SỐ 1670/2
KINH NA TIÊN TỲ KHEO
Hán dịch: Mất tên người dịch. Phụ vào dịch phẩm đời Đông Tấn.
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ (2013).

 

QUYỂN THƯỢNG

Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Bấy giờ các Tỳ-kheo Tăng, Tỳ-kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, chư thiên, các quan lớn, các trưởng giả, dân chúng cũng những kẻ thờ chín mươi sáu thứ đạo, gồm hơn vạn người, ban ngày đã ở trước Đức Phật lắng nghe kinh, Đức Phật tự nghĩ: Chúng nhân đã nhiều ngày nghe thuyết giảng kinh, nhưng hiện Ta cảm thấy thân không được an. Ý của Phật là muốn tạm lìa lánh đại chúng ở đây để đến một chốn vắng vẻ, an tọa, suy niệm về đạo. Đức Phật liền rời khỏi đại chúng này, đi vào núi, đến khoảng giữa đám cây rậm. Những cây ấy đều lớn, có thần ngụ. Đức Phật an tọa bên cội cây, suy niệm về đạo. Cách vùng cây này không xa có bầy voi chừng năm sáu trăm con, giữa có Tượng vương hiền thiện, nhận biết sự việc thiện ác, ví như con người. Bầy voi rất nhiều vây quanh bên Tượng vương. Những con voi nhỏ chạy chiếm chỗ trước trong vũng nước, chạy đùa chọn nơi ngâm mình trong nước khiến nước đục ngầu. Những con voi nhỏ lại chạy chiếm chỗ trước để ăn cỏ tươi, chạy đùa giẫm đạp trên cỏ. Tượng vương thấy sự việc như thế thì đâm lo. Những con voi này cùng đám voi nhỏ kia đã tranh chọn chỗ lặn hụp trong nước khiến nước quá đục, khiến cỏ không còn sạch. Nhưng lại thường đói phải uống nước quá đục, ăn cỏ đã bị giẫm đạp. Tượng vương tự nghĩ: Ta muốn bỏ đám các voi này đi đến một nơi chốn để lánh xa chúng há chẳng là vui thích sao? Tượng vương tức thì bỏ đàn voi mà đi, chuyển đi vào núi, tới đầu khoảng cây rậm rạp. Tượng vương trông thấy Đức Phật an tọa bên gốc cây, tâm rất hoan hỷ, liền đến trước chỗ Phật, cúi đầu quỳ gối, vì Phật làm lễ, rồi lui lại đứng qua một bên. Đức Phật tự nghĩ: Ta bỏ chúng nhân đến ở nơi khoảng cây này. Tượng vương cũng bỏ chúng voi đi đến vùng cây này, nghĩa ấy là cùng hợp. Đức Phật vì Tượng vương nói kinh, bảo: Phật ở trong loài người là tối tốn. Tượng vương ở trong loài voi là tối tôn. Đức Phật nói: Tâm Ta cùng với tâm của Tượng vương là cùng thích hợp. Nay Ta cùng Tượng vương đều an vui nơi khoảng cây rậm này. Tượng vương nghe kinh, tâm ý tức mở, hiểu, nhận biết ý Phật. Tượng vương liền xem qua chỗ Phật, giả cho như là xứ kinh hành, dùng vòi lấy nước rưới lên đất, dùng vòi quặp lấy cỏ quét đất, dùng chân giậm lên đất khiến bằng phẳng. Tượng vương thưa: Sớm tối xin thừa sự Phật như thế.

Về lâu sau, Đức Phật nhập Niết-bàn, Tượng vương không biết Đức Phật hiện ở đâu, vì đi vòng khắp tìm kiếm Phật không được, nên kêu khóc rơi lệ, ưu sầu không vui, không thể ăn uống. Thời ấy trong nước có tự xá Phật dựng ở trên núi tên là chùa Giàla-hoàn, có khoảng năm trăm Sa-môn thường ở trong chùa ấy, đều đã đắc đạo quả A-la-hán, luôn lấy các ngày mồng tám, mười bốn, rằm, hai mươi ba, hai mươi chín, ba mươi trong tháng để tụng kinh đến sáng. Lúc ấy, Tượng vương cũng tìm đến dừng lại ở trong ngôi chùa trên núi kia. Tượng vương nhận biết trong tháng có sáu ngày tụng kinh, nên tới ngày ấy sẽ đi vào trong chùa nghe kinh. Các vị Sa-môn biết ý của Tượng vương muốn nghe kinh, nên khi sắp tụng kinh đều cùng nhau chờ Tượng vương đến mới tụng. Tượng vương nghe kinh đến sáng không ngủ, không nằm, không lay động. Tượng vương thường được nghe kinh trong thời gian thừa sự Đức Phật. Về sau, Tượng vương do thọ mạng hết nên qua đời, liền hóa làm người, làm con trai sinh vào gia đình Bà-la-môn. Do về sau, tuổi đã lớn nhưng không được nghe kinh Phật, cũng không thấy Sa-môn, bèn bỏ nhà đi vào núi sâu cầu học Dị đạo, dừng ở trên núi. Gần đấy cũng có một Đạo nhân Bà-la-môn, cùng ở tại núi ấy. Hai người đều qua lại, cùng xem là hiểu biết nhau. Một người kia tự suy niệm: Ta không thể ở nơi thế gian treo theo sầu khổ già bệnh, sau khi chết sẽ đi vào trong địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, bần cùng. Do đấy nên Ta muốn cạo bỏ râu tóc mặc cà sa nhằm cầu đạo A-la-hán – Nê hoàn. Một người còn lại thì tự suy nghĩ, nói: Ta nguyện muốn cầu làm Quốc vương được tự tại, khiến dân chúng trong thiên hạ đều theo giáo lệnh của Ta như vậy.

Về lâu sau, hai người đều mạng tận, cùng sinh làm người ở thế gian. Một người kia trước cầu làm Quốc vương, sinh nơi vùng bên biển, làm Thái tử của Quốc vương, tự là Di Lan. Một người kia, đời trước muốn cạo tóc làm Sa-môn cầu đạo A-la-hán – Nê hoàn, thì sinh nơi Thiên Trúc, tự là Đà Lạp, cùng có cà sa gắn với thịt xương kia cùng sinh vào nhà ấy. Có một con voi lớn đồng sinh cùng ngày. Người Thiên Trúc gọi voi là Na, nên cha mẹ bèn đặt tên cho con trai vừa sinh là Na Tiên. Năm mươi lăm mười sáu tuổi, Na Tiên có người cậu ruột tên là Lâu Hán, học đạo làm Sa-môn, tài cao hiểu biết rộng, thế gian không người sánh. Đã được đạo A-la-hán. Có thể ra khỏi nơi không có kẽ hở, vào nơi không có lỗ trống, biến hóa tự tại, không gì là không làm được. Dân chúng trong khắp trời đất cùng cả loài vật thân mềm cử động, tâm đã khởi niệm tức đều dự biết: Sinh thì từ đâu đến, chết thì hướng tới đường nào. Na Tiên đi đến chỗ người cậu ruột, tự nói như vầy: Con vui thích đạo Phật, muốn làm Sa-môn, xin được làm đệ tử của cậu. Lâu Hán thương xót bảo: Há có thể theo Ta làm Sa-môn chăng! Liền đồng ý cho làm Sa-di thọ mười giới, ngày ngày tụng kinh, tư duy về kinh giới bèn được bốn thiền, đều nhận biết về chỗ chính yếu của các kinh.

Thời ấy, trong nước có Tự xá Phật tên là chùa Hòa Đan, trong chùa có năm trăm Sa-môn, đều đắc đạo quả A-la-hán. Nơi số này có vị A-la-hán đệ nhất, tên là Át-ba-viết, có thể nhận biết về sự việc của quá khứ, hiện tại, vị lai trong khắp thiên hạ. Na Tiên năm được hai mươi tuổi, liền thọ Kinh Giới Đại Sa-môn, bèn đi đến chùa Hòa Đan, tới chỗ A-la-hán Át-ba-viết. Lúc này, năm trăm vị A-la-hán vừa dùng ngày mười lăm để nói về Giới Kinh của Đại Sa-môn. Tại Thượng tọa của giảng đường, các Đại Sa-môn đều đi vào, Na Tiên cũng ở trong số ấy. Các Sa-môn đều an tọa. Át-baviết tất xem qua các Sa-môn trong tòa ngồi đều là A-la-hán, riêng Na Tiên thì chưa đắc A-la-hán. Át-ba-viết nói: Ví như hạt gạo được nêu lên thì hạt gạo đúng là đều trắng nhưng trong đây có hạt gạo đen, tức việc nêu lên chưa tốt. Nay nơi tòa ngồi của chúng ta đều là trắng, thanh tịnh, riêng Na Tiên thì đen vì chưa đắc A-lahán. Na Tiên nghe Át-ba-viết nói như thế thì rất ưu sầu, liền đứng dậy, vì năm trăm Sa-môn làm lễ rồi đi ra. Tự nghĩ: Ta không nên an tọa trong tòa ngồi ở đây. Ví như trong chúng sư tử mà có chồn, chó. Từ nay trở về sau, Ta nếu không đắc đạo thì không vào ngồi trong tòa này. A-la-hán Át-ba-viết nhận biết ý của Na Tiên, nên đưa tay xoa nơi đầu của Na Tiên, nói: Ông không lâu sẽ đắc đạo A-la-hán, chớ nên sầu buồn. Rồi để Na Tiên ra đi. Na Tiên lại có một vị thầy tuổi đã chín mươi tám, tên là Ca-duy-viết. Trong số đệ tử của Ca-duy-viết có một Ưu-bà-tắc thuộc loại rất hiền thiện, hàng ngày dâng cơm cho Ca-duy. Na Tiên lại được thầy sai mang bát đi đến nhà Ưu-bà-tắc kia để nhận cơm cùng thức ăn. Vị thầy khiến Na Tiên một ngậm nước rồi đi làm công việc nhận cơm cùng thức ăn. Ông Ưu-bà-tắc ấy thấy Na Tiên còn trẻ nhưng đoan nghiêm, so với nhiều người thì rất khác. Có tên tuổi, trí tuệ rộng xa, có chí, có thể thuyết giảng kinh đạo. Ưu-bà-tắc thấy Na Tiên thì đi tới trước, chấp tay làm lễ rồi nói: Hàng ngày dâng cúng cơm cho các Sa-môn đã lâu, nhưng chưa từng có vị nào vì tôi thuyết giảng kinh. Tôi nay theo Na Tiên cầu xin, vì tôi thuyết giảng kinh, cởi mở tâm ý tôi. Na Tiên tự suy nghĩ: Ta nhận lời khuyên dạy của thầy khiến miệng mình ngậm nước không được nói. Ta nay nếu nhổ nước ra là phạm điều dạy chính của thầy. Như vậy thì phải làm thế nào? Na Tiên nhận biết Ưu-bà-tắc này cũng là người có tài có chí, nếu Ta vì ông ấy giảng nói kinh, tin tưởng tức sẽ đắc đạo. Na Tiên bèn nhổ nước ra, trở lại an tọa, vì gia chủ thuyết giảng kinh, nói: Người nên bố thí tạo phước thiện, phụng hành kinh giới Phật, sau khi qua đời, sinh nơi thế gian tức được phú quý. Người không phạm kinh giới thì về sau không còn vào trong các nẻo địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, không còn vào trong cảnh bần cùng khổ cực, mà được sinh lên xứ trời. Ưu-bà-tắc nghe Na Tiên giảng nói kinh, tâm vô cùng vui mừng. Na Tiên nhận biết Ưu-bà-tắc tâm rất hoan hỷ, liền lại vì ông nói kinh. Vạn vật nơi thế gian đều phải đi qua, không có gì là thường hằng. Những hành tác đều là khổ nhọc. Muôn vật đều không được tự tại. Còn đạo Nê hoàn thì không sinh không già, không bệnh không chết, không sầu không não. Các hành khổ ác đều được diệt trừ…

Na Tiên giảng nói kinh xong thì vị Ưu-bà-tắc liền đắc quả thứ nhất là Tu-đà-hoàn. Na Tiên cũng đắc quả Tu-đà-hoàn. Vị Ưu-bàtắc hết sức vui mừng nên cúng dường cơm và thức ăn cho Na Tiên rất thịnh soạn. Na Tiên nói với gia chủ: Trước hết là lấy cơm cùng thức ăn đặt vào bát dành cho thầy mình. Na Tiên thọ thực xong bữa thì rửa ráy, súc miệng, đâu đấy xong xuôi rồi mang cơm cùng thức ăn trở về trao cho thầy. Thầy nhìn Na Tiên, nói: Hôm nay ông mang cơm cùng thức ăn ngon về, nhưng do phạm phải điều chính yếu của chúng nhân, nên phải trục xuất ông ra khỏi đây. Na Tiên rất buồn lo, không vui. Vị thầy bảo: Nên họp các Tỳ-kheo Tăng. Chư vị Tỳ-kheo Tăng cùng đến họp, đều an tọa. Vị thầy nói: Na Tiên đã phạm vào điều chính yếu của chúng nhân là chúng ta ở đây, tức phải trục xuất, không khiến còn ở trong chúng. A-la-hán Át-ba-viết thì nói nên dừng sự việc này lại. Vì kinh nói ví như người dùng một mũi tên bắn trúng hai mục tiêu. Na Tiên tự đắc đạo, cũng lại khiến ông Ưu-bà-tắc kia đắc đạo. Vậy không nên trục xuất. Sư Ca-duy-viết thì cho: Giả sử một mũi tên bắn trúng đến trăm đích thì cũng vậy thôi. Chúng hội cho là đã phạm điều chính yếu của chúng nhân, không được dừng. Những người khác trì giới không thể đắc đạo như Na Tiên, nếu bắt chước theo Na Tiên thì sẽ dứt tuyệt sự việc về sau. Trong chúng tọa đều im lặng. Vị thầy chỉ dạy liền cho trục xuất Na Tiên. Na Tiên cung kính, đầu mặt sát đất, đảnh lễ nơi chân thầy Ca-duy-viết rồi đứng dậy, vì khắp các Tỳ-kheo Tăng làm lễ xong xuôi, sau đấy thì ra khỏi chùa, đi vào núi sâu, an tọa bên dưới một tàng cây. Ngày đêm tinh tấn tư duy về đạo không chút biếng trễ, tự thành tựu đắc đạo quả A-la-hán, có thể bay đi, có thể thấy nghe thấu suốt, nhận biết tâm của người khác dấy khởi niệm thiện ác. Lại tự nhận biết các sự việc đã trải qua của đời trước, từ đâu sinh đến.

Đắc quả A-la-hán rồi, Na Tiên bèn trở lại chùa Hòa Đan, đến chỗ các Tỳ-kheo, đầu mặt đảnh lễ sám hối về lỗi ngày trước, cầu xin hòa giải. Các Tỳ-kheo Tăng đều đồng ý. Na Tiên làm lễ xong xuôi, liền ra khỏi chùa, lần lượt đi tới các phố thị, các xóm làng nơi các quận huyện xa gần, vì người thuyết giảng kinh giới, chỉ dạy mọi người làm thiện. Trong số ấy, có người thọ năm giới, đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, đắc quả A-na-hàm. Có người xuất gia làm Sa-môn, đắc quả A-la-hán. Chư vị Thiên vương như Đế thích, Phạm vương, Tứ Thiên vương đều đi đến trụ xứ của Na Tiên cung kính tác lễ. Na Tiên liền vì chư thiên thuyết giảng kinh. Danh tiếng truyền khắp các nơi chốn. Những xứ Na Tiên đến hành hóa thì dân chúng, chư thiên, long, quỷ thần v.v… thấy Na Tiên thảy đều hoan hỷ, đều được phước thiện. Na Tiên bèn chuyển đến nước Xá Kiệt thuộc Thiên Trúc, dừng trụ trong chùa Tiết-để-ca. Có một người là bạn cũ hiểu biết nhau ở đời trước, sinh nơi vùng ven biển, làm con của Quốc vương, tên là Di Lan. Di Lan từ nhỏ đã ưa thích đọc kinh, học theo dị đạo, đều nhận biết kinh pháp của dị đạo, luận bàn nêu vấn nạn thì người của dị đạo đều không thể thắng. Phụ vương của Di Lan thọ mạng hết, Di Lan được lập làm vua nối ngôi cha. Vua hỏi các quan phò tá túc trực bên vua: Trong nước này, các đạo nhân, dân chúng, người nào có thể cùng với Ta đối đáp biện giải các vấn nạn về kinh đạo chăng? Quan phò tá tâu: Có người học Phật đạo, người đời gọi là Sa-môn. Vị ấy trí tuệ diệu đạt, có thể cùng với vua đối đáp, biện giải các vấn nạn về kinh đạo. Ở phương Bắc nước Đại Tần, nước tên là Sa Kiệt, là cung điện của vua xưa. Nước ấy, trong ngoài an ổn, dân chúng đều thiện.

Vương thành của nước đó, bốn phương đều có đường đi lại thông hợp, các cửa thành đều có văn khắc chạm. Nước ấy cùng với các tiểu quốc khác đều có nhiều bậc cao minh. Y phục của dân chúng thường dùng là vải lụa năm sắc Côn Hoàng (Đôn Hoàng?). Đất đai nước ấy cao ráo, châu báu rất nhiều. Khách buôn tứ xứ đến đây mua bán đều dùng tiền vàng. Ngũ cốc trong nước dồi dào. Những gia đình thấp kém cũng có lúa thóc cất chứa, luôn được an vui. Còn vua Di Lan thì dùng chánh pháp trị nước. Vua là hạng tài cao nhiều trí, luôn hiện rõ mưu kế sáng nơi việc quan, binh thuật chiến đấu không gì là không thông đạt. Có thể nhận biết về chín mươi sáu thứ đạo. Điều nêu hỏi là không cùng tận, người vừa mở lời liền dự biết về nơi chốn đi đến. Vua nói với các quan tả hữu: Ở vùng này nên có Sa-môn thông hiểu kinh, có thể cùng với ta biện giải về kinh, thuyết giảng đạo chăng? Hai quan hầu cận bên vua tên Triêm Di Lợi (Devamantiya) và Vọng Quần (Mankura) cùng tâu: Có Sa-môn tên là Dã Hòa La thông hiểu kinh đạo, có thể cùng với đại vương biện luận về kinh nghĩa. Vua tức thì sai hai ông này đi đến mời Dã Hòa La, nói: Đại vương muốn gặp Đại sư. Dã Hòa La thưa: Vua muốn cùng gặp, là điều rất tốt, nhưng xin nhà vua nên tự đi đến đây, còn tôi thì khỏi vào hoàng cung. Triêm Di Lợi và Vọng Quần trở về tâu lại vua sự việc như thế. Vua bèn lệnh cho xa giá và năm trăm quân kỵ cùng đi vào chùa để gặp Sa-môn Dã Hòa La. Trước là hai bên cùng vấn an rồi an tọa. Năm trăm quân kỵ tùy tùng cũng đều an tọa. Vua hỏi Dã Hòa La: Sư do những gì mà từ bỏ nhà cửa vợ con, cạo tóc mặc cà sa làm Sa-môn? Chỗ mong cầu của Sư là những đạo nào? Dã Hòa La đáp: Chúng tôi theo học Phật đạo, hành trung chánh, ở nơi đời nay được phước thiện, nơi đời sau cũng được như vậy. Thế nên tôi đã cạo tóc, mặc cà sa làm Sa-môn. Vua hỏi: Nếu có hạng bạch y ở tại nhà, có vợ con, hành trung chánh, thì ở nơi đời nay có được phước thiện kia, nơi đời sau cũng được phước thiện kia chăng? Dã Hòa La thưa: Hàng bạch y ở tại nhà, có vợ con, hành trung chánh, thì ở nơi đời nay được phước, nơi đời sau cũng được phước kia. Vua nói: Vậy Sư không nên từ bỏ nhà cửa vợ con cạo tóc mặc cà sa làm Sa-môn làm gì! Dã Hòa La im lặng vì không thể đáp lại lời vua. Quan hầu cận vua tâu: Vị Sa-môn này là bậc hữu trí, thông hiểu rộng, chỉ vì thời gian quá cấp bách nên ngôn từ không kịp hiện bày. Các quan hầu cận vua đều đưa tay lên nói: Đại vương được thắng. Dã Hòa La im lặng nhận lấy phần thua. Các quan tả hữu của vua quay lại xem qua, thấy các Ưu-bà-tắc vẻ mặt đều không hiện sự hổ thẹn. Vua tự nghĩ: Các Ưu-bà-tắc này, vẻ mặt không hổ thẹn gì cả, vậy là còn có Sa-môn thông sáng vững chắc, có thể cùng với Ta biện luận nêu vấn nạn. Vua nói với cận thần Triêm Di Lợi: Chắc là còn có Sa-môn trí sáng có thể cùng với Ta biện giải về kinh đạo, chứ không phải là không có.

Về Tỳ-kheo Na Tiên, thì ông là thầy của các Sa-môn, nhận biết về chỗ chính yếu của các kinh, khéo thuyết giảng về mười hai Phẩm Kinh, giải thích về vô số dị biệt nơi chương đoạn câu, biết rõ đạo Nê hoàn, không có người nào có thể cứu xét, không ai có thể hơn. Trí tuệ như sông biển, có thể hàng phục chín mươi sáu thứ đạo, được các đệ tử Phật luôn kính ái, dùng kinh đạo để giảng dạy trao truyền. Na Tiên đi đến nước Xá Kiệt, số đệ tử cùng đi theo lại đều là hàng cao sáng. Na Tiên như sư tử dũng mãnh. Quan hầu cận Triêm Di Lợi tâu vua: Có Sa-môn tên là Na Tiên, trí tuệ vi diệu thông tỏ phần chính yếu của các kinh đạo, có thể giải biện những chỗ nghi ngờ của nhiều người, không gì là không thông suốt. Vị ấy tất có thể cùng với đại vương luận kinh nói đạo. Vua hỏi Triêm Di Lợi: Xét kỹ là có thể cùng với Ta cùng luận bàn về kinh đạo chăng? Triêm Di Lợi tâu: Vị ấy thường cùng với Phạm thiên là chủ của tầng trời thứ bảy luận về kinh nói đạo, huống chi là đối với vua nơi nhân gian. Vua Di Lan bèn sai Triêm Di Lợi đi thỉnh Na Tiên đến. Triêm Di Lợi phụng mạng đi đến trụ xứ của Sa-môn Na Tiên, thưa: Đại vương của tôi muốn cùng với Sa-môn tương kiến. Na Tiên nói: Như vậy là rất tốt! Liền cùng với đệ tử tùy tùng đi đến vương sở. Vua tuy chưa từng thấy Sa-môn Na Tiên ở giữa đám đông, mặc pháp phục, bước đi, so với người thường thì rất khác biệt, nhưng từ xa, vua nhìn thấy như đã lờ mờ nhận biết Na Tiên. Vua tự nhủ: Ta, trước sau nơi sự việc đã trải qua, rất nhiều lần nhìn thấy đám đông, cũng rất nhiều lần đi vào chốn có nhiều tòa ngồi lớn, chưa từng tự biết lo sợ như hôm nay trông thấy Na Tiên. Hôm nay Na Tiên nhất định thắng Ta. Tâm Ta cứ như lo lo không an. Triêm Di Lợi đến trước vua tâu: Na Tiên đã mở lời là sớm đến. Vua liền hỏi Triêm Di Lợi: Người nào đang đi tới kia là Na Tiên? Triêm Di Lợi nhân đấy đã chỉ rõ cho vua. Vua tức thì rất hoan hỷ, cho rằng chính Ta đã ngầm có ý ấy. Na Tiên liền đến chỗ vua. Vua Di Lan nhân đấy tiến ra phía trước, cả hai vị đều cùng nói lời thăm hỏi nhau. Vua càng thêm vui vẻ, theo đấy cùng an tọa đối nhau.

Sa-môn Na Tiên nói với vua: Kinh Phật nói: Người an ổn là lợi lớn bậc nhất. Người biết đủ là giàu có lớn bậc nhất. Người có tin tưởng là dày tốt lớn bậc nhất. Đạo Nê hoàn là an lạc lớn bậc nhất.

Vua Di Lan bèn hỏi Na Tiên: Thầy có quý danh là gì? Na Tiên thưa: Cha mẹ đặt tên tôi là Na Tiên. Mọi người gọi tôi là Na Tiên. Có khi cha mẹ gọi tôi là Thủ La Tiên. Có khi cha mẹ gọi tôi là Duy Ca Tiên. Do đấy nên nhiều người khác đã nhận biết về tôi. Người thế gian đều có sự việc như vậy.

Vua hỏi Na Tiên: Thế thì cái gì là Na Tiên? Đầu là Na Tiên chăng? Thưa: Không phải. Mắt tai mũi miệng là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Má, cổ, vai, cánh tay, tay chân là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Đùi vế, cẳng chân là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Nhan sắc là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Khổ vui là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Thiện ác là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Thân là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Gan, phổi, tim, lá lách, ruột, dạ dày là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Nhan sắc, khổ vui, thiện ác, thân tâm hợp, sự việc ấy nên là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Không có nhan sắc, không có khổ vui, không có thiện ác, không có thân tâm hợp, không có sự việc ấy nên là Na Tiên chăng? Thưa không phải. Âm thanh, tiếng vang, hơi thở nên là Na Tiên chăng? Thưa không phải.

Vua lại hỏi: Vậy những gì gọi là Na Tiên? Tỳ-kheo Na Tiên hỏi vua: Thưa đại vương! Cái gì gọi là chiếc xe? Trục xe là xe chăng? Không phải là xe. Bầu trục giữa bánh xe là xe chăng? Không phải là xe. Các tăm xe là xe chăng? Không phải là xe. Vành bánh xe là xe chăng? không phải là xe. Cái tay xe là xe chăng? Không phải là xe. Cái ách xe là xe chăng? Không phải là xe. Kiệu xe là xe chăng? Không phải là xe. Lọng xe là xe chăng? Không phải là xe. Tụ hợp các thứ cây gỗ, tạo tác theo một khuôn mẫu, nên là xe chăng? Không phải là xe. Âm thanh là xe chăng? Không phải là xe.

Na Tiên lại hỏi: Vậy những gì gọi là xe? Vua Di Lan im lặng không đáp. Sa-môn Na Tiên nói: Thưa đại vương! Kinh Phật nói: Tụ hợp các thứ cây gỗ v.v… dùng để làm ra xe, nhân đấy được mang tên là xe. Con người cũng như vậy: Tụ hợp đầu mặt mắt tai mũi miệng, cổ trước cổ sau, vai, cánh tay, xương thịt, tay chân, phổi gan tim, lá lách, thận, ruột, dạ dày, nhan sắc, âm thanh, tiếng vang, hơi thở, khổ vui, thiện ác, hợp làm một con người. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua Di Lan lại hỏi: Thầy có thể cùng với tôi nêu vấn nạn về kinh thuyết giảng về đạo chăng?

Na Tiên đáp: Như khiến đại vương làm người trí để hỏi thì tôi có thể cùng đáp với đại vương. Nếu đại vương làm bậc vương giả để hỏi, hoặc làm kẻ ngu để hỏi, thì tôi không thể cùng đáp.

Vua hỏi: Làm người trí để hỏi, làm bậc vương giả để hỏi, làm kẻ ngu để hỏi, là những loại gì?

Na Tiên đáp: Lời nói của người trí là cùng đối nhau, cùng cật vấn, cùng nói về các phần trên dưới cao thấp. Lời nói có hơn thua tức tự nhận biết. Đó là lời nói của người trí. Lời nói của bậc vương giả thì tự ý phóng túng, nếu người đối đáp dám có kiến giải trái ngược không như ngôn thuyết của vương giả, tức thì dùng sức mạnh của quyền lực để trách phạt. Đó là lời nói của bậc vương giả. Còn lời nói của kẻ ngu, tức nói dài thì không thể tự nhận biết, nói ngắn cũng không thể tự nhận biết, chỉ bướng bỉnh tự cho là đắc thắng. Đó là lời nói của kẻ ngu.

Vua bảo: Xin dùng ngôn thuyết của người trí, không dùng ngôn thuyết của bậc vương giả và ngôn thuyết của kẻ ngu. Chớ nên mang ý tưởng của bậc vương giả cùng với ta luận bàn. Nên như cùng với các Sa-môn luận bàn. Nên như cùng với các đệ tử luận bàn. Nên như cùng với các Ưu-bà-tắc luận bàn. Nên như cùng với vị Cấp sử luận bàn. Nên dùng tướng để khai ngộ. Sa-môn Na Tiên nói: Rất tốt!

Vua nói: Tôi muốn có điều thưa hỏi. Na Tiên thưa: Đại vương cứ hỏi.

Vua nói: Tôi đã hỏi rồi. Na Tiên thưa: Tôi cũng đã đáp rồi.

Vua nói: Thầy đáp những lời gì cho tôi? Na Tiên thưa: Đại vương hỏi về tôi những lời gì?

Vua nói: Tôi không hỏi gì cả. Na Tiên thưa: Tôi cũng không đáp gì cả.

Vua tức nhận biết Na Tiên là hạng đại minh tuệ. Vua nói: Tôi, vào lúc đầu định nêu ra nhiều câu hỏi. Nhưng ngày lại sắp hết, xin hẹn vào sáng mai sẽ thỉnh thầy vào trong Hoàng cung (* Như vậy lần gặp gỡ đầu tiên này đã diễn ra bên ngoài Hoàng cung. Vương sở ở đây có thể là một trạm dừng chân của vua ở ngoại thành), sẽ cùng nhau luận bàn biện giải về kinh đạo.

Quan hầu cận Triêm Di Lợi, Vọng Quần cùng thưa với Samôn Na Tiên: Trời tối rồi, Đại vương phải trở về cung. Sáng mai, Đại vương của chúng tôi sẽ xin thỉnh Đại đức vào Hoàng cung. Na Tiên nói: Như thế là rất tốt.

Vua Di Lan liền vì Sa-môn Na Tiên làm lễ rồi lên ngựa trở về cung. Trên lưng ngựa, nhà vua vẫn tiếp tục nghĩ về Sa-môn Na Tiên. Đến sáng hôm sau, Triêm Di Lợi, Vọng Quần cùng với các quan tả hữu tâu vua: Nên thỉnh Sa-môn Na Tiên chăng? Vua bảo: Nên thỉnh.

Triêm Di Lợi, Vọng Quần tâu: Người thỉnh, nên khiến cùng với bao nhiêu Sa-môn cùng đi theo vị ấy? Vua bảo: Tùy ý Sa-môn Na Tiên cùng với bao nhiêu Sa-môn đi theo cũng được.

Quan chủ kho tên là Xan liền tâu vua: Bệ hạ nên khiến Samôn Na Tiên cùng với mười vị Sa-môn cùng đi theo là đủ. Đến ba lần, quan chủ kho đều tâu như thế.

Vua nổi giận bảo: Vì sao lại giới hạn số vị Sa-môn cùng đi với Sa-môn Na Tiên như thế? Vua nói: Ngươi tên là Xan, thật không trái với việc quá tham tiếc vật dụng của vua như là vật dụng của chính mình. Nên biết vì sao ngươi dám nghịch với ý ta, là sẽ có tội đáng trách phạt. Nhưng vì có thể nói là đáng thương, ta tha tội cho ngươi đấy. Ta nay làm Quốc vương mà không kham nổi việc cúng dường cơm cho các Sa-môn sao? Quan chủ kho Xan vô cùng sợ hãi không dám tâu gì nữa.

Triêm Di Lợi và Vọng Quần đi đến trụ xứ của Sa-môn Na Tiên, làm lễ rồi thưa: Đại vương của chúng tôi xin thỉnh Đại đức. Na Tiên nói: Đại vương của các ông nên khiến tôi cùng với bao nhiêu Sa-môn cùng đi?

Hai vị cận thần của vua Di Lan thưa: Tùy ý Đại đức cùng với bao nhiêu vị Sa-môn cùng đi cũng được. Na Tiên bèn cùng với tám mươi Sa-môn có cả Đại sư Dã Hòa La cùng đi.

Hai vị cận thần của vua Di Lan kia cho là còn sớm, nên trong thời gian sắp vào thành, nơi giữa đường đi đều thưa hỏi Sa-môn Na Tiên: Hôm qua, đối nơi vua, Đại đức nói là không có Na Tiên. Vì sao thế?

Na Tiên hỏi Triêm Di Lợi, Vọng Quần: Theo ý ông thì cái gì là Na Tiên? Triêm Di Lợi, Vọng Quần thưa: Tôi thì cho hơi thở ra vào nơi mạng căn ấy là Na Tiên.

Na Tiên hỏi: Hơi thở của con người một lần đi ra không còn trở vào thì người ấy đâu thể còn sống?

Triêm Di Lợi, Vọng Quần nói: Hơi thở ra không còn trở vào thì người đó nhất định là chết.

Na Tiên bảo: Như người thổi kèn lá, hơi thở đi ra không còn trở vào. Như người mang kim loại đã được giũa sạch, dùng ống trúc thổi lửa, hơi thở đi ra một lúc, đâu được còn trở vào chăng?

Triêm Di Lợi – Vọng Quần thưa: Không còn trở vào.

Na Tiên bảo: Hơi thở cùng đi ra không còn trở vào, riêng người vì sao không chết?

Triêm Di Lợi, Vọng Quần thưa: Khoảng giữa của hơi thở thì chúng tôi không biết. Xin Đại đức vì chúng tôi giải thích.

Na Tiên nói: Luồng hơi của hơi thở đều là sự việc ở trong thân. Như người tâm có điều suy niệm, lưỡi vì đấy nói ra thì đó là sự việc của lưỡi. Ý có chỗ nghi, tâm nghĩ về điều ấy, đó là sự việc của tâm. Tức các sự việc đều có chủ. Phân tích thì thấy là hoàn toàn không có Na Tiên (Câu này là dựa theo Bản B để dịch). Triêm Di Lợi – Vọng Quần nghe nói như thế, tâm tức thì mở, hiểu, bèn xin làm Ưu-bà-tắc, thọ năm giới.

Na Tiên liền đi trước vào cung, đến chỗ của vua Di Lan trên điện. Vua tức bước ra trước, vì Na Tiên làm lễ rồi trở lui. Na Tiên an tọa. Tám mươi vị Sa-môn đều cùng an tọa. Vua tự tay mang cơm cùng thức ăn đặt nơi bàn trước Na Tiên. Các bàn ăn dành cho chư vị Sa-môn kia cũng được bày biện đầy đủ. Thọ trai xong thì rửa tay súc miệng đâu đấy xong xuôi, vua Di Lan liền ban tặng cho các Sa-môn mỗi vị một bộ cà sa may sẵn bằng vải lông mịn, một đôi giày da. Ban tăng cho Na Tiên và Đại sư Dã Hòa La mỗi người ba bộ cà sa và một đôi giày da.

Vua nói với Na Tiên cùng Dã Hòa La: Chỉ để lại mười vị Samôn, số còn lại thì xin cho trở về bản tự. Sự việc đi ở ổn định rồi, vua lệnh cho các quý nhân , kỹ nữ ở hậu cung đều hiện diện ở trên điện, ngồi bên trong màn lắng nghe vua cùng Sa-môn Na Tiên luận bàn về kinh đạo. Các quý nhân kỹ nữ thảy đều tuân lệnh vua. Lúc ấy, vua Di Lan cho người chuyển tòa ngồi của mình để vua an tọa phía trước Na Tiên.

Vua hỏi Na Tiên: Nên nói về những gì? Na Tiên thưa: Đại vương muốn nghe những lời chính yếu. Vậy nên nói về những điều quan trọng. Vua nói: Các thầy cho điều gì là thiện hơn hết? Do gì nên làm Sa-môn? Na Tiên thưa: Chúng tôi muốn dứt trừ những khổ não của thế gian, để đời sau không còn nhận lấy khổ não nữa, vì vậy nên làm Sa-môn. Vua hỏi: Các Sa-môn đều như thế chăng? Na Tiên đáp: Không hẳn đều do như thế nên làm Sa-môn. Vì trong ấy có người vì nợ nần nên làm Sa-môn. Có người vì sợ phép nước nên làm Sa-môn. Có người vì bần cùng nên làm Sa-môn. Na Tiên nói: Ở đây, tôi chỉ nói về những người muốn thoát khỏi mọi khổ não của ái dục, diệt trừ khổ sở của đời này, chí tâm vì đạo mà làm Sa-môn thôi. Vua nói: Nay thầy do đấy nên làm Sa-môn chăng? Na Tiên đáp: Tôi ngay từ lúc tuổi nhỏ đã làm Sa-môn vì có kinh Phật giảng nói rõ. Vì thế, muốn dứt trừ khổ não của đời này và đời sau nên làm Sa-môn. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua hỏi: Như có người chết rồi, sau đấy lại sinh (Phục sinh: Patisandahati) nữa chăng? Na Tiên thưa: Nếu người có ân ái, tham dục thì đời sau tức lại sinh làm người. Nếu người không còn tham dục ân ái thì đời sau tức không lại sinh nữa. Vua hỏi: Con người do nhất tâm nhớ nghĩ về chánh pháp, thì đời sau không còn lại sinh nữa chăng? Na Tiên thưa: Con người nhất tâm niệm chánh pháp, trí tuệ cùng sự việc thiện khác, thì nơi đời sau không còn lại sinh nữa. Vua hỏi: Người do tâm thiện nhớ nghĩ về chánh pháp cùng với người tuệ sáng, hai sự việc này về nghĩa là đồng chăng? Na Tiên thưa: Hai sự việc ấy về nghĩa đều khác, không đồng. Vua nói: Sáu loài súc sinh như bò, ngựa v.v… đều tự có trí mưu, nhưng tâm kia không đồng chăng? Na Tiên thưa: Đại vương từng thấy người gặt lúa mạch chăng? Tay trái nắm lấy cây lúa, tay phải dùng liềm cắt đứt. Người trí tuệ đoạn dứt ái dục, ví như người gặt lúa mạch vậy. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Những gì là các sự việc thiện khác? Na Tiên thưa: Thành tín, hiếu thuận, tinh tấn, niệm thiện, nhất tâm, trí tuệ, đó là các sự việc thiện. Vua nói: những gì là thành tín? Na Tiên đáp: Thành tín cởi mở chỗ nghi của con người. Tức tin có Phật. Tin có kinh pháp. Tin có Tỳ-kheo Tăng. Tin có đạo quả A-la-hán. Tin có đời này, tin có đời sau. Tin có cha mẹ. Tin làm thiện thì được thiện. Tin tạo ác thì bị ác. Tin có, là do trừ lìa năm ác nên về sau tâm liền thanh tịnh. Những gì là năm ác? Đó là: (1) Dâm dật. (2) Giận dữ. (3) Ham thích nằm ngủ. (4) Ca nhạc. (5) Nghi ngờ. Người không trừ bỏ năm thứ ác ấy thì tâm ý chẳng tịnh. Trừ bỏ năm thứ ác ấy thì tâm liền thanh tịnh. Na Tiên nói: Ví như vua Già Ca Việt, cả đoàn xe ngựa người tùy tùng đều để nguyên như vậy băng qua sông khiến nước đục ngầu, do cùng băng qua để đi. Vua bị khát muốn được nước uống. Vua có viên ngọc Thanh thủy, để trong nước thì nước liền trong suốt, vua tức có được nước trong để uống. Na Tiên lại nói: Tâm của người có năm thứ ác như nước đục. Đạo vượt thoát sinh tử của các đệ tử Phật, khiến tâm người thanh tịnh như là ngọc Thanh thủy. Người thành tín trừ bỏ các ác, được thanh tịnh như ngọc Minh nguyệt. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Người thành tín tinh tấn là thế nào? Na Tiên thưa: Các đệ tử của Phật tự cùng thấy trong Tăng chúng đồ chúng của mình, nói về các thứ thanh tịnh, trong ấy có người đắc đạo Tu-đà-hoàn, có người đắc đạo Tư-đà-hàm, có người đắc đạo A-na-hàm, có người đắc đạo A-la-hán. Nhân nơi mong muốn cùng đạt hiệu quả nên hành theo thành tín tức được đạo vượt khỏi thế gian. Na Tiên nói: Ví như trên núi có mưa lớn, nước mưa ấy tuôn xuống vùng hạ lưu rộng lớn, người ở hai bên bờ cùng không nhận biết về mực nước sâu cạn, nên sợ không dám băng lên phía trước.

Nếu có người từ phương xa đến, trông thấy nước, ngầm biết về chỗ rộng hẹp sâu cạn của nước, tự nhận biết về sức của mình có thể đi vào nước, tức băng qua được để đi. Đám người ở hai bên bờ liền theo sau để lội qua. Các đệ tử của Phật cũng như thế. Tâm người thanh tịnh, liền vì đạo Tu-đà-hoàn đắc đạo Tư-đà-hàm, đắc đạo A-na-hàm, đắc đạo A-la-hán. Tâm thiện tinh tấn đắc đạo như vậy, kinh Phật nói rõ: Người có tâm thành tín, có thể tự đắc độ. Người thế gian có thể tự chế ngự, loại trừ năm dục. Người tự nhận biết về những khổ não của thân, là có thể tự độ thoát. Người đều dùng trí tuệ để thành tựu đạo đức kia. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Những gì là hiếu thuận? Na Tiên thưa: Những người thiện đều là hiếu thuận. Na Tiên nói: Có bốn sự thiện, là chỗ dừng trụ của tâm ý. Những gì nói là bốn chỗ dừng trụ của tâm ý? Đó là: (1) Tự quán xét về ngoại nội trong thân. (2) Nhận biết về ý khổ vui. (3) Nhận biết về tâm thiện ác. (4) Nhận biết về chánh pháp. Na Tiên nói tiếp: Lại có bốn sự việc. Những gì là bốn? Đó là: (1) Chế ngự ý kia. (2) Có các sự việc ác thì không cho vào trong tâm. (3) Trong tâm có sự ác tức loại bỏ ra để cầu tìm các thiện. (4) Trong tâm ấy có sự thiện thì nên ngăn giữ khiến không buông mất. Na Tiên nói: Lại có bốn sự, tự tại mong muốn hành tác. Đó là: (1) Trừ bỏ dục. (2) Tinh tấn. (3) Chế ngự tâm. (4) Tư duy. Na Tiên nói: Lại có năm sự đạt công hiệu. Đó là: (1) Thành tín. (2) Hiếu thuận. (3) Tinh tấn. (4) Tận tâm niệm thiện. (5) Trí tuệ. Na Tiên nói: Lại có bảy sự để trừ bỏ các ác, gọi là bảy thiện, cũng gọi là bảy giác ý. Lại có tám thứ đạo hành, cũng gọi là A cấu chỉ. Phàm là ba mươi bảy phẩm kinh đều lấy hiếu thuận làm gốc. Na Tiên nói: Phàm người mang đội vật nặng đi đến phương xa sở dĩ đi đứng vững vàng đều nhờ nơi mặt đất. Năm thứ lúa thóc của thế gian, cây cối mọc ra, hướng lên trời, đều do đất sinh. Na Tiên nói: Ví như người thợ giỏi muốn tạo dựng một thành lớn, trước tiên phải ước lượng về phần cơ bản xong, rồi mới tạo dựng thành.

Na Tiên nói: Ví như muốn tạo một nền đất để thi tài, thì trước phải dọn sạch chỗ đất ấy rồi mới làm. Đệ tử của Phật cầu đạo, trước là hành trì kinh giới, tạo nhân thiện, nhận biết về khổ nhọc để trừ bỏ các ái dục, liền suy niệm về tám thứ đạo hành. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Những gì là tinh tấn? Na Tiên đáp: Trợ giúp cho thiện, đó là tinh tấn. Na Tiên nói: Ví như những bờ tường cao thấp sắp bị ngã thì theo hai bên để chống đỡ. Nhà cửa sắp bị nghiêng đổ cũng lại phải chống đỡ. Na Tiên nói: Ví như Quốc vương điều khiển quân binh, có nơi vây đánh, nếu quân binh thiếu, yếu thì mong muốn không như ý. Vua lại sai quân binh đi đến trợ lực, liền được thắng. Người có các thứ ác như là quân binh yếu kém. Người giữ vững tâm thiện tiêu trừ tâm ác, ví như Quốc vương tăng thêm quân binh được thắng trận. Người giữ năm giới ví như chiến đấu được thắng. Đó là tinh tấn trợ lực cho thiện như vậy. Na Tiên lại nói: Kinh nêu rõ tinh tấn đã trợ lực, đưa người đến đạo thiện. Người thiện đã đi đến thì không có kỳ hạn trở lại. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Những gì là các sự việc thiện nên nhớ nghĩ của ý? Na Tiên thưa: Ví như giữ lấy hương hoa thì dùng sợi dây tơ kết hợp buộc lại khiến gió không thể thổi tan. Na Tiên lại nói: Ví như người giữ kho của nhà vua nhận biết về số vàng bạc, châu ngọc, lưu ly v.v… trong kho có bao nhiêu, để ở những chỗ nào v.v… Na Tiên nói: Đạo nhân lúc muốn đắc đạo thì niệm về ba mươi bảy phẩm kinh, ý nhớ nghĩ về Phật đạo nên theo đúng như thế. Đó gọi là người tu đạo cầu giải thoát có ý nhớ nghĩ. Nhân nhận biết thiện ác, nhận biết về chỗ nên làm, tư duy để nhận biết riêng về đen trắng, sau đấy liền bỏ ác theo thiện. Na Tiên nói: Ví như vua có người canh giữ cửa, nhận biết có những người được vua tôn kính, tạo lợi ích cho vua, nhận biết có những kẻ không được vua tôn kính, không tạo lợi ích cho vua. Về những người được vua tôn kinh, tạo lợi ích cho vua thì cho vào bên trong. Đối với những kẻ không tôn kính, không tạo lợi ích thì không cho vào. Người giữ vững ý cũng như thế. Các thứ thiện thì nên thâu nhận. Các thứ bất thiện thì không thâu nhận. Người có ý niệm chế ngự thiện ác là như vậy. Na Tiên nói: Kinh nêu rõ người nên tự giữ vững ý của mình, cùng đối với sáu thứ ái dục của thân phải giữ lấy ý hết sức vững chắc, tự sẽ có lúc đạt được đạo giải thoát. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Những gì gọi là nhất niệm? Na Tiên đáp: Các thiện riêng có nhất tâm là bậc nhất, hơn hết. Người có nhất tâm thì các thiện đều tùy thuận. Na Tiên nói: Ví như thềm bậc của lầu giác phải có chỗ vịn dựa. Các thứ đạo thiện đều gắn liền với nhất tâm. Ví như nhà vua đem bốn thứ quân binh đi chiến đấu. Khi vua xuất hành thì các thứ quân binh như tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh đều trước sau theo đấy. Kinh Phật nói sự việc thiện đều tùy theo nhất tâm như thế. Na Tiên lại nói: Kinh nêu rõ: Nơi các thiện thì nhất tâm là chủ. Người học đạo tuy có rất nhiều thứ nhưng đều nên quy về nhất tâm. Thân người sống chết đi qua cũng như dòng nước chảy trước sau cùng theo nhau. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Những gì là trí? Na Tiên đáp: Trước đã đối nơi vua nói rõ, là người trí đoạn trừ các nghi, làm sáng tỏ về các thiện. Ví như đem đèn cháy sáng đi vào trong căn nhà tối tăm thì tối tăm liền mất, tức sự tối tăm ấy đã tự sáng rõ. Người trí cũng như thế. Ví như người dùng đao bén chặt cây. Người dùng trí cắt đứt các thứ ác cũng như vậy. Na Tiên nói: Người ở nơi thế gian thì trí là bậc nhất, là hơn hết, vì người có trí tức có thể giải thoát khỏi các khổ của sinh tử. Vua nói: Lành thay! Lành thay! Trước sau đã nêu bày về kinh với nhiều thứ loại trí, thiện.

Vua lại hỏi Na Tiên: Kinh Phật chỉ nhằm hướng đến việc trừ bỏ các thứ ác chăng? Na Tiên đáp: Đúng là kinh Phật đã nói về vô số các thiện, là chỉ muốn trừ bỏ tất cả các thứ ác. Ví như nhà vua phát khởi bốn thứ quân binh Tượng Mã Xa Bộ để đi chiến đấu. Lúc mới phát khởi, lên đường, thì ý chỉ muốn tấn công quân địch. Kinh Phật nói về vô số các thứ thiện như thế, là chỉ nhằm cùng công phá, loại trừ các thứ ác. Vua nói: Lành thay! Lành thay! Nói về kinh như thế là rất thích.

Vua lại hỏi Na Tiên: Tâm người hướng tới đường thiện ác, nối tiếp giữ lấy thân nên thần (Thần thức) hành sinh chăng? Lại đổi lấy thần khác để hành sinh chăng? Na Tiên thưa: Cũng không phải là thần của thân cũ, cũng không lìa bỏ thần của thân cũ. Na Tiên hỏi vua: Đại vương vào thời còn nhỏ, thời bú sữa, thân ấy đến thời trưởng thành là nối tiếp thân cũ hay là không phải? Vua đáp: Thời còn nhỏ thân khác. Na Tiên nói: Người ở trong bụng mẹ, đầu tiên là thời tùy tinh (Thụ tinh), đến thời tinh đục (Bào thai) thì tinh cũ đâu có khác. Cứng chắc là thời thịt xương thì tinh cũ đâu có khác. Thời mới sinh ra, đến thời được mấy tuổi thì tinh cũ đâu có khác. Như người học viết chữ thì người bên cạnh đâu có thể thay cho công sức của người kia chăng? Vua đáp: Không thể thay cho công sức ấy (*). Na Tiên nói: Như người đối với pháp luật có tội nói với vua, vua không thể giải thích, nhận biết. Vua bảo: Như người đem hỏi thầy thì thầy giải thích như thế nào? Na Tiên thưa: Tôi thì về thời còn nhỏ từ một đứa bé con đến khi lớn khôn là nối tiếp, là thân cũ. Thời lớn cùng thời nhỏ hợp làm một thân, mạng căn ấy đã nuôi dưỡng. Na Tiên hỏi vua: Như người thắp đèn cháy sáng thì đèn ấy có cháy đến khi trời sáng không? Vua đáp: Người thắp đèn cháy sáng, nếu có tim đèn, dầu đầy đủ thì đèn cháy đến lúc trời sáng. Na Tiên nói: Tim đèn trong đèn từ lúc đầu đêm nối tiếp là tim đèn cũ luôn cháy sáng chăng? Đến lúc giữa đêm, đến lúc sáng thì đèn cháy sáng kia là ánh sáng của ngọn lửa cũ chăng?

Vua đáp: Không phải là ánh sáng của ngọn lửa cũ. Na Tiên nói: Thắp đèn cháy sáng, từ đâu đêm đến nửa đêm, thì lại thắp cháy sáng lần nữa chăng? Lúc trời vừa sáng thì lại thắp cháy sáng lần nữa chăng? Vua đáp: Không phải thế. Nửa đêm lại thắp sáng là nối tiếp sự cháy sáng cũ tức một tim đèn đã cháy đến khi trời sáng. Na Tiên nói: Tinh thần của con người lần lượt cùng nối tiếp như thế. Một là đi, hai là trở lại. Từ tinh thần đến già chết. Tinh thần sau hướng đến nơi chốn sinh. Lần lượt cùng nối tiếp là không phải tinh thần cũ, cũng không phải lìa tinh thần cũ. Người chết do tinh thần sau mới có hướng đến nơi chốn sinh. Na Tiên nói: Ví như sữa pha nước để làm lạc, làm tô, lấy phần béo ở trên làm đề hồ. Đề hồ so với phần béo ở trên tô, lạc trở lại còn gọi là làm ra sữa nước chăng? Người kia nói như vậy đâu có thể dùng được? Vua đáp: Người kia nói như vậy là không thể dùng. Na Tiên nói tiếp: Thần của con người như sữa nước. Từ sữa nước thành lạc. Từ lạc thành chất béo. Từ chất béo thành đề hồ. Con người như thế, từ bọt nổi của tinh đến sinh đến trung niên. Từ trung niên đến già đến chết. Sau khi chết thì tinh thần lại thọ thân sinh. Thân người chết rồi nên lại còn sinh thọ một thân. Ví như hai tim đèn lại cùng đốt cháy. Vua nói: Lành thay! Lành thay! (*) (Một đoạn dài từ câu này cho đến (*), văn Hán dịch thiếu chữ, thiếu nghĩa, rất khó đọc, nên Việt dịch không rõ không đạt. Xin tham khảo phần tương đương nơi Bản B ở sau).

Vua lại hỏi Na Tiên: Người không còn sinh nơi đời sau, người ấy đâu có thể tự nhận biết là không còn sinh? Na Tiên thưa: Thật sự là có người có thể tự nhận biết không còn sinh nơi đời sau. Vua hỏi: Do đâu nhận biết? Na Tiên đáp: Người ấy tự nhận biết không còn có ái ân (Tham ái), không còn có tham dục, không có các thứ ác. Do đấy tự nhận biết không còn sinh nơi đời sau. Na Tiên hỏi vua: Ví như người làm ruộng gieo trồng lúa thóc, được mùa nên thu góp lại cất chứa đầy bồ, đầy lẫm. Đến nơi năm sau không còn cày cấy gieo trồng nữa, nhưng lại trông mong có được lúa thóc chăng? Vua đáp: Không còn trông mong có được lúa thóc nữa. Na Tiên nói: Người tu đạo cũng như thế. Đã trừ bỏ ân ái khổ vui, không còn tham dục, thế nên tự nhận biết là nơi đời sau không còn sinh. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Người kia, nơi đời sau không còn sinh, thì đối với hiện tại tức có trí khác với người thường chăng? Na Tiên đáp: Đúng là khác đối với những người thường. Vua nói: Minh cùng với trí là đồng chăng? Na Tiên thưa: Minh cùng với trí là như nhau. Vua nói: Người có minh, trí đâu có thể đều nhận biết về nhiều sự việc, tạo một sự việc thành năm sự việc chăng? Na Tiên đáp: Tạo nhiều sự việc đã thành không phải là một. Ví như nơi một mảnh đất gieo trồng lúa thóc, vào lúc lúa thóc kia sinh khởi thì mỗi mỗi đều tự sinh chủng loại. Năm sự nơi thân người đều do nhiều sự việc, đều có chỗ thành. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

Vua lại hỏi Na Tiên: Người ở thế gian, đầu mặt mắt tai, thân thể, bốn chi đều gồm đủ, vì sao có người thì trường mạng, có kẻ thì đoản mạng? Có người thì nhiều bệnh, có kẻ thì ít bệnh? Có người thì nghèo, có kẻ thì giàu? Có người là trưởng giả, có kẻ là thấp kém? Có người thì xinh đẹp, có kẻ thì xấu xí? Có người được người tin tưởng, có kẻ bị người nghi ngờ? Có người thì thông sáng, có kẻ thì tối tăm? Vì sao không đồng? Na Tiên thưa: Ví như các thứ cây cối sinh quả, có thứ thì chua, có thứ thì đắng, có thứ thì cay, có thứ thì ngọt. Na Tiên hỏi vua: Những thứ cây cối này, vì sao không đồng? Vua đáp: Không đồng là vì các thứ cây trồng đều khác. Na Tiên nói: Con người tạo tác, hành nghiệp mỗi mỗi đều khác không giống nhau, thế nên có thọ mạng dài ngắn, có nhiều bệnh ít bệnh, có giàu có nghèo, có sang có hèn, có xinh đẹp có xấu xí, có lời nói tin dùng, có lời nói không tin dùng, có thông sáng có tối tăm. Na Tiên nói tiếp: Kinh Phật nêu rõ: Giàu sang bần cùng, đẹp xấu, đều từ chỗ tạo tác thiện ác của túc mạng, tự theo đấy hành tác mà được. Vua nói: Lành thay! Lành thay!

HẾT – QUYỂN THƯỢNG

* Thiếu Quyển Hạ theo bản in của Tuệ Quang Foundation