KINH TỲ NI MẪU
 Hán dịch: Mất tên người dịch, nay xếp vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 6

Tỳ-kheo nào định rời bỏ phòng để đi nơi khác thì trước hết phải quét dọn, sửa sang trong phòng cho sạch sẽ, xếp đồ nằm, để giường cách xa vách tường, đặt đồ nằm trên giường, loại tốt đặt ở dưới, loại xấu che bên trên. Hai loại đồ nằm phần trên đã nói rõ.

Khi đi phải bạch Hòa-thượng, A-xà-lê. Nếu các vị ấy cho phép thì nên đi, không cho phép thì hãy ở lại. Nếu đã quá mười tuổi hạ và có pháp sự cần làm để tạo lợi ích cho chúng sanh thì tuy Hòa thượng, A-xà-lê không cho phép mà tự đi, vẫn không có lỗi.

Khi đã đi ra khỏi chùa nên hướng về nơi định đến, lại phải xét xem bạn cùng đi có phải là người đồng hành tốt hay không, và có nên cùng đi với họ hay không?

Nếu là người trốn thuế, khi qua biên giới thì không nên cùng đi.

Nếu là người trộm cướp thì không nên cùng đi.

Nếu là người tà kiến, không tin Tam bảo thì không nên làm bạn cùng đi.

Những người như vậy rất nhiều, nay nói tóm gọn thành hai, ba hạng người.

Lại phải nên suy nghĩ: “Những người bạn ở cùng chùa này, trên đường đi nếu có ai mắc bệnh thì có thể chăm lo cho nhau không?”. Nếu biết trước đó là bạn tốt thì hãy cùng đi. Nếu chưa biết nhau thì phải đợi người bạn mà mình đã biết rõ là bạn tốt.

Lại phải suy nghĩ: “Người bạn đồng hành này có chịu cùng làm những việc mình muốn làm không?”

Lại phải suy nghĩ: “Người ấy có thường giữ gìn oai nghi không? Người ấy không phải là người biếng nhác phải không? Đối với ta, người ấy có lợi hay có hại và có đáng tin hay không? Khi cùng đi với người ấy, ta sẽ khổ hay vui?”.

Lại phải suy nghĩ: “Từ trước đến nay người ấy có bệnh hay không bệnh? Mạnh khỏe hay ốm yếu? Giữa đường người ấy có bỏ ta hay không?”

Việc lường xét khi lên đường như vậy, gọi là việc đi.

Khi Thượng tọa ở trong chùa ra đi thì trước hết phải sắp xếp lại phòng mình đã ở, sau đó phải dặn Tỳ-kheo trẻ tuổi dọn dẹp phòng ấy như khi mình còn ở. Kế đó, Thượng tọa lại phải dặn dò tất cả các pháp sự khác như bố-tát, thuyết giới, cho đến những việc phân chia…

Sau khi đã dặn dò xong, Thượng tọa mới được ra khỏi chùa. Khi ra khỏi chùa, Thượng tọa ấy lại phải hỏi các Tỳ-kheo cùng đi: “Y, bát… cho đến tất cả các vật tùy thân, các ông có bỏ quên thứ gì không?”

Lại phải dạy dỗ các Tỳ-kheo: “Nay cùng đi với tôi, các vị phải ít nói và hộ trì các căn”.

Dọc đường, nếu có thấy việc gì cũng đều phải làm cho họ hoan hỷ và phát sanh tâm thiện. Khi nghe Thượng tọa răn dạy, các vị Hạ tọa cùng đi đều phải quỳ xuống, chấp tay thưa: “Xin hoan hỷ thực hành theo lời ngài dạy”.

Trên đường đi, Hạ tọa phải thường cung kính, ca ngợi Thượng tọa và đi theo Thượng tọa. Mỗi khi nghỉ ngơi và khởi hành trở lại,Thượng tọa đều phải quan sát xem có bỏ sót vật gì không. Nếu có bỏ quên thì bảo nhặt lấy.

Lại nữa, khi đi đường, Hạ tọa đi phía trước, Thượng tọa đi phía sau. Thượng tọa phải bảo các Hạ tọa tự thâu giữ tâm, chớ để tán loạn. Giữa đường, nếu Hạ tọa mắc bệnh, Thượng tọa phải nói pháp cho tâm thiện được liên tục. Dù gặp việc gấp hay hoạn nạn cũng không được bỏ đi.

Ở giữa đường, nếu Hạ tọa gặp nạn thì Thượng tọa phải giúp đỡ.

Các nạn đó là:

  1. Nạn của cha mẹ.
  2. Nạn của anh chị em.
  3. Nạn của bà con.
  4. Nạn quốc vương, đại thần.
  5. Nạn trộm cướp.
  6. Nạn thú dữ.

Thượng tọa phải đem hết sức lực để giúp Hạ tọa thoát nạn. Nếu tự mình không đủ sức thì phải đến xóm làng, quận huyện, thành ấp, nơi có tịnh xá, có Tỳ-kheo đức độ được mọi người kính trọng, cho đến phải gặp các Bà-la-môn, đàn-việt, đại thần có lòng tin Phật để nhờ họ giúp đỡ. Nếu được thoát nạn thì tốt. Nếu không thoát được thì phải đến gặp quốc vương để nhờ quốc vương giúp cho thoát nạn, chớ có để họ chịu khổ.

Tỳ-kheo nào vào xóm làng không đúng thời thì phải bạch Hòa thượng, A-xà-lê hoặc Thượng tọa rồi mới vào. Đó gọi là pháp vào xóm làng.

Tập hợp Tăng phi thời là trừ giờ ăn cơm, giờ ăn cháo, giờ uống nước trái cây, tập hợp vào tất cả những giờ làm pháp sự như pháp, như Tỳ-ni, như lời Phật dạy vào những lúc khác là tập hợp Tăng phi thời. Nếu các Tỳ-kheo tập hợp phi thời, trong đó có Thượng tọa thì Thượng tọa phải hỏi các Đại đức: “Vì sao Tăng tập hợp phi thời?”Các Tỳ-kheo đáp: “Có những pháp sự như vậy cần phải làm, nên tập hợp”. Thượng tọa nên làm yết-ma hoặc bạch nhất, hoặc bạch nhị, hoặc bạch tứ. Đó gọi là pháp tập hợp phi thời do Thượng tọa hướng dẫn.

Lại có hai loại tập hợp:

  1. Chúng Tăng nói kinh, bàn luận cả đêm.
  2. Chúng Tăng ngồi im lặng thiền quán, tư duy.

Lại có pháp hội năm ngày làm một lần. Lúc nhóm họp có cả ba chúng: Thượng, Trung, Hạ tọa tập hợp. Sau khi đã hội họp, họ sửa sang y phục, ngồi ngay ngắn, yên tĩnh, cung kính lẫn nhau, có đủ oai nghi phép tắc, làm mọi người nhìn không biết chán, có thể làm phát sanh tâm thiện của người khác. Đó là pháp tụ họp năm ngày một lần.

Người nghe pháp phải chuyên chú lắng nghe pháp, không được để tâm rong ruỗi theo việc khác. Nếu người thuyết pháp lỡ có sự sai sót lầm lẫn thì thính chúng phải tự ghi nhớ. Nếu không có sai sót lầm lẫn thì không được quở trách là nói nhiều mà nghĩa bị ngăn ngại. Đối với pháp và người nói pháp, ta cần phải cung kính như cung kính trời Đếthích, không nên tự khinh và khinh Pháp sư. Đối với pháp do người có trí tuệ nói thì không được để tâm tán loạn mà phải chuyên chú lắng nghe, niệm niệm tiếp nhau, chớ để gián đoạn.

Lúc nghe pháp, trong tâm cần lập năm đức:

  1. Pháp chưa từng nghe, nay mới được nghe.
  2. Pháp đã từng nghe thì được thông suốt hơn.
  3. Đoạn trừ tâm nghi ngờ của mình.
  4. Làm sự hiểu biết của mình được đúng đắn.
  5. Tăng trưởng tâm thanh tịnh.

Đó là năm đức bên trong. Việc này trong Tăng Nhất A-Hàm có nói rõ.

Nghe pháp có chín lợi ích:

  1. Sanh lòng tin.
  2. Nhờ tin nên tâm hoan hỷ.
  3. Hoan hỷ, ưa thích.
  4. Bỏ tham cầu lợi dưỡng, nghe pháp không còn phân vân.
  5. Thành tựu được chánh kiến.
  6. Dứt trừ vô minh, trí tuệ phát sanh.
  7. Dứt trừ sự ràng buộc trong tâm.
  8. Được pháp nhãn thanh tịnh đối với bốn Thánh đế
  9. Quán thấy sự khổ, không, vô thường, vô ngã của năm ấm.

Sau khi quán thấy như vậy, trong tâm phấn khởi, lòng tin càng sâu, không thể hư hoại, được lìa phiền não, chứng đạo Niết-bàn, hưởng niềm vui giải thoát. Vì lý do đó cần hết lòng nghe pháp.

Nếu trong pháp hội có vị Thượng tọa thì trước tiên phải ngồi yên tĩnh trong chốc lát. Tĩnh tọa xong phải nói một thời pháp ngắn cho đại chúng nghe. Nói pháp xong phải quán sát xem trong chúng này có ai có bảy khả năng không, Thượng tọa nên thỉnh người đó nói pháp cho đại chúng nghe.

Thượng tọa lại phải quán sát xem pháp mà Pháp sư này giảng về thứ lớp, nghĩa lý, biện tài, câu cú có bị đảo lộn trước sau không? Ý nghĩa có thích hợp không? Văn, nghĩa có được liên tục, không bị gián đoạn không? Biện tài có thông suốt không? Lời giảng có hợp với Tam tạng không?

Lại quán xem Pháp sư nói pháp có hợp với tâm của mọi người không? Nếu câu văn và nghĩa lý không hợp với Tam tạng, cho đến lời nói không rõ ràng thì không được chê trách. Thượng tọa phải bảo người nói pháp: “Hãy nói pháp gọn lại. Pháp sư ở trong chúng rất đông và đều muốn nói pháp”.

Nếu câu văn, thứ lớp và nghĩa lý của Pháp sư đó hoàn hảo, cho đến biện tài thông suốt, hợp với Tam tạng, vừa ý với đại chúng, thì trước hết Thượng tọa phải cảm tạ Pháp sư và khen ngợi bằng lời tốt đẹp. Đại chúng cũng nên khen ngợi, tùy hỷ.

Nếu ở trong hội chúng có đàn-việt có lòng tin Tam bảo thì Thượng tọa phải giảng rộng lợi ích của việc nghe pháp, để làm cho tâm thiện của họ được tăng thêm và trở nên chắc chắn, không bị thối lui.

Nếu trong hội chúng có Tỳ-kheo muốn nói pháp cho bốn chúng thì không được nói trực tiếp mà trước hết phải thưa với người quản chúng, Tỳ-kheo quản chúng sẽ nói lại với Thượng tọa, Thượng tọa không được tùy tiện cho nói pháp liền, mà phải quán sát xem sự hiểu biết và đức hạnh của người đó. Nếu xét thấy vị ấy có khả năng thì Thượng tọa phải thỉnh vị ấy thuyết pháp ở trước đại chúng. Nếu biết vị ấy không đủ tài 52 năng thì im lặng để mặc vị ấy.

Nếu có ngoại đạo đến pháp hội định phá hoại chánh pháp thì Thượng tọa cần phải tranh luận qua lại để thu phục họ. Người có đức tánh chỉ dạy nghĩa lý như pháp, như Tỳ-ni, như Phật dạy mới gọi là Thượng tọa trong pháp hội.

Nếu người thuyết pháp là người giữ giới luật, giữ gìn thân – miệng – ý, thực hành ba nghiệp lành, phụng sự Hòa thượng, A-xà-lê, phụng sự Thượng tọa như văn trên đã nói thì người này sẽ thành tựu pháp Bốn niệm xứ, rất sợ hãi đối với tội nhỏ.

Hãy khéo học pháp tùy thuận như vậy, phải làm cho người đối diện tin nhận giới hạnh mà ta nói. Khi thọ nhận pháp phải dùng tai nghe tiếng với tâm chuyên chú không tán loạn và thực hành như đã nghe. Đó gọi là thọ nhận.

Ta nói tuệ, hoặc nói định, hoặc nói Niết-bàn đều phải lắng nghe và thọ nhận. Phải khéo giữ gìn nhĩ căn, đừng để duyên theo âm thanh khác. Nếu ta nói điều gì thì phải hiểu rõ.

Lại nữa, Tỳ-kheo nào thuyết pháp thì trước hết phải tự thực hành hạnh ở nơi yên tĩnh, lại ca ngợi hạnh ở nơi yên tĩnh. Nếu ta nói về hạnh ở nơi yên tĩnh thì phải chú ý lắng nghe cho rõ và phải hiểu tất cả những điều ta giảng.

Thuyết pháp về khất thực cho đến chỉ dùng ba y, người nói phải tự thực hành, lại phải khen ngợi việc khất thực, cho đến chỉ dùng ba y, dạy người thực hành và dạy người khen ngợi việc ấy. Nếu ta có nói về khất thực, cho đến chỉ dùng ba y thì phải chuyên chú lắng nghe, ghi nhớ và phải hiểu rõ tất cả những điều ta đang nói.

Lại nữa, Tỳ-kheo thuyết pháp cần phải suy xét xem nên giảng pháp gì để đại chúng hiểu được. Nếu chúng ấy thích hợp với việc nghe pháp sâu xa thì hãy giảng cho họ pháp sâu xa. Nếu họ cần nghe pháp đơn giản thì giảng cho họ nghe pháp đơn giản. Nếu không làm lợi ích cho người nghe thì gọi là giảng dở.

Thế nào là không làm lợi ích cho người nghe? – Đó là giảng pháp đơn giản cho người thích nghe pháp sâu xa, làm họ không muốn nghe, không muốn tìm hiểu.

Thế nào là pháp sâu xa? – Đó là việc luận bàn về trì Giới, về Định, về Tuệ; luận bàn về Giải thoát, Giải thoát tri kiến; luận bàn về mười hai nhân duyên cho đến Niết-bàn. Đó gọi là pháp sâu xa. Người nào cần nghe pháp sâu xa thì hãy giảng cho họ nghe pháp như vậy. Họ hoan hỷ lắng nghe, suy nghĩ, ghi nhớ và hiểu rõ nên gọi là lợi ích.

Người nào muốn nghe pháp đơn giản thì hãy nói pháp đơn giản cho họ nghe. Thế nào là pháp đơn giản? – Đó là luận về trì giới, luận về bố thí, luận về sanh Thiên. Nếu chúng thích pháp đơn giản mà nói cho họ nghe pháp sâu xa thì họ không thích nghe, không muốn ghi nhớ, tìm hiểu và không được lợi ích. Đó là giảng dở.

Người cần nghe pháp đơn giản thì giảng cho họ nghe pháp đơn giản để họ được lợi ích. Đó gọi là khéo thuyết giảng.

Lại nữa, Tỳ-kheo thuyết pháp phải biết ý nghĩa, câu văn, âm thanh nam nữ; lại có thể nói pháp bằng phương tiện khéo léo, giảng theo sự hiểu biết của họ, làm cho họ hiểu rõ; lại phải biết rõ nghĩa lý của câu văn, sắp xếp theo thứ lớp, không để cho gián đoạn.

Người nào khéo thuyết giảng thì ngay cả pháp nhỏ nhất cũng có thể làm cho người nghe chú ý đến và thực hành rốt ráo. Rốt ráo có hai nghĩa:

– Một là nói pháp rốt ráo, đó gọi là rốt ráo.

– Hai là pháp được nói hết sức đơn giản, đó cũng gọi là rốt ráo.

Lại nữa, theo ý nghĩa của tên người thì có hai loại sau cùng:

– Một là như Tu-bạt-đà-la đắc đạo sau cùng, đó gọi là sau cùng.

– Hai là như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni đắc quả A-la-hán với báo thân này, thì thân này gọi là thân sau cùng.

Lại nữa, khi muốn thuyết pháp, người thuyết pháp phải quan sát trước xem có đủ bốn chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di không? Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni thì phải giảng về trì Giới, Định, Tuệ, Niết-bàn. Nếu có Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thì phải giảng về trì giới, bố thí, sanh thiên, cho đến pháp thanh tịnh.

Lại nữa, người nào nói pháp thì phải trừ bỏ tâm tham và lập các tâm, như: tâm không đắm nhiễm, tâm không độc ác, tâm không ngu si, tâm không xem thường mình, tâm không xem thường đại chúng, tâm từ bi, tâm hỷ xả, tâm lợi ích, tâm kham nhẫn, tâm bất động, tâm không mê hoặc… Phải lập những tâm như vậy mới thuyết pháp.

Lại nữa, người thuyết pháp không được do nhơn duyên khác mà nói pháp, mà chỉ vì nói pháp mà thôi, bởi vì pháp rất quý trọng và khó được nghe; pháp này là châu báu, là thuốc thang, có thể làm lợi ích cho mọi người; vì thế cần phải nói pháp.

Người nói pháp cần phải có tâm từ, tâm bi. Khi nói pháp cho người khác nghe, cho đến một bài kệ bốn câu cũng phải làm cho người nghe hiểu một cách đúng đắn, giúp họ được an lạc, lợi ích trong thời gian dài.

Người thuyết pháp phải nghĩ: “Cần dùng câu văn có thứ lớp và đầy đủ ý nghĩa để giúp người nghe hiểu biết một cách bình đẳng”.

Lại nữa, Tỳ-kheo thuyết pháp không được do thấy lợi dưỡng nên sanh tâm tham mà thuyết pháp cho người; không được thuyết pháp với tâm sợ hãi. Vì sao? – Nếu nói pháp với tâm sợ hãi thì thân thể mệt nhọc, chậm lụt, lời văn không đúng thứ lớp, âm thanh không rõ ràng, pháp được nói ra có ý nghĩa không hay và rất khó hiểu.

Nếu nói pháp với tâm thanh thản, yên vui thì cho đến nghĩa lý cũng đều rõ ràng.

Lại nữa, Tỳ-kheo thuyết pháp cần phải nói pháp theo thứ lớp, lại phải nói cho mọi người nghe về pháp nhàm chán, pháp xa lìa, giúp cho người nghe được hoan hỷ, mong cầu giải thoát, sớm được Niết-bàn.

Tỳ-kheo thuyết pháp phải thường suy nghĩ, quán sát sự khổ, không, vô thường, vô ngã, bất tịnh của thân này một cách liên tục. Vì sao? – Để được mười hai niệm thành Thánh pháp. Mười hai niệm là:

  1. Niệm thành tựu thân mình.
  2. Niệm thành tựu người khác.
  3. Niệm nguyện được thân người.
  4. Niệm sanh vào dòng họ cao quý.
  5. Niệm mong có lòng tin đối với pháp Phật.
  6. Nguyện dù sanh đến đâu cũng được chứng ngộ pháp mà không cần phải nỗ lực.
  7. Nguyện dù sanh đến đâu cũng đầy đủ các căn.
  8. Nguyện gặp Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời.
  9. Nguyện đời đời thường được nói chánh pháp.
  10. Nguyện pháp mình nói thường được tồn tại lâu dài.
  11. Nguyện pháp tồn tại lâu dài và được tu hành theo.
  12. Nguyện thường có tâm thương xót các chúng sanh.

Có đầy đủ mười hai niệm này thì chắc chắn được Thánh pháp. Đó chính là nhân duyên thuyết pháp. Nhân duyên đó bắt đầu từ pháp khó được nghe, cho đến quán thân không ngừng, người nói pháp và pháp được nói.

Nếu trong chúng thuyết pháp có Thượng tọa thì Thượng tọa phải xem xét bài thuyết pháp có hợp với lòng người không. Nếu không hợp, thì Thượng tọa phải bảo với người thuyết pháp: “Trưởng lão không nên giảng như vậy”. Vì sao? – Có năm việc gây trở ngại cho chánh pháp, làm chánh pháp không được tồn tại lâu dài và bị ẩn mất. Năm việc là:

1. Kinh được tụng ra không đầy đủ. Pháp được tu học không được rốt ráo. Văn dạy cho đệ tử không được đầy đủ. Lời thầy dạy cho đệ tử không được rõ ràng và không toát hết ý nghĩa.

2. Người giảng dạy thông suốt Tam tạng, hiểu đầy đủ ý nghĩa, có khả năng giảng nói rõ ràng, nhưng không chịu giảng dạy cho bốn chúng đệ tử thì sau khi vị ấy viên tịch, pháp cũng sẽ diệt theo.

3. Vị Thượng tọa đứng đầu chúng không tu ba nghiệp, thích làm việc thế tục, tạo nghiệp sanh tử, đồ chúng theo vị ấy học cũng không tu ba nghiệp mà chỉ thích làm việc thế tục. Đồ chúng như vậy có thể tiêu diệt chánh pháp.

4. Có Tỳ-kheo tánh tình ngang trái, ưa sân hận, không nghe theo lời nói của người khác, nghe điều thiện hay điều ác đều sân hận, lại xa lánh các Tỳ-kheo có nhiều hiểu biết được tôn trọng trong cõi nước, không qua lại với vị ấy. Đó là nguồn gốc làm cho chánh pháp bị tiêu diệt.

5- Có Tỳ-kheo ưa thích đấu tranh, kết bè, kết đảng, tranh nhau quyền thế và lợi dưỡng.

Năm việc như vậy làm cho chánh pháp mau bị tiêu diệt.

Có người thuyết pháp ngôn ngữ rõ ràng, âm thanh chính xác, đầy đủ lời văn và ý nghĩa, lại phù hợp với lòng người, người nào thuyết pháp như vậy thì tất cả đại chúng đều nên khen ngợi và tùy hỷ.

Lại có năm việc có thể làm cho chánh pháp không bị mai một:

1. Kinh được tụng đọc có đầy đủ câu cú và được sắp theo thứ lớp trước sau, người tụng có thể thông suốt hết nghĩa lý của kinh và dạy lại cho đồ chúng đệ tử để họ hiểu biết như mình. Người như vậy thì có thể làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài ở đời.

2. Hiểu rõ đầy đủ ý nghĩa lời văn trong Tam tạng. Lại có thể giảng dạy cho bốn bộ chúng theo sự hiểu biết của mình. Người như vậy thì tuy diệt độ nhưng vẫn làm cho chánh pháp ở đời sau được nối tiếp, không bị chấm dứt. Người này có thể làm cho chánh pháp không bị mai một.

3. Trong chúng có vị Thượng tọa đại đức, được bốn bộ chúng coi trọng, vị ấy siêng năng tu tập ba nghiệp, xả bỏ việc thế tục nhiều đời, chúng đệ tử của vị ấy cũng đều như vậy. Việc này cũng làm cho chánh pháp tồn tại lâu dài.

4. Nếu có Tỳ-kheo tánh tình hòa nhã, không nói ngang ngược, nghe điều thiện thì làm theo, nghe điều ác thì tránh xa. Nếu được bậc tài cao, đức trọng dạy bảo thì tu hành theo. Tỳ-kheo như vậy cũng có thể làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài.

5. Tỳ-kheo hòa thuận nhau, không tranh giành quyền thế, lợi dưỡng, không kết bè kết đảng, cạnh tranh phải trái.

Năm việc như vậy có thể làm cho chánh pháp lưu truyền không dứt. Đó gọi là bậc Thượng tọa trong việc thuyết pháp.

Lúc ấy, ở trên lầu, nhìn thấy các cư sĩ dẫn nhau đi, vua Bình Sa hỏi người bên cạnh:

– Những người kia định đi đâu vậy?

Các bề tôi đáp:

– Họ đi nghe ngoại đạo thuyết pháp.

Vua liền suy nghĩ: “Hai bên đều có thuyết pháp. Tại sao họ không đến chỗ Phật nghe pháp?”

Bấy giờ, Phật ở thành Xá-Vệ, vua liền đến chỗ Phật đảnh lễ sát chân rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Hàng ngày ngoại đạo thuyết pháp, các cư sĩ bạch y dọn rất nhiều đồ cúng dường, đệ tử xin Thế Tôn vào sáu ngày trai hàng tháng tập hợp các Sa-môn để giảng nói, bàn luận; đệ tử sẽ làm các loại thức ăn để cúng dường Phật và Tăng, đồng thời cũng được nghe pháp. Ngoại đạo tự nói pháp mình là chơn chánh, nếu Phật không nói pháp thì người đời không biết chánh pháp, đều đi vào đường tà.

Do nhơn duyên này, Như Lai liền tập hợp các Tỳ-kheo. Sau khi đã tập hợp, các Tỳ-kheo ngồi yên lặng, các đàn-việt cũng đều tập hợp đến. Vì muốn nghe pháp nên họ nói với các Tỳ-kheo. Nghe vậy, các Tỳ-kheo bạch với Thế Tôn, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Cho phép các vị nói pháp.

Tuy Phật đã cho phép nhưng người nói pháp không biết phải nói những pháp gì, nên các Tỳ-kheo lại hỏi Thế Tôn, Phật nói:

– Có thể tùy ý nói từ Khế Kinh cho đến Luận nghị.

Sau khi Phật đã cho phép nói mười hai bộ kinh, các Tỳ-kheo định giảng nói nhưng lại phân vân: “Nếu nói theo thứ lớp thì chúng đông, nghe nhiều, e rằng họ sẽ thấy mệt nhọc, chán nản. Nếu chọn những đoạn kinh chỉ thẳng ý nghĩa thì không biết có được không?”. Họ liền đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật, Phật liền cho phép các Tỳ-kheo trích dẫn những đoạn kinh hay, chỉ thẳng ý nghĩa.

Khi Phật đã cho phép thuyết pháp, có hai Tỳ-kheo cùng ngồi chung một chỗ, cùng nói một pháp. Nghe nói việc ấy, Như Lai không cho phép.

Lúc ấy, trong hội chúng có một Tỳ-kheo tụng kinh bằng giọng ca rất lớn, ở chỗ cách Phật không xa. Phật nghe được liền chế giới:

– Không được dùng âm thanh ấy để tụng kinh. Tụng như thế sẽ có năm lỗi như đã nói ở phần trên.

Dùng tiếng ca của ngoại đạo để thuyết pháp lại có năm lỗi:

  1. Không thể tự giữ được mình.
  2. Không thỏa ý người nghe.
  3. Chư thiên không vui.
  4. Ngôn ngữ không chính xác, khó hiểu.
  5. Lời không khéo nên nghĩa khó hiểu.

Đó là năm lỗi của việc trên.

Khi ấy vua Bình Sa hết sức tin tưởng Tam bảo. Vị ấy cung cấp cho Phật và chúng Tăng tất cả mọi vật dụng cho đến ao tắm cũng vậy.

Vào sáng sớm, vua Bình Sa cùng các bề tôi đến ao định tắm rửa, chợt nghe trong ao vang lên tiếng tụng kinh với âm thanh rất cao. Vua liền hỏi người bên cạnh:

– Đó là ai vậy?

Người hầu tâu với vua:

– Đó là nhóm sáu Tỳ-kheo.

Vua liền bảo những người đi theo dừng bước, không được tiến tới vì sợ làm kinh động Sa-môn. Vua đứng chờ thật lâu nhưng các Tỳ-kheo vẫn chưa tắm xong. Vua không tắm được, liền quay xe về cung. Việc ấy dần dần đến tai Thế Tôn, Ngài liền dạy các Tỳ-kheo:

– Từ nay trở đi, nửa tháng các Tỳ-kheo mới tắm một lần, và khi tắm không được nói lớn tiếng.

Đó gọi là pháp nói năng.

Lúc này các Tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ, muốn chánh niệm tư duy, không thích nói chuyện. Biết được ý nghĩ của các Tỳ-kheo, Phật liền bảo:

– Cho phép các vị im lặng, hoặc chánh niệm tư duy, hoặc im lặng kinh hành, không nói chuyện, hoặc chú tâm suy nghĩ về nghĩa lý của kinh điển. Đó gọi là pháp không nói.

Pháp nuôi đồ chúng là phải dùng hai việc để dạy dỗ, bảo hộ đồ chúng:

– Một là bảo hộ bằng pháp.

– Hai là bảo hộ bằng y phục và thực phẩm, tùy theo khả năng mà thu nhận đồ chúng nhiều hay ít.

Tỳ-kheo nuôi dưỡng đồ chúng phải như chủ nhà khéo léo dạy dỗ quyến thuộc, đừng để họ mong cầu nhiều. Hãy bảo họ ngồi thiền, tụng kinh, tu phước. Dạy họ làm mọi cách để tu dưỡng ba nghiệp sau:

– Thứ nhất là dạy thường mong cầu pháp.

– Thứ hai là dạy chớ xả bỏ pháp.

– Thứ ba là dạy siêng năng tìm cách tu học.

Lại phải quán sát đồ chúng của mình xem họ có không thích nói nhiều hay không? Có tham đắm việc nói nhiều hay không? Có siêng năng tạo phương tiện để nói nhiều hay không? Có không thích ngủ nhiều hay không? Có không tham đắm ngủ nghỉ hay không? Có tìm cơ hội để ngủ nghỉ hay không?

Lại quán sát đồ chúng xem họ có không ưa thích cuộc sống tại gia hay không? Có tham đắm cuộc sống tại gia hay không? Có cố gắng tìm cách tạo cuộc sống tại gia hay không?

Lại quán sát đồ chúng xem họ có thích tụ tập vui chơi, đùa giỡn hay không? Có tham đắm việc đùa giỡn không? Có tìm cách tổ chức vui đùa không?

Lại phải quán sát xem trong số đồ chúng, ai thực hành đúng pháp, ai thực hành không đúng pháp. Nếu ai thực hành đúng pháp thì nên cho người ấy thêm y phục, thực phẩm và dạy thêm Phật pháp. Nếu ai không thực hành đúng pháp thì hãy đuổi đi. Về sau, nếu người ấy có tâm hối cải thì cho nhập chúng lại, cung cấp cho y phục, thực phẩm và dạy Phật pháp cho họ. Đó là pháp nuôi dưỡng đồ chúng.

Pháp vào đại chúng của Tỳ-kheo đứng đầu chúng là: phải kiểm tra lại tướng mạo, sửa lại y phục, giữ thân ngay ngắn, nhìn thẳng, nói năng khiêm tốn, hạ mình, cung kính người đối diện, oai nghi đỉnh đạc, các căn tịch tĩnh làm người nhìn không chán. Khi vào chúng Tăng cần phải tu tập đức hạnh như vậy.

Chúng gồm có bốn chúng, trong đó có chúng như pháp, có chúng không như pháp và chúng của riêng mình.

Khi vào đại chúng, phải dạy đồ chúng của mình thực hành theo như mình. Như vậy gọi là pháp nhập vào đại chúng.

Pháp làm Tỳ-kheo đứng đầu chúng là phải quán sát xem chúng đó thích ngồi thiền hay kinh hành, hoặc im lặng tư duy, hoặc nói chuyện qua lại, hoặc bàn luận nghĩa kinh; phải quán sát xem họ thích những pháp gì. Nếu họ thích bàn luận thì tùy theo họ đã học tập kinh gì hãy cùng họ bàn luận kinh ấy, đừng nên trái ngược.. Đó gọi là pháp đứng đầu chúng.

Vị Thượng tọa ở trong chúng phải quán sát những người hiện có mặt xem họ thích pháp gì, hoặc là thích nói về bố thí, hoặc thích nói về trì giới, hoặc thích nói về sanh Thiên, hoặc thích nói về Niết-bàn,… tùy theo mọi người thích nói về pháp gì thì hãy nói cho họ nghe pháp ấy.

Lại phải quán sát xem đại chúng thích những pháp gì trong các pháp: Không, Vô tướng, Vô nguyện và tùy theo họ thích hợp pháp gì mà nói pháp ấy cho họ nghe. Đó gọi là pháp Thượng tọa nói pháp trong chúng.

Bấy giờ, ở trong tịnh thất, Thế Tôn tư duy về việc sẽ chế giới cho Tỳ-kheo. Lý do chế giới như văn trên đã nói.

Năm cách nói giới cũng đã nói ở trên.

Tỳ-kheo đến năm hạ phải tụng giới cho thông suốt. Lý do Tỳkheo nói giới đã nói rõ ở văn trên.

Cách mà một người bố-tát, hai người, ba người bố-tát cũng đã nói ở văn trên.

Các việc làm khi bố-tát đều gọi là yết-ma, cũng đã nói ở trên.

Pháp thọ an cư cũng đã nói ở trên.

Pháp an cư là Tỳ-kheo khách phải đến nói với Tỳ-kheo cựu trú trước. Nếu có nạn duyên thì không được an cư, phải đến nơi khác để xin an cư, không được gắng gượng ở lại. Nếu chỗ an cư tốt, không có đànviệt nào có thể nói thì phải tâm niệm an cư.

Nơi kiết hạ an cư, hoặc ở tịnh xá, hoặc tại A-lan-nhã, hoặc nơi gốc cây, Tỳ-kheo phải đến đó trước để xem xét xem nơi đó có đồ nằm không? Nơi đó không có âm thanh gây phiền phức không? Không có các nạn như: sư tử, hổ, sói, giặc cướp, muỗi, trùng, nước lũ… hay không? Nơi đó có thể an cư yên ổn hết mùa hạ được không? Nơi đó có hang đá, bờ rào đá hay không? Nếu có thì phải dọn dẹp, mang bỏ tất cả cỏ, gỗ ở trong đó đi, lại phải sửa sang hang đá đó. Cần phải biết rõ như vậy.

Khi an cư vào mùa hạ, Tỳ-kheo phải suy nghĩ: “An cư ở đây đồ ăn uống có được như ý không? Khi bệnh đau có thể kiếm được thuốc thang tùy theo bệnh không? Lại phải quan sát xem người cùng ở có phải là người cộng sự tốt không? Người cùng ở có đáng tin hay không? Ở chung với người ấy có thể yên ổn hành đạo hay không? Người ấy có gây trở ngại cho mình khi cùng đi, đứng, nằm, ngồi hay không? Khi mình bệnh họ có bỏ mặc mà đi không?…” Sau khi lường xét các việc như vậy rồi mới an cư.

Lại quán sát đại chúng xem trong khi kiết hạ an cư trong chúng này có ai gây sự tranh cãi không? Có sanh tâm ác, nói lời ác với mình? Có làm trở ngại cho mình không?

Lại phải suy nghĩ: “Như đức Thế Tôn nói: an cư mùa hạ phải dựa vào giới luật, không biết trong chúng này có người biết pháp, hiểu Tỳni, hiểu Luận tạng hay không? Đừng để trong khi ta an cư mùa hạ, nếu có phạm điều gì mà muốn diệt trừ tội lỗi thì không biết nhờ ai. Lại như Thế Tôn nói: người ngu si, không hiểu biết thì suốt đời không được lìa y chỉ”.

Lại phải suy nghĩ: “Trong chúng này có vị Tăng nào thường dạy dỗ đồ chúng giống như cha mẹ dạy dỗ con cái không? Có vị nào danh đức cao vời, được cả đời lẫn đạo kính trọng không? Nếu ta phạm tội sẽ đến gặp vị ấy để cầu sám hối với tâm hổ thẹn. Vì thương xót, Thượng tọa ấy sẽ thường xuyên dạy dỗ để ta không buông lung. Như Thế Tôn nói: việc phá Tăng là tội ác lớn, cũng như chất cứng, chất nhám, chất đắng, chất cay… thì không có gì vui thích. Trong chúng ở trụ xứ này có chắc là không có người gây sự tranh cãi và không làm phát sanh việc phá Tăng trong khi an cư vào mùa hạ hay không, và họ có gây trở ngại cho ta hay không?”.

Sau khi lường xét như vậy, thấy không có gì trở ngại mới thọ an cư. Đó gọi là pháp lường xét khi muốn thọ an cư.

Pháp thọ an cư của các Tỳ-kheo là: Trước hết phải thọ pháp an cư, sau đó thọ phòng xá, phu cụ. Cần phải tu bổ, sửa sang trong phòng và phải sắp xếp giường ghế.

Trong khi an cư mùa hạ, nếu không có lý do thì không được đi nơi khác. Nếu có nhân duyên hoặc vì Phật, vì Pháp, vì Tăng, vì bệnh thì nên thọ pháp ra khỏi cương giới bảy ngày rồi trở lại bên trong cương giới ấy để an cư. Nếu vì đồ ăn uống và lợi dưỡng thì không được ra bên ngoài cương giới. Nếu vì bát, vì y, áo, vì thuốc, vì kim, vì tấm thảm thì được phép ra khỏi cương giới trong bảy ngày.

Khi đó, vương tử Bát Trụ xuất gia trong Phật pháp. Vua cha tổ chức buổi lễ lớn cúng dường tháp, liền đưa thư gọi con đến cúng dường tháp. Vì đang an cư mùa hạ, vị ấy không được phép đi, liền đem việc ấy bạch rõ với Phật. Phật bảo:

– Vì tháp, các Tỳ-kheo được phép thọ pháp bảy ngày trong khi an cư mùa hạ. Đủ bảy ngày thì không mắc lỗi. Nếu bảy ngày thêm một đêm mà không về lại nơi an cư thì pháp an cư mùa hạ của Tỳ-kheo bị mất. Y, bát, cho đến cây kim, tấm thảm… cần phải tìm cách có được trước khi an cư để điều chưa hiểu phải làm cho hiểu, pháp chưa đắc phải đắc, chưa chứng phải chứng. Đó gọi là thọ pháp an cư trong mùa hạ.

Vị Thượng tọa trong chúng an cư cần phải hỏi ranh giới của đại giới, lại phải hỏi vị trí mất y và không mất y, vị trí tịnh xứ, vị trí bố-tát, thuyết giới, thuyết pháp. Ngoài ra, vị Thượng tọa phải làm các việc như: cử người thuyết pháp, chú nguyện, sai người làm việc, an ủi người làm việc, cử người đi phát thẻ, sai bảo tịnh nhân của Tăng, bạch nhị yết-ma khi các Tỳ-kheo ra bên ngoài đại giới trong bảy ngày, mười lăm ngày, cho đến một tháng; dạy dỗ Tỳ-kheo trẻ tuổi, tự mình dạy và khuyến khích người khác dạy… Đó là những việc mà vị Thượng tọa ở nơi an cư mùa hạ phải làm.

Vị ấy lại phải đi khắp các phòng để xem ai sử dụng đồ nằm đúng pháp, ai sử dụng không đúng pháp. Nếu ai sử dụng đúng pháp thì chỉ dạy điều lợi ích và khen ngợi việc làm của họ. Nếu gặp người sử dụng không đúng pháp thì phải nhắc nhở, khuyên răn họ và nói: “Trưởng lão cần sử dụng đúng pháp, bởi vì sử dụng không đúng pháp có năm lỗi”.

Theo giới mà Như Lai chế thì cần phải nhớ nghĩ việc này: Vào giờ ăn chính, giờ ăn cháo và giờ uống nước trái cây, vị Thượng tọa ở trong chúng an cư cần phải thông báo “giờ này đã qua, giờ khác đã đến…”.

Nếu vị Thượng tọa ở trong chúng làm các việc làm như vậy thì được gọi là cha mẹ của chúng Tăng, cũng gọi là thầy của Tăng. Đó là pháp làm Thượng tọa trong chúng an cư.

Vào ngày tự tứ, Tỳ-kheo an cư được làm một việc, đó là khi tự tứ được nói ra các tội mà mình thấy, nghe, nghi. Sau khi tự tứ thì phải làm bốn việc:

1. Giải đại giới

2. Kết lại đại giới.

(Có hai lý do giải cương giới: Một là nước lũ cuốn trôi cột mốc, không còn biết vị trí; hai là bị nạn giặc cướp nên các Tỳ-kheo đều ra bên ngoài cương giới. Do hai lý do này nên phải giải giới và phải kiết giới trở lại).

3. Thọ y công đức.

4. Thọ nhận phu cụ sau khi an cư xong.

Đó là những việc phải làm sau khi tự tứ.

Chúng gồm có bốn chúng là: Chúng Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo ni, chúng Ưu-bà-tắc, chúng Ưu-bà-di.

Lại có bốn hạng chúng Tăng:

  1. Tăng phàm phu.
  2. Tăng Thánh nhân.
  3. Tăng biết hổ thẹn.
  4. Tăng không hổ thẹn.

Tỳ-kheo Tăng là: Một, hai, ba vị thì không thành Tăng. Bốn vị mới thành tăng, cho đến hai mươi vị cũng thành Tăng.

Tăng bốn người thì được làm yết-ma bạch nhất, bạch nhị, không được tự tứ, không được truyền Cụ túc, không được làm yết-ma trừ tội cho Tỳ-kheo. Trừ ba loại yết-ma này, tất cả các pháp sự khác đều được làm.

Tăng năm người được tự tứ, bố-tát, được truyền giới Cụ túc ở vùng biên địa có luật sư, ở đô thị trung tâm thì không được. Không được làm yết-ma trừ tội cả ở đô thị trung tâm lẫn biên địa.

Tăng hai mươi người được làm tất cả các pháp sự.

Tăng mười người được làm tất cả các pháp sự, trừ yết-ma xuất tội.

Pháp sự cần bốn người làm mà thiếu một người thì pháp sự không thành và là làm pháp sự phi pháp.

Pháp sự cần năm người làm mà thiếu một người thì pháp sự không thành và được gọi là làm pháp sự phi pháp.

Pháp sự cần mười người làm mà thiếu một người thì pháp sự không thành và được gọi là pháp sự phi pháp.

Pháp sự cần hai mươi người làm mà thiếu một người thì pháp sự không thành và được gọi là pháp sự phi pháp.

Đó gọi là Tăng sự.

Pháp gia nhập chúng Tăng là: từ việc thu thúc oai nghi cho đến làm cho người phát sanh tâm thiện đã được nói rõ trong phần trên.

Pháp dụng tâm khi gia nhập chúng Tăng là phải như cây chổi quét khắp trên đất, không thấy việc phải trái và khởi tâm từ đều khắp. Phải gia nhập chúng Tăng với tâm như vậy. Đó gọi là pháp gia nhập Tăng.

Pháp ngồi khi gia nhập Tăng: Khi gia nhập Tăng phải cung kính Thượng tọa, tự biết nơi ngồi, không được chiếm chỗ quá rộng, hãy chọn chỗ ngồi.

Nếu thấy trong Tăng chúng có người làm việc phi pháp, định can gián nhưng sợ Tăng không nghe lời mình thì hãy ghi nhớ và ngồi im lặng.

Khi gia nhập chúng Tăng, Tỳ-kheo phải lường xét xem các pháp sự mà chúng Tăng làm là đúng pháp hay không đúng pháp, tương ưng hay không tương ưng với Tỳ-ni. Nếu tương ưng thì tốt. Nếu không tương ưng, lại có người đồng tâm thực hành Tỳ-ni như pháp thì hãy cùng họ can gián. Nếu không thì hãy ngồi yên lặng. Đó gọi là việc gia nhập Tăng.

Khi Tăng tập hợp, vị Thượng tọa trong chúng phải quán sát Trung tọa và Hạ tọa xem oai nghi ngồi đứng của họ có như pháp không, có kín đáo không? Nếu có người ngồi không như pháp hoặc kín đáo thì Thượng tọa phải khảy móng tay cho Trung tọa và Hạ tọa biết. Nếu họ vẫn không biết thì phải sai người đến nói với họ. Các việc trong Tăng chúng, Thượng tọa đều phải sắp đặt lo liệu.

Khi ngồi, Tỳ-kheo Trung tọa phải quán sát Thượng tọa và Hạ tọa xem họ ngồi có như pháp không? Y phục có che hết thân thể không? Nếu có người không như pháp thì phải khảy móng tay cho họ biết. Nếu họ vẫn không biết thì phải bảo người biết pháp đến nói: “Thượng tọa hãy tự biết thời”. Đối với Hạ tọa thì nói: “Trưởng lão hãy tự biết thời”.

Phải cúng dường cung kính, tôn trọng, khen ngợi Thượng tọa. Đó là pháp của Trung tọa.

Pháp của Hạ tọa khi ngồi ở trong chúng là: Sau khi chúng đã ngồi yên, Hạ tọa phải quan sát Thượng tọa và Trung tọa xem cách ngồi và y phục có như pháp không? Nếu không như pháp thì phải khảy móng tay cho họ biết. Nếu họ vẫn không biết thì phải sai người biết pháp đến nói: “Đại đức hãy tự biết thời”.

Hạ tọa phải cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi Thượng tọa và Trung tọa ở trong chúng Tăng, Hạ tọa phải lấy nước rưới lên đất và quét cho sạch; phải đốt lửa trong phòng tắm của chúng Tăng, phải làm tất cả mọi việc mà Phật dạy Hạ tọa phải làm ở trong Tăng. Đó là pháp của Hạ tọa.

Từ không có tuổi hạ đến chín tuổi hạ gọi là Hạ tọa.

Từ mười đến mười chín tuổi hạ gọi là Trung tọa.

Từ hai mươi đến bốn mươi chín tuổi hạ gọi là Thượng tọa.

Quá năm mươi tuổi hạ trở lên, được quốc vương, trưởng giả và người xuất gia quý trọng, gọi là Trưởng lão kỳ cựu.

Phải học tất cả những việc mà Tăng thực hành, phải học cách giữ giới thanh tịnh. Người giữ giới thanh tịnh là người có thể thọ trì tất cả các giới mà Phật chế, không vi phạm một giới nhỏ, vì thế được gọi là giữ giới thanh tịnh.

Giới tâm chính là giới thiền. Do giữ tâm không tán loạn, hợp nhất với định nên gọi là đắc được tâm giới.

Giới tịnh tuệ là: giữ gìn trí tuệ không cho tán loạn, thấy được bốn đế gọi là giới Tịnh tuệ.

Tất cả mọi người nếu có lòng tin trì giới thì phải suy nghĩ như vầy: “Nếu phạm giới nhỏ thì phải lo sợ như phạm giới trọng không”. Người trì giới như vậy thì phạm hạnh thanh tịnh, giới Ba-la-đề-mộc-xoa mà họ thọ trì cũng thanh tịnh.

Mọi người phải tu thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp cho thành tựu hạnh lành, cho đến có thể phòng hộ thân-miệng-ý không làm mười điều ác. Đó gọi là pháp mà mọi người phải làm.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở Tỳ-xá-ly, nhóm Ly-xa-tử dọn cơm thỉnh Tăng. Do có nhiều loại thức ăn ngon nên chúng Tăng ăn quá no và đều bị mắc bệnh, không được an vui.

Thầy thuốc Kỳ-Bà khám bệnh xong, liền bảo: “Nếu có phòng tắm thì bệnh này sẽ khỏi”. Vị ấy nói vậy là vì muốn dựng một nhà tắm ở tinh xá Kỳ-Hoàn. Tỳ-kheo đem việc ấy đến bạch Phật. Phật cho phép các Tỳ-kheo làm nhà tắm.

Cách làm nhà tắm: Nên đắp vách bằng bùn. Nếu không kiếm được đất thì có thể dùng gỗ để làm rồi lấy bùn đắp lên. Trong nhà tắm, dưới một bức vách dành để đốt lửa cho ấm. Dưới các bức vách khác thì đặt sàn để tắm rửa.

Phép vào nhà tắm để tắm rửa là: Tùy theo Thượng tọa, cần nóng thì đóng cửa, cần lạnh thì mở cửa. Hạ tọa không được làm trái ý Thượng tọa. Khi vào phòng tắm để tắm, Thượng tọa phải vào trước, chọn sàn tốt để tắm rửa.

Do nhóm sáu Tỳ-kheo mà Phật chế pháp vào nhà tắm để tắm rửa này.

Một lúc nọ, Tỳ-kheo cùng người thế tục vào phòng tắm để tắm. Phật nghe được liền không cho phép và nói:

– Tỳ-kheo không được cùng bạch y tắm rửa trong phòng tắm cùng một lúc. Nếu là đàn việt có tín tâm thì được phép.

Sau đó các Tỳ-kheo lõa thân cùng vào phòng tắm để tắm, đều nhìn thấy nhau và đều hổ thẹn. Việc ấy dần dần đến tai Thế Tôn. Phật nói:

– Từ nay trở đi, không được lõa thân khi cùng vào phòng tắm để tắm, cũng không được tắm cho nhau. Nếu một người có y, một người không có y, thì người có y được mang nước cho người không y và được tắm cho người ấy. Người không có y, không được rưới nước tắm cho người khác. Nếu phòng tắm ở cách xa nguồn nước thì cho phép đặt hồ nước ở trong phòng tắm, cũng được phép đào giếng.

Phép vào phòng tắm để tắm phải biết rõ như vậy.

Khi vào phòng tắm để tắm, nếu thấy phòng tắm quá nóng thì nên mở hé cửa để bớt nóng. Thượng tọa nên nói lý do của việc tắm rửa cho chúng Tăng đang ở trong nhà tắm nghe: “Việc tắm rửa không phải vì làm đẹp mà là để thân thể sạch sẽ”.

Lại phải nói pháp nhàm chán thân, pháp điều phục tâm, làm phát sanh tâm từ bi, nói pháp làm họ được ít muốn, biết đủ.

Lại phải nói: “Việc tắm rửa này không vì lý do nào khác, chỉ vì muốn trừ bệnh gió, bệnh lạnh trong thân để được an ổn để hành đạo nên phải tắm.

Đó gọi là pháp mà Thượng tọa phải giảng về tác dụng của nhà tắm.

Pháp đệ tử cùng đi, đệ tử cùng ngủ, hầu hạ Hòa thượng, A-xà-lê và pháp Hòa thượng, A-xà-lê nuôi đệ tử đều được nói rõ ở phần trên.

Pháp Sa-di là: Sa-di được phép nhổ cỏ, làm sạch đất, lấy đồ chà răng, hái hoa quả. Khi đã mang về, Sa-di phải bạch Hòa thượng. Hòa thượng, A-xà-lê nên nhận lấy để dùng.

Pháp Sa-di là phải biết hổ thẹn, phải khéo hầu hạ thầy, không nên biếng trễ, buông lung đối với pháp, cần phải giữ gìn cẩn thận thân, miệng, hạ thấp mình, cung kính người khác. Phải thích trì giới, chớ ham đùa giỡn, cũng không nên tự ỷ vào tài năng, sức khỏe, chớ có nóng nảy, phải biết hổ thẹn. Lại không nên nói lời rối loạn không có thứ lớp; nếu có nói thì phải nói hợp lý, đúng thứ lớp, phải thường tự biết pháp tịnh và bất tịnh, phải thường theo Hòa thượng, A-xà-lê để đọc tụng kinh pháp, không được làm trái tất cả mọi việc của Tăng. Cần biết rõ như vậy.

Pháp của Tỳ-kheo đi trước – khi đi cùng Tỳ-kheo bạn – là: người đi trước nên quay lại nhìn người đi sau xem y áo có ngay ngắn không, có so le không, có bị cuộn không? Có nhiếp tâm không? Có giữ oai nghi khi đi không? Khi vào nhà người khác có khởi tâm đắm nhiễm đối với các sắc đẹp không? Có khởi tâm trộm cướp khi thấy các vật báu kỳ lạ không?

Có chúng Tỳ-kheo sai Tỳ-kheo đến gặp đàn- việt để sám hối, Tỳkheo được sai đến nhà đàn-việt đi vào trước nói với đàn-việt: “Chúng Tỳ-kheo này đã trách phạt xong, hãy nhận sự sám hối của Tỳ-kheo ấy”.

Đó gọi là pháp của Tỳ-kheo đi trước. Lý do gọi đó là người đi trước là vì người ấy nhận sự sai bảo của Tăng nên vào nhà đàn-việt trước để nói, vì thế gọi là người đi trước.

Lại nữa, khi đi cùng đường, Tăng sai Tỳ-kheo dẫn đường đi phía trước để dẫn Tăng đến nhà đàn-việt, đó cũng gọi là người đi trước.

Tỳ-kheo đi phía sau phải thành tựu năm pháp:

1. Lúc đi không được đi phía trước.

2. Không được đi quá xa ở phía sau mà phải đi ngay phía sau.

3. Nếu Tỳ-kheo ở phía trước là Hòa thượng, A-xà-lê hoặc Thượng tọa thì không được làm trái lời của họ. Nếu họ hỏi về việc hành đạo, tụng kinh, tu tập thì phải đáp như thât, không được che giấu, trừ việc đắc thiền, đắc Thánh quả. Nếu người đi phía trước có nói pháp lành gì thì phải tùy hỷ, khen ngợi.

4. Nếu người đi phía trước có nói điều gì nhầm lẫn, không đạt thì nên nói điều này không hợp với ý của Phật. Phàm muốn nói điều đó là không hợp lý thì phải nói kín đáo ở chỗ khuất.

5. Nếu có được của cải như pháp và của cải có được do thí chủ đặt vào bát thì đều phải chia sớt cho nhau.

Đó là năm đức của Tỳ-kheo đi phía sau.

Nếu Tỳ-kheo nào làm thầy của người tại gia, dạy họ làm ruộng phước thì không được làm năm việc sau:

1. Không được cư trú ở nhà đàn-việt.

2. Không nên tham lợi dưỡng của họ.

3. Không nên nói nhiều loại một lần mà chỉ dạy sự lợi ích an vui cho đàn-việt. Phải dạy cho họ tu riêng từng pháp khác nhau. Các pháp khác nhau là bố thí, trì giới, thọ tám trai giới. Phải nói từng pháp như vậy.

4. Không được đùa giỡn, vui chơi cùng người tại gia.

5. Không được mong muốn gặp nhau thường xuyên.

Lại có năm việc không được làm:

1. Nếu đàn-việt chưa thân quen thì không được gắng gượng làm như thân quen mà đến.

2. Không được vì mong cầu thế lực mà sắp đặt việc nhà của đànviệt.

3. Không được lén lút vì mình nói nhỏ với đàn-việt.

4. Không được nói với đàn-việt giờ tốt, ngày tốt để cúng tế quỷ thần.

5. Không được mong cầu quá độ nơi đàn-việt thân quen.

Tỳ-kheo cần thành tựu năm pháp sau sẽ được đàn-việt tôn trọng cung kính. Đó là năm pháp gì?

1. Không nên qua lại nơi chẳng thân quen.

2. Không sắp xếp việc nhà của đàn-việt vì cầu thế lực.

3. Không nói nhỏ với đàn việt làm người khác ở trong nhà sanh nghi.

4. Không dạy đàn việt giờ tốt, ngày tốt để cúng tế quỷ thần.

5. Không mong cầu quá độ.

Tỳ-kheo vào nhà đàn-việt cần thành tựu năm pháp:

  1. Khi đi vào phải nói nhỏ.
  2. Phải thu thúc thân, khẩu, ý.
  3. Chú tâm khiêm cung mà đi.
  4. Thu nhiếp các căn.
  5. Oai nghi đĩnh đạc, từ tốn, làm cho người khác phát khởi tâm thiện.

Đó là năm pháp cần giữ khi vào nhà đàn việt.

Tỳ-kheo có chín việc, nếu biết tâm đàn-việt thì không nên ngồi nói pháp:

1. Khi Tỳ-kheo vào nhà đàn-việt, tuy được đàn-việt lễ lạy nhưng biết không thật tâm cung kính thì không nên ngồi.

2. Tuy ra nghênh đón nhưng tâm họ không kính trọng, ân cần thì không nên ngồi.

3. Tuy nhường chỗ cho ngồi nhưng biết tâm họ không thật thì không nên ngồi.

4. Tuy mời ngồi nhưng sắp đặt chỗ ngồi ở nơi không cung kính thì không nên ngồi.

5. Giả sử có nói pháp hoặc phi pháp mà tâm họ không lựa chọn ghi nhớ thì không nên ngồi.

6. Tuy nghe Tỳ-kheo có đức mà không tin nhận thì cũng không nên ngồi.

7. Khi xin vật gì, biết họ có nhiều mà cho ít thì cũng không nên ngồi.

8. Đến nhà họ, giả sử có thức ăn ngon nhưng họ không chịu dọn mà dọn thức ăn dở thì cũng không nên ngồi.

9. Tuy cung cấp các vật cần dùng mà giống như mua bán thì cũng không nên ngồi.

Lại có chín việc khi biết tâm của đàn-việt thì nên ngồi để nói pháp:

  1. Biết có tâm cung kính nên họ lễ lạy.
  2. Biết họ nghênh đón với tâm cung kính.
  3. Biết họ thỉnh vào với tâm cung kính.
  4. Biết họ trải tòa ở chỗ cao vì tâm kính trọng.
  5. Biết họ có tâm thọ giáo nên lời pháp và lời phi pháp đều được ghi nhớ.
  6. Biết họ nghe đức của mình liền sanh lòng tin.
  7. Biết đó là vật ít có, khó được mà cúng cho mình nhiều.
  8. Biết họ vốn có thức ăn dở mà lại dọn ra thức ăn ngon.
  9. Biết họ cung cấp vật mình cần với tâm tốt.

Khi biết tâm của đàn-việt qua chín nhơn duyên này thì hãy ngồi thuyết pháp cho họ.

Khi vào nhà bạch y, Tỳ-kheo phải chú tâm như ánh sáng mặt trăng.

Khi đi trong xóm làng phải đi với tâm khiêm tốn và hổ thẹn, không nên đi với tâm tự cao, buông lung, không có hổ thẹn tâm tán loạn. Pháp thâu giữ tâm cũng giống như người đi bộ nơi vách núi cao, hết sức hiểm trở, chỉ rộng một tấc nên luôn lo sợ, chứ không có ý niệm gì khác. Lại như có người ở chỗ núi cao sắp rơi xuống vực sâu, chỉ khởi tâm lo sợ chứ không nghĩ gì khác; khi đi vào xóm làng, Tỳ-kheo giữ tâm không tán loạn cũng nên như vậy.

Này các Tỳ-kheo! Khi vào xóm làng, các vị phải thâu giữ tâm giống như Ca-diếp vào xóm làng.

Đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:

– Khi vào xóm làng, các vị có đi từ từ như mặt trăng không? Có hổ thẹn không? Có theo dõi, ghi nhớ những ý nghĩ trong tâm không? Có giữ tâm chuyên chú như người ở trên bờ cao, bên vực sâu phát sanh lo sợ không? Có giữ gìn thân, khẩu, ý không cho buông lung không? Các vị có như lông dê dày lọt vào bụi gai, đụng đâu dính đó không? Có bị sáu trần và lợi dưỡng dẫn dắt, trói buộc không? Khi vào xóm làng có tâm lo sợ như sợ lao ngục, gông cùm không? Khi vào xóm làng các vị có khởi tâm tham đắm không? Có như con nai dính bẫy được thoát không? Có nhớ nghĩ nơi cũ không?

Vì thế, khi vào xóm làng Tỳ-kheo phải đi với tâm như các ví dụ trên. Phải như con ong lấy hoa, chỉ lấy mật hoa, không làm tổn hại hương sắc của hoa, cũng vậy, khi vào xóm làng Tỳ-kheo không được tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chỉ vì sự tốt đẹp mà đi vào trong xóm làng.

Như đức Thế Tôn dạy, Tỳ-kheo nào sắp vào xóm làng mà nghĩ: “Đàn-việt sẽ cho ta tất cả những vật họ có chứ không cho người khác, mong họ cho ta nhiều, đừng cho ta ít, mong họ cho ta vật tốt, đừng cho vật xấu; cho với tâm cung kính, đừng cho với tâm không cung kính”. Suy nghĩ xong, vị ấy vào xóm làng và mọi sự mong cầu đều không được như ý thì vị ấy sẽ chán nản về việc mong cầu, sẽ buồn rầu, hổ thẹn, khổ não không vui.

Tỳ-kheo nào khi sắp vào xóm làng khất thực không nghĩ như vầy:

“Đàn-việt sẽ cho ta tất cả chứ không cho người khác, mong họ cho ta nhiều, đừng cho ta ít, mong họ cho ta vật tốt, đừng cho ta vật xấu, cho đến cho với tâm không cung kính”. Khi vào xóm làng nếu không suy nghĩ như vậy thì dù được nhiều, ít, tốt, xấu… vị ấy cũng đều không buồn rầu, hổ thẹn, khổ não.

Này các Tỳ-kheo! Khi vào xóm làng Ca-diếp không bao giờ có ý nghĩ như vậy. Do không có ý nghĩ như vậy nên đối với tất cả các việc tốt, xấu, nhiều, ít, vị ấy không chán nản, cho đến không khổ não, không vui.

Khi đi, ông luôn luôn
Như ong hút mật hoa
Được vật tốt hoặc xấu
Được chậm hoặc được mau.
Như ong hút mật hoa
Không phá hỏng sắc hương
Tu sĩ đi trong đời
Tu thiện cũng như vậy.
Không chống đối lẫn nhau
Quán sát lỗi lầm ấy
Để tự quán thân mình
Đã làm tốt hay xấu.
Đồ dùng có đủ không
Đã thoát nhà cửa chưa?
Ghế vững nhờ dây buộc
Như tằm ở trong kén.

Vì thế, giống như ví dụ về con ong, khi đi vào xóm làng, Tỳ-kheo không được nắm giữ vị của sáu trần, như quơ tay trong không trung không bị trở ngại. Khi vào xóm làng, tâm không bị ngăn ngại cũng phải như vậy.

Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các vị muốn thực hành những hạnh gì? Các vị có thể làm thầy dạy cho đàn-việt không?

Các Tỳ-kheo liền đáp:

– Bạch đức Thế Tôn! Ngài là căn bản của các pháp, cũng biết thứ lớp của các pháp, là vị thầy thuốc lớn, xin Thế Tôn hãy giảng giải cho chúng con. Tỳ-kheo chúng con nghe giảng xong mới hiểu được.

Đức Thế Tôn liền quơ tay trong hư không và bảo các Tỳ-kheo:

– Bàn tay này đang qua lại trong hư không, không hề bị chướng ngại, không bị ràng buộc. Các Tỳ-kheo đi trong thế gian phải để tâm không bị ngăn ngại, không bị ràng buộc giống như vậy. Người nào tìm cầu của cải thì phải dùng tâm kiềm chế thân, sau đó mới có được. Người nào cầu phước thì phải ràng buộc tâm, lao khổ thân, sau đó mới được phước báo. Tỳ-kheo nào tâm bình đẳng đối với cả điều tốt lẫn điều xấu, thấy người khác được lợi giống như mình được, tâm sanh tùy hỷ thì Tỳkheo ấy có thể làm thầy dạy cho người đời.

– Này các Tỳ-kheo! Ca-diếp đi vào xóm làng không bị trở ngại, không bị trói buộc, không nắm giữ, là đối tượng để người muốn được lợi cầu lợi, người muốn được phước cầu phước. Khi thấy người khác vui mừng vì được lợi, vị ấy cũng vui mừng giống như chính mình được vậy. Vị ấy không bị trở ngại, không bị trói buộc, giống như quơ tay trong hư không.

Người khéo vào xóm làng
Xem lợi hại như nhau
Cùng huynh đệ vào làng
Không có tâm ganh ghét
Gặp người quen hay lạ
Không phân biệt thân sơ
Đó là pháp dạy người.

Tỳ-kheo vào nhà đàn việt cần tuân theo những quy định sau:

– Không được cười đùa.

– Không được tự thị, kiêu mạn.

– Không được lăng xăng.

– Không được nói những điều kiêng kỵ, không được nói những lời rối loạn không đầu đuôi.

– Không được ngồi từ xa, cúi rạp người nói chuyện với người khác.

– Không nên ép nhau cùng ngồi nói chuyện.

– Không được ngồi chồm hổm.

– Không được cười lớn mà ngồi.

– Tuy giữ oai nghi nhưng không được biểu hiện tướng mạo có đức khi ngồi.

– Không nên ngồi gác chân lên nhau.

– Không nên ôm đầu gối mà ngồi.

– Không nên ngồi tréo cẳng chân.

– Không nên dùng tay sờ mó hai bên khi ngồi.

– Không nên rung đùi khi ngồi.

– Không nên ngồi trên cái vò lớn.

– Không được cùng Tỳ-kheo ni ngồi một mình trong phòng kín.

– Không nên cùng người nữ ngồi một mình trong phòng.

– Không được ngồi ở nơi thấp và nói pháp cho người ở nơi cao nghe.

– Tỳ-kheo phải nhẫn nhục đối với tất cả những việc lợi hại.

Đó là cách ngồi của Tỳ-kheo khi vào nhà bạch y.

Pháp của Tỳ-kheo Thượng tọa khi vào nhà thế tục là: Thượng tọa phải biết thời, biết cân nhắc và biết mình, phải biết Đại chúng, biết đức hạnh của người khác cao thấp ra sao. Phải dạy oai nghi cho các Tỳkheo. Phải nói với các bạch y những lời như pháp. Phải dạy cho họ nghe pháp và dạy họ đọc tụng. Phải dạy cho họ các pháp lành như vậy. Khi giờ chú nguyện đến, lại phải chú nguyện. Đó gọi là pháp của Thượng tọa khi vào nhà bạch y.

Lúc ấy, Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ. Nước Kiều-tát-la có một trụ xứ có rất nhiều Tỳ-kheo định an cư mùa hạ. Các Tỳ-kheo ấy cùng bàn luận: “Trong khi an cư mùa hạ, làm sao để việc hành đạo của chúng ta được an ổn, an vui?”. Họ lại cùng nhau bàn bạc: “Muốn được yên ổn hành đạo, chúng ta phải cùng nhau ra quy định là: không ai được nói điều gì. Khi cần việc gì thì phải dùng tay để ra dấu”.

Sau khi an cư mùa hạ, các Tỳ-kheo cùng nhau đến chỗ Thế Tôn để đảnh lễ, thăm hỏi. Gặp họ, Phật biết nhưng cố hỏi:

– Trong mùa hạ, các vị hành đạo có được yên vui không?

Các Tỳ-kheo đáp lời Thế Tôn:

– Dạ, hành đạo được yên ổn.

Phật lại hỏi:

– Các vị cùng quy định việc gì?

Đáp:

– Cùng quy định không nói chuyện với nhau.

Phật nói:

– Đó là đặt ra quy định của những kẻ thù sống chung với nhau, khổ sở đến như vậy sao lại nói là vui? Từ nay trở đi, các Tỳ-kheo không được ra quy định không nói chuyện với nhau. Khi Bố-tát, nếu có đàn việt đến, vị Thượng tọa trong chúng nên nói pháp an ủi họ.

Có một Thượng tọa tên Ưu-ba-tư-na, căn tánh ngu tối, không học Tam Tạng, nói năngchậm chạp. Khi Tăng tập họp, có đàn việt đến, vị ấy không thể nói pháp, không thể an ủi, thăm hỏi, làm đàn-việt kia phân vân: “Không biết vì sao mà chúng Tăng tỏ vẻ không thích khi thấy 52 mình, không nói năng gì cả?!”.

Việc ấy dần dần đến tai Thế Tôn, Ngài liền bảo các Tỳ-kheo:

– Từ nay trở đi, khi chúng tập hợp mà có bạch y đến thì Thượng tọa phải nói pháp an ủi. Nếu Thượng tọa không thể nói thì phải bảo Thượng tọa thứ hai. Nếu Thượng tọa không nói thì phạm tội. Nếu bảo Thượng tọa thứ hai nói mà vị ấy không nghe thì cũng phạm tội.

Khi đi đường, nếu thấy người cùng xuất gia và thấy bạch y, Tỳkheo phải hỏi người kia từ đâu đến và trên đường đi có được an ổn không? Đó gọi là pháp nói năng.

Khi ấy, có các Tỳ-kheo đi trên đường, thân thể mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi nhưng phân vân không dám. Về sau, họ đến bạch Thế Tôn, Phật nói:

– Các Tỳ-kheo được phép nghỉ ngơi bên đường khi đi xa.

Nếu Hòa thượng, A-xà-lê phạm tội, bị chúng Tăng yết-ma đuổi, khi yết-ma thành, đệ tử liền mất y chỉ. Nếu đệ tử phạm tội thì sau khi chúng Tăng yết-ma xong cũng mất y chỉ. Nếu Hòa thượng, A-xà-lê nói với đệ tử với tâm quyết định: “Từ nay trở đi không cần ở bên cạnh tôi nữa”, thì lúc ấy đệ tử liền mất y chỉ.

Nếu mặt trời chưa xuất hiện mà tách rời Hòa thượng, A-xà-lê thì cũng mất y chỉ.

Nếu Tỳ-kheo có làm việc gì vi phạm trong Tăng, bị Tăng quở phạt, nếu Tỳ-kheo ấy cầu xin một ngày cho đến ngày hôm sau thì Thượng tọa nên cho phép làm yết-ma quở trách, yết-ma đuổi, yết-ma phát sanh tâm thiện, yết-ma phơi bày sự thật, yết-ma che bát, yết-ma không nói chuyện.

Sau khi yết-ma sám hối như vậy xong, chúng Tăng làm yết-ma xá tội. Đó gọi là pháp tha tội.

Phải đi kinh hành ở nơi để kinh hành, không được kinh hành ở nơi khác.

Phải ngồi thiền ở nơi để ngồi thiền, không được ngồi ở nơi khác.

Khi đi kinh hành không được chán nản giữa chừng, không được đi với tâm tán loạn.

Nếu mặt đất nơi kinh hành không bằng phẳng thì phải làm cho bằng phẳng, đừng để chỗ cao chỗ thấp.

Bấy giờ, Thế Tôn ở tại nước Ba-la-nại, Ngài bảo thị giả Na-giàba-la:

– Hãy đem áo tắm của Ta đến.

Sau khi nhận y, Phật đắp y ấy đi kinh hành. Lúc Phật kinh hành, Đế-thích hóa ra nhà vàng rồi đến lạy sát chân Phật mà bạch Ngài:

– Xin hãy nhận ngôi nhà bằng vàng này để đi kinh hành.

Lúc này, Phật kinh hành ở tại Tỳ-xá-ly, nhóm sáu Tỳ-kheo mang giày da đi kinh hành theo Phật. Phật nói:

– Pháp của đệ tử là không được mang giày da đi kinh hành trước Hòa thượng, A-xà-lê; cho đến không được kinh hành ở nơi kinh hành của Hòa thượng, A-xà-lê; huống là mang giày da đi kinh hành ở trước Ta và đi kinh hành ở nơi Ta đang kinh hành mà được sao? Cần phải biết rõ như vậy.

Có Tỳ-kheo đang hành Ma-na-đỏa đi kinh hành ở nơi chúng Tăng kinh hành, Phật trông thấy liền chế giới:

– Tỳ-kheo có tội không được kinh hành ở nơi Tỳ-kheo thanh tịnh kinh hành.

Có Tỳ-kheo kinh hành ở nơi đất trống, bị trời mưa to làm y dơ và ướt hết nên buồn rầu không vui. Nghe vậy, Phật liền bảo các Tỳ-kheo:

– Cho phép các Tỳ-kheo làm nhà để kinh hành.

Có Tỳ-kheo kinh hành ở vùng đất trống trong núi Kỳ-xà-quật, bị mưa to, gió lớn, lại bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt. Nghe vậy, Phật liền cho phép các Tỳ-kheo làm nhà để kinh hành.

Một lúc nọ, tại trụ xứ Tỳ-kheo ni, Tỳ-kheo ni Hạ tọa kinh hành trước ni Thượng tọa với tâm kiêu mạn, tự đại, không chút cung kính. Thấy các ni Hạ tọa làm ni Thượng tọa buồn bực, nhóm sáu Tỳ-kheo ni cũng bắt chước nên đến trước các ni Thượng tọa để kinh hành. Nghe việc ấy, Thế Tôn liền cấm ni Hạ tọa kinh hành trước ni Thượng tọa. Nơi kinh hành của ni Thượng tọa, ni Hạ tọa không được kinh hành ở đó.

Có Tỳ-kheo bị mọc mụt trên thân. Thầy thuốc chỉ cách chữa như sau: dùng nước miếng thoa lên mụt, nung ngói cho nóng áp lên làm tróc vẩy, mụt sẽ lành. Sau khi thầy thuốc chỉ như vậy, Phật liền cho phép làm theo.

Một lúc nọ, trong phòng Tăng vừa mới sửa sang và có vẽ tranh. Vì lạnh, các Tỳ-kheo đốt lửa, khói xông lên làm hư hết bức vẽ. Nghe tin ấy, Phật liền không cho đốt lửa trong nhà. Ai lạnh thì đốt lửa ngoài đất trống để tự sưởi ấm. Sau đó, các Tỳ-kheo bạch với Thế Tôn:

– Đốt lửa nơi đất trống để sưởi ấm, sưởi phía trước thì phía sau lạnh, sưởi phía sau thì phía trước lạnh, không thể làm cho ấm.

Nghe vậy, Phật liền cho phép đốt lửa trong phòng để tự sưởi nhưng phải làm sao đừng cho có khói.

Tại đường đi trước phòng ở của các Tỳ-kheo, họ tiểu tiện khắp nơi, làm mặt đất dơ bẩn, hôi hám, không thể đi. Nghe vậy, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Từ nay trở đi, các Tỳ-kheo không được tiểu tiện khắp nơi trong tinh xá, phải tập trung ở một chỗ kín đáo, dùng bình sành hoặc thùng gỗ chôn dưới đất rồi đi tiểu vào đó. Sau khi đi tiểu xong, phải lấy vật gì đậy lại, đừng để có mùi hôi thối.

Có các Tỳ-kheo vào mùa lạnh, rửa chân ở bên ngoài bị lạnh buốt rất khổ sở. Nghe vậy, Phật liền cho phép dùng đồng hoặc đất nung, hoặc gỗ làm vật đựng nước để rửa chân trong nhà.

Bát mà các Tỳ-kheo dùng bị rạn nứt, đồ ăn uống ở trong các chỗ nứt rất hôi nên không thể dùng được. Phật liền cho phép làm lò xông bát, dùng hạt gai hoặc hạt mè giã nhỏ thoa lên bát rồi đặt bát lên lò để xông. Sau khi xông bát xong phải đem cất lò, đừng để mưa làm ướt.

Nếu người muốn thọ giới dùng sức thần thông đứng trên hư không, Giới sư và chúng Tăng ở dưới đất thì người ấy không được thọ giới.

Nếu thầy ở trên hư không, người thọ giới và chúng Tăng ở dưới đất thì cũng không được thọ giới.

Nếu chúng Tăng ở trên hư không, thầy và người thọ giới ở dưới đất, thì cũng không được thọ giới.

Nếu thầy, đệ tử và chúng Tăng đều ở trên không trung thì cũng không được thọ giới. Vì sao? – Vì ở hư không không có giới hạn để kết giới.

Vào ban đêm, nếu Tỳ-kheo đặt ba y trên vai, nương thần thông đi đến nơi khác thì không mất y.

Nếu y trên đất, Tỳ-kheo nương thần thông ở trên không trung và đưa chân đạp trúng y hay ngoài đất cạnh y khi minh tướng chưa hiện thì không mất y. Nếu chân không đạp trúng y mà ra ngoài đất cạnh y khi minh tướng đã hiện thì bị mất y. Vì sao? – Vì hư không ở ngoài cương giới của y.

Có các Tỳ-kheo đang dùng thần thông đi trong hư không bỗng muốn uống nước, Phật liền cho phép uống. Tuy được phép uống nước nhưng họ chưa biết uống nước bằng cách nào, nếu mang y xuống nước thì sợ y rơi xuống nước, nếu để trên bờ thì sợ mất y. Phật dạy:

– Khi lấy nước, một chân bước xuống nước, một chân ở trên bờ sẽ lấy được nước. Đó gọi là pháp ở trên hư không.

Khí có hai loại: một là khí bên trên, hai là khí bên dưới.

Khi ợ không được há miệng cho ra phía có người, phải quay mặt về phía không có người há miệng cho ra.

Khi khí bên dưới muốn ra, không được cho ra ở nơi đông người, phải tìm cách đi ra ngoài, đến chỗ không có người mới cho ra, sau đó mới trở vào đám đông, đừng để mọi người nhờm gớm.

Khi vào trong tháp không được hạ phong. Ở trong nhà tháp, dưới cây đặt tháp và ở trong đại chúng đều không được hạ phong; ở trước thầy, trước Đại đức, Thượng tọa cũng không được hạ phong ra tiếng. Nếu trong bụng có bệnh, cần mau chóng đi ra ngoài, đừng để người khác nhờm gớm.

Pháp quét đất là: Chúng ở dưới gió thì không được quét đất ở trên gió.

Pháp ăn cháo là: không được há miệng húp cháo ra tiếng. Đợi cháo nguội rồi mới từ từ húp vào. Đó là cách ăn cháo.

Lúc ấy, Thế Tôn ở tại thành Vương Xá, có một Tỳ-kheo thuộc dòng Bà-la-môn, rất thích sạch sẽ. Khi đi đại tiện, vị ấy dùng thẻ và cỏ nạo hậu môn, nạo nhiều lần làm hậu môn bị thương. Vì thế tướng mạo vị ấy không vui. Các Tỳ-kheo hỏi:

– Vì sao tướng mạo thầy tiều tụy như vậy? Có bị đau bệnh gì không?

Vị ấy đáp:

– Khi đi đại tiện, tôi ghét chỗ bất tịnh này nên đã dùng thẻ nạo nhiều lần làm cơ thể bị thương, vì vậy không được khỏe.

Các Tỳ-kheo đem việc ấy bạch Thế Tôn, Phật gọi Tỳ-kheo này đến và hỏi:

– Ông có thật như vậy không?

Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

– Thật như vậy, thưa Thế Tôn.

Đức Phật nói:

– Ông mà còn nhờm gớm thân mình như vậy, huống gì là người khác.

Phật quở trách Tỳ-kheo ấy bằng đủ cách rồi bảo:

– Phải tự giữ gìn thân. Khi sắp đại tiện, không được cố ý dùng sức rặn cho ra tiếng, phải rặn từ từ cho ra dần. Khi đi đại tiện, trước hết phải lấy thẻ, cỏ; đến cửa phải khảy móng tay ba lần để cho người và phi nhơn biết; cởi y mắc lên nơi để y ở trước cửa. Nếu trời mưa không có nơi cất y thì phải khéo quấn y vào thân; mở cửa nhìn vào nhà xí xem có các loại trùng độc không. Xem xong, khi sắp đại tiện phải từ từ vén y lên theo thứ lớp, không được vén hấp tấp làm lộ thân thể.

Pháp ngồi xuống đứng lên là: không được ngồi nghiêng một bên, phải ngồi ở chính giữa, đừng làm dơ hai bên hố xí. Khi muốn đứng dậy phải từ từ hạ y xuống theo thứ lớp, không được hạ quá mau.

Từng chi tiết của pháp lên nhà xí đã được nói rõ trong Kiền-độ Tam-ma-đâu.

Khi lên nhà xí, ở chỗ ngồi xuống đứng lên, các Tỳ-kheo bị sự gập ghềnh làm mỏi mệt, nghe vậy Phật liền cho phép đặt tấm ván tốt ở nơi đi lại, để đường đi khỏi bị cao thấp, không bằng phẳng. Sau khi đi xong, phải dùng thẻ sạch nạo cho sạch. Nếu không có thẻ, không được chùi lên vách cho sạch, không được chùi lên tấm ván làm cầu trên nhà xí, không được dùng đá, không được dùng cỏ xanh, không được dùng đất cục, vỏ cây mềm, lá mềm thay cho gỗ. Vật nên dùng là dùng gỗ, tre, cỏ lau làm thẻ với độ dài dài nhất là một gang tay, ngắn nhất là bốn ngón. Sau khi dùng xong, không được quệt lung tung làm dơ những chỗ sạch, không được để lộn trong những thẻ sạch. Đó là pháp đi đại tiện và dùng thẻ đi đại tiện.

Tôn giả Ca-diếp-duy nói:

– Được dùng đá và ngói.

Đàm Vô Đức thì không cho phép.

Lên nhà xí có hai chỗ: một là chỗ đi vệ sinh, hai là chỗ dùng nước để rửa. Việc vén y khi đứng lên ngồi xuống ở nơi dùng nước cũng giống như ở nơi đi vệ sinh.Trước cửa nhà xí có bình nước sạch, lại phải mang theo một bình nhỏ. Nếu tự có bình thì dùng bình của mình, nếu không có bình thì dùng bình nhỏ cạnh nhà xí. Không được dùng thẳng bình nước lớn của Tăng làm cho dơ bẩn. Đó là pháp dùng nước trên nhà xí.

Pháp dùng nhành dương để chà răng là: Lúc ấy, các Tỳ-kheo không chà răng nên hơi trong miệng hôi hám khó chịu. Không dùng nhành dương chà răng có năm lỗi:

  1. Hơi miệng hôi thối.
  2. Cổ họng không sạch.
  3. Không tiêu trừ được đàm dãi, thức ăn cách đêm và gió lạnh.
  4. Không muốn ăn uống.
  5. Tăng thêm bệnh mắt.

Dùng nhành dương chà răng có năm công đức:

  1. Hơi miệng thơm tho.
  2. Cổ họng sạch.
  3. Trừ được đàm dãi và thức ăn dư.
  4. Muốn ăn.
  5. Mắt không có bệnh.

Khi dùng nhành dương chà răng, có các Tỳ-kheo tụ tập nơi phòng Tăng, hoặc tụ tập nơi đất sạch của chúng Tăng, hoặc tại nơi kinh hành, hoặc ở trước thầy, hoặc trước Đại đức, Thượng tọa. Phật nghe việc ấy liền không cho phép.

Lại có Tỳ-kheo lấy vỏ cây làm nhành dương, có các Tỳ-kheo dùng nhành dương ngắn chà răng làm nó chui vào cổ họng gây bệnh. Nghe vậy, Phật cũng không cho phép. Độ dài của nhành dương dài nhất là một gang tay, ngắn nhất là bốn ngón tay.

Pháp của đệ tử là sáng sớm phải mang nhành dương đến dâng cho Hòa thượng và A-xà-lê.

Ca-diếp-duy nói:

– Pháp cắn nhành dương là đối với loại ngắn cở bốn ngón tay thì nhấm một đoạn hai ngón tay.

Ở trước tháp, trước chúng Tăng, trước Hòa thượng, trước A-xà-lê không được há miệng lớn khạc nhổ lên đất. Nếu muốn khạc nhổ phải đến nơi kín đáo, đừng để cho người nhờm gớm. Đó là pháp khạc nhổ.

Sau khi ăn, các Tỳ-kheo phải xỉa răng, phải dùng đồng, sắt, xương, tre, gỗ, cỏ lau để làm. Không được làm đầu quá nhỏ dễ gây thương tích. Khi xỉa răng xong, phải rửa sạch, đừng để phơi bày thức ăn dư, làm người khác nhờm gớm. Đó là pháp xỉa răng.

Trong tai các Tỳ-kheo đầy ráy, Phật liền cho phép dùng đồng, sắt, xương, sừng, tre, gỗ, cỏ lau làm đồ móc tai.

Sáng dậy, chà răng xong, phải nạo lưỡi. Phật cho phép dùng đồng, sắt, gỗ, tre, cỏ lau để nạo. Đó gọi là pháp nạo lưỡi.

Pháp tiểu tiện là: Khi vừa mắc tiểu phải đi ngay, không được để lâu. Đó là pháp tiểu tiện.

Nơi tiểu tiện phải để guốc gỗ. Khi muốn đi tiểu phải mang guốc, đừng để nước tiểu làm dơ bẩn nơi ở của các Tỳ-kheo.

Nếu có Tỳ-kheo già, bệnh, không thể lên nhà xí, ở xa thì được phép chôn một cái bình lớn hoặc một thùng gỗ xuống đất ở nơi kín để làm chỗ tiểu tiện riêng; che bên trên cho kỹ, đừng để người ta thấy. Trên đường đi đến nơi ấy cần lót ván tốt, đừng để chất bất tịnh làm dơ bẩn.

Thế nào gọi là không thực hành? – Người thọ Cụ túc gọi là thực hành, không thọ Cụ túc gọi là không thực hành.

Thế nào là người thực hành pháp? – Người thọ Cụ túc gọi là người thực hành pháp. Người không thọ Cụ túc là người không thực hành pháp. Đó gọi là thực hành pháp.

Lại nữa, người thực hành là người thực hành những việc Phật cho phép. Những việc Phật không cho phép thì tuy có làm cũng không gọi là thực hành.

Lại nữa, thế nào gọi là thực hành? – Pháp nói là pháp, phi pháp nói là phi pháp. Nhẹ nói là nhẹ, nặng nói là nặng. Đó gọi là thực hành.

Chẳng phải thực hành là: pháp nói là phi pháp, phi pháp nói là pháp, nhẹ nói là nặng, nặng nói là nhẹ. Đó chẳng phải là thực hành.

Lại nữa, thực hành là ba nghiệp thân, cho đến mười nghiệp lành. Không thực hành là ba nghiệp thân cho đến mười nghiệp ác.

Lại nữa, thực hành là tám đường chánh, không thực hành là tám đường tà.

Thực hành giới do Phật chế và tùy thuận theo người thực hành, gọi là thực hành. Không tùy thuận theo, gọi là chẳng phải thực hành.

Đó là pháp thực hành và chẳng phải thực hành.

Phần thứ ba đã xong. Tóm lược gọi là tất cả các phần. Cần biết rõ như vậy.

 

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8