SỐ 128 (A)
KINH TU-MA-ĐỀ NỮ
Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Trong thành ấy, nơi gia đình trưởng giả A-na-bân-trì có người con gái tên Tu-ma-đề. Cô này đã trồng nhân lành từ lâu đời nên tự nhiên đặc biệt hơn người thọ trì hạnh cao thượng của Phật, tịnh tâm trong phòng thanh tịnh có tính cách huyền diệu.
Trong thời ấy, ở thành Mãn phú, có trưởng giả Mãn Tài, lặn lội đi đến các nước xa để tìm thiếu nữ chính chuyên. Nhân dịp tới thành Xá-vệ, ông ta gặp gỡ trưởng giả Bân-trì. Trà tiệc xong hai bên vẫn vui vẻ tâm sự. Nàng Tu-ma-đề kính nể vị ấy là bậc Tôn trưởng nên ra chào hỏi và thu dọn với cử chỉ thùy mị, thân hình xinh đẹp, mặt tươi như trăng vừa tròn, mắt long lanh như ánh sáng sao băng. Mãn Tài hỏi Bân-trì:
–Cô con gái này là con gái nhà ai?
Bân-trì đáp:
–Đó là con gái tôi.
Mãn Tài nghe như vậy rất vui mừng, khen ngợi, nói:
–Tôi với bạn quen nhau từ nhỏ, tình nghĩa tròn đầy, không như người ngoài. Tôi có con trai, đang muốn chọn người đoan trang, nhưng chưa định nơi nào. Con gái bạn có thể kết hôn với con tôi.
Trưởng giả Bân-trì nói:
–Việc này không nên.
Mãn Tài giận trách:
–Tại sao việc này lại không nên? Vì không môn đăng hộ đối hay mức sống chênh lệch? Bạn hào tộc phú quý, tôi cũng hào tộc phú quý; vậy tại sao việc này lại không nên?
Bân-trì trình bày:
–Con gái tôi luôn luôn niệm Phật, giữ gìn trai giới, gia đình bạn theo truyền thống thờ thần sát sinh ăn uống đồ mặn. Vì truyền thống không đồng nên việc này không nên.
Mãn Tài bảo Bân-trì:
–Gia đình bạn tự cúng dường theo tín ngưỡng riêng. Gia đình tôi tự cúng dường theo tín ngưỡng riêng. Tuy tín ngưỡng khác nhau, mỗi người làm theo điều hay của mình, có trở ngại gì?
Bấy giờ Bân-trì không muốn gả con, nên cố đưa ra điều khó khăn để từ chối:
–Tôi đòi hỏi bạn phải có vạn cân vàng ròng, trăm hạt minh châu, gan rồng làm sính lễ, đưa tủy của Phụng hoàng sinh làm thức ăn. Nếu được như vậy tôi sẽ gả con.
Trưởng giả Mãn Tài nghe vậy rất mừng, hứa:
–Tôi có thể cung ứng thỏa mãn mọi yêu cầu.
Bân-trì lại nói:
–Tôi đưa ra thế cho vui chứ chưa thật tình. Tôi phải xin ý kiến của Đức Phật, sau đó mới quyết định.
Trưởng giả Bân-trì liền đến hỏi Phật:
–Bạch Thế Tôn, nay trưởng giả Mãn Tài ở thành Mãn phú, cầu hôn Tu-ma-đề nữ cho con trai ông ta, vậy con nên đồng ý hay không?
Phật dạy:
–Nếu gả Tu-ma-đề nữ sang nước kia thì sẽ độ vô số chúng dân không thể tính hết được.
Bân-trì trở về nói với Mãn Tài:
–Sau đây mười lăm ngày, gia đình bạn phải chuẩn bị đầy đủ lễ nghi. Mãn Tài nghe xong vui mừng, vội vã trở về nhà.
Thời bấy giờ, thành Mãn phú cách xa thành Xá-vệ ba ngàn hai trăm dặm. Trưởng giả Mãn Tài trên đường đi sử dụng đoàn xe gồm vạn chiếc, tùy tùng đi theo như đám ngựa đẹp, cờ bay rợp trời, tiếng chuông vang đất, thể nữ luân phiên giúp đỡ, hầu trai thay nhau phục vụ.
Trước đó, trưởng giả A-na-bân-trì đã làm cho con gái mình mười hai loại xe quý. Đầu tiên dùng hoa sen đỏ lót bên trong, ngọc ma-ni phủ bên ngoài, giăng nhiều lớp vàng ròng, vây quanh bằng lưới bạc trắng, trưng bày hổ phách, san hô, lưu ly, xa cừ, lẫn với mã não chen giữa thủy tinh; lưu ly xếp hàng sáng rực trang trí khắp nơi, lại treo nhiều lớp đá tía khắp nơi, lay động tự nhiên. Do đó, các loại ánh sáng cùng phát ra phản chiếu lên nhau. Người đứng xa nhìn bỗng thấy bóng bên Đông nghiêng sang bên Tây. Đứng gần xem thì hai mắt chói lòa.
Thuở ấy, nơi thành Mãn phú đã có quy chế từ trước là dân trong thành có con gái gả sang nước khác phải bị phạt nặng. Ai tìm vợ ở nước khác đưa về trong thành cũng bị phạt nặng. Người phạm quy chế này thì bị phạt bằng cách phải cúng dường cho sáu ngàn Phạm chí và đủ các món ăn theo yêu cầu của họ là canh xúp thịt heo, rượu cất ba lần. Ông Mãn Tài biết mình phạm quy chế, nên thỉnh nhiều nhóm Phạm chí đến nhà bày những bàn tiệc lớn, sai Tu-ma-đề nữ làm lễ các Phạm chí ấy. Tu-ma-đề nữ nói:
–Tôi tuy phận gái nhưng ý chí cương cường không thể chịu khuất phục. Thầy trò đám Phạm chí này khác nào một đàn bò, nghé. Thân hình xấu xí, tham ăn vị ngon, không chút hổ thẹn, khác gì súc sinh. Thà chịu hình phạt, chứ tôi không thể nào lễ bái họ.
Bấy giờ, sáu ngàn Phạm chí nghe nói thế đều tức giận bảo:
–Tiện tỳ con nhà dân dã hèn mọn ở đâu, dám đến đây nhục mạ chúng ta.
Ngay khi đó, họ bèn giải tán, rồi đi đến các nơi bảo với những nhóm chống đối, chọn lúc cùng dẫn tới giết sạch nhà Mãn Tài và năm họ của ông ta. Ông Mãn Tài nghe tin vội trốn ngay lên lầu cao, kêu trời oán đất:
–Tại sao đòi làm hại cả năm họ của tôi.
Vì thế, ông ta lo buồn không biết giải quyết bằng cách nào.
Bấy giờ Tu-bạt bay lên lầu, thấy Mãn Tài ưu sầu, bèn hỏi:
–Bạn vừa bị trộm cướp xâm phạm hay trong nhà vừa có người chết chưa chôn, mà dung mạo ưu sầu như vậy?
Mãn Tài đáp:
–Chẳng phải người chết, hay bị trộm cướp gì cả, chỉ vì hôm qua con dâu tôi hủy báng, nhục mạ các sư trưởng khiến bị liên hệ đến năm họ, vì vậy nên tôi ưu sầu không cách gì giải quyết.
Tu-bạt hỏi Mãn Tài:
–Bạn cưới dâu ở đâu?
Mãn Tài đáp:
–Con gái của trưởng giả Bân-trì ở thành Xá-vệ.
Tu-bạt nghe vậy kinh hoàng, sợ hãi nói:
–Nay con dâu bạn đến ở đây, chúng ta sắp gặp một chuyện quan trọng lắm.
Mãn Tài hỏi:
–Tại sao bạn biết việc này?
Tu-bạt trả lời:
–Trước đây, tôi cùng vị Sa-di nhỏ nhất mới ba, bốn tuổi của Xá-lợi-phất tên Quân-đầu, đi đến phía Bắc Tuyết sơn khất thực, vừa đầy một bát. Tôi liền bay lên cao đến bờ ao A-nậu. Tại bờ ao ấy, có Trời, Rồng, Quỷ thần hộ vệ hồ nước, không cho tôi đến gần.
Lúc ấy Sa-di Quân-đầu cũng vừa bay tới. Trời, Rồng, Quỷ thần lại vui mừng tán thán: “Lành thay!” Rồi dùng chiếc án bằng vàng mời ngồi, phụng sự hết sức chu đáo. Chỉ trong khoảnh khắc, Quân-đầu đã vượt lên định Tứ không rồi trở về chỗ cũ. Đây là vị Sa-di rất nhỏ mà có thần đức như vậy, huống chi là Bậc Đại Sư mà họ tôn thờ.
Mãn Tài hỏi:
–Có thể gặp được Bậc Đại Sư của họ không?
Tu-bạt đáp:
–Nếu muốn gặp Đại Sư của họ, tốt nhất là nhờ Tu-ma-đề nữ. Mãn Tài liền xuống lầu, cung kính nói với Tu-ma-đề nữ:
–Vị Đại Sư con đang tôn thờ, có thể gặp Ngài được không?
Tu-ma-đề đáp:
–Nếu trưởng giả hồi tâm chuyển ý, tự mình dốc hết sức hướng về đạo đức. Con sẽ vì trưởng giả, xoa hương vào thân lên lầu thỉnh Ngài ở nơi xa. Tu-ma-đề nữ nói xong liền dùng hương xoa vào thân, đi lên tầng lầu cao nhất hướng về Đức Phật, bạch:
–Thế Tôn, con gái đang găp nạn vì bọn tà áp bức. Ngưỡng mong Thế Tôn đại Từ đại Bi cứu giúp qua nguy ách.
Bấy giờ mùi hương như mây bay qua đến tinh xá Kỳ hoàn, Tôn giả A-nan thấy mùi hương khác với mùi hương thường gặp, bèn bạch Phật:
–Thế Tôn, mùi hương này là mùi hương lạ bay từ đâu đến?
Đức Phật nói:
–Mùi hương này là hương của sứ giả tìm đến gặp Phật. Tu-ma-đề nữ đang ở thành Mãn phú, bị các tà đạo áp bức, nên khiến mùi hương này tìm đến đây thỉnh Ta và các ông. Hãy mau đánh kiền chùy tập hợp chúng, tất cả hội tụ tại giảng đường, bảo họ rằng: “Nay Tu-ma-đề nữ đang ở thành Mãn phú bị chúng tà đạo áp bức, nên sai mùi hương đến thỉnh Phật và hiện tiền đại chúng. Nếu vị nào chứng đắc thần thông thì nhận thẻ, ai chưa chứng đắc thì im lặng”.
Lúc ấy, trong chúng hội có các vị Châu-lợi-bàn-đặc-già, Phật tử La-vân, Tu-bồ-đề, Xá-lợi-phất, Ca-diếp, Mục-kiền-liên… Trong chúng có một Sa-di tên Quân-đầu chưa thọ giới Cụ túc, nhưng là người nhận thẻ đầu tiên. Sau khi giám sát lộ trình của Thánh chúng sẽ đi, A-nan bạch Phật:
–Trong nước kia không có dụng cụ lớn để nấu thức ăn. Càn Tự được sai vác chảo lớn đi trước. Càn Tự tuy là người thừa hành, nhưng đầy đủ ngũ thông, lưng vác chảo lớn vạn hộc, tay cầm chảo lớn trăm hộc, vọt thân bay cao hướng về nước ấy.
Bấy giờ Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta thấy một người lưng vác chảo lớn ngàn hộc, tay cầm muỗng lớn trăm hộc, từ không trung bay đến đây, có phải là Thầy con không?
Tu-ma-đề nói:
–Đó không phải là Thầy con, mà là sứ giả của Tăng chúng tên Càn Tự. Thế Tôn muốn đến đây nên sai vác chảo đi trước. Tiếp theo là Sa-di Quân-đầu, hóa ra trăm cây hoa, ngồi kiết già trên các cây hoa ấy, vọt thân bay lên cao cũng hướng về nước kia. Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta trông thấy có người ngồi kiết già trên trăm cây hoa. Từ hư không bay đến đây, đó là Thầy của con phải không?
Tu-ma-đề thưa:
–Không phải là Thầy con. Đó là vị Sa-di nhỏ nhất của ngài Xá- lợi-phất tên là Quân-đầu. Rồi đến Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc hóa ra năm trăm con sư tử, cùng rống lên một loạt tiếng, bay từng hàng chạy theo nhau, Tôn giả kiết già trên chúng, vọt thân bay cao, hướng về nước ấy. Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta trông thấy năm trăm con sư tử cùng rống lên một loạt tiếng, bay từng hàng chạy theo nhau, người ngồi kiết già trên chúng, từ hư không bay đến đây là Thầy con phải không?
Đáp:
–Đấy không phải là Thầy con, mà là đệ tử của Đức Như Lai tên Châu-lợi-bàn-đặc-già.
Đến lượt Phật tử La-vân hóa ra năm trăm Kim sí điểu vương, ngồi kiết già trên chúng, vọt thân bay cao hướng về nước đó. Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta trông thấy năm trăm Kim sí điểu vương, có người ngồi kiết già trên chúng, từ hư không bay đến đây, đó là Thầy con chăng?
Đáp:
–Đó không phải là Thầy con, là Phật tử La-vân, đệ tử của Đức Như Lai. Tiếp đến, Tôn giả Tu-bồ-đề hóa ra năm trăm voi chúa, đều có sáu ngà, mang bành vàng, ngồi kiết già trên chúng, vọt thân đằng vân lên hư không cũng hướng về nước kia. Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta trông thấy năm trăm voi chúa đều có sáu ngà, mang bành vàng, có người ngồi kiết già trên chúng, từ hư không bay đến đây, đó là Thầy con phải không?
Đáp:
–Không phải là Thầy con, đó là đệ tử của Đức Như Lai, tên Tu-bồ-đề. Tới lượt Mục-kiền-liên hóa ra bảy núi báu, ngồi kiết già trên chúng, vọt thân bay cao, hướng về nước ấy. Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta nhìn thấy bảy núi báu, có người ngồi kiết già trên chúng, từ hư không bay đến đây, đó là Thầy con chăng?
Tu-ma-đề nữ đáp:
–Đó không phải là Thầy con, mà là vị đệ tử thần túc bậc nhất của Đức Như Lai tên Mục-kiền-liên.
Đến lượt Thượng tọa Đại Ca-diếp hóa ra năm trăm con rồng lớn, đều có mặt trời sáng vọt lên hư không. Ngài ngồi kiết già trên chúng, vọt thân bay cao hướng về nước kia. Mãn Tài ở tầng lầu chót từ xa trông thấy, bảo Tu-ma-đề:
–Ta trông thấy năm trăm rồng lớn đều có bảy đầu như mặt trời sáng vọt lên trời, có người ngồi kiết già tên chúng, từ hư không bay đến, đó là Thầy con chăng?
Tu-ma-đề nữ đáp:
–Không phải là Thầy con, mà là Thượng tọa Ca-diếp, đệ tử của Đức Như Lai.
Bấy giờ Tu-ma-đề nữ vì trưởng giả nói kệ:
Thầy tôi sắp đến đây
Quang minh không ai bằng
Trưởng giả nhất tâm niệm
Đừng nghĩ tưởng chuyện khác.
Lúc ấy Đức Như Lai biết tâm niệm của chúng sinh đã đến lúc gặp cơ hội sẽ được hóa độ, Ngài bèn đắp y Tăng-già-lê, bay lên hư không cao cách mặt đất bảy cây đa-la, sắc thân màu vàng ròng, ánh sáng chiếu đẹp đẽ rực rỡ. A-nhã-xa-lân ở bên trái Như Lai, Xá-lợi-phất thì ở bên phải, A-nan nương theo uy thân của Phật hầu ở bên trái Như Lai. Các Tỳ-kheo khác tự mình hiện thần biến với trăm ngàn vạn cách, giăng kín cả hư không, nương theo mây đến chốn đó. A-nhã-xa-lân hóa thành Nguyệt thiên tử, Xá-lợi-phất hóa thành Nhật thiên tử, các Tỳ-kheo khác hóa thành Trì Quốc thiên vương, hoặc hóa làm Tăng Trưởng thiên vương, có vị hóa thành Tula vương, Càn-thát-bà vương, đánh trống, đàn; binh đua nhau nổi dậy hằng-hà-sa số. A-tu-luân phía Đông đưa quân đánh dẹp quân ma hầu. Chuyển luân thánh vương ở phía Tây đưa quân bình định quân ma công. Càn-thát-bà vương trong tay thống lãnh trăm ức ma binh, lùi lại tuần hành ở hậu quân. Phạm thiên vương làm đô lục trung quân. Văn-thù-sư-lợi cùng với Như Lai làm khuôn bộ đại thần, thống lãnh trong ngoài, quản lý các đội quân một lòng phát khởi. Lực sĩ Mật Tích tay cầm chùy Kim cang hộ vệ hai bên Như Lai. Thiên ma Ba-tuần tay ôm đàn lưu ly tán dương đại pháp. Tỳ- sa-môn tay cầm lọng lớn bằng bảy báu che trên chỗ cao nhất của Đức Như Lai. Các vị Hiền thánh khác đều ở trên hư không tấu nhạc ca xướng.
Bấy giờ Đức Như Lai hiện tướng thần biến trăm ngàn vạn loại tiếng chuông, vang dậy cả mặt đất. Ngay lúc ấy, hoặc Ngài hiện thần thông biến hóa, hoặc nhập Hỏa vương Tam-muội khói lửa rực rỡ, hoặc nhập Thủy vương Tam-muội cát bay sóng vọt, hoặc hóa điện quang sáng rực của lôi công, hoặc hóa sương bay mưa đá nổi dậy. Ngay lúc ấy, mây mười phương kéo đến, trời đất chuyển động.
Trăm dòng hướng về phương Tây, ánh sáng phương Đông bị chìm mất. Năng lực của Bậc Thánh như vậy, không nơi nào là không kính phục. Khi đó sáu ngàn ngoại đạo thảy đều phục tùng thần hóa. Thế Tôn làm cho Tu-ma-đề nữ đạt được pháp nhãn thông suốt. Trong thành sáng rực, có tới tám vạn bốn ngàn người dân, đồng thời thấy được đạo pháp.
Bấy giờ Đức Như Lai thu nhiếp Thánh chúng, cùng nhau trở về tinh xá Kỳ hoàn. Đại đức A-nan bước ra trước, quỳ bái, chắp tay, bạch Phật:
–Thế Tôn, Tu-ma-đề nữ này có nhân duyên gì, thường được sinh trong nhà đại phú, lại ở nơi lưới tà ngoại đạo, không chuyển thân nữ, nay được pháp nhãn, dân chúng trong thành đồng thời được đạo. Ngưỡng mong Thế Tôn giảng về quá khứ của Tu-ma-đề.
Đức Phật nói với A-nan:
–Các ông hãy lắng nghe, Ta sẽ nói cho các ông rõ. Về thời quá khứ, vào thời Đức Phật Ca-diếp có một vương nữ, ở trên tầng lầu cao nhất hướng về tương lai, thường phát lời nguyện lớn: “Tôi luôn được sinh vào nhà đại phú, sinh ra thường được gặp Đức Phật, bố thí chúng sinh tâm không thoái chuyển, không chuyển thân nữ được ngay pháp nhãn”. Dân chúng trong thành đều phát thệ nguyện: “Cùng nhau tôn sùng trai giới, tích lũy công đức”. Do nhân duyên ấy nên nay được gặp Ta, hóa độ cho tất cả. Này A-nan, đại nguyện cho tương lai không thể không phát, người nghe không thể không hỗ trợ. Vương nữ lúc ấy, nay chính là Tu-ma-đề nữ, còn nhân dân trong thành nay là bốn vạn tám ngàn người của thành Mãn phú.
Các vị Tỳ-kheo Tăng, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, chư Thiên, Long vương, bát bộ… nghe kinh này đều làm lễ, hoan hỷ phụng hành.