SỐ 267
KINH PHÁP LUÂN KHÔNG THOÁI CHUYỂN
Dịch Phạn ra Hán: Không rõ tên người dịch, Đại sư Tăng Hựu, đời Lương sao lục
Dịch Hán ra Việt: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 2
Phẩm 2: TÍN HÀNH (Phần 1)
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ ấy xong, Tôn giả A-nan liền bạch Phật:
–Hôm nay Như Lai vì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi mà Chuyển pháp luân không thoái chuyển?
Phật dạy:
–Đúng thế!
A-nan lại bạch Phật:
–Bạch Thế Tôn! Hôm nay Như Lai Chuyển pháp luân không thoái chuyển phải không?
Đức Phật dạy:
–Đúng vậy, này A-nan! Như Lai thật sự Chuyển pháp luân không thoái chuyển.
Tôn giả lại bạch Phật:
–Như Lai dùng phương tiện thế nào để nói về Tín hành, Pháp hành, tám bậc như thị? Cũng như nói về các quả Tu-đà-hoàn, Tư-đàhàm, A-na-hàm, A-la-hán, Thanh văn, Bích-chi-phật. Đối với bốn chúng đệ tử đang nghe pháp, Như Lai đều nêu rõ các pháp Bồ-tat chăng? Vì sao Như Lai lại nói: Vì hạng chúng sinh thấp kém nên mới xuất hiện ở cõi đời năm trược, hạng chúng sinh ấy khó lãnh hội pháp Đại thừa.
Như Lai là Bậc Tự Tại, thành tựu phương tiện, nhận thấy chúng sinh hạng có tâm nguyện lớn thì ít, mà hạng tâm niệm thấp kém thì nhiều. Do vậy, vì Thế Tôn biết rõ căn tánh của chúng sinh để mở bày Phật pháp, dùng phương tiện cứu độ, dùng vô lượng các pháp lành để giáo hóa chúng sinh, khien họ diệt trừ các khổ, được biết sinh tử, lìa các phiền não, khiến trụ nơi Chánh đạo, chứng Niết-bàn vô vi, cho tới đạt được Nhất thiết chủng trí.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
–Bậc Đại Bồ-tát! Vì vô lượng, vô biên chúng sinh giúp họ phát sinh tin tưởng, hiểu biết các kiến giải về Phật pháp và pháp mà vô số các Đức Phật đã chứng biết. Các pháp ấy là không sắc, cho đến không thọ, tưởng, hành, thức, không tham nhiễm, không mê đắm, nên được gọi là tín hành.
Lại nữa, này A-nan! Bậc Đại Bồ-tát tin tưởng trí tuệ Phật tâm sinh vui mừng. Thế nào là trí tuệ? Trí tuệ là đều không thấy có thật pháp, vì không thấy có thật pháp nên gọi là tín hành.
Lại nữa, này A-nan! Các vị Đại Bồ-tát không đắm nhiễm năm dục lạc, không lìa bỏ lòng tin, nên gọi là Bồ-tát tín hành. Bậc Đại Bồ-tát lại nghĩ rằng: Bố thí pháp không thể nghĩ bàn cho các chúng sinh vẫn giữ tướng như thế, tin tưởng pháp thì không thể nghĩ bàn như thế, đó gọi là Bồ-tát tín hành. Các vị Bồ-tát Ma-ha-tát luôn tạo được sự hoan hỷ, có thể xả bỏ cả thân mình mà vẫn chưa cho là đủ, đối với mọi hoàn cảnh và nơi chốn đều không hề sinh ganh ghét giận dữ, các việc làm bố thí đều hồi hướng, hồi hướng mà cũng không có ý tưởng để cầu được Bồ-đề, vì không hoại diệt công đức hồi hướng ấy nên gọi là Bồ-tát tín hành.
Lại nữa, này A-nan! Các vị Đại Bồ-tát luôn giữ lòng tin thanh tịnh, chánh niệm hướng về Phật, tâm không cấu uế và cũng tin là không hề bị cấu nhiễm, xem các pháp đều bình đẳng, không có chúng sinh, thọ mạng, ta, người, không có uẩn, giới, nhập, cũng tự mình không mê đắm thọ mạng, nơi chốn, đó gọi là Tín hành giải thoát.
Các vị Đại Bồ-tát giáo hóa chúng sinh khiến họ kính tin Phật pháp, để điều phục tâm hồi hướng về Bồ-đề, cũng không chấp vào tướng của tâm. Nhận thức rõ về sáu giới, năm uẩn, mười hai nhập đều bình đẳng, đều đồng với pháp giới. Vì không phân biệt nên biết pháp giới không có tướng khác, đó là tin tất cả hành là vô thường, tất cả các hành là khổ, tất cả hành là không, tất cả hành là vô ngã. Đối với pháp ấy được năng lực trí tuệ. Tin bố thí, tin vào giới luật của Phật, không rơi vào cõi chỗ đùa bỡn, được năng lực Thiền định, tin vào cõi vắng lặng, đó gọi là Bồ-tát tín hành.
Các vị Đại Bồ-tát tuy giáo hóa chúng sinh thường tin vào sự vắng lặng nhưng không bám víu vào tướng chúng sinh, xem các chúng sinh đồng với giải thoát, khéo biết tất cả chúng sinh là vô tướng, đều đồng với pháp giới, chẳng thể nhận thức, cũng không phải chẳng nhận thức. Vì sao? Vì pháp giới tức là cõi tâm của tất cả chúng sinh, nên gọi là Đại Bồ-tát tín hành.
Lại nữa, này A-nan! Đại Bồ-tát xem tất cả chúng sinh là không thật có, không trụ, không diệt, tánh tướng vốn không. Vì vậy, chẳng hề thấy tất cả chúng sinh, cũng không thấy có nơi nương tựa, xem tất cả chúng sinh đồng giới cảnh giới Niết-bàn. Vì sao? Vì tất cả chúng sinh đều nhập vào “không giới”. Bồ-tát có khả năng khiến cho vô lượng chúng sinh như thế đều kính tin và hiểu rõ nên gọi là Đại Bồ-tát tín hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa vừa nêu nên nói bài kệ:
Chúng sinh kính tin
Thấy vô số Phật
Không đắm sắc tướng
Đó là Tín hành.
Tin tất cả pháp
Mở bày không tướng
Thành tựu giải thoát
Đó là Tín hành.
Thường tin chánh pháp
Ưa thích cầu Phật
Lúc nào sẽ đạt
Trí không nghĩ bàn
Xét rõ năm dục
Thật không đáng tin,
Được năng lực tin
Đó là Tín hành.
Niềm tin như thế
Rất là tốt đẹp
Phải tu pháp thí
Cúng dường Đại Tiên.
Thí không nghĩ bàn
Nên được tín biện
Không tâm thấp kém
Đó là Tín hành.
Xả bỏ tất cả
Thân mình yêu mến
Nhưng không tưởng xả
Đó là Tín hành.
Bố thí tất cả
Chẳng hề ganh ghét
Lìa tưởng Bồ-đề
Đó là Tín hành.
Tín tâm thanh tịnh
Dứt tất cả nhơ
Cũng không tuổi thọ
Đó là Tín hành.
Tuy tu hạnh thí
Chẳng cầu quả báo
Được sức tin sâu
Đó là Tín hành.
Xả bỏ sáu nhập
Chẳng nghĩ quả báo
Khéo hiểu sáu giới
Đó là Tín hành.
Tự điều phục mình
Và điều phục người
Khiến tin Phật pháp
Đó là Tín hành.
Được niềm tin rồi
Hồi hướng Bồ-đề
Dứt những tướng tâm
Đó là Tín hành.
Biết rõ sáu giới
Đều đồng pháp giới
Tuy nói pháp giới
Chẳng đạt tướng giới.
Các hành vô thường
Khổ, không, vô ngã
Cũng không mê đắm
Đó là Tín hành.
Kính tin giới Thánh
Dứt mọi đùa bỡn
Thành tựu thiền định
Đó là Tín hành.
Tin các chúng sinh
Cùng tướng vắng lặng
Biết vô tướng rồi
Đó là Tín hành.
Chẳng đắm chúng sinh
Cùng nhập pháp giới
Cõi chúng sinh này
Không thể nghĩ bàn
Dùng tín sinh tín
Đó gọi là tín
Bồ-tát vô úy
Đó là Tín hành.
Chúng sinh quyết định
Dứt hết các tưởng
Thể tánh như không
Không chỗ, không chứng
Chúng sinh, Niết-bàn
Cả hai đều không
Nương đó tín sinh
Đó là Tín hành.
Bồ-tát không sợ
Tin các chúng sinh
Không bám tên chữ
Từ tin mà sinh
Tin được như vậy
Thường nhớ chẳng mất
A-nan nhớ ghi
Phân biệt chỉ rõ.
Các pháp như thế
Vô lượng, vô số
Phật đã chứng ngộ
Bồ-tát hiển bày.
Lại nữa, này A-nan! Như Lai Đa-đà A-già-độ đầy đủ tín lực mới có thể giảng nói ý nghĩa sâu mầu như thế. Cho nên gọi là Đại Bồ-tát Tín hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn thấy chúng sinh tín lực đã được vững chắc, nên lại nói bài tụng:
Tất cả người nghe
Tâm đều vui mừng
Các Phật tử này
Nói về công đức,
Bồ-tát hiện rõ
Chẳng thể nghĩa bàn
Bồ-đề các Phật
Người chẳng tín tin
Chẳng nhiễm giả danh
Cũng không tâm sở
Chẳng đắm mười phương
Gọi Tín tối thắng.
Bồ-tát bày nói
Thường tu pháp tin
Chẳng chấp vào không
Nêu bày vắng lặng
Cứu đời nên nói
Giải thoát như vậy
Sắc tướng cũng thế
Như thuyết tu hành.
Bồ-tát bày nói
Người trí kính tin
Phật chẳng thể bàn
Vô lượng nhớ nghĩ
Điều Bồ-tát tin
Hư không vô biên
Trí Phật vô lượng
Hiệu là Trượng phu.
Chí cầu không đắm
Chẳng vì tham dục
Tạo tác chẳng lành
Mà bỏ pháp vui
Đó gọi Bồ-tát
Thực hành pháp thí
Tín của Bồ-tát
Thiện Thệ ấn chứng.
Pháp thí chẳng nghĩ bàn
Tín bố thí uống ăn
Ma-ni, vàng, voi, ngựa
Tất cả xe, nô tỳ
Vợ con các nam nữ
Xả thí luôn cõi nước
Tay, chân, các bộ phận
Đầu mắt và não tủy
Mắt tai và mũi miệng
Thắng tín của Bồ-tát
Xả thân không đắm nhiễm
Hành thí cũng không nghĩ
Ta vốn tu Pháp thí
Mong đạt trí tuệ Phật
Xả thân không đắm nhiễm
Tất cả thí vui mừng
Luôn gần gũi bạn lành
Xả bỏ thân mỏng manh
Đối với các chúng sinh
Tín tâm thường thanh tịnh
Nghe pháp, tin các Phật
Đó gọi là Bồ-tát
Biết mắt, tai, mũi, miệng
Các căn đều vô thường
Mỏng manh như bọt nổi
Tín sâu nên bỏ thân
Vì chúng sinh không nương
Lập ra bốn Nhiếp pháp
Tâm Từ với tất cả
Tin Phật vô lượng trí
Thấy chúng sinh làm ác
Nên phát tâm vô thượng.
Kính tín sâu Bồ-đề
Không chấp các tướng tâm
Chúng sinh chẳng cầu đạo
Ngu mê trong ba cõi
Nếu tất cả chân thật
Vô giới nói tướng giới
Thấy chúng sinh trôi lăn
Ngu si đắm các cảnh
Bồ-tát tin vô ngã
Các hành đều vô thường
Thấy những kẻ phá giới
Tin giới chẳng nghĩ bàn
Giới tịnh lập thiền định
Bồ-tát nương nhiếp tâm
Nếu thấy kẻ biếng nhác
Cầu Phật sức tinh tấn
Các chánh định điều phục
Trí thâu tóm chánh pháp
Ngu si đắm tuổi thọ
Xem ấm vốn là không
Tánh chúng sinh vắng lặng
Tướng các pháp cũng vậy
Tin ấm không đi đến
Nghiệp thiện, ác chẳng dứt
Do nghiệp tịnh, bất tịnh
Chẳng xa lìa sinh tử
Chúng sinh, đồng pháp giới
Pháp giới tức sinh tử
Đó gọi chẳng nghĩ bàn.
Tin Bồ-tát không sợ
Thắng tín chẳng nghĩ bàn
Tinh tấn tu pháp trí
Không vì kẻ thiếu trí
Nên vì tịnh tín nói
Cùng tin các chúng sinh
Thường trụ không thật có
Đối không, chẳng mê đắm
Tất cả pháp chẳng trụ
Chúng sinh không cũng không
Đồng như cõi Niết-bàn
Nói pháp thường vô tướng
Khiến chúng sinh tin, hiểu
Tất cả pháp tánh không
Quán chúng sinh bình đẳng
Thắng trí trong ba cõi
Được tín, trì như thế
Cũng gọi tín trên hết
Ưa thích pháp không sợ
Người trí trong Phật pháp
Tự tin, khuyên người tin
Xoay vần dạy như thế
Nuôi lớn các công đức
Tâm tịnh không đắm nhiễm
Ruộng phước thêm lợi ích
Vui mừng điều phục Thí
Tịnh giới và Nhẫn nhục
Tinh tấn, Thiền định thảy
Dùng Trí tuệ dẫn đường
Phương tiện bày tịnh trí
Khiến chúng được an vui.
Khi chết lìa nẻo ác
Trí Bồ-tát trên hết
Thần thông độ muôn loài
Thế giới rung sáu cách
Ánh sáng đều chiếu khắp
Trí mầu của Bồ-tát
Vô tướng, sư tử rống
Khắp Đông, Tây, Nam, Bắc
Bốn góc và dưới, trên
Đều nói ra Pháp âm
Thề không nghi ngờ Phật
Dạy người cũng không nghi
Do nhân duyên như thế
Hiển bày vô lượng tướng
Người trụ trong trí ấy
Chỉ Phật chứng biết được.
Phẩm 2: TÍN HÀNH (Phần 2)
Này A-nan! Đó là Như Lai Chánh Đẳng Chánh Giác đã vì các vị Bồ-tát mà dùng phương tiện như thế để giảng nói về Tín hành.
A-nan thưa:
–Vì sao Như Lai lại vì các Bồ-tát mà nói về pháp hành?
Phật bảo A-nan:
–Nay ông nên biết! Các vị Đại Bồ-tát không trụ trong Phật pháp nhưng có khả năng hiển bày không lìa pháp giới, rốt ráo không nghĩ bàn giới; thọ trì các pháp tâm không thấp hèn, tuy giảng nói các pháp nhưng đối với tướng các pháp khong hề chấp đắm, vô niệm vô trụ; thâu tóm các pháp, đúng với thật tướng thật tánh của chúng, không chấp các pháp, không lìa bỏ phi pháp, không ưa thích các pháp mà cũng chẳng phải không ưa thích các pháp.
Các Đại Bồ-tát tuy được như vậy nhưng đã lìa tướng các pháp, nhờ khéo điều phục, nên tâm thường an vui, khéo nói các pháp không hề bị nhiễu loạn, đối với tướng các pháp không lìa bỏ thân mà cũng không trụ thân, mé trước của thân này đồng với pháp giới, như hư không chẳng đi chẳng đến, đồng với mé chân, như như tướng. Đó là chỗ Phật nói về việc Bồ-tát đã chứng đạt các pháp thanh tịnh, dứt tất cả cấu nhiễm, quán tất cả pháp không, không thể nhìn thấy, chẳng thể nắm bắt. Vì sao? Vì các pháp là không, đã lìa bỏ, không mê đắm cho nên không thấy các pháp. Không thể nắm bắt, không có tranh chấp. Hiển bày pháp giới vô ngôn, vô thuyết. Thể tánh vốn không, chỗ tam vọng động đều vắng lặng. Tâm này không thật có cũng chẳng thể nghĩ bàn, chỉ lộ rõ tánh chất vắng lặng, không duyên theo cảnh giới, giữ gìn các pháp, không hề nương tựa. Vì sao? Vì tất cả các pháp đều vô thể vô tướng. Pháp Bồ-tát này là nhất tướng, vô tướng, không thể khen ngợi, không sợ nói pháp. Nếu nói pháp tướng, danh tự, tất cả chương cú cho người nghe thì bản thân mình đã tự chứng, đầy đủ pháp ấy gọi là chủng tánh Đại Bồ-tát. Đạt được thể tánh ấy rồi thì đối với các pháp không còn có đến, có đi, không còn nắm bắt hay lìa bỏ, giữ gìn tất cả pháp nhưng bất động, bất hoại, vì bất hoại nên gọi là pháp hành, vì thành tựu pháp nên luôn thấy tất cả các pháp là vô tướng, vì được pháp lợi nên cũng gọi là pháp hành.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Pháp không thoái chuyển
Các Phật cũng vậy
Nếu giữ gìn được
Đó là Pháp hành.
Nêu rõ Phật pháp
Không hình, không tướng
Rất sâu, không nhiễm
Đó là Pháp hành.
Chẳng lìa các cõi
Không thể nghĩ bàn
Hội nhập pháp giới
Đó là Pháp hành.
Giữ gìn các pháp
Như Phật hiển bày
Tâm không vết nhơ
Đó là Pháp hành.
Pháp không thoái chuyển
Tên là Vô tướng
Dứt mọi bám vướng
Không còn mê đắm
Đó gọi Pháp hành.
Không chấp, không trụ
Thọ trì pháp trí
Người trì như thế
Đó là Pháp hành.
Tâm thường yêu thích
Cầu pháp không chán
Xa lìa biếng nhác
Đó gọi Pháp hành.
Nghe pháp thọ trì
Vô lậu, chẳng nương
Khéo trụ an vui
Đó gọi Pháp hành.
Nếu người nói pháp
Chẳng nghĩ, chẳng đắm
Thọ trì vô tướng
Đó gọi Pháp hành.
Thân khéo an trụ
Trụ nơi không chốn
Là thân, chẳng thân
Là biết thân tướng.
Không mé trước sau
Đồng với Pháp tánh
Không đến, không đi
Là biết thân tướng.
Cũng như các Phật
Thị hiện Bồ-tát
Được pháp ấy rồi
Đó là Pháp hành.
Tánh, tướng cõi không
Tất cả không đắm
Giữ gìn như vậy
Đó gọi Pháp hành.
Lại đối các pháp
Không, vô sở kiến
Nếu vô sở kiến
Thì không chướng ngại.
Hiển bày vô tướng
Dứt các hý luận
Không lời, không nói
Cũng không thật có
Lìa các tướng tâm
Nên không thật có
Nếu tâm vô đắc
Thì chẳng nghĩ bàn
Không đến, không đi
Không chẳng hiển bày.
Không duyên, không nói
Gọi chẳng nghĩ bàn.
Nếu trì pháp này
Không thể nương tựa
Là không thật có
Gọi là giữ pháp.
Pháp như thế ấy
Do Bồ-tát nói
Không hợp, không tan
Hiển bày vô tác.
Gọi là Hành xứ.
Là nơi chủng tánh
Được lợi như thế
Gọi là Hành xứ.
Theo chủng tánh ấy
Không thể chê trách
Được cõi như thế
Đó gọi giữ pháp.
Thấy pháp không giảm
Tuy đi không đi
Đến mà chẳng đến
Chẳng thấy có pháp.
Hoặc đến, hoặc đi
Các pháp cũng vậy
Giữ pháp như thế
Cũng không dao động.
Chẳng thêm, chẳng bớt
Là pháp vô tác
Nếu không thêm, bớt
Đó gọi giữ pháp.
Tướng pháp như như
Không duyên, không nói
Người được pháp này
Gọi là giữ pháp.
Vì vậy, A-nan!
Bồ-tát hiển bày
Được lợi pháp sâu
Đó là giữ pháp.
Vì vậy, A-nan!
Hiển bày giữ pháp
Vì kẻ chẳng tin
Mà nói pháp ấy.
Phân biệt như thế
Nói cho Bồ-tát
Đều dùng phương tiện
Mở bày Phật pháp.
Như thế đấy, A-nan! Như Lai Chánh Giác vì các vị Đại Bồ-tát mà dùng phương tiện để nêu rõ việc giữ pháp.
Phật bảo A-nan:
–Do đâu mà Như Lai vì các Đại Bồ-tát nói về tám pháp Chánh đạo? Là vì các vị Đại Bồ-tát đã lìa bỏ tám con đường tà để hướng đến tám con đường giải thoát, vượt khỏi đời sống phàm phu, tu tập tám Chánh đạo nhưng không thấy nơi chốn mình đạt tới, xa lìa hai bên thường đoạn, an trụ trong Trung đạo, vượt thế giới phàm tuc, an trụ trong Bồ-đề, cũng không trụ trong tướng Bồ-đề, lìa bỏ các tà kiến, tu tập chánh kiến, không bám vào thân tướng, cũng không trụ trong tướng Bồ-đề. Thân Phật là vô vi, lìa những khái niệm tính toán, tu theo tướng Phật tức là đạt được diệu lý Nhất tướng vô tướng đối với chúng sinh, ra khỏi ấm giới sinh tử của chúng sinh, an trụ trong ngôi nhà vô vi rốt ráo không, thấy tất cả pháp là vô sinh vô trụ. Vì sao? Vì thể tánh và tướng trạng của các pháp đều là vô trụ.
Đại Bồ-tát xa lìa thế gian và xuất thế gian, an trụ trong chốn vắng lặng, không nhiễm thế gian, cũng không mê đắm con đường xuất thế gian. Đối với pháp, phi pháp, hữu vi, vô vi đều xa lìa, xả bỏ hai bên thường và đoạn, trụ trong tướng bình đẳng, biết tâm sở quá khứ, vị lai, hiện tại, không có tướng khác, cũng không được tướng của tâm Bồ-đề. Vì sao? Vì tất cả tâm đều bình đẳng. Thân tướng cũng thế. Vì thế mà không hề bị các thứ lửa dữ, đao tên làm tổn hại thân mạng. Vì sao? Vì đã lìa tất cả phiền não độc hại, thường được sinh vào các cõi thanh tịnh, xa các đường ác, tuy sống trong các đường mà vẫn chứng đạo Bồ-đề, thường sống trong an ổn, cũng không nương tựa. Vì ý nghĩa như thế nên tất cả các thứ đao binh không thể hại được. Vì sao? Vì thấy Bồ-đề vắng lặng là không, vô trụ xứ, vì vô trụ xứ nên tất cả tên độc đều không hại được. Đó gọi là không bị trói buộc.
Bậc Đại Bồ-tát đi trên cỗ xe nhanh nhất mà không chấp vào cỗ xe ấy, đó gọi là không bị trói buộc. Vì sao? Vì không thật có, do đó mà đao tên không hại được thân. Rõ các pháp là không, chẳng thật có cho nên tất cả thứ độc hại đều không thể xâm hại. Vì sao? Vì hành tâm Từ rộng khắp che phủ tất cả. Thực hành tâm Từ Bồ-đề thấy các chúng sinh là không thật có; thực hành tâm Từ theo lý không thấy các pháp vắng lặng; thực hành tâm Từ không nóng bức xa lìa các phiền não; thực hành tâm Từ bi như vậy có công năng làm cho đao binh đều không hại thân được.
Đại Bồ-tát xem ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc đều bình đẳng, biết tất cả các cõi, tất cả pháp tánh đồng với Bồ-đề, bình đẳng không có khác nhau. Các vị Đại Bồ-tát tâm không suy nghĩ như thế, cũng không đùa bỡn, vắng lặng thanh tịnh. Bậc Đại Bồ-tát biết tất cả pháp như âm vang tiếng gọi, lìa tất cả tướng, đồng với pháp giới, không nơi hướng tới mà cũng không chốn quay về, khéo hiểu các thứ âm thanh lời nói, không nêu bày, không nói năng, lìa tướng âm thanh, chẳng tự đề cao mình, lìa bỏ ngã tưởng, vượt qua tất cả lời nói, âm thanh mà cũng không chấp vào tướng vượt qua ấy. Cho nên biết tất cả các pháp đều vắng lặng, tất cả pháp tướng cũng không thật có, tâm không có chốn để quay về vì đã vượt qua các pháp. Đối với mọi ngôn ngữ, âm thanh cũng không bị đắm nhiễm.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Lìa tám đường tà
Tu tám nẻo chánh
Chín thứ, tám giải
Đó là tám bậc.
Vượt khỏi phàm phu
Chẳng trụ Bồ-đề Bậc
Hùng trong pháp
Đó là tám bậc.
Vượt khỏi phàm phu
Không trụ Bồ-đề
Lìa tướng Bồ-đề
Đó là tám bậc.
Bỏ các tà kiến
Tu hành chánh kiến
Đạt được đạo rồi
Đó là tám bậc.
Vượt các thân tướng
Chẳng trụ Bồ-đề
Lìa chứng thân Phật
Đó là tám bậc.
Lìa tưởng chúng sinh
Thường tu tưởng Phật
Bỏ tưởng thiền định
Đó là tám bậc.
Lìa hạng chúng sinh
Vào thành Niết-bàn
Không chấp các pháp
Đó là tám bậc.
Ra khỏi thế gian
Mở bày đạo Thánh
Về cõi tịch diệt
Đó là tám bậc.
Lìa các thế gian
Nêu tướng Phật pháp
Tâm không sở chứng
Không có bờ hữu
Đó là tám bậc.
Cũng không cõi vô
Xa lìa hữu vô
Đó là tám bậc.
Vắng lặng vô vi
Bỏ cả đoạn thường
Vào sâu bình đẳng
Đó là tám bậc.
Tâm rời quá khứ
Luôn cả vị lai
Hiện tại cũng thế
Đó là tám bậc.
Nói có sơ tâm
Cầu nẻo Bồ-đề
Tướng tâm vốn không
Gì gọi Bồ-đề?
Không đến, không đi
Cũng không Bồ-đề
Độc, lửa, đao, tên
Không thể hại được,
Dứt hẳn các đường
Lìa hẳn nương tựa
Không đến, không đi
Nên không hại được,
Không hướng Bồ-đề
Bày nói âm thanh
Tự chứng như thật
Chẳng do người dạy,
Không được đường ấy
Và chẳng phải đường
Tiếng niệm, niệm dứt
Đại thừa mau bày,
Thường nói an ổn
Pháp không bậc nhất
Nên mau chứng được
Đó là không buộc.
Mau nương pháp này
Bồ-tát giảng nói
Tâm không lìa bỏ
Đó là không buộc.
Đao, binh, nẻo ác
Không bức hại được
Thân không sợ gì
Độc chẳng hại được.
Bồ-tát hành Từ
Cùng khắp tất cả
Lìa bỏ tranh chấp
Đó là không buộc.
Không chấp thân tướng
Khéo nhận rõ thân
Đến đạo giác ngộ
Từ bỏ nẻo ác,
Dứt bỏ ngu si
Thần thông tự tại
Được Bồ-đề sáng
Đó là tám bậc.
Biết cõi Dục, Sắc
Và cõi Vô sắc
Ba cõi đồng tướng
Đó là tám bậc.
Các cõi bình đẳng
Lìa não, Bồ-đề
Vọng tưởng không trí
Chẳng nhiễm ô được,
Lìa tất cả tướng
Không có chê bai
Nếu có nói năng
Đều hướng pháp giới
Nói không chỗ hướng
Đồng với pháp giới
Tâm trụ pháp Nhẫn
Đó là tám bậc.
Nếu muốn tu hành
Trụ pháp vắng lặng
Chẳng tự đề cao
Chỉ nói cho người,
Vượt tướng âm thanh
Khỏi tướng âm thanh
Chẳng đắm âm thanh
Đó là tám bậc.
Nhờ thanh giải thoát
Biết pháp vô tướng
Cũng không ở đâu
Không hướng, không rời.
A-nan nên biết!
Tám bậc như thế
Đã nêu bày đủ
Ở trong các thuyết
Là bậc thứ nhất.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A-nan:
–Nay ông nên biết! Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các Đại Bồtát nên dùng phương tiện để nói bày về tám bậc như vậy.
Tôn giả A-nan thưa:
–Do đâu mà Như Lai Thế Tôn giảng nói về quả Tu-đà-hoàn cho các vị Đại Bồ-tát nghe như thế.
Đức Phật dạy:
–Tu-đà-hoàn nghĩ là được vào dòng Thánh, gọi là Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn. Nếu các vị Đại Bồ-tát có thể tu tập như vậy, không thấy đạo cùng nơi chốn mình tu tập đạo ấy, vượt qua tất cả hình tướng, thông tỏ Phật pháp là phi sắc, phi sinh, đối với tất cả pháp không mê đắm, tất cả pháp không nơi chốn, tất cả pháp không nhân duyên, tất cả pháp vô trụ, tất cả pháp không thật có, tất cả pháp không thành tựu.
Nếu bậc Đại Bồ-tát đến được đạo ấy thì tinh tấn vững chắc, thế lực vững chắc, trí tuệ vững chắc, không sinh biếng nhác, an trụ vắng lặng, nương đạo Như Lai, cứu giúp chúng sinh, không gì hơn được.
Bậc Đại Bồ-tát không chấp đạo ấy, cũng không trụ đạo ấy, tu đạo như thế mong đạt được tất cả các pháp, nhưng không thấy có chỗ mình đạt được, không chìm đắm cũng không dao động: không có ý tưởng về trụ, không có ý tưởng về đạo, không có ý tưởng về thế gian, không có ý tưởng về Phật, xem tất cả đều bình đẳng, không hề có những sự ngăn che, trí tuệ quán chiếu các cảnh giới không trở ngại.
Bậc Đại Bồ-tát đối với tất cả các pháp và các tà kiến đều an trụ trong tướng bình đẳng, khai mở tri kiến Phật, bày các pháp môn sâu rộng, phân biệt thân kiến, vượt khỏi vọng tưởng chấp ngã, đó gọi là Tu-đà-hoàn.
Đại Bồ-tát không chấp vào Phật đạo, rốt ráo vô ngại: ưa thích mong cầu Phật đạo nhưng không đắm giới luật, thế gian cũng không chấp vào giới luật của Phật, chẳng phải giới chấp là giới, không chấp tướng giới. Ba hoặc đã dứt, không vướng vào ba cõi, học hỏi theo lời Phật dạy, tu hành Thánh đạo, lìa tất cả tưởng, không chấp các duyên, không các chướng ngại, nhập vào Phật đạo, tâm được vắng lặng, không mê đắm sự sống, về ta, người… các căn thanh tịnh, xa lìa phiền não.
Bậc Đại Bồ-tát tu đạo Bồ-đề thực hành bố thí, xả bỏ tất cả, giúp chúng sinh khổ, vượt qua bốn dòng, đạt đến Niết-bàn, dứt hết các tưởng, hiển bày Vô tướng. Nếu thấy bốn chúng tâm không sinh sợ sệt, chí cầu vắng lặng, an trụ nơi đạo Bồ-đề thanh tịnh, đã lìa sợ hãi, thì không sợ sinh tử. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát hiện chứng được vắng lặng, lìa các phiền não cấu uế, khéo đứng vững trong Phật đạo, biết đường đến đi, cũng không còn đến đi, khéo nhận rõ những vọng tưởng của chúng sinh, tâm không đùa bỡn, rốt ráo Phật đạo. Đó gọi là tướng Tu-đà-hoàn của Đại Bồ-tát.
Phẩm 3: THANH VĂN, BÍCH-CHI-PHẬT
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Nói về bốn đường
Phật khó nghĩ bàn
Nếu có người trụ
Bồ-đề không lui,
Giống như hư không
Không chốn nương tựa
Không trụ không duyên
Lìa các chấp đắm.
Đó gọi là đạo
Ý được vững chắc
Đi đúng nẻo ấy
Cứu đời hơn hết.
Không chấp kia đây
Chẳng ở giữa dòng
Chẳng đắm Phật đạo
Là Tu-đà-hoàn,
Tất cả thế gian
Cùng pháp Phật khác
Rốt ráo bờ kia
Là Tu-đà-hoàn.
Dứt những ngăn che
Nêu bày Phật đạo
Dứt tất cả tướng
Gọi Tu-đà-hoàn.
Chẳng đề cao mình
Làm thạnh Phật pháp
Mở bày tri kiến
Vào trí tuệ Phật.
Trước khởi tưởng ngã
Các ác điên đảo
Biết như thế rồi
Không đắm Phật đạo.
Vốn nghi ngờ Phật
Là được, không được
Rốt ráo không đắm
Chẳng chấp tưởng đạo.
Chẳng khởi chấp giới
Khéo trụ giới Phật
Thường tu Chánh cần
Chẳng chấp tưởng giới.
Dứt bỏ ba kết
Không đắm ba cõi
Thực hành Phật đạo
Biết tưởng chúng sinh.
Tuy tu Bồ-đề
Nhưng không chấp tưởng
Tâm hành vắng lặng
Phật đạo thanh tịnh.
Vui vẻ bố thí
Xa lìa ưu sầu
Trụ trong chánh mạng
Tâm không đùa bỡn
Xả bỏ tất cả
Giúp chúng sinh khổ
Đạt thí Vô thượng
Gọi Tu-đà-hoàn.
Dứt bao nhiêu kiếp
Không tướng, không chấp
Lìa xa sợ hãi
Nỗi sợ thế gian.
Pháp và phi pháp
Tất cả đều xả
Chẳng đắm các ấm
Bậc sáng ở đời.
Ở trong bốn chúng
Không hề sợ sệt
Hiển bày vắng lặng
Tịnh tu Phật pháp.
Không tưởng chúng sinh
Cũng chẳng thật tưởng
Đó gọi không nhiễm
Nhận rõ lo sợ
Lìa tất cả sợ
Cũng không sợ chết
An trụ vắng lặng
Lìa cấu, an ổn.
Đã qua nẻo ác
Do đó chẳng sợ
Khéo nói các đạo
Vô lậu, vô tướng.
Pháp của Bồ-tát
Bày Tu-đà-hoàn
Vì hạng thấp kém
Nên nói lời ấy.
Dùng phương tiện khéo
Hiển bày Phật pháp
Vì người buông lung
Nên bày pháp này
Thế Tôn cứu đời
Tìm nhiều cách nói
Mà nêu Phật đạo.
A-nan nên biết!
Là Tu-đà-hoàn
Vì kẻ trí nhỏ
Nói việc như vậy.
Chẳng hiểu phương tiện
Ngu si hẹp hòi
Chẳng thấu pháp sâu
Mà sinh tranh luận.
Dùng trăm ngàn pháp
Bày Tu-đà-hoàn
Bậc Tu-đà-hoàn
Bày pháp Bồ-đề.
Như thế đấy A-nan! Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các vị Đại Bồ-tát đã dùng phương tiện khéo để nói về Tu-đà-hoàn.
Tôn giả A-nan thưa:
–Do đâu mà Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các vị Đại Bồ-tát nói về Tư-đà-hàm? Đức Phật nói:
–A-nan nên biết! Bậc Đại Bồ-tát thuận theo trí tuệ, trí tuệ Phật không thể nghĩ bàn, tu tập vô lượng nhân lành, nhưng không chấp vào tướng các nhân ấy, cũng như trí Bồ-đề, có khả năng dứt bỏ tất cả vọng hoặc để cầu trí tuệ Phật, khen ngợi chánh định Kim cang vượt trên tất cả các thiền định, dứt bỏ tất cả kết sử phiền não mê lầm ngăn che để hội nhập tri kiến của Phật, đạt được đầy đủ các pháp chánh quán bình đẳng mà tất cả Phật đã chỉ dạy, dùng vô lượng nhân để cầu Vô sở đắc, như pháp Phật đã chứng đắc; bất động đối với chúng sinh, cung bất động đối với thế giới chúng sinh mà chấp vào pháp giới. Vô lượng chúng sinh trải qua nhiều kiếp thường chịu thiếu kém, không có khả năng thành tựu đạo Bồ-đề, dắt dẫn các chúng sinh đến chỗ không còn thoái chuyển.
Đại Bồ-tát chí cầu thành Phật, Căn, Lực, Giác, Đạo, Thiền định, Giải thoát gọi là Vô sắc định, nghĩ: “Nay ta sẽ đem các pháp như thế mở bày cho chúng sinh, khiến họ được thông tỏ và cầu Phật đạo, muốn ngồi đạo tràng, mong đạt trí tuệ như thật, mắt Phật thông đạt, là loại mắt không thể nghĩ bàn.”
Đại Bồ-tát vì muốn làm lợi ích cho tất cả chúng sinh nên mong cầu mắt Phật, trí tuệ như vậy là cao tột hơn hết, thấu tỏ tướng sâu xa của các pháp, đối với trí tuệ của mình không hề phân biệt. Đại Bồtát giúp chúng sinh đứng vững trong Phật pháp, giúp họ hiểu rõ tất cả pháp không dừng trụ, vì muốn đạt được pháp ấy nên đến nhóm họp để nghe Phật nói pháp. Đó gọi là Tư-đà-hàm.
Những người đến nhóm họp thấy thế giới chúng sinh và cảnh giới không thể nghĩ bàn một cách thông suốt không trở ngại nên không chấp vào cảnh giới, cũng không đắc, không đến. Nhưng làm sao để chúng sinh thành tựu mà không thấy chúng thành tựu sinh? Đối với tất cả pháp và thế giới chúng sinh chẳng thấy, cũng chẳng phải chẳng thấy, nhờ vậy mà thấu rõ về chúng sinh, thông đạt pháp giới, rõ biết pháp giới, đồng với Bồ-đề hiểu rõ pháp giới và thế giới chúng sinh giới, vô lượng Phật đạo, không đắc không phân biệt, đồng với đạo trí, gần với Vô đẳng trí, lìa tất cả cấu nhiễm được thanh tịnh, đắc Vô sở đắc chứng Vô sở chưng, đó là trí tuệ chân thật. Đại Bồ-tát mong cầu trí tuệ như thế gọi là Tư-đà-hàm.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Người thuận theo trí này
Gọi là không nghĩ bàn
Vì cầu trí tuệ Phật
Nên gọi Tư-đà-hàm.
Vô lượng nhân duyên nói
Thành tựu đạo Bồ-đề
Nhờ tu hành pháp này
Ta thường qua lại tìm.
Tướng chánh định bất động
Dứt bỏ kiết phiền não
Nên chuyên tâm tu tập
Thành tựu không thoái chuyển.
Cũng biết pháp, phi pháp
Tướng thông đạt vô ngại
Trụ mé thật các pháp
Tu hạnh Tư-đà-hàm
Thuận theo lời Phật dạy
Như nghe pháp tu hành
Vì đạt được pháp ấy
Ta thường qua lại tìm
Pháp giới chưa từng có
Các chúng sinh chẳng động
Đó là Tư-đà-hàm
Không có việc đến, đi
Chúng sinh không trí tuệ
Ngu si chịu khổ não
Vì muốn đưa đến đạo
Mà cầu trí tuệ Phật
Các Căn, Lực, Giác, Đạo
Thiền định và Giải thoát
Siêng tu pháp Chánh định
Mà cầu trí tuệ Phật
Rốt ráo đạo Bồ-đề
Việc làm của các Phật
Đó là Tư-đà-hàm.
Khởi hạnh thường mong cầu
Đạt được pháp như thế
Mắt Phật khó nghĩ bàn
Đó là Tư-đà-hàm.
Thường cầu được mắt Phật
Nên cầu được như Phật
Làm chỗ giúp, nương tựa
Điều ta nay mong cầu
Chính là Nhất thiết trí
Chỗ biết của trí ấy
Tướng các pháp chân thật
Tâm thường không đắm nhiễm
Thường cầu pháp như vậy
Lợi lạc các chúng sinh
Nhất thiết trí trên hết
Đó gọi Tư-đà-hàm.
Chỗ mong cầu qua lại
Quán kỹ về pháp giới
Chúng sinh không nghĩ bàn
Đó gọi Tư-đà-hàm.
Vì cầu cõi chúng sinh
Biết cõi chúng sinh rồi
Không mê đắm chúng sinh
Đó gọi Tư-đà-hàm.
Mà đạt Vô sở đắc
Nên chúng sinh chẳng đạt
Tất cả pháp vô tướng
Tạo được nhận thức ấy
Biết rõ được như thế
Dẫn dắt các chúng sinh
Tuy quán tất cả pháp
Chẳng thấy tướng quán sát
Giữ tâm không loạn động
Mà cầu các pháp Phật
Trí thanh tịnh như thế
Xa lìa tất cả cấu
Không được tướng trí ấy
Đó gọi là cầu đạo
Mở bày các chúng sinh
Điều Bồ-tát không chê
Đó gọi trí rốt ráo
Mong được trí nên đến.
A-nan phải nên biết
Vì nói Tư-đà-hàm
Các chúng sinh trí kém
Vọng chấp tướng phải quấy.
A-nan ông nên biết
Vì nói Tư-đà-hàm
Giúp chúng sinh tinh tấn
Khiến họ hiểu như vậy.
Luôn khéo tu học rộng
Quyết định pháp sâu xa
Tỏ ngộ nghĩa chân thật
Chóng thành đạo Bồ-đề.
Này A-nan! Đó gọi là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì Đại Bồ-tát nên dùng phương tiện nói về Tư-đà-hàm.
Tôn giả A-nan thưa:
–Vì sao gọi là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các Đại Bồ-tát nói về A-na-hàm?
Phật bảo A-nan:
–Các vị Đại Bồ-tát đều ra khỏi tất cả tướng thế gian, rốt ráo hạnh Phật, tâm không hành xứ, tuy biết có đến đi, nhưng thường không chấp vào tướng đến đi, biết tất cả pháp không nương tựa, không an trụ. Vì sao? Vì chẳng thấy các pháp có đi không đi. Đại Bồ-tát vượt khỏi phàm phu, dứt ý tưởng phàm phu, không đắm mê Phật tưởng, đạt được pháp vô trụ. Vì sao? Vì rốt ráo tất cả pháp giới vắng lặng, cũng không thấy sự khác nhau giữa Phật và phàm phu. Xa lìa đường ác, dứt bỏ tham dục, không đắm các vị, xa lìa bốn thứ thực.
Đại Bồ-tát luôn chú tâm đến việc mở bày tri kiến Phật cho chúng sinh, không chấp tất cả sáu mươi hai thứ kiến chấp, không đắm vô tướng, tất cả lìa hữu, vô, đối với các thứ ngăn che đều xem là tướng của Niết-bàn, không lưu chuyển cũng chẳng không lưu chuyển, dứt bỏ những cấu uế của các đường ác, hàng phục các ma, xa lìa ngu si, nhổ sạch ba mũi tên vô minh, và những hạt giống vô minh, giết giặc vô minh, quán chiếu dứt bỏ tham lam giận dữ, dứt bỏ các kết sử, mở bày cho chúng sinh trong ba cõi.
Đại Bồ-tát nhổ mũi tên ái dục, dứt bỏ các kiêu mạn, hiểu rõ tướng các ấm, đạt đến rốt ráo là cõi giác ngộ trong sáng, thường ưa thích Phật thừa, là thừa không thể nghĩ bàn, đạt đến thật tướng của tất cả các pháp. Nếu các vị Đại Bồ-tát ra khỏi được vũng bùn sinh tử như thế, lìa tất cả trói buộc tham đắm, được kho báu bản nguyện, cũng được kho báu của các Đức Phật quá khứ, vị lai, đều nằm trong tất cả kho báu, cũng là chỗ xây dựng của các Phật quá khứ. Tâm luôn bình đẳng, không phân biệt cao thấp. Đạt được thừa như vậy, đối với các chúng sinh là Bậc Tối tôn Tối thắng bậc nhất không gì hơn được.
Đại Bồ-tát luôn nhằm đạt đến Phật thừa rốt ráo, đối với tất cả các pháp đều đạt đến diệu lý vô tướng. Đại Bồ-tát đối với các pháp dứt trừ được lưới nghi, chứng quả Bất hoàn.
Lại nữa, này A-nan! Đại Bồ-tát thường dùng bốn thệ nguyện lớn để che chở, giúp đỡ tất cả chúng sinh, dẫn dắt họ đến chánh pháp và đứng vững trong chánh pháp, tất cả đều đến được Phật thừa, sống trong đạo Bồ-đề. Làm thế nào ở an trụ trong Bồ-đề? Cái gọi là tướng chúng sinh, thì giác ngộ như thật, an trụ trong thế giới chúng sinh. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát đã khéo biết, Không giới là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, lìa các vọng tưởng về chúng sinh. Vì sao? Vì cảnh giới Hiền thánh tức là cảnh giới chúng sinh, cảnh giới không thể nghĩ bàn tức là không tướng, cũng không có chúng sinh, lìa các kết sử, giống như hư không, không hình không tướng, không thật có, không nhiễm không đắm, biết tất cả chúng sinh đều bình đẳng, chẳng hiện chẳng mất, giác ngộ rốt ráo, lìa tướng chúng sinh, cũng như hư không, không có nơi chốn giác ngộ. Vì sao? Vì không có pháp nào có thể đạt được. Vô đắc như vậy chính là tướng tất cả pháp và tướng chúng sinh, điều tâm giác tỏ ngộ tức là chẳng phải tỏ ngộ. Vì sao? Vì không có pháp nào thật có. Vô đắc như thế tức là Vô chứng, cho nên gọi là A-na-hàm. Tất cả chúng sinh, tất cả pháp, Phật, Pháp, Tăng… đều hiện ra các tướng như vậy, gọi là A-na-hàm. Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Chẳng hề trở lại
Dứt pháp phàm phu
Bỏ hành thế gian
Gọi A-na-hàm.
Biết không đến, đi
Không trụ, không nương
Không có nơi chốn
Nên gọi Bất lai
Lìa bỏ phàm phu
Được Phật cứu giúp
Không còn trở lại
Gọi A-na-hàm.
Pháp không có đến
Cũng chẳng có đi
Chẳng đến chẳng đi
Gọi A-na-hàm.
Dứt các tham dục
Không đắm bốn thực
Chẳng rời đạo tràng
Gọi A-na-hàm.
Dứt bỏ tất cả
Sáu mươi hai kiến
Mà không chốn đi
Gọi A-na-hàm.
Lìa tất cả cõi
Tướng vô thường tâm
Tỏ ngộ như thật
Nên gọi Bất lai
Niết-bàn vắng lặng
Dứt cac phiền não
Lìa tướng đến, đi
Đó là Bất lai.
Dứt các đường ác
Bỏ tất cả cấu
Chứng đắc Niết-bàn
Đó là Bất lai.
Hàng phục kẻ thù
Cùng các ma quân
Vượt các giả danh
Đó là Bất lai.
Nhổ tên vô minh
Dứt tất cả ái
Dứt mọi hỷ, dục
Đó là Bất lai.
Lìa các kết sử
Mở bày tướng ấm
Được trí quyết định
Là A-na-hàm.
Nhổ gai ưu não
Xô núi kiêu mạn
Khéo hiểu năm ấm
Gọi A-na-hàm.
Rốt ráo chiếu sáng
Trang nghiêm Phật thừa
Ra khỏi bùn dục
Gọi A-na-hàm.
Đều biết kho kín
Trên các kho kín
Chỗ Phật đặt để
Gọi là Bất lai.
An trụ Tối thắng
Phật thừa Vô thượng
Dứt bỏ các kết
Gọi A-na-hàm.
Dùng bốn nguyện rộng
Tạo dựng Bồ-đề
Trụ Bồ-đề rồi
Nên gọi Bất lai.
Biết các cõi không
Rất khó nghĩ bàn
Dứt bỏ các tưởng
Nên gọi Bất lai.
Đối với chúng sinh
Và tướng pháp giới
Đều không thật có
Nên gọi Bất lai.
Tâm không chấp đắm
Chẳng chạy theo tướng
An trụ Bồ-đề
Gọi A-na-hàm.
Cõi chúng sinh không
Chẳng thể nghĩ bàn
Biết pháp như vậy
Nên gọi Bất lai.
Như thế A-nan
Hiển bày Na-hàm
Các tướng vô ngại
An lập Phật pháp.
–A-nan nên biết! Như Lai Đẳng Chánh Giác đã vì các Đại Bồtát dùng phương tiện thích hợp để nói về A-na-hàm.
Phật bảo A-nan:
–Ta nay lại nói Đại Bồ-tát là A-la-hán. Là vì Bồ-tát đã dứt bỏ tất cả các hành, tu tập theo những điều Phật đã thực hanh, lìa các pháp hữu vi, có khả năng thành thục tất cả chúng sinh, cũng dứt bỏ tất cả khổ não cho chúng sinh nên gọi là A-la-hán.
Không vướng vào tướng chúng sinh, cũng không vướng vào tướng khổ não, đó gọi là A-la-hán.
Dứt các chấp đắm, an trụ vô tướng, biết các pháp không, lìa tất cả tướng, đều không thật có, trừ sạch tất cả vọng tưởng điên đảo si mê lầm lạc của chúng sinh, hiểu rõ các pháp là không, không thể nghĩ bàn, đó là A-la-hán được Bồ-đề không thể nghĩ bàn, nhờ thành tựu pháp như thế nên gọi là A-la-hán.
Như pháp mà các Đức Phật quá khứ nên nói thì tất cả các Đức Phật hiện tại, vị lai cũng nên nói như vậy. Dứt những đùa bỡn, đầy đủ thanh tịnh, giảng nói pháp Bồ-đề chân thật, đó là A-la-hán.
Khiến cho chúng sinh được an trụ trong đạo Bồ-đề, không hề chấp đắm gọi là A-la-hán.
Nên thực hành các Ba-la-mật, Từ đạt đến tâm đại Từ của Phật, cứu độ đầy đủ đối với chúng sinh, đó là tâm Từ vô tướng, cũng khiến cho tất cả chúng sinh được an lập nơi tâm Từ ấy, tu tập theo tâm Từ ấy không có sự phân biệt, chẳng chấp chúng sinh và tướng của tâm Từ, đó là A-la-hán.
Nói pháp cho tất cả chúng sinh nghe, nhưng đối với các pháp đều không có chỗ chấp đắm. Nếu được như vậy thì gọi là A-la-hán.
Nhận rõ, hiển bày căn lực, giác đạo, đối với các chúng sinh không nhiễm không đắm, gọi là A-la-hán.
Khéo biết tâm hành của tất cả chúng sinh, khiến họ phát tâm Bồ-đề, nếu được như vậy gọi là A-la-hán.
Giảng nói tất cả các hành pháp hữu vi mà không chấp đắm gọi là A-la-hán.
Cũng nói hạnh không chấp, hạnh không đắm cho tất cả chúng sinh khác nghe, làm được như vậy gọi là A-la-hán.
Đến được các cõi Phật mà tâm không có tướng đến được các cõi Phật, dùng trí vô tướng nhìn các pháp như Phật gọi là A-la-hán.
Nếu thành tựu đầy đủ các công đức của cõi Phật như thế cũng gọi là ruộng phước thanh tịnh bình đẳng không cấu nhiễm, chẳng thể nghĩ bàn. Đó chính là ruộng phước không hạnh, là ruộng phước không còn thoái chuyển, là ruộng phước thanh tịnh bậc nhất không còn tướng người nữ, là ruộng phước lìa hết các kết sử tham dục, là ruộng phước như các Đức Phật chứng tri dứt hết các thứ chướng ngại che phủ, là ruộng phước hàng phục các ma phiền não, là ruộng phước chế ngự tà kiến của ngoại đạo. Đó là ruộng phước của tất cả, ruộng phước trang nghiêm, ruộng phước lìa tất cả sợ hãi, ruộng phước không có tranh chấp, ruộng phước vắng lặng, ruong phước thần thông, ruộng phước tối thắng, ruộng phước không có hang hốc, ruộng phước vô tận, ruộng phước đầy đủ những việc mà Bồ-tát thực hành, ruộng phước được sự tự tại trên hết của Phật, ruộng phước được Phật che chở, ruộng phước biến hóa, ruộng phước dùng ấn pháp này để ấn vào tâm chúng sinh giúp họ được an vui, nói năng khéo léo, ruộng phước gồm tất cả những châu báu trang nghiêm cõi Phật, quyết định Niết-bàn vắng lặng. Đối với tất cả ruộng phước mà thành tựu ruộng phước như thế, biết được tất cả các pháp là bất sinh bất diệt, gọi là A-la-hán.
Dứt các đắm nhiễm, thấy người đến tức giận mà tâm không buồn bực, đó là A-la-hán. Đối với tất cả các pháp không chấp tướng của nó, đó là A-la-hán.
Dùng tâm Bi dứt trừ những tri thức đầy phiền não để tu hành trí tuệ trên hết, chứng đắc nhanh chóng, gọi là A-la-hán. Dùng oai nghi này để xây dựng Bồ-đề, nhờ thế lực của Bồ-đề nên gọi là Ala-hán; Bồ-đề như vậy cũng gọi là chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể nghĩ bàn ấy cũng gọi là Bất động. Bất động như thế có công năng khiến cho vô số ức loài chúng sinh được an lập trong Bồ-đề, không hề chấp đắm, đều trụ trong bình đẳng, đồng với tướng hoại, tường không thật có, biết tất cả pháp đều trở về giác ngộ, trụ nơi vô trụ, đó là A-la-hán.
Đã nhận thức như thế, thì có khả năng nói pháp như thế cho chúng sinh nghe mà không đắm nhiễm; tuy có nói năng nhưng không có tướng nói; độ các chúng sinh nhưng không có ý tưởng chấp vào các chúng sinh; thân bất động đối với hai bên đoạn, thường chẳng dứt phiền não và lìa kiêu mạn; đối với tất cả pháp vô sinh, vắng lặng, vô hành, không hoại tướng sắc, không hoại tướng thọ, tưởng, hành, thức và các pháp tướng của phàm phu. Tâm được bất động để cầu giải thoát; an trụ Phật pháp, cũng chẳng phải an trụ vào quả tướng giải thoát của Tu-đà-hoàn, quả tướng giải thoát của Tu-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Vọng kiến tất cả sinh khởi các điên đảo, chấp vào trí tuệ giải thoát của Phật; vọng kiến chấp vào tâm Bồ-đề giải thoát; vọng kiến tu Bồ-đề thì giải thoát; vọng kiến tu giới Bồ-đề giải thoát; vọng kiến não hại nhẫn nhục giải thoát, vọng kiến biếng nhác tinh tấn giải thoát; vọng kiến loạn tưởng thiền định giải thoát; vọng kiến ngu si trí tuệ giải thoát; vọng kiến Thanh văn phàm phu giải thoát, vọng kiến cha mẹ, vợ con, gái trai, quyến thuộc. Tất cả các giải thoát như thế, vọng kiến tham đắm các dục, vô lượng khổ não, sinh ra thân ai, sinh ra đắm nhiễm. Pháp kết sử này là nơi não hại, đối với pháp này sinh ra hai thứ tướng: Một là dứt bỏ vọng tưởng, độ thoát chúng sinh, đó là A-lahán; hai là dứt bỏ vọng tưởng tham cầu lợi dưỡng và ý tưởng xuất gia, tại gia.
Đối với các pháp thấp hèn hay tối thắng đều bình đẳng, nhưng cũng không thấy pháp phàm phu này, đó là Phật pháp. Nhằm dứt bỏ vọng tưởng điên đảo như vậy nên nói pháp giải thoát, nếu muốn trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật, giáo hóa chúng sinh thành tựu như thế, thì đó gọi là Niết-bàn.
Chúng sinh như thế chẳng thể gọi là Niết-bàn, chúng sinh như thế sinh vào ba cõi; chúng sinh như thế không sinh vào ba cõi. Chúng sinh như thế là thực hành đạo giác ngộ; chúng sinh như thế không thực hành đạo giác ngộ. Chúng sinh như thế là hủy phá giới cấm; chúng sinh như thế vâng giữ giới cấm; chúng sinh như thế gọi là có trí tuệ; chúng sinh như thế gọi la không có trí tuệ. Nếu có chúng sinh khởi lên hai tâm và sinh vọng tưởng, vì dứt bỏ vọng tưởng cho chúng sinh như thế nên; chẳng phải ruộng phước cũng chẳng phải không phải ruộng phước. Chúng sinh như thế siêng năng tinh tấn; chúng sinh như thế là chẳng siêng năng tinh tấn. Là pháp của kẻ ngu si, là pháp của người hiểu biết, là pháp của người nữ, là pháp của người nam, là pháp của bậc Thánh, là chẳng phải pháp của bậc Thánh. Sinh khởi hai ý tưởng như vậy. Nên phải dứt bỏ hai thứ tâm vọng tưởng như thế. Bồ-tát an trụ trong Bồ-đề không lui sụt. Được thọ ký Bồ-đề cũng chẳng phải được thọ ký Bồ-đề. Được gần tòa Bồ-đề cũng chẳng phải được gần tòa Bồ-đề. Chính do hai tâm như vậy mà dấy khởi lên vọng tưởng hư dối. Bồ-tát như vậy là đạt đến Bồ-đề. Bồ-tát như vậy là chẳng đạt Bồ-đề giải thoát chân thật. Tóm lại, chấp đắm vào tất cả pháp đều là vọng tưởng. Vì thế A-nan nên biết! A-la-hán đã dứt bỏ tất cả vọng tưởng về chúng sinh, để đạt đến giải thoát nên có thể nói về pháp Vô tưởng như thế. Đó là Đại Bồ-tát Ala-hán.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Trừ tất cả hành
Lìa hành sinh tử
Ra khỏi thế gian
Gọi A-la-hán.
Dứt hết phiền não
Độ thoát tất cả
Các chúng sinh khổ
Gọi A-la-hán.
Chúng sinh chẳng đạt
Và các kết sử
Đối pháp không lợi
Gọi A-la-hán.
Dứt bỏ vọng tưởng
Trụ không vọng tưởng
Rõ các pháp Không
Là A-la-hán.
Rõ không hơn hết
Đạt được vô tướng
Dứt tất cả tướng
Là A-la-hán.
Diệt các chúng sinh
Tất cả tướng ác
Trừ tất cả tướng
Là A-la-hán.
Trừ các bờ mé
Đạt pháp vô tưởng
Tự mình chứng biết
Là A-la-hán.
Vì được Bồ-đề
Khó thể nghĩ bàn
Phát tinh tấn mạnh
Là A-la-hán.
Nếu nói các pháp
Không báng, không nhơ
An trụ Bồ-đề
Là A-la-hán.
Ruộng phước thanh tịnh
Khiến người được vui
Chúng sinh chẳng được
Là A-la-hán.
Nếu nói các pháp
Tất cả không chấp
Vô pháp, chẳng pháp
Là A-la-hán.
Căn, Lực, Giác, Đạo
Vì chúng hiển bày
Đắc quả bậc nhất
Là A-la-hán.
Khéo rõ chúng sinh
Bồ-đề thanh tịnh
Giảng nói tướng ấy
Là A-la-hán.
Lời thế gian nói
Tất cả các hành
Đối hành không chấp
Là A-la-hán.
Thế Tôn mạnh mẽ
Ruộng phước khó lường
Tùy trú xứ Phật
Giảng nói người nghe,
Nếu muốn thấy Phật
Không thấy, chẳng thấy
Như Phật thấy điều
Là A-la-hán.
Ruộng phước thích hợp
Ruộng phước Thánh hiền
Tinh tấn tột bậc
Là A-la-hán.
Xa lìa dục nhiễm
Đối giận chẳng giận
Cũng nói Bồ-đề
Là A-la-hán.
Rõ tất cả pháp
Vắng lặng vô tướng
Do đó giác ngộ
Là A-la-hán.
Tất cả chẳng động
Các cõi chúng sinh
Khiến vô số ức
An trụ Bồ-đề.
Chúng sinh Bồ-đề
Đều trụ vô tướng
Rõ kia bình đẳng
Là A-la-hán.
Đắc Vô đẳng đẳng
Đồng tất cả pháp
Biết rõ vô tướng
Bồ-đề bình đẳng
Hiểu được như vậy
Gọi là La-hán.
Tỏ pháp như thật
Thanh tịnh không nhơ
Nói pháp chúng nghe
Nhưng không pháp nói
Độ vô lượng chúng
Cũng không dao động.
Chúng sinh chẳng được
Hai bên đoạn, thường
Mà chúng đều thấy
Độ thoát khổ não
Rốt ráo các pháp
Không sinh, không diệt
Mà dùng phương tiện
Độ thoát muôn loài
Chẳng hủy hoại sắc
Thọ, tưởng, hành, thức
Cũng giống như thế
Tức là giải thoát.
Đối với phàm phu
Cũng không tướng động
Kiến lập Phật pháp
An trụ giải thoát.
Khiến các chúng sinh
Nhớ nghĩ quả báo
Tướng giải thoát Phật
Nói pháp người nghe
Chấp lấy Bồ-đề
Tu hành Bố thí
Trì giới, Nhẫn nhục
Để bỏ vọng tưởng
Biếng nhác, buông lung
Giữ sự Tinh tấn
Trừ tướng giải thoát
Lời La-hán nói
Sinh tưởng Thiền định
Người ngu vô trí
Giúp họ giải thoát N
ói pháp La-hán
Pháp vô tướng ấy
Ngăn che hư vọng
Nói pháp như vậy
Là A-la-hán.
Chúng sinh hư vọng
Chấp tưởng Thanh văn
Không tướng, giải thoát
La-hán nói pháp,
Cha mẹ vợ con
Ngu si chấp đắm
Chẳng phải Bồ-đề
Tham đắm sinh tử,
Anh em chị em
Vọng sinh thân ái
Vắng lặng giải thoát
Là A-la-hán.
Tạo các hành nghiệp
Tham đắm thân ái
Thấy liền luyến ái
Vốn là thân mình.
Lại đắm nhiễm nhau
Thân ái lẫn nhau
Chẳng biết lìa bỏ
Khiến ma lộng hành.
Không lìa thế gian
Làm ác cùng cực
Lỗi lầm như vậy
Lời La-hán nói.
Đối các kết sử
Thảy đều giác ngộ
Cả hai hư vọng
Lời La-hán nói.
Lợi ích nhiều người
Không hề đùa bỡn
Giải thoát như vậy
Lời La-hán nói.
Tại gia xuất gia
Thường sinh vọng tưởng
Phàm, ngu chấp đắm
La-hán giải thoát.
Thấy rõ trói buộc
Nêu rộng chánh pháp
Phàm, ngu vọng tưởng
La-hán giải thoát.
Lìa bỏ phàm phu
Không lợi Phật pháp
Bỏ lợi, không lợi
Là A-la-hán.
Thấy có cao thấp
Từng ấy các loài
Chúng sinh chấp đắm
La-hán giải thoát.
Đầy đủ tướng chấp
Tu tập rất nhiều
Chấp tướng như vậy
Khéo léo giải thoát
Được ruộng phước Phật
Rốt ráo chân thật
Vọng chấp là ruộng
La-hán giải thoát.
Không diệt, chẳng diệt
Cũng vật, chẳng vật
Tuy tu Bồ-đề
Chẳng được giác ngộ.
Giữ giới, phá giới
Có trí, không trí
Chúng sinh ngu si
Dấy lên hai tưởng
Nhiều người chấp đắm
Có rất nhiều loài
Giải thoát tưởng ấy
Lời La-hán nói
Khởi tưởng ruộng phước
Chẳng tưởng ruộng phước
Phàm ngu không trí
Sinh các thứ tưởng
Đối với người nữ
Và đối người nam
Pháp Thánh, chẳng Thánh
Sinh hai thứ tâm
Chúng sinh như vậy
Phàm, ngu không trí
Chấp đắm hai tưởng
La-hán giải thoát
Pháp lui, không lui
Có ký, không ký
Gần tòa Bồ-đề
Chẳng chấp Bồ-đề
Được Bồ-đề rồi
Rốt ráo vắng lặng
Lìa hẳn sinh tử
Chấp tưởng Niết-bàn
Dứt buộc chúng sinh
Diệt tất cả tướng
Cho nên La-hán
Gọi là giải thoát.
Bồ-tát pháp nhĩ
Hiện là La-hán
Không khởi pháp nhẫn
Tức trí La-hán.
La-hán như vậy
Bồ-tát khen ngợi
Tâm thường trụ nơi
Bồ-đề trên hết.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo A-nan:
–Nay ông nên biết! Đó là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các vị Đại Bồ-tát dùng phương tiện nói về A-la-hán.
Tôn giả A-nan thưa:
–Vì sao Như Lai Đẳng Chánh Giác lại vì các Đại Bồ-tát nói về Thanh văn?
Đức Phật dạy:
–Này A-nan! Bồ-tát có khả năng làm cho vô lượng a-tăng-kỳ chúng sinh, dùng pháp âm của Phật khiến tất cả đều được nghe, do đó gọi là Thanh văn.
Cũng khiến cho họ được nghe âm thanh chẳng thể nghĩ bàn ấy, nghe những âm thanh không thể nghĩ bàn rồi thì đối với đạo Bồ-đề dứt mọi đùa bỡn, chỉ dùng âm thanh thanh tịnh để họ được nghe, cũng gọi là Thanh văn.
Lại khiến cho họ được nghe về niềm an vui của Niết-bàn chư không phải là những niềm an vui khác. Nghe được những âm thanh như vậy cũng gọi là Thanh văn.
Cũng khiến cho họ được nghe các đạo phẩm như Căn, Lực, Giác, Đạo, Thiền định giải thoát, các pháp Tam-muội, Niệm xứ, Chánh cần, chứng đắc Vô dư. Các pháp này đều khiến cho vô số chúng sinh đều được nghe, cũng gọi là Thanh văn.
Lại thân này là khổ, không, vô ngã, nhưng tướng các ấm đều không thật có. Kẻ phàm phu ngu si phân biệt thân ấy vọng khởi chấp đắm nghe những âm thanh như vậy cũng gọi là Thanh văn.
Lại do nhãn giới là hư ngụy không thật, cho đến mắt Phật đều đồng với nhãn giới chẳng thể nghĩ bàn, có công năng giúp cho chúng sinh thấy biết như thật. Đối với tất cả pháp không có tướng thành tựu, gọi là thành tựu nhãn, tướng các pháp như vậy khiến chúng sinh nghe nên gọi là Thanh văn.
Như âm vang của tiếng gọi, khiến chúng sinh nghe nên gọi là Thanh văn.
Không ứng hợp với âm thanh mà vọng chấp đắm, vì không có tướng âm thanh, cũng không thật có, âm thanh như vậy nên gọi là Thanh văn.
Không ứng hợp với hương mà chấp lấy tướng hương, tướng của hương cũng không thật có; ví như có người nằm mộng ngửi được mùi hương, nhưng thật ra không có mùi hương, ở trong cái không có hương mà vọng khởi tưởng là có hương, chỉ là điên đảo tự sinh ra phân biệt, chấp lấy tướng hương, kẻ phàm phu tin nhận, nghe tiếng như thế gọi là Thanh văn.
Lưỡi tiếp xúc với tướng không giống như cục thịt không thể nhận biết được vị, cũng như chùm bọt nước không thể làm ví dụ. Vì vượt khỏi ví dụ nên chẳng phải vị, chẳng phải thấy, mọi phân biệt về tướng của vị thật sự không thật có. Cảnh giới của vị như vậy và cảnh giới không thể nghĩ bàn là bình đẳng không hai. Lìa tâm, vô niệm cũng không nhớ nghĩ, thật không có tướng của tâm. Nghe âm thanh như vậy gọi là Thanh văn.
Pháp đã biết, lại khiến cho người khác nghe gọi là Thanh văn.
Nếu nghe về thân, thấu rõ tướng thân, thể tánh vốn không, chẳng phải sinh chẳng phải không sinh, đó gọi là Bồ-đề. Khiến cho vô lượng chúng sinh được nghe âm thanh ấy gọi là Thanh văn.
Thể tánh của tâm là không, không thật có, đều như huyễn hóa, chẳng sinh chẳng diệt, có thể khiến cho tất cả chúng sinh đều được nghe nên gọi là Thanh văn… Phật bảo A-nan:
–Pháp thí của Thanh văn chẳng thể nghĩ bàn, chứng được đạo này gọi là chẳng thể nghĩ bàn, vì Pháp thí chẳng thể nghĩ bàn này có công năng sinh ra Bồ-đề. Vì sao? Vì hạt giống tương tự sinh nên không quả là quả, Tài thí không đạt được, từ nghe mà tin, hiểu nên gọi là Thanh văn. Tài thí nhỏ ít, Pháp thí mới là quan trọng. Pháp thí như vậy không hề ganh ghét kẻ khác, cũng không tướng thí, không đắm vào sự bố thí ấy. Ví như huyễn hóa không phan biệt, không sinh nguyện cầu, không chấp ý tưởng bố thí vì không nguyện cầu. A-nan nên biết! Pháp thí như vậy thành tựu Bồ-đề, từ nghe được tin hiểu nên gọi là Thanh văn. Dứt tất cả tướng, lìa các kết sử, vượt qua tất cả tăng thượng của Thanh văn, phát ra âm thanh lớn để giảng nói Phật pháp. Vì sao? Vì đầy đủ âm thanh vượt qua tất cả các âm thanh, ra khỏi âm thanh này rồi, khiến nghe được Phật pháp. Biết tướng các âm thanh chẳng phải một, chẳng phải khác, chánh tín thành tựu, nói pháp không hai cũng chẳng phải không hai. Nghe được pháp ấy gọi là Thanh văn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Vô lượng chúng sinh nghe
Phật pháp chẳng nghĩ bàn
Bồ-tát giang rộng khắp
Đó gọi là Thanh văn.
Nghe rồi tin Bồ-đề
Không nhơ, không đùa bỡn
Khiến tất cả đều nghe
Đó gọi là Thanh văn.
Nghe Niết-bàn an vui
Là an vui bậc nhất
Đều khiến nghe vắng lặng
Đó gọi là Thanh văn.
Các Lực là Giác đạo
Bốn Niệm xứ, các Căn
Mau đạt tới rốt ráo
Đó gọi là Thanh văn.
Nghe thân này khổ, không
Không vững chắc, chân thật
Bị tham, sân, si lấp
Cho nên chấp lấy thân,
Cũng nghe nơi nhãn nhập
Chẳng that mà thấy thật
Chúng sinh nhiều ngu si
Phàm phu mù chẳng trí
Nếu đạt được mắt Phật
Chánh kiến chẳng nghĩ bàn
Nếu được mắt như thế
Không còn các ngu si
Các pháp không thành tựu
Tất cả chúng sinh nghe
Do nhân duyên như thế
Cũng gọi là Thanh văn,
Tất cả tướng các pháp
Đều giống như tiếng vang
Nơi ấy không người nghe
Cũng không có người nói
Giúp vô số người nghe
Đó gọi là Thanh văn.
Trong ấy không nghe gì
Không có người đắm nhiễm
Ví như người nằm mộng
Tuy ngửi nhiều mùi hương
Nhưng đều không thật có
Biết thể hương như vậy
Lìa bỏ tất cả cấu
Cũng không người ngửi hương
Bồ-tát thì giải thoát
Chúng sinh nhiều điên đảo
Nghe lưỡi như cục thịt
Chẳng thể biết được vị
Nếu cục thịt biết vị
Cũng nên biết bình đẳng
Phân biệt tướng như thế
Tham vị là ác nhất
Cõi này khó nghĩ bàn
Đó gọi là biết vị,
Quyết định biết vị rồi
Bồ-tát không đắm nhiễm
Khiến chúng sinh quyết định
Đó gọi là Thanh văn.
Quán thân, nhận rõ tướng
Bản tánh không, vô chủ
Nếu biết được chân thật
Không sinh, không năng sinh
Tướng Bồ-đề như vậy
Không sinh, không năng sinh
Khiến mọi chúng sinh tỏ
Đó gọi là Thanh văn.
Ý cũng biết như thế
Thể tánh không thật có
Vì không có thể tánh
Nên khiến tất cả nghe
Như Phật pháp vô sinh
Vô diệt, cũng không hai
Không tướng, không chỗ thấy
Đó gọi là Thanh văn.
Đều khiến nghe thí ấy
Pháp thí chẳng nghĩ bàn
Tu hành đến đạo tràng
Thành tựu được Bồ-đề.
Ví như gieo hạt giống
Được quả như hạt giống
Tu thí chẳng nghĩ bàn
Chứng đắc đạo cũng vậy.
Bố thí các tài vật
Pháp thí là hơn hết
Xả tâm, không tham ganh
Đó gọi đạo Bồ-đề.
Tâm thường không chấp đắm
Tuy thí, không nương tựa
Nếu thí được như vậy
Mau chứng đạo Bồ-đề.
Xa lìa tất cả tướng
Dứt hết các kết sử
Không còn các đắm nhiễm
Đó gọi là Thanh văn.
Âm thanh ấy nhiệm mầu
Hơn các âm thanh khác
Thanh đó giúp nghe xa
Phật pháp chẳng nghĩ bàn,
Khiến mọi người đều rõ
Các thanh không nương tựa
Chẳng một cũng chẳng khác
Đó gọi là Thanh văn.
Muốn cho tất cả nghe
Lời các Phật giảng nói
Tùy pháp âm được nghe
Đều phát tâm Bồ-đề,
Nghe trong các ruộng phước
Ruộng phước Phật trên hết
Tùy theo chỗ Phật ở
Gần gũi Đấng cứu đời,
Khiến ba ngàn cõi nghe
An trụ trong hư không
Chúng sinh cũng như thế
Đều đồng tướng Niết-bàn,
Giảng nói thân bốn đại
Phân biệt là chúng sinh
Giống như tướng hư không
Đều chẳng thể nghĩ bàn.
Tướng như thị các cõi
Cũng không thể biết được
Trong ấy chẳng sinh tử
Không phiền não, Niết-bàn,
Các pháp không chân thật
Chúng sinh cũng như vậy
Đó là cõi tịch diệt
Làm sao thấy kẻ sinh
Vì vô lượng chúng sinh
Ngày đêm thường nghe biết
Chẳng đắm danh lợi mình
Chỉ vì chúng sinh nói
Nên biết là Thanh văn.
Muốn khiến tất cả nghe
Thật không pháp Thanh văn
Chỉ hiện làm Thanh văn
Phật chỉ giả danh nói
Trên hết trong các pháp
Cho nên biết chúng sinh
Tất cả đều tướng như
Đó gọi là Thanh văn.
Vô lậu dứt trói buộc
Giải thoát tất cả kết
Mà nói chúng sinh nghe
Hiển bày lìa trói buộc
Thanh tịnh không đùa bỡn
Thấy rồi nói người nghe
Phật pháp đều cũng thế
Không lâu sẽ được thấy
Đúng như pháp Phật nói
Vị Bồ-tát tu hành
Đối pháp không đắm nhiễm
Đó gọi là Thanh văn.
Không trói buộc, thanh tịnh
Cũng khiến tất cả nghe
Tu hành như đã nghe.
A-nan ông nên biết,
Ta dùng phương tiện nói
Biết Thanh văn như vậy
Bồ-tát không nương tựa.
A-nan nên biết! Đó gọi là Như Lai Đẳng Chánh Giác vì các Đại Bồ-tát phương tiện nói về Thanh văn.
A-nan thưa:
–Thế nào là Như Lai Đẳng Chánh Giác lại vì các Đại Bồ-tát nói về Bích-chi-phật?
Đức Phật dạy:
–Này A-nan! Bo-tát hiện thấy tất cả pháp!
Thế nào là hiện thấy? Đó là rõ các pháp là không tranh chấp, đều là giả danh, không hủy hoại tánh của các pháp mà thấy được pháp, chứng được pháp, nên gọi là Bích-chi-phật. Phật là chang thể nghĩ bàn. Đối với tất cả pháp và các chúng sinh đồng với tướng Niếtbàn bình đẳng không sai khác. Vô hình, vô tướng, thanh tịnh vắng lặng. Cảnh giới chân thật, cảnh giới chúng sinh, cảnh giới Niết-bàn, giống như hình bóng huyễn hóa, không giới hạn, không thật có. Đối với các cảnh giới này cũng không có tướng của cảnh giới. Không thể dùng lời, không thể diễn tả, không có nơi chốn nương tựa, cũng không thể diễn tả. Vì sao? Vì như ngã không, không sinh, không diệt, biết cảnh giới chúng sinh thì biết cảnh giới các pháp, cảnh giới sinh tử, tức là cảnh giới Phật. Biết các cảnh giới như vậy nên gọi là Bích-chi-phật. Bồ-tát hiện biết đối với sắc, sắc ấy tức là sắc ấm, sắc ấm đã dứt thì chỉ còn có lời nói, không có ngã, ngã sở. Vì sao? Vì như nói về sắc ấm chỉ có lời nói. Nên là không, không sinh, không diệt, lời nói không có tướng của lời nói, vì sao dùng lời nói? Nói về sắc ấm ấy cũng hiện thấy thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm và thức ấm. Ví như nói về thức ấm, thì biết chỉ giả danh là thức ấm, chỉ có lời nói, lời nói đều không, không sinh không diệt, chẳng phải thật chẳng phải hư. Lời nói còn không, huống gì là tướng ấm, năm ấm như vậy đều từ giả danh mà lập nên, đó gọi là Bích-chi-phật. Vì sao? Vì nhờ vào tên gọi mà nói về là sắc, sắc chỉ là giả danh, không nhân, chẳng phải nhân, nhưng gọi tên là nhân, ấm ấy là do nhân duyên hợp nên không thể nói tướng của nó. Tất cả các pháp đều không nương, không duyên, biết rõ như vậy gọi là Bích-chi-phật.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Hiện thấy tất cả pháp
Đều biết không đối kháng
Chẳng sinh cũng chẳng hoại
Không có tướng trược loạn
Hiện thấy tất cả pháp
Bản tánh đều vắng lặng
Thể tướng là như vậy
Thì không có quyết định.
Hiện thấy chỗ rốt ráo
Tất cả pháp cũng thế
Đó gọi là Chánh trí
Duyên giác chẳng nghĩ bàn.
Niết-bàn và chúng sinh
Đời trước không thật có
Cõi này chẳng có sinh
Phật cũng khó nghĩ bàn.
Như chúng sinh Niết-bàn
Không sinh, không xuất xứ
Như pháp không tướng sinh
Đó gọi là Niết-bàn.
Chúng sinh và Niết-bàn,
Đều như bóng đáy nước
Có hình, không chúng sinh
Đó gọi là Niết-bàn.
Chúng sinh và Niết-bàn,
Đều là giả danh nói
Không sinh, cũng không diệt
Chỉ có tên gọi giả.
Tướng lời nói như thế.
Rõ không có chúng sinh
Nghĩa này phải nên biết
Chúng sinh tức Niết-bàn.
Tất cả lời nói không,
Tâm không, pháp cũng không
Dùng lời nói, chẳng lơi
Quyết định không người biết.
Phi ngôn, cõi không nương
Lời nói cũng vô trụ
Tướng lời nói như vậy
Chúng sinh chẳng nghĩ bàn.
Chúng sinh và Niết-bàn
Cõi thật, cõi chẳng thật
Xa lìa, được an ổn
Về hẳn nhà vắng lặng.
Tất cả cõi chúng sinh
Như hình bóng, tiếng vang
Không nhân cũng không duyên
Cõi thật chẳng nghĩ bàn,
Tất cả gốc các pháp
Chỉ dùng giả danh nói
Là chốn không thật có
Tướng tên gọi không thật
Cõi thật không nói nang
Cũng không người biết được
Vì không, không cõi thật,
Chúng sinh chẳng nghĩ bàn.
Cõi thật chẳng nói năng
Lời nói không thành được
Tướng chân thật như như
Chúng sinh không bờ mé
Tướng lời nói tự không
Chẳng dùng lời mà biết
Như điều ông thường nói
Chúng sinh không thể nghĩ
Tướng cõi thật như thế
Chẳng nghĩ bàn biết được
Đó gọi Chánh giác nói
Bích-chi khó nghĩ bàn
Hiện thấy đối sắc ấm
Chỉ có tên gọi giả
Tánh, tướng ấm như thế
Thường xa lìa lời nói
Không có tướng chân thật
Đó gọi là xuất thế.
Biết các ấm như vậy
Bản tánh không trụ xứ
Sắc ấy không thật có
Giả danh gọi là ấm.
Chỉ có tên gọi suông
Chẳng sinh cũng chẳng diệt
Lời nói và các pháp
Không có chỗ quyết định
Nếu không có lời nói
Đó là nói sắc ấm.
Hiện thấy đối thọ ấm
Tưởng, hành cũng như vậy
Cho đến cả thức ấm
Chỉ có lời nói giả
Thấy ấm chẳng thể nói
Xa lìa tất ca tướng
Bản tánh không thật có
Chẳng sinh cũng chẳng trụ
Chân thật như đã nói
Xa lìa tất cả pháp
Biết các tướng như thế
Thể tánh không chỗ ở
Chỉ dùng giả danh nói
Nói ấm thảy cũng không
Biết lời nói không rồi
Không sinh cũng không diệt
Lời nói và các pháp
Không có chỗ quyết định
Nếu không có lời nói
Đó gọi là thức ấm.
Ấm này lìa lời nói
Hạn lượng không thật có
Tướng không sinh, không diệt
Cũng không chỗ nương tựa
Giải thoát các phiền não
Chẳng phải nghiệp, quả báo
Chẳng giác, cũng chẳng che
Chẳng lời, chẳng Niết-bàn
Tướng ấy không quyết định
Cũng không có trí tuệ
Trong ngoài không thật có
Không biếng nhác, tinh tấn
Không đùa bỡn, nghi ngờ
Cũng chẳng có thành tựu
Chẳng kinh, chẳng sợ hãi
Không có tất cả sắc
Cũng chẳng thấy cả không
Vô tướng cũng như thế
Không có một tướng khác
Chẳng buộc cũng chẳng mở
Tất cả các tiếng nói
Thanh ấy không chỗ vào
Đó gọi là Luật-đà.
Lời không diễn tả được
Rốt ráo nơi hiện thấy
Mà nói pháp vô tận
Được chánh định ấy rồi
Chẳng đắm mê lời nói
Trí này như hiện thấy
Đều nói A-luật-đà
Luật-đà đồng các pháp
Im lặng mà giảng nói
Bấy giờ, hiện thấy đến
Chẳng từ nhân duyên khác
Đó gọi là Chánh giác
Duyên giác chẳng nghĩ bàn.