Đ a n g t i d l i u . . .
Kinh Phân Biệt Duyên Khởi Sơ Thắng Pháp Môn

KINH PHÂN BIỆT DUYÊN KHỞI SƠ THẮNG PHÁP MÔN
Hán dịch: Đại Đường, Tam tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN THƯỢNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Thế Tôn ở tại khu vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc Xá-vệ.

Lúc đó, có rất nhiều chúng đại Tỳ-kheo tập hội tại giảng đường An thích cùng nhau luận bàn:

–Này các Đại đức! Đức Thế Tôn từng dùng vô lượng môn sai khác để giảng nói về mười hai phần duyên khởi sâu xa. Trong mười hai chi đó đầu tiên nói về vô minh dùng làm tánh của duyên. Vì nhân duyên gì trong tất cả phiền não, các hành duyên chỉ nói vô minh dùng làm tánh của duyên? Đối với vô minh này thấy được những sự thù thắng gì?

Do nhân duyên đó nên khởi lên tranh luận.

Lúc đó, Đức Thế Tôn đang du hóa ở cõi trời, dùng Thiên nhĩ thanh tịnh hơn cả người thường, nghe được sự việc như vậy. Về xế chiều, Đức Thế Tôn xả định, đi đến trước đại chúng, nơi giảng đường An thích, rồi ngồi xếp bằng trên tòa vừa được trải bày. Đức Thế Tôn dùng âm thanh vi diệu bảo các đại chúng:

–Vì sao các vị tập hợp tại nơi này cùng nhau tranh luận? Vì bàn luận việc gì mà tập hợp nơi đây?

Đức Thế Tôn vừa hỏi xong, các đại chúng liền thưa:

–Bạch Thế Tôn! Chúng con tập hợp nơi đây bàn luận về việc như thế này: “Này các Đại đức! Đức Thế Tôn thường dùng vô lượng môn sai khác để giảng nói về mười hai phần duyên khởi sâu xa. Trong mười hai chi đó, trước hết nói vô minh dùng làm tánh của duyên. Vì nhân duyên gì trong tất cả phiền não, các hành duyên chỉ nói vô minh dùng làm tánh của duyên? Đối với vô minh này thấy được những sự thù thắng gì?”

Bạch Thế Tôn! Vì vấn đề đó mà chúng con khởi lên tranh luận.

Hôm nay chúng con bàn luận việc này nên tập hợp nơi đây.

Các Tỳ-kheo vừa thưa xong, Đức Thế Tôn liền bảo:

–Này đại chúng! Ta có pháp môn Phân Biệt Duyên Khởi Sơ Thắng như vầy, các vị nên lắng nghe và tác ý cực tốt, ta sẽ vì các vị mà giảng nói!

Thế nào là pháp môn Phân Biệt Duyên Khởi Sơ Thắng? Là mười một việc thù thắng, đối với duyên khởi trước hết nói vô minh dùng làm tánh duyên. Những gì là mười một?

  1. Sở duyên thù thắng.
  2. Hành tướng thù thắng.
  3. Nhân duyên thù thắng.
  4. Đẳng khởi thù thắng.
  5. Chuyển dị thù thắng.
  6. Tà hành thù thắng.
  7. Tướng trạng thù thắng.
  8. Tác nghiệp thù thắng.
  9. Chướng ngại thù thắng.
  10. Tùy phược thù thắng.
  11. Đối trị thù thắng.

Lúc đó, trong chúng có một vị Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, chắp tay lễ Đức Phật rồi thưa:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Sở duyên thù thắng của vô minh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Đối tượng được duyên (Sở duyên) của vô minh tức là tất cả hoặc nhân hoặc quả, có các lỗi lầm tạp nhiễm, cho đến tất cả hoặc nhân hoặc quả có các công đức thanh tịnh. Đó gọi là Sở duyên (đối tượng được duyên) thù thắng của vô minh.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Hành tướng thù thắng của vô minh? Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Vô minh này che lấp chân thật, hiển bày hư vọng, dùng điều ấy làm hành tướng. Đó gọi là Hành tướng thù thắng của vô minh.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Nhân duyên thù thắng của vô minh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Vô minh này bao trùm tất cả phiền não tạp nhiễm, các nghiệp tạp nhiễm, các sinh tạp nhiễm, có khả năng làm chỗ nương tựa căn bản cho nhân duyên.

Thế nào là tất cả phiền não nhiễm? Lược nói có ba loại phiền não, thâu tóm hết tất cả phiền não tạp nhiễm. Đó là phiền não vô tri, phiền não do dự và phiền não điên đảo.

Thế nào là tất cả các nghiệp tạp nhiễm? Nghĩa là lược nói có ba tự tướng sai biệt, là nghiệp nơi thân, miệng, ý và ba đối trị chướng ngại sai biệt là phước, phi phước và nghiệp bất động, thâu tóm hết tất cả các nghiệp tạp nhiễm.

Thế nào là tất cả các sinh tạp nhiễm? Lược nêu có ba thứ nương tựa nơi ba thọ. Đó là vui, khổ và không khổ không vui, là chỗ khởi lên ba khổ: Hoại khổ, khổ khổ và hành khổ, thâu tóm hết tất cả các sinh tạp nhiễm.

Thế nào là vô minh bao trùm tất cả phiền não tạp nhiễm, các nghiệp tạp nhiễm, có khả năng làm chỗ tựa căn bản cho nhân duyên? Nghĩa là đối với các đế có hai thứ ngu có khả năng khiến tất cả phiền não tạp nhiễm chưa sinh làm cho sinh, sinh rồi làm cho tăng trưởng, cũng khiến cho tất cả các nghiệp tạp nhiễm chưa sinh liền sinh, sinh rồi càng thêm tích tập, cũng khiến cho tất cả các sinh tạp nhiễm chưa sinh liền sinh, sinh rồi không chuyển. Thế nên, ta nói vô minh này bao trùm hết tất cả phiền não tạp nhiễm, các nghiệp tạp nhiễm, các sinh tạp nhiễm có khả năng làm chỗ nương tựa căn bản cho nhân duyên. Đây gọi là nhân duyên thù thắng của vô minh.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đẳng khởi thù thắng của vô minh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Nghĩa là vô minh này, hoặc ngu đối với Khổ đế nơi vị lai, là chỗ thâu tóm thọ tự thể của đời sau. Hoặc ngu đối với pháp Khổ đế nơi hiện tại, là chỗ thâu giữ được tự thể. Như vậy là người ngu, hoặc có chủ thể dẫn đối tượng được dẫn làm duyên khởi; hoặc có chủ thể sinh đối tượng được sinh làm duyên khởi. Hai duyên khởi này do ngu tối nơi pháp vị lai và hiện tại, tự thể vô minh tạo duyên cùng khởi.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là chủ thể dẫn đối tượng được dẫn làm duyên khởi?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Thứ nhất là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục xứ, lục xứ duyên xúc, xúc duyên thọ. Đó là chủ thể dẫn đối tượng được dẫn làm duyên khởi.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là chủ thể sinh đối tượng được sinh làm duyên khởi?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Thứ hai là vô minh duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử. Đây gọi là chủ thể sinh đối tượng được sinh làm duyên khởi.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là thứ nhất vô minh cùng với chủ thể dẫn đối tượng được dẫn làm duyên khởi tạo duyên cùng khởi?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Có một loại, nghĩa là ngu muội nơi vị lai, nơi tự thể đời sau, tức liền phát khởi mong cầu về đời sau. Do ngu về chỗ sinh nên mới mong cầu đời sau, đối với đời sau chỉ thấy công đức thù thắng. Hoặc đối với pháp hiện tại chấp trước cảnh có thể yêu thích, hoặc không yêu thích, do phân biệt tà vạy nên tạo ra hành phi phước. Người ấy đối với vật dụng của đời sống sinh ra chấp trước tham đắm. Hoặc đối với chỗ oán ghét sinh ra sân hận và tương ưng ấy không thể xác định. Công đức, lỗi lầm, buông lung, ngu muội nên tạo ra hạnh ác này, tức đời sau sẽ có lỗi lầm, không thể suy nghĩ, không thể hiểu rõ. Hành tướng nơi vô minh hay tạo ra duyên của hành phi phước như vậy. Nếu đời sau thấy công đức thù thắng, hoặc thấy nẻo xuất ly liền tạo hành phước, hoặc hành bất động. Người ấy nương vào giáo pháp hoặc nương nơi pháp được chỉ dạy phát khởi suy nghĩ, lựa chọn và tu tập, nên có khả chủ thể tạo ra hạnh này, nên biết như vậy mà suy nghĩ, lựa chọn, tu tập. Tuy tại tâm thiện, nhưng lại tác ý tư duy không đúng lý, nên đời sau bị ngu si dắt dẫn. Nghĩa là nơi đời sau chỉ thấy công đức thù thắng, bị si che lấp và thấy nẻo xuất ly bị si che lấp. Như vậy, hành phi phước, hành phước, hành bất động, chướng ngại, đối trị và sáu thức thân cùng sinh cùng diệt, có khả chủ thể ở hiện tại đã được sinh diệt, trong quả báo nơi thức, sắp đặt các hành, ba thứ Tập khí do phương tiện này thâu nhận chủng tử mới sinh của đời sau. Do thâu nhận chủng tử mới của đời sau, cho nên ở trong đời hiện tại đã là chỗ dấy khởi đời sau, là chỗ thâu tóm danh sắc, lục xứ, xúc, thọ theo thứ lớp mà sinh. Đây gọi là sắc… ở trong hiện tại đã được quả báo nơi thức, chỉ khởi tánh nhân chưa có tánh quả. Do đó chỉ gọi là duyên khởi của đối tượng được dẫn. Như vậy gọi là vô minh thứ nhất cùng với chủ thể dẫn đối tượng được dẫn làm duyên khởi tạo duyên đẳng khởi.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là vô minh thứ hai cùng với chủ thể sinh đối tượng được sinh làm duyên khởi tạo duyên đẳng khởi?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Có một loại ngu tối nơi hiện tại, đã được tự thể, đối với nơi chốn của lục xúc làm duyên sinh thọ, liền khởi đắm chấp nơi vị. Do đắm chấp vị nên mong cầu vị lai. Thọ do mong cầu như vậy nên khi truy cầu liền khởi lên Thủ, lạc thọ khởi lên thì ái làm duyên, phát sinh dục thủ. Nói dục thủ nghĩa là đối với các dục vọng phân biệt tham chấp, đây là thượng thủ, đây là tiền hành, liền có tất cả phiền não của cõi Dục. Nếu lại do khổ thọ làm duyên, sinh không có ái, chán lìa cùng hành, phi lý dắt dẫn, chán lìa tương ưng, nương vào ái ấy, phương tiện không chân chánh, khi cầu không có liền phát khởi ác kiến xuất ly, ác kiến định kỳ và hai thứ này là chỗ nương của ác kiến. Do nghĩa này, cho nên gọi là ái duyên thủ. Nếu đem thủ ấy làm chỗ dựa, không lìa dục tham mà mạng chung. Do các kiến chấp lấy cùng với tất cả phiền não ở cõi Dục, gọi là có ái của cõi Dục làm duyên thủ. Nếu lìa tham dục, hoặc lìa tham sắc, thì ái nơi cõi Sắc hoặc ái nơi cõi Vô sắc ấy liền được nơi sinh. Người ấy ở cõi Sắc hoặc cõi Vô sắc lúc phiền não được chuyển, phát khởi thủ nơi cõi Sắc, cõi Vô sắc. Do các phiền não nơi sắc, vô sắc ấy và các kiến chấp kia, gọi là có ái của cõi Sắc làm duyên thủ và ái của cõi Vô sắc làm duyên thủ. Do làm duyên thủ như vậy, nên trước được vô số các hành là chỗ huân tập của thức nơi quả dị thục, gọi là hữu thủ. Do như vậy nên thủ là chỗ thâu tóm thọ, trước là nơi tích tập chủng tử của hành. Nếu mỗi mỗi xứ kia các ái chưa đoạn, tức mỗi mỗi xứ ấy công năng hiện tiền có thể sinh ra đời sau. Do các hành… ấy có thể có sinh nơi vị lai, hay khiến sinh hữu cùng nhập hiện tại. Nên gọi là hữu. Do sức mạnh của thủ ấy nên hành… hành hữu lấy đó làm duyên, từ đấy mạng chung, trước đã dẫn phát lần lần sinh khởi. Do nghĩa đó nên gọi là hữu duyên sinh. Sinh tức đã sinh ra, trước khởi thời phần biến đổi gọi là già, đến cuối cùng mạng hết gọi là chết. Do đó nên gọi là sinh duyên lão tử. Như vậy gọi là vô minh thứ hai cùng với chủ thể sinh đối tượng được sinh làm duyên đẳng khởi.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Do duyên gì không nói hai thứ ái thủ là chủ thể sinh duyên khởi cùng hành làm duyên?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Hai thứ ái thủ tự nơi cảnh giới của mình là chỗ hành có sai biệt. Vì sao? Vì cõi Dục ái thủ của cõi Dục, cùng với các hành bất động nơi cõi Sắc hoặc cõi Vô sắc ấy làm duyên đẳng khởi không ứng hợp với đạo lý, nên chẳng phải là cảnh giới. Như nói hai thứ ái thủ ở cõi Dục đối với hành bất động; hai thứ ái thủ ở cõi Sắc đối với các hành bất động nơi cõi Vô sắc cũng vậy. Hoặc hai thứ ái thủ ở cõi Vô sắc đối với hành nơi cõi Dục hoặc hành nơi cõi Sắc, cho đến hai thứ ái thủ ở cõi Sắc đối với hành của cõi Dục, nên biết cũng như vậy.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Do duyên gì hai thứ ái thủ ở cõi Dục không cùng với hành phi phước, hành phước làm duyên?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Vì các hữu hiện tiền, các cảnh giới của ái, chẳng phải ái là sức tăng thượng, nên phát sinh dục ái, khởi lên căn bất thiện, tạo ra hành phi phước, tất cả đều do nhân và quả, trong hành phi phước không biết lỗi lầm, do ý vui nên có lỗi lầm, hoặc do gia hạnh nên có lỗi lầm, khởi lên hành phi phước. Ý vui, gia hành với lỗi lầm như vậy, chỉ do vô minh dùng làm thắng duyên, chẳng phải là cảnh giới nơi ái và căn bất thiện. Nếu do dục ái tạo các hành phước thì sự tin đó làm chỗ nương tựa mới tạo ra hành này, đối với tử và sinh, khởi lên định tín ái. Thủ ấy do tín thâu phục ngã nếu bày làm hữu phú vô ký. Nếu pháp nơi cõi Dục là hữu phú vô ký thì đối với chỗ phát khởi các hành không có công năng tối thắng. Vì đối với nhân quả và hành phước không biết nẻo xuất ly, cầu sinh khả ái, tạo ra hành phước này. Hành phước này cũng chỉ có vô minh dùng làm thắng duyên.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Do duyên gì hai thứ ái thủ ở cõi Sắc không làm duyên cho hành bất động của cõi Sắc?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Các hữu chưa lìa tham nơi cõi Dục, ái… ở cõi Sắc chưa được nơi sinh. Nếu không xứ sinh thì không gánh vác, cho nên không phải là duyên của hành bất động ở cõi Sắc. Như nói hai thứ ái thủ ở cõi Sắc đối với các hành bất động ở cõi Sắc; như vậy hai thứ ái thủ ở Vô sắc đối với các hành bất động ở cõi Vô sắc, nên biết cũng như vậy. Người ấy ở cõi Sắc hoặc cõi Vô sắc, có thân lỗi lầm, khởi có công đức tác ý tạo tưởng kiến chấp, hoặc nương giáo pháp, hoặc nương nơi pháp được chỉ dạy phát khởi phi lý như vậy, tác ý có thể làm duyên cho hành bất động ở cõi ấy. Khởi lên tác ý phi lý như vậy nên bị vô minh dắt dẫn. Vô minh như thế do khởi tác ý phi lý này và quả làm bạn, hay làm duyên cho hành bất động ở cõi ấy. Vì thế nên biết hành bất động ấy cũng chỉ có vô minh dùng làm thắng duyên. Lại có một loại nương nơi không có ái, tạo các hành phước hoặc hành bất động. Do không có hữu ái như vậy cho nên đối với các hữu thấy nhiều lỗi lầm, lẽ nào lại mong cầu các hữu nơi vị lai, nhưng đối với chỗ không có hữu thì không biết như thật. Do không biết cho nên không được các hữu nơi đạo đối trị chân thật. Lại do không biết nên đối với chỗ không phải đối trị, khởi lên tưởng đối trị, tạo các hành phước hoặc hành bất động đều do đạo lý ấy. Các hành như vậy nên biết chỉ dùng vô minh làm duyên chứ chẳng phải ái và thủ làm các hành duyên.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Các hành hiện có cùng với thân lục thức tương ưng cùng hiện hữu, đồng sinh đồng diệt thì do đây nói hành là duyên thức?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Là do thân lục thức cùng hành phước, hành phi phước và hành bất động tương ưng cùng hiện hữu, đồng sinh đồng diệt, trong thức dị thục nêu bày các hành, huân tập chủng tử dẫn dắt phát sinh ra thức dị thục mới khác, đều do đạo lý này. Vì thế nên nói hành duyên thức.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Do duyên gì danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, các phần chủng tử trong thức dị thục đồng thời dẫn phát mà lại nói có thứ tự trước sau?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Chúng đối với vị lai có thứ tự trước sau mà sinh khởi, nên nói như vậy.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Do duyên gì danh sắc, lục xứ, xúc, thọ gọi là tướng của sinh thân nơi vị lai?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Do chúng là nhân nương tựa của thọ dụng và thể của nhân thọ dụng ấy.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ gọi là sinh, đều không có sắc ấy thì điều đó có lỗi gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Nếu trong một đời chỉ có danh ấy mà không nương nơi sắc trụ, sinh khởi tương tục thì không ứng với đạo lý.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ sắc sinh, đều không có danh ấy thì điều đó có lỗi gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Nếu chỉ có sắc không danh để giữ lấy thọ nhận tức là ứng hợp với tan hoại không thể được tăng trưởng.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ nói thức duyên lục xứ thì điều đó có lỗi gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Khi mới thọ sinh, lục xứ chưa đủ, chỉ có thân căn và ý căn chuyển, cho nên không thể được, do đó hai căn làm thể. Vì đầu tiên có danh sắc nên theo thứ lớp tăng trưởng, về sau đầy đủ lục xứ làm duyên, cho nên nói danh sắc duyên lục xứ.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu lục xứ đầy đủ, sinh thân rốt ráo thì duyên gì lại nói hai thứ xúc, thọ?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Nếu ở nơi sinh thân lục xứ đã đầy đủ, thì tuy là chỗ dựa nương rốt ráo của thọ dụng, nhưng chưa được gọi là thọ dụng rốt ráo. Do nhân và thọ mới được gọi là thọ dụng rốt ráo. Vì thế nên biết cần phải có chỗ dựa rốt ráo của thọ dụng và cùng thọ dụng nơi thể của nhân rốt ráo thì mới được gọi là sinh thân rốt ráo.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Như nói vô minh làm duyên sinh ái. Lại nói thọ làm duyên ái? Nếu chỉ có vô minh là duyên ái, không duyên nơi thọ thì có lỗi gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Ái có ba thứ, cùng một lúc ba thứ đều khởi lên, do ái quán đợi thọ làm duyên, chẳng phải một lúc khởi, do đạo lý này, chẳng phải chỉ vô minh cùng ái làm duyên.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu như thế ái này chỉ có thọ làm duyên thì điều ấy có lỗi gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Tất cả thọ đều là duyên ái, nhưng lại có thọ chẳng phải là duyên ái, nó hay làm duyên đoạn diệt các ái. Thế nên chẳng phải có thọ làm duyên ái.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu chỉ nói ái cùng hữu làm duyên, không duyên với thủ, thì đây có lỗi gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Mong cầu gọi là ái, đối với cõi hiểm ác không có mong cầu, nhưng do chỗ tạo tác chẳng phải là hành phước, tuy cầu cõi thiện nhưng trái với quả sinh, quả sinh ấy đâu duyên với ái, chỉ nên dùng thủ ấy làm duyên. Lại như đã nói không có ái, mong cầu không có, khi cầu không có, do tạo hành phước, hành bất động, cho nên trái nhau với quả sinh, quả sinh này đâu duyên với ái, chỉ nên nói thủ ấy làm duyên. Do đạo lý này chẳng phải chỉ dùng ái cùng hữu làm duyên.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu thủ duyên hữu, hữu duyên sinh thì do duyên gì không nói thủ cùng với hữu dùng làm Tập đế?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Ái có thể tạo ra bốn thứ nghiệp:

  1. Ái này, ở trong thọ của cảnh giới nơi thể ấy hay tạo ra nghiệp tham vị bị trói buộc.
  2. Ái này hay phát khởi các nghiệp thủ.
  3. Ái này có thể tạo tác khiến chỗ dẫn dắt hành ở trước cùng thành có nghiệp.
  4. Ái này sau khi chết hay tạo ra nghiệp sinh liên tục. Do nhân duyên này cho nên chỉ nói ái ấy dùng làm Tập đế.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Nếu sinh, lão, tử, danh sắc, lục xứ, thọ làm tướng, đối với sinh thân này thì do duyên gì mà hiển bày tên gọi của sinh lão tử?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Vì hiển bày tướng của sinh thân như vậy có ba thứ khổ thành tánh của khổ.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Sinh biểu hiện khổ nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Sinh biểu hiện hành khổ.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Lão biểu hiện khổ nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Lão biểu hiện hoại khổ.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Tử biểu hiện khổ nào?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Tử biểu hiện về khổ khổ.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Bốn thứ tướng của sinh thân như vậy, do sinh, lão tử có sai biệt gì?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Bốn thứ tướng của sinh thân ấy hoặc là theo thứ lớp sinh, hoặc thuộc theo kia mà sinh, hoặc như vậy sinh. Nên biết đó gọi là sinh thân sinh tướng.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là thứ lớp sinh thân sinh tướng?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Trước hết có hạ chủng sinh, từ chỗ vô gián này có tạm tăng sinh, từ vô gián này có xuất thai sinh, từ vô gián này có tạm trưởng sinh, khi lớn rồi thọ dụng ngôn thuyết có thể được đẳng sinh. Phẩm loại như vậy gọi là thứ lớp sinh.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Cái tùy thuộc ấy ai sinh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! uẩn giới xứ sinh đều không có ngã. Vì sao? Vì các uẩn… lần lần tăng trưởng, tánh nó là vô thường, tức pháp vô thường nên có tướng sinh này.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là sinh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Do sức của mạng căn nên có trụ tạm thời, pháp phần hạn, tánh nó là vô thường, pháp vô thường nên như vậy mà sinh, tức là bốn thứ tướng của sinh thân ấy theo thời phần biến đổi, nên biết có thể tạo ra năm thứ suy tổn gọi là lão (già):

1. Râu tóc suy tổn, do màu sắc nơi râu tóc suy hoại.

2. Thân tướng suy tổn, nghĩa là hình sắc da dẻ sức lực đều suy tổn.

3. Tác nghiệp suy tổn, khi nói ra thì ho hen, thân thể rã rời, đứng thì lưng khòm, do lưng eo không còn đủ sức lực, ngồi thì khòm thấp, thân thể yếu gầy, đi phải chống gậy, thân hư liệt, mỗi khi suy nghĩ trí thức ngu tối chậm chạp, ý niệm hỗn loạn.

4. Thọ dụng suy tổn, đối với vật dụng hiện tại, thọ dụng yếu kém, đối với các thứ vật dụng vui chơi, tất cả không còn ham thích thọ dụng, đối với cảnh giới của chỗ hành nơi các sắc căn không thể mau chóng, lanh lẹ, hoặc không còn đi được nữa.

5. Mạng căn suy tổn, tuổi thọ sắp hết, cái chết đến gần, gặp duyên chết yểu thì không thể kham nổi.

Tức ở trong bốn thứ tướng sinh thân này, lại có sáu tướng tử sai khác:

  1. Tử cứu cánh.
  2. Tử không cứu cánh.
  3. Tử tự tướng.
  4. Tướng sai khác của phần tử không cứu cánh.
  5. Tướng sai khác của phần tử cứu cánh.
  6. Tử thời phi thời.

Nên biết trong ấy tử tự tướng là thức lìa thân, là tướng diệt mất sai khác của sắc căn. Như vậy gọi là trong tướng sinh thân, tướng danh sắc… do sinh, lão, tử mà có sai khác.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Ở trong duyên khởi nói có ba thứ ái, tất cả đều là duyên sinh thân, thì do duyên gì, chỗ nào cũng phần nhiều chỉ nói sinh thân của cõi Dục?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Tướng sinh thân ở cõi Dục rất thô, dễ hiển lộ, chẳng phải là con đường giải thoát vĩnh viễn mà là thoái lùi.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Như trước đã nói các thứ dẫn dắt duyên khởi, các sinh duyên khởi có mười hai phần, trong các phần đó cái nào là chủ thể dẫn, cái nào là đối tượng được dẫn, cái nào là chủ thể sinh, cái nào là đối tượng được sinh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Nên biết trong mười hai phần này, vô minh cùng với hành và một phần của thức gọi là chủ thể dẫn.

Lại có một phần của thức và danh sắc, lục xứ, xúc, thọ gọi là đối tượng được dẫn.

Lại có một phần thọ, ái, thủ, hữu gọi là chủ thể sinh. Sinh và lão tử gọi là đối tượng được sinh.

Nên biết, một phần danh sắc, lục xứ cùng với xúc, thọ cũng gọi là đối tượng được sinh.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Các phần như vậy hoặc dẫn hoặc sinh là dấy khởi một lúc, hay là dấy khởi theo thứ tự?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Khởi cùng một lúc nhưng cũng nói là theo thứ tự.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Các phần như vậy nếu khởi một lúc thì vì nhân duyên gì trước nói dẫn sau nói sinh?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Cốt yếu là do có dẫn sau mới có sinh, chứ chẳng phải là không dẫn.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Vô minh cũng dẫn với tác ý phi lý, thì do đâu chỉ nói vô minh làm duyên?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Vô minh cũng dẫn tác ý phi lý, cùng hành làm duyên. Lại từ vô minh sinh ra xúc, thọ làm duyên sinh ra ái. Thế nên nói lệch một bên.

Lại thưa Đức Thế Tôn:

–Bạch Thế Tôn! Lược do bao nhiêu tướng mới biết là duyên khởi?

Đức Thế Tôn nói:

–Này Tỳ-kheo! Lược do ba tướng để biết về duyên khởi:

  1. Do không động tác để biết tướng duyên khởi.
  2. Do tánh vô thường để biết tướng duyên khởi.
  3. Do có thể nhận lấy nên biết tướng duyên khởi.

Trang 1 2

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận