân.

– Vi phạm do miệng là Ba-la-di thứ tư, do tâm dục nên nói lời thô tục với người nữ hoặc nói với tâm sân hận, tự ca ngợi thân mình rồi bảo đem sự dâm dục cúng dường mình; phỉ báng dựa vào trường hợp không căn cứ thứ hai; hủy nhục dòng họ, hình dạng của người khác, nói dối, nói hai lưỡi, những việc như vậy và những vi phạm khác do khẩu nghiệp mà được gọi là vi phạm do khẩu nghiệp phát sanh.

– Vi phạm do thân, miệng mà phát sanh là Ba-la-di thứ hai,làm mai cho người hoặc những việc về phòng ốc. Những việc ấy và những việc khác tương tự là vi phạm do thân, miệng.

– Vi phạm do tâm mà phát sanh là như trong ba mươi Xả đọa, Tỳkheo được thí chủ cho vàng bạc, tuy tay không cầm mà nghĩ đó là của mình và bảo tịnh nhân đem cất vào nơi ấy mà không nói với tịnh nhân: “Ông hãy tùy ý dùng”, hoặc như Tỳ-kheo thấy người khác vi phạm mà che giấu không phát lồ với người khác, đó là vi phạm do tâm.

– Vi phạm do thân, tâm mà phát sanh là vi phạm từ thân tâm như trên.

– Vi phạm do thân, miệng, tâm mà phát sanh là vi phạm từ thân, miệng, tâm như trên.

– Vi phạm từ tham dục mà phát sanh là Ba-la-di đầu tiên, cố ý làm xuất tinh, thân xúc chạm, miệng ca ngợi thân mình.

– Vi phạm do sân hận mà phát sanh là: Giới Ba-la-di thứ ba, phỉ báng dựa vào việc không căn cứ thứ hai.

– Vi phạm do ngu si mà phát sanh là: Nếu Tỳ-kheo ngu si, không nhận lời can gián của người thì gây ra vi phạm do ngu si phát sanh.

– Vi phạm do thân và tham mà phát sanh là Ba-la-di đầu tiên, thân xúc chạm, cố ý làm xuất tinh và các vi phạm khác do thân và tham mà phát sanh.

– Vi phạm do miệng và tham mà phát sanh là: Vì dâm dục nên nói lời thô tục, khen ngợi thân mình và những việc khác tương tự. Đó gọi là vi phạm do miệng và tham mà phát sanh.

– Vi phạm do thân, miệng, tham mà phát sanh là: Như có hai mẹ con cùng xuất gia, con thường đến cúng dường mẹ, mẹ con đều sanh tâm tham, mẹ nói với con: “Đó là chỗ mà ông đã sanh ra. Nay hãy xem lại nó thì có lỗi gì?” Người con nghe lời mẹ liền làm việc bất tịnh. Đó là vi phạm do thân, miệng, tham mà phát sanh.

Những việc như vậy rất nhiều, nay nói tóm lược như vậy.

– Vi phạm phát sanh do thân và sân là: Tự tay giết chết mạng người và cầm gậy đánh người.

Lại có Tỳ-kheo tranh cãi với bạch y, tháo hết nước trong ruộng lúa của người khác làm cho lúa bị chết. Những việc như vậy là vi phạm do thân và sân mà phát sanh.

– Vi phạm từ miệng và sân mà phát sanh là: Tỳ-kheo nói với người khác: “Hãy giết chết người ấy cho ta”, hoặc sai, hoặc viết thư…, những việc như vậy chẳng phải làm một lần. Đó là vi phạm từ miệng và sân mà phát sanh.

– Vi phạm từ thân, miệng, sân mà phát sanh là: Nương theo tâm sân, thân hoặc miệng làm hại người khác, làm bực mình loạn người khác. Đó là vi phạm từ thân, miệng và sân mà phát sanh.

– Vi phạm từ thân và ngu si mà phát sanh là: Có Tỳ-kheo lấy loại ngọa cụ trải giường đem trải nơi đất trống để ngồi, khi đi không tự cất, đó là vi phạm do ngu si và thân mà phát sanh.

– Vi phạm do miệng và ngu si phát sanh là: Có Tỳ-kheo khách nhận phòng ốc, ngọa cụ của chúng Tăng, bỏ đi hai đêm, không tự đến báo, cũng không bảo người khác đến báo. Đó là vi phạm do miệng và ngu si mà phát sanh.

– Vi phạm từ thân, miệng, ngu si mà phát sanh là: Có người nhận phòng ốc, giường, phu cụ của Tăng, khi đi không bảo người cất, cũng không tự cất. Đó là vi phạm từ thân, miệng, ngu si mà phát sanh.

– Bị thân và tham làm hại là: Có một Tỳ-kheo tên Năng-già-tăngđề, được Tăng sai giữ chùa. Sau đó có một bé gái vào chùa, ông ta liền ôm bé gái cùng làm việc bất tịnh. Vì bé gái đó còn nhỏ tuổi nên nữ căn bị rách mà chết. Các Tỳ-kheo phân vân, không biết trong hai tội sát và dâm, người này phạm tội nào nên đến hỏi Thế Tôn, Phật nói: “Bị mắc tội dâm”. Đó là vi phạm do thân, tham làm hại.

– Vi phạm do miệng, tham làm hại là:

Lúc ấy, có bạch y bị bệnh nên nằm, người ấy có người vợ nhan sắc xinh đẹp, có một Tỳ-kheo đến thăm bệnh và bảo người vợ ông ta:

– Hãy cùng tôi làm việc dâm dục.

Người nữ đáp:

– Tôi còn có chồng, không thể tự tiện được.

Tỳ-kheo liền nói cho người bệnh nghe pháp là:

– Nếu tạo tội mà sống lâu ở đời thì đời sau chịu tội rất lâu. nếu có phước đức thì khi chết liền được hưởng thú vui cõi trời, dùng đời sống xấu xa này làm gì?

Nghe xong, người bệnh liền nhàm chán thân và tìm cách tự tử.

Các Tỳ-kheo bạch với Phật, Phật nói:

– Người này phạm tội Ba-la-di.

Đó là vi phạm do miệng, tham làm hại.

– Vi phạm do thân, miệng, tham làm hại chính là thân, miệng, tham.

Lúc ấy, có Ưu-bà-di Tô-tỳ-da, bảo Tỳ-kheo:

– Nếu cùng tôi hành dục, khi chất bất tịnh sắp ra hãy rút ra và đứng dậy thì không phạm.

Tỳ-kheo liền nghe theo, cùng cô ấy hành dục và cho là không phạm. Việc ấy dần dần đến tai đức Thế Tôn, Phật nói:

– Đó là vi phạm do thân, miệng, tham.

Lại nữa, vi phạm do thân, miệng, tham là:

Có một Tỳ-kheo truyền giới cho đệ tử, bạch tứ yết-ma truyền giới xong, không nói Giới tướng mà để ông ta về chùa. Sau đó, đệ tử gặp người vợ cũ, người vợ hỏi:

– Anh đang làm gì?

Đáp:

– Thầy dẫn đến đây để thọ đại giới.

Vợ liền nói:

– Số ngày giữ giới còn dài, hôm nay nhân dịp gặp nhau, hãy cùng nhau hành dục.

Người chồng liền cùng làm việc bất tịnh theo lời người vợ. Sở dĩ người này làm việc bất tịnh là do không biết giới tướng. Nghe vậy, Phật liền chế giới:

– Từ nay trở đi, sau khi truyền giới xong phải lập tức nói cho người thọ giới biết Giới tướng.

Đó là vi phạm do thân, miệng, tham.

Bị thân, sân hận làm hại là: Nương theo tâm sân, tự tay cắt giết chết người khác. Đó là vi phạm do sân hận và thân làm hại.

Vi phạm do miệng và sân làm hại là: Sai người khác đi giết người. Đó là vi phạm do miệng và sân hận làm hại.

Bị thân, miệng và sân hận làm hại là: Thân tự giết, miệng sai người giết. Đó là vi phạm do thân, miệng và sân hận làm hại.

Bị thân và ngu si làm hại là: Hoặc gỗ của người khác, hoặc trái cây, hoặc cây cối, không nói với chủ mà tự ý lấy, đó là vi phạm do thân, và ngu si làm hại.

Bị miệng và ngu si làm hại là: Có Tỳ-kheo thấy việc làm của Tỳkheo khác không đúng nên nói: “Trưởng lão, việc làm này không đúng pháp, không nên làm nữa”. Tỳ-kheo ấy đáp lại lời can gián là: “Tôi không nghe theo lời của Đại Đức, để tôi hỏi lại người có trí tuệ”. Đó là vi phạm do miệng và ngu si.

Lại có vi phạm do miệng và ngu si là: Khi chúng Tăng nói giới, người đó nói: “Nói những giới nhỏ nhặt này làm gì”. Đó cũng là vi phạm do miệng và ngu si.

Lại có người khi Tăng thuyết giới thì nói: “Điều các vị đang nói, chúng tôi đã nghe hoài, cần gì phải nói lại”. Đó là vi phạm do miệng và ngu si.

Vi phạm do thân, miệng và ngu si là: Nếu hai, ba người bảo một người đi giết người, người ấy nói: “Được” và lập tức đi giết. Đó là vi phạm do thân, miệng, ngu si.

Vi phạm do bất thiện là: Vi phạm do phàm phu cố ý gây ra và vi phạm do người hữu học cố làm.

Phạm do vô ký là thế nào? – Phàm phu không cố ý mà làm, hoặc do nhầm lẫn mà làm. Bậc Hữu học và A-la-hán do sơ suất mà làm. Đó gọi là phạm do vô ký.

Nhớ nghĩ sám hối là: Nếu biết mà cố làm là nặng. Nếu ngu si không hiểu mà làm là nhẹ.

Phạm nặng thì sám hối trước một người, hoặc trước chúng Tăng, tội mới tiêu trừ.Phạm nhẹ thì tâm nghĩ, miệng nói, tội liền tiêu trừ. Đó là tội Đột-kiết-la, ác khẩu.

Tất cả những điều bất thiện đều phạm Đột-kiết-la.

Đột-kiết-la còn gọi là ác tác.

Lấy y phấn tảo trên thi thể của người chết chưa bị hư rã, y phấn tảo trên tử thi đặt ngoài cửa, hoặc khoét vách tường vứt ra, y nằm trên hàng rào tưởng là y phấn tảo,… Lấy các loại y như vậy đều phạm tội nhẹ, tâm niệm sám hối, tội liền tiêu trừ. Đó là vi phạm do thân.

Nếu có vi phạm, khi thuyết giới không sám hối được, phải tự ghi nhớ, sau khi thuyết giới xong sẽ sám hối.

Có vi phạm do sơ suất thì tâm niệm tự trách, tội liền tiêu diệt. Đó là tội do không cố ý phạm các pháp Học.

Cố ý phạm mức thấp nhất là sám hối trước một người. Đó là tội nhẹ.

Cố phạm mức trung bình là tự tánh Thâu-lan-giá, Ba-dật-đề, Bala-đề-đề-xá-ni. Đó là phạm mức trung bình, phải sám hối trước một người.

Tội nặng là mười ba Tăng-tàn, Thâu-lan-giá gần Tăng-tàn, Thâulan-giá gần Ba-la-di. Đó là tội nặng trong số các tội có thể sám hối.

Tội không thể sám hối là: bốn tội Ba-la-di, tội Đột-kiết-la, Badật-đề, Thâu-lan-giá. Đó là những tội không thể sám hối.

Nếu Tỳ-kheo cùng nhau tranh cãi, muốn trừ tội, trước hết phải sám hối với người đã tranh cãi với mình. Cũng như cỏ phủ trên bùn, giúp người đi qua không bị dơ bẩn, cũng vậy, cùng hòa hợp sám hối, che việc ác, phát sanh việc lành, sau đó mới sám hối tội đã vi phạm.

Yết-ma sám hối trừ tội đã nói ở đoạn trên.

Tỳ-ni diệt trừ tranh chấp ngôn tụng là: Đánh nhau, mạ nhục nhau gọi là chống đối. Tranh là bè nhóm giúp đỡ nhau gọi là tranh. Ngôn là nêu ra sự việc để phán đoán nên gọi là ngôn. Tụng là mỗi người nói ra sự lý phải trái.

Tranh chấp gồm có ba loại là: Thiện, ác, vô ký.

Lại phải xét xem việc tranh chấp đó do nhơn duyên gì mà phát sanh và sám hối làm sao để trừ diệt. Sự tranh chấp này phát sanh vào đầu đêm, giữa đêm hay cuối đêm. Phát sanh trước bữa ăn, sau bữa ăn hay giữa bữa ăn. Sự tranh chấp này có phải phát sanh sau hai đêm không? Có phải phát sanh vì pháp không? Hay phát sanh vì người?

Sự tranh chấp phát sanh vào đầu đêm là: Nước uống vào đầu đêm có người nói uống khi đã quá đầu đêm; có người nói không được uống, cho đến việc truyền Giới Cụ túc cho người cao, thấp, cho những người phi pháp thì có người nói được, có người nói không được và nhân đó phát sanh tranh chấp.

Tất cả những việc như vậy đều đã được nói trong phần phạm Luật ở trên.

Nhân duyên chính của việc tranh chấp này gồm có sáu, phân chia ra thì thành mười tám. Những gì là sáu?

  1. Sân hận.
  2. Não hại.
  3. Xảo trá.
  4. Keo kiệt, ganh ghét.
  5. Kiến thủ.
  6. Tà kiến, biên kiến.

Sân hận là sắc mặt biến đổi làm người ta sợ.

Não hại là có thể làm hại người khác, làm cho họ buồn rầu.

Xảo trá là tâm không thật nên giả dối, làm không thật.

Keo kiệt, ghen ghét là tham vật ở trước mặt, không muốn cho người, đó gọi là keo kiệt.

Ganh ghét là thấy người khác đạt được thì buồn bực, đó là ganh ghét.

Kiến thủ là chấp chặt kiến thức của mình là đúng, kiến thức của người khác là sai, đó là kiến thủ.

Biên kiến là chấp sự tiếp nối là thường, chấp sự hoại diệt là đoạn.

Tà kiến là hủy báng không có nhơn quả.

Đó là sáu chỗ phát sanh ra tranh chấp.

Mười tám loại phân biệt là: Phát sanh theo pháp, chẳng theo pháp… cho đến nói, chẳng nói. Mười tám loại trên làm phát sanh tranh chấp cho nên gọi là nguồn gốc của tranh chấp. Có hai nhân duyên làm cho sự tranh chấp này được trừ diệt: một là đối tượng phải có mặt, hai là phải truy tìm chỗ phát sanh.

Như nhóm sáu Tỳ-kheo ở thành Xá Vệ, đến tắm ở sông A-lê-bạtđề, cởi y để trên bờ. Sau đó có Tỳ-kheo Ca-lưu-đà đến cởi y đặt trên y của nhóm sáu Tỳ-kheo. Đến khi trở lên, vị ấy không xem kỹ nên mặc y của nhóm sáu Tỳ-kheo đi. Nhóm sáu Tỳ-kheo phỉ báng: “Ca-lưu-đà lấy trộm y”, liền làm yết-ma ở nơi vắng. Ca-lưu-đà phân vân nên đến hỏi Phật. Phật nói:

– Lúc lấy y, ông lấy với tâm gì?

Ca-lưu-đà nói:

– Dạ, con tưởng của mình nên lấy.

Đức Phật nói:

– Nếu vậy thì không phạm tội lấy trộm.

Nhân đó Phật liền chế giới:

– Từ nay trở đi phải đủ hai duyên: một là phải xem xét lý do, hai là phải có mặt đối tượng, sau đó mới làm Tỳ-ni diệt sự tranh chấp. Đó gọi là Tỳ-ni diệt tranh chấp.

Tỳ-ni đoạn trừ phiền não là: Tỳ-ni đoạn trừ kiết sử trói buộc ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc ở giai đoạn kiến đế và tu đạo. Đó là Tỳ-ni diệt trừ phiền não.

Kiết sử là đối tượng đi theo hành giả, không cho tu thiện, đó là ý nghĩa của kiết sử. Huân tập từ lâu xa đến nay rất khó xả bỏ, là nghĩa của kiết sử. Làm cho chúng ta chìm đắm trong đường ác, là nghĩa của kiết sử. Trói buộc hành giả trong đường sanh tử, là nghĩa của kiết sử. Làm cho con người thọ thân liên tục không dứt, là nghĩa của kiết sử; phiền não không dứt là nghĩa củakiết sử. Oan gia là nghĩa của kiết sử. Phương tiện không xả bỏ là nghĩa của kiết sử. Làm ác không dứt là nghĩa của kiết sử.

Mười kiết sử là: Sử kiến, sử nghi, sử giới thu, sử dục nhiễm, sử sân hận, sử sắc nhiễm, sử vô sắc nhiễm, sử vô minh, sử mạn, sử trạo cử.

Triền phược là: Triền vô minh, triền sân hận, triền giải đãi, triền thùy miên, triền trạo cử, triền hối hận, triền nghi, triền phược về tự tham vật mình, triền phược về tham vật người khác. Từ những triền phược này sanh ra tranh chấp, tranh cãi, sau đó sanh tâm làm hại nhau, trói buộc hành giả không cho giải thoát. Đó là nghĩa của triền phược.

Lại nữa, triền phược là: Triền ngã kiến, triền nghi, triền giới thủ, triền dục, triền sân hận, triền xan tham, triền tật đố, triền vô minh, triền ngã mạn, triền trạo cử. Mười triền phược này chính là mười kiết cho nên gọi là triền phược.

Cõi Dục gồm mười hai nơi cư trú. Cõi Sắc gồm hai mươi hai nơi cư trú. Cõi Vô sắc gồm bốn nơi cư trú. Ở các nơi ấy, bậc Kiến đế đoạn trừ được thân kiến, giới thủ và nghi.

Người tu đạo đoạn trừ được là: làm mỏng bớt tham dục, sân hận và vô minh ở cõi Dục thì đắc quả Tư-đà-hàm; đoạn trừ hết tham dục, sân hận và vô minh thuộc cõi Dục thì đắc quả A-na-hàm; đoạn trừ hết tham dục và vô minh thuộc cõi Sắc và Vô sắc thì đắc quả A-la-hán.

Phải suy xét xem phiền não này phát sanh từ đâu và diệt đi ở nơi nào. Nơi phát sanh là nơi kiết sử phát khởi, sanh tâm đắm nhiễm, làm sanh ra tất cả phiền não.

Kiết sử phát sanh ở nơi nào? – Mắt thấy thân sắc, sanh tâm tham đắm, chấp là thường còn và chấp là ngã, cho đến ý pháp cũng vậy. Ở bên ngoài là sáu trần, ở giữa là sáu thức, bên trong là sáu xúc, sáu thọ, sáu ái, sáu giác, sáu quán cho đến năm ấm, mười hai nhập, bốn đại, quyến thuộc của thức. Tâm ta quán sát những pháp này và chấp là ngã, là thường.

Nhân năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới phát sanh ngã, cho là thường còn nên có thể sanh ra kiết sử và tất cả các phiền não. Phiền não gồm năm trăm loại nên gọi là tất cả. Đó là nơi phát sanh.

Nơi tiêu diệt là: Ở chỗ phiền não phát khởi, sanh ý tưởng cho đó là sai lầm, là tai họa. Khi mắt thấy sắc thân cho đến ý tiếp xúc với pháp đều quán vô thường, vô ngã. Đối với quyến thuộc của thức phải quán là vô thường, khổ, bệnh, ung nhọt, tên độc, vô ngã. Sau khi quán sát như vậy thì tất cả phiền não đều được dứt sạch. Đó gọi là nơi diệt trừ.

Muốn dứt trừ phiền não phải thực hiện năm pháp quán là: quán hành vô thường, khổ, vô ngã, tịch diệt, không. Hành vô thường là niệm niệm không dừng, lại thêm bệnh hoạn, hư rã. Đó là vô thường.

Khổ là: như mụt nhọt, như bệnh, như mũi tên cắm vào tim, như vật bị hư rã sanh khổ. Đó là hành khổ.

Không là: Quán ngã và ngã sở đều như huyễn hóa, là pháp không thật. Đó là không.

Hành vô ngã là: Quán tất cả các pháp đều không có ngã. Quán hai hành vô thường và khổ là quán chung tất cả các pháp hữu lậu. Quán hai hành không và vô ngã là quán cả pháp hữu lậu, vô lậu.

Tịch diệt nghĩa là không có sanh tử biến đổi cho nên gọi là pháp tịch diệt.

Vì thế, hành giả phải thường để tâm đến năm pháp quán hành này. Cảnh giới được quán là năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, mười hai nhân duyên, cho đến sáu niệm xứ, quán pháp thân tịch diệt niệm xứ, sổ tức niệm xứ, cho đến bốn vô lượng tâm niệm xứ, tưởng ăn đồ bất tịnh cho đến tưởng dứt đoạn. Những việc này có nói rõ trong kinh Tạp A Hàm.

Nếu quán tưởng bộ xương, quán tưởng hư rã thì từ chân đến đỉnh đầu phải quán bất tịnh cho đến tưởng hoại diệt. Đó là cảnh giới mà tâm duyên theo.

Nếu trụ vào ba môn Không, tùy theo dùng môn gì để quán sát mà đoạn trừ kiết sử thì đó gọi là ba môn giải thoát.

Hành giả trong khi Trụ Địa cần phải quán sát sáu địa:

  1. Địa quán Bạch cốt.
  2. Địa Tánh.
  3. Địa Bát nhơn.
  4. Địa Bạt.
  5. Địa Ly dục.
  6. Địa Dĩ tác.

Đó là trụ địa.

Để đạt được Kiến Đế cần phải đoạn trừ sáu yếu tố sau:

  1. Thân kiến.
  2. Nghi.
  3. Giới thủ.
  4. Tham dục hướng về đường ác.
  5. Sân hận hướng về đường ác.
  6. Si mê hướng theo đường ác.

Những pháp mà bậc Tu đạo đoạn trừ là:

  1. Dục nhiễm.
  2. Sân hận.
  3. Sắc nhiễm.
  4. Vô sắc nhiễm.
  5. Vô minh.
  6. Mạn.
  7. Trạo cử.

Đoạn trừ bảy phiền não này liền được chứng quả:

– Đoạn trừ ba kiết sử thì chứng đắc Tu-đà-hoàn.

– Do dục nhiễm, sân hận giảm bớt nên đắc Tư-đà-hàm.

– Đoạn trừ hết dục nhiễm, sân hận thì đắc A-na-hàm.

– Dứt tất cả kiết sử thì gọi là A-la-hán.

Vì thế, Ta nói: Đoạn trừ những thứ ấy thì đắc quả và dùng quả để phân biệt người. Do đắc quả Tu-đà-hoàn nên gọi là bậc Tu-đà-hoàn. Đắc quả Tư-đà-hàm thì được gọi là bậc Tư-đà-hàm. Đắc quả A-na-hàm thì gọi là bậc A-na-hàm. Đắc quả A-la-hán thì gọi là bậc A-la-hán. Đó gọi là nơi đoạn trừ.

Luật thọ Cụ túc của Tỳ-kheo là:

– Hoặc thích hợp, hoặc không thích hợp, cho đến đúng kích cỡ.

– Hoặc thích hợp, hoặc không thích hợp; hoặc được phép, hoặc không được phép.

– Thích hợp, đúng kích cỡ thì được phép. Không thích hợp thì không được phép.

– Có vi phạm, không vi phạm: Như pháp thì không phạm, không như pháp thì phạm.

Nên suy đoán lần lượt như vậy.

Về bình bát cho đến phòng ốc, thích hợp hay không thích hợp đã được nói ở văn trên.

Vật thích hợp với tất cả những người thọ Cụ túc là: Bình bát, túi đựng bát, giày da, ống đựng kim, đai ngồi thiền, cà-sa, dây nút, dây buộc thắt lưng, ống đựng thuốc nhỏ mắt, bình chứa thuốc, mũ đội đầu, đãy lọc nước…, những vật như vậy có vật thích hợp, có vật không thích hợp. Đó gọi là Tỳ-ni của Tỳ-kheo.

Tỳ-ni của Tỳ-kheo ni là: Tỳ-kheo ni thọ Cụ túc hoặc thích hợp, hoặc không thích hợp, nếu đúng kích cỡ thì không phạm, không đúng kích cỡ thì phạm cũng nên theo thứ lớp mà suy xét, từ bát cho đến phòng. Nếu các Tỳ-kheo ni có được bát thì thọ trì một cái, nếu có dư thì phải tịnh thí, hoặc cho người khác ngay ngày đó.

Hoặc y hạ, hoặc áo lót đã được nói như trên.

Khăn che ghẻ cũng đã được nói trên.

Y tắm mưa cũng được nói như trên.

Từ y cho đến phòng ốc đều giống như trong kinh Tỳ-kheo đã nói.

Thức-xoa-ma-ni được tự lấy thức ăn. Hôm nay nhận, ngày hôm sau được ăn. Ngoài ra đều giống học pháp của đại Tỳ-kheo ni. Đó là Tỳ-ni của Tỳ-kheo ni.

Tỳ-ni Thiểu phần là Tỳ-kheo có hai trăm năm mươi pháp, Tỳkheo ni có năm trăm pháp. Thức-xoa-ma-ni có số pháp như đại Tỳ-kheo ni nhưng trừ đi việc tự lấy thức ăn để ăn và thức ăn đã nhận để đến hôm sau vẫn được ăn. Sa-di ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di đều tự có giới và đều là Tỳ-ni của họ. Đó là Tỳ-ni Thiểu phần.

Tỳ-ni Nhất thiết xứ là: Tất cả giới thuộc về thanh tịnh, Giới thuộc về Định, Giới thuộc về Trí tuệ, cần phải học. Tất cả các giới nhỏ đều cần phải thọ trì như giới trọng để cho Phạm hạnh được rốt ráo, giới Bala-đề-mộc-xoa được thanh tịnh. Tất cả hạnh lành của thân, hạnh lành của miệng, hạnh lành của ý phải tùy thuận với Chánh kiến cho đến Chánh định.

Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di nên trừ bỏ tà dâm cho đến xa lìa sát sanh, tà kiến. Đó gọi là Giới của người thế tục. Nên tìm những nhóm phạm khinh hay trọng và nơi phát sanh, và nhóm đó có thể diệt hay không.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8