KINH PHÁP LUẬT TAM-MUỘI

Hán dịch: Đời Ngô, cư sĩ Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Nghe như vầy.

Thuở nọ, Đức Phật ở tại nước Ma-kiệt-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo, các Bồ-tát, bốn bộ chúng đệ tử, trời, người, rồng, thần… tất cả nhóm họp đông đủ.

Khi ấy, Đức Phật nói với chúng hội:

–Có Tam-muội Pháp luật, Bồ-tát học Tam-muội này nên dùng sự hòa thuận để điều phục tâm tánh, thể nhập sâu xa vào pháp vi diệu nhưng không được khinh mạn. Vì sao? Vì người chưa thể nhập vào pháp sâu xa, không biết công đức của ba môn học giới, định, tuệ là sâu dày hay cạn mỏng, hoặc vì buông lung nên bỏ mất bổn tâm. Nên biết, những người ấy có mười hai hạng, tự rơi vào tội lỗi lớn, không thể nào hối cải được. Những gì là mười hai hạng người học đạo?

Người không gặp bậc minh sư, hiểu biết chưa rộng mà tự cao ngạo ngã mạn, muốn cầu danh tiếng, chê bai pháp Bồ-tát cho rằng chẳng cần thiết, lại nói lời dối gạt rằng: “Thầy tôi giảng nói, đã tự đọa mình lại làm cho người khác bị đọa.” Hạng người này giống như ví dụ về người hầm nấu thịt khỉ có chất độc, chỉ muốn hại người khác mà không hề biết mình đang tự giết mình. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ nhất.

Có người học được kho tàng pháp của Bồ-tát, được nghe kinh điển sâu xa, chưa từng thưa hỏi với bậc thầy, không biết nghĩa lý, lại tự dụng tùy ý, khinh thường Bồ-tát đã thành tựu. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ hai.

Có người đã học kinh điển sâu xa, giữa chừng lại bị rơi vào chữ nghĩa, chê cười đại đạo, cho là chuyện xa vời. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ ba.

Lại có người học mà không thể nhập sâu xa, chỉ muốn nương vào đạo để lo chu toàn cho cuộc sống, không hiểu rõ nghĩa lý của đạo, chỉ luôn đi hủy báng kinh pháp. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ tư.

Có người tuy học nhưng không dốc hết tâm ý, chỉ muốn để yên thân và tỏ vẻ mình là người hiểu biết, dùng những lời nói hay đẹp trong kinh, cho người khác là sai quấy, lại khiến cho người khác có kiến chấp điên đảo ưa dua nịnh theo rồi chỉ trích, vạch lỗi người khác, cho người khác là không đúng, là tầm thường, dối trá, chê bai điều tốt xấu, hay dở của người khác để mong mình được tiếng khen. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ năm.

Có người ngu tối luôn luôn ganh ghét bậc hiền tài, đối với người giảng pháp, luôn có lòng ác muốn làm hại, không màng gì đến đạo đức, chỉ tham lợi dưỡng. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ sáu.

Có người vừa mới học đạo, nhờ bậc minh sư chỉ dạy nên được hiểu rõ, nhưng người ấy chẳng nhớ ân đức của thầy, lại nói: “Do ta tự biết, chẳng nhờ ai giảng giải”, rồi không chịu theo thầy thưa hỏi về kinh pháp. Hạng người này không hề biết hồi tâm chuyển ý, tội không phải nhẹ. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ bảy.

Có người đã phát tâm Bồ-đề, muốn học kinh điển, Phật pháp, nhưng theo thầy chưa lâu, lễ tiết chưa quen, nghe lời thầy giảng dạy, biết được các phương tiện quyền biến nhưng chưa tường tận nghĩa lý, dùng nhiều lời lẽ hoa mỹ để giảng nói một cách phi pháp, lại ngầm ý bắt chước theo việc làm của thầy, tự cho là chính mình làm. Do vậy, bị mất trí tuệ quyền biến, rơi vào lưới ma. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ tám.

Hạng người có học mà cũng như vất bỏ qua một bên. Thế nào là vất bỏ một bên? Nghĩa là nhờ theo bậc minh sư, được hiểu rõ trí tuệ quyền biến, thấy người đã thể nhập vào trí tuệ ấy, không một lần nào đến để thưa, giữa chừng lại biếng nhác, ôm lòng xấu ác, cứ nghĩ do điều dở của thầy làm mình bị rơi vào phi pháp, không tự hiểu biết, trái với đạo và bỏ mất trí tuệ, đó là vất bỏ một bên. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ chín.

Có người hiểu được trí tuệ quyền biến vi diệu nhưng lại có tội bất kính, phế bỏ kinh điển, lại nói sai sự thật rằng: “Thầy chẳng biết điều gì, những điều ta được học từ nơi thầy đều chẳng đúng. Từ nay, ta không theo phụng sự thầy nữa”, khiến cho những người không biết đều tin theo. Hạng người này chẳng những tự uống thuốc độc mà còn cho người khác uống nữa. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ mười.

Lại có người học đạo, theo bậc minh sư được hiểu rõ kinh điển sâu xa, có Bồ-tát có lòng tin và dốc lòng tu hành muốn theo cầu học nhưng người ấy nhất định không dạy, lại nói: “Không có Hiền thánh, chỉ có Thanh văn”, chưa từng có chánh kiến về kinh điển, niềm tin vào giới luật cũng chẳng có. Hạng người này tìm tòi kinh điển là để phản bác với người khác, rồi dùng lời lẽ thế tục để so sánh, giảng giải, dạy cho người khác một cách hư dối, khiến cho đạo chân chánh thành ra nghĩa hời hợt. Những người đã tự chuốc tội lớn lại làm cho người khác bị lầm lạc. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ mười một.

Có người tuy có học đạo nhưng không dốc lòng kính tin, chẳng biết thật, giả, không sợ tội lỗi, dua nịnh theo người giàu sang, không hiểu rõ đạo, hủy báng Phật pháp, chê bai chúng Tăng. Những người này tự làm mình bị đọa vào tám nạn, lại làm cho người khác bị tăng thêm tội lỗi. Đó là hạng người tự thiêu đốt thứ mười hai. Người phạm tội này không thể sám hối trừ tội, vừa ra khỏi ba đường ác thì liền bị đọa vào lại.

Đó là mười hai hạng người rất khó hóa độ.

Đức Phật lại nói:

–Này A-nan! Vì thế nên ta dạy cho ông về Tam-muội Pháp

luật, ông hãy giảng nói cho người khác khiến họ được hiểu rõ để phòng hộ tâm ý, không tạo những phước nhỏ. Nếu phạm tội dù nhỏ mảy may thì tội sẽ lớn như núi Tu-di, bỏ mất ba ngôi quý báu trong thời gian lâu dài, bị đọa vào đường không biết đến bao giờ. Nếu chỉ tham ái trong giây lát thì sẽ bị khổ sở không thể nói hết.

Khi Đức Phật giảng nói như vậy, tất cả đại chúng ai ai cũng đều cảm thấy xấu hổ. Những người giác ngộ được điều ấy đều nhập vào địa thứ sáu. Tất cả chúng hội đều đứng dậy đồng thanh khen ngợi:

–Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã vì chúng con và những người học đạo đời sau mà mở bày ánh sáng lớn, khiến cho tất cả chúng con đều đạt Tuệ nhãn.

Rồi tất cả chúng hội đồng đảnh lễ Phật, cung kính nguyện thọ trì lời dạy của Phật.

Đức Phật nói:

–Vào đời xa xưa, có vị Bồ-tát tên là Hữu Đạo Chí cùng với mười bốn vạn người đều phát tâm Bồ-tát ở chỗ Đức Phật Vi-la-đề. Trong số ấy, có một người tài năng bậc nhất tên là Hiền Hạnh. Khi ấy, Bồ-tát Hữu Đạo Chí phụng sự, tôn Hiền Hạnh làm thầy. Trải qua nhiều kiếp vẫn không quên mất tâm ý, Hiền Hạnh tu hành tinh tấn sau sẽ thành Phật hiệu là Thế Đầu Bào, chỉ có Hữu Đạo Chí được thọ ký, còn những người khác đều rơi vào hạnh Thanh văn, hiện nay đang ở trong năm đường.

Vì chưa hiểu rõ, Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những vị ấy đã được gặp Phật, sau đó họ có được kinh sâu xa hay không?

Đức Phật đáp:

–Tất cả đều đạt được, nhưng không nỗ lực tu học, không thưa hỏi về trí tuệ, không cung kính phụng sự thầy tổ và khinh người, khinh pháp.

Tôn giả A-nan lại thưa:

–Bạch Thế Tôn! Những vị ấy đều đã phát tâm cầu đại đạo vì sao lại bị đọa lạc?

Đức Phật nói:

–Là do bốn điều sau đây:

  1. Tuy có học đạo nhưng không biết phương tiện thiện xảo, khinh thường thầy bạn, không hề nhất tâm, tâm ý luôn luôn thay đổi.
  2. Tuy học đạo nhưng không tinh tấn, chẳng có đạo lực, chỉ ham danh dự, mong được người khác cung kính.
  3. Học đạo mà đối với việc hầu thầy không hề chịu khó, siêng năng, chỉ lo việc tỏ ra vẻ bề ngoài, cao ngạo ngã mạn, không lúc nào biết dốc lòng.
  4. Ưa học theo ngoại đạo, tập tành theo người tà kiến, đem những lý thuyết của những học phái khác để so sánh với kinh điển sâu xa của Phật rồi nói pháp nào cũng như pháp ấy.

Khi ấy, mười bốn vạn người đều suy nghĩ như vậy. Đời sau đó, họ dần dần thoái chuyển, cách xa đại đạo. Chỉ có Hữu Đạo Chí ý chí mạnh mẽ, vẫn phụng sự Hiền Hạnh cho đến lúc thành Phật đúng theo lời thọ ký.

Khi Phật giảng nói như vậy, một trăm mười vạn trời, người đều phát tâm Bồ-tát.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Như lời Thế Tôn dạy, người học đạo phải có tâm cung kính, trái lại, nếu buông lung thì sẽ mất gốc rễ đại đạo, phải hết sức cẩn thận! Từ nay, những người mới học đạo, muốn thể nhập vào pháp, phải biết phân biệt được thiện, ác, không rời xa thầy lành, bạn tốt cho đến khi thành tựu.

Đức Phật nói:

–Chỉ có một số ít người, luôn cố chấp theo ý mình, không thể nào hóa độ được.

Tôn giả A-nan lại thưa:

–Phàm người có tướng ác, họ có thể tự biết hay không?

Đức Phật nói:

–Người ngu trong thiên hạ chỉ thấy điều ác của người khác, chẳng tự biết điều ác của mình, ngược lại, chỉ thấy điều thiện của mình, không thấy điều thiện của người khác. Người tự xưng mình là người trí thì chẳng phải người trí, tự cho mình sáng suốt thì đó đúng là người hết sức ngu tối, nói rằng: “Ta biết rõ về kinh điển”, thì đó là người mê lầm, người cho rằng mình biết pháp lớn mà không phụng sự thầy, thật không thể đáng tin. Trí Phật bao la rộng lớn không thể suy lường, chỉ thấy nghe được chút đỉnh lại cho là đủ, rồi tự cao ngạo, ngã mạn, đó lại là người trí hay sao? Chỉ có người dốc lòng tu học, thân cận thầy lành mới là người trí tuệ sáng suốt. Người ngu không thể biết có người trí tuệ sáng suốt ở đời. Vì thế mới có người trí kẻ ngu riêng biệt.

Phàm người ngu si chỉ thấy người khác cao ngạo, không tự biết mình cao ngạo. Người tự thấy lỗi của mình mới có thể nói điều thiện với họ. Còn người tự thấy mình có điều thiện thì không thể nói phép tắc gì với họ. Những người nào tự nghĩ mình có thể hiểu những điều khó khăn thì có thể bàn luận về đạo cùng với họ, người không như thế thì sự bàn luận ấy chỉ làm cho họ càng tăng thêm tâm kiêu mạn. Người tự cho mình có khả năng thì không thể giảng nói về pháp nhẫn nhục cho họ, vì nếu có hiểu họ cũng không thọ trì.

Người hiểu rõ ý nghĩa của đạo và luôn khiêm tốn thì có thể giảng nói những điều cốt yếu của kinh điển vi diệu; còn người không như vậy, thì giảng chỉ làm trói buộc sự hiểu biết.

Người thâm nhập vào pháp vi diệu thì có thể nói cho họ về các pháp không đầu mối. Người không như vậy thì họ lại nói lời nghi ngờ rằng: “Ta biết pháp Bồ-tát nói còn có sự tham đắm, ta đã thể nhập vào thanh tịnh…”, mà không tự biết mình là người nhiễm ô, vừa bắt đầu học thì nói mình đã hiểu rõ. Người ấy chỉ biết các việc ma mà không hề biết mình đang ở trong lưới ma, như tằm làm kén tự ràng buộc mình. Muốn biết rõ tất cả, phân biệt được các ý nghĩa trong ngoài, cạn sâu…, nên thưa hỏi những người đã tu học lâu và thành tựu pháp Bồ-tát, gần gũi bậc thầy lành mới có thể hiểu rõ được thế nào là việc làm của ma.

Đức Phật tiếp:

–Học đạo không thể không thực hành kỹ càng, không thể không giữ gìn tâm ý. Nếu quên mất bản tâm sẽ bị rơi vào phi pháp, tâm ý làm theo những điều tà vạy. Những việc không nên làm thì chớ làm. Những người bị phạm lỗi lớn, bị đọa vào đường ác là đều do ngu si, không làm theo chánh pháp, bị ở trong chỗ của ma, tạo tội chẳng phải nhỏ.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Người mới phát tâm thật sự rất cần phải tự giữ gìn, nếu thích ở yên trong pháp Tiểu thừa thì bỏ mất Đại thừa, hạng người như vậy không phải ít. Thuở xưa vào đời trước, con cũng có tâm ý như thế, mất pháp Đại thừa, chỉ được pháp Đại thừa, muốn sám hối chẳng còn kịp nữa.

Đức Phật nói:

–Bản tâm của mình mà không hiểu rõ thì đều bị như vậy.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là nguồn gốc của người, nguồn gốc của năm ấm, nguồn gốc của sáu nhập, nguồn gốc của mười hai duyên khởi và nguồn gốc hội nhập của chín mươi sáu học phái…? Thế nào là nguồn gốc của bốn Đế, nguồn gốc của đệ tử Thanh văn, nguồn gốc của danh hiệu Phật, nguồn gốc của Như Lai…?

Làm thế nào để biết những điều đó, chúng con chưa từng nghe Phật dạy, vì không hiểu rõ nguồn gốc là không nên bị rơi vào Tiểu thừa. Kính mong Ngài vì những người mới học đạo mà phân biệt giảng nói.

Đức Phật nói:

–Lành thay! Ông đã hỏi những điều rất hay. Ta sẽ giảng giải, những ai muốn nghe thì hãy lắng nghe.

Khi ấy, tất cả chúng hội đều vâng dạ xin lắng nghe.

Đức Phật nói:

–Nguồn gốc của người là không từ đâu sinh ra, không có đối tượng thọ nhận, không người làm ra, không chủ tể, không sắc, không có thức, không sinh, không diệt. Nên biết nguồn gốc như vậy.

Nguồn gốc của năm ấm là không có chỗ ở, tùy theo đối tượng

chấp thủ mà liền thành ấm, sự thành hoại đều như huyễn, tất cả không có gì mạnh mẽ. Biết được như vậy thì không còn chấp thuận các ấm.

Nguồn gốc của sáu nhập giống như cánh đồng trống không, vì có đối tượng xúc nên gọi là các nhập. Các nhập ấy như hư không, chẳng có nơi chứa nhóm. Người biết nguồn gốc thanh tịnh thì không còn chấp thuận các nhập.

Nguồn gốc của mười hai duyên khởi không có đầu mối, không từ đâu đến, không đi về đâu. Người ngu si thì không thể nhìn thấy được, các duyên không có giới hạn, cho đến già, chết đều như mộng, chẳng thật có. Muốn đạt được pháp Nhẫn vô sinh phải biết nguồn gốc như vậy.

Nguồn gốc hội nhập của chín mươi sáu học phái đều từ tham dục, sáu mươi hai kiến chấp bỏ cái bên trong nắm giữ cái bên ngoài. Bỏ bên trong nắm giữ cái bên ngoài nghĩa là sao? Nghĩa là: Thân chỉ là một loại huyễn hóa, hư dối, chẳng thật, mà lại mong cầu vạn mối, tham lam không xả bỏ, vì muốn giữ thân tồn tại lâu dài mà phải bị ở mãi trong sinh tử.

Nguồn gốc của bốn Đế cũng không có cội rễ, Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều do quan sát mà hiểu ra. Người thấy được pháp không thanh tịnh là nhờ biết được nguồn gốc của bốn Đế này.

Nguồn gốc của Thanh văn là ban đầu quan sát thấy thế gian là có, không hiểu thế gian là vốn không, nhàm chán khổ sinh tử, chuyên tâm quan sát các pháp, đoạn trừ năm ấm, thực hành thanh tịnh theo pháp không, trừ sạch các tưởng, diệt tận các lậu, rồi đạt được giải thoát. Đó là nguồn gốc của A-la-hán.

Nguồn gốc của Bích-chi-phật là gì? Người học thực hành các pháp công đức khi chưa am hiểu thấu đáo, vừa nghe có Phật liền muốn đạt danh hiệu Phật là gì. Không có lòng đại Bi, chẳng biết phương tiện thiện xảo, lại nói ta đây có ý tưởng đặc biệt nên được nhìn thấy Phật. Muốn tu theo đạo thanh tịnh mà chẳng gần gũi bạn lành. Tuy chứa nhóm công đức nhiều như cát ở sông cũng đều vô ích, chẳng thể nhập được vào trí tuệ quyền biến, không tu hành làm trang nghiêm cõi nước và các tướng tốt, nửa chừng thoái lui, nhờ giác ngộ pháp nhân duyên mà được thành Phật. Đó là nguồn gốc của Bích-chi-phật.

Nguồn gốc của người chứng quả Phật là từ khi phát tâm đến khi thấy được thân như hư không, các pháp vốn thanh tịnh, hiểu rõ chúng sinh vốn đầy đủ các công đức, tất cả các ấm, giới, nhập đều vốn không; hiểu rõ các công đức lúc thành tựu cũng chẳng khác lúc lập thệ nguyện, trí tuệ có được không sinh cũng không diệt, không đến cũng không đi, không ở trong Niết-bàn cũng chẳng lìa pháp không, giống như hư không, không thể nào dời đổi. Đó là nguồn gốc của người chứng quả Phật.

Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tâm ý của Phật thật vi diệu, chẳng phải như các A-la-hán. Đức Phật biết rõ mọi điều, những người mới học đạo như chúng con đều ở trong trói buộc mà mong cầu giải thoát, ý chí nhỏ, sự học còn cạt cợt, chúng con phải nương nhờ Đức Phật để được giải thoát. Tuy nghe đại đạo nhưng chúng con không hề để tâm tu học, giống như người nông dân nghe được những việc làm của vua, trong chốc lát tuy có thích vậy nhưng không thể bắt chước được. Những người tuy đã ở lâu trong ba đường ác nhưng dốc lòng tu học đại đạo thì cũng có thể thành Phật, hàng A-la-hán chúng con lại chẳng có tâm ấy. Những người tu hành hạnh Bồ-tát thật vô cùng thích thú, chư vị đã phát tâm lớn, thể nhập vào pháp sâu xa rộng lớn, chỉ cần tinh tấn tu hành mà thôi.

Bấy giờ, có vị Bồ-tát tên là Dũng Thanh, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Đại đạo thật vi diệu, chẳng phải đối tượng hiểu biết của tri thức thế gian, chỉ có những người thể nhập sâu xa mới thấu đạt lý vi diệu ấy. Sợ những Bồ-tát mới phát tâm học ba môn học sau này cũng như những đệ tử Thanh văn và các Duyên giác, còn mê mờ chưa tỏ ngộ, thấy nghe được đôi chút lại cho rằng mình đã sáng suốt, rồi tranh cãi hơn thua càng thêm lầm lạc. Kính xin Đức Thế Tôn từ bi dứt trừ nghi ngờ cho chúng con: Những người tu học đều thực hành thiền định, mỗi người thành tựu mỗi khác, làm sao để phân biệt biết được? Hàng đệ tử Thanh văn, Duyên giác, Bồtát, các bậc Đại thừa, các ngoại đạo và những vị tiên thành tựu năm Thần thông… ý nghĩa thiền định của các vị ấy là gì?

Đức Phật nói:

–Lành thay, lành thay Đại sĩ! Vì muốn ủng hộ cho tất cả nên mới thưa hỏi như vậy. Tuy tất cả những người ấy đều thực hành thiền định nhưng ý nghĩa không giống nhau. Những người học theo thừa Thanh văn nghe có bốn Thiền liền dốc lòng tu tập và nhanh chóng đạt được, không kịp biết đến các pháp lớn sâu xa vi diệu khác, sợ khổ, nhàm chán về thân, nhất tâm tư duy, chỉ muốn tự độ mình, không nghĩ đến chúng sinh, chỉ mong đạt được diệt độ. Những việc làm phước đức: Trì giới, tinh tấn đều mong đạt đến Niết-bàn, không biết Đức Phật vào ra Niết-bàn đều vì lòng đại Từ, lại nói rằng: “Muốn đạt đến Niết-bàn phải thông suốt về bốn Thiền, đạt ba hoạt”, vừa đoạn trừ sinh tử xong thì liền qua đời. Đó là sự nhập vào thiền định của A-la-hán.

Bích-chi-phật từ khi mới phát tâm đến lúc thành tựu, không hề gần gũi bạn lành, cho rằng ở thế gian có thực hành điều gì cũng luôn có chấp thủ. Chấp thủ là gì? Là tạo các công đức để mong cầu được thành Phật; tin rằng thiền định là vi diệu, không cần đến các hạnh khác, cũng không biết ý nghĩa hướng đến của thiền định của Phật. Thiền của Như Lai là không có ý, không có tưởng, không nhận thức, không chứng đắc. Nhưng những vị Bích-chi-phật này không hiểu rõ ràng thấu đáo sự giữ ý thanh tịnh, không tạo tác trong đó, không hiểu ý nghĩa của pháp trí tuệ quyền biến, chỉ nhờ chứng đắc các thiền, thấy rõ tánh không, hiểu pháp nhân duyên mà đắc đạo. Trí tuệ sáng suốt hơn A-la-hán nhưng không thể sánh bằng Phật, không có mười Lực, bốn Vô úy và mười tám pháp Bất cộng. Đó là sự nhập thiền của Bích-chi-phật.

Thiền định của Bồ-tát là từ khi mới phát tâm cho đến khi thành tựu, không hề rời xa bậc minh sư, học rộng có trí tuệ sâu xa, hiểu rõ căn bản của thiền định. Hiểu rõ như thế nào? Nghĩa là tâm vốn là không, đạo cũng vốn là không, không trói không buộc, không giải thoát, không thực hành, không ra không vào, không xả không chấp, chỉ là thị hiện hạnh trí tuệ quyền biến, không gián đoạn cội rễ công đức và tâm Từ bi, tu hành các tướng tốt, làm trang nghiêm cõi Phật, đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy và mười tám pháp Bất cộng, đạt được Nhất thiết trí, không gì không hiểu biết. Vì vậy nên gọi là Phật. Vì biết người đời nhiều tham dục và tâm ý tán loạn nên Phật thị hiện ngồi nơi gốc cây vắng vẻ nhập vào thiền định để khiến cho họ hiểu rõ. Phật dùng đạo pháp để chế ngự tâm ý cũng là vì các đối tượng ưa thích các pháp, làm cho họ đạt được điều mong muốn. Vì thế, thiền định của Như Lai không giống với thiền của Tiểu thừa và của những vị đạt được năm thần thông. Những người tu học chỉ chú trọng đến sự vô vi những chẳng hề hiểu rõ điểm cốt yếu của pháp, chỉ lo tránh đời để an ổn một mình, giữ tâm ý chuyên nhất là được, nhắm mắt quan sát rõ ràng khắp thân thể nội tạng, giữ gìn thần khí để cầu được thăng tiến tinh thần, điều ác tiêu trừ, phước đức tăng thêm, tư duy cho đến khi đạt được năm Thần thông, tuổi thọ lâu dài… Đó gọi là người tu Tiên.

Tu hành cùng cực đối với pháp như vậy, nhưng vẫn không biết được Niết-bàn, sau này họ sẽ bị hết sạch các phước đức và ở mãi trong sinh tử không dứt. Đó là thiền định của các ngoại đạo đạt được năm Thần thông.

Đức Phật tiếp:

–Các Thanh văn và Bích-chi-phật tuy đạt được Niết-bàn nhưng vẫn không biết rõ nguồn gốc. Vì sao? Vì những người ấy vốn đã cho rằng đời là có, đạo là không, nên chỉ cần diệt trừ năm ấm thì được diệt độ. Chỉ có Như Lai là biết rõ cội rễ của Niết-bàn. Vì sao? Vì Như Lai biết thế tục và đạo pháp, tất cả các pháp đều vốn là không, như vốn không có chỗ tồn tại, không sinh, không diệt. Đó là Niếtbàn. Vì vậy, các Thanh văn đệ của Như Lai và các Duyên giác được gọi là diệt độ. Bồ-tát nên hiểu rõ đại pháp sâu xa, vi diệu, thấu đạt chân lý để tu học tuy không ở gần bậc minh sư, tâm phải thanh tịnh, không được buông lung.

Bấy giờ, Dũng Thanh chắp tay, thưa:

–Bạch Thế Tôn! Được gặp Phật là rất khó. Hôm nay Đức Đại Thánh với lòng đại Từ Ba-la-mật đã diệt trừ mọi nghi ngờ cho chúng con. Những người muốn tu học phải nên nghe nhận theo lời dạy của Phật, thực hành theo những điều của bậc Hiền thánh. Nếu không theo lời Phật dạy tức chẳng khác những người làm việc làm của ma. Những hàng trời, người, ma đều không được phá hoại những vị tu hạnh thanh tịnh ấy.

Thưa xong Bồ-tát Dũng Thanh cung kính cúi đầu đảnh lễ ngang chân Phật.

Khi ấy, có hai trăm mười vạn hàng trời, người đều phát nguyện đạt được pháp Nhẫn vô sinh.

Tôn giả A-nan thưa:

–Bạch Thế Tôn! Tam-muội Pháp luật này gồm những ý nghĩa gì?

Đức Phật bảo:

–Tam-muội này phân tích rõ ràng về tâm đạo, giải thích về trí tuệ và phước đức căn bản của người thể nhập, phân biệt được sự tu hành của Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát, biết được đâu là chân lý, đâu chẳng phải là chân lý. Nói tóm lại, đó được gọi là Tam-muội Pháp Luật.

Này A-nan! Người nào tin hiểu đối với kinh pháp này sẽ được nghe phương tiện thiện xảo của chư Phật trong khắp mười phương.

Đức Phật nói kinh này xong, tất cả chúng hội đều rất hoan hỷ, các vị cung kính đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra.