SỐ 193
PHẬT BỔN HẠNH KINH
(PHẬT BỔN HẠNH TÁN TRUYỆN)
Hán dịch: Đời Tống, Sa-môn Thích Bảo Vân ở Kinh châu.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh.
QUYỂN 7
Phẩm 29: ĐẠI DIỆT
Thời, Phật cùng đại chúng
Đi đến rừng Song thọ
Phật sai A-nan đến
Song thọ bày giường nằm
Thế Tôn liền lên võng
Nằm nghiêng hông bên phải
Mặt hướng về phương Tây
Đầu hướng Bắc, gác chân.
Thời Hiền giả Tu-bạt
Tu nhân, dứt tháo tánh
Muốn gặp Phật xin độ
Đến thưa với A-nan:
“Tôi biết Thầy trời người
Sắp đến lúc Niết-bàn
Nên nay đến khó gặp
Biết rõ tất cả pháp
Nay muốn xin làm lễ
Làm sao dứt gốc khổ?
Nếu nay không được gặp
Như mặt trời vào tối
Xin A-nan thông báo”.
Tâm A-nan buồn phiền
Liền bảo với Tu-bạt:
“Giờ không phải lúc gặp”
Phật dùng Nhất thiết trí
Chiếu suốt người đáng độ
Tướng mạo trăm phước đức
Tâm Từ nhìn Tu-bạt
Phật dùng lời êm dịu
Bảo với A-nan rằng:
“Hãy cho người đó vào
Ta ra đời vì thiện”.
Tu-bạt được thỏa nguyện
Rất vui mừng hớn hở
Liền đến chỗ Đức Phật
Nhất định được giải thoát.
Lúc bấy giờ, Tu-bạt
Khiêm kính tôn Phật đức
Cúi mình làm lễ Phật
Từ tốn bạch Thế Tôn:
“Thầy trước biết thế gian
Rằng Ngài từ đắc đạo
Mình đã được giải thoát
Lại còn độ chúng sinh
Nguyện gặp xin chỉ bày
May ra được giác ngộ
Nên đến lễ kính Ngài
Chẳng dám xưng trí lực”.
Phật thấy Tu-bạt đến
Với lòng rất kính vui
Đem đường Hiền thánh nói
Diệt khổ, bày vô vi.
Bấy giờ Tu-bạt nghe
Tức thời được giải thoát
Ý tà mê giác ngộ
Liền được đạo, giải thoát
Kiến chấp điên đảo xưa.
Vì từ sinh tử mê
Sáu mươi hai đảo kiến
Bị thế tục nhận chìm
Vị ấy hết không thừa.
Bạch y được đắc đạo
Lậu hết thành La-hán
Vượt bờ, không lại qua.
Biết Phật sắp ra đi
Sinh yêu thương khắp đời
Khát ái, cả hai diệt
Diệt ý, các khổ kết
Hiểu những điều Phật nói
Lời dạy sâu chân chánh
Để dứt tâm nhiễm đắm
Tâm định không còn lậu,
Biết sinh tử cõi thế
Tu-bạt tư duy kỹ
Cho thế gian đoạn diệt
Nhãn kiến này trừ ngay.
Đời vốn là diệt vong
Ý biết như vậy rồi
Thế gian có thường kiến
Tà nghi chợt dứt bỏ
Điều chấp giữ trước đây,
Bỏ tà kiến điên đảo
Nghe lời Phật chân thiện
Mở từ tâm thọ trì.
Nhân vì ở đời trước
Các căn lành đã tu
Nguyện vào thành Nê-hoàn
Nên mau chóng giải thoát,
Đã được lành vô vi
Trừ tối, giác chánh chân
Hiểu mãi pháp cam lộ
Trừ hết các trần lao.
Thời, thấy Phật Thế Tôn.
Muốn bỏ vào vắng lặng
Với lòng Từ nhìn Phật
Trong tâm liền nghĩ rằng:
“Đáng lẽ ta không nên
Nhìn Phật xả thọ mạng
Đuốc sáng khắp thế gian
Chỗ chúng sinh nương tựa
Ban lành cho tất cả.
Con nguyện xả thân trước
Xin Đấng Trời trong trời
Ngưng xả thọ giây lát”.
Thiện tâm phát vô lượng
Năm vóc gieo xuống đất
Cúi đầu lễ chân Phật
Sinh tâm định như núi
Tức thời liền chóng diệt
Giống như mây lớn giăng
Mưa cam lộ tuôn khắp
Tắt ngấm lửa đồng nhỏ.
Phật truyền bảo Tỳ-kheo
Cúng dường thân Tu-bạt
Đệ tử Phật sau rốt
Độ vào thành Nê-hoàn.
Nhân đó tựa hông phải
Nằm lên trên giường đây
Muốn xả bỏ thân Phật
Đã hết số tuổi thọ.
Lúc ấy vào đầu đêm
Trăng sao dần bớt sáng
Chim thú trong rừng lặng
Phật bảo các đệ tử:
“Các thầy kính trọng giới
Như ngọn đèn tôn sư
Sau khi Ta rời thế
Thuận theo chớ trái phạm
Nhiếp tịnh thân, miệng, ý
Xả lợi cầu an ổn
Ruộng vườn, chứa tôi tớ;
Không kho lẫm, làm vườn
Không trồng các cây cối
Cũng chớ gây tổn thương.
Không được vì thân mình
Xây vách cao, tường nổi
Không ngước xem lịch số
Không hòa hợp thuốc thang
Biết thời hạn, tiết thực
Sửa mình, không mong kính.
Không tự giấu lỗi xấu
Không sống bằng bùa chú
Không làm sứ cho vua
Không xem tướng, tốt xấu.
Sau các thầy sẽ đủ
Y thực và thuốc thang
Thường nhiếp tâm biết đủ
Chịu khổ, giữ tiết hạn
Các thầy chỉ siêng năng
Vâng giữ giới cấm này
Cội gốc giới Cụ túc
Nê-hoàn đều chuyên chở.
Từ đó sinh định tuệ
Giới cấm đủ hài hòa
Giữ gìn cho đầy đủ
Trí tuệ càng tăng thêm.
Dứt bỏ các trần lao
Duyên này đến Nê-hoàn.
Lời này ấn phong giới
Vì người biết giữ giới
Giới ấy đủ không thiếu
Đầy đủ không sai sót
Thì kia lành thanh tịnh
Thoát trần lao vắng lặng.
Người không có giới cấm
Thì không phải Sa-môn
Vì lập giới cấm địa
Thành Sa-môn khéo mầu.
Đã đầy đủ tịnh giới
Tâm không theo các dục
Cố gắng giữ tâm trụ
Nhẫn nhục, không khởi sân,
Như trâu đành bỏ cỏ
Buông lung nghĩ theo tà
Sai mất giới cấm tịnh
Điên đảo rất suy hao.
Nếu gặp phải giặc dữ
Một đời thân chịu khổ
Nếu chạy theo các dục
Đời này và đời sau
Chịu đủ các khổ độc,
Cho nên chớ theo dục
Kẻ mừng khi được dục
Sau ắt gặp khổ to.
Người không nên sợ hãi
Lửa hừng hực đốt cháy
Chớ sợ hổ mang độc
Và giặc ác hung bạo
Hại đoạt mạng con người
Phải sợ ý ngu si
Như ngu thấy núi mật
Không nghĩ nạn nát thân.
Như voi say không móc
Nhảy nhót như khỉ vượn
Tâm ngày đêm theo dục
Không theo các pháp mầu
Người không dứt tâm ấy
Chân chẳng được nghỉ ngơi.
Đã điều phục được tâm
Chẳng tà lệch Nê-hoàn.
Được ăn như uống thuốc
Không nên nghĩ chán ưa
Có được thức ăn ngon
Cũng cho thân khỏi đói.
Cũng như ong hút hoa
Lấy tinh vị của hoa
Xin ăn nên vừa phải
Không để mất kính tin
Không phiền người ưa thí
Chớ nên chứa để nhiều
Kẻ cho nhiều thì chán
Chứa của nhiều thì mệt.
Các thầy ngày đêm siêng
Phương tiện nên gắng lên
Chớ buông lung ngủ nghỉ
Tổn hao mạng khó được
Khắp đời bị chết thiêu
Ai suốt đêm ngủ yên
Kẻ thù luôn vây hãm
Khủng bố đâu yên được.
Nên bỏ cấu trần lao
Được ngủ yên đêm dài
Trần lao che yên ngủ
Tỉnh ngủ diệt trần lao.
Hổ thẹn là y phục
Chuỗi ngọc móc giữ voi
Người không tâm hổ thẹn
Các đức lành bỏ đi
Người có tâm hổ thẹn
Đó mới gọi là người
Mặt dày không biết thẹn
Thì đó là súc vật.
Nếu cắt rời chi thể
Tâm cũng không rối loạn
Cũng không trái giới cấm
Miệng chửi mắng tục tằn
Thì giới là nhẫn nhục
Sức mạnh giới là đây.
Không nhịn lời thô tục
Không được rốt giải thoát
Mất tên pháp nhuế hoại
Lòng lành vui kẻ thù
Không nên thuận tâm độc
Phải dừng lại cho mau
Kẻ thù của các lành
Không gì qua tức giận
Mau mau đừng bị dụ
Hoại giới, hủy lòng nhân.
Tại gia nhiều ái đắm
Tội lỗi sân không nặng
Giữ giới sân càng nặng
Như nước lạnh ra lửa
Cạo tóc mặc pháp y
Ôm bát đi khất thực
Oai nghi gương cho đời
Không nên có tâm sân.
Mạn tăng thì lành giảm
Người tại gia còn vậy
Huống xuất gia lìa đắm
Người điều phục tâm định
Pháp trung bình chánh chân
Không hề có tà ngụy
Chánh pháp tạo việc lành
Tà ngụy là dối lừa.
Chứa của, Thánh buồn lo
Ít muốn là lìa khổ
Cho nên đệ tử Ta
Ít cầu thêm các lành.
Các thầy phải biết đủ
Đó là tâm an định
Biết đủ, nhân gian vui
Kẻ tham, sinh khổ nàn
Giàu, tham lam thành nghèo
Nghèo, biết đủ thành giàu
Tham rong ruổi không chán
Người biết đủ được thương.
Người muốn cầu giải thoát
Không nương chỗ ồn náo
Trời Đế Thích sẽ xuống
Kính lễ Bậc độc cư
Các thầy bỏ thân ái
Khổ thân ái dừng ngay
Bỏ nhà luyến thân ái
Như voi già sa lầy.
Người ý chí tinh tấn
Mọi việc không nghi nan
Tính nước tuy mềm mại
Chảy hoài xuyên thủng đá
Kéo lửa mà ngưng nghỉ
Không thể được lửa đâu!
Siêng kéo thì tìm lửa
Tinh tấn gặp lửa mau
Nên phải lập tinh tấn
Hướng về cửa Nê-hoàn.
Tà trái đạo vô vi
Các thầy chớ nên làm
Giữ chí không lầm loạn
Các tà không được vào.
Bạn Sa-môn giữ chí
Thất chí mất các lành
Chí mặc giáp trượng đủ
Địch đâu thể thắng được
Lòng chuyên mặc giáp đức
Trần lao không thể thắng.
Người chuyên tinh định ý
Hiểu rõ đời tử sinh
Cho nên phải định ý
Định ý, khổ không sinh,
Như muốn qua dòng nước
Nương cầu nổi bắc sang
Muốn qua tất cả khổ
Định ý, thuyền bậc nhất.
Nếu các thầy lìa tuệ
Nay cố bày thế pháp
Có vậy thì được độ
Pháp ngoài thì không thích
Không gọi là bỏ nhà
Giáp, thuốc hay lợi khí
Thuyền bè qua sông nước
Tuệ đưa qua sinh tử.
Cho nên thường nghe pháp
Phải theo lời dạy pháp
Bậc tuệ có chánh kiến
Người không tuệ tối tăm.
Tâm chạy theo trần lao
Sẽ không được giải thoát
Người xét muốn cầu độ
Siêng dứt bỏ trần lao
Sa-môn phải điều tâm
Dứt bỏ tâm buông lung
Tâm vua trời điều lạc
A-tu-luân thì không.
Ta dạy các thầy thiện
Các thầy phải siêng tu
Lập ra nhiều phương tiện
Để giúp đến Nê-hoàn.
Giữa núi non vắng lặng
Nhà rảnh rang rừng sâu
Ở đó tu định ý
Ta đi không hận lòng.
Thầy thuốc đem hết thuật
Hòa hợp nhiều thuốc thang
Người bệnh uống được khỏi
Thuốc không uống tại mình;
Đạo Sư dẫn đường chánh
Người theo không lo lắng
Người sai lầm bị tổn
Chẳng đoái hoài các nạn.
Ta đã vì các thầy
Giảng nói bốn Chánh đế
Kẻ còn nghi thì hỏi
Nay là lúc hỏi han.”
Lúc Phật lệnh như vậy
Đệ tử lặng không thưa
A-na-luật nghĩ biết
Ở giữa đại chúng thưa:
“Mặt trời có thể lạnh
Trăng có thể nóng lên
Bốn đế chân chánh này
Không bao giờ sai chạy.
Khổ đế, khổ bức bách
Duyên ái thì khổ sinh
Lời các Phật nói ra
Diệt tận đế, diệt ái
Tám đường chánh cam lộ
Vắng lặng là Nê-hoàn.
Biết chúng Sa-môn này
Phật cuối cùng đã độ
Người chưa độ trong hội
Trẻ già mới vào đạo
Phật nói sơ La-hán
Như đường tối sáng lòa
Họ đã được giải thoát
Ra khỏi vòng sống chết
Họ đều mang bi hận
Thầy diệt sao quá nhanh.”
Phật nghe lời chánh đế
Của Na-luật như vậy
Muốn kiên định ý chúng
Từ bi nói lời này:
“Giả sử có kiếp thọ
Rồi cũng sẽ cùng tận
Ta đem lành ban đủ
Sống lâu để làm gì?
Trên trời và dưới thế
Kẻ đáng độ đã độ
Nửa độ, nửa bày đạo
Chuyển giáo pháp được trụ.
Các thầy phải tự chế
Không cần nhớ nghĩ ta
Chỉ siêng nói phương tiện
Không gặp khổ chia lìa,
Dùng đèn tuệ trừ tối
Biết đời không bền chắc
Rũ trọn lòng vui vẻ
Giống như hết hoạn nạn.
Người trí thoát hung suy
Xa lìa kẻ tệ ác
Bỏ được hai họa ấy
Thì đâu có âu lo?
Các thầy siêng tu thiện
Tất cả rồi sẽ chết
Ta vào thành Nê-hoàn
Bây giờ đã đến lúc
Bấy giờ hành xả thọ
Là lời cuối của Ta”.
Lúc ấy Phật tư duy
Thiền ly dục bậc nhất
Xuất thiền bậc nhất rồi
Tư duy thiền đệ nhị
Trải bốn thiền như thế
Như thế trải qua khắp
Qua lại trong chín thiền
Thuận nghịch tận đầu mối.
Thế Tôn, Trời trong trời
Trở lại thiền bậc nhất
Ra khỏi thiền bậc nhất
Trở lại đến Tứ thiền
Khi Phật tư duy kỹ
Nghịch thuận trải thiền quán
Lại từ đây xuất thiền
Ý Ngài hơi chấn động
Sau đó xả thọ hành
Chợt vào thành Nê-hoàn.
Phật vừa xả thọ hành
Đất rung chuyển sáu cách
Không trung có đuốc lớn
Như kiếp tận lửa cháy
Bốn phương lửa cháy lớn
Giống như A-tu-la
Đốt trời, rừng, cây, đầm
Gọi là Ái Tận Lạc
Mưa đá to cõi ấy
Chớp sáng như phun lửa
Khắp đời như lửa lớn
Sấm rền rất đáng sợ
Gió bụi mù nổi lên
Cây gãy, núi băng đổ
Giống như gió kiếp tận
Gãy đổ nát vô hạn.
Mặt trời không ánh sáng
Trăng sao đều tối đen
Nhật nguyệt đều không sáng
Giống như bị phủ bùn
Đông, Tây không phân biệt
Không biết được ngày đêm
Thế gian tối trùm khắp
Sông nước chảy ngược dòng.
Phật nằm bên Song lâm
Buồn cảm hoa rơi rụng
Sông ngòi nước đều nóng
Giống như nồi nước sôi
Song thọ vì đó héo
Nghiêng che thân Thế Tôn.
Vua rồng năm đầu lớn
Đau buồn thân buông dài
Hoặc buồn bã nhìn Phật
Khóc lóc mắt đều đỏ
Tức thời phun hơi nóng
Xông hơi độc không lường
Đốt nóng cổ họng ấy
Như nhả hoạn trong lòng
Thấy đời đều vô thường
Tự ngăn, trở ưu sầu
Tự ý vua theo đến
Niệm Phật ngăn khóc gào.
Các vua trời Tịnh cư
Hiểu đạo, tâm điều định
Lặng yên không khóc gào
Thương đời hoặc sinh diệt
Thần Chấp lạc bậc nhất
Thần Đại lực Long vương
Thiên thần Ái trọng pháp
Bi cảm chật hư không
Khắp nơi buồn che kín
Thảm thương chướng khắp cùng
Tiếng lớn của các loại
Đầy khắp cả thế gian.
Ma đã được toại nguyện
Cùng ác binh vui mừng
Vũ điệu như sấm động
Đủ loại tiếng lớn vang
Kêu to truyền lệnh rằng:
“Cường địch chúa ta vong
Từ nay ai có thể
Vượt qua cảnh giới này.”
Cây Phật đức gãy đổ
Như voi lớn gãy ngà
Như núi cao sụp đổ
Trâu lớn sừng rơi rồi.
Nay Phật xả thọ mạng
Các trời, người thế gian
Không còn chỗ quy ngưỡng
Mất cây nương như vậy.
Như hư không không nhật
Như nước mất kho tàng
Như ao hoa phủ sương
Các hoa đều tổn thương,
Thế Tôn xả thân mạng
Lặng ẩn vào Nê-hoàn
Tất cả loài hữu hình
Không khỏi mất tinh vinh.
Phẩm 30: THÂN VÔ VI
Khi ấy từ không trung
Cung báu trời chiếu sáng
Dùng xe ngàn voi chở
Lơ lửng ở trên trời
Lòng kính chăm nhìn Phật
Thân hình xả thọ nằm
Cảm động mà buồn than
Liền nói lời giã từ
Rằng: “Ở nơi sinh tử
Tất cả đều vô thường
Mới sinh ra hưng thịnh
Rồi suy tổn diệt vong
Quanh quẩn tìm vui sướng
Các nỗi khổ liền sinh
Đều diệt hết các khổ
Vui vô vi bậc nhất
Các thứ củi sinh tử
Đốt cháy không còn dư.
Lửa tuệ, khói danh đức
Cùng khắp trời, thế gian
Nước vô thường chợt đến
Diệt ánh sáng của Phật
Giống như lửa đồng mạnh
Chợt gặp trận mưa lớn.”
Lại có đấng Thiên tiên
Tâm mẫn thiện điều lương
Cư trú cung Tịnh cư
Thanh tịnh dứt các dục
Nhìn Phật rất ái kính
Gào khóc như mây mưa
Lòng nặng như Tu-di
Liền nói lời như vầy:
“Thế gian không hề có
Người sinh mà không tử
Xưa nay chưa từng có
Người sinh mãi còn hoài
Thượng, trung, hạ thông suốt
Nhất định ai cũng hay
Ngài còn không được khỏi
Thì ai được sống hoài.
Ngài dẫn đường cõi thế
Dứt tà, bày đường chân
Mắt tuệ là bậc nhất
Nhìn đời khắp dưới trên
Đời tuệ diệt như vậy
Sẽ lại trụ đường tà
Giống như mù không mắt
Lạc mất đường bằng phẳng”.
Đệ tử có mắt trời
Tên là A-na-luật
Lòng yêu ghét đã hết
Dứt sinh tử, trần lao
Thấy Phật đã diệt độ
Thế gian sẽ tối tăm
Các căn đều vắng lặng
Liền khen lời như vầy:
“Ở trong đại sinh tử
Tuệ nghĩa không được thông
Thế gian như hơi sương
Giây lát không còn hiện
Chày vô thường cứng chắc
Đâp Tu-di báu Phật
Bỗng nhiên đổ nát hết
Nay rơi xuống mặt đất.
Thế gian sao khinh bạc
Không một chỗ đáng nương
Lao xao không vững chắc
Xao động hợp lại tan
Pháp khắp đời diệt vong
Không tôi ta, như mộng.
Phật Sư Tử hàng phục
Voi trần lao tự ngã
Chưa đuổi kịp dấu đạo
Sao không sợ việc ấy?
Xem đời không chỗ nương
Như chùm bọt sương mai.
Phật hiệu Thiên Nhân Sư
Trụ lớn bằng kim cang
Bỗng nhiên ngã xuống đất
Sức lực ở tại đâu?
Sáu giống sinh năm nhánh
Một mầm năm thứ quả
Đều tưới ba cây này
Ý nhọc bền khó chặt,
Voi sức mạnh của Phật
Bỗng hủy cây trần lao
Tan nát không còn nữa
Sau đó tự đổ nhào.”
Thiên Mục cầm kim cang
Vua trời mong trời mưa
Thiết lập ra chánh pháp
Dứt khổ ấy mát mẻ
Đức xưng càng rộng lớn
Trùm khắp cả thế gian:
“Thầy các bậc Thánh hiền
Vắng lặng mà diệt ẩn
Đức danh vang cùng khắp
Thấm nhuần pháp nhiệm mầu.
Giống như mưa mùa thu
Nước sông về tràn đầy
Thiên Sư thương cứu giúp
Tự ý vua về theo
Trao cho đạo vô vi
Ẩn thân như trời lặn
Nổi mây giáng mưa ấy
Thu đông mưa tuyết sương
Cháy hừng hực lửa mạnh
Sao còn bị diệt vong?
Như tế xong lửa tắt
Nay lửa thầy các trời
Diệt tan lặng không sáng
Thế gian còn tăm tối
Dứt hy vọng giải thoát
Trái bổn nguyện mất vui
Đức lành tốt lưu truyền
Vang khắp cả mười phương.
Mang bốn tâm Đại từ
Thương chúng như con đỏ
Ai cũng được lành ấy
Vì sao vắng lặng diệt?
Được đạo mầu không đắm
Sở sinh của các Phật
Các pháp lành vô ngại
Vắng lặng mà tự giác
Dùng thân túc nhẹ nâng
Biết thân là khổ nàn
Do vậy phải mau chóng
Xả thân an vô vi
Trừ hết tâm u tối,
Như ánh sáng mặt trời
Dứt bỏ tâm dâm cấu
Như mưa bụi đất trôi
Không còn gặp các khổ
Không bị phiền não bức.
Đã độ rộng vô biên
Biển sâu không đáy bờ
Xuất hiện ra nơi đời
Dứt các khổ độc hại
Xót thương cõi thế gian
Mong cầu được vắng lặng.
Các tướng đẹp rực rỡ
Lặng như vua Phạm thiên
Trí tuệ lớn đầy đủ
Làm Thầy của trời, người
Dùng lành chuyển chúng sinh
Dứt trần lao lìa ác,
Ngày đêm thêm các lành
Như mặt trăng mới mọc
Thường nuôi lớn các lành
Đức xưng rộng khắp nơi
Khi tại gia đã hiểu
Huống gì xuất gia rồi.
Thuở xa xưa đã thệ
Sẽ chiến đấu trần lao
Xót thương kẻ nghèo hèn
Thệ nguyện đã tràn đầy
Phật dùng tâm bình đẳng
Ăn không từ vị dở
Cũng không hề tham đắm
Đối với các vị ngon.
Tuệ thí khó xả bỏ
Người không thể xả bỏ
Không nhận lấy của người
Cũng không cầu lợi ích
Tướng tốt đại danh xưng
Tự nhiên như tiếng vang
Rộng chọn các ý lành
Quyết định đối đức lành
Nên hiện tướng mạo đẹp.
Người thấy dứt ba cấu
Nói ra thành pháp luật
Nuôi lớn lành chúng sinh
Dùng tướng sáng nhịn nhục
Kẻ oán là trần lao
Chứa công đức vô lượng
Cũng không khỏi vô thường.
Nhiều đời chứa công đức
Được báo không hạn lượng
Quyết định được chánh đạo
Như củi hết lửa tắt
Chỉ chúng sinh đường lành
Chặt hết rừng trần lao
Chế ngự được tất cả
Sự trói buộc sinh tử.
Bỏ tám thắng, năm đường.
Nhìn thấy rõ ba đường
Chặt ba xét rõ ba
Nhân được ba mắt tịnh,
Ẩn một biết rõ một
Đợi một đến bảy lớp
Tan hết không còn dư
Là thệ đối vô ngại
Đem cam lộ cho đời
Lời nói dứt giận dữ
Dùng lành thấm chúng sinh
Người khó ngộ ở đời.
Thường trồng các gốc lành
Không đem ác cho người
Dựng cao cờ Chánh pháp
Đối tất cả thế gian,
Vườn Nai chuyển pháp luân
Khắp thế gian vui mừng
Thành tựu các giải thoát
Dứt bỏ các tự ái.
Thấy điều chưa từng thấy
Khắp hợp với thanh tịnh
Biết những việc khó biết
Các pháp chưa từng biết,
Dạy đời là vô thường
Nơi sinh đến có khổ
Dạy đời là vô ngã
Không mê hoặc dài kia,
Dựng cờ phướn Chánh pháp
Xô ngã núi cống cao
Giống như cột bảy báu
Đổ ngã khi cúng tế.
Mặt hủy lòng không hận.
Không vui với lời khen
Chán sinh Thiên thọ phước
Phương tiện cầu bất sinh
Tự vượt biển sinh tử
Lại độ thoát tất cả
Tự dùng tuệ để giác
Lại giác ngộ chúng sinh.
Như mây nhuần khi giác
Như hoa lá núi rừng
Kiến giải như nhật xuất
Rồi trao cho chánh kiến
Tuy sinh ở thế gian
Nhưng không nhiễm việc đời
Từng trải đường hiểm đời
Nhưng không cùng chung đường.
Tâm không hề phạm lỗi
Được đạo lành còn diệt
Khắp đời gặp gian nan
Không chỗ nương, đáng thương
Ngu si che mắt họ
Không hề được đoái hoài,
Không nghĩ lập phương tiện
Cầu ra khỏi sinh tử
Khổ sinh, già, bệnh, chết
Ép bức đời không khỏi
Chỉ Phật cứu được khổ
Trao cho uống cam lộ.
Thuở xưa binh Thiên ma
Không thể thắng Thiên sư
Tự nhiên sức vô thường
Vô thường chợt thắng sư!
Tai Thế Tôn nghe được
Tiếng Tam thiên thế giới
Sức thần túc thăng giáng
Cho đến trời Phạm cư,
Biết tâm niệm chúng sinh
Cho đến ngục Vô trạch
Các sinh tử khởi diệt
Đều xét đế thấy rõ.
Thiên Sư từ mới sinh
Xoay vần khắp các nẻo
Nhớ rõ như mắt thấy
Tận cội nguồn tử sinh
Đầy đủ tuệ sáu thông
Có đủ giác quyết định
Nay đều vứt bỏ hết
Bỏ thân còn thọ hành.
Ái đời theo sinh tử
Ai nói pháp khiến dứt?
Người đời ngu không trí
Ai sẽ đem tuệ giác?
Như xe không người lái
Thuyền bè không kẻ chèo
Bệnh nặng rời thầy thuốc
Làm sao tự giữ gìn?
Như lời không thành tín
Không giác ý cầu trí
Vương giả mất nghi vệ
Làm lành không nhẫn nhục
Đã lìa bốn việc ấy
Công kia không hiển bày.
Nay Phật bỏ cõi thế
Không giúp việc khó thành
Như tháng năm, tháng sáu
Trời trong, không gió mây
Nắng quá thiêu rụi cỏ
Cho đến các côn trùng.
Những chúng sinh đáng độ
Nay sẽ đều gặp nạn
Thế Tôn xả thọ mạng
Sao mà đau khổ quá!”
Thời, các trời buồn bã
Thương xót nói lời này
Dâm, nộ, si giảm bớt
Khen thầy dứt sinh tử
Đệ tử chưa giải thoát
Thì bi thiết khóc gào.
Người đã được giải thoát
Nghĩ kỹ sự hưng suy
Tiếng tăm vang các nước
Các lực sĩ Câu-di
Buồn bã vội vàng đến
Nhóm trong rừng Song thọ
Bi thương tự gieo mình
Khen các công đức Phật
Tiếng than rất đau buồn
Như ngỗng gặp diều hâu.
Đến thấy Phật mất sáng
Vắng lặng không biết gì
Họ đồng thanh gào khóc
Oằn oại như cá cạn.
Thấy Phật nằm yên nghỉ
Chi thể đều duỗi ngay
Như vua Chuyển luân mất
Các nước đều than khóc
Nhân dân nhiều vô số
Ra thành đến chỗ Phật;
Đủ già trẻ, bé lớn
Tâm buồn đau cuồng loạn
Hoặc xé rách y phục
Đau đớn miệng cắn răng
Hoặc tự bứt đầu tóc
Cào cấu cả mặt mày.
Lại có vô số người
Áo não tự gieo mình
Đấm ngực mà kêu trời
Khen Phật đức vô lượng:
“Than ôi! Thầy trời người
Nơi chúng sinh nương tựa
Sao bỏ đi nhanh chóng?
Dứt hẳn không còn mong!”
Đại chúng buồn than khóc
Không còn sức chịu đựng
Vua của các lực sĩ
Đau đớn gào than rằng:
“Thầy giác ngộ thế pháp
Đã nằm không còn dậy
Giống như đại quân bãi
Cờ lớn không còn hiện
Việc phải làm đã làm
Nên giác Phật đã giác
Ở đời giống như mắt
Nay bỗng chợt nhắm mãi.
Phật là cầu độ khổ
Để giúp người qua sông
Cầu lớn bỗng bị gãy
Lấy gì qua khổ đau?
Ánh tuệ Phật chiếu sáng
Lòng tỏ, tinh tấn ngời.
Xưa mặt trời Phật hiện
Làm sáng khắp đất trời
Nay ánh sáng tiềm ẩn
Ở núi lớn vô vi
Thế gian rồi lại sẽ
Chìm vào mãi tối tăm.”
Hoặc buồn bã nói sảng
Hoặc sầu muộn nhìn chăm
Hoặc khóc đến tắt tiếng
Hoặc úp mặt dưới đất
Chúng sinh ôm nhiều não
Tướng gào khóc không đồng
Nhưng ai cũng luyến mộ
Đau đớn lòng nóng bỏng,
Rồi xe kiệu trang trí
Bằng bảy báu, ngà voi
Các lực sĩ nâng Phật
Đặt lên kiệu báu này.
Hương hoa đủ thứ quý
Biết bao thức diệu kỳ
Các lực sĩ kêu khóc
Cúng dường xá-lợi Phật.
Các thiếu nữ quý tộc
Thân đẹp, tay mảnh mai
Tay cầm màn bảy báu
Đẹp đẽ như lụa trời
Lọng báu xen châu sáng
Hoặc cầm báu rủ châu
Hoặc cầm quạt bằng báu
Cúng dường xá-lợi Phật.
Các lực sĩ nâng kiệu
Kêu khóc mắt đỏ hoe
Trên không tiếng sấm vang
Vui xứng tai vừa ý.
Trời tung các hoa ý
Liên tục như mưa sa
Hoa trời rơi xuống đất
Tươi như vừa nở ra.
Các trời chật hư không
Các báu cúng dường Phật
Nói những lời buồn khổ
Khen ngợi công đức Phật.
Các thần nữ Chấp nhạc
Vẩy nước thơm chiên-đàn
Tung y báu, Anh lạc
Cúng dường xá-lợi Phật.
Các lực sĩ nâng kiệu
Rước đến tận trong thành
Trời người cung kính lễ
Theo luyến mộ, khóc than.
Cờ phướn báu bằng lụa
Trang hoàng thành quách kia
Hương hoa và kỹ nhạc
Cúng dường xá-lợi Phật.
Cúng dường nâng kiệu báu
Theo cửa Tây ra thành
Đến Tây thành liền qua
Đáy nước dòng sông báu
Lên dưới cội Cam thọ
Dùng các thứ gỗ thơm
Chất thành giàn củi lớn
Và nhiều loại hương thơm
Hoa hương biết bao loại
Và các thứ trạch hương.
Mọi người đều cầm đuốc
Châm giàn hỏa thiêu Phật
Ba lần đốt giàn hỏa
Lửa không chịu bừng lên
Mọi người đều nghi hoặc
Không biết được nguyên nhân.
Đại Ca-diếp không xa
Nhớ thương đến thăm Phật
Do vậy mà lửa đốt
Cùng thổi không bùng lên.
Khi Ca-diếp vội đến
Kính lễ Đức Phật xong
Khi ấy giàn hỏa Phật
Liền tự nhiên cháy bừng,
Trần lao không tổn Phật
Nay bị lửa cháy thiêu
Cơ thể tuy cháy hết
Xương như cũ không tiêu.
Bấy giờ các lực sĩ
Đem sữa rưới tắt lửa
Dùng nước thơm rửa xương
Bình vàng đựng xá-lợi,
Như Thiên đế ngày trước
Muốn đốt núi Kim cang
Do ông công đức lớn
Nên lửa không thể đốt
Nay dù lửa thật dữ
Không thể đốt xương Phật.
Các lực sĩ xoay vần
Nói dụ này bảo nhau:
“Bốn tâm bình đẳng sinh
Dập tắt lửa dâm dục
Xương Phật mát mẻ lặng
Lòng chúng ta cháy tiêu.
Các trời, thần, lực sĩ
Không thể thắng thân Phật
Nay bỗng gặp vô thường
Chúng ta gánh vác làm
Sức Phật mạnh không sánh
Tiếng vang khắp mười phương
Tại sao phải hoảng hốt?”
Đầy ở trong bình vàng
Phật sáng như mặt trời
Chưa từng có cống cao
Gặp phải lửa vô thường
Chỉ để lại xương thần
Dùng chày tuệ Kim cang
Đập vỡ núi trần lao
Gặp khổ không xả nhẫn,
Tâm vững chắc không động
Nhổ hết các gốc khổ
Dứt, không còn thọ thân
Thân nhiệm mầu như vậy
Mãi mãi ở trong lửa.
Nơi lực sĩ thường đến
Lực phục khiến người khóc
Người nào đến quy phục
An ủi làm người vui
Giả sử gặp gian nan
Đủ sức không than khóc
Tự nghĩ công đức Phật
Kêu khóc nhận xá-lợi.
Có sức mạnh vũ dũng
Chí tự đại tinh ròng
Kêu khóc trở vào thành
Dứt cống cao, khiêm nhượng
Phướn lọng bày đại điện
Làm tòa cao bảy báu
Đặt xá-lợi lên đó
Mọi người lễ cúng dường.
Phẩm 31: TÁM VUA CHIA XÁ-LỢI
Các lực sĩ bi cảm
Ở tại trên điện vua
Cúng dường xá-lợi Phật
Như thế qua nhiều ngày
Bảy vua các nước gần
Mỗi vua sai sứ sang
Đều cùng đồng một lúc
Đến họp nhau dưới thành.
Họ thông báo lệnh vua
Cho các lực sĩ nghe
Họ giải bày cung kính
Xin được chia xá-lợi.
Các lực sĩ đáp rằng:
“Phật diệt độ nước tôi
Tự cúng dường xá-lợi
Không thể chia người khác.”
Bấy giờ sứ các nước
Nghe rồi đến phản đối.
Lực sĩ giữ xá-lợi
Lại ỷ sức mạnh mình
Nếu sứ không chịu về
Thì sẽ dùng uy lực
Trong tâm đều cống cao
Không chịu chia xá-lợi.
Các sứ về phục mạng
Các vua đều sinh tâm
Tức thời dấy binh chúng
Đến thành kia rất mau
Dùng vô số binh chúng
Bao vây thành Lực sĩ.
Quân tiến vào thành ấy
Như mưa dồn sóng dữ.
Nhân dân vào thành chống
Ai cũng đều sợ hãi
Dân chúng rất đông đúc
Thành không thể dung chứa.
Quân lính vua bảy nước
Tiếng voi rống, ngựa hí
Chấn động cả thành quách
Dân chiến đấu như sóng.
Bấy giờ quân bảy vua
Đều ở bộ phận mình
Tinh luyện rất mạnh mẽ
Chiến sĩ và ngựa voi…
Bấy giờ vua bảy nước
Ra sức bày trận đồ
Bốn thứ binh chiến đấu
Bộ binh, voi, ngựa, xe.
Lực sĩ cũng bố trận
Trên thành để chống cự
Sửa sang lại hào rãnh
Lấp kín các cửa thành
Liền bèn đều xây dựng
Cờ quân trận đại hành
Các thường dân trong nước
Ai cũng đều sợ hãi.
Bấy giờ vua bảy nước
Bàn nhau đồng một lòng
Cùng với vô số binh
Đủ khí giới bén nhọn
Giống như bảy ngôi sao
Đồng xuất hiện trong đêm,
Binh chúng của bảy vua
Cùng lúc đến dưới thành
Người đông bụi vàng dậy
Che kín cả mắt người
Mùi thối của voi chết
Nghẹt mũi không thở được,
Tiếng trống, còi vang dậy
Điếc tai không còn nghe,
Trẻ em và phụ nữ
Đều hoảng sợ, thất sắc.
Đối hỏa công, đối địch
Nước đồng, sắt đang sôi
Đội mũ trụ, mặc giáp…
Trang bị chờ chiến đấu
Voi ngựa đều mặc giáp
Đội chiến trận chỉnh tề
Lực sĩ thà mất mạng
Không chịu chia xá-lợi
Dù thành có bị diệt
Vẫn chiến đấu ngoan cường.
Các Lực sĩ một dạ
Quyết định đánh không lui
Đều đứng ở trên thành
Từ lầu chắn cách địch
Thấy các vua ngoài thành
Quân binh nhiều vô số
Thế quân có uy thế
Đồng thời reo hò vang,
Tiếng hò reo cùng lúc
Tiếng vang cả đất trời
Rút kiếm múa sáng ngời
Lấp lánh như mặt trời
Hoặc lao đi mạnh mẽ
Nhắm thành vội đến nơi
Quân ngoài thấy lực sĩ
Chuẩn bị tự sửa soạn
Quyết định muốn chiến đấu
Không có ý thoái lui
Họ đều cùng giã biệt
Vợ con để lên đường.
Vợ con các chiến sĩ
Đều sợ hãi trong lòng
Lại có các cha mẹ
Tâm rất yêu thương con
Thấy con mặc áo giáp
Sắp sửa ra chiến trường
Đều rơi lệ kêu khóc
Chú cây, thỉnh thần kỳ.
Con thấy cha mẹ buồn
Tâm đều sinh nghi ngờ.
Hoặc có các phụ nữ
Lặng lẽ lòng buồn bã
Hoặc giữ cung tên chồng
Khóc ngăn không cho đi
Thấy vợ con kêu khóc
Lòng quả cảm hăng say
Họ giật lấy cung tên
Quyết chiến đấu không nghi.
Các Lực sĩ tự cậy
Ý quyết muốn chiến đấu
Như chứa rắn trong bình
Lòng giận dữ lẫy lừng
Tâm ý đều quyết định
Hẳn muốn đánh không nghi.
Bảy vua cùng bày bố
Đối trận sẽ đương đầu
Đều sửa soạn chiến đấu
Dùng lính bốn thứ binh
Binh voi và binh ngựa
Xa binh cùng bộ binh.
Có Phạm chí quý tộc
Tên là Hương Thảo Tánh
Tuệ rộng lớn, nhân từ
Can ngăn các vua rằng:
“Xem uy thế các vua
Kiếm bén, lợi khí đầy
Muốn hàng phục địch mạnh
Diệt hết cả thành này.
Người trong thành tự giữ
Không dễ dàng thắng được
Các Lực sĩ trong thành
Đều cùng đồng một lòng
Như nay lại vây hãm
Ý hẳn muốn chiến thắng.
Cúi xin các đại vương
Thu về lại thiên uy.
Xét trong thành ấy có
Người làm lành điều lương
Các vua đều chung nhau
Tội gì chuốc thêm phiền
Dùng sức mạnh chiến đấu
Phần thắng không riêng ai.
Như khi bị vây hãm
Phương tiện thắng địch ngoài
Rắn độc tự cứu mạng
Vào hang sâu ẩn mình
Vô cớ thọc hang sâu
Chết hoặc bị nọc độc!
Tự biết có uy thế
Có thể làm chúng sợ
Nhóm họp vào thành trốn
Vững chắc tu giữ mình
Tuy vốn sức yếu kém
Vào thành sức thành mạnh
Như đèn lửa sắp tắt
Thêm củi dầu lại cháy.
Nếu trong thành kia có
Bậc thần chân giữ giới
Dùng giới đức lớn ấy
Địch ngoài tự tiêu tan.
Như xưa vua Trọng Oán
Dốc hết sức toàn quân
Vua Thanh Minh có đức
Thắng kẻ địch bên ngoài,
Các vua đời quá khứ
Dùng sức mở cõi bờ
Tình kia muốn buông thả
Tiếng tăm mình vang xa
Vua ăn lộc chợt mất
Như trâu uống nước băng.
Các vua đều đã qua
Vậy nên phải nghĩ kỹ
Lý chân chính thế gian
Lập phương tiện hòa đồng
Được xá-lợi là quý!
Dùng sức tên thắng địch
Sinh thù nghịch lại phiền
Dùng hòa thuận dễ thắng
Không bao giờ sinh phản.
Tuy nói là ngu dại
Thật không thể nhận nạp
Các vua tuy sức mạnh
Tiêu diệt được địch yếu
Nhưng đã kính trọng Phật
Phụng pháp là trên hết.
Nay nên nhớ nghĩ Phật
Thực hành hạnh nhẫn nhục.”
Bấy giờ Phạm chí kia
Đều thể nhận biết được
Lời hòa thuận chân chánh
Tâm Từ ngăn các vua
Các vua đều hồi tâm
Tâm mạnh mẽ sôi sục.
Bấy giờ các vua bèn
Thuận đáp Phạm chí rằng:
“Lời nói thật đúng lúc
Hòa thuận biết phương tiện
Nay đã nói lý lành
Đôn hậu và trước sau
Ông nên biết chúng tôi
Sức tâm ngộ pháp lành
Trong tâm có mong cầu
Không nhọc việc thế tục
Hoặc dùng nguyện, dùng sức
Hoặc dùng tức giận hờn
Đã tranh nay chiến đấu
Cả hai sẽ đối đầu.
Nay ý của chúng ta
Chỉ cầu công đức Phật
Cầm gậy tìm xá-lợi
Không tham tài bảo nước.
Xưa kia các liệt sĩ
Cống cao tự đại gây
Chiến tranh ở rừng tiên
Tử thương khó kể xiết,
Phật dạy khắp thế gian
Diệt trần lao tự đại
Thì sao chẳng vì Phật
Yêu mạng mỏng manh chi?
Xưa kia các tiên đế
Mê đắm sắc hiền nữ
Bị hiền nữ mê hoặc
Khởi binh chinh phạt nhau
Các vua chết vô số,
Phật dạy răn thế gian
Dứt bỏ ý tham dâm
Sao ta chẳng vì Phật
Yêu mạng mỏng manh chi?
Trước đây có huynh đệ
Ngu ganh khởi tranh giành
Trở lại chém giết nhau
Chết hết không còn ai,
Phật xuất hiện ở đời
Dứt trừ tâm ngu ganh
Thì sao không vì Phật
Mà tiếc mạng không tranh?
Xưa, lực sĩ Thủ Tý
Ôm hiềm, kết sân giận
Liền dùng đến võ lực
Muốn diệt các dòng vua,
Phật xuất hiện ở đời
Dứt bỏ hết nhuế hại
Chúng ta vì Đức Phật
Yêu mạng này làm chi?
Xưa kia, Hoa Thượng Tử
Hiệu là Thập Đầu Thần
Khư khư đắm sắc dục
Duyên tan mất thân mạng,
Phật xuất hiện thế gian
Mở tất cả kết buộc
Chúng ta vì Đức Phật
Tiếc mạng này làm gì?
Xưa kia những kẻ ngu
Ngu giành nước có trùng
Vì hắn ngu si quá
Muốn trùng giết hại nhau,
Phật xuất hiện ở đời
Dứt tất cả ngu si
Chúng ta vì Đức Phật
Ngu yêu thân làm gì?
Xưa nay ngu không đạt
Giành các vật hôi nhơ
Không một chút bền chắc
Hại nhau không tính kể,
Phật ra đời trừ loạn
Chúng ta vì Đức Phật
Sẽ đấu với Diêm-la
Đâu giống đời đánh nhau
Tâm chúng ta bền vững
Không vì nghi chiến đấu!
Xin phiền ngài vào thành
Đến chỗ các lực sĩ
Hết lòng tìm cách để
Đem ý ta trần tình
Việc này xin giao ngài.
Nếu nhất định chiến đấu
Chúng ta mài tên bén
Quyết tâm sẽ giao chiến.
Nghe ngài nói pháp lành
Lời nói thật chánh chân
Nơi tâm liền hư mất
Tâm ác độc giận sân
Như rắn độc bị chú
Độc hại diệt không còn.”
Lúc bấy giờ, Phạm chí
Vâng giáo lệnh các vua
Liền đi vào trong thành
Đến chỗ các lực sĩ
Xin gặp các lực sĩ
Quý trọng người có thế
Liền dùng ý khiêm nhường
Nói giáo lệnh các vua:
“Binh các vua ngoài thành
Đều sửa soạn khí giới
Đội mũ sắt, mặc giáp
Sáng rỡ như mặt trời
Phát tâm đồng lên tiếng
Phải dùng hết võ lực!
Ý mạnh như sư tử
Giương mắt hướng nhìn thành
San sát cùng phô trương
Cung, tên mạ vàng báu
Ý mạnh không mệt mỏi
Ngày đêm không cởi giáp
Tâm bỗng chợt nhớ về
Pháp từ minh của Phật
Nên dùng nghĩa nhường nhau
Chứ không sợ đánh nhau
Không vì tranh đất đai
Kéo đến dưới thành này!
Không tham lam tự đại
Đến không vì giận hờn
Vì kính công đức Phật
Mà đến thành này vậy.
Khách vì nghĩa lành đến
Người chủ nên kính đãi
Phật là thầy tất cả
Chúng ta đồng kính thờ,
Muốn cúng dường xá-lợi
Nên họ đến thành này
Cũng vì pháp huynh đệ
May được chia xá-lợi
Khiến chúng sinh khắp nơi
Thảy đều được cúng dường.
Người sẻn tiếc tài sản
Thì không lấy làm xấu
Người sẻn tiếc pháp lành
Đó mới đáng hổ thẹn,
Nếu yêu tiếc tài vật
Sẽ bị gọi nhơ xấu
Dứt sẻn tiếc làm lành
Được Thánh hiền khen ngợi.
Nếu nhất định các ngài
Không chịu chia xá-lợi
Thì nay nên rời thành
Để cùng khách đấu tranh
Ở trong thành đóng cửa
Không xuất chiến phân tranh
Thì đó không phải vua
Không quý, không dũng sĩ.
Ý các vua ngoài thành
Đều hướng về đây nói
Bọn họ có tâm tốt
Nghĩa tình hai bên bằng,
Lại có ý riêng tư
Muốn hướng về các vua
Mong các ngài lóng nghe
Xin nói pháp chân chánh
Xin các ngài chớ nên
Nhất định chiến đấu nhau
Xưa nay trong chiến đấu
Không lợi, không nghĩa nhân.
Phật, Thầy trời thường khen
Đức nhẫn nhục bậc nhất
Nay vì sao các ngài
Giận bừng bừng đòi chiến
Vì sáu dục gây chiến
Vì của báu tranh giành?
Nếu vì vậy mà tranh
Sự lý còn thông cảm
Vì lý do phước đức
Và pháp lành ngợi khen
Nếu cùng gây oán hờn
Thì nghĩa này phải xét!
Thường dùng tâm Từ bi
Tính điều hòa yên ổn
Đạo giáo Phật, Thầy trời
Lòng Từ hộ chúng sinh
Còn giết hại chúng sinh
Mà kính thờ Thế Tôn
Thì không có nghĩa lợi
Việc này không nên vậy.
Các ngài nên mở ý
Chia xá-lợi các vua
Pháp lành nên truyền bá
Nhân kia không làm trước
Nếu có thể làm được
Thì không có chiến tranh
Sẽ được hai nghĩa lành
Phước đức và tiếng tăm.
Kia có, chỉ mình thấy
Rời chánh, theo đường tà
Người lành tìm mọi cách
Phải dắt vào đường chánh
Các vua tìm nhiều cách
Muốn xây dựng pháp lành
Muốn dẫn dắt thế gian
Đến con đường người trời.
Thế Tôn thường khen ngợi:
Các thí, thí pháp hơn
Hễ đến là làm thầy
Chỗ khen của người trời.
Xem khắp các thế gian
Không ít người thí tài
Người đem pháp bố thí
Thì khi có, khi không
Pháp thí được khen rộng
Yên ổn khắp thế gian.”
Các chúng lực sĩ ấy
Nghe lời pháp lành này
Trong lòng thấy hổ thẹn
Lặng nhìn nhau đăm đăm
Rồi dùng lời ái kính
Nói với Phạm chí rằng:
“Ngài bày phương tiện khéo
Thân yêu kính mọi người
Vì Phạm chí không dối
Siêng xây dựng pháp lành
Hàng phục được chúng tôi
Vào đường người làm lành,
Như cỡi ngựa không điều
Không cho vào chiến trường
Bèn có thể theo ý
Như thầy đã mở bày
Rất thương, rất kính tin
Chúng ta đáng theo vậy
Chợt bỏ lời khéo can
Trung thứ, chính thực ấy
Việc bại gặp gian nan
Về sau hối không kịp.”
Tức thời lấy bình vàng
Đem chia xá-lợi Phật
Làm tám phần riêng biệt
Sao cho thật đều nhau.
Bấy giờ các lực sĩ
Lấy một phần trong đó
Trao bảy phần còn lại
Cho bảy vị quốc vương.
Khi ấy các lực sĩ
Đãi các vua như khách
Các vua được xá-lợi
Buồn vui trở về nước.
Lúc đó vua bảy nước
Mỗi vị ở nước mình
Cho quân xây tháp thần
Cao đến tận chân mây.
Phạm chí Thảo Hương Tánh
Muốn xây tháp chỗ mình
Liền xin các lực sĩ
Chiếc bình đựng xá-lợi.
Các Phạm chí trong nước
Xin tro than Thế Tôn
Cùng nhau gom nhóm lại
Cung kính xây tháp thần.
Các vua ban đầu xây
Tám tháp thần xá-lợi
Ở cõi Diêm-phù-đề
Đức vòi vọi như núi,
Phạm chí đã xây dựng
Tháp bình vàng thứ chín
Là tháp tro than Phật
Đủ mười thứ nguy nga.
Vô số các vị trời
Các vua, các Phạm chí
Đều ngày đêm siêng năng
Ca ngợi lễ tháp Phật
Hoa hương, phướn lọng báu
Bày biện cúng dường tháp
Trang hoàng tháp tốt đẹp.
Như hương xông sườn núi
Các làng, nước gần bên
Vô số người nhóm họp
Hoặc vui buồn kêu khóc
Lễ bái, kính tháp thần
Họ cùng theo luyến mộ
Nhớ thương công đức Phật.
Đau khổ buồn đắng cay
Mất hẳn sao khổ quá?
Ban điều lành cho đời
Chỗ chúng sinh tựa nương
Dẫn lối người lạc đường
Bệnh nặng thầy thuốc hay.
Nắng xuân cho người lạnh
Ao mát cho người nóng
Che chở cho ba cõi
Bỗng nhiên vắng lặng rồi!
Ba cõi mất che chở
Không chỗ nương, đáng thương!
Sẽ quên mất đường chánh
Theo tà gặp gian nan
Đời mất chánh nghiêng tà
Trôi dạt ba đường ác
Đời còn ai sức mạnh
Chế ngự được khiến về?
Các chúng sinh thế gian
Bị ngu si che mắt
Lửa tham dâm, giận tức
Bị kiến chấp thiêu đốt,
Mọi chúng sinh trên đời
Bị bệnh nặng trần lao
Thế Tôn tâm Từ khắp
Thầy thuốc hay ba cõi.
Mặt trời Phật sáng chói
Khi Ngài mới xuất hiện
Phát ánh sáng rực rỡ
Soi Tam thiên thế giới
Mở bày khắp cõi đời
Hoa sen của trời, người
Giống như hoa các ao
Nhờ ánh trời mà nở.
Các trời và người đời
Cùng các đại quốc vương
Buồn khóc than, luyến tiếc
Nhìn tháp khen Phật đức:
“Ôi! Bậc che chở đời
Thầy từ bi bậc nhất!
Chợt bỏ lại chúng sinh
Ra đi sao nhanh quá!
Ánh sáng mặt trời Phật
Bỗng nhiên sao vụt tắt
Sương ngu phủ kín đời
Sẽ từ đâu thấy rõ?
Ai thương dẫn chúng sinh
Bày con đường chánh đế
Để đến thành Nê-hoàn
Vắng lặng không lo sợ?”
Khi lực sĩ Mật Tích
Rộng vì các trời người
Lần lượt nói pháp này
Tuyên dương đức hạnh Phật
Các trời nghe lời nói
Bỗng khắp mình nổi ốc
Suy nghĩ lý đã nói
Nhớ nghĩ công đức Phật.
“Chứa nhóm gốc các lành
Vô hạn, không thể lượng
Khó mà tính số kiếp
Đã chứa nhóm hạnh lành,
Hành sáu độ vô cực
Như ao sâu, biển cả
Các báu đức tướng, tuệ
Sung mãn và đầy tràn.
Nay trong hiền kiếp này
Ngàn Bồ-tát ra đời
Giả sử các La-hán
Tuệ như Xá-lợi-phất
Trọn kiếp khen Phật đức
Cũng không thể nào hết
Huống ta trí nông cạn
Bày kiến văn hạn hẹp.
Thời, người trời trong hội
Nghe ngài nói pháp xong
Trong lòng chợt tỏ ngộ
Như tận mặt thấy Phật.
Mọi người đều cảm thương
Bùi ngùi luyến nhớ Phật
Chí nguyện theo Đại thừa
Dốc lòng tâm vững chắc
Cúi đầu quy mạng Phật
Rồi bỗng nhiên bay đi.