KINH TẬP NHẤT THIẾT PHƯỚC ĐỨC TAM MUỘI
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật cư ngụ ở thành Tỳ-xá-ly, nơi vườn cây Am-la, trong giảng đường Đại pháp, cùng với mười ngàn vị đại Tỳ-kheo, đều là các bậc A-la-hán, đã hết các lậu hoặc, không còn phiền não, tâm được tự tại giải thoát, tuệ được giải thoát. Tâm của các vị ấy điều hòa, nhu nhuyến như đại Long vương. Việc phải làm đã hoàn thành, buông gánh nặng, được phần tự lợi, trừ hết hữu lậu kiết sử, đạt đến bờ bên kia.

Còn có hai vạn các Đại Bồ-tát, đều không thoái chuyển, được các pháp Đà-la-ni và vô ngại biện tài, được đại thần thông, hay thành tựu các Tam-muội mầu nhiệm, niệm tuệ vững chắc, dùng trí tuệ làm phương tiện đến bờ bên kia.

Tên của các vị Đại Bồ-tát: Bồ-tát Hạnh Chí, Bồ-tát Sư Tử Chí, Bồ-tát Diệu Sắc Chí, Bồ-tát Pháp Chí, Bồ-tát Tăng Trưởng Chí, Bồ-tát Vô Lượng Chí, Bồ-tát Pháp Chí, Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử, Bồ-tát Na La Diên. Như vậy các vị này là bậc thượng thủ của hai vạn Bồ-tát.

Lại có bốn vạn Thiên tử đều hướng đến Đại thừa và còn vô lượng Thích, Phạm, Hộ Thế.

Khi ấy, Đức Thế Tôn được vô lượng trăm ngàn vạn ức đại chúng cung kính vây quanh, Ngài vì họ mà giảng nói pháp, sau ba tháng nữa Đức Thế Tôn sẽ xả bỏ thân mạng mà vào Niết-bàn. Đương lúc này pháp Phật thắng diệu rất được thịnh hành, che mờ tất cả các hàng ngoại đạo.

Khi ấy, Bồ-tát Na-la-diên chủ của cả ngàn thế giới, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Không bao lâu nưã Thế Tôn sẽ xả bỏ thân mạng vào cảnh giới rốt ráo Niết-bàn. Nay giáo pháp cao tột của Như Lai che mờ tất cả pháp của ngoại đạo, họ không có người tin kính. Lành thay Thế Tôn! Xin nguyện Như Lai hộ trì các vị Bồ-tát, khiến cho họ trong hiện đời được tất cả thiện căn. Khi căn lành đã tăng trưởng thì tâm kia rất hân hoan vui mừng, tăng trưởng oai đức, không đoạn dứt chủng tánh Phật, hộ trì pháp nhãn cùng với tăng nhãn. Xin nguyện Như Lai cứu giúp tất cả chúng sinh, khéo diễn thuyết phân biệt để hướng họ đến đạo quả Niết-bàn. Chánh pháp đã giảng nói, sau khi Phật diệt độ, khiến các Bồ-tát làm cho giáo pháp lưu truyền không bị gián đoạn, cho đến đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tồn tại ở đời, khiến chúng sinh không xa lìa việc thấy Phật, nghe Pháp và cúng dường chúng Tăng. Tăng trưởng niệm lực không quên các pháp, tăng thêm tuệ lực hiểu rõ pháp mầu nhiệm, tăng trưởng tấn lực nghĩa giải càng tỏ rõ, có đủ tàm lực thanh tịnh tự tâm, có đủ quý lực xa lìa tất cả pháp ác, được kiên cố lực oai nghi đầy đủ, có năng lực dũng mãnh mới đoạn trừ được tất cả các kiết sử, có tâm đại hùng mãnh mới an trú không còn sợ hãi.

Thưa Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát không làm mất công đức, không mất chánh pháp, không mất tuệ, không mất trí, không mất tâm Bồ-đề, chí niệm vững chắc, thân hữu rốt ráo, khiến các chúng sinh đạt đến Niết-bàn, làm đúng như lời nói, không lừa dối chúng sinh, được an trú trong pháp Phật, không mong cầu được bố thí mà xả thí cho tất cả, tự mình nương giáo pháp mà an trú tam tịnh giới. Tự mình thanh tịnh nhẫn nại tâm không thô tháo. Tâm các vị bình đẳng với tất cả chúng sinh, tự mình thường tinh tấn tạo các nghiệp lành, tự mình an trú cảnh giới thiền định đầy đủ ba thiện giới, khéo an trú tâm từ không chấp trước cảnh giới thiền định, tự an trú vào trí tuệ sáng suốt lìa các tà kiến. Trong tất cả pháp tâm được sáng tỏ, dùng bốn nhiếp pháp giáo hóa chúng sinh không biết mỏi mệt, không cầu báo ân, thường hộ niệm tu hành cho tất cả trời, người nơi các cõi lành, trú tâm Nhất thiết trí như cửa được phòng hộ, tâm không hướng về Thanh văn, Duyên giác, tâm thường hướng về pháp, không hướng về dục, vì đấng Pháp vương không vì lợi lộc trong hàng trời, người. Tu hành theo hạnh trí tuệ, nương trí của Phật mà nói, dùng pháp để trưởng dưỡng thân mạng, chẳng phải sống vì ăn uống, xa lìa tham dục, thâu nhận tất cả, xa lìa sân hận, nên đối với chúng sinh không có tâm xâm phạm tổn hại, tránh xa ngu si, lìa các pháp mờ ám, vượt qua ma chướng trừ các kiết phược phiền não, dùng phương tiện thiện xảo để khiến hướng đến các pháp môn. Như vậy con đã thưa hỏi xong.

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen Bồ-tát Na-la-diên chủ của ngàn thế giới.

–Hay thay! Hay thay! Này Na-la-diên! Chỉ có ông mới có thể vì các Bồ-tát hỏi Như Lai những ý nghĩa như vậy.

Này Na-la-diên! Ông nay lắng nghe, khéo suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà giảng nói, hạnh nguyện của các vị Đại Bồ-tát được các công đức, lại còn vượt hơn như vậy.

Khi ấy, Bồ-tát Na-la-diên rất hoan hỷ bạch Phật:

–Lành thay Thế Tôn! Chúng con xin lắng nghe.

Đức Phật bảo Bồ-tát Na-la-diên:

–Này Na-la-diên! Đại Bồ-tát có pháp Tam-muội tên là “Tập nhất thiết phước đức”. Bồ-tát nào thành tựu được Tam-muội này, sẽ không mất công đức, không mất chánh pháp, không mất tuệ, cũng không mất trí, không mất sự thấy Phật, nghe pháp và cúng dường chúng Tăng, siêng tu bốn nhiếp pháp, tự mình tu hành bốn nhiếp pháp, tự mình thực hành bố thí, cho đến tự mình đối với các pháp phương tiện khéo thành tựu công đức này và những công đức khác nữa.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nêu bày giảng nói tên kinh “Tập Nhất Thiết Phước Đức Tam Muội” xong rồi, liền lặng yên.

Bấy giờ, đại Lực sĩ tên là Tịnh Oai, có năng lực lớn đang ở trong

thành Tỳ-xá-ly. Ông ta nghĩ: “Ta là đại Lực sĩ có năng lực lớn, tất cả chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề, không ai có năng lực bằng ta. Ta trước đây nghe Sa-môn Cù-đàm đã thành tựu năng lực lớn, có đủ mười lực, thân Na-la-diên”.

Ông ta lại nghĩ: “Ta nên đến xem Sa-môn Cù-đàm như thế nào, có như ta không”.

Khi ấy, đại Lực sĩ Tịnh Oai ra khỏi thành lớn Tỳ-xá-ly, đến vườn cây Am-la, trong giảng đường Đại pháp. Khi đến rồi, chiêm ngưỡng Đức Như Lai, Ứng Chánh Biến Giác, đấng đại oai đức, cùng trăm ngàn vạn đại chúng vây quanh đang vì họ diễn nói chánh pháp. Cũng như núi Tu-di hiện rõ trong biển lớn, bao quanh đoan nghiêm rất là vi diệu. Khi ấy, vừa nhìn thấy Đức Như Lai, lòng rất tin, tâm càng kính mến, liền đến trước Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Như Lai, đi nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi bước qua một bên, Lực sĩ chắp tay trên đảnh, một lòng quán tưởng Đức Phật.

Lúc này, Đức Thế Tôn biết tâm của Lực sĩ Tịnh Oai đã cảm phục, nên bảo Đại-mục-liên:

–Này Mục-liên! Tôn giả đi lấy cho Ta mũi tên mà khi còn là Bồtát, Ta vì người nữ dòng họ Thích đã dùng nó để giao đấu.

Khi ấy, Tôn giả Mục-liên bạch Thế Tôn:

–Thưa con không thể thấy, biết nó ở đâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn, từ chân phải phóng ra ánh sáng lớn tên là Chiếu Minh, chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới, trong cõi Phật này, thời phía dưới ba ngàn đại thiên thế giới, trong đại kim cang luân mũi tên đặt ở đó.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Đại-mục-liên:

–Tôn giả có thấy nơi thế giới này, trong đại kim cang luân, mũi tên đang đặt ở đó không?

Tôn giả Mục-liên bạch Phật:

–Con đã thấy, thưa Thế Tôn.

Đức Phật bảo:

–Này Mục-liên! Tôn giả đến lấy đem lại đây.

Tôn giả Đại-mục-liên liền đi đến chỗ ấy, nhanh như khoảnh khắc đại lực sĩ khảy móng tay, tất cả đại chúng đều thấy Tôn giả đi, liền đem tên trở lại dâng lên Đức Như Lai mà thưa:

–Bạch Thế Tôn! Khi còn làm Bồ-tát, Thế Tôn sử dụng sức lực do cha mẹ sinh hay dùng sức thần thông?

Đức Phật dạy:

–Khi ấy Ta dùng sức lực do cha mẹ sinh, không dùng sức thần thông.

Này Mục-liên! Nếu Bồ-tát dùng sức thần thông, thì mũi tên ấy sẽ vượt qua vô lượng vô biên các thế giới của chư Phật.

Đại đức Mục-liên bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Thế nào là Bồ-tát sử dụng năng lực phước đức do cha mẹ sinh?

Đức Phật bảo Đại đức Mục-liên:

–Này Mục-liên! Như sức mạnh của mười người, bằng sức mạnh của một con trâu; sức mạnh của mười con trâu, bằng sức mạnh của một con trâu xanh; sức mạnh của mười con trâu xanh, bằng sức mạnh của một con voi thường; sức mạnh của mười con voi thường, bằng sức mạnh của một con voi La-ca; sức mạnh của mười con voi La-ca, bằng sức mạnh của một con voi Ca-ny; sức mạnh của mười con voi Ca-ny, bằng sức mạnh của một con voi Hương-tượng; sức mạnh của mười con voi Hương-tượng, bằng sức mạnh của một con voi Tỳ-đà; sức mạnh của mười con voi Tỳ-đà, bằng sức mạnh của một con voi Vô-đấu; sức mạnh của mười con voi Vô-đấu, bằng sức mạnh của một con voi Y-sa-đà; sức mạnh của mười con voi Y-sa-đà, bằng sức mạnh của một con voi Anthiền; sức mạnh của mười con voi An-thiền, bằng sức mạnh của một con voi Bà-ma; sức mạnh của mười con voi Bà-ma, bằng sức mạnh của một con voi xanh; sức mạnh của mười con voi xanh, bằng sức mạnh của một con voi vàng; sức mạnh của mười con voi vàng, bằng sức mạnh của một con voi đỏ; sức mạnh của mười con voi đỏ, bằng sức mạnh của một con voi trắng; sức mạnh của mười con voi trắng, bằng sức mạnh của một con voi hoa sen màu đỏ; sức mạnh của mười con voi hoa sen màu đỏ, bằng sức mạnh của một con voi hoa sen màu hồng; sức mạnh của mười con voi hoa sen màu hồng, bằng sức mạnh của một con Hương-tượng; sức mạnh của mười con Hương-tượng, bằng sức mạnh của một con đại Hương-tượng; sức mạnh của mười con đại Hương-tượng, bằng sức mạnh của một con sư tử chúa Hệ-quyên; sức mạnh của mười con sư tử chúa Hệ-quyên, bằng sức mạnh của một lực sĩ; sức mạnh của mười lực sĩ, bằng sức mạnh của một đại lực sĩ; sức mạnh của mười đại lực sĩ, bằng sức mạnh của một Giá-nậu-la; sức mạnh của mười Giá-nậu-la, bằng sức mạnh của một đại Giá-nậu-la; sức mạnh của mười đại Giá-nậu-la, bằng sức mạnh của một Ba-kiềnđề; sức mạnh của mười Ba-kiền-đề, bằng sức mạnh của một đại Bakiền-đề; sức mạnh của mười đại Ba-kiền-đề, bằng sức mạnh của một Địa Thiên tử; sức mạnh của mười Địa Thiên tử, bằng sức mạnh của một Đường Thiên tử; sức mạnh của mười Đường Thiên tử, bằng sức mạnh của một Trì Phong Thiên; sức của mười Trì Phong Thiên, bằng sức một Trì Mang Thiên; sức của mười Trì Mang Thiên, bằng sức của một Thường Túy Thiên; sức của mười Thường Túy Thiên, bằng sức của một Thiên tử trong Tứ Thiên vương; sức mạnh của tất cả Thiên tử trong Tứ Thiên vương, bằng sức của một Thiên vương; sức mạnh của mười Thiên vương, bằng sức của một Thiên tử trong cõi trời Tam Thập Tam; sức mạnh của tất cả Thiên tử trong cõi trời Tam Thập Tam, bằng sức mạnh của một vị trời Đế thích; sức mạnh của mười vị trời Đế thích, bằng sức mạnh của một Thiên tử trong cõi trời Diễm Thiên; sức mạnh của tất cả cõi trời Diễm Thiên, bằng sức của một Diễm Thiên vương; sức mạnh của mười Diễm Thiên vương, bằng sức mạnh của một Thiên tử ở cõi trời Đâu-suất-đà; sức mạnh của tất cả Thiên tử nơi cõi trời Đâu-suất-đà, bằng sức của một Thiên vương ở cõi trời Đâu-suất-đà; sức mạnh của mười Thiên vương ở cõi trời Đâu-suất-đà, bằng sức mạnh của một Thiên tử trong cõi trời Hóa Lạc; sức mạnh của tất cả Thiên tử trong cõi trời Hóa Lạc, bằng sức của một Thiên vương ở cõi trời Hóa Lạc; sức mạnh của mười Thiên vương trong cõi trời Hóa Lạc, bằng sức của một Thiên tử trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại; sức mạnh của tất cả Thiên tử trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại, bằng sức của một Thiên vương Tha Hóa Tự Tại; sức của mười Thiên vương Tha Hóa Tự Tại, bằng sức của một Thiên tử trong cõi Thiên Ma; sức mạnh của tất cả Thiên tử ở cõi Thiên Ma, bằng sức của một Ma vương; sức mạnh của mười Ma vương, bằng nửa sức của Na-la-diên; sức mạnh của mười nửa Na-la-diên, bằng sức của một Na-la-diên; sức mạnh của mười Nala-diên, bằng sức của một đại Na-la-diên; sức mạnh của mười đại Nala-diên, bằng sức của một Bồ-tát tu hành trong một trăm kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười trăm kiếp, bằng năng lực của một Bồ-tát tu hành ngàn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười ngàn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười mười vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một trăm vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười trăm vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một trăm ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồtát tu hành mười trăm ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một ngàn ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một trăm ngàn ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười trăm ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một ngàn ngàn ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười ngàn ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một trăm ngàn ngàn ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười trăm ngàn ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành một vạn ngàn ngàn ngàn vạn kiếp; năng lực của một Bồ-tát tu hành mười vạn ngàn ngàn ngàn vạn kiếp, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành pháp nhẫn Vô sinh; năng lực của mười Bồtát tu hành đắc pháp nhẫn Vô sinh, bằng năng lực một Bồ-tát tu hành Thập địa; năng lực của mười Bồ-tát tu hành Thập địa, bằng năng lực một vị thọ thân sau cùng của Bồ-tát.

Vì vậy, này Mục-liên! Bồ-tát thành tựu năng lực như vậy, nên khi đản sinh liền đi bảy bước trên hoa sen.

Này Mục-liên! Nếu thế giới này, Phật không giữ gìn liền bị hư hoại, không thể tồn tại. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát khi sinh cõi này thường đi bảy bước, mặt đất cõi này ngang rộng sáu mươi tám ngàn do-tuần. Bồ-tát giáng sinh khi đặt chân xuống đất liền lún sâu trăm ngàn dotuần. Khi dở chân lên đất trở lên lại trăm ngàn do-tuần. Do Phật giữ gìn khiến cho thế giới này không chuyển đông, không hư hoại, chúng sinh không bị phiền não. Thân sau cùng của Bồ-tát khi mới thọ sinh, liền có đủ những năng lực như vậy.

Này Mục-liên! Năng lực của mười Bồ-tát sơ sinh bằng năng lực của một Bồ-tát trưởng lão.

Này Mục-liên! Đại Bồ-tát thành tựu năng lực này, hướng đến đạo tràng giác ngộ Bồ-đề vô thượng. Như vậy, khi dùng năng lực hướng đến đạo tràng, so với năng lực của các Thượng tọa trong đạo tràng vượt hơn trăm ngàn lần. Lại dùng năng lực như vậy vô lượng, vô biên, vô số không thể tính được, không thể làm hư hoại, thành tựu tất cả công đức, cho đến thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Mục-liên! Giả sử hết thảy chúng sinh trong thế giới này được đầy đủ năng lực của Bồ-tát mau thành tựu giác ngộ, nếu đem so với trí lực xứ, phi xứ của Như Lai, thì trăm ngàn vạn ức phần không bằng một, cho đến dùng toán số, thí dụ cũng không tính được. Đầy đủ mười lực như vậy thì gọi là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri.

Vì vậy, này Mục-liên! Năng lực thần thông của Như Lai do thiện căn hộ trì nên không tăng giảm, ở trong đại chúng đây, còn chưa rõ năng lực thần thông của Bồ-tát. Bồ-tát nếu sử dụng năng lực thần thông có thể đem các thế giới nhiều như cát sông Hằng, đặt trên đầu sợi lông nơi ngón chân, ném qua vô lượng vô biên thế giới như cát sông Hằng, ném qua lại như thế vẫn không khiến cho chúng sinh có các khổ não. Như vậy sức thần thông của Bồ-tát vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn, không thể so lường, không thể tính biết, không ai sánh bằng. Nếu Như Lai thể hiện hết năng lực thần thông, Thanh văn các ngươi không thể tin được, huống chi là các chúng sinh khác.

Này Mục-liên! Bồ-tát khi đi đến đạo tràng, quán sát địa đại, thủy hỏa phong đại thành một thế giới, gọi là không giới. Vì vậy địa đại không bị hư rã nên chúng sinh không phiền não.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai từ chỗ Phật, nghe nói năng lực của Bồ-tát do cha mẹ sinh, nghe qua cảm thấy quái lạ, lông trên thân dựng đứng cho là rất ít có, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Phật bạch:

–Bạch Thế Tôn! Tâm kiêu mạn của con nay đã diệt hết khi nghe Như Lai nói đến năng lực của Bồ-tát.

Thưa Thế Tôn! Con nay xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng,

phát tâm đạo Chánh chân vô thượng, vì muốn an lạc cho tất cả chúng sinh, nguyện được đầy đủ năng lực của Như Lai.

Khi đó, có mười ngàn Thiên tử, nghe Lực sĩ Tịnh Oai nói lời như vậy, họ đều phát tâm đạo Chánh chân vô thượng, cùng nghĩ: “Thế Tôn! Nguyện cho chúng con đều được năng lực như Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Giác”.

Bấy giờ, Bồ-tát Na-la-diên bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ-tát tu tập tất cả phước đức Tam-muội? Như Lai trước đã nêu vấn đề này rồi, tiện đây Ngài im lặng chưa nói.

Thưa Thế Tôn! Nay đã đúng lúc nên nêu bày giảng nói ý nghĩa:

Tập Nhất Thiết Phước Đức Tam Muội.

Như thế nào mà các Bồ-tát thành tựu được Tam-muội này?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Na-la-diên, chủ của ngàn thế giới:

–Này Na-la-diên! Không có Bồ-tát nào phát tâm cầu đạt đạo Chánh chân vô thượng mà không tu tập tất cả phước đức Tam-muội này. Vì sao? Vì tất cả phước đức đều có mầm móng từ lúc mới phát tâm.

Này Na-la-diên! Cũng như sông lớn và tất cả các dòng sông đều chảy về biển cả. Như vậy, này Na-la-diên! Các phước đức do tu tập bố thí, trì giới hữu lậu hoặc vô lậu, thế gian hay xuất thế gian, hoặc trời hoặc người có bao nhiêu phước đức đều thuộc về phát tâm Bồ-đề. Vì vậy, này Na-la-diên! Nếu có thiện nam, thiện nữ muốn tu tập tất cả các phước đức nên phát tâm cầu đạt đạo Chánh chân vô thượng.

Này Na-la-diên! Như núi báu gọi là: Tu-di, Mục-chân-lâu-đà, Ma-ha Mục-chân-lâu-đà, Luân-vi, Đại-luân-vi cùng các núi khác, cỏ thuốc, rừng cây, thôn ấp, xóm làng, các thành trì lớn nhỏ, châu Diêmphù-đề, Phất-bà-đề, Cù-da-ni, Uất-đơn-việt, bốn châu trong thiên hạ, và một ngàn thế giới, hai ngàn thế giới, ba ngàn đại thiên thế giới, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, hoặc nhật thực, nguyệt thực, tất cả đều nằm trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến hàng trăm thứ ức thiên hạ cũng đều ở trong đó.

Như vậy, này Na-la-diên! Tất cả phước của hàng phàm phu hoặc phước của bậc hữu học, vô học, hoặc phước của Bồ-tát, hoặc phước của Như Lai, tất cả đều thuộc về từ lúc mới phát tâm của Bồ-tát. Vì vậy, này Na-la-diên! Nếu muốn thành tựu tất cả phước đức, nên phát tâm Bồ-tát hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Này Na-la-diên! Nếu tất cả chúng sinh trong bốn cõi thiên hạ đều có đủ phước đức của Chuyển luân Thánh vương, dù có người mới phát tâm cầu đạt Đại thừa, thì phước đức trí tuệ của người này thù thắng hơn những kẻ kia.

Này Na-la-diên! Như tất cả chúng sinh trong bốn cõi thiên hạ, cho đến tất cả chúng sinh hiện có trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều thuộc về chúng sinh giới, mà mỗi mỗi chúng sinh đều có đủ phước đức của Chuyển luân Đại vương, phước đức của các Chuyển luân Đại vương, gom công đức lại cho một Chuyển luân Đại vương, mỗi mỗi chúng sinh đều có đầy đủ công đức này. Ý ông nghĩ thế nào? Các phước này có nhiều không?

Na-la-diên thưa:

–Phước của một người còn nhiều vô số, huống gì vô lượng vô số người có những phước đức gom lại.

Đức Phật dạy:

–Này Na-la-diên! Đem chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến hằng hà sa chúng sinh trong các thế giới, khiến cho họ được đầy đủ phước đức của Chuyển luân Đại vương.

Này Na-la-diên! Ý ông nghĩ thế nào? Các công đức gom lại kia có nhiều không?

Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chúng sinh chỉ cần một trong ba ngàn đại thiên thế giới, đầy đủ phước đức của Chuyển luân Đại vương gom lại, còn nhiều vô lượng, vô biên, vô số, huống nữa là của vô lượng vô biên chúng sinh trong các thế giới, đầy đủ phước đức góp lại của các Chuyển luân Đại vương.

–Này Na-la-diên! Ta nay đã biết, nên nói: Bồ-tát mới phát tâm Bồ-đề có những công đức đem so với công đức trước đây đã nói, thì trăm phần không bằng một, đến ngàn phần, trăm ngàn phần, trăm ngàn vạn ức phần, cho dù dùng toán số thí dụ cũng không so sánh kịp.

Này Na-la-diên! Như vậy là ban đầu nói đến cách vào Tam-muội

Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này Na-la-diên! Như trong một ngàn thế giới có Phạm Thiên vương tu tâm từ, phổ biến tâm từ khắp một ngàn thế giới này.

Này Na-la-diên! Có người lại dùng bảy báu đầy khắp cả ngàn thế giới để bố thí. Ý ông nghĩ thế nào? Người này dùng bố thí tạo phước và Phạm vương dùng tâm từ tu phước, thì ai là người có phước báo thù thắng hơn?

Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phạm vương dùng tâm từ tu phước thật vô lượng, vô biên.

–Này Na-la-diên! Đem một ngàn thế giới Phạm vương tu tâm từ hoặc hai ngàn thế giới Phạm vương tu tâm từ, phổ biến tâm từ cho khắp hai ngàn thế giới này. Này Na-la-diên! Nếu lại có người dùng bảy báu cùng khắp của hai ngàn thế giới đem bố thí. Ý ông nghĩ thế nào? Người này dùng bố thí tạo phước, Phạm vương dùng tâm từ tu phước, ai là người thù thắng hơn?

Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Phạm vương dùng tâm từ tu phước thật vô lượng, vô biên.

–Này Na-la-diên! Như ba ngàn đại thiên thế giới Phạm vương quán tâm từ, dùng tâm từ, phổ biến tâm từ khắp ba ngàn thế giới này. Nếu lại có người dùng bảy báu đầy đủ cả ba ngàn đại thiên thế giới để bố thí, ý ông nghĩ thế nào? Người này dùng bố thí tu phước và Phạm vương dùng tâm từ tu phước, ai là người thù thắng hơn?

Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thí phước so với tâm từ, trăm phần không bằng một, ngàn phần, trăm ngàn phần, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không so sánh được.

Đức Phật dạy:

–Như vậy bốn ngàn thế giới Phạm vương tu tâm từ, cũng dùng tâm từ rải khắp bốn ngàn thế giới này. Năm ngàn thế giới Phạm vương tu tâm từ, cũng dùng tâm từ rải khắp năm ngàn thế giới này. Mười ngàn thế giới Phạm vương tu tâm từ, cũng dùng tâm từ rải khắp mười ngàn thế giới này. Trăm ngàn thế giới Phạm vương tu tâm từ, cũng dùng tâm từ rải khắp trăm ngàn thế giới này.

Này Na-la-diên! Nếu có người lấy bảy báu của mình đầy khắp trăm ngàn thế giới để bố thí, phước đức gom lại được so với phước đức tâm từ thì tâm từ tu phước là thù thắng hơn.

Này Na-la-diên! Giả sử cả ba ngàn đại thiên thế giới, trong đó tất cả chúng sinh đều đầy đủ tâm từ. Như trăm ngàn thế giới vua trời Đại phạm có tu tâm từ, là tất cả phước đức do tu tâm từ gom lại, muốn đem so sánh với các Bồ-tát mới phát tâm cầu đạt đạo, chuyên cần, tăng tiến và vì muốn cứu thoát hết thảy chúng sinh ra khỏi cảnh huyễn, hư ngụy. Sự thật là hết thảy chúng sinh tu hành phước tâm từ kia, trăm phần không bằng một, ngàn phần, trăm ngàn phần, ức phần, trăm ức phần, ngàn ức phần, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không so sánh kịp.

Này Na-la-diên! Vì vậy, nên biết nếu muốn tu tập tất cả phước đức thì các thiện nam tín nữ nên phát tâm thành tựu đạo Vô thượng Chánh giác, nay nên phát tâm hoặc sẽ phát tâm, để được đầy đủ phước đức gom lại nhiều vô lượng vô biên.

Đây là lần thứ hai nói về cách nhập vào Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này Na-la-diên! Ý ông nghĩ thế nào? Ở phương Đông hư không có phổ biến khắp không? Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên, dưới, hư không có phổ biến cùng khắp không?

Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Hư không ở phương Đông còn không thấy được biên vực, huống gì cả mười phương thì không thể nói, chúng vô lượng vô biên, tùy chỗ nào có thế giới thì hư không đều phổ biến cùng khắp.

Đức Phật dạy:

–Này Na-la-diên! Giả sử có người trong trăm ngàn vạn ức kiếp, đem dẫn chứng các thí dụ muốn nói hết cái rộng lớn của hư không thì có thể nói được hết biên vực, hay không nói hết được?

Này Na-la-diên! Ta nay nêu một thí dụ để làm rõ nghĩa này, vì muốn thành tựu viên mãn pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức. Cũng muốn tăng trưởng lợi ích cho các chúng sinh, tu tập các phước đức để tăng trưởng ý chí, mong hướng đến Đại thừa thành Đại Bồ-tát tu hành tinh tấn.

Này Na-la-diên! Nếu dùng hạt cải đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới, cho đến cõi Phi tưởng, phi phi tưởng đều chứa đầy cả những hạt cải. Giả sử sai một người mang đi qua phương Đông cách trăm ngàn hằng hà sa các thế giới bỏ xuống một hạt cải, như vậy, đi về phương Đông bỏ hết hạt cải, cũng còn không thể biết được biên vực của thế giới. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới cũng như vậy.

Này Na-la-diên! Nếu lại trong hằng hà sa các thế giới kia đều chứa đầy các hạt cải. Này Na-la-diên! Có người nào hay vị trời nào có thể tính biết được tất cả số lượng hạt cải kia không?

Khi ấy Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Nếu trong bốn cõi thiên hạ hết thảy chúng sinh thành tựu trí tuệ như Xá-lợi-phất, ở trong thời gian một kiếp còn không thể tính hết được một phần nhỏ của số lượng kia, huống nữa làm sao tính hết được số lượng lớn của những hạt cải.

–Này Na-la-diên! Giả sử có người đi qua phương Đông, trải qua hằng hà sa các thế giới để xuống một hạt cải. Đi về phía Đông bỏ hết hạt cải nêu trên mà còn không biết được biên vực của thế giới. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn phía trên dưới cũng như vậy. Này Na-la-diên! Như vậy hư không phổ biến khắp cả trên thế giới.

Giả sử có người hoặc trời dùng bảy báu đầy khắp trên thế giới đem dùng để bố thí. Này Na-la-diên! Ý ông nghĩ sao? Phước đức gom góp kia có nhiều không?

Na-la-diên thưa:

–Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên.

Đức Phật dạy:

–Này Na-la-diên! Phước đức gom góp rất nhiều của người này, muốn đem so sánh với Bồ-tát mới phát tâm cầu đạo, muốn thành tựu ý chí, không huyễn, không hư ngụy, siêng tu tinh tấn, vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh phát khởi tâm đại từ đại bi để tu tập và góp phước đức. Phước đức do bố thí góp lại trăm phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không so sánh kịp vị Bồ-tát mới phát tâm.

Này Na-la-diên! Cũng như tất cả các vật khắp mười phương đều bị hư không trùm khắp.

Này Na-la-diên! Tâm từ của Bồ-tát cũng như vậy, phổ biến cùng

khắp mười phương các thế giới của chư Phật. Tất cả chúng sinh cũng đều trùm khắp.

Này Na-la-diên! Tâm từ của Bồ-tát đến với tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả đều có được phước đức của Chuyển luân Đại vương.

Như vậy, phước đức của Đế thích, phước đức của Phạm vương, nếu có Bồ-tát mới phát đạo tâm chuyên chí hướng tới, không huyễn, không hư ngụy, siêng tu tinh tấn, vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh, sinh tâm từ bi làm nơi hướng tới, tu hành với lòng thương xót mà được phước đức thì đây thù thắng hơn kia, là phước đức gồm cả Chuyển luân vương, Đế thích, Phạm vương.

Này Na-la-diên! Đây là lần thứ ba nói về cách nhập vào Tammuội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này Na-la-diên! Giả sử đem chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, đều đầy đủ phước đức của Chuyển luân Đại vương, so với phước đức của Đế thích, trăm phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không tính kịp.

Này Na-la-diên! Giả sử đem ba ngàn đại thiên thế giới chúng sinh đều có phước của Đế thích, so với phước đức của Phạm vương, trăm phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không tính được.

Này Na-la-diên! Giả sử đem ba ngàn đại thiên tất cả chúng sinh trong thế giới đều có đủ phước đức của Đại Phạm Thiên vương so với một vị Ưu-bà-tắc biết đoạn tham dục, có phước tuệ, trăm phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không tính hết được.

Này Na-la-diên! Giả sử đem ba ngàn đại thiên thế giới có các chúng sinh đều là vị Ưu-bà-tắc biết đoạn dục có phước tuệ so với phước tuệ của Xá-lợi-phất thì trăm phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không tính được.

Này Na-la-diên! Giả sử đem ba ngàn đại thiên thế giới chúng sinh, có phước đức trí tuệ như Xá-lợi-phất, so với phước tuệ một vị Duyên giác, thì trăm phần không bằng một, cho đến dùng toán số thí dụ cũng không tính được.

Này Na-la-diên! Nếu đem chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới có phước tuệ của vị Duyên giác, so với một Bồ-tát có phước đức trí tuệ đã trải qua năm trăm kiếp tu hành, trăm phần không bằng một. Muốn vào pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức nên như vậy mà học tập.

Khi Đức Phật giảng nói pháp này, ba vạn hai ngàn chúng sinh đều phát tâm cầu đạt đạo Chánh chân vô thượng. Ba ngàn đại thiên thế giới chấn động đủ sáu cách. Hàng trời, người cùng nhau trỗi nhạc và rải hoa đến đầu gối.

Hàng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, Đế thích, Phạm vương, Hộ Thế Tứ Thiên vương, đều thưa:

–Bạch Thế Tôn! Người mới phát tâm thù thắng hơn chúng con.

Thưa Thế Tôn! Chúng con cũng vì lợi ích cho các thiện nam, tín nữ đã phát tâm, nay phát tâm và sẽ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Như chúng con hiểu ý nghĩa Đức Phật dạy: Nếu có chúng sinh không phát tâm cầu đạo Chánh chân vô thượng, thì không thể hướng đến pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức cũng không chính thức dự vào Tam-muội này.

Nếu có chúng sinh phát tâm cầu đạo Chánh chân vô thượng thì có thể hướng đến pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức, cũng có thể chính thức dự vào Tam-muội này.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai thưa:

–Bạch Thế Tôn! Dùng những pháp gì để thành tựu được pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Muốn thành tựu pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức cần phải thực hành một pháp: Tâm không bao giờ rời bỏ Nhất thiết trí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu một pháp để hướng về pháp Tam-muội.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu hai pháp thuộc về pháp Tammuội Tập nhất thiết phước đức:

  1. Vui nghe pháp Phật không chán nản.
  2. Đã nghe rồi thì như lời dạy mà tu hành.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu hai pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Muốn thành tựu ba pháp thuộc về pháp Tam-muội tập nhất thiết phước đức.

Thế nào là ba pháp?

  1. Xa lìa các điều ác.
  2. Hành trì các pháp lành.
  3. Đem tất cả hồi hướng.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu ba pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu bốn pháp thuộc về pháp Tammuội Tập nhất thiết phước đức.

Nghĩa là:

  1. Thanh tịnh giới.
  2. Thanh tịnh kiến.
  3. Thanh tịnh tâm.
  4. Thanh tịnh tuệ.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu bốn pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu năm pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Thế nào là năm pháp?

  1. Hết lòng phát tâm Bồ-đề.
  2. Thường nói lời chân thật.
  3. Không siểm nịnh hư ngụy.
  4. Không có tâm ganh ghét.
  5. Thường sinh tâm bình đẳng.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu năm pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu sáu pháp thuộc về pháp Tammuội Tập Tập nhất thiết phước đức.

Những gì là sáu?

  1. Thân cận Thiện tri thức.
  2. Xa lìa tri thức ác.
  3. Xa lánh chỗ ồn ào.
  4. Ưa thích nơi vắng lặng.
  5. Không bỏ tâm đại từ.
  6. Với chúng sinh luôn khởi tâm đại bi.

Này thiện nam! Đó là sáu pháp thuộc pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu bảy pháp thuộc về pháp Tammuội Tập nhất thiết phước đức.

Những gì là bảy?

  1. Thường tu thiền định.
  2. Khéo thành tựu trí tuệ.
  3. Khéo biết về nhân.
  4. Khéo biết về duyên.
  5. Chánh trực an trú.
  6. Tu tập chánh đạo.
  7. Khi tu hành chánh đạo không có biếng nhác.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu bảy pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu tám pháp thuộc về pháp Tammuội Tập nhất thiết phước đức.

Những gì là tám?

  1. Điều hòa thân.
  2. Điều hòa tâm.
  3. Quán cảm thọ.
  4. Quán các pháp.
  5. Điều ác chưa sinh khiến nó không sinh.
  6. Điều ác đã sinh khiến nó đoạn diệt.
  7. Điều lành chưa sinh khiến nó được sinh.
  8. Điều lành đã sinh giúp nó tăng trưởng.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu tám pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu chín pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Những gì là chín?

  1. Quán các pháp quá khứ không cùng tận.
  2. Quán pháp hiện tại cũng không cùng tận.
  3. Quán pháp vị lai cũng không cùng tận.
  4. Quán các pháp đều như huyễn.
  5. Tánh giác bình đẳng thông cả ba đời.
  6. Biết hết thảy pháp mà được an nhẫn.
  7. Không phỉ báng pháp tánh không.
  8. Không phân biệt pháp vô tướng.
  9. Không nguyện sinh các cõi.

Đó gọi là thành tựu chín pháp thuộc pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Lại nữa, này thiện nam! Thành tựu mười pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Những gì là mười?

  1. Biết rõ được pháp vô ngã.
  2. An nhẫn với ý nghĩa không thọ mạng.
  3. Không nghi pháp nói về vô nhân.
  4. Nương tu pháp vô thường.
  5. Đối với chỗ sinh của các chúng sinh, tưởng như là địa ngục.
  6. Quán bốn đại như rắn độc.
  7. Quán nhập như không tụ.
  8. Quán ấm như một hợp thể dễ phân rã.
  9. Biết tưởng sinh ra các cõi.
  10. Ham tu giải thoát.

Này thiện nam! Như vậy gọi là thành tựu mười pháp thuộc về pháp Tam-muội Tập nhất thiết phước đức.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai thưa Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát muốn thành tựu tất cả phước đức trang nghiêm, nên thuận theo tu tập Tam-muội này.

Nếu Đại Bồ-tát muốn gom tất cả phước đức, nên thuận theo tu tập Tam-muội này.

Nếu Đại Bồ-tát muốn được phước đức không thể nghĩ bàn, nên tin vào pháp Tam-muội này, nên thuận theo tu tập pháp Tam-muội này.

Nếu Đại Bồ-tát muốn được phước đức không cùng tận, cũng nên

tu hành theo Tam-muội này.

Nếu Đại Bồ-tát muốn đạt đến tất cả phước đức như biển cả, nên thọ trì, đọc tụng, tu hành theo Tam-muội này.

Nếu Đại Bồ-tát muốn được trăm phước tướng, cần nên tu hành theo Tam-muội này.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai thưa Đức Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát tu pháp nào để tương ưng và thành tựu đầy đủ tất cả phước đức trang nghiêm này, gom lại tất cả phước đức không thể nghĩ bàn, phước đức không cùng tận, phước đức như biển cả, phước đức đầy đủ trăm phước tướng.

Khi ấy, Đức Phật bảo Lực sĩ Tinh Oai:

–Này thiện nam! Có ba pháp làm trụ cột cho phước đức. Phước đức trang nghiêm, phước đức nhóm họp, phước đức rộng lớn như biển cả, phước đức không thể suy nghĩ hết. Phước đức không cùng tận, phước đức như biển cả, phước đức không thể suy nghĩ hết.

Những gì là ba?

  1. Bố thí trang nghiêm.
  2. Trì giới trang nghiêm.
  3. Đa văn trang nghiêm.

Này thiện nam! Thế nào là Đại Bồ-tát tu hành bố thí trang nghiêm?

Này thiện nam! Đại Bồ-tát nên sinh tâm như thế này: Nếu khi bố thí không nên thấy mình có tâm thí, không thấy vật bố thí và người thọ thí, thấy người là quyến thuộc. Nếu người đến xin có chỗ mong cầu, nên chấp nhận giúp đỡ họ. Không vì tài vật của vua ban, các của báu v.v… mà có tâm lẫn tiếc.

Này thiện nam! Là Đại Bồ-tát nên suy nghĩ như vầy: “Nay thân của ta đây đã nguyện xả thí cho tất cả chúng sinh huống gì các thứ tiền tài vật chất khác. Nếu đã bố thí sẽ không hối hận. Họ cần tiền của giúp tiền của, cần ăn giúp đồ ăn, cần uống giúp nước uống. Cho đến cần mắt cho mắt, cần thịt cho thịt, cần máu cho máu, cần tủy cho tủy, cần chi tiết cho chi tiết. Như nhu cầu cần xin đầu ta cũng nên bố thí, huống gì các thứ tiền tài vật chất khác. Nào lúa gạo, vàng bạc, y phục, chuỗi anh lạc, voi ngựa, xe cộ, quốc thành, vương cung, nam nữ, vợ con, nô tỳ, bà con quyến thuôc, tất cả đều buông xả. Nếu có chúng sinh tùy chỗ họ cần dùng cầu xin, ta sẽ tùy theo khả năng đang có mà giúp đỡ cho họ. Không buồn không hối hận, không mong cầu họ báo đáp lại, phát khởi tâm từ bi vì giáo hóa chúng sinh, giáo hóa chúng sinh cho đến khi họ thành Phật cũng không thôi nghĩ”.

Này thiện nam! Nếu có Bồ-tát phát tâm như vậy, gọi là Bồ-tát dùng bố thí để trang nghiêm.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ-tát không tự chấp trước thân mạng thà bỏ thân mạng, không thể vì nó mà làm ác, không vì nuôi dưỡng thân mà làm các nghề tà mạng, thà bỏ thân mạng không xúc não người khác. Không vì thôn ấp được phong mà tạo các điều ác, không vì bà con quyến thuộc mà hung hăng trang đấu, không vì thê thiếp và do nam nữ mà sinh tâm ganh ghét về tài, về lợi của người khác. Không sinh tâm tham lam keo kiệt mà thường thiểu dục, cho đến sinh một niệm tâm ác, huống nữa là nhiều. Vì dứt trừ tham lam keo kiệt, không sinh tâm sân giận cho nên tương ưng với việc tu hành chân chánh, do tương ưng với tu hành chân chánh nên gặp chỗ ở thanh tịnh, do chỗ ở thanh tịnh nên tương ưng với chánh giới, do tương ưng chánh giới, nên được gần thiện tri thức, thường cung kính cúng dường, do cung kính cúng dường thiện tri thức nên được nghe chánh pháp, nghe chánh pháp rồi sẽ như lời chỉ dạy mà tu hành, như lời chỉ dạy tu hành rồi, thì hay tạo lợi ích cho chúng sinh tà đạo, không nên làm ác mà tùy thuận pháp lành, được biết các pháp phương tiện và biết căn tánh chúng sinh.

Này thiện nam! Như vậy là Bồ-tát tu hành bố thí để trang nghiêm mà được công đức.

Lại nữa, này thiện nam! Vị Đại Bồ-tát không sinh tư tưởng có nội ngoại, hoặc địa đại bên trong, hoặc địa đại bên ngoài, đều không có tưởng sai khác.

Vì sao? Thân ta như tường vách, cỏ cây, như hình ảnh, như ngọn lửa, nó không biết, không nghĩ, không tạo tác, không vững chắc, đều thuộc về bốn đại. Nếu có chém chặt, dùng dao, gậy, ngói, đá đánh đập nó đều không phản ứng. Vì vây nên không chấp chặt thân, không yêu mến thọ mạng, đối với các chúng sinh không sinh tâm sân hận, mà đối với họ tu hạnh từ bi.

Này thiện nam! Cũng giống như cây thuốc, thầy thuốc có lấy rễ, thân, cành, nhánh, lá, hoa và quả, cây thuốc ấy không có ý niệm là nên lấy rễ chớ lấy thân, hay lấy thân chớ lấy rễ, như thế cho đến cành, lá, quả cũng vậy, cây thuốc ấy đều không tưởng, niệm gì cả, im lặng nhưng nó lại có khả năng làm cho các loại bệnh của tất cả chúng sinh an lành khỏe mạnh.

Như vậy, này thiện nam! Đại Bồ-tát đối với thân bốn đại xem như cây thuốc. Tùy các chúng sinh, cần tay sẵn sàng cho tay, cần chân cho chân, cần mắt cho mắt, cần thịt cho thịt, cần máu cho máu, cần xương cho xương, cần tủy cho tủy, cần đầu cho đầu, cần các chi tiết khác đều cho tất cả.

Này thiện nam! Như thế Bồ-tát dùng tâm tu hành như vậy mà bố thí để trang nghiêm hướng đến vô tận. Khi Đại Bồ-tát tu hạnh bố thí vì chúng sinh tham lam keo kiệt khiến cho họ thành người ưa bố thí. Chúng sinh thiếu phước đức sẽ đầy đủ phước đức. Chúng sinh bần cùng sẽ được ruộng vườn giàu có. Nếu xả thí tay chân sẽ khiến cho chúng sinh đầy đủ tay chân. Như vậy bố thí sẽ không hướng đến ba mục đích.

Những gì là ba?

  1. Không mong cầu tự tại nơi địa vị vua chúa.
  2. Không mong cầu được giàu có lớn để tự hưởng lạc.
  3. Không hướng đến giác ngộ của Thanh văn, Duyên giác.

Như vậy, bố thí để đầy đủ bốn thứ thanh tịnh. Những gì là bốn?

  1. Cõi Phật thanh tịnh.
  2. Bồ-tát Tăng thanh tịnh.
  3. Đại chúng được giáo hóa thanh tịnh.
  4. Hồi hướng nhất thiết thanh tịnh.

Bồ-tát nên như vậy hướng về bốn thứ thanh tịnh.

Lại nữa, Đại Bồ-tát bố thí an trụ vô tận.

Thế nào là Bồ-tát thí trụ?

Này thiện nam! Đại Bồ-tát có bốn pháp bố thí, pháp ấy có lúc cùng tận.

Những gì là bốn?

  1. Bố thí mà không hồi hướng.
  2. Không có phương tiện.
  3. Hành động thấp kém.
  4. Gần tri thức ác.

Đây là bốn pháp bố thí hữu tâm.

Này thiện nam! Bồ-tát có bốn pháp bố thí mà pháp thí ấy an trụ vô tận.

Những gì là bốn?

  1. Bố thí mà hồi hướng về Bồ-đề vô thượng.
  2. Có phương tiện khéo léo.
  3. Vì thành đấng Pháp vương.
  4. Thân gần thiện tri thức.

Này thiện nam! Đây là bốn pháp bố thí của Bồ-tát không cùng tận.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát nhớ nghĩ ba pháp mà hành bố thí. Những gì là ba?

  1. Ý niệm không xa lìa tâm giác ngộ.
  2. Luôn thương xót tất cả chúng sinh.
  3. Không trái với lời dạy của Phật, không mong quả báo.

Này thiện nam! như vây gọi là Bồ-tát nghĩ đến ba pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát đặt chúng sinh vào trong ba pháp mà thực hành bố thí.

Những gì là ba?

  1. An trú chúng sinh trong đạo giác ngộ mà thực hành bố thí.
  2. Vì an trú chúng sinh trong giáo pháp đã được khéo tán thán mà thực hành bố thí.
  3. Vì muốn đặt chúng sinh vào chốn cao thượng mà thực hành bố thí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là Đại Bồ-tát đặt chúng sinh trong ba pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát hy vọng một pháp mà thực hành bố thí.

Những gì là một?

Hy vọng có được phong ấp rộng lớn, mà hay tu tâm xả thí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là Bồ -tát hy vọng một pháp mà

thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát vì đầy đủ hai pháp mà thực hành bố thí. Nghĩa là: Đủ trí và đủ tuệ. Như vậy gọi là Đại Bồ-tát đầy đủ hai pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát đạt đến hai pháp mà thực hành bố thí.

Những gì là hai?

  1. Tận trí.
  2. Vô sinh trí.

Như vậy gọi là Đại Bồ-tát đạt đến hai pháp mà thực hành bố thí.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ-tát tu hành bốn pháp thí.

Những gì là bốn?

  1. Dùng tâm bình đẳng thực hành bố thí.
  2. Không mong cầu quả báo mà bố thí.
  3. Vì hướng đến giác ngộ mà bố thí.
  4. Ưa khen ngợi cảnh vắng lặng mà bố thí.

Này thiện nam! Như vậy gọi là Bồ-tát tu hành bốn pháp bố thí.

Vì vậy, này thiện nam! Bồ-tát muốn thành tựu phước đức không cùng tận, cần nên tu học và thực hành cách bố thí như vây.

Khi ấy, Lực sĩ Tịnh Oai liền bạch Phật:

–Thưa Thế Tôn! Thật là ít có. Như Lai nói về bố thí mà như thâu gồm tất cả chánh pháp của Phật.

Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ-tát thành tựu pháp bố thí này, thì phước đức của Bồ-tát đó không thể so lường hết được.

Phật dạy:

–Đúng như vậy! Đúng như vậy!

Này thiện nam! Nếu Bồ-tát thành tựu đầy đủ pháp bố thí như vậy, biết rằng Bồ-tát ấy thành tựu đầy đủ phước đức không cùng tận, phước đức như biển cả, không nghèo thánh pháp, có phong ấp rộng lớn, an trú trong dòng pháp, có nhiều tiền tài, đầy đủ thất tài, thành đại phước đức, đem hình tướng trăm phước làm ruộng phước rộng lớn để nuôi dưỡng tất cả chúng sinh một cách bình đẳng.

Trang: 1 2 3