KINH TỲ NI MẪU
 Hán dịch: Mất tên người dịch, nay xếp vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

QUYỂN 5

Bấy giờ, Phật ở tại Ba-la-nại, năm Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn:

– Các Tỳ-kheo được phép chứa những loại thuốc gì?

Đức Phật nói:

– Cho phép các Tỳ-kheo được chứa thuốc đã bào chế (trần khí dược, cho đến lưu ly cũng được chứa.) Thuốc trị bệnh gồm có bốn loại:

Loại thuốc dùng trước giờ ngọ, không được dùng sau giờ ngọ, bảy ngày hoặc trọn đời.

Loại thuốc dùng sau giờ ngọ thì trước giờ ngọ cũng được dùng, nhưng không được cất chứa trọn đời.

Thuốc dùng sau giờ ngọ gồm có hai loại: Một loại được cất chứa trong bảy ngày, một loại không được.

Loại thuốc dùng trọn đời thì trước và sau giờ ngọ cho đến bảy ngày đều được dùng.

Việc này đã được nói rõ trong kiền-độ Dược.

Có Bà-la-môn tên Tử Thi La đem tám loại nước uống đến dâng Phật:

– Một là nước am-la

– Hai là nước thiệm-bà

– Ba là nước táo

– Bốn là nước hoại vị

– Năm là nước đa

– Sáu là nước sa-lâm-tỳ

– Bảy là nước phá-lưu-sa

– Tám là nước cam.

Những loại nước này Phật cho phép Tỳ-kheo được dùng.

Lý do Phật cấm uống rượu là: Do Tỳ-kheo Sa-đề uống rượu say nên Phật dạy không được uống rượu.

Tôn giả Di-sa-tắc nói:

– Tỳ-kheo Sa-đề từ nhỏ đã nhờ rượu nuôi lớn thân mạng. Sau khi xuất gia không được uống rượu nên bốn đại không điều hòa.

Các Tỳ-kheo bạch Phật, Đức Phật nói:

– Người bệnh thì được phép ngửi mùi bên trên vò rượu. Nếu lành bệnh thì không được ngửi nữa. Nếu ngửi không lành thì được dùng rượu rửa thân mình. Nếu lại không lành thì được đem rượu trộn với bột gạo làm bánh rượu để ăn. Nếu lại không bớt thì được phép ngâm mình trong rượu.

Tôn giả Ca-diếp-duy nói:

– Có loại nước uống, được phép uống trước giờ ngọ, sau giờ ngọ không được phép uống. Có loại nước uống, trước giờ ngọ được phép uống, sau giờ ngọ cũng được uống. Có loại nước trước và sau giờ ngọ đều không được uống. Có loại nước trước giờ ngọ không được uống, sau giờ ngọ được phép uống.

Như Phật đã chế định tại Tỳ-xá-ly: “Không được ăn men rượu, không được uống rượu chua, đắng”, tôn giả Ca-diếp-duy nói:

– Có tám loại rượu không được uống:

1. Rượu do hòa trộn men rượu tạo thành thì không được uống.

2. Rượu do bột gạo hòa trộn tạo thành thì tuy có chứa các loại thuốc cũng không được uống.

3. Rượu chua có thể làm cho người say thì không được uống.

4. Rượu tuy ngọt nhưng có thể làm cho người say thì không được uống.

5. Rượu trong suốt cũng không được uống.

6. Rượu hơi chua cũng không được uống.

7. Rượu làm bằng cơm giã nhuyễn cũng không được uống.

8. Rượu Thư-đà cũng không được uống.

Các loại rượu như vậy rất nhiều, đều không được uống.

Tôn giả Tát-bà-đa nói:

– Rượu do nho và gạo nếp hòa trộn tạo thành thì không được uống. Rượu làm bằng mật cũng không được uống, rượu làm bằng gạo cũng không được uống. Rượu làm bằng các loại quả cũng không được uống. Tất cả các loại rượu như vậy đều không được uống. Đó là những loại rượu không được uống.

Không nên thuyết pháp cho người mang guốc gỗ. Như cậu thanh niên Da-xá cởi guốc vàng để lại khi lội qua sông. Khi thấy đôi guốc này, người nhà cậu ấy liền biết cậu ấy đến gặp Phật để xin xuất gia.

Lúc ấy Phật ở tại nước Xá-vệ, nhóm sáu Tỳ-kheo mang guốc cao đi vào nơi ngồi thiền, tiếng guốc vang rất to. Nghe tiếng động ấy, các Tỳ-kheo đang ngồi thiền cho là quân mã của bọn cướp kéo đến nên rất kinh sợ. Vì thế, Phật chế giới:

– Từ đây trở đi, tất cả Tỳ-kheo đều không được mang guốc, trừ người bệnh và khi lên nhà cầu.

Đó gọi là lý do của việc mang hoặc không mang guốc.

Khi đó, có trưởng giả tên Lưu-lô-nô. Lúc mới sanh, người cha vui mừng nên đã cho con trai mình hai mươi vạn ức tiền vàng, vì thế có tên là Nhị Thập Ức. Cậu ấy rất giàu sang, từ lúc mới sanh đến lớn, chân chưa hề đạp trên đất. Sau khi xin Phật xuất gia, vị ấy siêng năng tu tập, đắc quả A-la-hán. Do hành đạo khổ nhọc nên chân vị ấy bị chảy máu. Biết vị ấy từ nhỏ đến nay giàu có, chân chưa hề đạp lên đất nên Phật cho phép mang giày da một lớp.

Lưu-lô-nô bạch Thế Tôn:

– Đệ tử có thể xả bỏ gia nghiệp giàu có như vậy, há lại tham mang một đôi giày da sao? Nếu Thế Tôn cho phép tất cả các Tỳ-kheo đều được mang giày thì đệ tử sẽ mang.

Vì lý do này, Phật cho phép tất cả Tỳ-kheo đều được mang giày da.

Người đang mang giày da không được phép nghe pháp. Người bệnh được phép mang giày da nghe pháp.

Có Tỳ-kheo mang giày da vào tháp, Phật liền chế giới:

– Không được mang giày da vào tháp và nhiễu tháp, cho đến dép cũng không được mang vào tháp.

Sở dĩ làm vậy là vì ở nơi ấy người nào mang giày dép da đều sanh tâm kiêu mạn. Vì thế, Phật không cho phép mang. Đó là nhơn duyên mang giày da.

Do nước A-bàn-đề rất lạnh nên Phật cho phép cất chứa da, trừ năm loại da như: da sư tử, da gấu, da bi, da rồng, da người. Những loại da này đều không được phép cất chứa.

Những loại da được phép cất chứa là: da voi, da ngựa, da lạc-đà, da bò, da lừa. Những loại da được phép cất chứa như thế rất nhiều.

Pháp của người xuất gia là không được cất chứa vò lớn đựng rượu, bình và hộc đựng rượu lớn bằng đồng. Những thứ ấy gây nên sự hiềm nghi của mọi người, vì vậy không được cất chứa.

Lúc này, Lộc mẫu Tỳ-xá-khư cúng dường cho chúng Tăng sáu loại vật như:

1. Chiếc giường được chạm trổ rất đẹp.

2. Nồi bằng đồng.

3. Cây đuốc.

4. Quạt.

5. Cây chổi quét.

6. Bình lớn bằng đồng.

Các Tỳ-kheo phân vân mới hỏi Phật, Đức Phật nói:

– Bình lớn bằng đồng không nên nhận, năm thứ còn lại thì nên nhận.

Có một người thợ gốm làm nhiều bình gốm lớn, đem cúng dường cho Tăng, Tăng phân vân liền hỏi Phật, Đức Phật nói:

– Trừ bình lớn, số còn lại đều được nhận.

Lúc ấy, có hai người khách buôn ở cách tinh xá Kỳ-hoàn không xa, một người tin đạo, một người không tin đạo. Người không tin đạo nói:

– Sa-môn Thích tử tham lam cất chứa nhiều bình lớn.

Người tin Đức Phật nói:

– Sa-môn Thích tử không có tâm tham, không có chứa bình lớn.

Hai người liền đánh cược với nhau bằng năm trăm tiền vàng. Khi đến Kỳ-hoàn, họ thấy các đàn-việt đem nhiều bình lớn cúng dường cho chúng Tăng, người tin đạo bị thua nên phải trả năm trăm tiền vàng.

Nghe việc ấy, Phật liền dạy các Tỳ-kheo:

– Từ nay trở đi, không được chứa bình lớn để đựng rượu.

Vào lúc khác, hai người lái buôn ấy lại tranh luận, người không tin đạo nói:

– Hiện giờ do tâm tham, Sa-môn vẫn còn chứa bình lớn.

Người tin đạo nói:

– Hiện nay Sa-môn không còn chứa bình lớn.

Hai người liền đánh cược với nhau bằng một ngàn tiền vàng. Người không tin đạo đem nhiều bình lớn đến cúng cho Sa-môn, nhưng các Tỳ-kheo đều không nhận. Vì thế, người không tin đạo phải trả lại cho người tin đạo một ngàn tiền vàng.

Đó là lý do không nên chứa bình.

Lúc ấy, Thích tử Bà-nan-đà cột lông dê lên đầu gậy rồi gánh đi.

Đàn-việt trông thấy liền chê cười, giả vờ hỏi:

– Có bán lông không?

Nan-đà đáp:

– Không bán.

Lần lượt như vậy, việc đó đến tai đức Thế Tôn, đức Thế Tôn liền chế giới:

– Từ nay trở đi, Tỳ-kheo không được cột lông dê trên đầu gậy rồi gánh trên vai mà đi.

Không được thuyết pháp cho người cầm gậy. Đầu gậy bằng sắt hoặc bằng sừng nai đều được dùng. Vì sao? – Vì sợ gậy bị mòn.

Pháp nấu cỏ làm thuốc nhuộm của các Tỳ-kheo là: Làm một cây gậy dài khoảng ba thước (tàu), đầu gậy được bó bằng cỏ, khi nước sôi bùng lên thì dùng gậy khuấy. Nếu không biết cỏ nhuộm chín hay sống thì đổ nước vào một cái bình, dùng gậy vớt nước cỏ nhuộm rưới vào trong bình nước, nếu cỏ nhuộm đã chín thì nước nhuộm sẽ chìm thẳng xuống dưới, nếu chưa chín thì nó sẽ nổi trên mặt nước. Khi cỏ nhuộm đã chín thì lọc sạch để nhuộm y. Nhuộm xong, muốn phơi y thì phải để nơi đất bằng, đừng để bốn góc bị cuốn lại. Khi muốn xếp y, phải quấn trên cái trục cho y được ngay thẳng.

Thích tử Bạt-nan-đà đan chiếc túi, bỏ bát vào đó rồi treo lên đầu gậy vác đi. Các đại thần trông thấy, cho là vua mang cờ đến nên đều tránh xa. Khi vị ấy đến gần, họ mới biết đó là Sa-môn nên đều bực mình với vị ấy. Nghe vậy, Phật liền chế giới:

– Tỳ-kheo không được cột túi đựng bát lên đầu gậy mà vác đi.

Nhóm sáu Tỳ-kheo cất chứa gậy trúc, làm người thế tục trông thấy đều chê trách:

– Sa-môn không khác gì nhà vua và đại thần.

Nghe vậy, Phật liền chế giới không cho phép Tỳ-kheo cất chứa vật ấy.

Nếu Tỳ-kheo bệnh, có việc phải vào làng và cần gậy thì phải cầu xin Tăng bạch nhị yết-ma. Nếu đã được Tăng làm yết-ma cho phép thì được mang bát cột lên đầu gậy mà đi. Nếu không yết-ma thì không được.

Khi ấy, Thế Tôn ở tại thành Vương-xá, có Tỳ-kheo Ni-đàn đi trong rừng vào ban đêm, lo sợ bị rắn độc, trùng độc và thú dữ làm hại nên đến bạch Phật, Đức Phật nói:

– Cho phép các Tỳ-kheo ở nơi tối tăm đáng sợ được rung tích trượng phát ra tiếng động để rắn độc, trùng độc tránh xa. Cần phải biết rõ như vậy.

Có người bị khiển trách, trừng phạt, cần làm yết-ma quở trách, yết-ma tẩn xuất, diệt tẩn, yết-ma y chỉ, yết-ma sám hối, yết-ma Tăng không thấy sự vi phạm, yết-ma chưa chịu sám hối, yết-ma không xả bỏ ác kiến. Những việc như vậy phải bạch tứ yết-ma, cho ở riêng, thực hành sáu ngày Ma-na-đỏa, nói trái ngược, phú bát và không nói. Trong năm trường hợp này có ba trường hợp bạch tứ yết-ma, còn hai trường hợp sau thì bạch nhất yết-ma.

Đó gọi là tẫn xuất, trị phạt.

Thế nào là cái túi lưới? – Đến giờ khất thực, cần để bát vào trong túi lưới. Khi các đàn-việt cúng dường cơm canh, Tỳ-kheo cầm túi lưới để đàn-việt để cơm canh vào bát. Nếu cơm canh tràn ra ngoài bát làm dơ túi lưới thì cũng không có hại gì; chỉ cần đừng để cơm canh nóng dính vào tay. Nếu có đệ tử, đến giờ khất thực, đệ tử phải bỏ bát vào túi rồi đem trao cho Hòa-thượng và A-xà-lê.

Bấy giờ, trong thành Vương-xá có vị đại trưởng giả thu được nhiều gỗ hương chiên-đàn, liền thuê thợ làm bát chiên đàn, dùng vật báu làm túi đựng bát, dựng một ngọn cờ cao ở trong sân, treo túi và bát trên đầu cây cờ và rao:

– Ở trong thành Vương-xá này, Sa-môn, Bà-la-môn nào có thần thông đức độ, có thể bay lên lấy hoặc duỗi tay lấy thì chiếc bát này thuộc về người ấy.

Ngoại đạo Phú-lan-na Ca-diếp đến chỗ trưởng giả nói:

– Ta là đại A-la-hán chơn thật. Ta sẽ hiện thần lực lấy chiếc bát đó.

Lục sư ngoại đạo đều hiện thần lực nhưng không thể lấy được.

Khi ấy, Mục-kiền-liên đang kinh hành trên tảng đá lớn, Tân-đầulô bảo Mục-kiền-liên:

– Đại đức là người có thần thông đứng đầu trong số các đệ tử của Phật, có thể gầm tiếng sư tử, xin hãy hiện thần lực lấy bình bát ấy.

Mục-liên đáp:

– Tôi không thích hiện thần thông, cũng không thể lấy bình bát đó. Thế Tôn cũng đã nói Đại đức là đại A-la-hán có thần thông bậc nhất, có thể gầm tiếng sư tử, vậy đại đức hãy đi lấy bình bát đó đi.

Tân-đầu-lô liền hiện thần lực, đứng trên một tảng đá lớn, nương hư không mà đi quanh thành Vương-xá, làm người xem không ai không kinh sợ. Nếu tảng đá này rơi xuống thì không ai có thể tránh khỏi.

Lúc này trưởng giả đang ở trên lầu cao. Sau khi thấy Tân-đầulô hiện thần thông, trưởng giả chấp tay đảnh lễ tôn giả Tân-đầu-lô và bạch:

– Đệ tử đã cúng cho tôn giả bình bát ấy rồi, xin hãy nhận lấy.

Khi Tân-đầu-lô đã nhận bình bát, trưởng giả liền thỉnh vị ấy vào trong nhà, đặt các loại thức ăn ngon vào bát cúng dường Tân-đầu-lô.

Các Tỳ-kheo đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật, Phật gọi Tân-đầu-lô đến hỏi:

– Có thật là ông đã vì cái bát này mà hiện thần lực không?

Tân-đầu-lô đáp:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn.

Đức Phật liền quở trách Tân-đầu-lô bằng nhiều cách:

– Vì sao chỉ vì chiếc bát gỗ này mà ông hiện thần lực cho các bạch y xem? Giống như dâm nữ chỉ vì nửa đồng tiền mà cho người xem thân thể của mình, ông cũng như vậy. Từ nay trở đi, Tỳ-kheo không được cất chứa bình bát bằng chiên-đàn, cũng không được vì y bát mà hiện thần lực. Nếu để thành tựu việc hàng phục các ngoại đạo thì được phép hiện thần thông.

Lý do được phép cất chứa túi xách là: Sa-di, tịnh nhân cùng đi ra bên ngoài và nhận được trái cây, trái ngon thì họ ăn, còn trái dở thì mang về cho thầy. Nghe việc này, Phật cho các Tỳ-kheo được làm túi xách, khi nhận được trái cây thì bỏ vào túi xách, buộc chặt miệng túi lại, mang về đến chùa, rửa tay rồi thọ thực như pháp.

Tôn giả Tát-bà-đa nói:

– Có một Tỳ-kheo cùng tịnh nhân khất thực, tịnh nhân này cầm thức ăn sơ suất bị ngoại đạo bỏ thuốc độc vào mà không biết. Về đến trụ xứ, Tỳ-kheo ấy ăn xong liền qua đời.

Do đó Phật dạy các Tỳ-kheo:

Từ nay trở đi, mỗi người phải làm túi xách đựng bát và giữ cho kỹ.

Đó là các lý do Phật cho phép chứa túi đựng bát.

Nếu có Tỳ-kheo già, bệnh cần gậy để đi đường, hoặc giữa đường có nạn rắn độc thì Phật cho phép cầm gậy đi; đầu gậy bằng sắt, bằng đồng hoặc bằng sừng đều được dùng.

Tỏi: tất cả Tỳ-kheo đều không được ăn tỏi, trừ khi bệnh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại tinh xá Kỳ-hoàn thuyết pháp cho đại chúng nghe. Có một Tỳ-kheo ăn tỏi nên ngồi cách xa Phật và ở bên ngoài đại chúng. Phật hỏi A-nan:

– Tỳ-kheo ấy vì sao ngồi một mình ở đằng xa vậy?

A-nan bạch Phật:

– Tỳ-kheo ấy ăn tỏi, vì vậy phải ngồi riêng.

Phật bảo A-nan:

– Vì việc nhỏ này mà vị ấy không được nghe pháp do Như Lai khéo giảng dạy.

Phật lại bảo A-nan:

– Từ nay trở đi, trừ khi bệnh, ngoài ra đều không được ăn tỏi.

Có một lần Xá-lợi-phất bị bệnh phong, thầy thuốc bảo phải dùng tỏi, vị ấy liền đến bạch Phật, Đức Phật nói:

– Người bệnh thì được phép dùng.

Lúc ấy, Thế Tôn ở tại Tỳ-xá-ly. Bên ngoài thành này có một đàn việt trồng rất nhiều tỏi. Tỳ-kheo ni Thâu-la-nan-đà thường đi qua lại cạnh vườn tỏi này. Đàn-việt chủ vườn tỏi ấy có tâm thiện, muốn tạo phước đức nên hỏi:

– Tôn giả cần tỏi để ăn không?

Ni cô đáp:

– Chúng tôi ăn cơm thường không biết ngon. Nếu được ít tỏi để ăn thì thật tốt.

Đàn-việt liền đem tỏi cúng cho cô ấy và hứa là hàng ngày sẽ cho chúng Tăng năm chùm tỏi. Thâu-la-nan-đà liền bạch với Ni chúng:

– Đàn việt ấy hứa cúng cho chúng Tăng năm chùm tỏi mỗi ngày. Vị nào cần thì sai Sa-di ni đến lấy.

Có một ni cô cần tỏi, sai Thức-xoa-ma-ni, Sa-di ni đến lấy. Lúc ấy chủ vườn tỏi đang mang tỏi vào chợ trong thành để bán và để người giúp việc ở lại giữ vườn tỏi. Sa-di ni hỏi:

– Chủ vườn tỏi đi đâu rồi?

Người giữ vườn đáp:

– Đã vào chợ trong thành để mua bán.

Sa-di ni theo người ấy xin tỏi. Người giữ vườn đáp:

– Tôi không biết. Tôi chỉ biết giữ tỏi.

Sa-di ni giận dữ nói:

– Chủ nhà đã cho, ông giữ làm sao được?

Nói xong, Sa-di ni tự tay nhổ tỏi và nói:

– Đây là phần của Hòa thượng, đây là phần của A-xà-lê, đây là phần ngày hôm nay, đây là phần ngày mai.

Cô ta tự ý phân chia như vậy rồi mang đi.

Khi trở về, người chủ vườn tỏi thấy vậy liền hỏi người giữ vườn:

– Ai mang số tỏi này đi vậy?

Người giữ vườn kể lại đầy đủ mọi việc cho chủ nghe. Nghe xong, chủ vườn tỏi rất bực bội và chê trách các Tỳ-kheo ni. Việc ấy lần lượt đến tai Thế Tôn. Thế Tôn gọi các Tỳ-kheo ni đến, quở trách bằng nhiều cách và bảo:

– Từ nay trở đi, Tỳ-kheo ni không được ăn tỏi. Ai ăn phạm Ba-dạ-đề.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

– Nên dùng những loại dao gì để cạo tóc?

Đức Phật dạy:

– Dùng đồng hoặc sắt làm dao để cạo tóc.

Khi đã làm dao xong, không có chỗ cất dao, họ lại hỏi Thế Tôn, Đức Phật nói:

– Có thể dùng đồng hoặc sắt, hoặc sừng, hoặc xương, hoặc tre, hoặc cỏ lau để làm vỏ dao và cất dao ở trong gỗ, da, hoặc da bò, da dê.

Đó gọi là pháp cất dao cạo tóc. Việc này trong kiền độ Tạp có nói rõ.

Pháp cạo tóc của Tỳ-kheo ni là: Nên tuần tự cạo cho nhau. Nếu người cạo tóc là người nam thì phải có hai Tỳ-kheo ni mới cho cạo. Nếu Tỳ-kheo ni có tâm dục đối với người cạo tóc nam và người nam ấy cũng có tâm dục đối với Tỳ-kheo ni thì không nên cho cạo.

Xe có bốn loại: Một là cưỡi voi, hai là cưỡi ngựa, ba là đi xe, bốn là đi kiệu.

Khi ấy bên ngoài thành Câu-diệm-di có cây lớn tên Ni-câu-đà. Dưới gốc cây này có nhiều loại xe dừng lại nghỉ ngơi. Đó gọi là phương tiện đi lại. Người nào đến vì pháp mà không xuống xe thì không nên nói pháp cho họ nghe, trừ người bệnh.

Phải làm như vua Bình-Sa, cưỡi tám vạn bốn ngàn con voi, ngựa, đến rừng Dạ-Trí để gặp Phật, nghe pháp. Lúc này cũng có anh em Cadiếp và một ngàn đồ chúng đang ở cạnh Phật để nghe pháp.

Khi đó, Thế Tôn từ nước Tỳ-lê-kỳ du hóa đến Tỳ-xá-ly, cô Am-la cùng nhóm Ly-xa-tử đều đi các loại xe quý giá đến chỗ Phật để nghe pháp. Sau khi nghe pháp, họ thỉnh Thế Tôn đến vườn xoài để nghỉ đêm và thọ nhận sự cúng dường của họ vào ngày hôm sau. Những phương tiện mà các người ấy cưỡi đều gọi là xe.

Bấy giờ, nhóm sáu Tỳ-kheo đi các loại xe dành cho vua, mọi người trông thấy cho là vua hoặc đại thần. Khi đến nơi mới biết đó là Sa-môn nên ai nấy đều chê trách. Nghe nói việc ấy, Phật liền chế giới:

– Trừ Tỳ-kheo già, bệnh, số còn lại đều không được đi xe, không được cưỡi ngựa, cưỡi voi. Những người bệnh đều được cưỡi.

Lúc ấy, vua Bình Sa ở nước Ma-kiệt-đề có năm món đồ trang sức: một là đao có dây đai bằng vàng, hai là xe bằng bảy báu, ba là mũ bằng bảy báu, bốn là quạt bằng các loại lưới bảy báu, năm là giày da nạm các loại châu báu. Vị vua ấy cởi bỏ năm món đồ trang sức này, đi chân không, đến trước Phật đảnh lễ sát chân Như Lai rồi ngồi lui qua một phía.

Khi đó, có tám vạn bốn ngàn người dân nước Ma-kiệt-đề cũng theo vua đến đó. Thấy anh em Ca-diếp đều ngồi ở nơi ấy, họ phân vân không biết là Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp đến xuất gia với Đại Sa-môn hay Đại Sa-môn đến xuất gia với Ca-diếp. Biết mọi người đang phân vân, Phật liền nói kệ hỏi Ca-diếp:

Pháp ông đã tu tập
Có những lỗi lầm gì?
Bỏ nó xin xuất gia
Để cầu lợi ích gì?
Vốn tu pháp thờ lửa
Vì sao không thờ tiếp?
Chắc gặp pháp tốt khác
Nên xả bỏ pháp cũ?
Ca-diếp liền nói kệ đáp:
Vị thức ăn càng ngon
Tai họa cũng càng lớn
Nữ sắc còn hơn thế
Tai họa càng lớn hơn
Pháp thờ lửa trước đây
Không vượt được khổ ấy
Nên xuất gia để được
Thoát hẳn các khổ nạn.

Đức Thế Tôn nói kệ hỏi Ca-diếp tiếp:

Người bị vị ràng buộc
Lâu ngày thành thói quen
Ở cõi trời, cõi người
Thấy gì được giải thoát?
Ca-diếp nói kệ đáp lại:
Thấy ba cõi sanh tử
Trống rỗng không có gì
Pháp diệt trong từng niệm
Nên bỏ không vướng mắc.

Bấy giờ, những người đi theo vua Bình-Sa ở nước Ma-kiệt-đề vẫn chưa hết phân vân: “Phật và Ca-diếp mỗi người đều nói hai bài kệ, vậy ai lớn hơn?” Biết được ý nghĩ ấy, Phật liền bảo Ca-diếp:

– Ông hãy cầm quạt, quạt cho ta.

Ca-diếp liền đứng dậy cầm quạt quạt cho Phật. Quạt xong, bèn vọt lên hư không, hiện thần thông rồi trở xuống đảnh lễ sát chân Phật và nói lớn:

– Thế Tôn là thầy, con là đệ tử.

Thấy vậy mọi người mới biết Phật là Đại sư độ Ca-diếp.

Biết đã đến thời, tâm phân vân của họ đã hết, Phật liền giảng pháp, chỉ dạy sự lợi ích an vui, vua cùng tám vạn bốn ngàn người đều đắc quả Tu-đà-hoàn. Mười ức na-do-tha chư thiên cũng xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh.

Khi ấy, trời Đế Thích, Tứ thiên vương,… biến thành Bà-la-môn cầm quạt vàng quạt Phật. Cần phải biết rõ như vậy.

Lúc đó, nhóm sáu Tỳ-kheo cầm phất trần bằng châu báu phất qua phất lại làm tổn hại chúng sanh. Thấy vậy, đàn-việt chê trách:

– Vì sao người xuất gia lại cất chứa loại phất trần này để trang sức, làm tổn hại chúng sanh?

Nhân đấy, Phật chế giới:

– Từ nay trở đi không được cầm roi và phất trần cứng làm thương tổn chúng sanh.

Lại có Tỳ-kheo cầm phất trần định phủi bụi ở tháp Như lai, Phật liền cho phép.

Lúc ấy có tám người ở bên cạnh Phật cầm phất trần phất trên thân Phật. Tám người đó là:

  1. Ca-diếp
  2. Ưu-đà-di
  3. Sa-già-đà
  4. Di-ty-dụ
  5. Na-ca-bà-la
  6. Quân-đà
  7. Tu-na-sát-la
  8. A-nan.

Các Tỳ-kheo ấy cầm phất trần phất thân Phật nên gọi là phất.

Lúc này, các Tỳ-kheo tập hợp lại một chỗ. Thời tiết rất nóng. Phật cho phép các Tỳ-kheo được cất chứa quạt. Nếu quạt bị rách thì cho phép vá lại. Cách làm quạt là: Hoặc vải, hoặc dạ, hoặc tre, hoặc cỏ lau, hoặc giấy đều làm được.

Khi đó, có hai vợ chồng nọ tuổi đã cao mới xuất gia. Về sau, Tỳkheo ấy khất thực xong mang đến chùa ni. Cô ni cao tuổi nọ cầm quạt, quạt bên trên thức ăn. Tỳ-kheo nói không cần quạt. Cô ni nổi giận, cầm quạt đánh Tỳ-kheo ấy rồi bỏ vào phòng.

Nghe nói việc ấy, Phật liền chế giới:

– Từ nay trở đi, ni không được cầm quạt quạt Tỳ-kheo. Nếu trời nóng, chúng Tăng nhóm họp đông thì cho phép người đệ tử cùng đi quạt cho Hòa thượng, người đệ tử ngủ cùng phòng quạt cho A-xà-lê, Tỳkheo hạ tọa quạt cho đại chúng; giống như tám người như Ca-diếp,… cầm quạt quạt Phật. Đó gọi là quạt.

Lúc ấy, nhóm sáu Tỳ-kheo cầm dù lọng, mang giày da đi đường. Các đàn việt hiềm trách: “Vì sao các Tỳ-kheo lại mặc tình cầm dù lọng, mang giày da đi đường?” Vì thế, Phật chế giới:

– Từ nay trở đi không được cầm dù lọng, mang giày da mà đi. Nếu ở trong chùa thì được phép mang giày da. Nếu lọng làm bằng vỏ cây hoặc cỏ thì được phép dùng. Khi vào xóm làng, trừ Tỳ-kheo già, bệnh, số còn lại đều không được phép cầm dù lọng và mang giày da.

Bấy giờ, những người thuộc dòng họ Ly-xa-tử đến chỗ Phật. Ngựa, xe mà họ đi cùng y phục và tất cả các đồ trang sức đều có màu xanh. Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu ai muốn biết tướng mạo của chư thiên trời Đao Lợi khi họ đi dạo chơi thì hãy quan sát những người thuộc dòng họ Ly-xa-tử này, vì họ giống nhau không khác.

Khi ấy, Bạt-nan-đà cầm lọng báu rất xinh đẹp đi trên đường. Mọi người trông thấy đều cho rằng đó là nhà vua. Khi đến nơi, họ mới biết đó là Tỳ-kheo. Mọi người liền trách: “Vì sao người xuất gia lại cầm lọng báu xinh đẹp như vậy đi trên đường?” Nghe vậy, Phật liền chế giới:

– Tỳ-kheo không được cầm lọng đi đường, trừ Tỳ-kheo già, bệnh.

Đó gọi là lọng.

Thế nào gọi là gương?

– Nơi có thể làm ảnh của thân thể hiện ra được, gọi là gương.

Nếu trên mặt Tỳ-kheo bệnh có mụt nhọt cần xức thuốc thì hãy nhờ Tỳ-kheo khác xức. Nếu không có Tỳ-kheo khác thì hãy soi mặt vào những nơi có thể hiện ảnh như: nước, bình bát, hoặc vách tường. Không được soi mặt vào gương bằng sắt.

Có Tỳ-kheo bị đau mắt, đến bạch Thế Tôn, Phật dạy làm ba loại thuốc chữa bệnh mắt: một là mật dê, hai là kỳ-lan-thiền, ba là Tô-tỳlan-thiền. Mài thuốc trên đá cho nhuyễn rồi bôi lên mắt. Nếu có loại thuốc nhỏ mắt quý báu thì Phật cũng cho phép dùng. Cách giữ thuốc là dùng ống trúc để đựng, không được dùng châu báu. Cần phải biết rõ như vậy.

Lại có Tỳ-kheo mắt bị mù, không thấy gì. Phật cho phép dùng máu người thoa lên, cũng cho phép dùng xương người, tóc người đốt thành tro, tán nhỏ ra rồi thoa lên mắt. Cần phải biết như vậy.

Người Thiên Trúc thường dùng thuốc thoa lên mắt để trang sức. Nhóm sáu Tỳ-kheo cũng bắt chước người đời, hàng ngày bôi thuốc lên mắt để trang sức. Nghe vậy, Phật liền chế giới:

– Không được dùng thuốc này thoa lên mắt mỗi ngày. Người nào bệnh thì được phép dùng ba loại thuốc này để chữa bệnh mắt.

Khi ấy, nhóm sáu Tỳ-kheo ni trang sức như người nữ. Nghe vậy, Phật gọi các Tỳ-kheo ni ấy đến quở trách và dạy:

– Từ nay trở đi, ni không được phép trang điểm như người nữ.

– Tỳ-kheo không được tự múa, cũng không được dạy người khác múa.

Lý do Phật không cho phép là vì nhóm sáu Tỳ-kheo như: A-phạmkỳ, Phú-na-bà-tô,… tự ca múa, hát xướng. Nghe vậy, Phật chế giới:

– Tất cả các Tỳ-kheo không được ca múa, xướng hát.

Nhóm sáu Tỳ-kheo chạy lăng xăng như chó đùa giỡn. Nghe vậy, Phật liền ngăn cấm:

– Múa là việc làm của trẻ nhỏ, ca có tiếng giống như khóc. Hai việc này Tỳ-kheo không nên làm. Cười hở răng thì giống người điên nên cũng không được phép.

Nhóm sáu Tỳ-kheo dùng tiếng ca để tụng kinh ca ngợi Phật, Phật không cho phép làm việc ấy. Ai làm vậy sẽ phạm năm lỗi:

– Một là tham đắm đối với âm thanh ấy.

– Hai là làm người khác tham đắm.

– Ba là chư thiên không vui.- Bốn là tiếng nói bị sai lạc.

– Năm là ý nghĩa của lời nói không được rõ.

Đó gọi là âm nhạc.

Không được đeo vòng hoa, chuỗi ngọc; cũng không được làm vòng hoa, chuỗi ngọc cho người thế tục đeo. Nếu Tỳ-kheo làm vòng hoa để cúng dường Phật hoặc cúng dường tháp Phật, tháp Thanh văn thì không phạm.

Những loại hoa được dùng để làm vòng hoa là:

  1. Hoa sen
  2. Hoa bà-sư-ca
  3. Hoa Chiêm-bặc-ca
  4. Hoa A-đề-mục-đa-ca
  5. Hoa làm bằng vàng
  6. Hoa làm bằng bạc
  7. Hoa làm bằng thiếc trắng
  8. Hoa làm bằng chì
  9. Hoa làm bằng gỗ
  10. Hoa làm bằng vải
  11. Hoa kết bằng dây tua.

– Đó gọi là hoa và vòng hoa.

Tôn giả Ca-diếp-duy nói:

– Có việc Phật không làm nhưng các chúng sanh khác có thể làm mà không phạm.

Khi đó, nhóm sáu Tỳ-kheo dùng hương Bạt-na thoa lên thân và bị các bạch y chê trách. Phật liền ngăn cấm việc ấy.

Nhóm sáu Tỳ-kheo lại dùng hương bột thoa lên thân và bị người đời chê cười. Những việc như vậy đều bị Phật ngăn cấm.

Nếu các Tỳ-kheo đem các loại hương thơm thoa lên tháp Phật, tháp Thanh văn để cúng dường tháp hoặc làm các loại hình tượng thì đều được Phật cho phép.

Một lúc nọ, Phật không cho phép các Tỳ-kheo mặc y lượm được từ xác chết đi vào tháp. Các Tỳ-kheo nói:

– Chúng con đều mặc y phấn tảo, vậy làm sao vào tháp để lễ lạy?

Nghe vậy, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Khi lượm được y phấn tảo, các vị phải ngâm nước thật lâu, dùng tro giặc sạch, lấy hương hề-mặc-già thoa lên, sau đó mới được mặc đi vào tháp.

Nếu phòng ở có mùi hôi thì các Tỳ-kheo không được phép ở, được phép đốt các loại hương thơm để khử mùi hôi. Đó gọi là hương thơm.

Những người nam, người nữ giàu sang ở Thiên trúc có thói quen hòa trộn các loại hương thơm để thoa lên thân và trên y phục đẹp. Nhóm sáu Tỳ-kheo cũng bắt chước những người thế tục thoa hương lên thân và bị các đàn-việt chê trách: “Vì sao Tỳ-kheo lại giống như người thế tục”. Nghe vậy, Phật liền chế giới:

– Tất cả các Tỳ-kheo không được dùng hương thoa lên thân. Nếu người nào có bệnh cần dùng hương thoa lên mới khỏi bệnh thì được phép dùng, không phạm.

Thế nào gọi là an tọa?

– Chúng Tăng tập hợp, sửa y phục, ngồi kiết già trông rất nghiêm trang. Đó gọi là an tọa.

Lại nữa, an tọa là: Phật đi đến một gốc cây, ngồi kiết già làm mọi người ngắm nhìn không biết chán, đó gọi là an tọa.

Hoặc như người ngồi thiền, mỗi khi ngồi trải qua một kiếp, thân không lay động, đó đều gọi là an tọa.

Người xuất gia không được ngồi với người nữ ở nơi kín đáo. Người đời sở dĩ cùng nhau ngồi ở nơi kín đáo là vì người nam lấy người nữ làm thức ăn, người nữ lấy người nam làm thức ăn. Tỳ-kheo đã xả bỏ việc ấy, không nên cùng người nữ ngồi ở nơi kín đáo.

Vua Ba-tư-nặc cho binh mã đi ra đường. Có một chùa nhỏ, khách Tăng đến rất đông. Để tránh quân đội, họ vào hết trong phòng. Phòng nhỏ, người đông nên họ ngồi khép đầu gối, đó cũng gọi là ngồi.

Tôn giả Ly-bà-đa đến cạnh tôn giả Tát-bà-kiềm. Thấy Ly-bà-đa đến với thân thể mệt nhọc, Tát-bà-kiềm ngồi thu gọn lại để nhường chỗ cho Ly-bà-đa ngồi được thoải mái. Ly-bà-đa suy nghĩ: “ Tôn giả Tát-bà-kiềm là vị Thượng tọa đứng đầu Diêm-phù-đề, làm sao ở trước vị ấy mà ta lại ngồi một cách buông lung?”. Suy nghĩ xong, vị ấy liền chỉnh đốn thân thể, ngồi ngay ngắn, chuyên chú tư duy. Ngồi như hai vị ấy cũng gọi là ngồi.

Thế nào gọi là không nên nằm? – Không được nằm cùng phòng với người nữ; cũng không được nằm cùng phòng với Sa-di đã bị đuổi.

Phu cụ là: giường dây, giường cỏ, giường gỗ, giường lá và những vật mà người tu đạo dùng để nằm, ngồi, đều gọi là phu cụ.

Có Tỳ-kheo ni đi vào trong xóm làng để khất thực. Chủ nhà đi vắng, ni cô ấy liền vào ngồi trong nhà. Khi trở về, chủ nhà thấy cô ni đang ngồi, liền hỏi người nhà:

– Ai trong số các ngươi bảo cô ni ngồi ở đây?

Người nhà đáp:

– Cô ấy tự đến, không ai chỉ bảo.

Chủ nhà chê trách, nói:

– Vì sao Tỳ-kheo ni không hỏi mà tự động ngồi?

Nghe vậy, Phật liền chế giới:

– Khi đến nhà đàn-việt, Tỳ-kheo ni không hỏi thì không được ngồi.

Lúc ấy Tỳ-kheo ni hỏi Phật:

– Người xuất gia vào xóm làng, nếu chúng Tăng đông, phòng ốc chật hẹp thì phải phân chia làm sao?

Phật bảo các Tỳ-kheo ni:

– Tùy theo phòng rộng hẹp, hãy tính toán mà phân chia.

Nếu người không bệnh mà tự đại nằm dưới đất thì không nên nói pháp cho người ấy. Nếu người bệnh đang nằm muốn nghe pháp thì nên nói cho họ nghe.

Lúc ấy, Tỳ-kheo Ức-Nhĩ xuất gia với Ca-chiên-diên-tử ở nước A-bàn-đề. Vị ấy giữ giới, chuyên cần tu tập, không hề biếng trễ và đắc quả A-la-hán. Sau khi đắc quả, vị ấy đi từ nước A-bàn-đề đến nước Thiệm-bà để gặp Như Lai. Thấy vị ấy từ xa đến, lại vừa chứng đắc quả A-la-hán, Phật liền bảo Tôn giả A-Nan:

– Ông hãy trải phu cụ cho Ta, đồng thời trải phu cụ cho Tỳ-kheo này ở trong phòng của Ta.

Cách nằm trong phòng của Phật của Tỳ-kheo này là mặt phải hướng về Phật, không được xoay lưng về phía Phật.

Khi đó, lại có các Tỳ-kheo ham ngủ nghỉ nên phế bỏ ba nghiệp. Lực sĩ Kim-cang suy nghĩ: “Suốt ba A-tăng-kỳ kiếp, Như Lai đã chịu đủ các khổ nhọc mới được thành Phật, nay các Tỳ-kheo này vì ham thích ngủ nghỉ mà không chịu hành đạo thì làm sao được!” Suy nghĩ xong, vị ấy liền nói ra lời. Nghe vậy, các Tỳ-kheo liền đem việc ấy bạch đầy đủ với Phật, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Ăn của tín thí thì không nên biếng nhác. Trong ba thời ban đêm, phải dành hai thời để tọa thiền, tụng kinh, kinh hành; còn lại một thời để ngủ nghỉ. Đó gọi là ngọa cụ.

Có các Tỳ-kheo ngồi ở nơi đất trống. Các vị Thượng tọa cao tuổi đều bị bệnh đau lưng. Việc ấy dần dần đến tai Thế Tôn. Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Người nào ngồi nơi đất trống bị đau lưng thì trừ gấm và da có màu sắc đẹp, có thể dùng các thứ khác để buộc khi ngồi thiền. Cần phải buộc dây ấy khi ngồi thiền.

Cách làm dây đai là rộng một gang tay, dài ngắn tùy theo độ lớn của thân. Đó gọi là dây đai dùng khi tọa thiền.

Bấy giờ, Phật chưa cho phép các Tỳ-kheo mới xuất gia dùng dây thắt lưng buộc hạ y mà chỉ cột hai đầu y vào eo. Về sau, khi đến nhà đàn-việt có Tỳ-kheo bất ngờ làm rơi hạ y xuống đất ở giữa đám đông làm mọi người đều cười chê. Tỳ-kheo ấy xấu hổ đem việc ấy bạch Thế Tôn. Phật bảo:

– Từ nay trở đi cho phép độ dài của lai phải đủ để quấn hai vòng quanh hông. Ngoài ra còn phải dư hai thước tàu, dây đai phải quấn đủ ba vòng và dư ra một thước tàu để buộc bên hông.

Đó là nhơn duyên của dây đai.

Khi Hòa thượng, A-xà-lê định đi ra ngoài, đệ tử cùng đi và đệ tử cùng ngủ phải xem dây này có chỗ nào bị trùng, chuột gặm nhấm không. Sau khi đã xem xét kỹ mới trao cho thầy. Nếu Tỳ-kheo ở A-lannhã, không có đệ tử thì Tỳ-kheo Hạ tọa phải xem xét kỹ dây ấy rồi mới trao cho Tỳ-kheo Thượng tọa.

Nếu đầu của Tỳ-kheo bị đau thì nên dùng dây thắt lưng buộc gấp. Nếu đầu dây thắt lưng có tua thì không nên cất chứa. Do nhóm sáu Tỳkheo cất giữ loại dây như vậy, Phật liền chế giới này.

Có Tỳ-kheo giấu dây thắt lưng của người khác để đùa giỡn, đến quá giờ vẫn không trả lại, làm Tỳ-kheo kia buồn rầu, Phật liền cấm việc ấy.

Lúc nọ, Tôn giả Xá-lợi-phất vào nhà bạch y, bỗng gặp cơn gió thổi mạnh làm ca-sa trên thân bị rơi xuống đất và vị ấy đứng lộ hình. Nhân đó, Phật liền dạy:

– Từ đây trở đi, trên áo ca-sa đều phải có dây buộc, có nút ở một bên để buộc dây, đừng để y bị rớt.

Đó là cách làm dây và móc buộc y.

Lúc này, nhóm sáu Tỳ-kheo vắt hạ y trên lưng, gánh vật nặng, ở trần cúi đầu mà đi, làm các bạch y đều chê cười. Nghe vậy, Phật liền dạy:

– Từ nay trở đi, các Tỳ-kheo không được vén y lên khi mang nặng. Nếu làmviệc Tam bảo phải vén y lên thì cần phải làm sao đừng để lộ thân hình.

Đó là cách vén y.

Tỳ-kheo cần phải cất giữ cung nỏ để khi gặp kẻ cướp thì bắn tên lên không, làm kẻ cướp sợ hãi bỏ đi.

Có pháp tên giống mà công dụng khác nhau, như cung nỏ và mía đều được gọi là ức-sơ. Khi có kẻ cướp mà xin ức-sơ thì biết đó là xin cung nỏ. Vào giờ ăn mà xin ức-sơ thì biết đó là xin mía.

Đó là tên giống mà công dụng khác.

Nơi kinh hành của Tỳ-kheo mà cần trải dạ, lụa thì không cần trải da, ở nơi lạnh thì được phép.

Nơi kinh hành của Hòa thượng, A-xà-lê thì đệ tử không được kinh hành ở chính giữa nơi ấy, mà có thể kinh hành ở một bên. Nơi kinh hành của Tỳ-kheo có tuổi hạ cao bằng tuổi hạ Hòa thượng, A-xà-lê thì Tỳ552 kheo nhỏ tuổi không được kinh hành ở đó.

Khi Hòa thượng, A-xà-lê đang kinh hành, nếu đệ tử có cần thưa hỏi điều gì thì phải chấp tay, khom mình, cúi đầu mà hỏi.

Có căn phòng trên gác sắp đổ về phía vùng đất bất tịnh. Các Tỳkheo phân vân, đến bạch Thế Tôn. Đức Phật nói:

– Chỉ cần đừng để hư đổ. Nếu chưa rơi xuống vùng bất tịnh thì gọi là phòng thanh tịnh.

Nơi chúng Tăng ở chưa có tịnh trù. Nếu chúng Tăng tập hợp lại, yết-ma chọn phòng tốt nhất làm tịnh trù thì Phật không cho phép. Phải dùng phòng thứ hai làm tịnh trù. Nếu đã làm yết-ma thì phải giải bỏ yết-ma ấy và yết-ma lại, chọn phòng thứ hai làm tịnh trù.

Lý do không được trải gấm ở nơi kinh hành là vì có đàn-việt đem loại gấm quý giá ở trong nước đến cúng cho chúng Tăng. Chúng Tăng nhận xong, liền đem trải trên đất kinh hành. Sau đó, đàn-việt đến tinh xá thấy vậy liền chê trách:

– Vì sao Tỳ-kheo không có tâm thương tiếc. Vật quý giá thế này mà lại đem trải ở nơi kinh hành và giẫm đạp lên trên!

Việc này dần dần đến tai Thế Tôn, Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:

– Từ nay trở đi không được trải các vật quý giá mà đàn-việt cúng ở nơi kinh hành.

Có hai hạng Tỳ-kheo không được ngủ chung với Tăng: Một là Tỳkheo đang hành biệt trụ, hai là Tỳ-kheo không như pháp, được người trí can gián vẫn không nghe theo và tự bỏ ra khỏi chùa. Hai hạng người này không được ngủ chung với Tăng.

Có đàn-việt cúng dường đất cho Tăng, Phật cho phép nhận dùng.

Đó gọi là đất.

Có năm loại cây Tỳ-kheo không được chặt:

  1. Cây Bồ-đề.
  2. Cây có quỷ thần.
  3. Cây Diêm-phù.
  4. Cây A-tư-đà.
  5. Cây Ni-quật-đà.

Có những người dòng họ Thích xuất gia, Ưu-ba-ly là thợ hớt tóc của họ, họ gọi anh ấy tới và nói:

– Anh phục vụ chúng tôi đã lâu. Nay chúng tôi ra đi không có vật gì đáng giá để tặng anh, chỉ có những vật báu đang mang trên mình như: y, chuỗi ngọc, vòng xuyến và dao bằng bảy báu,… chúng tôi cho anh hết.

Sau khi nhận xong, Ưu-ba-ly nghĩ: “Những người này có dòng họ cao quý, còn có thể từ bỏ tất cả để cầu đạo, huống chi ta là thấp kém mà giữ của báu thì chỉ thêm khổ”.

Suy nghĩ xong, cậu ấy lấy ba tấm vải gói chúng lại và treo lên cây với ý nghĩ: “Ai cần thì cứ tùy ý đem đi”. Kế đó, cậu ấy liền theo các Thích tử đến chỗ Phật để xin xuất gia.

Tỳ-kheo nào vì Tam bảo trồng ba loại cây như: cây ăn trái, cây hoa, cây lá thì chỉ có phước, không có lỗi.

Có Tỳ-kheo thích an cư ở bên gốc cây ở nơi yên tĩnh, vắng vẻ nên đến bạch Thế Tôn:

– Có được an cư dưới gốc cây không?

Đức Phật nói:

– Được phép an cư.

Vị ấy lại phân vân nên hỏi Phật:

– Được an cư ở dưới cây bao lớn?

Đức Phật nói:

– Cây càng lớn càng tốt. Nếu không có cây lớn thì cây nhỏ nhất cũng phải cao hơn đầu người, cành lá rậm rạp che khắp bốn phía, mưa tuyết không dột, ánh nắng không xuyên qua, được phép an cư ở dưới cây như vậy.

Có Tỳ-kheo an cư ở trên cây, kết gỗ làm giường, không chịu trèo xuống mà phóng uế từ trên xuống nên bị con quỷ dữ ở trên cây ấy nổi giận đánh chết. Phật dạy:

– Từ nay về sau, Tỳ-kheo an cư trên cây không được đại tiểu tiện từ trên xuống gốc cây.

Khi Phật chưa chế giới, Tỳ-kheo ni đều ngồi thiền, kinh hành ở nghĩa địa, dưới tàng cây, nơi vắng vẻ. Tỳ-kheo Hoa Sắc đắc quả A-lahán nên oai nghi đi ngồi rất thanh thoát. Có tên tướng cướp đến đó, thấy vậy liền phát khởi lòng tin. Khi tới chỗ khác, ăn xong còn dư nhiều thịt ông ta dùng vải gói lại, treo trên cây và nguyện:

– Nếu có A-la-hán đắc đạo nào đến đây trước giờ ngọ thì được phép ăn thức ăn này.

Tỳ-kheo ni Hoa Sắc có đầy đủ sáu thông, nghe được lời này nên sai Sa-di ni đến lấy vào sáng sớm.

Lúc ấy, Thế Tôn đi đến cạnh một gốc cây, trải tòa ngồi, chợt gặp Tỳ-lại-tra-tử-tán-kỳ-da chở sáu mươi xe đường tán đến cúng Phật và Tăng.

Nhơn duyên liên quan đến cây cần biết rõ như vậy.

Có Tỳ-kheo cùng người nữ ngồi một mình nơi gốc cây, người đời trông thấy liền trách: “Vì sao Sa-môn lại cùng người nữ ngồi một mình nơi gốc cây?” Nghe vậy, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn, Đức Phật nói:

– Từ nay trở đi, Tỳ-kheo không được cùng người nữ ngồi một mình cạnh gốc cây.

Nếu trong đất của chúng Tăng có cây khô thì không được lấy nhúm lửa riêng. Vì sao? – Vì vật ấy thuộc về chúng Tăng bốn phương.

Nếu trong đất của chúng tăng có loại cây gỗ tốt thì chúng hòa hợp được dùng làm tháp Phật, phòng Tăng. Nếu không hòa hợp thì không được dùng.

Trong đại chúng có ba, bốn người cất phòng lớn để cùng ở, nơi đất cất phòng có sẵn cây, nếu chúng Tăng phân cho thì được dùng, nếu Tăng không cho thì không được dùng.

Nếu làm phòng ở thì được dùng loại cây tự mình trồng ở trong đất ấy.

Nếu người cất phòng trước đây đã không còn, hiện tại các vị Tăng đến sau đang ở thì cây đó không cần bạch Tăng, cũng được dùng.

Nếu nơi cất phòng ấy có khoảng đất trống được chủ phòng trồng cây cho phòng ấy thì có thể dùng cây ấy để sửa phòng.

Nếu người trồng cây không còn và có vị Tăng khác đến ở nơi đó thì không cần bạch Tăng cũng có thể sử dụng cây ấy.

Đối với cây hoa, cây quả, chỉ có chúng Tăng hòa hợp thì mới được dùng để sửa tháp, làm phòng, còn cá nhân thì không được chặt.

Có năm loại cây không được chặt là:

  1. Cây Bồ-đề.
  2. Cây có thần ở.
  3. Cây lớn ở trên đường.
  4. Cây ở rừng bỏ tử thi.
  5. Cây Ni-câu-đà.

Khi có nhân duyên như: Tháp Phật bị hư hoại, tịnh xá bị hư hoại, bị nước cuốn, lửa thiêu thì được chặt bốn loại kia, trừ cây Bồ-đề.

Có năm loại cây được phép dùng:

  1. Cây bị lửa đốt.
  2. Cây bị rồng phun lửa thiêu.
  3. Cây tự khô.
  4. Cây do gió thổi đến.
  5. Cây bị nước cuốn.

Những cây như vậy thì được dùng.

Thế nào gọi là tranh cãi?

– Tranh cãi là: Hai người tranh nhau gọi là đấu, đồng nhóm giúp đỡ nhau gọi là tranh, việc ấy đến tai chúng Tăng gọi là nói, mỗi người nói lên lý lẽ của mình gọi là cãi. Lại có bốn loại tranh cải:

  1. Tranh cãi bằng lời nói
  2. Tranh cãi bằng cách không nhận lời can gián
  3. Tranh cãi về lỗi đã vi phạm
  4. Tranh cãi về việc làm.

Đó gọi là Tranh cãi.

Thế nào gọi là phá? – Phá có hai loại: 1- Phá pháp luân 2- Phá Tăng.

Phá pháp luân là: Không thực hành theo tám chánh đạo, truyền bá pháp tà, cho trí là tà, lấy ngu làm chánh, ngăn trí, hiển tà. Đó là phá hoại pháp luân.

Phá Tăng là: Ở trong cùng một chùa, một người cho đến năm người Bố-tát riêng, hoặc một người yết-ma cho hai người, cho đến yếtma cho đại chúng, hoặc đại chúng yết-ma cho đại chúng. Đó gọi là phá Tăng.

Người đi theo Đề-Bà-Đạt-Đa đều phạm Thâu-lan-giá. Nếu trở lại giữa Tăng để sám hối thì được khỏi tội. Người không trở về sám hối mà ở lại trợ giúp thì thành người trợ giúp phá Tăng, nhưng không phạm tội phá Tăng, chỉ có một mình Đề Bà Đạt Đa phạm tội phá Tăng.

Lại có thuyết cho: Không có việc phá pháp luân Tăng, không làm theo tức là phá Tăng.

Lại có hai loại phá: Một là phá theo bè nhóm, hai là phá kiến.

Như Tỳ-kheo ở Câu-diệm-di kết bè đảng cùng nhau Tranh cãi, không dựa theo Kinh, Luật, Luận, lấy trái làm phải, đó là do ngu si mà ra. Việc này trong kiền-độ Câu-diệm-di có nói rõ.

Phá kiến là như Đề-bà-đạt-đa phá Tăng, đó gọi là phá kiến. Trong kiền-độ phá Tăng có nói rõ việc này.

Như trên đã nói thì có mười tám loại phá.

Khi ấy, có Tỳ-kheo an cư một mình, chợt nghe có một Tỳ-kheo sắp làm việc phá Tăng liền phân vân: “Nếu đến can ngăn thì sợ phá an cư, nếu không đến thì sợ pháp ác được lưu hành”. Nghe vậy, Phật liền bảo Tỳ-kheo ấy:

– Nếu vì pháp sự thì việc an cư không bị phá. Tỳ-kheo ni cũng như vậy, nếu vì pháp thì việc an cư không bị phá.

Lý do can gián là vì sợ người kia bị đọa địa ngục chịu quả báo nên can gián với lòng từ.

Lại có Tỳ-kheo nghe ở nơi ấy đã phá Tăng, định đến làm hòa hợp trở lại nhưng sợ mất an cư nên trong lòng phân vân. Phật biết việc ấy liền bảo:

– Nếu vì làm hòa hợp việc phá Tăng thì không mất an cư. Tỳ-kheo ni cũng như vậy.

Kẻ phá Tăng dùng bốn lời sau đây để phá Tăng:

  1. Pháp nói là chẳng phải pháp, chẳng phải pháp nói là pháp.
  2. Chẳng phải Tỳ ni, nói Tỳ là ni;Tỳ ni, nói là chẳng phải Tỳ ni.
  3. Chẳng phạm, nói là phạm; phạm, nói là chẳng phạm.
  4. Nhe, nói là nặng; nặng, nói là nhẹ.

Dùng bốn lời này để mê hoặc các Tỳ-kheo.

Người ấy có đồ chúng riêng ở trong tịnh xá, cho đến mười tám loại pháp như bố-tát, yết-ma… đều làm riêng, không cùng làm với Tăng.

Trong kinh Tỳ-kheo và kinh Tỳ-kheo ni đã nói rõ. Đó gọi là phá.

Thế nào gọi là hòa hợp?

– Hòa hợp là giảng nói cho kẻ phá Tăng nghe: Pháp, nói là pháp; chẳng phải pháp, nói là chẳng phải pháp; phạm, nói là phạm; không phạm, nói là không phạm;Tỳ ni, nói là Tỳ ni; chẳng phải Tỳ-ni,nói là chẳng phải Tỳ ni; nặng, nói là nặng; nhe, nói là nhẹ; cho đến bố-tát, yết-ma đều cùng làm với Tăng, không được làm riêng. Đó gọi là hòa hợp.

Lại có năm loại hòa hợp:

  1. Thấy pháp nên hòa hợp.
  2. Chứng quả thứ nhất nên hòa hợp.
  3. Hòa hợp bằng cách gởi dục.
  4. Hòa hợp do lòng tin.
  5. Hòa hợp bằng cách im lặng.

Năm pháp này có thể làm cho Tăng hòa hợp, cần phải biết rõ như vậy.

Tôn giả Ưu-ba-ly hỏi Phật:

– Làm cho sự phá Tăng được hòa hợp có những lợi ích gì?

Đức Phật nói:

– Người làm cho sự phá Tăng được hòa hợp sẽ được sanh thiên, hưởng quả báo trong một kiếp.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Chúng Tăng tranh cãi nhau, chưa sám hối có phải là hòa hợp không?

Đức Phật dạy:

– Không sám hối thì không gọi là hòa hợp. Sau khi đã sám hối như pháp mới gọi là hòa hợp.

 

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8