KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ LẠC
(Kinh Phát khởi sự vui thích thuộc Chí thù thắng của Bồ Tát)
_QUYỂN HẠ_

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư BỒ ĐỀ LƯU CHÍ phụng chiếu dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Bấy giờ Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Sơ Nghiệp Bồ Tát đã xuất gia xong, chưa được Tuệ Lực mà muốn được thì nên buông bỏ Pháp nào? Nên tu Pháp nào? Tuệ Lực chưa sinh hay khiến cho sinh ra, Tuệ Lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng?”.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: “Này Di Lặc! Sơ Nghiệp Bồ Tát đã xuất gia xong, muốn khiến cho Tuệ Lực được tăng trưởng thì nên đối với lợi dưỡng, biết lỗi lầm ấy cần phải buông lìa. Hoặc ưa thích tụ họp ồn ào, nói chuyện Thế Tục, ham thích ngủ say, rộng kinh doanh mọi việc, ưa thích các Hý Luận…Lỗi lầm như vậy, đều nên xa lìa. Chính vì thế cho nên phải buông bỏ lợi dưỡng, tu chỗ ít ham muốn, buông bỏ các chốn tụ họp ồn ào, ở nơi vắng lặng, buông bỏ nói các chuyện đời, quán nơi Thật Nghĩa, đầu đêm sau đêm xa lìa ngủ mê, quán sát suy nghĩ tùy theo Hành tu tập, buông bỏ mọi việc với các Hý Luận, tu Đạo xuất thế, Từ Niệm (quan tâm yêu thương giúp đỡ) chúng sinh.

Này Di Lặc! Sơ Nghiệp Bồ Tát đã xuất gia xong, chưa được Tuệ Lực mà muốn được thì Pháp đó nên buông bỏ, Pháp đó nên tu. Tại sao thế? Vì các vị Bồ Tát ấy đã xuất gia xong, chưa được Tuệ Lực mà muốn được, lại chẳng buông bỏ lợi dưỡng, chẳng tu ít ham muốn mà Tuệ Lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, Tuệ Lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, ắt không có chuyện đó.

Chẳng buông bỏ chốn tụ họp ồn áo, chẳng trụ nơi vắng lặng mà Tuệ Lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, Tuệ Lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, cũng không có chuyện đó.

Chẳng buông nói chuyện đời, chẳng quán Thật Nghĩa mà Tuệ Lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, Tuệ Lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, ắt không có chuyện đó.

Đầu đêm, sau đêm ham thích ngủ mê, chưa từng Giác Ngộ, cột buộc niệm suy nghĩ, chẳng buông bỏ mọi việc, ưa thích các Hý Luận, đối với Đạo xuất thế chẳng thể tu hành, đối với các chúng sinh chẳng sinh Từ Niệm mà Tuệ Lực chưa sinh sẽ khiến cho sinh ra, Tuệ Lực đã sinh hay khiến cho tăng trưởng, cũng không có chuyện đó.

Này Di Lặc! Chính vì thế cho nên Bồ Tát chưa được Tuệ Lực mà muốn được thì nên buông bỏ các Pháp cần phải buông lìa, nên tu các Pháp cần phải tu tập. Tại sao thế? Vì Trí Tuệ của Bồ Tát từ Nhân Duyên sinh, nếu không có nhân duyên, cuối cùng chẳng thể sinh, nhân duyên hòa hợi như thế mới được sinh”.

_ Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong lợi dưỡng? Nếu khi quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát ưa thích nơi ít ham muốn, chẳng sinh nhiệt não?”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Sơ Nghiệp Bồ Tát nên quán lợi dưỡng hay sinh ra Tham Dục.

Nên quán lợi dưỡng hay hoại mất Chính Niệm, sinh ra sự giận dữ.

Nên quán lợi dưỡng, nhớ nghĩ việc được mất ấy, hay sinh ra ngu si.

Nên quán lợi dưỡng hay sinh ra Tâm cao thấp ganh tỵ đố kỵ.

Nên quán lợi dưỡng đối với thân hữu, gia đình hay keo kiệt bủn xỉn, đắm trước…sinh ra sự lừa đảo mê hoặc.

Nên quán lợi dưỡng thành tựu mùi vị yêu thích, sinh ra sự lừa dối.

Nên quán lợi dưỡng buông bỏ mầm giống của bốn Thánh không có Tàm Quý (ghê sợ tội lỗi, ham thích Công Đức tốt lành). Chẳng phải là nơi mà tất cả chư Phật đã hứa khả (đồng ý cho phép), tích lũy thói quen kiêu căng dâm dật (kiêu dật), sinh ra sự kiêu ngạo tự phụ (cao mạn).

Nên quán lợi dưỡng đối với ruộng Phước thù thắng, dấy lên sự khinh mạn, làm Ma Đảng (bè đảng của Ma)

Nên quán lợi dưỡng là gốc rễ của mọi điều xấu ác, hủy hoại các điều tốt lành.

Nên quán lợi dưỡng là nơi có nhiều sự tham dính, giống như sương muối mưa đá.

Nên quán lợi dưỡng đối với thân hữu, gia đình…trông đợi nhan sắc, sinh ra sự lo âu buồn phiền.

Nên quán lợi dưỡng như sự rối loạn của Tâm lo lắng khi vật yêu thích bị tổn hoại.

Nên quán lợi dưỡng đối với bốn Niệm Xứ (Catvāri smṛty-upasthānāni) phần lớn là nơi đã quên mất, giật đổ Pháp Trắng (Pháp tốt lành trong sạch)

Nên quán lợi dưỡng đối với bốn Chính Cần (Catvāri prahāṇāni) phần lớn có sự lùi mất, khiến cho tất cả Luận khác thắng thế.

Nên quán lợi dưỡng như tự mình nói rằng đã được Thần Thông Trí Tuệ, cho nên sinh ra sự trái ngược.

Nên quán lợi dưỡng: trước, sau, được, mất… sinh ra sự oán ghét .

Nên quán lợi dưỡng hỗ trợ sự giận dữ hiềm thù, nói lỗi lầm xấu ác ấy cho nên có nhiều sự tìm cầu lựa chọn toan tính.

Nên quán lợi dưỡng vì nuôi mạng sống, kinh doanh các Nghiệp của đời, tính toán suy nghĩ cho nên giảm đi sự an vui.

Nên quán lợi dưỡng cho đến Thiền Định, Tam Muội Giải Thoát, Tam Ma Bát Để (Samāpatti: Đẳng Chí)….Tâm như Dâm Nữ hay lùi mất.

Nên quán lợi dưỡng buông lìa Trí Đoạn (Trí Tuệ Bát Nhã đoạn trừ phiền não), bị rơi vào: Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh, cõi Diêm Ma La, các đường ác.

Nên quán lợi dưỡng cùng với Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) Ô Đà Lạc Ca () đồng ở Pháp Trụ, bị rơi vào đường ác.

Này Di Lặc! Sơ Nghiệp Bồ Tát như vậy quán sát lỗi lầm của lợi dưỡng, ưa thích nơi ít ham muốn, chẳng sinh nhiệt não. Tại sao Thế? Này Di Lặc! Bồ Tát ít ham muốn đối với tất cả lỗi lầm thảy đều chẳng sinh, kham làm Pháp Khí thanh tịnh của chư Phật mà chẳng bị ràng buộc là Tại Gia hay Xuất Gia, trụ ở niềm vui của Ý chân thật tối thắng, chẳng vì thấp kém cũng chẳng sợ hãi, lìa sự sợ hãi bị rơi vào các đường ác, không thể che lấp, buông bỏ mùi vị đam mê, giải thoát được cảnh giới của Chúng Ma, là nơi mà  tất cả chư Phật đã khen ngợi, chư Thiên với loài người cũng sẽ yêu thích, ở các Thiền Định mà chẳng bị nhiễm dính, trụ ở cùng cực. Tâm ấy ngay thẳng không có lừa dối, ở trong năm Dục cũng chẳng phóng dật. Nhìn thấy lỗi ấm ấy, như thuyết tu hành, hay trụ ở mầm giống của bậc Thánh, người đồng Phạm Hạnh (Brahma-caryā) cũng sẽ yêu thích.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát Trí Tuệ thông mẫn thì đối với Công Đức này hay biết như vậy. Dùng niềm vui của Ý thù thắng nên buông bỏ lợi dưỡng, dùng niềm vui của Ý thù thắng trụ ở nơi ít ham muốn, để chặt đứt Tham Ái mà phát khởi”.

_ Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong chỗ tụ họp ồn ào. Nếu quán sát thời Bồ Tát ở một mình tại chỗ Nhàn Tịnh, chẳng sinh nhiệt não?”

Đức Phật bảo Di Lặc: “Sơ Nghiệp Bồ Tát cần phải quán sát lỗi lầm của sự tụ họp ồn ào, nếu quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát ở một mình tại chỗ Nhàn Tịnh, chẳng sinh nhiệt não.

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi loại lỗi lầm ở chốn tụ họp ồn ào?

1_ Chẳng bảo vệ Thân Nghiệp
2_ Chẳng bảo vệ Ngữ Nghiệp
3_ Chẳng bảo vệ Ý Nghiệp
4_ Đầy đủ nhiều sự tham dục
5_Tăng trưởng ngu si
6_ Đam mê nói chuyện của đời
7_ Lìa lời nói xuất thế
8_ Ở trong Phi Pháp tôn trọng tu tập
9_ Buông bỏ, xa lìa Chính Pháp
10_ Thiên Ma Ba Tuần được dịp thuận tiện gây hại
11_ Đối với sự chẳng phóng dật thì chưa từng tu tập
12_ Đối với Hạnh phóng dật thì thường ôm giữ nhiễm dính
13_ Có nhiều sự tìm cầu, lựa chọn, toan tính
14_ Hao tổn giảm bớt Đa Văn (Bahu-śrūta)
15_ Chẳng được Thiền Định
16_ Không có Trí Tuệ
17_ Mau chóng mà được điều chẳng phải là các Phạm Hạnh
18_ Chẳng yêu thích Phật
19_ Chẳng yêu thích Pháp
20_ Chẳng yêu thích Tăng

Này Di Lặc! Đây là Bồ Tát quán hai mươi loại lỗi lầm ở nơi tụ họp ồn ào”.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn một lần nữa nói Kệ rằng:

“_Xa lìa các tham, giận
Chẳng trụ nơi Hội Náo (tụ họp ồn ào)
Nếu chuyên trụ chốn ấy
Lỗi đó chẳng nên làm

_ Kiêu mạn với Giác Quán (tìm cầu, chọn lựa, toan tính)
Đều do Hội Náo sinh
Người hoại Hạnh không Giới
Khen ngợi chốn Hội Náo

_ Người ngu ưa Thế Luận
Lùi mất Đệ Nhất Nghĩa (Paramārtha: Chân Lý tối cao của Phật Giáo)
Phóng dật nhiều Giác Quán (tìm cầu, lựa chọn, toan tính)
Lỗi đó chẳng nên làm

_ Tỳ Khưu bỏ Đa Văn (Bahu-śrūta)
Nói luận chẳng như Lý
Tổn giảm các Thiền Định
Thường suy nghĩ Thế Gian
Người ham dính suy tư
Sao được chỗ vắng lặng
Tâm ấy thường tán loạn
Lìa hẳn nơi Chính Quán
Mau được Phi Phạm Hạnh (Chẳng phải là Phạm Hạnh)
Huyên Tạp (ồn ào tạp nhạp) không lễ nghi
Cũng chẳng từng yêu Phật
Với yêu thích chúng Thánh

_ Vứt bỏ Pháp lìa Dục
Ham dính lời phi Pháp
Ta thường bỏ ngàn thân
Chi phần với đầu, mắt
Vì cầu Đạo vô thượng
Nghe Pháp không chán ghét
Các người Phi Pháp đó
Nghe ít, liền chán bỏ

_ Xưa Ta làm quốc vương
Cầu bài Kệ bốn câu
Vợ con với tài bảo
Thảy đều hay đem cho
Cớ gì nơi người Trí
Mà chẳng siêng nghe Pháp ?!…
Ta thường bỏ tất cả
Phi Pháp với Hý Luận
Vì ở trăm ngàn Kiếp
Khó thể được Giải Thoát
Các ngươi nên vui mừng
Chí cầu Pháp vi diệu
_ Nếu vui thích Giải Thoát
Các Công Đức tối thắng
Các sự nghiệp Thế Gian
Chẳng phải chỗ nên hỏi
Áo, cơm không thắng lợi
Cũng chẳng chứng Niết Bàn

Nên khen ngợi Tối Thắng
Các Tỳ Khưu khéo đến!
Nên khiến ngồi Kiết Già
Trợ nói các Pháp Yếu
Thân người rất khó được
Tùy phần, hành Pháp trắng
Đọc tụng với Thiền Định
_ Ông nên hỏi như vậy
Như Lai vào Niết Bàn
Di Pháp (Pháp lưu lại cho đời) sẽ diệt hoại
Tỳ Khưu nhiều phóng dật
Vui Chúng, vứt nhàn tĩnh
Vị ăn uống, lợi dưỡng
Ngày đêm bàn chuyện đời
Người ngu ở trong mộng
Kinh sợ mà chìm nổi
Tự biết nhiều hủy phạm
Sẽ đọa ba đường ác
Nên sinh Tâm vui vẻ
Một mình ở Nhàn Tịch
Hoặc tại A Lan Nhã (Araṇya)
Chí cầu Đạo vô thượng
Chẳng nên nhìn lỗi người
Nói mình rất Tôn Thắng
Gốc kiêu căng phóng dật
Đừng khinh người thấp kém
Ấy ở trong Di Pháp
Dần dà mà giải thoát
Tỳ Khưu tuy phá Giới
Tin sâu nơi Tam Bảo
_ Đấy tức Nhân giải thoát
Chẳng nên nhìn lỗi ấy
Tồi phục nạn tham giận
Đừng sợ nơi phóng dật
Tập Pháp khác nên thế
Do vậy chẳng cần nói
Nếu Tỳ Khưu trong sạch
Rình tìm lỗi của người
Đấy chẳng phải chân thật
Chẳng gọi tu Chính Pháp
Người như Lý tu hành
Cần phải tự quán sát
_ Các Tỳ Khưu cầu Đạo
Buông lìa ngôn luận ác
Thường dùng Tâm vui vẻ
Một mình ở Nhàn Tịnh”

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc lại bạch Phật rằng: “Thật hiếm có ! Bạch Đức Thế Tôn! Ham dính nơi tụ họp ồn ào liền có vô lượng lỗi xấu ác như vậy, lùi mất Công Đức, không có lợi ích, tăng trưởng phiền não, bị rơi vào các nẻo ác, xa lìa Pháp trắng. Vì sao lại có Bồ Tát cầu Thiện Pháp (Kuśala-dharma: Pháp tốt lành) nghe lỗi lầm đó mà chẳng ưa thích ở một mình tại chốn Nhàn Tĩnh?!…”

_ Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong việc nói chuyện đời? Nếu quán sát thời Bồ Tát nên trụ tại nghĩa quyết định, do quán nghĩa đó, chẳng sinh nhiệt não”

Đức Phật bảo Di Lặc: “ Sơ Nghiệp Bồ Tát cần phải quán sát lỗi lầm của việc nói chuyện đời có hai mươi loại. Nếu quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát trụ tại nghĩa quyết định, do quán nghĩa đó, chẳng sinh nhiệt não”

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi loại lỗi lầm nơi việc nói chuyện đời?

1_ Tâm sinh kiêu căng, chẳng kính Đa Văn

2_ Ở các chỗ tranh luận, dấy lên nhiều sự chấp dính

3_ Mất nơi Chính Niệm Như Lý Tác Ý

4_ Chỗ chẳng tương ứng, thân nhiều xao động

5_ Mau chóng, cao thấp hoại nơi Pháp Nhẫn (Dharma-kṣānti)

6_ Tâm thường ngang ngạnh, chưa từng huân tu Thiền Định Trí Tuệ

7_ Chẳng đúng thời nên bị sự nói năng, ngôn luận ràng buộc

8_ Chẳng thể bền chắc chứng nơi Thánh Trí

9_ Chẳng phải là nơi mà Trời Rồng cung kính

10_ Vì Biện Tài thường ôm ấp sự thấp hèn đê tiện.

11_ Là nơi mà các bậc Thân Chứng đã quở trách

12_ Chẳng trụ Chính Tín, thường ôm ấp sự hối hận

13_ Tâm có nhiều sự nghi ngờ, dao động chẳng yên

14_ Giống như người hát xướng, tùy chạy theo âm thanh

15_ Nhiễm dính các Dục, tùy theo Cảnh lưu chuyển

16_ Chẳng quán chân thật, chê bai Chính Pháp

17_ Có sự mong cầu, thường chẳng được vừa ý

18_ Tâm ấy chẳng điều hòa, bị người vứt bỏ

19_ Chẳng biết Pháp Giới (Dharma-dhātu) tùy thuận bạn ác

20_ Chẳng hiểu thấu các Căn bị phiền não ràng buộc che quấn

Này Di Lặc! Đây là hai mươi loại lỗi lầm ưa thích  nói chuyện đời của Bồ Tát”

Lúc đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nói Kệ rằng:

_ Kiêu ngạo nơi Đa Văn
Chấp dính các tranh luận
Mất niệm chẳng Chính Tri (Hiểu biết chính đúng)
Là lỗi nói chuyện đời

_ Xa lìa Chính Tư Duy (Samyak-saṃkalpa)
Thân Tâm chẳng vắng lặng
Lùi mất nơi Pháp Nhẫn
Là lỗi nói chuyện đời

_ Tâm ấy chẳng điều thuận
Xa lìa Xa Ma Tha (Śamatha: Thiền Chỉ)
Với Tỳ Bát Xá Na (Vypaśyanā: Thiền Quán)
Là lỗi nói chuyện đời

_ Chẳng tôn kính Sư Trưởng
Yêu thích nơi Thế Luận
Trí Tuệ chẳng bền chắc
Là lỗi nói chuyện đời

_ Chư Thiên chẳng cung kính
Rồng, Thần cũng như thế
Lùi mất nơi Biện Tài
Là lỗi nói chuyện đời

_ Bậc Thánh thường quở trách
Người ham dính như vậy
Hư hao nơi Thọ Mệnh
Là lỗi nói chuyện đời

_ Các Hạnh đều khuyết giảm
Xa lìa Đại Bồ Đề
Khi chết sinh lo khổ
Là lỗi nói chuyện đời

_ Tâm nghi ngờ, dao động
Giống như gió thổi cỏ
Trí Tuệ chẳng bền chắc
Là lỗi nói chuyện đời

_ Ví như người ca xướng
Khen kẻ khác cứng mạnh
Người ấy cũng như thế
Là lỗi nói chuyện đời

_ Chạy theo đời nói năng
Nhiễm dính các cảnh Dục
Thường hành nơi Tà Đạo
Là lỗi nói chuyện đời

_ Tâm mong cầu chẳng được
Lừa dối nhiều tranh luận
Xa lìa nơi Thánh Hạnh
Là lỗi nói chuyện đời

_ Người ngu được chút lợi
Tâm ấy thường dao động
Như khỉ vượn hiếu động
Là lỗi nói chuyện đời

_ Trí Tuệ nhiều lùi mất
Không có Tâm giác ngộ
Nơi người ngu nhiếp giữ
Là lỗi nói chuyện đời

_ Mê hoặc nơi tai, mắt
Cho đến Ý cũng thế
Thường đi cùng phiền não
Là lỗi nói chuyện đời

_ Người ngu ưa Thế Thoại (nói chuyện đời)
Suốt đời thường chậm chạp
Chẳng bằng nghĩ một Nghĩa
Được lợi không bờ mé

_ Ví như vị mía ngọt
Tuy chẳng lìa vỏ lóng
Cũng chẳng từ vỏ lóng
Mà được vị thù thắng
Vỏ lóng như Thế Thoại (nói chuyện đời)
Nghĩa lý giống Thắng Vị (mùi vị thù thắng)
Thế nên bỏ Hư Ngôn (lời nói rỗng không, vô vị)
Suy nghĩ nơi nghĩa thật

_ Các Bồ Tát Trí Tuệ
Hay biết lỗi Thế Thoại (nói chuyện đời)
Thường yêu thích suy nghĩ
Công Đức Đệ Nhất Nghĩa

_ Pháp Vị với Nghĩa Vị
Vị giải thoát bậc nhất
Ai, người có Trí Tuệ
Tâm chẳng sinh mừng vui?!…
Vì thế nên vứt bỏ
Các lời nói không lợi
Thường vui siêng suy nghĩ
Đệ Nhất Nghĩa thù thắng
_ Pháp bậc nhất như vậy
Nơi chư Phật khen ngợi
Thế nên người Minh Trí (Trí sáng suốt)
Nên vui siêng tu tập”

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc lại bạch Phật rằng: “Thật hiếm có ! Chỉ Đức Thế Tôn mới có thể khéo nói lỗi lầm của việc nói chuyện đời. Suy nghĩ Công Đức lợi ích của nghĩa thù thắng (Thắng Nghĩa).

Thế Tôn! Vì sao có Bồ Tát mong cầu Trí Tuệ chân thật của Như Lai mà lại rơi vào việc nói chuyện đời hư hão lừa dối?!…”

Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong việc ngủ mê? Nếu quán sát thời Bồ Tát cần phải phát khởi tinh tiến, chẳng sinh nhiệt não”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “ Sơ Nghiệp Bồ Tát cần phải quán sát lỗi lầm của việc ngủ mê  có hai mươi loại. Nếu quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát phát khởi tinh tiến, ý vui thích không có mệt mỏi”.

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi loại lỗi lầm nơi việc ngủ mê?

1_ Lười biếng chẳng siêng năng
2_ Thân thể nặng nề
3_ Nhan sắc tiều tụy
4_ Tăng các bệnh tật
5_ Hỏa Giới suy kém
6_ Ăn vào chẳng tiêu hóa được
7_ Thân thể sinh mụn nhọt
8_ Chẳng siêng tu tập
9_ Tăng trưởng ngu si
10_ Trí Tuệ kém cỏi
11_ Làn da mờ đục
12_ Hàng Phi Nhân (Amanuṣya) chẳng kính trọng
13_ Làm hành động ngu độn
14_ Bị phiền não ràng buộc
15_ Tùy Miên (Anuśaya:tên gọi khác của phiền não hoặc tùy phiền não) che lấp Tâm
16_ Chẳng ưa thích Pháp Thiện
17_ Giảm tổn Pháp trắng
18_ Thực hành Hạnh thấp kém
19_ Chán ghét sự tinh tiến
20_ Bị người khinh rẻ

Này Di Lặc! Đây là hai mươi loại lỗi lầm ưa thích ngủ mê của Bồ Tát”.

Lúc đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nói Kệ rằng:

“_ Thân nặng không khuôn phép
Lười biếng thiếu trách nhiệm
Nhan sắc không sáng bóng
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Người ấy thường bệnh não
Gom chứa nhiều Phong (bệnh trúng gió) Hoàng (Bệnh vàng da)
Bốn Đại (đất, nước, gió, lửa) trái ngược nhau
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Ăn uống chẳng tiêu hóa
Thân thể không sáng bóng
Âm thanh chẳng trong trẻo
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Thân ấy sinh mụn nhọt
Ngày đêm thường ngủ say
Các Trùng (sâu, bọ, côn trùng) sinh cơ quan
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Lùi mất nơi tinh tiến
Túng thiếu các tài bảo
Nhiều mộng, không giác ngộ
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Lưới Si (Moha) thường tăng trưởng
Ưa dính vào các Kiến (Darśana: Kiến thức)
Hưng vượng khó chữa trị
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Tổn giảm nơi Trí Tuệ (Prajñā)
Tăng trưởng nơi ngu si
Chí Ý thường kém cỏi
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Kia (người ấy) trụ A Lan Nhã
Thường ôm Tâm lười biếng
Phi Nhân được dịp hại
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Hồ đồ mất Chính Niệm
Phúng Tụng chẳng thông lợi
Nói Pháp, nhiều quên lãng
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Do Si dấy mê hoặc
Trụ ở trong phiền não
Tâm ấy chẳng an vui
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Công Đức đều tổn giảm
Thường sinh Tâm ưu hối (lo lắng hối hận)
Tăng trưởng các phiền não
Là lỗi ưa ngủ mê.

_ Xa lìa các bạn tốt
Cũng chẳng cầu Chính Pháp
Thường hành trong Phi Pháp
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Chẳng vui cầu Pháp Lạc (niềm vui của Pháp)
Tổn giảm các Công Đức
Xa lìa nơi Pháp trắng
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Tâm người ấy khiếp nhược
Luôn thiếu nơi vui vẻ
Chi phần nhiều ốm yếu
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Tự biết thân lười biếng
Ganh ghét kẻ tinh tiến
Ưa nói xấu người ấy
Là lỗi ưa ngủ mê

_ Bậc Trí hiểu lỗi ấy
Thường lìa nơi ngủ mê
Người ngu tăng lưới Kiến
Không lợi, tổn Công Đức

_ Bậc Trí thường tinh tiến
Siêng tu Đạo thanh tịnh
Lìa khổ được an vui
Nơi chư Phật khen ngợi.

_ Các kỹ nghệ Thế Gian
Với Công Xảo xuất thế
Đều do sức tinh tiến
Bậc Trí nên tu tập

_ Nếu người hướng Bồ Đề (Bodhi)
Hiểu rõ lỗi ngủ mê
An trụ sức tinh tiến
Giác ngộ sinh Tàm Quý (Ghê sợ tội lỗi, ham thích Công Đức)

_ Thế nên các bậc Trí
Thường sinh Tâm tinh tiến
Buông lìa nơi ngủ mê
Thủ hộ mầm Bồ Đề”

Khi ấy Bồ Tát Di Lạch bạch Phật rằng: “Thật hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn ! Ham dính vào sự ngủ mê liền có vô lượng lỗi lầm như vậy. Nếu có người nghe mà chẳng sinh Tâm lo lắng, hối hận, chán lìa…phát khởi tinh tiến thì nên biết người đó rất ư ngu si. Nếu có Bồ Tát vì muốn chí cầu A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarāsamyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) nghe nói Công Đức lợi ích của nghĩa câu chân thật như vậy, đối với các Pháp Thiện mà sinh lười biếng, chẳng khởi tinh tiến trụ Bồ Đề Phần (Bodhyaṅga) thời không có chuyện đó”.

 _ Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong mọi công việc? Nếu quán sát thời khiến cho Bồ Tát chẳng kinh doanh mọi việc, siêng tu Phật Đạo”

 Đức Phật bảo Di Lặc: “ Sơ Nghiệp Bồ Tát cần phải quán sát hai mươi loại lỗi lầm ưa thích kinh doanh mọi việc. Nếu quán sát thời hay khiến cho Bồ Tát chẳng kinh doanh mọi việc, siêng tu Phật Đạo.

Này Di Lặc! Thế nào gọi là hai mươi lỗi lầm?

1_ Ham dính nghiệp thấp kém của Thế Gian

2_ Là nơi mà các vị Tỳ Khưu đọc tụng tu hành đã khinh chê

3_ Cũng là nơi mà vị Tỳ Khưu siêng tu Thiền Định đã quở trách

4_ Tâm thường phát khởi Nghiệp sinh tư lưu chuyển từ vô thủy

5_ Trông đợi thức ăn do Cư Sĩ với Bà La Môn có Tâm trong sạch, tin tưởng bố trí

6_ Đối với các tài vật thì Tâm ôm lấy chấp dính

7_ Thường ưa thích kinh doanh rộng rãi công việc của Thế Gian

8_ Nghĩ nhớ đến nghiệp nhà, thường ôm ấp sự lo âu than thở

9_ Kẻ ấy có tính hung ác tàn bạo, nói năng thô lỗ

10_ Tâm thường giữ nhớ siêng năng tu sửa nghiệp nhà.

11_ Yêu dính các mùi vị, tăng trưởng tham dục

12_ Không có chỗ lợi dưỡng thì chẳng sinh vui vẻ

13_ Sinh ra nhiều nghiệp gây não hại chướng ngại

14_ Thường ưa thích gần gũi với các Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di

15_ Chỉ nghĩ nhớ đến quần áo, thức ăn để vượt qua ngày đêm

16_ Cân nhắc, hỏi han dự nghiệp mà Thế Gian đã làm

17_ Thường ưa thích phát khởi sự nói năng Phi Pháp

18_ Ỷ lại vào sự kinh doanh mọi việc mà dấy lên sự kiêu mạn 19_ Chỉ tìm kiếm lỗi lầm của người mà chẳng tự quán sát chính mình 20_ Đối với người nói Pháp thì Tâm ôm ấp sự khinh chê.

Này Di Lặc! Đây là hai mươi loại lỗi lầm ưa thích kinh doanh mọi việc của Bồ Tát”.

Lúc đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nói Kệ rằng:

“_ An trụ nghiệp thấp kém
Xa lìa Hạnh thù thắng
Lùi mất lợi ích lớn
Là lỗi ưa mọi việc

_ Tỳ Khưu vui đọc tụng
Với người tu Thiền Định
Tất cả đều quở trách
Là lỗi ưa mọi việc

_ Thường hành nghiệp sinh tử
Buông lìa Nhân giải thoát
Chờ nhận của Tín Thí
Là lỗi ưa mọi việc

_ Vui nhận các tài bảo
Chẳng được, sinh ưu não
Trụ nơi Hạnh thấp kém
Là lỗi ưa mọi việc

_ Người đó nhiều ái nhiễm
Qua lại nhà Dâm Nữ
Như chim vào trong lồng
Là lỗi ưa mọi việc

_ Thường lo than nghiệp nhà
Luôn ôm Tâm nhiệt não
Nói ra, người chẳng tin
Là lỗi ưa mọi việc

_ Chẳng nhận Tôn Giả Giáo (sự dạy bảo của Tôn Giả)
Trái quy củ, khinh chê
Hủy phạm Giới trong sạch
Là lỗi ưa mọi việc

_ Tâm ấy nhiều tưởng nhớ
Siêng kinh doanh nghiệp đời
Chẳng tu Trí chặt đứt
Là lỗi ưa mọi việc

_ Tâm tham luôn mạnh mẽ
Vui dính các mùi vị
Không có Tâm biết đủ
Là lỗi ưa mọi việc

_ Được lợi, sinh vui vẻ
Không lợi, liền ưu não
Tham lận không Tâm Nhân (hiền lành nhân từ)
Là lỗi ưa mọi việc

_ Não hại không Từ Mẫn
Tăng trưởng các nghiệp ác
Ái Mạn cùng ràng buộc
Là lỗi ưa mọi việc

_ Xa lìa nơi Sư Trưởng
Gần gũi Tri Thức ác
Xua đuổi người Trì Giới
Là lỗi ưa mọi việc

_ Ngày đêm không Tưởng khác
Chỉ nhớ cầu cơm áo
Chẳng thích các Công Đức
Là lỗi ưa mọi việc

_ Thường hỏi Trí Thế Gian
Chẳng thích lời Xuất Thế
Ham yêu nơi Tà Thuyết
Là lỗi ưa mọi việc

_ Cậy mình biết mọi việc
Khinh mạn các Tỳ Khưu
Giống như người cuồng say
Là lỗi ưa mọi việc

_ Tìm yếu kém của người
Chẳng tự thấy lỗi ấy
Khinh hủy người có Đức
Là lỗi ưa mọi việc

_ Người ngu si như thế
Không có phương tiện khéo
Khinh mạn người nói Pháp
Là lỗi ưa mọi việc

_ Nghiệp thấp kém như vậy
Đầy đủ các lỗi lầm
Sao người có Trí Tuệ
Yêu thích mà tu tập?!…

_ Nghiệp thù thắng trong sạch
Đầy đủ các Công Đức
Thê nên người có Trí
Yêu thích thường tu tập

_ Nếu thích nghiệp thấp kém
Bậc Trí sẽ quở trách
Như người buông nhiều tiền
Tham cầu chút ít phần

_ Thế nên người sáng Trí
Nên buông Nghiệp thấp kém
Nên cầu Pháp thắng thượng
Chư Phật thường khen ngợi”

Khi ấy Bồ Tát Di Lạch bạch Phật rằng: “Thật hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn ! Các vị Bồ Tát ấy buông lìa Nghiệp tinh tiến thù thắng, mà phát khởi việc thấp kém. Nên biết người đó rất ư kém Trí, Giác Tuệ rất cạn cợt”.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: “Này Di Lặc! Nay Ta thành thật nói cho ông biết. Nếu có Bồ Tát chẳng tu các Hạnh, chẳng chặt đứt phiền não, chẳng tập Thiền Tụng, chẳng cầu Đa Văn thì Ta nói người đó chẳng phải là kẻ xuất gia.

Này Di Lặc! Nếu có Hành Giả siêng tu Trí Đoạn, Trí Xuất Sinh, Trí Thành Tựu…chẳng tạo làm nghiệp đời, kinh doanh mọi việc thì Ta nói người đó trụ ở Như Lai Giáo.

Nếu có Bồ Tát vui thích làm nghiệp đời, kinh doanh mọi việc, làm điều chẳng cần làm thì Ta nói người đó trụ ở Sinh Tử. Do đó Bồ Tát chẳng nên gần gũi.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát kinh doanh nhiều mọi việc, tạo dựng tháp báu tràn đầy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Bồ Tát như vậy chẳng thể khiến cho Ta sinh vui vẻ, cũng chẳng phải là cúng dường cung kính Ta.

Di Lặc! Nếu có Bồ Tát đối với Pháp Ba La Mật tương ứng cho đến thọ trì một bài Kệ bốn câu, đọc tụng tu hành, vì người diễn nói… thì người đó mới là kẻ cúng dường Ta. Tại sao thế? Vì Bồ Đề của chư Phật được sinh ra từ Đa Văn, chứ chẳng được sinh ra từ mọi việc vậy.

Này Di Lặc! Nếu có Bồ Tát siêng kinh doanh mọi việc, khiến kẻ kia đọc tụng tu hành diễn nói cho các nhóm Bồ Tát kinh doanh nơi mọi việc. Nên biết người đó tẳng trưởng nghiệp chướng, không có các Phước Lợi. Tại sao thế? Vì ba loại Phước Nghiệp đã nói như vậy, tất cả đều từ Trí Tuệ mà sinh ra. Thế nên Di Lặc! Bồ Tát kinh doanh công việc ở chỗ của các vị Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói kia…chẳng nên gây chướng ngại, làm Lưu Nạn (chướng nạn của sự tu hành). Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói ở chỗ của các vị Bồ Tát tu Thiền Định chẳng nên gây chướng ngại, làm Lưu Nạn (chướng nạn của sự tu hành).

Này Di Lặc! Nếu Bồ Tát kinh doanh công việc của một cõi Diêm Phù Đề (Jampu-dvīpa) ở chỗ của một vị Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói thì cần phải gần gũi cúng dường thừa sự. Nếu các hàng Bồ Tát đọc tụng tu hành diễn nói của một cõi Diêm Phù Đề ở chỗ của một vị Bồ Tát siêng tu Thiền Định cũng nên gần gũi cúng dường thừa sự. Nghiệp Thiện như vậy thì Như Lai tùy vui, Như Lai vui thích hứa nhận. Nếu đối với Bồ Tát siêng tu Trí Tuệ mà thừa sự cúng dường, sẽ được vô lượng nhóm Phước Đức. Tại sao thế? Vì nghiệp Trí Tuệ là tối thắng vô thượng, vượt qua chỗ hành của ba cõi (tam giới). Thế nên Di Lặc! Nếu có Bồ Tát phát khởi tinh tiến thì ở trong Trí Tuệ, nên siêng tu tập”.

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Đức Như Lai khéo nói lỗi lầm ưa thích chỗ tụ họp ồn ào, nói chuyện đời, ngủ mê, kinh doanh mọi việc của Sơ Nghiệp Bồ Tát.

Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào gọi là lỗi lầm trong Hý Luận? Nếu quán sát thời khiến cho Bồ Tát sẽ được trụ ở chốn vắng lặng, không có các tranh luận”

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: “Lỗi lầm thuộc Hý Luận của Sơ Nghiệp Bồ Tát nhiều vô lượng vô biên. Nay Ta lược nói có hai mươi loại. Thế nào gọi là hai mươi loại lỗi lầm?

1_ Ở đời hiện tại bị nhiều thứ khổ não

2_ Tăng trưởng sự giận dữ, lùi mất Nhẫn Nhục

3_ Bị các Oán Đối gây não nại

4_ Ma (Māra) với dân Ma đều sinh vui vẻ

5_ Căn lành chưa sinh thảy đều chẳng sinh

6_ Căn lành đã sinh, khiến bị lùi mất

7_ Tăng thêm các Tâm đấu tranh, ganh oán

8_ Tạo làm nghiệp của Địa Ngục, nẻo ác

9_ Sẽ bị quả xấu xa, chẳng lành

10_ Lưỡi chẳng mềm mại, nói năng ngọng ngịu

11_ Chẳng thể nhớ giữ Giáo Pháp đã thọ nhận

12_ Chẳng được gặp Kinh Văn chưa được nghe

13_ Các Thiện Tri Thức thảy đều buông lìa

14_ Mau chóng gặp gỡ các Tri Thức ác

15_ Tu hành nơi Đạo, khó được xuất ly

16_ Mỗi mỗi thường nghe lời nói chẳng vừa Ý

17_ Nơi nơi sinh ra, có nhiều sự nghi ngờ

18_ Thường sinh ở nơi có tám nạn, chẳng được nghe Chính Pháp

19_ Tu hành Pháp trắng có nhiều chướng ngại

20_ Ở chỗ thọ dụng, có nhiều thứ oán ghét

Này Di Lặc! Đây là hai mươi loại lỗi lầm ham dính Hý Luận của Bồ Tát”

Lúc đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nói Kệ rằng:

_ Đời này thường khổ não
Lìa Nhẫn, nhiều giận dữ
Oán thù sinh Tâm hại
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Ma với quyến thuộc Ma
Thường sinh Tâm vui vẻ
Đánh mất các Pháp lành
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Thiện chưa sinh, chẳng sinh
Thường trụ ở đấu tranh
Gây tạo nghiệp nẻo ác
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Thân hình nhiều xấu xí
Sinh ở nhà hèn kém
Nói năng thường ngọng ngịu
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Nghe Pháp chẳng thể giữ
Hoặc nghe chẳng vào tai
Thường lìa các bạn lành
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Gặp gỡ Tri Thức ác
Nơi Đạo, khó xuất ly
Thường nghe lời chẳng thuận
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Tùy theo nơi sinh ra
Thường ôm Tâm nghi ngờ
Nơi Pháp, chẳng thể hiểu
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Thường sinh trong tám nạn
Xa lìa chốn không nạn
Đầy đủ không lợi ích
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Nơi Thiện, nhiều chướng ngại
Lùi mất Chính Tư Duy
Nhận chịu nhiều oán ghét
Là lỗi ưa Hý Luận

_ Các lỗi lầm như vậy
Đền nhân Hý Luận sinh
Thế nên người có Trí
Mau chóng nên xa lìa

_ Người Hý Luận như vậy
Khó chứng Đại Bồ Đề
Thế nên người có Trí
Cũng chẳng nên gần gũi

_ Nơi Hý Luận, tranh luận
Dấy nhiều các phiền não
Bậc Trí nên xa lìa
Nên cách trăm Do Tuần

_ Cũng chẳng gần nơi ấy
Dựng lập các nhà cửa
Thế nên người xuất gia
Chẳng nên trụ tranh luận

_ Các ông không ruộng, nhà
Vợ con, với đầy tớ
Đến địa vị vinh hoa
Duyên nào dấy tranh luận?!…

_ Xuất gia trụ vắng lặng
Thân khoác mặc áo Pháp
Chư Tiên đều kính sự
Nên tu Tâm nhẫn nhục

_ Như vậy người Hý Luận
Tăng trưởng Tâm độc hại
Sẽ rơi vào nẻo ác
Thế nên phải tu Nhẫn.

_ Tù cấm với cột trói
Hình hại bị đánh đập
Các nỗi khổ như vậy
Đều do tranh luận sinh

_ Kẻ Hý Luận như vậy
Thường gặp Tri Thức ác
Tiếng tăm chẳng tăng trưởng
Tâm chưa từng vui vẻ

_ Nếu buông nơi tranh luận
Không thể tìm dịp hại
Quyến thuộc chẳng xa lìa
Thường gặp được bạn lành.

_ Nơi Thừa (Yāna) được thanh tịnh
Dứt Nghiệp Chướng không sót
Tồi Phục nơi Ma Quân
Siêng tu Hạnh nhẫn nhục.

_ Tranh luận, nhiều lỗi lầm
Không tranh, đủ Công Đức
Nếu người có tu hành
Nên trụ ở Nhẫn Nhục”

Khi ấy Bồ Tát Di Lặc lại bạch Phật rằng: “Thật hiếm có! Chỉ Đức Thế Tôn mới có thể khéo nói lỗi lầm như vậy, khiến cho các vị Bồ Tát sinh Tâm giác ngộ. Trong năm trăm năm ở đời Mạt Thế sau này, có thể có Bồ Tát nghe nói lỗi lầm do tranh luận như vậy mà hay sinh lo âu hối hận, buông lìa phiền não chăng?”

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: “Này Di Lặc! Trong năm trăm năm ở đời Mạt Thế sau này, ít có Bồ Tát hay sinh lo lắng hối hận, buông lìa phiền não. Phần lớn có Bồ Tát, Tâm ấy ngang ngạnh chẳng tôn kính nhau, ôm ấp Tăng Thượng Mạn (Abhimāna) cùng nhau tranh đúng, sai….nghe nói Công Đức thù thắng của nghĩa thâm sâu như vậy, tuy có thọ trì đọc tụng diễn nói, do Bồ Tát đó có nghiệp chướng sâu nặng, nên chẳng thể được sinh Công Đức thù thắng, liền đối với Kinh này nghi ngờ chẳng tin, chẳng chịu thọ trì, vì người diễn nói. Khi Ma Ba Tuần nhìn thấy việc đó xong, vì lừa dối mê hoặc cho nên hiện hình Tỳ Khưu đi đến chỗ ấy, nói lời như vầy: “Các Kinh Điển này đều là Thế Tục khéo dùng văn từ mà chế tạo ra, chẳng phải là điều mà Đức Như Lai đã tuyên nói. Tại sao thế? Vì Công Đức lợi ích mà Kinh này đã nói, thì ngươi đều chẳng được”. Do sự lừa dối mê hoặc của Ma Ba Tuần, nên đối với Không Tính (Śūnyatā), nghĩa Lợi (Artha) tương ứng với Khế Kinh (Sūtra) thâm sâu thì Tâm sinh nghi ngờ dấy lên các tranh luận, chẳng chịu thọ trì đọc tụng diễn nói

Này Di Lặc! Các người ngu ấy chẳng thể biết rõ, do nghiệp của chính mình cho nên chẳng thể được Công Đức thù thắng kia. Khi nghiệp của chính mình đã tiêu tan xong thì quyết định sẽ được Công Đức như vậy”.

_ Bấy giờ Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Đức Phật đã nói Công Đức lợi ích trong Thế Giới Cực Lạc (Sukha-vatī) của Đức Phật A Di Đà (Amitābha:Vô Lượng Quang). Nếu có chúng sinh phát mười loại Tâm, tùy theo mỗi một Tâm, chuyên niệm hướng về Đức Phật A Di Đà thì khi chết, người đó sẽ được sinh về Thế Giới của Đức Phật ấy”

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc rằng: “Này Di Lặc! Mười Tâm như vậy chẳng phải là chỗ mà các Phàm Phu, Trượng Phu bất thiện, kẻ đủ phiền não có thể phát khởi được!…Nhóm nào là mười?

1_ Tâm đối với các chúng sinh: khởi Đại Từ không có tổn hại

2_ Tâm đối với các chúng sinh: khởi Đại Bi không có bức não

3_ Tâm đối với Chính Pháp của Phật: chẳng tiếc thân mệnh, vui thích thủ hộ

4_ Tâm đối với tất cả Pháp: phát sinh Thắng Nhẫn không có chấp dính

5_ Tâm chẳng tham: lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, niềm vui của Ý trong sạch

6_ Tâm cầu Phật Chủng Trí: ở tất cả thời không có quên mất

7_ Tâm đồi với các chúng sinh: tôn trọng, cung kính, không có thấp kém

8_ Tâm chẳng dính vào Thế Luận, đối với Bồ Đề Phần sinh quyết định

9_ Tâm gieo trồng các căn lành, không có tạp nhiễm trong sạch

10_ Tâm đối với các Đức Như Lai: buông lìa các Tướng, khởi tùy niệm

Này Di Lặc! Đây gọi là Bồ Tát phát mười loại Tâm. Do Tâm đó cho nên sẽ được sinh về Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Này Di Lặc! Nếu người ở trong mười loại Tâm này, tùy thành một Tâm, vui muốn sinh về Thế Giới của Đức Phật ấy, nếu chẳng được sinh, ắt không có chuyện đó”.

_ Khi ấy Tôn Giả A Nan (Ānanda) bạch Phật rằng: “Thật hiếm có! Chỉ Đức Thế Tôn mới có thể mở bày diễn nói Công Đức chân thật của Như Lai, phát khởi niềm vui thuộc chí thù thắng của Bồ Tát.

Thế Tôn! Nên dùng tên nào gọi Kinh này ? Chúng con thọ trì như thế nào?”.

Đức Phật bảo A Nan rằng: “Kinh này tên là Phát Khởi Bồ Tát Thắng Chí Lạc, cũng gọi là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn. Dùng danh tự đó, ông nên thọ trì”.

Đức Phật nói Kinh này xong thời Bồ Tát Di Lặc với các vị Thanh Văn, tất cả Thế Gian, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà….nghe điều Đức Phật đã nói đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

KINH PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ LẠC
(Kinh Phát khởi sự vui thích thuộc Chí thù thắng của Bồ Tát)
_QUYỂN HẠ (Hết)_

Dịch xong một Bộ gồm 02 quyển vào ngày 16/04/2012

Trang 1 2