KINH THẮNG MAN GIẢNG KÝ

III. PHẦN LƯU THÔNG 

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn phóng hào quang thắng diệu chiếu khắp đại chúng, rồi bay lên hư không độ cao bảy cây Đa La, đi trên hư không mà trở về nước Xá Vệ. Lúc đó Thắng Man phu nhơn và các quyến thuộc chắp tay ngưỡng mộ nhìn theo Phật, lòng không chán mỏi. Mắt quán xem theo dõi không rời cái cảnh tượng vừa rồi, lòng vô cùng hớn hở vui mừng, ai nấy đều khen ngợi tán thán công đức của Như Lai, đều nghĩ nhớ đến Phật. Thắng Man trở vào thành nội, đến chỗ vương phu tức vua Hữu Xứng, hết lời khen ngợi pháp Đại thừa. Các trẻ gái trong thành tuổi từ bảy trở lên đều được bà giáo hóa Phật pháp Đại thừa. Quốc vương Hữu Xứng thọ trì pháp Đại thừa, cũng dùng pháp Đại thừa giáo hóa các trẻ trai từ bảy tuổi trở lên. Do đó, khắp trong nước nhân dân đều hướng về Đại thừa.

LỜI GIẢI:

Phật pháp không những lợi ích đại chúng thời đó mà còn lợi ích cho chúng sanh đời vị lai. Vì vậy, kinh Đại thừa đều có lời Phật phó chúc ở phần lưu thông. Thắng Man ở trước đức Phật tuyên nói Đại thừa pháp, được sự ấn chứng của Phật. Vì vậy, Thắng Man từ đó về sau vẫn không dứt hoằng dương pháp môn Đại thừa này.

Nhơn vì lòng Thắng Man quá ư khẩn thiết thành tín mà cảm thông đến đức Phật, nên đức Phật đã đích thân vào nước Du Xà của bà để hoằng hóa. Khi pháp sự hoàn mãn, Thế Tôn lại phóng hào quang thù thắng tịnh diệu chiếu khắp đại chúng, giống như Ngài đến. Khi đến, Phật hiện ở không trung, rồi từ không trung mà xuống. Giờ đây nói pháp xong, pháp sự viên mãn, Phật lại từ đất dùng thần thông lên không trung cao bảy cây Đa La. Mỗi cây Đa La cao bảy thước, nghĩa là độ chừng năm trượng. Sau khi Phật bay lên hư không, chân đi trên hư không, tức là dùng thần thông lực, đi trên hư không để về lại nước Xá Vệ. Đang khi đức Phật trở về, Thắng Man phu nhơn cùng chư quyến thuộc chắp tay cung kính hướng nhìn theo Phật để tiễn đưa. Mọi người cung kính ái mộ Phật không dứt. Vì vậy mà Phật đã đi xa rồi, mắt họ vẫn còn ngưỡng vọng nhìn theo không rời, không mỏi, không thấy đủ. Đại chúng ngưỡng vọng cho đến khi hình ảnh Phật lẫn trong mây tít mù, mắt không còn thấy nữa, mà lòng vẫn muốn nhìn, mới thôi.

Sau khi Thắng Man và mọi người dùng tâm thành khẩn, mắt kính mến tiễn đưa đức Phật trở về nước Xá Vệ, ai nấy lòng đầy pháp hỷ, nên vô cùng khấp khởi vui mừng. Thắng Man và quyến thuộc mỗi người đều khen ngợi Như Lai công đức không thể nghĩ bàn. Rồi ai nấy đều nghĩ nhớ đến Phật, trở vào trong thành. Nghĩ nhớ có nghĩa là tâm luôn buộc chặt hình ảnh Phật, hình ảnh Phật luôn luôn ngự trị nơi lòng, nên cũng gọi là niệm Phật. Đối với Phật hoàn toàn thấu rõ, niệm niệm ghi nhớ hành theo, mới gọi là “niệm Phật đầy đủ”. Niệm Phật có bốn cách: 1/ Niệm danh hiệu Phật, đây là cách niệm Phật thông thường sơ cơ. 2/ Niệm tướng hảo Phật, tức là nghĩ nhớ đến tướng hảo Phật, đây cũng còn nặng về hình thức. 3/ Niệm Phật công đức, tức là nhớ nghĩ đến nội tại công đức của Phật đại trí, đại bi, đại hỷ, đại xả, đại vị tha, đại phương tiện, tam minh lục thông, thập bát bất cộng pháp [15], v.v… 4/ Niệm Phật pháp tánh thân, tức quán pháp thật tướng. Như kinh này nói nhiếp thọ chánh pháp, Bát Niết Bàn, vô tác diệt đế, Như Lai tạng, Như Lai pháp thân, v.v…, đều là niệm Phật đắc nhiếp công đức thực tướng.

Thắng Man trở về nội cung trước tiên đến chồng bà là Hữu Xứng quốc vương khen ngợi giáo pháp Đại thừa. Hữu Xứng quốc vương nghe rồi cũng phát tâm tin Phật, phụng hành Đại thừa pháp. Từ đấy, vợ chồng Thắng Man đồng tâm nỗ lực hoằng truyền Đại thừa pháp. Trẻ gái trong thành bảy tuổi trở lên do Thắng Man giáo hóa. Hữu Xứng quốc vương cũng lấy Đại thừa pháp giáo hóa trẻ trai từ bảy tuổi trở lên khiến cho trai gái đều tin Đại thừa Phật pháp. Đây là Phật hóa bản thân, rộng ra gia đình, rồi đến xã hội quốc gia Phật phổ hóa.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn vào trong rừng Kỳ Hoàn bảo trưỡng lão A Nan và nghĩ đến trời Đế Thích. Ngay lúc đó, trời Đế Thích và các quyến thuộc xuất hiện đến trước Phật.

LỜI GIẢI:

Sau khi trở về thành Xá Vệ, Phật liền đến rừng Kỳ Hoàn. Kỳ Hoàn còn gọi là Kỳ Viên. Tức là vườn cây của thái tử Kỳ Đà, con vua Ba Tư Nặc mà ông Cấp Cô Độc mua cúng dường Phật để lập tịnh xá cho tăng chúng ở tu hành và nơi Phật thuyết pháp.

Đức Phật ở nước A Du Xà cùng với Thắng Man hoằng thuyết Đại thừa pháp môn, mà đại chúng ở Kỳ Viên tinh xá chưa nghe, nên khi về đến nước Xá Vệ, Phật bảo tôn giả A Nan tập họp đại chúng ở Kỳ Viên lại. Phật nói với trưởng lão A Nan rằng: Ông là người đa văn đệ nhất, sau khi nghe ta nói pháp Thắng Man Nhứt Thừa Đại Phương Tiện này, nên có trách nhiệm thọ trì và truyền bá lưu thông. Không chỉ để phó chúc Đại thừa pháp cho nhơn gian mà còn lưu thông cho cả chúng sanh cõi trời nữa. Vì vậy, nên Phật nghĩ đến trời Đế Thích. Trời Đế Thích là vua của ba mươi ba từng trời. Trong các trời, trời Đế Thích đối với Phật Pháp có sự quan hệ đặc biệt. Phật tại nhơn gian. Đế Thích trụ nơi đỉnh đầu cõi trời Dục giới lân cận nhơn gian. Vì vậy mà Đế Thích thường đến bên Phật nghe thuyết pháp. Do đó, chúng Dạ xoa tức các thần Chấp Kim Cang ở trên đảnh núi Tu Di đề thọ trì Phật Pháp, hộ trì chánh pháp lưu thông. Long Thọ nói: “Phật Pháp, đối với ở nhơn gian trong hàng đệ tử xuất gia, đức Phật phó chúc cho A Nan. Đối với cõi Trời trong hàng đệ tử tại gia, Ngài phó chúc cho trời Đế Thích”. Nên kinh nói Như Lai vừa nghĩ đến Đế Thích, thì ngay đó, trời Đế Thích và quyến thuộc thiên long bát bộ đều hiện đến trước Phật.

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn đối với trời Đế Thích và trưởng lão A Nan rộng nói kinh này.

LỜI GIẢI:

Khi đại chúng người trời vân tập ở Kỳ Viên, đức Phật hướng về trời Đế Thích và trưởng lão A Nan cùng đại chúng rộng nói kinh Thắng Man này.

CHÁNH VĂN:

Nói xong, Phật bảo Đế Thích rằng: Ông nên thọ trì đọc tụng kinh này, hỡi Kiều Thi Ca! Kẻ thiện nam người thiện nữ ở trong hằng sa kiếp tu Bồ đề hạnh, hành Lục độ ba ma mật. Nếu trong đó lại có kẻ thiện nam người thiện nữ nào nghe kinh này rồi thọ trì đọc tụng, cho đến tay cầm gìn giữ kinh quyển thì phước đức nhiều hơn những người kia, huống nữa vì người rộng nói? Thế nên Kiều Thi Ca, ông nên thọ trì đọc tụng kinh này, rồi vì ba mươi ba từng trời mà phân biệt rộng nói cho họ, để cho họ được lợi ích.

LỜI GIẢI:

Sau khi Phật nói kinh Thắng Man Nhứt Thừa Đại Phương Tiện này rồi, liền bảo trời Đế Thích rằng: Ông nên thọ trì đọc tụng kinh này. Lãnh thọ nơi tâm, ghi nhớ không quên, thực hành như lời kinh dạy, gọi là thọ trì. Lúc nào cũng nhớ cũng đọc để kiểm soát lại ba nghiệp xứng với lời kinh, gọi là đọc tụng. Đây là điều phải có cho bước đầu công phu hành đạo của người nghe pháp tu hành. Vì để cho chánh pháp Đại thừa được lưu thông, khuyến lệ người tu học nên Phật phó chúc. Đại thừa kinh điển đều tán thán công đức thù thắng của người thọ trì. Ở đây Phật gọi Đế Thích là Kiều Thi Ca, ấy là họ đời trước của Đế Thích. Phật nói: “Nếu như kẻ thiện nam người thiện nữ trong hằng hà sa kiếp tu Bồ đề hạnh, hành Lục độ ba la mật, công đức đương nhiên là to lớn rồi. Nhưng nếu lại có kẻ thiện nam người thiện nữ nào đối với kinh này nghe rồi lãnh thọ đọc tụng, y đó hành trì, thậm chí tay cầm gìn giữ kinh quyển, thì sẽ được phước đức nhiều hơn là kẻ thiện nam người thiện nữ tu Bồ đề hạnh, hành Ba la mật kia. Huống nữa là hay vì người rộng nói kinh này thì phước đức lại càng to lớn hơn!” Nhưng cũng nên hiểu rằng, người hành Bồ tát hạnh, tu Lục độ ba la mật cũng phải từ sự thọ trì đọc tụng kinh Đại thừa mà được. Vậy thì vì sao không bằng thọ trì đọc tụng kinh Thắng Man Nhứt Thừa Đại Phương Tiện này? Đây không ngoài ý nghĩa hợp cơ xứng tánh tán thán để khuyến lệ chúng sanh phát tâm thọ trì. Nghĩa là kinh nào cũng mang ý nghĩa đặc thù công đức lợi ích to lớn siêu việt hơn cả. Nói cách khác là tùy sự xứng hợp căn cơ tâm tánh của chúng sanh có thiện duyên hiện diện nơi pháp hội, lắng nghe lãnh thọ hành trì mà nói. Cũng có thể nói, tuy có phát Bồ đề tâm, tu Bồ đề hạnh, nhưng chúng sanh chẳng tự biết mình có Như Lai Tạng tánh, tức là chẳng biết mình quyết chắc được thành Phật. Tu Bồ đề hạnh mà chưa đạt đến bất thối vị thì có thể thối chuyển, ấy là Tiểu thừa. Như nghe Phật nói thường lạc ngã tịnh, Như Lai Tạng, Đại Niết Bàn, như thế thì quyết định hướng vào Đại thừa không còn thối chuyển. Tu lâu mà không thối chuyển, đương nhiên người này chẳng bằng người nghe Đại thừa quyết tâm không thối, tiến lên Nhất thừa. Có hai hạng người tu Bồ đề hạnh: 1/ Chấp trước sự tướng, như thấy có tu Lục độ Bồ tát; 2/ Liễu sanh tử tức Niết Bàn. Nghĩa là xứng tánh tướng pháp không mà tu tập. Sự nhiếp thọ chánh pháp của kinh này thì thù thắng hơn là thiên trọng sự hành. Nói cách khác, kinh này chú trọng gội rửa tam nghiệp, tu Nhứt Thừa đạo, phương tiện lợi ích chúng sanh. Thế cho nên Kiều Thi Ca! Ông nên đọc tụng kinh này cho thấu suốt liễu nghĩa, đồng thời nên vì ba mươi ba cõi trời mà phân biệt rộng nói.

CHÁNH VĂN:

Phật lại bảo A Nan: Ông cũng thọ trì đọc tụng, rồi vì tứ chúng mà giảng nói kinh này.

 LỜI GIẢI:

Phật lại bảo A Nan rằng: Ông cũng phải nên thọ trì đọc tụng kinh này, vì bốn chúng đệ tử xuất gia tỳ kheo, tỳ kheo ni và tại gia ưu bà tắc, ưu bà di, mà rộng giảng nói.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, trời Đế Thích bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Kinh này phải đặt tên gì? Phụng trì cách nào? Phật bảo Đế Thích: Kinh này thành tựu vô lượng vô biên công đức. Tất cả Thanh văn Duyên giác không thể quán sát hiểu biết rốt ráo. Kiều Thi Ca! Ông nên biết kinh này nghĩa lý thâm sâu vi diệu, đại công đức tụ, nay sẽ vì ông mà lược nói tên kinh. Vậy hãy lắng nghe cho kỹ, khéo suy nghĩ ghi nhớ. Khi đó trời Đế Thích và trưởng lão A Nan bạch Phật rằng: Lành thay đức Thế Tôn! Thế Tôn hứa khả, chúng con thọ giáo. Phật bảo: Kinh này Tán thán Như Lai chơn thật đệ nhất nghĩa công đức, như thế mà thọ trì. Nghĩa lý không thể nghĩ bàn lãnh thọ, như thế mà thọ trì. Tất cả nguyện đều nhiếp trong đại nguyện, như thế mà thọ trì. Thuyết bất tư nghì nhiếp thọ chánh pháp, như thế mà thọ trì. Thuyết nhập Nhứt thừa, như thế mà thọ trì. Thuyết vô biên thánh đế, như thế mà thọ trì. Thuyết Như Lai Tạng, như thế mà thọ trì. Thuyết Như Lai pháp thân, như thế mà thọ trì. Thuyết nghĩa không ẩn tàng chân thật, như thế mà thọ trì. Thuyến Nhất Đế, như thế mà thọ trì.Thuyết thường trụ an ổn nhất y, như thế mà thọ trì. Thuyết điên đảo chơn thật, như thế mà thọ trì. Thuyết tự tánh tâm chơn thật ẩn che, như thế mà thọ trì. Thuyết Như Lai chân tử, như thế mà thọ trì. Thuyết Thắng Man Phu Nhơn Sư Tử Hống, như thế mà thọ trì.

LỜI GIẢI:

Hỏi và đáp tên kinh để tiện việc thọ trì. Đây là việc mà kinh Đại thừa thường có. Điều này có hai ý nghĩa: 1/ Biết để mà giản biệt đây là pháp môn gì với các pháp môn khác; 2/ kinh nghĩa thâm sâu phức tạp, lược nêu tên kinh để từ đó có thể biết mà thọ trì ý nghĩa toàn kinh.

Đoạn kinh này đại lược có thể phân thành nhiều đoạn nhỏ: Sau khi trời Đế Thích thọ lãnh lời phó chúc của đức Phật rồi lại bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nên lấy danh xưng gì để đặt tên kinh này? Và phụng trì thế nào? Đây là lời khải thỉnh trì danh.

Phật nói với trời Đế Thích rằng: Kinh (pháp môn) này chú trọng quả đức của Phật. Nghĩa là hành theo kinh này thì thành tựu vô lượng vô biên công đức. Đối với pháp môn này đây thì tất cả Thanh văn Duyên giác chẳng đủ khả năng quán sát rốt ráo và tri kiến như thật.

Kiều Thi Ca! Nên biết Kinh này vi diệu thâm sâu có thể nói là chô tích tụ đại công đức. Bởi kinh này là chỗ Bồ tát quy y, phát nguyện, tu hành, đến rộng nói Như Lai quả đức thật là tập thành vô biên công đức. Bởi nội dung rộng lớn như thế, nên danh xưng tên kinh cũng nói không hết. Chẳng qua nay vì ông và đại chúng đây mà lược nói tên của pháp môn. Vậy nên phải lắng nghe cho kỹ ! Cần phải như lý mà tư duy thiện xảo nghĩ niệm thọ trì đó.

Khi ấy trời Đế Thích và trưởng lão A Nan được Phật hứa khả lược nói tên kinh, nên bạch Phật rằng: Lành thay Thế Tôn! Chúng con chỉ mong được lãnh thọ lời Phật chỉ giáo. Đây là lúc đại chúng thọ giáo, lắng lòng nghe lời Phật dạy.

Tiếp theo, Phật nói kinh này có đến mười lăm danh xưng. Mỗi danh xưng của kinh, Phật đều muốn đại chúng y như thế mà thọ trì. Nhơn đó, cổ đức y đây phân kinh này thành mười lăm chương, nhưng không nhất định thứ lớp. Cũng từ đấy, bổn kinh nêu ra mười lăm luận đề trọng yếu gói trọn nội dung của kinh. Phật kỳ vọng chúng sanh nên nhớ kỹ nội dung toàn bộ kinh mà thọ trì, chớ để mất. Nội dung kinh gồm mười lăm luận đề trọng yếu là: 1/ Như Lai chơn thật đệ  nhất nghĩa công đức. Như Thắng Man tán thán Phật chơn thật công đức v.v… 2/ Bất tư nghì đại thọ. Tức là Thắng Man thọ trì mười đại giới. 3/ Hết thảy nguyện nhiếp đại nguyện. Tức là Thắng Man thuyết ba đại nguyện. Nghĩa là tất cả đại nguyện của Bồ tát đều nhiếp trong ba đại nguyện này. 4/ Thuyết nhiếp thọ chánh pháp là bất tư nghì. Nghĩa là từ đây trở xuống, tên kinh đều có chữ “thuyết”. Bởi vì trên kia là việc riêng của Thắng Man. Từ đây trở đi mới là Thắng Man thuyết pháp. Nếu đứng từ nghĩa rộng mà nói thì toàn kinh đều là nhiếp thọ chánh pháp. Còn ước định về nghĩa hẹp mà luận thì chỉ tuyên nói Đại thừa pháp, cũng tức là nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp đồng nghĩa với Ba la mật. Nhiếp thọ chánh pháp còn mang ý nghĩa nhiếp thọ kẻ hành trì chánh pháp, v.v… 5/ Thuyết nhập Nhứt thừa. Nghĩa là Tam thừa quy Nhứt thừa. Tiểu thừa còn có tâm e sợ Đại pháp thì Như Lai là chỗ để cho họ trở về nương tựa, để từ đó vào pháp Đại thừa. 6/ Thuyết vô biên thánh đế. Vô biên là vô lượng. Đây là tổng quát chỉ về cảnh giới trí huệ của Như Lai. Từ thánh trí thánh đế trở xuống cho đến quyết trạch Tứ đế tông quy Nhứt đế. 7/ Thuyết Như Lai Tạng. 8/ Thuyết Như Lai pháp thân. 9/ Thuyết không nghĩa chơn thật ẩn tàng đều là chỉ về một phần của vô biên thánh đế. Không nghĩa chơn thật ẩn tàng hàm hữu (gồm có) hai nghĩa: a/ Nói về không Như Lai tạng xứ. Chân thật là đắc tánh Như Lai Tạng. Như Lai Tạng bị phiền não làm ẩn khuất, do đó không tương ưng không hiển bày nên gọi là không. b/ Như Lai Tạng, đối với hàng Nhị thừa không trí không thể liễu giải. Hàng không trí nhị thừa chỉ có thể liễu giải các pháp vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, để rồi từ đó dần dần chuyển lên chớ không thể trực tiếp chân thật thấy Như Lai Tạng tánh. Bởi vì Như Lai Tạng bị không trí che lấp. 10/ Thuyết Nhất đế. Tam đế [1] là pháp hữu vi, nên gọi là phi đế, phi thường, phi y, còn Nhất đế là vô vi, nên gọi là đế, là thường, là y. 11/ Thuyết thường trụ an ẩn nhứt y. Đây cũng là thường, là đế, là y của Nhứt đế (Diệt đế). Để giản biệt sự sai khác về bốn y trí của nhị thừa, hầu để rõ ý nghĩa sự xuất hiện ở đời của đức Phật là thượng thượng đệ nhất nghĩa y. 12/ Thuyết điên đảo chân thật. Điều này có hai ý nghĩa: a/ Chúng sanh rơi vào thân kiến mà khởi lên nhị kiến, từ đó sanh khởi bốn thứ điên đảo loạn ý, khi nghe thuyết về pháp thân Niết bàn của Phật, họ đối với pháp thân Niết bàn của Như Lai, tâm mê chấp là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, ấy là bốn thứ điên đảo của chúng sanh và nhị thừa. b/ Thuyết sanh tử Niết bàn đều y nơi Như Lai tạng, ấy là cách nói chơn thật khéo léo vi diệu. Còn nói lìa Như Lai Tạng có sanh tử Niết bàn, các pháp sanh tử Niết bàn đều y nơi ta, tức là lời nói điên đảo. 13/ Thuyết tự tánh thanh tịnh tâm bị ẩn khuất. Đây là chỉ cho Như Lai Tạng bị khách trần phiền não làm nhiễm, nhưng tự tánh vẫn thanh tịnh. 14/ Thuyết chơn thật con của Như Lai. Thế nào gọi là chơn thật con của Như Lai? Nghĩa là đức Phật nói pháp, chúng sanh theo đó, có người tùy tín, tùy thuận pháp trí, đắc cứu cánh, trọn đạt ba giai đoạn. Thắng Man nói ba hạng người đạt ba pháp này được lợi ích lớn. Hoặc chỉ cho hạng người đối trước Phật nghe pháp được chánh kiến. Được gọi là chơn chánh con Phật, có nghĩa là từ miệng Phật đắc sanh trí huệ, từ pháp hóa sanh đắc Bồ đề đại nguyện. 15/ Thuyết Thắng Man Phu Nhơn là Sư Tử Hống. Theo nghĩa rộng tức là toàn bộ kinh đều là Thắng Man Sư Tử Hống. Nghĩa là Thắng Man thuyết pháp Đại thừa làm cho Tiểu thừa khiếp đảm, chấn nhiếp ma quân. Nói theo nghĩa hẹp tức là để hàng phục chủng tử hủ bại của kẻ ác tiểu nhơn, nên phải dùng quyền lực của vua quan và uy lực của thiên long quỷ thần để điều phục họ. Nên nói Thắng Man thuyết pháp uy lực như tiếng sư tử hống.

CHÁNH VĂN:

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Kinh này đoạn dứt tất cả nghi, quyết định liễu nghĩa, thể nhập Nhất thừa đạo. Này Kiều Thi Ca! Nay ta đem lời thuyết giảng kinh Thắng Man Sư Tử Hống này phó chúc cho ông. Vậy ông nên thọ trì cho pháp này thường trụ, thọ trì đọc tụng, khéo phân biệt tùy thuận chúng sanh mà rộng nói.

LỜI GIẢI:

Trước khi phó chúc, đức Như Lai tổng nói nghĩa kinh: “Kinh này là pháp môn có năng lực đoạn tất cả nghi  hoặc”. Chẳng hạn nghi hàng nhị thừa có thể thành Phật không? Bồ tát có bị thối đọa Tiểu thừa không? Kinh này xác quyết tất cả chúng sanh có Như Lai Tạng, tam thừa quy vào Nhất thừa, đoạn tất cả nghi. Vì vậy, giáo thuyết kinh đây quyết định liễu nghĩa, chú trọng tất cả chúng sanh nhập Nhứt thừa đạo. Đây chính là yếu nghĩa của bổn kinh. Phật lại bảo trời Đế Thích: “Này Kiều Thi Ca ! Nên đặt tên này là kinh Thắng Man Phu Nhơn Sư Tử Hống”. Ta phó chúc cho ông. Từ nay trở đi thời kỳ nào Phật pháp còn trụ thế gian thì nên luôn luôn thọ trì đọc tụng, rộng vì tất cả chúng sanh mà giảng nói.

CHÁNH VĂN:

Đế Thích bạch Phật rằng: Lành thay đức Thế Tôn! Con xin kính lễ lãnh thọ giáo chỉ của đức Thế Tôn!

LỜI GIẢI:

Trời Đế Thích thành kính đảnh lễ lãnh thọ lời phó chúc của Phật bạch rằng: Lành thay đức Thế Tôn! Con xin cúi đầu kính đội thọ trì giáo chỉ của đức Thế Tôn và nguyện nỗ lực rộng truyền kinh này mãi mãi về sau.

CHÁNH VĂN:

Lúc đó, trời Đế Thích, trưởng lão A Nan và pháp hội đại chúng trời, người, a tu la, càn đạt bà, v.v…, nghe Phật nói thế rồi, vô cùng hoan hỷ, phát nguyện phụng hành.

LỜI GIẢI:

Pháp đã nói xong. Phó chúc cũng xong. Lúc đó trời Đế Thích, A Nan và pháp hội đại chúng trời, người, a tu la, càn đạt bà, ca lầu la, khẩn na la, v.v… gồm đủ cả thiên long bát bộ trời người đều nghe Phật nói kinh này xong, ai nấy lòng phấn khởi vui mừng, đều thành kính phát nguyện phụng hành.

Giáo nghĩa này tuy giản lược, như hết sức trọng yếu. Bởi lẽ kinh Thắng Man Nhứt Thừa Đại Phương Tiện này thuyết minh tất cả chúng sanh đều có Như Lai Tạng, khiến tam thừa đoạn nghi hoặc, có cơ hội đạt Nhứt thừa đạo. Kinh đây tương đồng với những kinh điển Đại thừa khác. Như khi nói Nhứt thừa thì nghiên cứu kinh Pháp Hoa. Muốn biết rõ Như Lai Tạng là chỗ sở y của sanh tử và Niết bàn thì nghiên cứu kinh Lăng Già. Để thấu hiểu Như Lai quả đức, pháp thân, Niết bàn thì nghiên cứu kinh Đại Niết Bàn. Phát nguyện thọ giới thì nên đọc kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc v.v… Đối với luận đề trọng yếu của Nhất Thừa Phật Giáo, kinh này đều có lược luận đến. Nên có thể nói kinh Thắng Man Sư Tử Hống Nhứt Thừa Đại Phương Tiện này là bộ kinh khải luận nghĩa Chân thường Đại thừa vậy. / .

Chú Thích

[1] Tam Đế: Không đế, giả đế và trung đế. Theo sách sử ghi rằng: Huệ Văn thiền sư đời Bắc Tề một ngày nọ nhân đọc Trí Độ Luận đến phẩm Quán Tứ Đế gặp bài kệ của Phật: “Nhơn duyên sở sanh pháp, ngã thuyết tức thị không, diệc vi thị giả danh, diệc thị trung đạo nghĩa” thì liền đại ngộ diệu chỉ của tam đế. Huệ Văn truyền chỗ liễu ngộ của mình cho Huệ Tư Nam Nhạc, Nam Nhạc truyền cho Trí Khải, từ đó hình thành pháp quán chánh yếu của Thiên Thai Tông. Các pháp không tự tánh nên gọi là không đế. Các pháp do nhơn duyên sanh nên gọi là giả đế. Các pháp chẳng phải không, vì có sanh; cũng chẳng phải giả, vì có hiện tượng hình tướng; quán biết thật tướng các pháp không phải không, không phải giả, gọi là trung đế.