KINH TAM TUỆ

Hán dịch: Mất tên người dịch, nay dựa vào sao lục của nhà Lương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phật muốn có ba hạng người:

  1. Tin.
  2. Thưa hỏi.
  3. Thực hành.

Hoặc có người chỉ tin mà không thích việc đã làm. Chỉ tin nhưng không muốn làm ba việc:

  1. Bố thí.
  2. Giữ giới.
  3. Hành thiền.

Phải diệt vọng tưởng mới đắc đạo. Điều cần yếu ở chỗ không nghĩ đến mình, diệt vọng tưởng, sắc cũng diệt, thức cũng diệt. Tâm có chỗ nhớ nghĩ, đó là bốn đối tượng. Tưởng này là sẽ có tưởng hay là không có tưởng.

–Chẳng lìa tưởng hay sẽ lìa tưởng.

–Chẳng xuất tưởng hay sẽ xuất tưởng.

Lại cho rằng sẽ có tưởng, nghĩa là tưởng đến đạo.

Sẽ không tưởng, nghĩa là tưởng vô sắc.

Chẳng lìa tưởng nghĩa là không xa rời hoạt động của tưởng.

Sẽ lìa tưởng nghĩa là sẽ rời tưởng sinh tử.

Chẳng xuất tưởng nghĩa là tưởng không có đường xuất ly nên không ra khỏi mười hai xứ. Lại cho đó là sinh tử của con người, nên không được giải thoát.

Thân con người ví như đất, ý thiện như lúa, ý ác như cỏ rác. Nếu không dọn sạch cỏ rác thì hạt lúa không có được. Người không trừ bỏ ác ý, cũng không thể đắc đạo. Người có sân giận đó là đất có cỏ gai. Ý tốt như điện lóe lên thì sáng, tắt thì tối. Tà niệm như khi mây che mặt trời thì không thấy gì cả. Cũng vậy, ý ác đã khởi lên thì không thể thấy đạo.

Học nên khổ, không học thì không có khổ.

Học có khổ, ví như người làm ruộng, trước phải dọn sạch cỏ rác, sau mới thâu hoạch được nhiều lúa. Đó là trước khổ.

Không học, không có khổ, ví như đất không tiếp tục cày bừa, tự phát sinh cỏ gai và các vật nhơ. Đó là không học không có khổ.

Hành đạo, thứ nhất là có thể ngăn khổ, thứ hai là có thể ngăn vui, ba là không thể ngăn khổ, bốn là không thể ngăn vui. Muốn vui được vui, cho đó là hành đạo. Muốn khổ bị khổ, cho đó là hành đạo. Có người hành đạo bị khổ liền sợ sinh tử. Hành đạo như vậy thì không được an vui.

Có người được an vui cho đó là hành đạo, ý không bị khổ, như vậy không cho là khổ. Có người được an vui cho đó là hành đạo. Bị khổ cũng cho là hành đạo. Như vậy có thể được vui, không bị khổ.

Có người bị khổ, không thể hành đạo, được vui cũng không thể hành đạo, như vậy sẽ bị khổ, không được vui.

Tất cả có bốn cách cầu:

  1. Vì thân nên cầu.
  2. Vì nguyện nên cầu.
  3. Vì si nên cầu.
  4. Vì hành nên cầu.

Người muốn giữ thân được trường thọ, đó là vì thân nên cầu.

Muốn được giàu sang phú quý, vợ con, châu báu, đó là vì nguyện nên cầu.

Cúng tế, trấn yếm, muốn từ nơi việc làm đó mà được phước. Đó là vì si nên cầu.

Việc làm thì phi pháp mà muốn nhà cửa được yên ổn, được đắc đạo. Đó là vì hành nên cầu.

Con người có ba việc không thể bảo đảm:

  1. Sự vui vẻ.
  2. Tiền tài của báu.
  3. Mạng sống.

Thân cũng đáng nhớ nghĩ, cũng không đáng nhớ nghĩ. Nhớ nghĩ sự bất tịnh của thân, đó là đáng nhớ nghĩ. Ý rơi chìm vào năm dục, đó là không đáng nhớ nghĩ. Điều thiện cũng nên đáng nghĩ, cũng không đáng nghĩ, đó là ý đắc đạo, là điều nên nghĩ. Điều không nên nghĩ, đó là dựa vào sự đắc đạo sẽ tăng dần theo ác. Cũng có điều đáng nhớ, cũng có điều không đáng nhớ là có lỗi tự sám hối là đáng nghĩ. Phát sinh ý rơi vào việc ác là không đáng nhớ nghĩ. Xả bỏ chánh, nhớ tà, đó là hoặc. Không phân biệt thị phi đó là si.

Sẽ có hai việc:

  1. Gốc.
  2. Ngọn.

Hành động là gốc, hưởng phước là ngọn. Trừ được hai việc đó thì đắc đạo.

Tham hộ nghĩa là đã được rồi lại còn tham. Nghĩ đến sắc là tham thượng vì không phải một ý mà diệt được. Hộ tham là đắc đạo. Tham hộ là đọa sinh tử. Đã được lại còn tham lam bảo hộ cho nên gọi là tham hộ.

Món ăn vui sướng là hoan hỷ, ăn bằng niệm no đủ tức là ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Ăn bằng thức ăn no đủ gọi là pháp lạc. Đã theo thọ đó là xúc, ý niệm mong cầu theo đó là thức.

Tất cả việc thế tục đều thuộc về thân. Tất cả danh tự đều thuộc về ý. Tất cả không phạm đều thuộc giới. Ngoài ba việc này ra không có gì là đạo.

Có một pháp phá hoại đạo hạnh, đó là không tinh tấn. Có một pháp phá hoại người, đó là xan tham. Ngoài ra, nhân duyên xấu bên ngoài đến không chấp nhận, đó là nhẫn. Tự thân làm ác, gây hại cho mình, không hoài niệm quá khứ, không mong cầu tương lai, phải chấm dứt ngay hiện tại, vì đó không phải là sở hữu của mình, không bị lo buồn, tất cả bị trói buộc đều do ý.

Có ý thiện cũng quên, ý ác cũng quên, lại nhờ ba nhân duyên:

  1. Không nghĩ theo thói quen.
  2. Không luôn nghĩ đến.
  3. Không vướng vào ý điên đảo.

Phải luôn luôn nhớ ba điều ấy. Từ hữu có thể đắc vô, hữu không thể đắc hữu. Đó gọi là ý của ba mươi bảy phẩm Trợ đạo. Ý sinh tử đưa đến sinh tử vô cùng, thế nên người giác ngộ nuôi dưỡng sự xả ly, có ý muốn ngồi hành đạo mười ngày không thể xong, do mười ngày đời trước phước mỏng. Người có nhiều phước muốn mười ngày ngồi hành đạo liền được. Thân không muốn làm viện cớ là mệt mỏi. Ý không muốn làm đạo nên không niệm vô thường, khổ, không.

Trí tuệ có bốn tướng:

  1. Nghe lời nói đúng không quen.
  2. Nghe xong, tâm lãnh thọ.
  3. Đã quên, ngay lúc đó suy nghĩ để nhớ lại.
  4. Đã suy nghĩ, nhớ, lại hỏi thăm thêm muốn biết rõ ý của người đó.

Ngược lại là người ít trí tuệ.

Có năm trăm người hành đạo đắc định ý, sợ bị mất, nhân đó nhờ người bảo giết giùm. Người kia nói:

–Giết người tu làm cho tôi bị tội nạng.

Đạo nhân nói:

–Như người có oan gia muốn giết kẻ đó. Đây chẳng phải là thân mà là oan gia của ta. Ngươi hãy vì ta mà giết giùm.

Phật nói:

–Nên giết cái ý của ngươi chớ chẳng nên giết cái thân.

Có đạo nhân đắc định ý, bấy giờ, lửa cháy thiêu rụi cả vùng rộng ấy, nhưng y của đạo nhân không cháy. Mọi người thấy vậy cho là quỷ, liền chém đạo nhân, nhưng chém không được. Do dụng tâm một chỗ nên y không cháy, do mềm mại nên chém không được.

Có đạo nhân đắc định ý, đệ tử mời dùng cơm, bất giác giơ cánh tay, cánh tay duỗi ra dài hơn một trượng. Đệ tử rất sợ, nhân đó cột gút cánh tay, ý muốn chặt gãy nhưng không được. Vị thầy trong thiền định biết cánh tay đau, hỏi, đệ tử bạch đã làm như vậy.

Thầy dạy:

–Ngươi không biết nên lầm bẻ gãy cánh tay của ta. Người đắc định ý mềm mại như tơ. Khi ở trong thai mẹ cũng mềm như vậy.

Có ba nhân duyên biết người không hiểu biết:

  1. Được hỏi, không thể trả lời.
  2. Không thể đặt câu hỏi.
  3. Không thể nói thành câu.

Rút một ý chính yếu trong kinh Thí Dụ: Người vào biển chỉ lấy châu báu rồi đi. Dụ cho người ở thế gian nên lấy ý thiện mà đi.

Không có chỗ ghi nhớ thì không thể đắc đạo. Vì sao? Vì do không nhớ nghĩ đến đạo. Do có nghĩ đến đạo mới có thể đắc đạo. Đó là sáu pháp Ba-la-mật, niệm hơi thở ra vào, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo là nhân duyên của đạo.

Có năm nhân duyên có thể tin:

  1. Tin Phật.
  2. Tin Pháp.
  3. Tin Giới.
  4. Tin Kinh.
  5. Tin Thiện tri thức.

Tin năm việc đó là đắc đạo.

Lời nói có bốn cách:

  1. Lời nói thẳng.
  2. Lời nói phân biệt.
  3. Lời hỏi.
  4. Lời nói chấm dứt.

Lời nói thẳng là người có trí tuệ, duyên theo chánh đạo nên duyên theo lời nói thẳng.

Lời nói phân biệt là vì người lãnh thọ không hiểu rõ nên phải lập lại lời nói để phân biệt gốc, ngọn.

Lời hỏi là tự ý người cho là đúng, tùy theo lời hỏi của họ mà hỏi lại thì họ liền tự biết.

Lời nói ngừng lại là những điều Phật không thuyết giảng mình cũng không nói.

Có bốn cách thưa hỏi:

  1. Hỏi tất cả.
  2. Hỏi riêng biệt.
  3. Hỏi lại câu hỏi.
  4. Hỏi để chấm dứt.

Tất cả thế gian là vô thường, khổ, không, hành đạo được an ổn rồi nói, là nên nói. Đó là hỏi tất cả.

Nếu người đến hỏi về việc của mắt thì chớ nên đem việc của tai mà trả lời họ. Đó là phân biệt hỏi.

Nếu người đem vật trắng đến nói đây là vật đen, nhân đấy đem vật đến hỏi người đó: “Ông thấy vật này như thế nào?” Đó là hỏi lại người hỏi.

Nếu người đến hỏi đạo thuộc loại gì? Nhân đó bảo với họ: “Rét thuộc loại gì?”

Nếu người hỏi ý thuộc loại gì? Nhân đó bảo với họ: “Gió thuộc loại gì?”

Nếu có người hỏi vô vi thuộc loại gì? Nhân đó bảo với họ: “Hư không thuộc loại gì?”

Đó là lời hỏi để chấm dứt.

Có bốn điên đảo, đó là:

  1. Đối với vô thường lại cho là thường.
  2. Khổ, con người lại cho là vui.
  3. Vạn vật đều không, cho là thật có.
  4. Chẳng phải thân, tham cho là có thân.

Con người rơi vào điên đảo như vậy. Chẳng phải thường cho là thường. Lấy khổ làm vui. Lấy không làm thật. Chẳng phải thân làm thân. Người có ý như vậy liền đắc đạo. Ý của con người rơi vào bốn điên đảo nên cho đó là thân của ta. Suy xét kỹ, trong thân chẳng có gì là sở hữu. Đã không sở hữu liền rơi vào không. Rơi vào không thì không có thân. Không có thân thì rơi vào vô vi.

Con người có bốn điều si, thường chấp vướng vào bốn điên đảo:

  1. Vạn vật vô thường, tự cho là thường.
  2. Thiên hạ đều khổ, con người dựa vào đó cho là vui.
  3. Thiên hạ đều không, con người cho là có.
  4. Thân này chẳng phải là thân, không thể bảo đảm, con người cho là thân.
  5. Khi trăng non mới mọc nên lễ lạy.
  6. Ngày mười lăm trăng tròn đầy, trong sáng, trở lại ngồi xổm mà nhìn.
  7. Con gái lúc còn nhỏ phải nhờ người chăm sóc, bảo vệ.
  8. Con gái lúc lớn thì mọi người không thể được gặp.

Có bốn điều cao quý, cũng có bốn điều hạ tiện:

  1. Đạo là cao quý, người là hạ tiện.
  2. Châu báu là quý, người là hạ tiện.
  3. Quan vị là quý, người là hạ tiện.
  4. Thông minh là quý, người si mê là hạ tiện.

Tôn giả A-nan thưa:

–Kính bạch Thế Tôn! Người gặp Thiện tri thức là gặp được một nửa đạo giác ngộ phải không?

Phật bảo:

–Người được gặp Thiện tri thức là được gặp toàn phần đạo giác ngộ. Vì Thiện tri thức rất khó được gặp.

Thế nào là đạo đức?

Tin là đạo, ngăn chận thân, khẩu, ý là đức.

Người phải có ba loại tri thức:

  1. Nhà giàu có.
  2. Việc làm cao quý.
  3. Cao thượng.

Bố thí là nhà giàu. Trì giới là việc làm cao quý. Giữ ý nghĩ nhớ đến đạo là cao thượng.

Có cách nuôi sống bên trong và nuôi sống bên ngoài:

– Xin tài vật, châu báu, đó là nuôi sống bên ngoài.

– Giữ ý nghĩ nhớ đến đạo, đó là nuôi sống bên trong.

Người không thể tự hàng phục ý của mình, trở lại muốn hàng phục ý của người khác. Người có thể tự hàng phục ý của mình thì có thể hàng phục được tất cả ý của người khác.

Có nội lực, có ngoại lực.

Có nội sắc, có ngoại sắc.

Có nội thức, có ngoại thức.

Ngăn được ý xấu, đó là nội lực. Có hành động nặng, nhẹ; đưa đến sân hận, đó là ngoại lực.

Thọ, tưởng, hành, thức là nội sắc. Đất, nước, lửa, gió, không khí là ngoại sắc.

Ý nghĩ là nội thức, mắt thấy là ngoại thức.

Có bốn việc rất khó được:

  1. Được cùng ở chung với người đắc đạo rất khó, nghĩa là mười hai Hiền giả.
  2. Nghe giảng kinh thâm nhập vào tâm rất khó, nghĩa là ở chỗ tám nạn.
  3. Thấy đúng như sự thật rất khó, nghĩa là rơi vào bốn điên đảo.
  4. Tu hành đúng như pháp rất khó, nghĩa là không thể trì giới.

Có năm việc rất khó cầu đạo.

  1. Tuổi già.
  2. Bệnh tật.
  3. Quan quyền.
  4. Đạo tặc.
  5. Đói khát.

Đó là năm việc rất khó cầu đạo.

Có năm việc khó:

  1. Gặp Phật ra đời là khó.
  2. Được nghe kinh là khó.
  3. Được gặp minh sư là khó.
  4. Được gặp người thiện là khó.
  5. Được làm người là khó.

Có năm việc khó:

  1. Nghèo khổ, bố thí là khó.
  2. Giàu sang quyền quý, nhẫn nhục là khó.
  3. Gặp việc phải đối đầu mà không khinh thường là khó.
  4. Cùng với người nữ xinh đẹp ngồi chung một chỗ, ý không động là khó.
  5. Nắm giữ mạng người không gây tổn hại rất khó.

Có bảy việc khó:

  1. Học kinh hay thưa hỏi là khó.
  2. Nghe kinh, hiểu ý kinh là khó.
  3. Cùng nói chuyện với người có nhiều trí tuệ, hiểu được ý của họ là khó.
  4. Tự răn mình, dạy người là khó.
  5. Tự mình an ổn, làm cho người cũng được an ổn, là khó.
  6. Ý mình đã định, cũng làm cho người khác được định là khó.
  7. Luôn luôn không lìa pháp cho đến khi đắc Phật đạo là khó.

Có mười tám việc rất khó đối với người ở thế gian:

  1. Gặp Phật ở đời là khó.
  2. Giả sử thành tựu việc gặp Phật, được làm thân người là khó.
  3. Giả sử thành tựu thân người, được sinh ở kinh đô là khó.
  4. Giả sử sinh ở kinh đô, được sinh nơi nhà giàu sang, quyền quý là khó.
  5. Giả sử sinh trong nhà quyền quý, được toàn vẹn thân tướng và tinh thần đầy đủ là khó.
  6. Giả sử thân tướng đầy đủ, có tài sản là khó.
  7. Giả sử được tài sản, gặp được Thiện tri thức là khó.
  8. Giả sử được Thiện tri thức, có trí tuệ là khó.
  9. Giả sử có trí tuệ, có tâm cẩn thận là khó.
  10. Giả sử có tâm cẩn thận, thường làm việc bố thí là khó.
  11. Giả sử thường bố thí, muốn được gặp người hiền thiện có đức, là khó.
  12. Giả sử gặp người hiền thiện, có đức, đi đến chỗ của người đó là khó.
  13. Giả sử đi đến chỗ được gặp người vừa ý mình là khó.
  14. Giả sử được gặp người vừa ý, thưa hỏi là khó.
  15. Giả sử chịu thưa hỏi, nói đúng là khó.
  16. Giả sử nói đúng, được trí tuệ thông suốt là khó.
  17. Giả sử được trí tuệ thông suốt, lãnh thọ kinh điển vi diệu là khó.
  18. Giả sử hiểu rõ kinh điển vi diệu, hỏi ngược lại là khó.

Đó là mười tám việc rất khó đối với người thế gian.

Có tám hạng người Phật khó độ:

  1. Người câm.
  2. Người điếc.
  3. Người trong địa ngục.
  4. Người trong ngạ quỷ.
  5. Người trong súc sinh.
  6. Người ở biên địa không biết ý nghĩa pháp.
  7. Người ở cõi trời thứ hai mươi tám: Trường sinh.
  8. Thọ hạnh không tinh tấn.

Đó là tám hạng người mà Phật cũng khó độ.

Có năm trăm người cho mình là người toàn thiện. Phật dạy:

–Nếu ông toàn thiện thì nên theo ta.

Mọi người dạ. Phật liền đi vào trong lửa, năm trăm người đứng lại, không ai dám theo và thưa:

–Thật khó làm người toàn thiện.

Có người hỏi Phật:

–Phật dạy người làm lành để được lợi ích gì?

Phật dạy:

–Mọi người khổ nên ta giáo hóa họ hết khổ.

Họ lại hỏi:

–Người có tâm nên buông lung.

Phật dạy:

–Người khắp thiên hạ có tội vì tâm buông lung. Ta dừng tâm buông lung đến một trăm kiếp mới đạt được Phật đạo. Đạo có bảy việc:

  1. Tâm ưa bố thí, không muốn gì khác.
  2. Chỉ muốn nghe pháp.
  3. Chỉ tin pháp.
  4. Chỉ giữ giới.
  5. Chỉ muốn tu hành.
  6. Chỉ muốn học trí tuệ.
  7. Chỉ muốn giải thoát.

Hiện tại Đức Phật được giải thoát vì do nhiều đời chỉ học trí tuệ, vì do nhiều đời chỉ tinh tấn, vì do nhiều đời chỉ trì giới, vì do nhiều đời chỉ chánh tín, vì do nhiều đời chỉ muốn đa văn, vì do nhiều đời chỉ muốn bố thí. Không những nhiều đời bố thí lại còn đa văn. Không những nhiều đời đa văn lại còn chánh tín. Không những nhiều đời chánh tín lại còn trì giới. Không những nhiều đời trì giới lại còn tu hành. Không những nhiều đời tu hành lại còn trí tuệ. Không những nhiều đời trí tuệ lại còn giải thoát. Bảy việc này đều nên đi đôi với nhau.

Có năm việc suy thoái:

  1. Thời trước người trường thọ, thời nay đoản thọ.
  2. Thời trước người đẹp như hoa đào, thời nay xấu xí.
  3. Thời trước nhiều người đắc đạo, thời nay người khó đắc đạo.
  4. Thời trước người thông hiểu rộng rãi về kinh điển, thời nay không thể hiểu được.
  5. Thời trước người an ổn, thời nay nhiều bệnh tật.

Đó là năm việc suy thoái ở đời.

Có đạo nhân trường thọ, rất giàu có, tài sản vô số, ưa làm việc bố thí. Có người nói ông làm việc bố thí nhiều, nhiều lắm. Đạo nhân nói:

–Tôi từng nghe Phật dạy: người ở thế gian qua lại trong sinh tử, số ngày đó quá nhiều không thể tính. Sự bố thí của tôi hiện nay so ra một ngày không được một đồng thì có gì là nhiều.

Phật nói:

–Người được tất cả châu báu trong thiên hạ không bằng người nghe được một lời Phật dạy. Vì sao? Vì lệ thuộc nhiều tài sản thì không thể lìa thế gian.

Chim yết trong núi, đuôi nó có lông dài, lông bị vướng mắc nên nó sợ đứt không dám đi. Nó rất yêu thích cái đuôi, sợ thợ săn bắt được nhổ đi. Thân bị tan rã không sợ mà chỉ lo sợ bị mất lông đuôi. Con người bị trói chặt vào ý niệm ân ái, tài sản, nên không được thoát khổ. Vì tham dâm, con người nuôi sống thân mình, ví như con ong làm mật siêng năng chịu khổ, hút lấy các mật hoa, chứa nhóm nhiều ngày mới thành, con người phá lấy đem đi, nó không được ăn, chỉ bị sự khổ nhọc. Con người chạy Đông, chạy Tây cầu những việc như vậy, làm những việc như vậy, gom góp tài sản quý giá, khổ nhọc không thể nói hết, nhưng sau khi qua đời, của cải đó thuộc về người khác, bản thân mình lại mắc tội nặng, chịu khổ không thể lường.

Người thế gian ví như đi thuyền đất qua sông, thuyền vừa nổi trên mặt nước thì đã bị rã ra. Thân người như chiếc thuyền đất không thể lâu bền, phải mau hành đạo.

Có bốn cách thử vàng:

  1. Đốt.
  2. Chà xát.
  3. Gọt dũa.
  4. Tôi luyện.

Thí dụ như con người cũng có bốn cách thử:

  1. Dùng sắc đẹp.
  2. Cùng làm việc.
  3. Dùng vật chất.
  4. Khống chế, ngăn không cho làm.

Muốn biết được tướng của người có bốn nhân duyên:

  1. Cùng ở chung.
  2. Phải cùng ở chung lâu ngày.
  3. Cùng nói chuyện với nhau.
  4. Cùng làm việc.

Do đấy có thể biết được người đó.

Có bốn nhân duyên biết đó là người hành đạo.

  1. Nghe đến việc ác làm loạn tâm trí thì không ghi nhận.
  2. Không nói lỗi xấu của người.
  3. Tự mình không bàn luận thị phi.
  4. Tự giữ mình.

Như vậy biết là người hành đạo tự bảo hộ mình.

Người đời nay đủ bốn nhân duyên mới được hưởng phước.

  1. Có đúng chỗ.
  2. Có đúng lúc.
  3. Có nghề nghiệp.
  4. Có thầy.

Người có chỗ dừng lại được yên ổn như ý mình. Đó là đúng chỗ. Như người ba mươi tuổi mới được giàu có, khi mười lăm tuổi tìm không thể được, phải đợi đến ba mươi tuổi mới được. Đó là đúng lúc. Nếu người buôn bán hạt châu cũng như các vật khác, từ đó được lợi tức. Đó là có nghề nghiệp. Gặp được người hiểu biết, giảng giải kinh điển, được hiểu rõ. Đó là có thầy.

Có ba anh em tự cho mình tài giỏi không ai bằng, thay nhau thức để canh suốt đêm. Hai người anh ngủ trước, người em út ngồi canh một mình. Có một con trùng tên Bất cát đến cắn bắp vế của người em. Người em liền đưa tay chận con trùng, con trùng trương lớn, chặn đập chừng nào lớn chừng nấy. Người em giận dữ bắt con trùng và đạp lên, đến nỗi quá sức mệt nhọc, con trùng trương lớn không dừng, người em út mới thôi. Qua khỏi canh một, liền gọi người anh giữa dậy, trùng lại cắn người anh giữa. Lại giống như người em út, càng chiến đấu với trùng, trùng lại trương lớn cho đến như cái nhà. Chiến đấu như vậy quá mệt nhọc mới dừng. Qua khỏi canh hai, lại kêu người anh cả dậy, trùng lại đến cắn. Người anh cả liền đưa tay chỉ, con trùng đứng dậy, người anh nhanh ý lấy cái vò đất chụp con trùng lại, chỉ thời gian rất ngắn, con trùng liền chui ra khỏi vò bay đi mất. Đến sáng ngày, hai người em quá sức mệt nhọc không dậy nổi. Người anh biết hai người em cùng chiến đấu với con trùng, liền hỏi:

–Vì sao không dậy?

Hai người em hổ thẹn không dám nói. Người anh bảo:

–Sau này giả như có gặp trùng Bất cát đến, hai chú chỉ nên lấy cái vò chụp nó lại là xong, không nên chống cự. Ví dụ như người si bị đối chất, liền nổi sân, do đó mắc tội. Như hai người em cùng chiến đấu với trùng, tự bản thân mình hết sức mệt nhọc. Người thông minh thấy người đối chất đến, liền tránh là được phước. Ví như người anh cả dùng cái vò chụp trùng Bất cát.

Xưa có đạo nhân thuyết kinh cho vua nghe. Vua hỏi:

–Khi Phật còn tại thế có nhiều người đắc đạo. Nay cũng đồng giảng kinh của Phật mà không có người đắc đạo. Phật đã mang đạo pháp đi mất rồi ư?

Đạo nhân đáp:

–Ví như trong thiên hạ không có rượu nào ngon bằng rượu nho, uống một thăng liền có thể say. Nhưng đem một thăng nước hòa vào một thăng rượu để uống thì không bị say. Khi Phật còn tại thế, thuyết giảng kinh, biết ý tứ, thái độ của con người giống như người uống một thăng rượu nguyên chất liền bị say. Ngày nay, chúng tôi không biết được như vậy, Đức Phật thuyết giảng kinh biết rõ tâm ý và thái độ của người, đúng bệnh cho thuốc, nên người mau đắc đạo.

Có quốc vương cúng bữa ăn cho các Tỳ-kheo. Chư Thiên đến, chỉ quốc vương, bảo: “Người này đắc A-la-hán, người này đắc Bồtát, người này đắc Đạo tích, người này không trì giới …”. Vua biết rõ tất cả và đều giữ tâm bình đẳng đối với các vị ấy. Chư Thiên rất hoan hỷ.

Có quốc vương cùng với người tranh chấp giá cao để được tắm Phật, vua luôn nêu giá thật cao không dừng, người kia nói: “Nay tôi xin đem tất cả tài vật hiện có, vợ con và thân mạng làm tôi tớ để được tắm Phật”. Vua liền thua.

Vua A-dục xây tám vạn ngôi tháp. Khi lâm chung, có năm trăm vị Bồ-tát, A-la-hán cùng hộ trì và thuyết kinh cho vua, không để các phu nhân được ở gần nhìn thấy nhau, vì muốn làm cho vua lên thẳng cõi trời.

Có vua nước nhỏ thường đem binh đi chinh phạt. Vua nước lớn suy nghĩ: “Mất thân mạng, bị tội ác đều từ tham ái mà ra. Cho nên ta quyết không như vậy”, bèn đem nước cho vua đó. Vua nước lớn bỏ nước đi làm thường dân, bạch y, ở một nước khác. Sau một thời gian lâu trở về nước cũ, có người tâu, vua liền sai tả hữu đi đến bắt đem giết. Ngay khi sắp chết, vua nước lớn gọi người con đến dặn dò: “Con cẩn thận, chớ có quên, chớ nên nghĩ đến oan gia, cần phải có tâm Từ”.

Có quốc vương trị nước không công bằng, xâm phạm dân chúng, nhận của phi pháp, trời mưa gió trái mùa. Có một nữ nhân nói: “Trời mưa không đúng thời tiết, vì vua trị nước không công bằng, cho nên mới như vậy”. Vua nghe, liền gọi nữ nhân đến bảo: “Hãy cầu cho trời mưa”. Vua đem ba cái bình để giữa đất, nữ nhân nguyện làm cho mưa rơi thẳng vào trong giữa bình, đúng như nguyện. Vua hỏi: “Do nhân duyên gì mà được như vậy?” Nữ nhân tâu: “Do lòng chí thành của tôi.” Phật nói:

–Có đất mới có vạn vật. Người có chí thành mới có đạo.

Có quốc vương xuất hành thấy một người con gái xinh đẹp vô cùng. Ý của vua muốn giết ông chồng để chiếm cô gái này. Cận thần tâu: “Vua không nên giết người chồng mà nên ban tặng”. Quốc vương bèn ban thưởng cho người chồng, đem nhẫn vàng cho ông ta và bảo: “Nếu ngươi làm mất chiếc nhẫn này, ta sẽ giết ngươi.” Và vua gọi riêng vợ của ông ta đến bảo: “Hay lén lấy chiếc nhẫn!”

Sau đó, vua gọi ông chồng đến hỏi nhẫn đâu? Ông chồng tìm, không biết ở chỗ nào. Vua liền ra lệnh đem giết ông chồng, bảo đãi cho ông một bữa ăn ngon trước khi đem giết. Ông chồng sợ hãi không dám ăn. Có người nói ông sắp chết, vì sao không ăn. Người chồng thích ăn cá, nhân đó được chiếc nhẫn ở trong bụng con cá. Đó là do lòng chí thành mà được.

Có một đạo nhân nghèo, đem mười vạn tiền để sinh sống. Trước hết, ông lấy ba vạn bố thí, số còn lại đem mua bán, giữa đường bị giặc cướp lấy sạch. Vua đem các vật châu báu bố thí cho tất cả. Có đãy lớn, đãy nhỏ đủ loại, mọi người đều lấy đãy lớn mang đi. Đạo nhân tự nghĩ: “Ta ít tiền, không nên lấy đãy lớn, nên lấy túi nhỏ mà đi”. Nào ngờ trong túi nhỏ đó lại đựng toàn ngọc trắng. Đạo nhân bán được sáu ngàn vạn. Do lòng chí thành không tham nên được châu báu như vậy.

Xưa có một quốc vương bảo đem những người mù trong nước đi đến chuồng voi để xem voi. Trong số bọn họ có người sờ chân voi, người sờ mũi voi, người sờ tai voi, người sờ đuôi voi. Sau đó vua cho gọi họ đến hỏi: “Con voi giống cái gì?” Người sờ chân thì bảo voi lớn như cái cột. Người sờ mũi thì nói voi lớn như dây thừng. Người sờ tai thì nói voi giống như cái nia. Người sờ đuôi thì nói voi giống như cây gậy… và họ cùng nhau tranh cãi. Người mù tự tin theo ý của mình. Ví như người hiểu được chút ít trong kinh dạy nhưng không hiểu rõ toàn bộ pháp đó, mà tự cho rằng mình hiểu tất cả, cũng như vậy.

Có quốc vương tổ chức đại nhạc hội vui chơi ngoài thành, nhân dân cả nước đều đi đến xem. Trong thành, một gia đình có người cha bị tật nên không thể đi được. Con cái và thân quyến cùng nhau dìu dắt đưa đi. Ra khỏi thành, người cha bảo dừng lại nơi gốc cây chứ không thể đi được nữa, nên bảo với mọi người trong gia đình:

–Các con hãy đến đó xem xong rồi trở lại đây đưa ta trở về.

Bấy giờ, trời Đế Thích hóa, làm một đạo nhân, đi ngang qua chỗ người đó, liền bảo người bệnh:

–Ngươi hãy đi theo ta, ta sẽ làm cho ngươi lành bệnh.

Người cha nghe, rất vui mừng, liền đứng dậy đi theo. Đế Thích đem ông lên đến cung trời. Thấy vàng bạc và đồ vật tốt đẹp rất nhiều, ông muốn xin. Có người nói:

–Không được đâu, nên xin cái bình.

Người bệnh đến trước Đế Thích thưa:

–Tôi muốn trở về nhà, xin nhân giả cho tôi cái bình.

Đế Thích đưa cho người bệnh cái bình và nói:

–Trong đó có vật tùy theo ý muốn của ngươi.

Người bệng mang bình trở về nhà, đem ra xem và lần lượt được vàng bạc, châu báu như ý, liền nhóm họp bà con, dòng họ, nội ngoại, cùng nhau vui chơi ăn uống no say. Sau đó, nhân ôm cái bình nhảy nhót, nói:

–Ta nhờ ơn của ngươi làm cho ta được giàu có.

Ông ta nhảy nhót không dừng nên rớt cái bình xuống đất bể tan và cầu không được nữa.

Thế gian có rất nhiều người thông tuệ, nhưng chưa có người nào như Bồ-tát Di-lặc. Bồ-tát Di-lặc còn phải học hành không nhàm chán, huống là những người khác!

Phật đắc đạo xong, ngồi niệm hơi thở ra vào.

Phật nói:

–Ta từ vô số đời kiếp đến nay, học không nhàm mỏi, mới được thành Phật. Người đời sau phải học thế nào mới được thành Phật đạo?

Đã giữ giới không còn trở lại làm ác. Người có ý bất tín cho nên trở lại phạm giới liền bị đọa vào địa ngục, Diêm vương hỏi, liền nói:

–Tôi không làm ác.

Diêm vương bảo:

–Ngươi không làm ác sao lại trở vào đây?

Có Tôn giả bị kẻ giặc làm nhục. Có người nói:

–Vì sao không hại nó đi?

Tôn giả nói:

–Tôi không có đủ người hộ vệ.

Người kia nói:

–Tôi xin cung cấp người hộ vệ cho.

Tôn giả nói:

–Không nên làm như vậy. Binh lính của tôi tự đầy đủ. Hơn hai mươi năm tôi giết giặc già, bệnh, chết.

Người kia lại thưa:

–Tôn giả không giết nó thì tự hại mình.

Tôn giả nói:

–Binh mã của tôi đã đủ. Vì sao lại đi làm người si để phải vào địa ngục, gọi đó là đầy đủ binh mã?

Có người hỏi:

–Thế nào là có thể biết hết vạn sự, vạn vật?

Đáp:

–Biết hết vạn sự, vạn vật, đó là vô ý, vô niệm, thì vạn sự tự hoàn tất. Ý nhớ nghĩ trăm điều thì vạn sự, vạn vật đều hỏng.

Ban đêm có một đạo nhân đi phía trước, người chưa đắc đạo đi theo phía sau. Người đi sau có điều nghi ngờ, người đi trước giơ tay lên trên đầu, năm ngón tay phát ra ánh sáng, lại dùng làm chìa khóa mở cửa, người đi sau bèn tỏ ngộ, biết chính đó là đạo nhân.

Kinh thuyết giảng: Có sáu điều suy. Có người nói có bảy điều suy. Phòng nhà suy không phải là một suy hay sao?

Phật bảo với người kia:

–Ta biết hơn ngươi một điều suy nữa: ngu si là đại suy. Vì sao? Vì người ta nói việc của thân, ngươi trở lại nói việc phòng nhà, đó là si.

Có người rớt xuống biển. Có người khác bảo:

–Uống hết nước biển thì có thể lên được.

Người kia nói:

–Tôi đã uống, sau đó nước lại tràn ra.

Thế gian cũng như vậy, trước sau nối tiếp mãi không dừng.

Có bốn nhân duyên làm cho người ta ưa gặp nhau:

  1. Người đó xinh đẹp.
  2. Đời trước thân mến nhau.
  3. Có tiếng khen.
  4. Muốn nghe kinh điển sâu xa.

Nhưng làm sao biết được khi họ cố che giấu? Người cố che giấu thì không thấy được thói xấu của họ.

Thế gian có một ngàn không trăm lẻ tám đạo. Phật biết hết tất cả. Đời trước Phật đã học hết nhưng không đắc đạo, cho nên mới hiểu tất cả.

Hỏi:

–Khi người nói, âm thanh sinh ra trước, hay ý sinh ra trước?

Đáp:

–Ý sinh ra trước. Vì sao? Vì ý biết âm thanh, chứ âm thanh không thể biết ý.

Có người mang ngọc qua biển, ngọc rớt xuống biển, người đó liền lấy cái đấu gỗ múc nước biển đổ lên bờ. Thần biển thấy vậy, nói:

–Ngươi phải tát đến khi nào mới hết nước biển?

Người mất ngọc nói:

–Vứt bỏ sinh tử nhưng không vứt bỏ ngọc.

Thần biển biết ý chí của người đó rất lớn, đem ngọc trả lại cho người ấy.