PHẬT THUYẾT TỨ TỰ XÂM KINH
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Trúc Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Đức Phật dạy:
–Sớm tối không học, già không dứt bỏ dâm. Được của cải không bố thí, không thọ nhận giáo pháp của Phật. Bốn điều này do tâm tạo nên, trở lại làm hư hoại chính mình. Từ xưa, giàu sang bao kẻ tự cao, phóng đãng, như những vua chúa, cho đến hàng phàm phu ngu dốt, chỉ biết ngày tháng qua mau, không nhận thức được mạng sống đã hết, nên cứ tham, sân, si, tự dâm loạn, kiêu căng, làm giàu, còn hiện đang sống thì không thích kinh pháp, ghét nghe những việc tự hại, tâm ý cứ giong ruổi, buông lung, không kiềm chế. Bây giờ, đói khát ập đến, tự mình không thể suy nghĩ về những thứ nhơ bẩn, hôi thối, bất tịnh của chín lỗ thải ra. Đi, đứng, nằm, ngồi… trăm mối việc đều do gốc khổ não, vậy mà khinh thường pháp lớn, không hiểu rõ, cứ luôn tham đắm thân này. Đến lúc già bệnh, dung mạo thay đổi, có ham muốn năm dục lạc cũng không được nữa. Khi nằm trên giường bệnh, tâm rối loạn không an, tử thần bỗng ập đến thì thân thể bại hoại, đâu còn được lâu, chết sống luôn tiếp nối nên đường ác cũng không dứt. Mạng sống của ta luôn đi với chết sống, khổ não, ưu sầu. Lúc đó mà quán xét, thì người nào còn ham sắc, vui chơi, ca múa, xướng hát, thời gian kéo dài được bao lâu? Nếu trong từng hơi thở mà trí tuệ sáng suốt thì có thể sửa đổi được ý chí của mình. Giữ thân hoàn toàn trong sạch, biết rõ tất cả mọi vật nơi thế gian này đều hư hoại. Giả sử ca nhạc mà mọi người không ưa thích, không cho đó là vui, thì người ca hát ấy rất xấu hổ. Còn như mọi người mê say ưa thích thì đến khi bệnh hoạn mới thấy buồn khổ. Lúc an ổn trăm mỗi vạn sự thì không chịu lo nghĩ, để rồi thân chuốc lấy bao thứ nghiệp tội, tai họa ứng theo, không thể tránh khỏi. Thân như cái bình được vẽ vời bên ngoài, nhưng bên trong chứa đầy các thứ cấu uế, máu mủ hôi thối, giống như túi da chứa đầy các thứ bất tịnh máu mủ hôi thối, giống như túi da chứa đầy đồ cấu uế. Không biết trong ngoài thân rồi đây sẽ hư hoại, vậy mà cứ luôn dùng nhan sắc, phấn son để trang sức, tự cho mình là xinh đẹp không ai sánh bằng, không biết xem xét những thứ nhơ nhớp tiết ra từ chín lỗ. Hạng người này bị quấn trong lưới ái thì làm sao có thể quán xét thân như huyễn, như hóa, biến mất trong chốc lát? Chỉ có bậc Đạo sĩ mới thấy rõ sự mê lầm của người thế tục. Những người thế tục chỉ luôn nghĩ đế bản thân, để ý những việc rối rắm và tranh cãi những việc không quan trọng. Họa từ miệng mà ra, để rồi ngàn tai ương vạn tội lỗi lại buộc trói lấy thân, hoặc làm tổn hại nhau, giận dữ thành oán thù. Tất cả đều do tâm gây ra để tranh giành lợi lạc. Hạng ngu si không biết cái nhân của đạo nghĩa, sự mê lầm của thế tục giả nên già chết ùa đến không chút tự tại. Những bậc nhân hiền, trí thức mới có thể hiểu sâu về của cải vô thường, nhanh như mưa gió âp đến, như ánh chớp, như mộng, như thường, như huyễn hóa, như dợn nắng. Khi vô thường đến, ai cũng lo buồn, giống như dây móc xích, đầu đuôi quấn dính với nhau, không thể xa lìa ngục sáu suy (sáu trần), năm ấm.
Lại bất hiếu với sư phụ, tránh xa đạo tuệ, tham thân cốt nhục, dâm dục không ngừng. Tai, mắt, mũi, miệng, thân và tâm chỉ trong các tai họa, còn nhiều hơn cây cỏ mọc trong trời đất. Tâm gắn với ân ái đã rộng lại dài, dụ như sông biển. Từ khi sinh ra cho đến già, trải qua bao nhiêu sự việc. Tuy có dung mạo đẹp đẽ, nhưng quán xét thật kỹ chỉ là vô thường, khổ, không, vô ngã, thế mà ta lại mê lầm về nó. Do bị tà lợi mà chìm đắm nơi năm thứ âm thanh, giấu kín bên trong không thể thâu giữ tâm nên cứ giong ruổi khắp nơi, tạo ra những nghiệp thế tục. Mỗi một niệm trong thời khắc, trong mỗi bước đi, không một chút an lành. Phải quyết chí điều phục tâm, diệt trừ các nguy hoạn, bằng không, giống như trẻ con không phân biệt được tốt xấu, phân dơ uế tạp. Cho nên phải siêng năng, tinh tấn, dứt bỏ điều xấu ác, không ích lợi, thì mới lìa bỏ các khổ não hủ bại nơi sinh, già, bệnh, chết. Tự mình cần phải tư duy, từ cõi trời Tam thập tam, Vô tư tưởng, đều ở trong cái nạn luân hồi nơi ba cõi. Người phát tâm học đạo nếu hiểu đạo không vững chắc, trở lại tham quyến thân thể, để tâm ý tán loạn thì trở lại bị đọa trong sáu tình. Cho nên phải tư duy thật kỹ, dù sống hay chết phải chánh niệm để không còn luân hồi.
Người ham ưa sắc vị nên không dứt được các tình, ngược lại còn sợ giới cấm, không diệt trừ các thứ nghi ngờ, luôn chạy theo những việc trước mắt, cho đó là thường còn, nên cứ mãi luân hồi trong năm đường để chịu quả báo. Nên cắt bỏ sáu tình, diệt trừ năm ấm thì tu hành mới được an ổn. Nếu thấy những gì khiến khởi tâm ưa thích thì nên cảnh tỉnh, không tiếp nhận sáu nhập thì không lo sợ, đã không lo sợ tức là đã nhập vào đạo tràng, đến được cửa trí tuệ.
Người tu học tâm còn do dự, không chuyên nhất, nửa tiến nửa lui cho nên bị mê lầm, cứ luân hồi mãi mãi. Giả dụ mà nói, trước đây từng là thù oán nhau, về sau hòa thuận, đưa đến thân mật. Trước đây là người dũng cảm mà về sau thành kẻ nhút nhát, sợ hãi, dù một lòng hướng đến đạo nhưng nửa chừng trái phạm thì trở lại rơi vào sáu nhập. Khi trở lại trong năm đường thì chịu khổ não của sinh tử, ăn khổ uống độc, nhai nuốt lẫn nhau, không biết thân thích, không nhận ra tông môn, tự mình chẳng biết rõ, chỉ có Phật thánh cao vời mới nhận thấy sự đau đớn của đám người bị lạc đường mà rủ lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả, thương xót mọi loài. Vô số hữu tình không chịu hòa thuận, cứ ôm chặt theo kiến chấp riêng của mình, không chịu chuyển đổi.
Giả sử có người một lòng muốn được giải thoát, thì phải tư duy cho kỹ, nhất tâm hành đạo. Chớ cho thân tộc, dòng họ, nhà cửa của ta, chớ tham luyến ân ái. Phải biết tất cả những thứ ấy đều là vô thường, nhờ vay mượn mà có thân này, hòa hợp với nhau nhưng rồi cũng phải biệt ly, đau buồn. Tất cả chỉ nhờ vào nhân duyên nhưng rồi vạn vật đều hư hoại, không có cái gì là của ta. Nếu hiểu rõ tất cả là hư hoại thì mới có thể hóa độ muôn loài trong mười phương thiên hạ. Những người biết rõ nghiệp đạo nên ban cho, không một nghi ngờ, nhưng có lòng sân giận, xả bỏ tham ái và đoạn tận các nhân duyên. Đạo nhân quán sát được điều đó hay không? Bên trong phải tự quán sát thân mình giống như mộng huyễn, giống như binh lính, dù có đông cả trăm vạn nhưng cũng đều nhờ cậy và danh tướng để diệt trừ quân địch. Đạo nhân điều phục tâm phải chế ngự tâm ý, tu hành theo chánh pháp, phụng hành Thánh đạo, thực hiện giới cấm, giữ thân tâm được thanh tịnh, ban bố các ân đức, trừ bỏ lòng kiêu mạn, sân giận, tránh xa kiện tụng, tranh cãi, phải chuyên tinh hành đạo, không bị chướng ngại, phải quyết đi đúng quy cũ. Giống như danh tướng thống lãnh quân binh, trước tiên tự sửa tâm mình cho chánh trực. Nếu việc làm và tâm ý đều chánh trực thì không bị thua. Đã không bị thua thì bạn bè không lìa bỏ và trở nên hùng mạnh không ai bằng, lúc đó mới biết sự tôn quý của đạo. Giống như việc làm của người thế gian khác nhau: Người thì thờ Thiên thần, đất, nước, lửa, gió, mặt trời, mặt trăng, sông, núi, quỷ thần, nhưng hoàn toàn không có lợi ích, cho nên cứ quay tròn trong đường sinh tử, không làm sao thoát khỏi màn lưới của lao ngục. Họ chỉ mong muốn được sống lâu, vui chơi buông lung dù sống đến trăm tuổi, ngàn tuổi thì có gì đáng nói. Hội họp rồi tất có chia ly. Thà hành đạo một ngày có giá trị còn hơn là sống trăm năm mà không nghĩ đến vô thường, ngược lại còn nặng trĩu tham ái. Nói có cha mẹ, anh em, thân tộc, nội ngoại, nhưng đến khi bệnh tật ập tới, nằm liệt trên giường, dù thân quyến có hiểu biết hay muốn gánh lấy cái đau khổ ấy cũng không thể được, chỉ có người bệnh mới thấy rõ nỗi khổ đó thôi. Thân thích năm dòng nói là lợi ích nhưng thường ràng buộc khiến cho bao người phải chịu khổ cực. Họ mưu sống tùy thời cấp cho đủ để rồi chìm đắm trong tham lam, tự trói, tự hại, lo nghĩ về dòng họ gây trở ngại và phế bỏ việc làm thiện, làm loạn đạo tâm. Đến khi già, bệnh, chết thì thiện ác, khổ vui riêng mình gánh lấy, không ai thay thế được. Những ai chưa hiểu đạo đều có tâm niệm này nên không bố thí, người giữ đạo tạo đức hay bố thí nên đời này, đời sau luôn được an ổn, làm hành trang trong sinh tử, đời đời được giàu sang, xe cộ, voi ngựa, nhà cửa, vàng bạc… nhiều không thể nói hết. Cha mẹ, anh em, vợ con, bè bạn đều nhờ đó mà được an vui. Ai bố thí mà người bên cạnh hoan hỷ, giúp đỡ thì người giúp đỡ ấy được phước đức vô lượng, huống chi là người chủ tự tay mình đem cho. Đời sau sinh ra chỗ nào cũng được phước báo như bóng theo hình, như tiếng vang vọng lại.
Không có ấm cái (ngăn che) thì gọi là Nê-hoàn, Nê-hoàn ấy là nơi không có năm ấm, mặt trời, mặt trăng, sao, gió, mưa, sáng, tối, bất hư, bất thực, không có năm tháng, không già, bệnh, chết, không có ảnh hưởng của tiếng vang, không trở lại thân năm ấm này nữa. Do hợp với đạo nên sống lâu, an ổn, mãi mãi trường tồn, hưởng diệu lạc không lường. Điều này người đời không thể tường tận được, chỉ người có trí tuệ mới hiểu rõ mà thôi. Nói một cách khác là có thể thành Phật. Đạo của bậc Chân nhân thì kẻ ngu tối không chịu thực hành, chỉ nghĩ đến thân thể để rồi phải chịu nghiệp già, bệnh, chết, đau đớn, với bao nhiêu là thống khổ. Giống như ta gieo trồng ngũ cốc rồi lại ăn chúng. Thiện, ác cũng như vậy, đều do mình tạo ra nhận lấy. Vốn đã gieo trồng khổ não đã không biết sợ, nhưng lại không sợ già, bệnh, chết? Thân bốn đại không thể tránh khỏi nạn ấy. Nước, lửa, giặc cướp, oan gia, chủ nợ, quan quyền, tất cả việc ấy đều phải sợ. Không biết khổ ấy vốn do đâu sinh, ngược lại còn tham dục. Con người sống trên đời luôn tạo ra sầu ưu, đâu phải do trời đem đến, chẳng phải đạo khiến như thế, tất cả đều do đời trước mình tạo ra các nghiệp nên bây giờ tự mình gánh lấy. Người học đạo muốn cầu giải thoát rất dễ, không khó, cũng không khổ cực, chỉ có điều là tâm ý phải tinh tấn, chuyên tâm cầu đạo, tin tưởng vào lời dạy của Đức Phật, điều phục tâm một cách mạnh mẽ để được trí tuệ sáng suốt như quả báo tốt đẹp. Giống như sư tử ra oai thì các loài thú khác đều phải hàng phục. Ví như người đời không hiểu biết khổ là khổ, như con heo ở trong chuồng đầy phân nhơ hôi thối, nhưng nó đâu biết hôi thối. Lại như con thiêu thân đâm đầu vào lửa, hạng ngu si xằng bậy cứ chạy theo chỗ ham thích của tâm. Nếu thấy tà dâm là lao thân vào ngục ái, tham đắm sinh tử mà không biết khổ não trong sinh tử, tự cho là thỏa mãn vui thích bậc nhất. Dù có thông suốt thiên văn, địa lý nhưng không rõ hết sự thật về sự biểu hiện của mặt trời, mặt trăng, trời, đất, mà lại cầu số thuật trường sinh bất tử, chỉ ham những việc rối rắm, tranh nhau xưng là tôn quý. Tham đắm vinh hiển, danh tiếng, kiêu sa, phóng dật, muốn bao kẻ hàng phục mình, ra oai với trời đất nhằm khiến mọi người sợ hãi mà kính thờ, tự cho là đầy đủ nhất đương thời.
Đức Phật thấy muôn ngàn sự ngu tối của chúng sinh nên dùng chánh pháp để hóa độ. Những điều mà Tiên, Thánh trừ bỏ thì người đời thương tiếc, cầu lợi, muốn được càng nhiều, muốn được hoan lạc giàu có, năm dục tràn đầy, mãi mê theo đường tục không thể nào ra khỏi. Giống như bị tù trong lao ngục, bị gông cùm trong ngũ mộc thì làm sao tự mình có thể thoát được? Khổ thay! Hạng người ấy cứ luân hồi trong sinh tử, giống như bánh xe lăn, vô cùng vô cực không dừng nghỉ. Ai muốn trừ bỏ các dục thì giống như mở cửa ngục, như chim thoát khỏi lưới.
Người học đạo cứ quyến luyến thân thuộc, vợ con, cho nên tự mình luôn mê muội, không đạt đến Nê-hoàn. Các vị đến trong pháp hội nghe Đức Phật thuyết pháp như vậy đều nhất tâm rời tục, xa lìa sự đắm chấp, liền dũng mãnh tinh tấn, làm lễ lui ra.