KINH TỲ NI MẪU
Hán dịch: Mất tên người dịch, nay xếp vào dịch phẩm đời Tần
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 3
Thế nào gọi là tàn? – Tội có thể trừ, vì vậy gọi là tàn (còn dư).
Thế nào là không tàn? – Bốn Ba-la-di là tội không thể trừ, vì vậy gọi là không tàn (không còn dư).
Thế nào gọi là phạm thô ác? – Như người định tạo bốn Ba-la-di, thân làm và miệng nói không hổ thẹn, do hai điều này ắt thành tội Bala-di. Đó gọi là tội thô ác.
Lại có một trường hợp ô trược, nặng nề, đó là gần phạm Tăng-giàbà-thi-sa và tạo điều kiện để phạm Tăng-già-bà-thi-sa. Hai tội Thâulan-giá này được gọi là tội ô trược, nặng nề.
Thế nào chẳng phải là tội thô trược nặng nề? – Tội Thâu-lan-giá và Đột-kiết-la có tự tánh là Ba-dật-đề, Ba-la-đề-đề-xá-ni, những tội này cũng là hành động bất thiện của thân và miệng nhưng chẳng phải là phương tiện gây ra tội lớn, vì vậy chẳng phải là tội thô ác vẩn đục nặng nề.
Sa-di, Sa-di ni phạm Ba-la-di thì mắc tội Đột-kiết-la, không thể sám hối.
Có tội phạm cần phải yết-ma, có tội không cần yết-ma.
Tội cần phải yết-ma là: Mười ba Tăng tàn cho đến ác khẩu, tội này cần phải yết-ma mới trừ được.
Tội không cần yết-ma là ba tội Ba-la-di. Có một tội Ba-la-di cần phải yết-ma mới trừ được. Đó là trường hợp Tỳ-kheo Nan-đề-già, vị này thường ngồi thiền nơi yên tĩnh, vắng vẻ; có thiên ma biến ra hình người nữ ở trước Nan-đề, làm lòng dục của Nan-đề trở nên mạnh mẽ và vị ấy đuổi theo người nữ đó, ma liền ẩn mất. Thấy con ngựa chết, Nan-đề liền cùng nó làm việc bất tịnh. Sau khi làm xong, vị ấy hối hận, cởi áo cà-sa ôm trong lòng khóc như mưa, đưa tay, kêu trời, gào to: “Tôi chẳng phải Sa-môn, chẳng phải con dòng họ Thích!”. Đến chỗ Thế Tôn, vị ấy nói với Thế Tôn về việc phạm giới của mình. Biết Tỳ-kheo này có tâm phát lồ rất mạnh mẽ, về sau sẽ không tái phạm, Phật liền tập hợp các Tỳ-kheo bạch tứ yết-ma cho đắc giới trở lại.
Lý do đắc giới là: Một là người này thấy Phật, hai là tâm phát lồ rất mạnh mẽ. Vì vậy đắc giới. Tuy đắc giới trở lại nhưng phải ngồi dưới tất cả chúng Tăng và không đồng với tất cả các Tỳ-kheo khác khi Tăng làm pháp sự.
Đó gọi là cần và không cần yết-ma.
Tôn giả Tát-bà-đa nói: “Tỳ-kheo nào đắc định của thế tục, từ định Tứ thiền xuất, thiên ma giả làm người nữ làm mê hoặc vị ấy, Tỳkheo ấy liền cùng người nữ ấy làm việc bất tịnh, làm xong vị ấy liền hối hận, không hề có tâm che giấu, vị ấy luôn luôn nhớ đến việc đó, không có ý che giấu và không muốn xả bỏ pháp phục. Người như vậy phải theo Tăng xin yết-ma diệt trừ tội Ba-la-di, Tăng phải bạch tứ yếtma trừ tội Ba-la-di cho vị ấy. Khi đã đắc giới trở lại, người ấy phải suốt đời làm theo lời chúng Tăng chỉ dạy, không được làm Hòa thượng, Axà-lê, không được làm thầy giáo thọ cho Ni. Khi Tăng tập hợp không được thuyết giới, được dự tất cả pháp sự nhưng phải ngồi ở vị trí thấp nhất trong chúng, không được để cho Tăng trải tòa và dâng thức ăn cho mình, dù chỉ bằng cọng cỏ”.
Như tôn giả Bà-xa nói: “Tỳ-kheo nào đắc định thế tục, sau khi xuất định hoặc điên cuồng tâm loạn, hoặc là trái đạo, cho đến bị quỷ làm mê hoặc, do đó làm việc bất tịnh; làm xong liền hối hận, phát lồ, không có tâm che giấu, lại không muốn xả bỏ pháp phục thì phải xin Tăng làm yết-ma trừ tội Ba-la-di, trọn đời phải vâng theo lời chúng Tăng dạy, không được làm Hòa thượng, A-xà-lê, không được làm thầy giáo thọ cho Ni, không được thuyết giới khi đại chúng tập hợp, cũng không được làm yết-ma cho người, ngồi ở vị trí thấp nhất trong đại Tăng và ở trên Sa-di, không được để cho Tăng trải tòa và dâng thức ăn cho mình, dù chỉ bằng cọng cỏ”.
Có một Tỳ-kheo tên Thiền-na-đà, ngồi thiền ở nơi vắng vẻ. Hàng ngày các đàn-việt đem thức ăn đến dâng. Trong số các đàn-việt ấy không có người nam, có một người nữ thường đem cơm đến dâng. Sau một thời gian thường lui tới, họ liền sanh tâm đắm nhiễm và cùng làm việc bất tịnh. Làm xong vị ấy hối hận, cởi ba y vắt trên vai, để lộ thân hình, vừa chạy vừa la:
– Ăn cướp! Ăn cướp!.
Người bên cạnh hỏi:
– Có bọn cướp nào vậy?.
Đáp: – Tôi bị giặc phiền não cướp hết sạch.
Vị ấy phát lồ với các đàn việt và chúng Tăng, không có tâm che giấu. Người có hiểu biết trong Tăng bảo:
– Có tôn giả Bà-xa nắm vững giới luật, có thể trừ tội của ông. Tỳkheo ấy liền đến chỗ Bà-xa nói với Bà-xa về tội của mình đã phạm, Tôn giả ấy nói:
– Để trừ tội, ông có thể nghe theo lời ta không?.
Đáp: – Không dám trái lời.
Tôn giả Ba-xa sai người làm một hố lửa lớn, lửa bốc cháy hừng hực và bảo:
– Nếu ông muốn hết tội thì hãy nhảy vào hố này.
Trước đó, Ba-xa đã bàn với các Tỳ-kheo: “Nếu Tỳ-kheo ấy nhảy vào hố lửa thật, thì các vị hãy níu thầy ấy lại”.
Tỳ-kheo ấy làm theo lời Ba-xa, nhảy thẳng vào hố lửa. Người bên cạnh liền níu vị ấy lại. Biết Tỳ-kheo này thật tâm, Ba-xa liền bạch tứ yết-ma trừ tội Ba-la-di. Sau khi đã được yết-ma, Tỳ-kheo ấy được gọi là người trì giới thanh tịnh, nhưng thân này không được giải thoát sanh tử và chứng bốn quả, không được công đức vô lậu, nhưng không bị đọa vào địa ngục.
Giống như lá cây sau khi đã rụng mà còn mọc lại trên cây thì không có chuyện đó. Nếu Phạm thiên đầu tiên mà được chứng bốn quả, đạt được công đức vô lậu thì cũng không có việc ấy. Người này tuy cùng ở một chỗ với Tăng nhưng Tăng ở cách người ấy rất xa.
Như trên đã nói, phạm giới có bảy loại: Một là Ba-la-di, hai là Tăng-già-bà-thi-sa, ba là Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, bốn là Ba-dật-đề, năm là Thâu-lan-giá, sáu là Ba-la-đề-đề-xá-ni, bảy là Đột-kiết-la.
Ba-la-di là không sanh căn lành, vĩnh viễn không thể sám hối, cũng không thể làm yết-ma để trừ tội được. Có tội Thâu-lan-giá cũng không thể làm yết-ma trừ tội được, đó là trường hợp nào? – Như Đề-bàđạt-đa làm thân Phật chảy máu, tội Thâu-lan-giá này vĩnh viễn không thể sanh căn lành vô lậu, cũng không có thể làm yết-ma trừ tội.
Có tội Ba-dật-đề không sanh căn lành, cũng không thể làm yếtma trừ tội được, đó là trường hợp nào? – Như có Tỳ-kheo tức giận, muốn giết Phật nên đánh Phật, mắc tội Ba-dật-đề, không thể sám hối.
Có tội Đột-kiết-la không phát sanh căn lành, cũng không thể làm yết-ma trừ tội, đó là trường hợp nào? – Như Sa-di, Sa-di ni, Thức-xoama-ni nếu phạm một trong bốn Ba-la-di thì tội này không thể sám hối.
Vì thế có tội cần yết-ma, có tội không cần, như trên đã nói.
Yết-ma xong lại yết-ma nữa là trường hợp phạm Tăng-tàn. Yết-ma xong, không yết-ma nữa là trường hợp phạm Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề và chín mươi pháp Ba-dật-đề.
Người muốn phát lồ phải có đủ năm pháp: Một là chỉnh đốn y phục, hai là cởi giày da, ba là quỳ, bốn là chấp tay, năm là nói rõ tội đã vi phạm. Phải như vậy mới được sám hối. Nếu không như vậy, không gọi là sám hối.
Có năm tội dễ trừ:
1. Một là có tội cần phải đến trước một Tỳ-kheo để sám hối trừ tội, nếu không có Tỳ-kheo thì trong tâm lập lời thề cũng có thể trừ được.
2. Hai là phạm Đột-kiết-la. Nếu là lời nói ác thì nói với một người sẽ hết tội.
3. Ba là tội Thâu-lan-giá thuộc về Ba-dật-đề, sám hối trước một người cũng hết tội.
4. Bốn là Thâu-lan-giá gần Tăng-tàn và Thâu-lan-giá gần Ba-ladi, cần phải có chúng Tăng gồm bốn vị trở lên để yết-ma trừ tội này.
Tội Tăng-tàn như trên đã nói.
5. Năm là từ địa đến địa trong kiền độ yết-ma thọ giới đã nói rõ.
Tội có tên gọi chung: đó là từ Ba-la-di cho đến bảy pháp diệt tránh, nếu vi phạm bất cứ pháp nào thì đều gọi là phạm. Vì thế gọi là tội chung.
Pháp can gián là: Nếu có Tỳ-kheo phạm tội, các Tỳ-kheo khác hoặc thấy, nghe, nghi cần phải bạch Thượng tọa và Tăng trước. Thượng tọa và Tăng nghe xong, cần phải hỏi lại người phạm tội: “Chúng tôi định can gián, thầy có chấp nhận không?”. Nếu người phạm tội chấp nhận thì Thượng tọa và Tăng được can gián. Nếu cả hai đều không chấp nhận, hoặc một bên chấp nhận, một bên không thì hoàn toàn không được can gián.
Người can gián phải đầy đủ năm đức mới được can gián:
– Một là biết can gián đúng lúc.
– Hai là thật tâm, chẳng phải giả dối.
– Ba là vì lợi ích nên can gián, chẳng phải không vì lợi ích nên can gián.
– Bốn là can gián bằng lời êm dịu, chẳng phải lời thô ác.
– Năm là can gián bằng tâm từ, chẳng phải không thấy lỗi mà can gián.
Khi can gián, chúng Tăng tập hợp lại, ngồi theo thứ lớp. Người phạm tội ngồi riêng một chỗ. Người can gián rời khỏi chỗ ngồi, đến chỗ người phạm tội để can gián theo việc ông ấy đã thấy, nghe, nghi. Việc ấy gồm có ba loại:
– Một là Ba-la-di, Tăng-tàn, Thâu-lan-giá. Đó gọi là giới.
– Hai là phá chánh kiến, chấp chặt tà kiến.
– Ba là từ Ba-dật-đề cho đến ác khẩu. Đó gọi là hạnh.
Thấy, nghe, nghi phát sanh từ ba việc ấy. Người can gián ở nơi kín hoặc giữa chúng, nói: “Ông hãy nhớ lại việc đã phạm, không được cùng Tăng làm pháp sự, hãy đi ra ngoài, đợi sau khi trừ tội như pháp xong sẽ nhập chúng trở lại. Đó gọi là can gián bằng cách nhớ lại.
Có pháp can gián không thành tựu. Đó là:
– Sau khi chúng Tăng tập hợp, người phạm tội ngồi riêng một chỗ. Người can gián hỏi người phạm tội có nghe can gián không, người kia đáp “nghe”, nghe xong, đương sự liền đứng dậy bỏ đi, như vậy không thành can gián.
– Người can gián người khác, hỏi xong liền bỏ đi, chính là nhóm sáu Tỳ-kheo. Nếu người hỏi người phạm tội, hỏi xong liền bỏ đi thì không thành can gián.
Lúc nào là lúc can gián? – Chúng Tăng tập hợp, gởi dục. Người phạm tội có mặt hay gởi dục. Người can gián có mặt… Những việc như vậy đều gọi là can gián.
Khi ấy, tôn giả Tát-bà-đa nói:
– Người can gián bảo người phạm tội: “Tôi nghĩ đến thầy, nói với thầy, can gián thầy”. Người phạm tội đáp: “Thầy nghĩ về tôi, nói với tôi, can gián tôi, như vậy thật tốt”. Người nhận can gián không nên nhận sự can gián của năm hạng người: một là người không biết hổ thẹn; hai là người không học rộng; ba là người thường tìm kiếm lỗi người; bốn là người thích tranh cãi; năm là người muốn xả pháp phục để hoàn tục. Không nên nhận lời can gián của năm hạng người này. Đó gọi là không nhận can gián.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Người can gián sau khi nhận dục của người phạm tội xong, không được bỏ đi. Nếu bỏ đi thì mắc tội Đột-kiết-la. Từ nay trở đi, người can gián cùng người phạm tội phải hẹn nhau đến một nơi trong khu vực của chúng Tăng hoặc nơi chúng Tăng tập hợp để uống nước trái cây, ăn cháo, bố-tát, tự tứ và làm tất cả các pháp sự. Cần phải ở trước Tăng can gián đương sự xả bỏ việc ấy. Nếu không có đại chúng thì ở trước một, hai Tỳ-kheo thông hiểu tam tạng can gián đương sự xả bỏ việc ấy.
Tôn giả Di-sa-tắc nói:
– Yết-ma đình chỉ việc can gián là: Nếu có Tỳ-kheo phá giới, phá kiến hoặc phá hạnh thì chúng Tăng phải chọn người có năm đức để can gián người này. Nếu người ấy có tánh ngang ngạnh không nghe lời can gián, cậy mình thông minh tài giỏi, nhiều đồ chúng; lại cậy thế lực của quốc vương, đại thần nên không nghe lời can gián thì chúng Tăng phải làm yết-ma không nói chuyện với họ. Đó gọi là đình chỉ sự nói chuyện.
Ngưng, không thuyết giới là: Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Trong chúng nếu có người không thanh tịnh thì phải ngưng, không nên thuyết giới.
Nghe Phật nói xong, nhóm sáu Tỳ-kheo liền thông báo với tất cả các chùa: “Phật cấm không cho thuyết giới”. Thế Tôn bảo: “Ta không cấm Tỳ-kheo thanh tịnh thuyết giới. Khi Tăng tập hợp, nếu trong chúng có người vi phạm bảy tụ cho đến nói lời hung ác thì không được thuyết giới. Nếu không có người phạm thì hãy thuyết giới. Đó gọi là ngăn thuyết giới”.
Ngăn, không cho tự tứ là: Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Trong chúng nếu có người không thanh tịnh thì ngưng, không nên tự tứ. Hãy làm yết-ma ngăn tự tứ. Nên tra xét người không thanh tịnh, nếu nặng thì đuổi ra, nhẹ thì cho sám hối, sau đó mới tự tứ. Nếu người không thanh tịnh ấy cậy mình thông minh, trí tuệ, hoặc cậy vào thế lực của đồ chúng, quốc vương, đại thần, không thể đuổi ra thì hãy để một thời gian sau mới tự tứ. Đến lần tự tứ sau, người kia vẫn không ra thì chúng Tăng có thể tự tứ riêng để được thanh tịnh.
Thế nào là Ba-la-đề-mộc-xoa? – Ba-la-đề-mộc-xoa có nghĩa là tối thắng.
Vì sao có nghĩa là tối thắng? – Các việc lành lấy giới làm gốc rễ. Do làm phát sanh các pháp lành nên có nghĩa là tối thắng.
Lại nữa, giới có hai loại: Một là xuất thế, hai là thế gian. Giới thế gian có thể làm nhân cho pháp xuất thế nên nói là tối thắng.
Lại nữa, giới có hai loại: Một là dựa vào thân, miệng, hai là dựa vào tâm. Do giới dựa vào thân, miệng mà đạt được giới dựa vào tâm nên gọi là đứng đầu.
Ba-la-đề-mộc-xoa này đã được nói rõ trong kiền độ Bố-tát.
Lại có năm cách thuyết giới nói đủ và nói hẹp:
– Một là nói bài tựa của giới và bốn Ba-la-di, còn các giới khác đều nói như các vị thường nghe.
– Hai là nói bài tựa của giới, bốn Ba-la-di, mười ba việc, các giới còn lại đều nói như các vị thường nghe.
– Ba là nói bài tựa của giới, bốn Ba-la-di, mười ba Tăng tàn và hai pháp Bất định, còn các giới khác đều nói như các vị thường nghe.
– Bốn là nói bài tựa của giới cho đến ba mươi Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề, các giới khác đều nói như các vị thường nghe.
– Năm là nói đầy đủ như trên.
Thường pháp của Tỳ-kheo là phải thuộc Ba-la-đề-mộc-xoa. Nếu ai chưa thuộc thì phải thường xuyên đến nơi có tụng luật để ở. Vì sao? – Nếu có phạm hoặc nghi ngờ điều gì thì sẽ sám hối, giải nghi để trừ tội. Vì vậy Phật dạy: “Tỳ-kheo phải thuộc Ba-la-đề-mộc-xoa”.
Thế nào gọi là Bố-tát? – Đoạn trừ gọi là Bố-tát. Có thể đoạn trừ các điều vi phạm, đoạn trừ các phiền não, đoạn trừ tất cả các pháp bất thiện là ý nghĩa của Bố-tát. Thanh tịnh gọi là Bố-tát.
Thế nào gọi là yết-ma Bố-tát? – Khi chúng Tăng định Bố-tát, người nhỏ nhất trong chúng phải quét nhà, trải tọa cụ, lấy nước thơm rưới đất, đốt đèn… các việc như vậy đều gọi là yết-ma Bố-tát.
Thế nào gọi là tự tứ? – Tỳ-kheo sau khi nhập hạ xong, phải đến trước Tỳ-kheo thanh tịnh có trí tuệ để xin chỉ tội đã được thấy, nghe, nghi. Lý do xin chỉ tội là vì muốn nêu rõ việc trì giới luật và các căn lành khác trong chín mươi ngày hạ đều không bị phá hủy. Vì thế, sau khi an cư xong mới được tự tứ.
Vì sao Phật dạy làm tự tứ?
– Một là mỗi người đều can gián lẫn nhau.
– Hai là nhớ nghĩ về nhau.
– Ba là chỉ dạy lẫn nhau.
– Bốn là cung kính lẫn nhau.
– Năm là nói năng hòa thuận với nhau.
– Sáu là đều có chỗ nương tựa, chẳng có ai không có chỗ nương tựa.
Vì vậy gọi là tự tứ.
Yết-ma tự tứ là: người nhỏ nhất trong chúng phải quét nhà, trải tọa cụ, đốt đèn, thắp nhang, xông trầm… các việc như vậy đều gọi là yết-ma. Nếu không yết-ma vị trí tịnh trù bên trong cương giới thì thức ăn cách đêm Sa-môn không được ăn.
Bấy giờ, Phật du hành ở nước Bạt-lợi-kỳ, dần dần đi đến nước Tỳly, nghe các Tỳ-kheo to tiếng với nhau, Phật hỏi Tôn giả A-Nan:
– Chúng Tăng đang tranh cãi việc gì vậy?
Tôn giả A-Nan đến xem, thấy Tỳ-kheo cất chứa thức ăn rất nhiều, liền trở lại bạch với Phật:
– Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo và Sa-di cựu trú cùng tịnh nhơn muốn dọn thức ăn cho Tỳ-kheo khách, vì vậy gây ồn ào.
Đức Phật liền bảo A-Nan:
– Ông hãy đến nói với các Tỳ-kheo: “Từ nay trở đi, nếu Tăng không tập hợp để xác định vị trí tịnh trù thì thức ăn cách đêm ở bên trong cương giới đều không được ăn”.
Một lúc nọ, Thế Tôn ở tại Ba-la-nại, thời ấy, nhằm lúc đói kém, chúng Tăng đều tích trữ lúa gạo ở bên ngoài đại giới nên bị người ăn trộm lấy đi.
Các Tỳ-kheo nói với nhau và đến bạch với Thế Tôn về việc ấy. Phật nói:
– Gặp năm đói kém thì cho phép chứa lúa gạo bên trong cương giới, cho đến thuốc thang cũng như vậy.
Lại một lúc nọ, thế gian đói kém, thóc lúa quý hiếm, người không có lễ nghĩa, các Tỳ-kheo nấu thức ăn ở bên ngoài cương giới, bị những người có sức mạnh cướp lấy mang đi. Các Tỳ-kheo bạch Phật, Phật dạy:
– Cho phép các ông nấu thức ăn ở trong đại giới và ăn ở trong đại giới.
Lại bị các Sa-di và tịnh nhân xén bớt mang đi, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn, Phật nói:
– Cho phép các Tỳ-kheo tự tay nấu thức ăn.
Khi ấy, Thế Tôn ở nước Xá-vệ, có một Tỳ-kheo bệnh, thường ăn cháo và được đàn-việt dâng cúng mỗi ngày. Một ngày nọ, cửa thành bị đóng kín, đàn-việt không đến được, Tỳ-kheo ấy không có cháo để ăn. Vì Tỳ-kheo bệnh ấy, Phật bạch nhị yết-ma xác định vị trí tịnh trù ở bên trong cương giới và cho phép nấu cháo trong tịnh trù để ăn.
Lúc này, các Tỳ-kheo sanh nghi, cho Tỳ-kheo ấy đã ăn loại thức ăn được cất chứa qua đêm, thức ăn nấu ở trong đại giới và thức ăn tự tay làm. Phật nói:
– Đó chẳng phải là thức ăn được cất chứa qua đêm, chẳng phải thức ăn được nấu ở trong cương giới, cũng chẳng phải tự tay làm, cho đến thuốc thang cũng như vậy.
Khi đó, Thế tôn ở nước Ba-la-nại, là thời kì đói kém, các Tỳ-kheo đi trên đường, thấy trái cây chín rụng ở dưới đất nhưng không được nhặt, phải đợi tịnh nhơn đến. Một lát sau có bạch y đến nhặt lấy mang đi. Tỳkheo đem việc ấy bạch Phật, Phật nói:
– Cho phép các ông lấy cỏ che lên để đợi tịnh nhân đến..
Trong khi lấy cỏ che lên để đợi tịnh nhân đến, lại có bạch y đến giở cỏ ra, thấy trái cây và lấy mang đi. Các Tỳ-kheo lại bạch Thế Tôn, Phật nói:
– Cho phép các ông tự tay nhặt lấy mang đi đến chỗ tịnh nhân đặt xuống đất, rồi thọ nhận lại đúng pháp để ăn.
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Khi lúa gạo đắt đỏ, xin Thế Tôn cho phép các Tỳ-kheo ăn thức ăn dư được cất chứa qua đêm, thức ăn tự tay làm và được tự tay nhặt trái cây.
Đức Phật nói:
– Khi mất mùa, thóc lúa đắt đỏ thì được phép làm như vậy.
Có Tỳ-kheo trước đó đã nhận được thức ăn, đến nơi khác lại được nhận tiếp, khi ăn đã no liền đem thức ăn còn thừa tịnh thí lại cho thí chủ. Khi ấy nhằm lúc đói kém, thí chủ liền ăn thức ăn ấy, Tỳ-kheo đến bạch Phật:
– Hôm qua có thức ăn dư, con đem tịnh thí cho thí chủ để mong hôm sau lại được ăn, thí chủ liền ăn ngay.
Đức Phật nói:
Phật nói:
– Vào năm đói kém, cho phép các ông được tự cất thức ăn không cần có thí chủ.
Bấy giờ, có các vị Đại đức Tăng được quốc vương, đại thần kính trọng. Các đàn-việt thỉnh các vị ấy vào làng thọ thực. Sau khi ăn xong, các vị ấy mang thức ăn dư về chùa cho các Tỳ-kheo khác ăn. Người nào muốn ăn, nếu gặp lúc đói kém thì được ăn, không cần làm phép dư thực. Đến lúc được mùa thì phải cùng thí chủ làm pháp thức ăn dư, sau đó mới được ăn.
Về sau, nếu gặp lúc thóc lúa đắt đỏ, nhân dân đói kém, các Tỳkheo sau khi ăn xong có được trái cây, người nào muốn ăn thì không cần làm phép thức ăn dư cũng được ăn. Sau đó, vào lúc được mùa trở lại thì không được ăn, không làm phép thức ăn dư như thế nữa.
Vào lúc đói kém, nếu Tỳ-kheo có được các loại rễ cỏ và rễ thuốc có thể ăn được thì được phép tự lấy ăn mà không cần thí chủ. Khi được mùa thì không được phép.
Thế nào gọi là thọ y công đức như pháp? – Chúng Tăng tập hợp, ngay lúc ấy không có các chướng ngại thì được nhận chiếc y mới như pháp mà đàn-việt cúng dường. Như pháp là: chẳng phải y gấm, chẳng phải y có màu đẹp nhất. Đó là chiếc y như pháp.
Tỳ-kheo ở cùng chúng Tăng trong đại giới mà bị bệnh và người làm việc Tam-bảo phải gửi dục, sau đó bạch nhị yết-ma, đó gọi là như pháp.
Thế nào không gọi là thọ? – Chúng Tăng ở bên ngoài cương giới và nhóm Tỳ-kheo phi pháp, đó là không thọ.
Pháp xả y công đức là: Sau khi thọ y đã đủ năm tháng, chúng Tăng tập hợp, ngay lúc ấy không có các chướng ngại, chúng Tăng bên trong cương giới gửi dục như pháp rồi bạch nhị yết-ma, không làm các yết-ma khác. Đó gọi là xả y như pháp.
Có tám cách xả y công đức:
– Một là sau khi thọ y liền đi ra khỏi nước, đó gọi là xả sau khi đi.
– Hai là Tỳ-kheo nào thọ y công đức rồi ra khỏi chùa đi du hóa để tìm xin ở bên ngoài, nghe Tăng đã xả y xong liền suy nghĩ: “Ta sẽ tìm y khác”, thì đó gọi là xả khi hết thời hạn.
– Ba là thọ y công đức rồi đi ra ngoài du hóa, nghe ở chùa đã xả y xong, liền suy nghĩ: “Ta không tìm y nữa”, đó là cách xả rốt ráo.
– Bốn là Tỳ-kheo nào sau khi thọ y xong đi ra bên ngoài tìm xin y, được y rồi liền bị kẻ cướp cướp y và nghe ở chùa đã xả y xong, thì đó là xả khi mất y.
– Năm là Tỳ-kheo nào sau khi đã thọ y, đi ra ngoài mong xin được y nhưng xin không được và nghe trong chùa đã xả y công đức, thì gọi là xả khi đã hết hy vọng.
– Sáu là Tỳ-kheo nào sau khi thọ y liền đi ra ngoài để tìm xin, nghe trong chùa đã xả y liền suy nghĩ: “Ta sẽ tìm xin ba y”, thì đó là xả khi nghe.
– Bảy là Tỳ-kheo nào sau khi thọ y liền ra ngoài cương giới đi du hóa để mong được y và khi được y liền quay về. Trải qua nhiều ngày, vị ấy trở về bên ngoài cương giới và nghe trong chùa đã xả y. Đó là xả y ở bên ngoài cương giới.
– Tám là Tỳ-kheo nào sau khi thọ y đi ra bên ngoài xin y, dù được hay không được cũng quay về chùa để cùng Tăng xả y. Đó gọi là xả như pháp.
Ngoài tám cách này, những cách nhóm họp phi pháp đều không gọi là thọ, cũng không gọi là xả.
Phân chia vật của Tỳ-kheo qua đời: Y, bát, tọa cụ, kim khâu, sợi dây, túi xách bằng da, dây buộc y, thảm lông dày khoảng ba ngón tay, dù, lọng, dao cạo…, đó là những đồ vật có thể đem phân chia.
Tôn giả Ca-diếp-duy nói:
– Pháp phân chia vật của Tỳ-kheo là: trước hết phải đem người chết đi chôn cất, sau đó chúng Tăng trở về chùa, hãy tập hợp các vị Tăng đang có mặt ở chùa lại. Sau khi chúng Tăng đã tập hợp, hãy đem những đồ vật của Tỳ-kheo quá cố để phía chúng Tăng, sai một người phân vật có thể phân chia và vật không thể phân chia thành hai phần để ở hai chỗ khác nhau. Ba y được phân cho người nuôi bệnh, các vật khác được phân chia cho chúng Tăng đang có mặt. Nếu có nô-tỳ của vị ấy thì hãy cho họ đi, nếu không cho đi thì nên cho làm tịnh nhơn của chúng Tăng. Voi, lạc đà, ngựa, bò, lừa thì để cho chúng Tăng thường trụ ở trong chùa làm phương tiện vận chuyển. Nếu Tỳ-kheo quá cố này có đồ vật ở bên ngoài thì hãy sai tịnh nhơn ở trong chùa đi tìm lấy về. Sau khi các thứ ấy đã được đem về chùa thì có thể phân chia những vật bằng sắt, bằng đồng cho chủ Tăng thường trụ. Những vật bằng sắt bao gồm: thìa sắt, chiêng sắt, nồi nhỏ, búa, rìu, dao dài năm tấc, móc cửa, ống đựng kim, con dao, kéo, gậy sắt, lư hương, lò lửa, mâm, dù, lọng, ống đựng hương… và các vật tương tợ cần phải biết rõ. Các vật khác như: bát đồng lớn, chén đồng nhỏ, chiêng, nồi nhỏ, gậy đồng đều được chia như các vật bằng sắt.
Thế nào gọi là y có giá trị? – Giá trị có hai loại: Một là giá cao, hai là có thể chống lạnh, vì thế gọi là có giá trị. Y phải được thọ trì một cách thanh tịnh, không được thọ trì không thanh tịnh. Thanh tịnh có hai loại: một là nhuộm loại màu thanh tịnh, hai là sau khi đã nhuộm màu chấm ba chấm trên y cũng gọi là thanh tịnh. Nếu y đã may xong, giặt, nhuộm và chấm ba chấm, các đàn-việt thấy liền biết là y phục của Samôn, chẳng phải y của ngoại đạo thì được gọi là y có giá trị.
Lúc ấy, tôn giả Tất-lăng-già-bà-tha bị đau mắt, đi dọc đường hai chân quờ quạng, định đi về phía Đông lại ngã về phía Tây, không thể tiến bước. Phật trông thấy liền hỏi các Tỳ-kheo:
– Vì sao vậy?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Do vị ấy đau mắt không thấy đường.
Đức Phật nói:
– Cho phép ông ấy mang giày da.
Tôn giả Tất-lăng-già-bà-tha vốn được dân chúng kính trọng nên được họ đem võng lưới cúng dường, hoặc đem voi ngựa, lạc đà, xe cộ, hoặc cất một ngôi chùa nhỏ cúng dường. Những vật cúng dường đó, Phật đều cho phép nhận.
Do tôn giả bị đau mắt, đàn-việt liền làm cho tôn giả cái kính bằng lưu ly, các Tỳ-kheo bạch với Phật:
– Cúi xin Thế Tôn cho phép Tất-lăng-già-bà-tha cất giữ cái kính này để chữa bệnh đau mắt.
Đức Phật nói:
– Tuy vật này có giá cao nhưng vì đau bệnh nên cho phép cất giữ.
Lại có các đàn việt mang đến các loại bình bằng đồng, sắt, sành, chậu đồng, cái mũ trụ bằng đồng để cúng dường. Các vật có giá trị này cũng được Phật cho phép cất chứa.
Nếu có người cúng dường loại y tốt, đắt giá và mịn màng thì cho phép tịnh thí để cất chứa.
Lại nữa, đồ vật có giá trị của thầy, đệ tử không được tự lấy, nếu Tăng cho thì được lấy. Đệ tử không được mang vật đó để trước chúng Tăng, Tăng không được tự lấy và làm yết-ma phân chia vật ấy. Vì sao vậy? – Vật đó thuộc về chúng Tăng bốn phương.
Vì sao gọi là vật có giá trị? – Trước đã nói rõ thế nào là y có giá trị, nay vật có giá trị thì cũng theo đó sẽ rõ.
Vật không nên phân là: nếu vị ấy có chùa riêng và trong chùa ấy có các thứ như ruộng, cây ăn quả, voi, ngựa, lạc đà, bò, lừa, cho đến giường, chiếu, chậu, bình và những dụng cụ sinh hoạt, tất cả các thứ ấy đều thuộc về Tăng bốn phương. Nếu vị ấy xây nhà lớn, phòng nhỏ ở bốn phía bên ngoài đại giới thì tất cả đồ vật ở trong đó chúng Tăng đang có mặt không được phân chia và các thứ ấy cũng thuộc về chúng Tăng bốn phương. Việc này xem trong “Kiền độ về Y” sẽ biết rõ.
Nếu y phấn tảo nằm ở bên trong bốn bức tường, nằm ở bốn phía thì Tỳ-kheo không nên lấy. Nếu y ở trên hàng rào và ở trong hào đào quanh thành thì cũng không nên lấy. Nếu y nằm ở bên ngoài vách tường, nơi có khoét lỗ để đưa tử thi ra ngoài thì cũng không nên lấy. Sở dĩ Phật chế giới này là vì lúc ấy có nạn dịch lớn, người chết rất nhiều, không thể đem đến nghĩa địa chôn cất được, mới đục tường thành và bỏ xác chết phía bên ngoài. Nhà vua ra lệnh:
– Không được phép bỏ tử thi ở bên ngoài tường thành.
Quân cấm vệ liền thông báo:
– Ai lấy áo của người chết này đem đi thì phải mang xác chết ấy ra nghĩa địa.
Mọi người đáp:
– Hôm qua đến giờ có Sa-môn lấy y.
Quân cấm vệ liền bảo Sa-môn:
– Hãy mang xác chết ra bỏ ở ngoài nghĩa địa.
Vì lý do đó, Phật dạy:
– Tỳ-kheo không được lấy y của người chết như thế. Trên xác chết chưa bị hư rã ở nghĩa địa mà có y thì cũng không được lấy. Bên trên tử thi có xây tháp, y được treo trên tháp ấy cũng không nên lấy. Các y phấn tảo như vậy đều không nên lấy.
Có một Tỳ-kheo ở riêng một mình, bị bệnh mà qua đời. Y, bát và đồ đạc của Tỳ-kheo này thuộc về chúng Tăng đang có mặt.
Có một Tỳ-kheo đã nuôi bệnh, không biết pháp, mang y và các vật ấy đến gặp Thế Tôn, Thế Tôn dạy:
– Ông hãy đem y và các vật này đến gặp chúng Tăng và xin chúng Tăng. Khi gặp mỗi Thượng tọa, ông phải hỏi: “Xin hãy cho con những thứ này”. Sau khi đã xin từng vị rồi, chúng Tăng phải bạch nhị yết-ma để cho ông ta các thứ ấy.
Sở dĩ Phật cho phép xin là vì người này có công nuôi bệnh.
Lại có vật không nên phân là: Kinh, luật. Khi còn sống, người bệnh (biết mình sắp chết) phải nhờ đem kinh, luật mà mình có cho người có thể đọc tụng. Nếu người ấy không kịp đem cho thì chúng Tăng đang có mặt phải đem cho người có thể đọc tụng. Đó là vật không nên đem bán.
Nếu Tỳ-kheo qua đời tại nhà bạch y ở trong thôn, sau đó có Tỳkheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma-na ni, Sa-di, Sa-di ni nào đến nhà đàn việt trước thì hãy đem vật đó cho vị ấy. Nếu không ai đến thì hãy đem vật đó cho chúng Tăng ở chùa gần đó nhất.
Thế nào gọi là vật dụng nuôi sống? – Đó là vật mà con người cần.
Thế nào là chẳng phải vật dụng nuôi sống? – Vật con người không dùng được gọi là vật chẳng nuôi sống.
Cho đến vật mà súc sanh cần thì gọi là vật nuôi sống, vật súc sanh không dùng được là chẳng phải vật nuôi sống.
Tỳ-kheo nào lấy vật nuôi sống của người khác thì phải nói với người ấy. nếu người ấy cho thì được lấy, không cho thì không được lấy.
Đối với vật nuôi sống của súc sanh thì trừ khi súc sanh đó hiểu được tiếng người, ngoài ra tuyệt đối không được lấy.
Đối với chúng sanh hiểu tiếng người, nếu muốn lấy thì phải hỏi, nếu được cho thì lấy, không cho thì không lấy.
Những vật mà Tỳ-kheo được phép chứa là: Bình bát, ba y, tọa cụ, kim chỉ, túi đựng bát, bình, chậu…
Những vật Tỳ-kheo không nên cất chứa là: Người nữ, vàng, bạc, hết thảy vật báu, tất cả khí giới chiến đấu, rượu, bình đựng rượu… Những vật như vậy Tỳ-kheo không nên cất chứa.
Tỳ-kheo Nan-đà có tâm dâm dục rất mạnh, có người nữ đảnh lễ vị ấy, vị ấy liền để chảy chất bất tịnh trên đầu cô ta. Nan-đà và cô ấy đều hổ thẹn, liền đến bạch Phật, Phật dạy: Phải làm túi để đựng.
Phật cho phép chứa con dao để làm các việc sau: Một là dùng để gọt vỏ, hai là dùng để cắt móng tay, ba là dùng để mổ mụt nhọt, bốn là dùng để cắt y, năm là dùng để cắt những sợi lông trên y, sáu là dùng để tác tịnh trái cây, cho đến dùng làm các việc trong khi ăn, vì thế Phật cho phép cất chứa.
Phép cạo tóc là: Chỉ trừ lông và râu ở trên đầu, còn lông ở tất cả những chỗ khác đều không được cạo bỏ. Lý do cạo tóc là vì trừ bỏ tâm kiêu mạn, tự thị. Khi tóc dài không được dùng kéo để cắt mà hãy dùng dao cạo để cạo bỏ. Lý do Phật cấm dùng kéo là: Nhóm sáu Tỳ-kheo dùng kéo cắt tóc, các Tỳ-kheo bạch với Phật. Vì nhóm sáu Tỳ-kheo này, Phật chế giới không được dùng kéo. Nếu trên đầu Tỳ-kheo có mụt nhọt thì được dùng kéo hớt tóc và lớp vảy trên mụt nhọt để xức thuốc.
Tỳ-kheo không được làm dao bén bằng gỗ để nạo ghét, cạo lông. Nếu làm đứt một sợi lông thì phạm một Đột-kiết-la. Trừ lông trên đầu, nếu làm đứt một sợi ở nơi khác thì phạm Thâu-lan-giá. Đó là pháp cắt tóc.
Lại nữa, pháp cắt tóc là như cậu bé La-hầu-la: Lúc ấy, Phật đi từ cây Ni-câu-đà đến thành Ca-duy-la-vệ khất thực. Khi đó, Cù-di cùng La-hầu-la ở trên lầu cao. Thấy Phật đi vào thành, Cù-di liền chỉ Phật và bảo La-hầu-la rằng:
– Đó là cha của con.
La-hầu-la liền xuống lầu, đến đảnh lễ Phật, Phật dùng tay xoa đầu La-hầu-la làm cậu bé rất sung sướng. Phật hỏi La-hầu-la:
– Con thích xuất gia không?
La-hầu-la đáp:
– Con muốn xuất gia.
Phật liền dẫn La-hầu-la đến tinh xá Ni-câu-đà, bảo Xá-lợi-phất làm Hòa thượng cho La-hầu-la. Xá-lợi-phất bạch Phật:
– Phải làm gì để cho cậu ấy xuất gia?
Phật bảo Xá-lợi-phất:
– Trước hết phải cạo tóc, cho mặc cà-sa rồi bảo quỳ xuống, chấp tay. Sau đó cho thọ Tam quy, Ngũ giới và mười giới Sa-di.
Đó là người đầu tiên cạo tóc, mặc áo cà-sa, thọ Tam quy y, Ngũ giới và mười giới.
Lúc ấy, nghe tin La-hầu-la xuất gia, vua Tịnh Phạn liền đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật rồi ngồi qua một bên, cúi đầu, rơi nước mắt, bạch với Phật:
– Bạch đức Thế tôn! Anh em Ngài đã cùng nhau xuất gia. Trẫm trông mong La-hầu-la sẽ kế tục để tông miếu không bị chấm dứt. Nay vì sao Ngài lại độ cho La-hầu-la xuất gia?
Đức Phật liền nói cho vua cha nghe đủ công đức và lợi ích của việc xuất gia. Nhân đó, Phật răn dạy những người xuất gia:
– Từ đây về sau, ai muốn xuất gia thì phải thưa với cha mẹ trước. Cha mẹ không cho thì không được xuất gia. Đó gọi là pháp độ Sa-di và việc ai muốn xuất gia thì phải được cha mẹ cho phép bắt đầu từ đó.
Phật ở tại nước Câu-diệm-di, Sư Tử Ý muốn xuất gia, không thưa cha mẹ mà đến thẳng chùa để xin xuất gia. Tăng liền cạo tóc cho vị ấy xuất gia. sau đó cha mẹ anh ta không biết con mình ở đâu nên tìm kiếm khắp làng nhưng vẫn không thấy. Họ lại đến chùa hỏi các Sa-môn, các vị ấy đều nói không thấy. Họ vào chùa tìm trong từng phòng, chợt thấy con mình đã cạo tóc xuất gia, cha mẹ vị ấy không vừa lòng mà nói:
– Sa-môn Thích tử vì sao lại nói dối? Thật sự có độ con của người ta mà lại nói không thấy.
Các Tỳ-kheo liền bạch với Thế Tôn, Phật nói:
– Từ nay trở đi, người nào muốn xuất gia thì phải thưa cha mẹ và được cha mẹ cho phép. Ai muốn độ Sa-di thì phải bạch với chúng Tăng về việc cạo tóc, truyền Tam quy y, Ngũ giới cho đến giới Sa-di cho người ấy. Nếu Tăng không đồng ý thì không được độ người ấy làm Sa-di
Việc cho xuất gia, độ Sa-di ở trong Tỳ-ni có nói rõ.
Các Tỳ-kheo mới xuất gia một thời gian thì tóc ra dài, liền đến bạch với Thế Tôn, Phật nói:
– Được phép cạo tóc thường xuyên.
Đó là nhân duyên đầu tiên của việc cạo tóc thường xuyên.
Lúc ấy, Phật ở thành Vương-xá. Tóc Phật đã dài, do cung kính Phật nên không ai trong số các Tỳ-kheo dám cạo tóc cho Ngài. Có cậu bé Ưu-ba-ly cùng cha mẹ đến chỗ Phật. Sau khi gặp Phật, cậu ấy liền nghĩ muốn cạo tóc cho Như-lai. Sau đó cậu ấy quỳ xuống, chấp tay, 502 bạch Thế Tôn:
– Con muốn cạo tóc cho Phật, xin Phật từ bi cho phép.
Phật liền bảo cậu ấy cạo tóc. Cha mẹ cậu ấy ở bên cạnh, bạch Thế Tôn:
– Cậu bé cạo tóc giỏi không, thưa Thế Tôn?
Đức Phật nói:
– Rất giỏi, nhưng đứng gần Phật quá.
Cậu bé liền xê thân ra và ngẩng đầu lên. Cha mẹ lại hỏi:
– Cậu ấy cạo tóc giỏi không, bạch Thế Tôn?
Đức Phật nói:
– Giỏi, nhưng ngẩng đầu quá cao.
Cậu bé liền cúi đầu xuống một ít. Cha mẹ lại hỏi Phật:
– Cạo tóc giỏi không, thưa Thế Tôn?
Đức Phật nói:
– Giỏi, nhưng hơi thở ra vào rất thô.
Cậu ấy liền giữ hơi thở thật nhẹ nhàng và nhập vào thiền thứ tư.
Phật bảo A-Nan:
– Đồng tử này đã nhập vào thiền thứ tư, ông hãy cầm lấy con dao cạo trong tay cậu ấy.
A-Nan liền cầm con dao. Sở dĩ cậu ấy dám cạo tóc cho Như-lai là vì ba lý do: Một là do không biết gì nên xin cạo. Hai là do thần lực của Như-lai muốn làm cho cậu ấy đạt được thiền thứ tư nên cho cạo. Ba là muốn làm cho chúng sanh đời sau biết cạo tóc có công đức lớn nên cho cạo.
Lúc định cạo tóc, Phật bảo với mọi người:
– Không được dùng y cũ và bình cũ để đựng tóc này, hãy dùng những vật mới để đựng.
Lúc Phật cạo tóc, vương tử Cù-ba-la đến chỗ Phật, xin tóc của Phật để đem về nước cúng dường. Phật liền đồng ý. Vương tử hỏi Thế Tôn:
– Tóc này nên dùng vật gì đựng để cúng dường?
Đức Phật nói:
– Nên dùng bảy báu làm đồ để cúng dường.
Theo lời Phật dạy, vương tử liền làm chiếc bình bằng bảy báu để đựng tóc. Lại hỏi Thế Tôn:
– Khi đi nên dùng voi, ngựa, xe hay đặt trên vai, hoặc trên đầu để chở đi?
Đức Phật nói:
– Dùng phương tiện gì cũng được, nhưng khi đi phải tấu các loại âm nhạc rồi mang đi.
Vương tử làm theo lời Phật dạy. Trên đường đi, nghe tin có giặc từ nước khác đến, vương tử liền dựng một ngôi tháp lớn ở giữa đường để cúng dường tóc Phật. Tháp này gọi là tháp thờ tóc Phật.
Tôn giả Ca-diếp-duy nói:
– Phàm phép cạo tóc, Thượng tọa nên cạo trước.
Lại có người nói: “Người tóc dài nên cạo trước”.
Lại có chỗ nói: “Người gội đầu trước nên cạo trước”.
Lại có người nói: “Người có việc định đi nên cạo trước”.
Đó là cạo tóc đúng pháp.
Lại nữa, pháp của Tỳ-kheo là không được cố giết chúng sanh để ăn. Thức ăn có ba loại: một là thấy, hai là nghe, ba là nghi. Thức ăn mà mình thấy, nghe, nghi như vậy thì không được ăn.
Nếu có đàn- việt muốn cúng tế trời, nên suy nghĩ: “Nếu có ai đến đây thì đều đem cho thức ăn, không có phân biệt. Chúng sanh bị giết là để dành cho tất cả những người đi đến đây”. Tỳ-kheo nào được loại thịt như vậy thì không nên ăn.
Một lúc nọ, Phật ở tại nước Tỳ-xá-ly, gặp lúc mất mùa, thóc lúa quý hiếm, khất thực khó được. Những người có thần thông trong số các Tỳ-kheo dùng thần lực của mình đến nước ngoại đạo khất thực. Các ngoại đạo thấy các Tỳ-kheo đến khất thực, không thích sự dơ bẩn của họ nên đem thức ăn đặt xuống đất và bỏ đi. Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Do khó kiếm được thức ăn, các Tỳ-kheo có thần thông dựa vào sức thần thông để đến nước ngoại đạo khất thực. Ngoại đạo thấy họ thấp kém nên đem thức ăn để dưới đất và bỏ đi. Việc này phải làm sao?
Đức Phật nói:
– Tuy tay không nhận nhưng họ đem đến đặt trước mặt là đã cho rồi. Các vị chỉ việc nhận lấy. Đó tức là nhận thức ăn và được gọi là nhận dùng do người khác đã có hành động cho.
Người không hợp với Tỳ-ni là: Người gọi pháp là phi pháp, gọi phi pháp là pháp, cho đến ngôn luận nói chẳng phải ngôn luận, chẳng phải ngôn luận nói là ngôn luận. Đó gọi là không hợp với Tỳ-ni.
Lại nữa, người không hợp với Tỳ-ni là: Tỳ-kheo nói với các Tỳkheo khác: “Tôi không thể học pháp này, dùng việc nhỏ nhặt đó làm gì? Đại đức, tôi cũng biết pháp này đi vào Tỳ-ni, đi vào khế kinh” Cần biết rõ như vậy. Đó gọi là không hợp với Tỳ-ni.
Hợp với Tỳ-ni là: Như lời Phật dạy, việc này nên làm, việc này
không nên làm; việc này phạm, việc này không phạm. Không làm trái lời Phật dạy nghĩa là hợp với Tỳ-ni.
Thế nào gọi là người nuôi dưỡng? – Đó chính là tịnh nhân của chúng Tăng.
Phi nhân đóng vai trò vật nuôi dưỡng là: Voi, lạc đà, ngựa, lừa, bò. Chúng có thể chở chúng Tăng đi xa nên gọi phi nhân ấy là vật nuôi dưỡng.
Thế nào là trái cây ăn được? – Lúc ấy, trong thành Vương-xá có đại trưởng giả, có nhiều cây ăn quả. Trưởng giả sai người đem trái cây đi cúng dường chúng Tăng và bảo:
– Ông hãy đến chùa tìm gặp Thích tử Bạt-nan-đà, đưa số trái cây này cho ông ấy để ông ấy dâng cho chúng Tăng.
Lúc này, đã sắp đến giờ ăn, Bạt-nan-đà đi ra ngoài đến quá trưa nên các Tỳ-kheo không được ăn trái cây. Khi ấy, Thế Tôn đi du hóa đến rừng Mật Phong, có một Tỳ-kheo bệnh, cần dùng quả Ha-lê-lặc. Các Tỳ-kheo bạch với Phật, Phật liền cho phép dùng ba quả: Ha-lê-lặc, Tỳ-hê-lặc, A-ma-lặc. Nếu bệnh không khỏi thì được phép dùng cho đến khi hết bệnh.
Một lúc nọ, Tỳ-xá-khư-lộc-mẫu có được nhiều trái cây ngon ngọt nhưng không dám ăn, liền thỉnh Phật và chúng Tăng đến để cúng dường thức ăn, nhân tiện cúng dường trái cây ấy cho Phật và Tăng. Phật và chúng Tăng thọ trai xong liền ra về. Do có việc bận nên Tỳ-xá-khưlộc-mẫu quên không đem trái cây lên dâng. Sau đó nhớ lại, bà ấy suy nghĩ: “Sở dĩ ta thỉnh Phật và Tăng là vì muốn cúng dường số trái cây này. Nay vì sao lại quên đi?” Bà ấy liền cho người mang trái cây đến cúng cho Phật và Tăng. Chúng Tăng nghi ngờ không dám nhận, liền đến bạch Phật, Phật dạy:
– Hãy làm phép thức ăn dư rồi ăn thì không có lỗi.
Trong vùng đất thanh tịnh của chúng Tăng bỗng mọc một cây ăn trái. Cây ấy rất lớn, có cành hướng qua vùng đất bất tịnh. Phật nói với các Tỳ-kheo:
– Bảo tịnh nhơn dùng dây kéo cho hướng về vùng đất thanh tịnh.
Sau đó có Tỳ-kheo sanh nghi: “Trái cây này vốn ở vùng đất bất tịnh, nay kéo qua vùng đất thanh tịnh, vậy có ăn được không?
Đức Phật nói:
– Nếu trái cây rụng ở nơi đất bất tịnh thì không được ăn. Nếu chưa rụng thì được ăn.
Lại có cây ăn quả mọc ở vùng đất bất tịnh, nhưng cành nhánh đều
nằm ở vùng đất bất tịnh. Nếu trái cây ấy rụng nơi đất bất tịnh thì được ăn. Nếu không rụng thì không được ăn.
Lại có một lúc các Tỳ-kheo có được nhiều loại trái cây, nhưng người ít mà trái cây nhiều nên ăn không thể hết, số còn dư không biết dùng làm gì, họ đến bạch Phật, Phật bảo:
– Cho phép ép lấy nước để đến đầu hôm uống. Nếu chưa đến đầu hôm, nước trái cây biến đổi thành rượu đắng thì không được uống. Vì sao vậy? – Vì nó đã thành rượu.
Có Tỳ-kheo ăn loại trái cây bất tịnh. Các ngoại đạo liền khinh chê mà nói: “Các Tỳ-kheo không có lòng từ bi. Trái cây này có sanh mạng, vì sao lại ăn sanh mạng?”. Vì sự khinh chê của thế gian nên Phật liền chế giới:
– Các Tỳ-kheo phải tác tịnh trái cây rồi mới được ăn, không tác tịnh thì không được ăn.
Tác tịnh gồm có năm cách: Một là tác tịnh bằng lửa, hai là tác tịnh bằng dao, ba là tác tịnh do chim ăn, bốn là tác tịnh do trên trái cây có phần bị hư hoại, năm là tác tịnh bằng cách lấy hạt ra.
Lại có bảy cách tác tịnh: Một là tác tịnh bằng cách gọt vỏ, hai là tác tịnh bằng cách bổ ra, ba là tác tịnh để cho rã, bốn là tác tịnh để cho héo, năm là tác tịnh bằng cách cứa làm rách ra, sáu là tác tịnh để cho nước cuốn trôi, bảy là tác tịnh để cho bụi đất phủ.
Đó là pháp tác tịnh.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nhập Niết-bàn giữa hai cây Sa-la, tại thành Câu-thi-na-kiệt, thuộc nước Ba-Bàn. Năm trăm lực sĩ dòng Sát-đế-lợi,… đến chỗ Phật dùng các loại nước thơm tắm rửa thân Phật, kế đó dùng vải trắng kiếp bối quấn quanh thân Như-lai. Lại dùng năm trăm xấp lụa trắng mềm mại quấn xung quanh, dùng bơ, dầu, dầu thơm để vào quan tài bằng sắt, sau đó đặt thân Như-lai vào. Họ lại đem các loại củi thơm chất thành đống và giã các loại hương bột rải lên đống củi. Có một lực sĩ cầm ngọn đuốc định đốt đống củi, chư thiên liền dập tắt không cho cháy. A-na-luật bảo các lực sĩ:
– Các anh chẳng nên gắng sức mệt nhọc, chư thiên không muốn cho cháy.
Các lực sĩ hỏi A-na-luật:
Vì sao chư thiên không muốn cho cháy?
A-na-luật đáp:
– Chư thiên muốn cho Ma-ha Ca-diếp thấy thân Như-lai.
Lúc ấy, trời mưa hoa Mạn-đà-la cúng dường Như-lai. Có một ngoại đạo tên A-bạt nhặt được một cánh hoa Mạn-đà-la ở cạnh Như-lai và mang hoa ấy đến nước Ba-Bà. Trên đường đến nước Ba-Bà, ông ta gặp Ma-ha Ca-diếp và năm trăm đệ tử đang đi trên đường.
Ca-diếp hỏi:
– Ông từ đâu đến?
Đáp: – Từ thành Câu-thi-na-kiệt đến.
Lại hỏi:
– Có gặp Như-lai, đại sư của ta không?
Đáp: – Thầy ông đã nhập Niết-bàn được bảy ngày. Chư thiên đã làm mưa hoa cúng dường Như-lai. Đây là loại hoa ấy.
Ma-ha Ca-diếp buồn rầu không vui. Các đệ tử đều lăn lộn dưới đất như con cá bị vớt khỏi nước, dính đầy bụi đất. Họ đều nói:
– Từ đây chúng ta vĩnh viễn mất đi bóng mát!
Họ thốt ra đủ các lời lẽ như vậy. Thích tử Ba-nan-đà can ngăn các Tỳ-kheo:
– Không cần buồn rầu như vậy. Khi còn tại thế, Thế Tôn đã ngăn cấm đủ thứ, nay Ngài đã nhập Niết-bàn, chúng ta được tự do, tùy ý làm hay không làm mọi việc, cần gì phải buồn rầu.
Nghe lời này, Ma-ha Ca-Diếp càng thêm buồn thảm nên nói:
– Như-lai là bậc Sư-tử ở trong các biện luận, giáo pháp mà Ngài đã nói không ai có thể hủy hoại. Ngài có thể điều phục tất cả ngoại đạo và làm chủ đối với tất cả các pháp. Pháp vương, Pháp chủ, Như-lai, Ứng cúng, Chánh biến tri mới nhập Niết-bàn chưa được bao lâu, vì sao kẻ ác phát ra lời như vậy không chút hổ thẹn ở trước đại chúng?!
Sau khi than thở xong, Ma-ha Ca-diếp cùng năm trăm Tỳ-kheo đi đến chỗ Như-lai. Khi đã đến nơi, Tôn giả bảo A-Nan:
– Ta muốn thấy thân của Như-lai.
A-Nan đáp:
– Thân của Như-lai đã được các lực sĩ dùng vải kiếp bối và lụa trắng quấn xung quanh và đặt vào trong quan tài, đem đủ loại gỗ thơm chất thành đống, vậy làm sao có thể thấy được?
Khi A-Nan nói lời này xong, do thần lực của Phật, hai chân của Như-lai xuất hiện. Ca-diếp xem chân Như-lai, thấy chân bị dính vết bẩn, liền hỏi A-Nan:
– Trên chân Như-lai vì sao dính bẩn như vậy?
A-Nan nói:
– Khi Như-lai sắp Niết-bàn, có các người nữ thương xót, quyến luyến, đảnh lễ chân Như-lai, làm chân Ngài bị dính vết bẩn.
Phật hiện cho Ca-diếp thấy chân của Ngài xong, liền ẩn vào trở lại. Ca-diếp nhiễu quanh Như-lai bảy vòng và nói kệ ca ngợi, lửa liền tự nhiên bùng cháy.
Sau khi cúng dường Như-lai xong, Ca-diếp liền tập hợp năm trăm đại A-la-hán ở tinh xá Trúc Lâm, tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương-xá mà nói:
– Khi ở trên đường đi từ nước Ba-Bà đến đây, nghe Như-lai đã nhập Niết-bàn, năm trăm Tỳ-kheo cùng đi với tôi đều buồn rầu áo não, Thích tử Bạt-nan-đà bỗng nói: “Như-lai còn tại thế thì pháp luật rất nghiêm khắc. Sau khi Như-lai diệt độ, mỗi chúng ta tùy ý làm mọi việc, cần gì phải buồn rầu”. Nếu các ngoại đạo nghe lời này sẽ nói: “Khi Thế Tôn còn tại thế, các Thích tử lo tu hành theo giáo pháp. Sau khi Như-lai diệt độ thì họ đều phế bỏ việc tu hành”. Chúng ta hãy tập hợp lại, kết tập kinh tạng để giáo pháp không bị mai một.
Các A-la-hán đáp:
– Chúng ta kết tập kinh tạng cần phải nhờ Tôn giả A-Nan.
Ca-diếp đáp:
– A-Nan chưa dứt sạch kiết sử, lậu hoặc, làm sao được ở trong chúng này?
Các La-hán đáp:
– Những đoạn kinh bị quên, chúng ta cần phải hỏi vị ấy.
Ca-diếp nói:
– Nếu vậy cần phải làm yết-ma cho phép để vị ấy được vào chúng Tăng.
Sau khi đã an tọa, năm trăm vị Tăng đem năm bộ kinh kết tập thành ba tạng. Trong các kinh, đoạn nào nói về giới luật Tỳ-kheo thì kết tập thành kinh Tỳ-kheo, đoạn nào nói về giới luật tương ưng với giới luật của Ni thì kết tập thành kinh Tỳ-kheo ni, cho đến đoạn nào tương ưng với y công đức thì kết tập thành kiền độ y công đức.
Các kinh như kinh Kiền-độ-mẫu, kinh Tăng-nhất Tỳ-kheo, kinh Tỳ-kheo ni được tổng hợp lại thành tạng Tỳ-ni. Trong các kinh, đoạn nào tương ưng với Trường A-hàm thì tập hợp vào Trường A-hàm, đoạn nào tương ưng với Trung A-hàm thì tập hợp vào Trung A-hàm. Các đoạn có liệt kê số từ 1, 2, 3, cho đến trở lên thì được tập hợp vào Tăng-nhất A-hàm. Các kinh tương ưng với cả Tỳ-kheo lẫn Tỳ-kheo ni, Đế thích, chư thiên, Phạm vương thì tập hợp thành bộ Tạp A-hàm. Hoặc Pháp cú, hoặc thuyết nghĩa, hoặc Ba-la-duyên, các kinh do Như-lai nói từ khế kinh cho đến Luận nghị, phần nào tương ưng với tạp tạng thì tập hợp thành tạp tạng.
Năm loại như vậy gọi là tạng Kinh. Phân biệt khi có người hỏi, phân biệt khi không có người hỏi, những kinh tương ưng với năm loại trên và phát sanh từ năm loại trên gọi là tạng luận. Mười lăm loại kinh này tập hợp thành ba tạng.
Tôn giả A-Nan sửa áo bày vai phải, chấp tay bạch Tôn giả Ma-ha Ca-diếp:
– Trước đây, khi ở bên cạnh Như-lai, tôi nghe Ngài nói: “Sau khi Ta diệt độ nên tập hợp chúng Tăng để xả bỏ những giới nhỏ nhặt”.
Ca-diếp lại hỏi A-Nan:
– Ông đã đích thân nghe Như-lai nói như thế. Vậy giới nhỏ nhặt là những giới nào?
A-Nan đáp:
– Vào lúc ấy, vì bị buồn khổ bức ngặt nên tôi mê mờ, không hỏi được.
Ca-diếp liền quở trách A-Nan:
– Lời ông nói thật chẳng đúng lúc, trước đây sao ông không hỏi Thế Tôn, nay lại nói là quên không hỏi.
Lúc ấy, Ca-diếp bảo các Tỳ-kheo:
– Chúng ta hãy cùng suy nghĩ về việc này. Những giới nào là giới nhỏ nhặt?
Có một Tỳ-kheo nói:
– Trừ bốn Ba-la-di, những giới còn lại là giới nhỏ nhặt.
Mỗi người lần lượt nói, cho đến có người nói: “Trừ chín mươi Badật-đề, số còn lại là giới nhỏ nhặt”.
Trưởng lão Ca-diếp nói:
– Lời các vị nói đều chưa nhất trí giới nào là nhỏ nhặt. Chúng ta sẽ thực hành tất cả những giới luật Phật đã chế. Những điều Phật không nói thì chẳng phải bàn ở đây. Nếu ta xả bỏ giới nhỏ nhặt thì các ngoại đạo sẽ phỉ báng: “Sau khi Như-lai diệt độ, các giới nhỏ nhặt đều bị các Tỳ-kheo xả bỏ. Pháp của Sa-môn Cù-Đàm giống như khói của lửa, vừa sanh đã diệt. Nếu xả bỏ giới nhỏ nhặt, chỉ giữ bốn giới trọng thì làm sao gọi là Sa-môn?”.
Vì lý do này, tôn giả Ca-diếp trách A-Nan về bảy việc. Một trong bảy việc đó là việc A-Nan cầu xin cho người nữ xuất gia. Có mười lý do để quở trách A-Nan về việc này:
– Một là, nếu người nữ không xuất gia thì các đàn việt thường đựng thức ăn đầy bát, quỳ ở cạnh đường để dâng cho các Sa-môn.
– Hai là, nếu người nữ không xuất gia thì các đàn việt thường đem y phục, ngọa cụ đi ngược đường tìm Sa-môn để cúng dường.
– Ba là, nếu người nữ không xuất gia thì các đàn việt thường cỡi voi, ngựa, xe đến cạnh đường, gieo năm vóc xuống đất mời các Sa-môn bước qua.
– Bốn là, nếu người nữ không xuất gia, thì các đàn việt thường dùng tóc mình trải lên đất ở giữa đường mời Sa-môn bước qua.
– Năm là, nếu người nữ không xuất gia thì các đàn việt thường cung kính thỉnh Sa-môn đến nhà cúng dường.
– Sáu là nếu người nữ không xuất gia thì khi gặp Sa-môn, các đàn việt thường cung kính quét sạch đất, cởi áo trải ra đất cho Sa-môn ngồi.
– Bảy là, nếu người nữ không xuất gia thì các đàn việt thường cởi áo lau bụi trên chân Tỳ-kheo.
– Tám là nếu người nữ không xuất gia thì các đàn việt thường xõa tóc lau bụi trên chân Tỳ-kheo.
– Chín là, nếu các người nữ không xuất gia thì oai đức của Sa-môn sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng, huống chi các ngoại đạo làm sao có thể sánh với Sa-môn được?
– Mười là, nếu người nữ không xuất gia thì chánh pháp của Phật trụ thế một ngàn năm. Nay do người nữ xuất gia nên giảm xuống còn năm trăm năm. Trong một trăm năm được giải thoát kiên cố, một trăm năm được định kiên cố, một trăm năm được trì giới kiên cố, một trăm năm được đa văn kiên cố, một trăm năm được bố thí kiên cố.
Trong một trăm năm đầu
Pháp giải thoát kiên cố
An trụ trong pháp ấy
Ắt hiểu nghĩa giải thoát
Một trăm năm thứ hai
Lại có định kiên cố
Một trăm năm thứ ba
Trì giới không hủy hoại
Một trăm năm thứ tư
Nhiều người được đa văn
Một trăm năm thứ năm
Nhiều người thích bố thí
Từ đó pháp Như-lai
Giảm dần trong từng niệm
Như bánh xe đã quay
Sẽ dừng lại từ từ
Lý do chánh pháp ẩn
Là lỗi của A-Nan
Đã xin bậc Điều ngự
Cho người nữ xuất gia
Đáng lẽ chánh pháp trụ
Đầy đủ một ngàn năm
Giảm còn năm trăm năm
Còn lại đều như cũ
Vì thế năm trăm năm
Năm pháp được phát triển
Giải thoát, định, trì giới
Đa văn và bố thí.